• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Ai là hoàng hậu cuối cùng của nước ta? Cho biết về cuộc đời, sự nghiệp và đóng góp của bà trong lịch

ngan trang

New member
CÂU HỎI VÀ CÂU TRẢ LỜICâu hỏi: Ai là hoàng hậu cuối cùng của nước ta? Cho biết về cuộc đời, sự nghiệp và đóng góp của bà trong lịch sử nước ta? Trả lời: Hoàng hậu Nam Phương tên thật là Nguyễn Hữu Thị Loan (1914 – 1963) là vợ vua Bảo Đại và là hoàng hậu cuối cùng của nhà Nguyễn và của chế độ phong kiến Việt Nam.
Nguyễn Hữu Thị Loan vốn quê ở Gò Công tỉnh Tiền Giang ngày nay, là con của đại thần Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bính. Sống trong gia đình theo đạo Thiên chúa, có quốc tịch Pháp nên Nguyễn Hữu Thị Loan còn có tên thánh là Marie Thérèse.
Năm 1926, Nguyễn Hữu Thị Loan sang Pháp du học tại trường dòng nữ Couvent des Oiseaux danh tiếng của Paris. Tại trường ngoài việc học tập Nguyễn Hữu Thị Loan còn chơi thể thao, âm nhạc. Năm 1932 bà đậu tú tài. Nổi tiếng là người xinh đẹp cô gái trẻ xuân sắc xứ Gò Công này đã từng 3 năm liền đoạt giải Hoa hậu Đông Dương, một thành tích đáng nể hiếm ai bì kịp.
Vẻ đẹp sắc nước hương trời cùng với lối cư xử hiện đại mang một chút văn hóa Pháp Âu bà đã chinh phục Bảo Đại ngay lần gặp gỡ đầu tiên tại buổi tiệc chiêu đãi ở khách sạn Palace năm 1934.
Hôn lễ giữa ông vua xứ Nam và hoa hậu Đông Dương, tú tài trường dòng Couvent des Oiseaux đã được tổ chức ngay sau đó vào ngày 20.3.1934. Sự kiện này làm chấn động cả triều đình An Nam phong kiến nhà Nguyễn lúc bấy giờ bởi theo truyền thống hoàng hậu do Tôn nhân phủ, Hoàng Thái hậu chọn vợ cho vua, người vợ đó phải hội tụ đủ tất cả những đức tính truyền thống của phụ nữ Việt, hiểu nghi lễ triều đình, xuất thân đài các, danh giá. Còn Nguyễn Hữu thị Loan thì sao? Bà là người theo đạo thiên chúa, có quốc tịch Pháp, có lối sống Pháp, một sự khác biệt quá lớn, trái ngược hẳn chỉ tiêu của triều đình nhà Nguyễn tôn trọng lễ nghi truyền thống và theo đạo Nho, xem nhẹ Thiên chúa giáo, thậm chí là có ác cảm.
Thế nhưng vua Bảo Đại đã vượt qua tất cả những lễ nghi phong kiến ràng buộc nghìn đời nay đã lấy bà bởi sức hấp dẫn từ người con gái này, lại ưu ái thực hiện tất cả những yêu cầu Nguyễn Hữu Thị Loan đưa ra như: tấn phong làm Hoàng hậu ngay trong ngày cưới, một biệt lệ bởi từ đời vua Minh Mạng đặt lệ Tứ bất vợ chính của vua chỉ được phong Hoàng hậu khi đã mất. Lại cho bà được phép giữ nguyên tôn giáo của mình, thậm chí sẵn sàng xin phép tòa thánh La Mã rồi mới làm lễ cưới, cho bà được dùng màu vàng là màu chỉ dành cho vua.
Những điểm trên là sự ưu ái chưa từng có từ trước tới thời điểm Bảo Đại, đủ thấy sức hút của bà đối với vị vua trẻ như thế nào. Đồng thời cái tên Nam phương hoàng hậu do Bảo Đại đặt cũng nói lên phần nào với ý nghĩa là Hương thơm phương Nam.
Nhưng nếu chỉ vì sắc đẹp liệu vị Hoàng hậu cuối cùng của nhà Nguyễn, của chế độ phong kiến Việt Nam có lẫn vào vô vàn những bà hoàng hậu khác trong lịch sử không? Không chỉ có sắc, bà còn có công rất lớn với nước, với nhà không nhỏ, điều đó làm nên nét đẹp riêng, nét đặc biệt của bậc mẫu nghi thiên hạ này, khác hẳn với những bông hoa đẹp chỉ trưng trong tủ kính mà không tỏa hương. Còn hương thơm của bà thì tỏa mãi qua những việc ích nước lợi dân của mình.
Đối với nhà Nguyễn: Là vị hoàng hậu trẻ khác tôn giáo, quốc tịch, văn hóa… rõ ràng là một trở ngại cho hoàng hậu Nam phương trong cuộc sống cung đình. Nhưng bà nhanh chóng hòa nhập, đúng hơn là Nam phương hoàng hậu biết kết hợp khéo léo giữa truyền thống và hiện đại.
Trong cuộc sống với Bảo Đại bà có cùng vua 5 người con: thái tử Bảo Long, công chúa Phương Mai, công chúa Phương Liên, công chúa Phương Dung, hoàng tử Bảo Thắng, bà làm tròn trách nhiệm người mẹ, trực tiép chăm lo dạy dỗ các con nên người.
Đối với hoàng tộc: Nam Phương hoàng hậu rất chu đáo lo cúng giỗ các Tiên đế, vấn an sức khỏe các Tiên cung, mẹ chồng. Cả sau này khi vua Bảo Đại không ở bên bà vẫn chăm sóc chu đáo bà mẹ chồng Từ cung của mình, vợ hiền dâu thảo chính là ở đó.
Đồng thời Nam Phương hoàng hậu cũng là cầu nối dung hòa mối quan hệ giữa chức sắc người Pháp, quan lại theo dạo Thiên chúa với người hoàng tộc nhà Nguyễn theo đạo Nho giáo vốn xưa nay vẫn trong tình trạng “cơm chẳng lành, canh không ngọt”. Thậm chí năm 1934 bà làm một chuyện chưa từng có, thuyết phục được cả vua Bảo Đại cùng mình thăm Vatican.
Trong quan hệ với chồng bà đem nghĩa phu thê đối đãi, chăm lo cho Bảo Đại, cùng lo lắng, góp ý cho chồng trong việc quốc gia đại sự.
Khi vua Bảo Đại còn tại vị, bằng sự thông minh, khéo léo trong ứng xử, nam Phương hoàng hậu cùng chồng làm ngoại giao. Năm 1942 quốc vương Sihaoud của Camphuchia thăm Huế, được bà tiếp đón rất trọng thể, nên có ấn tượng rất tốt về bà, đó cũng là lý do vì sao sau đó quốc vương xứ Chùa Tháp thiết tha mời vợ chồng bà sang thăm nước mình.
Triều đình nhà Nguyễn bị sự chi phối mạnh mẽ của người Pháp. Biết vạy nên mỗi khi vua bảo Đại sắp bị thực dân Pháp bắt ép kí những văn bản có hại cho đất nước, hoàng hậu Nam Phương lại khuyên chồng đi nghỉ mát ở Đà Lạt hay đi săn bắn ở nơi khác để khỏi phải ký những văn bản đó.
Hoạt dộng xã hội, làm từ thiện cũng là một hoạt động thường xy\uyên của của hoàng hậu Nam Phương, bà thường đến các nhà thờ nghèo để đóng góp, lại tham dự các buổi phát phần thưởng cho học sinh giỏi ở Trung kỳ để khuyến khích việc học; thăm trường nữ học Đồng Khánh, Nữ công học hội… để hiểu rõ hơn tình hình giáo dục giành cho giới nữ.
Sau khi vua Bảo Đại thoái vị ngày 30.8.1945, dù không còn là mẫu nghi thiên hạ nhưng với tấm lòng của một người dân đối với nước, chứng kiến cảnh chiến tranh do thực dân Pháp gây ra lần thứ hai ở Việt Nam (1945 – 1954), bà đã thể hiện trách nhiệm của một người công dân yêu nước bằng cách gửi một bức thông điệp cho bạn bè ở châu Âu và trên thế giới kêu gọi họ tố cáo tội ác của thực dân Pháp với lời lẽ vô cùng thiết tha.
Trong Tuần lễ vàng nhằm khắc phục tình trạng trống rỗng ngân sách được chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đứng đầu là Hồ Chủ tịch phát động, cựu hoàng hậu là người đã có công rất lớn đối với Tuần lễ vàng ở Huế. Ngày 17.9.1945 Tuần lễ vàng khai mạc tại phía Nam sông Hương, bà là người đầu tiên cởi toàn bộ trang sức kiềng vàng, bông tai, xuyến… đeo trên người ra quyên góp giữa tiếng vỗ tay nhiệt liệt của dân chúng. Với hành động, nghĩa cử cao đẹp và gương mẫu đi đầu đó bà được mời làm chủ tọa Tuần lễ vàng tại Huế. Từ hành động của cựu hoàng hậu Nam Phương đã lan rộng ra khắp các giai tầng dân chúng ở Huế. Tuần lễ vàng tại Huế nói riêng và cả nước nói chung nhờ đó giành được kết quả tốt đẹp.
Sinh thời hoàng hậu Nam Phương cũng rất qúy trọng Bác Hồ như bất kỳ người dân yêu nước Việt Nam nào khác, mỗi khi nhắc đến người bà đều dùng hai chữ trân trọng: Cụ Hồ hoặc Hồ Chủ tịch.
Năm 1947 Nam Phương cùng con cái sang Pháp định cư tại làng Perche ở Chabrignac, tỉnh Concrèze của Pháp. Dù sống trong giàu có, sở hữu nhiều tài sản nhưng bà sống rất giản dị rồi mất bệnh vào ngày 14.9.1963. Ngôi mộ đơn sơ đặt tại nghĩa trang nhà thờ Chabrignac, kết thúc một câu chuyện đẹp về người đàn bà tài sắc, đức hạnh, mẫu mực của chế độ phong kiến Việt Nam.

Tham Khảo:

  1. <LI class=MsoNormal style="TEXT-ALIGN: justify">Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh <LI class=MsoNormal style="TEXT-ALIGN: justify">https://www.viendu.com
  2. https://www.hatay.gov.vn/tintuc_chitiet.asp?id=211&catid=DITICH
Nguồn: Trần Đình Ba
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top