Đại học tư thục chỉ vì lợi nhuận?

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Đại học tư thục chỉ vì lợi nhuận?


Nhiều trường vì tối đa hóa lợi nhuận đã thả nổi chất lượng, thậm chí có tình trạng mua bán trường.


Việt Nam hiện có 80 trường ĐH, CĐ ngoài công lập, chiếm 15,7% số sinh viên cả nước. Định hướng của Nhà nước là đến năm 2020, khối ngoài công lập sẽ chiếm 40% tổng số sinh viên. Tuy nhiên, nhiều vấn đề về sở hữu, mối quan hệ giữa nhà giáo dục và nhà đầu tư, khái niệm tư thục vì lợi nhuận và phi lợi nhuận… vẫn chưa được quy định thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật.


Những vấn đề trên đã được đặt ra tại hội thảo Mô hình ĐH tư thục ở Việt Nam do hiệp hội các trường ĐH và CĐ ngoài công lập tổ chức ngày 25-4 tại Hà Nội.

“Lợi nhuận”, “phi lợi nhuận” đều gặp khó


Theo GS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, loại hình trường tư thục mới được công nhận trong quy chế trường ĐH tư thục nhưng thực chất đã tồn tại từ gần 20 năm nay. Các trường tư thục được chia làm hai loại: trường theo đuổi mục tiêu lợi nhuận (có chia lợi nhuận cho cổ đông và đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% lợi nhuận) và trường phi lợi nhuận (không chia lợi nhuận, không nộp thuế).


GS Trần Phương chia sẻ: “Từ năm 2005, khi chính thức chuyển sang mô hình tư thục, ban sáng lập Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ cũng đã tự đặt câu hỏi: Theo mục tiêu vì lợi nhuận hay là phi lợi nhuận? Nếu những người góp vốn được chia lãi cuối năm thì việc góp vốn đương nhiên có sức hấp dẫn cao, trường dễ thu hút đầu tư. Tuy nhiên, mặt bằng học phí của nước ta rất thấp, tỉ suất lợi nhuận rất thấp, nếu chia lợi nhuận cho người góp vốn thì rất khó đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo...”.


9-chot.jpg

Một buổi tư vấn tuyển sinh của Trường ĐH FPT. Ảnh: HTD

Ngược lại, “khó khăn của trường phi lợi nhuận là sẽ không thu hút các nhà đầu tư, còn trường vì lợi nhuận thì dễ bị thương mại hóa” - GS Phạm Phụ (ĐH Bách khoa TP.HCM) nêu vấn đề. Theo ông, ở Việt Nam vẫn chưa thực sự có mô hình ĐH tư thục phi lợi nhuận và càng “sợ hãi” cụm từ “vì lợi nhuận”. Ở các nước châu Á có mô hình nửa lợi nhuận, Việt Nam cần xem xét mô hình này. Các trường tư thục chỉ nên mở cửa một phần đối với nhà đầu tư và Nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ để tránh tình trạng thương mại hóa giáo dục, tối đa hóa lợi nhuận.

Sở hữu mập mờ, trường dễ bị… bán


GS Hoàng Xuân Sính, Hiệu trưởng ĐH Thăng Long, đề nghịcần xác định đúng tương quan vị trí, vai trò của các nhà giáo dục với các nhà đầu tư - chủ sở hữu trường ĐH ngoài công lập.

TS Đặng Văn Định, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Chu Văn An, cho rằng trên thực tế đã xảy ra nhiều mâu thuẫn nội bộ do quyền sở hữu tài sản ở các trường ĐH tư thục còn mập mờ. Ông cảnh báo: “Trường ĐH tư thục hiện nay được phát hành cổ phiếu, chia cổ phần, cũng có cổ đông, HĐQT… giống công ty cổ phần. Cơ sở giáo dục mà như thế thì chất lượng bị thả nổi! Các nhà đầu tư có nhiều tiền, nhiều cổ phần sẽ có tiếng nói quyết định với các vấn đề quan trọng của nhà trường. Nhà giáo, nhà khoa học mà không phải cổ đông lớn sẽ bị bật ra”.

GS Phạm Phụ cũng dẫn chứng việc nhiều trường ĐH tư thục đã bị các cổ đông lớn chi phối theo xu hướng “tối đa hóa lợi nhuận”. “Một lớp học đáng ra chỉ có vài chục sinh viên nhưng trường tăng sĩ số lên gần 300 em thì làm sao đảm bảo chất lượng. Rất nhiều giáo viên, nhà khoa học có tâm huyết giờ chịu bó tay vì họ đã “bán trường” cho nhà đầu tư rồi” - GS Phạm Phụ nói.


Tại hội nghị, nhiều ý kiến đã đề xuất phương án mỗi cổ đông của trường ĐH tư thục nên có một phiếu tại đại hội cổ đông, không phụ thuộc vào số vốn góp nhiều hay ít. TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, cho rằng nên thành lập công ty giáo dục (cổ phần) và để công ty này mở trường. “Mô hình trường + công ty sẽ rạch ròi quan hệ giữa chủ sở hữu và người làm công, cho phép vận dụng sức mạnh của cả Luật Doanh nghiệp và Luật Giáo dục, giải quyết triệt để vấn đề tài chính, nhân sự, tổ chức” - ông Tùng nói.


Đối với các trường ĐH vì lợi nhuận, Canada vẫn “không khuyến khích và còn tranh cãi”; tại Mỹ “còn chưa được giải quyết” và số sinh viên các trường ĐH này chỉ chiếm khoảng 1%. Ở Ấn Độ, các trường này vẫn được gọi là “những cửa hàng bán lẻ tri thức” và nhiều lời lẽ nặng lời khác.
GS PHẠM PHỤ, ĐH Bách khoa TP.HCM

Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội theo mô hình phi lợi nhuận, không chia lợi nhuận cho người góp vốn nhưng vẫn trả cho họ một khoản cố định giống như lãi suất tiền gửi tiết kiệm của ngân hàng, có phần nhỉnh hơn một chút. Lãi suất này được nhà trường hạch toán vào chi phí, giống như lãi suất khi phải vay vốn ngân hàng. Trường chúng tôi giống như hợp tác xã của những người lao động (nòng cốt là những người lao động trí óc) tự nguyện góp sức, góp vốn để xây dựng và phát triển nhà trường vì sứ mệnh trồng người.

GS TRẦN PHƯƠNG,
Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Giáo dục bao giờ cũng bội chi. Nếu có lãi trong giáo dục thì đó là những con người mà ngành giáo dục đã đào tạo cho xã hội. Nhà nước cần giúp đỡ cho các trường ĐH tư thục, nhất là trong 10 năm đầu mới thành lập, vì các năm đó bao giờ cũng ăn vào vốn rất nhiều để xây dựng thương hiệu.
GS HOÀNG XUÂN SÍNH, Hiệu trưởng ĐH Thăng Long.




Theo PLTP
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top