ĐẠI HỌC XANH Ở VIỆT NAM?
30 diễn giả và hơn 150 khách mời từ nhiều quốc gia vừa tham gia một hội thảo quốc tế tổ chức tại TPHCM để phân tích “Điều gì tạo nên một trường ĐH xanh tại Việt Nam?”
Khái niệm ĐH xanh xuất hiện vào năm 1990, khi lãnh đạo 22 trường ĐH hàng đầu thế giới họp tại Pháp và cùng ký vào bản tuyên bố Talloires, gồm một chương trình hành động nhằm định hướng cho các trường ĐH hướng đến sự bền vững trong bối cảnh thế giới lo ngại tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng.
Không gian xanh rất lý tưởng của Trường ĐH Bách khoa TPHCM. Ảnh: Tư liệu
Định nghĩa ĐH xanh, theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trường ĐH tư thục Trí Việt, trước hết phải có khuôn viên xanh, giảm tác động tối đa đến môi trường. Bên cạnh đó, còn cần các yếu tố như quản trị bền vững, quản lý hiệu quả, xây dựng nhận thức cho sinh viên và giảng viên về những hành vi thân thiện với môi trường, bảo đảm sự hài hòa giữa giáo dục và lối sống; quá trình hoạt động phải bảo đảm tính hợp lý theo hướng bền vững, lâu dài.
Tại Việt Nam, khái niệm ĐH xanh vẫn còn mới mẻ nên bà Ninh cho rằng cần phải thay đổi nhận thức của cả lãnh đạo trường và sinh viên. Nếu chỉ thay đổi từ phía sinh viên thì quá trình xây dựng trường ĐH xanh sẽ diễn ra chậm. Ngược lại, nếu chỉ từ phía nhà trường mà không có sự ủng hộ của sinh viên, cũng sẽ khó thành công.
Để đạt được những tiêu chí của ĐH xanh trong điều kiện của Việt Nam, các chuyên gia thống nhất là cần xây dựng một khung nguyên tắc bao gồm hệ thống những tiêu chuẩn xanh cho khuôn viên của trường ĐH, cẩm nang về quản lý; kế hoạch giảng dạy, học tập và nghiên cứu theo hướng bền vững.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ, dẫn chứng về tình trạng môi trường đang bị xâm hại nghiêm trọng và cho rằng việc xây dựng ĐH xanh sẽ góp phần giải quyết một phần nhận thức của sinh viên, đồng thời tạo nên những nhà trường hiện đại, thân thiện với môi trường.
Ngại ngần vì ngộ nhận
Khó khăn lớn nhất để có một ĐH xanh, theo ông Lạng, các trường cần có hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước hiện đại, cây xanh và bãi đỗ xe hài hòa; hình thành tòa nhà thông minh với việc sử dụng năng lượng mặt trời, hệ thống đèn tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, cần xây dựng được đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm và tâm huyết; sự ủng hộ của các cấp chính quyền, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư.
Lấy kinh nghiệm trong quá trình tư vấn, xây dựng tại Đông Nam Á, GS Nirmal Kishnani, ĐH Quốc gia Singapore, chỉ ra những ngộ nhận của các nhà lãnh đạo khi xây dựng ĐH, dẫn đến thái độ ngại ngần khi hướng tới việc phát triển bền vững. Đơn cử như sợ tốn kém khi phải thuê chuyên gia tư vấn. Nhiều kiến trúc sư cũng lầm tưởng phải có công nghệ tiên tiến mới tạo được những thiết kế xanh, trong khi nhiều trường hợp có thể sử dụng những nguyên liệu như thảm tái chế hoặc tái tạo năng lượng trong quá trình sử dụng.
“Xây dựng ĐH xanh không quá khó như nhiều người lầm tưởng. Sự phức tạp không phải nằm ở công nghệ, nguồn vốn mà nằm ở việc sử dụng nguyên liệu một cách hữu ích, thông minh”- GS Nirmal Kishnani kết luận.
Gắn sinh viên với cộng đồng
Để củng cố tính bền vững của một ĐH xanh, hầu hết các diễn giả đều cho rằng tính bền vững của trường ĐH phải gắn liền với cộng đồng, xã hội. Trong học tập, giảng dạy, nghiên cứu đều phải nhắm vào mục tiêu phục vụ xã hội, sự bền vững của xã hội. Làm sao để mối quan hệ giữa sinh viên với cộng đồng phải bền vững, khắng khít. Chỉ có như vậy sinh viên mới thực sự thấu hiểu sự phát triển, thay đổi, xu hướng của xã hội để có thể tiên phong trong nghiên cứu phục vụ lợi ích xã hội.
GS Lloyd Armstrong ĐH Nam California (Hoa Kỳ) cho biết thêm sự gắn kết giữa sinh viên với cộng đồng là sự gắn kết thông tin hai chiều: “Sinh viên đi vào cộng đồng để tham gia các dự án, thông qua đó sẽ cập nhật thông tin và giúp nâng cao kiến thức cho cộng đồng. Ngược lại, cộng đồng sẽ giúp sinh viên hiểu biết về các vấn đề khó khăn có thực, những khó khăn ấy chưa hẳn có trong sách vở”.
Theo: NLĐ