• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Đại học đẳng cấp quốc tế VN: Giấc mơ lãng mạn?

banvatoi

New member
Xu
0
Những dữ liệu mang tính so sánh... cho thấy nếu không có một sự bứt phá trong cải cách giáo dục ĐH, giấc mơ "đẳng cấp quốc tế" của chúng ta vẫn chỉ là 1 giấc mơ... lãng mạn.

Giáo dục ĐH Việt Nam và Thái Lan

Có dạo, các nhà hoạch định chính sách giáo dục Việt Nam xem xét nhiều mô hình ĐH trên thế giới để tham khảo và đi đến cải cách giáo dục, và mơ ước xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế. Một trong những nước được nhiều chú ý là Thái Lan, bởi vì thành tựu giáo dục ĐH của Thái Lan có thể nói là đáng khen ngợi. Chỉ trong vòng 50 năm phát triển, Thái Lan đã có một hệ thống giáo dục ĐH tương đối hoàn chỉnh.

Một số ĐH Thái Lan đã trở thành những trung tâm giáo dục có uy tín ở châu Á, với nhiều sinh viên nước ngoài đến học. Ngay cả các quĩ học bổng quốc tế tuyển sinh Việt Nam cũng có khi gửi sinh viên sang Thái Lan học. Ngày nay, một số ĐH lớn của Thái Lan thậm chí còn vươn ra xa thu hút sinh viên từ Việt Nam và các nước trong vùng! Do đó, tìm hiểu hệ thống ĐH Thái Lan cũng có thể cung cấp cho chúng ta một vài thông tin có ích.

Nhân đọc một tài liệu về hệ thống giáo dục ĐH của Thái Lan, tôi thấy vài con số thú vị, và tóm lược trong bảng dưới đây. Tôi đặt những con số này bên cạnh Việt Nam để chúng ta có vài nét "phác họa" chung cho 2 hệ thống giáo dục và nhận ra một số khác biệt đáng chú ý.

Số lượng ĐH của Việt Nam trong niên học 2007-2008 là 160 trường, còn Thái Lan là 112 trường. Tính trung bình, cứ 536 nghìn dân chúng ta có một trường ĐH, còn bên Thái Lan, con số này là 569 ngàn dân. Trong số 160 trường ĐH Việt Nam, 120 trường (chiếm 75%) là công lập, trong khi đó, tỉ lệ trường công lập của Thái Lan là 78/112 (70%).

Hệ thống giáo dục ĐH của Thái Lan có thể chia làm 4 nhóm. Nhóm thứ 1 bao gồm các ĐH công lập dưới sự quản lí của Bộ ĐH. Nhóm thứ 2 bao gồm các ĐH tư nhân cũng chịu sự quản lí của Bộ ĐH. Thật ra, nói là Bộ ĐH quản lí, nhưng trong thực tế thì các ĐH này đều tự chủ, và bộ chỉ quản lí định hướng và chính sách chung, chứ không can thiệp vào chính sách tuyển sinh hay quản lí của ĐH.
Nhóm thứ 3 là những học viện và trường cao đẳng do các bộ khác (như Bộ Giáo dục, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng) quản lí. Nhóm thứ 4 là những viện chuyên ngành của các đoàn thể quốc gia hay tổ chức quốc tế (như Viện Công nghệ Á châu - Asian Institute of Technology), ĐH Phật giáo Mahamongkut, ĐH Phật giáo Mahachulalongkorn... v.v...

Số liệu của Việt Nam có thể download từ trang nhà của Bộ GD và ĐT. Số liệu của Thái Lan trích từ tài liệu "Higher education in Thailand" của Ủy ban Giáo dục ĐH Thái Lan, năm 2007-2008.

Tuy Việt Nam có nhiều ĐH hơn, nhưng số sinh viên ít hơn Thái Lan. Trong niên học 2007-2008, Việt Nam có 1.18 triệu sinh viên, chỉ bằng 58% số sinh viên của Thái Lan (2.03 triệu). Số sinh viên tính trên dân số của Việt Nam cũng thấp hơn Thái Lan. Ở Việt Nam, cứ 1000 dân có 14 sinh viên. Còn ở Thái Lan, tính trung bình có 32 sinh viên trên 1000 dân.

Tính trung bình, mỗi ĐH công lập Việt Nam có 8643 sinh viên, nhỏ hơn so với ĐH công của Thái Lan (có gần 14,000 sinh viên). ĐH dân lập Việt Nam thường nhỏ, với số sinh viên trung bình là gần 3600, còn Thái Lan con số này là gần 28,000.

Trong niên học 2007-2008, có 152,272 sinh viên Việt Nam tốt nghiệp đại học. Con số này bằng khoảng 46% số sinh viên Thái Lan tốt nghiệp.

Tuy Việt Nam có nhiều ĐH, nhưng số giảng viên cũng ít hơn Thái Lan. Theo thống kê của Bộ GD và ĐT, năm 2007-2008, chúng ta có 38,217 giảng viên trong 160 ĐH. Trong cùng niên học, Thái Lan có gần 60,000 giảng viên. Tính trung bình, mỗi ĐH Việt Nam có 239 giảng viên, chỉ bẳng 45% của Thái Lan (trung bình có 532 giảng viên cho mỗi ĐH). Đáng chú ý là số giảng viên cho mỗi ĐH tư ở Việt Nam chỉ 82 người, trong khi đó con số này ở Thái Lan là 416 người.

Tuy nhiên, số sinh viên/ giảng viên giữa 2 nước không khác nhau nhiều. Ở ĐH Việt Nam, cứ 31 sinh viên thì có 1 giảng viên (con số này ở ĐH dân lập là 44). Ở ĐH Thái Lan, con số sinh viên cho mỗi giảng viên là 34 (và ĐH tư là 67).

Về trình độ học vấn của giảng viên, có sự khác biệt khá lớn giữa 2 nước. Trong số 38,217 giảng viên ĐH ở Việt Nam, khoảng 15% có bằng tiến sĩ, 40% thạc sĩ, và 44% cử nhân. Ở Thái Lan, trong số 59,562 giảng viên, số có bằng tiến sĩ là 24%, thạc sĩ 60%, và cử nhân 16% (Biểu đồ 1)

bieu-do-230111.png


Phân phối trình độ giảng viên ĐH ở Việt Nam (màu xanh) và Thái Lan (màu tím)

Đẳng cấp quốc tế: Giấc mơ lãng mạn?

Năng suất khoa học Việt Nam cũng thấp hơn Thái Lan. Số bài báo khoa học được công bố trên các tập san quốc tế năm 2009 của Việt Nam là 959 bài, chỉ bằng 21% số bài của Thái Lan (4527 bài). Chẳng những Việt Nam có số bài báo ít hơn, mà tỉ lệ tăng trưởng cũng thấp hơn Thái Lan. So với năm 2005, con số bài báo khoa học từ Thái Lan tăng gần gấp 2 lần, trong khi đó Việt Nam chỉ tăng khoảng 75%.

Nói tóm lại, các dữ liệu thực tế trên đây cho thấy hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam kém hơn hẳn Thái Lan. Việt Nam có nhiều trường ĐH hơn, nhưng về cơ cấu giảng viên và đầu ra khoa học, thì rất kém so với Thái Lan. Chỉ có 15% giảng viên ĐH Việt Nam có bằng tiến sĩ, thấp hơn Thái Lan gần 10%. Ở các nước tiên tiến, khoảng 65-70% giảng viên có trình độ tiến sĩ. Nói chung, ĐH Việt Nam vẫn chủ yếu là cử nhân dạy cử nhân.

Một điều đáng ngạc nhiên là trong số 38,217 giảng viên ĐH ở Việt Nam, chỉ có 2108 người có chức danh GS (303 người) và Phó GS (1805). Nói cách khác, số GS và Phó GS chỉ chiếm khoảng 5% tổng số giảng viên!

Không có con số GS và Phó GS ở Thái Lan, nên không thể so sánh cụ thể, tuy nhiên tôi đoán rằng con số của Thái Lan cao hơn so với Việt Nam. Cần nhắc lại rằng Việt Nam đã phong hàm GS và Phó GS cho khoảng 8,300 người. Những con số trên cho thấy trong số 8300 người, chỉ có 1/4 là giảng viên ĐH, phần 75% còn lại có lẽ là làm quan chức?

dai-hoc-dang-cap-2.jpg


Đại học Chulalongkorn - trường đại học lâu đời nhất Thái Lan

Những con số này còn cho thấy sau 50 năm xây dựng hệ thống ĐH, Thái Lan cũng chỉ có khoảng 25% là tiến sĩ (và chỉ 14000 tiến sĩ), trong khi đó Việt Nam có tham vọng đào tạo 23,000 tiến sĩ trong vòng... 10 năm! Dữ liệu này một lần nữa cho thấy tính khả thi của dự án 2 vạn tiến sĩ là một dấu hỏi lớn.

Hơn 30 năm trước, các ĐH ở miền Nam Việt Nam là những trung tâm đào tạo sinh viên có uy tín trong vùng Đông Nam Á và châu Á nói chung. Thuở đó, có sinh viên từ Đông Nam Á, kể cả Thái Lan, sang Sài Gòn du học.

Ngày nay, trong khi một số ĐH Thái Lan đang trên đường trở thành "đẳng cấp quốc tế" và thậm chí sang Việt Nam chiêu sinh, còn các ĐH Việt Nam thì đang loay hoay tìm kiếm một mô hình phát triển và mong muốn có tên trong danh sách "top 200". Nhưng những dữ liệu mang tính so sánh trên đây cho thấy nếu không có một sự bứt phá trong cải cách giáo dục ĐH, giấc mơ "đẳng cấp quốc tế" của chúng ta vẫn chỉ là 1 giấc mơ... lãng mạn. - VNN
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top