• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam

1. Về nội dung

1.1. Cảm hứng yêu nước


- Là nội dung lớn, xuyên suốt quá trình tồn tại và phát triển của văn học trung đại Việt Nam.

- Gắn liền với tư tưởng “ trung quân ái quốc ”

- Biểu hiện: phong phú, đa dạng

+ Âm điệu hào hùng khi đất nước chống ngoại xâm, âm hưởng bi tráng lúc nước mất nhà tan, giọng điệu thiết tha khi đất nước trong cảnh thái bình thịnh trị.

+ Ý thức độc lập tự chủ, tự cường, tự hào dân tộc, lòng căm thù giặc, tinh thần quyết chiến quyết thắng kẻ thù, tự hào trước chiến công thời đại, truyền thống lịch sử, ca ngợi những người hi sinh vì đất nước, tình yêu thiên nhiên đất nước.



Trong tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi

* Tinh thần yêu nước bộc lộ thông qua luận đề chính nghĩa:

- Tư tưởng nhân nghĩa mới mẻ "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/Quân điếu phạt trước lo trừ bạo", tức hành động nhân nghĩa phải đi liền với tình cảm yêu thương nhân dân, bảo vệ nhân dân khỏi những tai họa xâm lăng, đảm bảo cho nhân dân được một cuộc sống an bình, gắn với lòng yêu nước sâu sắc.

- Khẳng định nền độc lập lâu đời của dân tộc thông qua nhiều khía cạnh khác nhau như nền văn hiến lâu đời, cương vực lãnh thổ, phong tục khác biệt, và độc đáo, khéo léo trong việc so sánh các triều đại, khẳng định việc xưng "đế" của dân tộc Đại Việt.

- Khẳng định nước ta "hào kiệt đời nào cũng có", cùng với việc dẫn ra hàng loạt các chiến tích và sự thất bại thảm hại của vương triều phương Bắc khi tiến quân vào xâm lược nước ta trong lịch sử.

=> Thể hiện sức mạnh của một dân tộc tuy lãnh thổ nhỏ bé, nhưng tinh thần yêu nước, sự đoàn kết chống giặc ngoại xâm thì luôn luôn vĩ đại, sẵn sàng tiêu diệt những kẻ thù to lớn để bảo vệ Tổ quốc từ bao đời.



* Tinh thần yêu nước sâu sắc thể hiện qua việc vạch trần âm mưu đê hèn, tội ác xâm lược của quân Minh:

- Đứng trên lập trường của dân tộc, lòng yêu nước và sự sáng suốt của một nhà chính trị đã chỉ ra âm mưu xâm lược trắng trợn của quân Minh, với danh nghĩa "phù Trần diệt Hồ" mê hoặc lòng dân để đem quân tràn vào nước ta xâm lược, tàn phá.

- Đứng trên lập trường của một người dân Đại Việt, căm thù giặc Minh và đớn đau trước thực cảnh của dân tộc, để vạch trần tội ác của quân xâm lược khi tràn vào lãnh thổ nước ta, tố cáo hành động tàn ác và chủ trương cai trị vô nhân đạo của kẻ thù



* Tinh thần yêu nước thông qua cuộc khởi nghĩa Lam Sơn:

- Tái hiện hình ảnh chủ soái Lê Lợi, người anh hùng tiêu biểu nhất cho tinh thần yêu nước của cả dân tộc, đại diện cho ý chí quyết tâm dẹp giặc ngoại xâm, là niềm tự hào, hy vọng của cả một dân tộc đang lầm than.

- Tái hiện quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm đầy anh dũng, kiên cường của dân tộc ta, biểu hiện rõ nét nhất, mạnh mẽ nhất cho lòng tự tôn dân tộc, quyết tâm bảo vệ mảnh đất quê hương bằng mọi giá.

=> Thể hiện tinh thần yêu nước chung của nhân dân Đại Việt một cách rất khéo léo và tinh tế.

- Kết thúc trận chiến, chúng ta đã không chọn cách đuổi cùng diệt tận mà lại mở đường cho giặc về nước.

=> Đó cũng là một biểu hiện rất tinh tế của lòng yêu nước, là hành động nhân văn bảo vệ đất nước, nhân dân khiến nhà Minh tạm thời không dám manh động, lại làm việc bất nghĩa, để quân dân ta được nghỉ sức xây dựng lại đất nước.



* Tinh thần yêu nước bộc lộ thông qua lời tổng kết:

- Tinh thần yêu nước lần nữa được khẳng định thông qua việc Nguyễn Trãi tuyên bố nền độc lập chủ quyền của dân tộc bằng giọng văn hùng hồn, sắc sảo, niềm tự hào, kiêu hãnh "Xã tắc từ đây vững bền/Giang sơn từ đây đổi mới", mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc, khai sinh ra một triều đại thịnh trị lâu dài.

- Rút ra những bài học cho hậu thế về sau, thể hiện sự chu toàn, cũng như tấm lòng lo nghĩ cho muôn dân.



1.2.Cảm hứng nhân đạo

- Là nội dung lớn, xuyên suốt quá trình tồn tại và phát triển của văn học trung đại Việt Nam.

- Vừa bắt nguồn từ truyền thống nhân đạo của người Việt Nam, từ cội nguồn văn học dân gian, vừa chịu ảnh hưởng tư tưởng nhân văn tích cực vốn có của Phật Giáo, Nho Giáo, Đạo Giáo.

+ Truyền thống nhân đạo của người Việt Nam biểu hiện qua lối sống “ thương người như thể thương thân ”, qua những nguyên tắc đạo lý, những thái độ ứng xử tốt đẹp giữa người với người.

+ Tư tưởng nhân văn của Phật Giáo là từ bi, bác ái; của Nho Giáo là học thuyết nhân nghĩa, tư tưởng thân dân; của Đạo Giáo là sống thuận theo tự nhiên, hoà hợp với tự nhiên.

- Biểu hiện: đa dạng, phong phú

+ Lòng thương người.

+ Lên án, tố cáo những thế lực tàn bạo chà đạo lên con người

+ Khẳng định, đề cao con người về các mặt phẩm chất, tài năng, những khát vọng chân chính: khát vọng về quyền sống, quyền hạnh phúc, quyền tự do…

+ Đề cao những quan hệ đạo đức, đạo lý tốt đẹp giữa người với người.



Biểu hiện của giá trị nhân đạo trong Truyện Kiều:

* Trân trọng vẻ đẹp của con người

- Vẻ đẹp ngoại hình:

+ Miêu tả tỉ mỉ, chi tiết để dựng nên bức chân dung vừa đáng yêu, thiện cảm, vừa trang trọng, quý phái của Thuý Vân:

Vân xem trang trọng khác vời

Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang

Hoa cười ngọc thốt đoan trang

Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da


+ Sử dụng bút pháp “tả mây tô trăng”, “điểm nhãn” để dựng nên bức chân dung sắc sảo, hoàn mỹ của Thuý Kiều:

Kiều càng sắc sảo mặn mà

So về tài sắc lại là phần hơn

Làn thu thủy, nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh




- Vẻ đẹp đức hạnh:

+ Cả Thúy Kiều và Thúy Vân đều có đức hạnh đoan trang, đúng mực:

Phong lưu rất mực hồng quần

Xuân xanh xấp xỉ đến tuần cập kê

Êm đềm trướng rủ màn che

Tường đông ong bướm đi về mặc ai




- Vẻ đẹp tài năng: Nhân vật Thúy Kiều đa tài, mà tài nào cũng xuất sắc, tuyệt đỉnh:

Thông minh vốn sẵn tính trời

Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm

Cung thương làu bậc ngũ âm

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương

Khúc nhà tay lựa nên chương

Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân


→ Trong quan niệm của Nguyễn Du, “chữ tài liền với chữ tai một vần”

⇒ Nói đến cái tài, bên cạnh sự trân trọng còn là một dự cảm bất an cho số phận truân chuyên của con người.



* Thương xót cho số phận đau thương của con người

- Đau xót cho thân phận con người bị chà đạp, khinh rẻ, bị biến thành một món hàng để cân đo đong đếm:

Nỗi mình thêm tức nỗi nhà

Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng

Ngại ngùng dợn gió e sương

Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày
.”



- Đau xót cho cảnh ngộ côi cút, đơn độc nơi lầu Ngưng Bích “khóa xuân”:

Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân

Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung

Bồn bề bát ngát xa trông

Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya

Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng




* Tố cáo, phê phán những thế lực chà đạp lên con người

- Nguyễn Du đã bóc trần cái mác “giám sinh” của họ Mã để cho thấy tính cách vô học, thô thiển của hắn:

Gần miền có một mụ nào

Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh

Hỏi tên, rằng: Mã Giám Sinh

Hỏi quê, rằng: Huyện Lâm Thanh cũng gần

Quá niên trạc ngoại tứ tuần

Mày rầu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao

Trước thầy sau tớ lao xao

Nhà băng đưa lối rước vào lầu trang

Ghế trên ngồi tót sỗ sàng




- Đồng thời ông cũng phẫn nộ trước bản chất con buôn của họ Mã:

Đắn đo cân sắc cân tài

Ép cung cầm nguyệt thử tài quạt thơ

Mặn nồng một vẻ một ưa,

Bằng lòng khách mới tùy cơ dặt dìu.

Rằng: Mua ngọc đến Lam Kiều

Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?




Cò kè bớt một thêm hai



* Thấu hiểu ước mơ của con người

- Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã thể hiện một ước mơ cao cả: Ước mơ một cuộc sống công bằng, cái thiện được khuyến khích, nâng niu, cái ác phải bị trừng phạt, phải trả giá. Nhân vật Từ Hải là đấng anh hùng trượng nghĩa, là người thực hiện ước mơ công lý của Nguyễn Du. Chính Từ Hải là người giải thoát Kiều khỏi chốn lầu xanh, cho Kiều cơ hội đổi đời, và cho Kiều cơ hội báo ân, báo oán → Ước mơ tốt đẹp, đáng trân trọng.



1.3. Cảm hứng thế sự

- Biểu hiện rõ nét từ văn học cuối thời Trần (thế kỉ XIV). Khi triều đại nhà Trần suy thoái là lúc văn học hướng tới phản ánh hiện thực xã hội, phản ánh cuộc sống đau khổ của nhân dân.

- Cảm hứng thế sự trở thành nội dung lớn trong sáng tác của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua những bài thơ viết về nhân tình thế thái.

- Văn học viết về thế sự phát triển trong hai thế kỉ XVIII và XIX. Nhiều tác giả hướng tới hiện thực cuộc sống, hiện thực xã hội đương thời để ghi lại “những điều trông thấy”.

Lê Hữu Trác viết Thượng kinh kí sự, Phạm Đình Hổ viết Vũ trung tùy bút.

- Bức tranh về đời sống nông thôn trong thơ Nguyễn Khuyến, một xã hội thành thị trong thơ Tú Xương. Cảm hứng thế sự trong văn học trung đại đã góp phần tạo tiền đề cho sự ra đời của văn học hiện thực sau này.

1.4. Con người vô ngã và con người hữu ngã

- Vô ngã là một phạm trù đặc trưng của văn học trung đại. Vì đứng trước xã hội, con người chưa tách khỏi môi trường xã hội, còn gắn chặt với cộng đồng, gắn chặt với nước. cá nhân tồn tại trong đất nước, không tồn tại “tự nó và cho nó”. Cá nhân gắn chặt với gia tộc, với tập đoàn”. “Việc sống trong tập đoàn không đè nặng lên nó, ngược lại, đó là ngọn nguồn khoái cảm cho nó…”.

- Con người trung đại thấy mình gắn chặt với cộng đồng là một điều tự nhiên, là vinh dự, là đạo lí nên cảm thấy vui sướng, tự hào. Họ chưa khẳng định rõ bản ngã của mình, một con người vô ngã hoặc chủ yếu là vô ngã. Điều đó chi phối sáng tác, liên quan đến ý nghĩa hình tượng trung tâm trong các tác phẩm văn học.

Bởi vậy, văn chương của Đạo, của Thiền, các vua, các vương hầu… dù nói về triết đạo, thuyết thiền hoặc bày tỏ tấm lòng thương người đượm màu sắc bác ái, từ bi hay vịnh cảnh, đều tập trung nói đến hoài bão to lớn, rõ ràng cho đất nước, cho cộng đồng.

Tuy nhiên, từ thế kỷ XVI trở đi, do nhiều nguyên nhân kinh tế, chính trị tác động mạnh vào xã hội, sự tự ý thức về cá nhân lớn dần lên, đòi được quyền sống và quyền tự bộc lộ mình dù còn phải dè dặt mặt này, mặt nọ thì thì con người chủ yếu vô ngã chuyển sang con người hữu ngã mặc dù vẫn còn vô ngã. Điều đó làm cơ sở cho văn chương nghệ thuật phát triển lên một bước mới.

Biểu hiện cụ thể đó là sự phê phán gắt gao những thói xấu xa, sự xa hoa, phung phí tiền của mồ hôi của nhân dân trong “Thượng kinh kí sự”, hoặc phê phán thẳng thừng, lên án quyết liệt từ vua quan, không trừ thần thánh, bộ lộ hết nỗi khổ của nhân dân trong “Truyền kì mạn lục”.

Đặc biệt từ thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX, tình hình chính trị xã hội có biến động, kéo theo là sự đòi hỏi bức thiết về quyền được sống như một con người… thì con người “hữu ngã” hiện nguyên hình, là con người xương thịt trong cuộc đời. Con người cá nhân lúc này “nó không chỉ là nó, mà còn có đủ sức điển hình cho một hạng người”. Chính sự phát triển mạnh mẽ của tính hữu ngã đã góp phần làm phong phú thêm các thể loại văn học trung đại giai đoạn sau.

2. Nghệ thuật

2.1. Tính quy phạm và phá vỡ tính quy phạm


Tính quy phạm là đặc trưng nghệ thuật nổi bật của văn học trung đại Việt Nam.Tính quy phạm là những quy định chặt chẽ trong những phạm vi giới hạn đã được định sẵn mà người sáng tác văn học buộc phải tuân theo trong quá trình sáng tác

Tính quy phạm được biểu hiện ở nhiều khía cạnh như: Mục đích sáng tác là phải hướng tới việc giáo huấn đạo đức.Văn dĩ tải đạo, thơ dĩ ngôn trí, văn thơ sáng tác là để giáo huấn đạo đức, văn dùng để tải đạo, thơ dùng để bộc lộ ý trí, bày tỏ lòng mình. Thơ đứng đầu trong các loại văn chương theo quy phạm trung đại. Đó là những gì cao quý, sang trọng ví dụ trong việc miêu tả thiếu nữ Thúy Vân, Thúy Kiều thì nguyễn Du thể hiện công thức ước lệ theo tính chất quy phạm của văn học Trung Đại

“Văn xem trang trọng khác vời

Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang

Hoa cười ngọc thốt đoan trang

Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da

Kiều càng sắc sảo mặn mà

So bề tài sắc lại là phần hơn

Làn thu thủy nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”​

=> Vận dụng điển cố cũng là cách thể hiện quy phạm của văn học trung đại khi nêu rõ được đối tượng cụ thể trước mắt hoặc nội tâm nhân vật mà ngòi bút nhà thơ thể hiện. Tính quy phạm tạo nên kiểu ước lệ tượng trưng riêng thiên về công thức trừu tượng nhẹ vefetinhs cá thể cụ thể trong nghệ thuật

Bất quy phạm có nghĩa là không chịu gò mình, tự cởi trói khỏi khuôn khổ, những quy định ràng buộc trong quá trình sáng tác. Trong 10 thế kỷ phát triển, văn học trung đại cũng đã phá bỏ dần tính quy phạm, ước lệ để phát huy cá tính, sáng tạo nội dung và hình thức thể hiện. Khai thác ngôn ngữ dân gian, sáng tạo thể thơ mới, tạo nên khuynh hướng dân chủ văn hóa văn học, thể hiện tinh thần dân tộc, vận dụng thành thạo chữ nôm , thể thơ lục bát, song thất lục bát

Nguyễn Trãi mới thấy sự khác biệt. Với “Quốc âm thi tập” thì nét bất quy phạm lại thể hiện rất rõ. Tát ao, cấy muống, vớt bèo, ươm sen, thuyền lúc nhúc, chợ cá xôn xao, chác cá tươi, quét trúc bước qua suối, gánh nước trăng theo về…là những cảnh quê nghèo trong lành không lấy gì làm cao sang. Tùng, cúc, trúc, mai là khuôn sáo, là công thức chứ dâm bụt, mùng tơi, rồi những con thú như mèo, lợn, trâu có gì là tao nhã.

“Sang cùng khó bởi chưng trời,

Lặn mọc làm chi cho nhọc hơi.

Tả lòng thanh, vị núc nác,

Vun đất ải, luống mồng tơi.

Liêm cần tiết cả, tua hằng nắm,

Trung hiếu niềm xưa, mựa nỡ dời.”



“Ðường thông thuở chống một cày,

Sự thế bao nhiêu vẫn đã khuây.

Bả cái trúc hòng phân suối,

Quét con am để chứa mây”​

Mạn thuật bài 6 (Thú ông này)

Lê Thánh Tông còn táo tợn hơn nữa, bất quy phạm thể hiện cao độ. Dường như không vật gì trong nhà, quanh xóm, dưới tay mà không thành đối tượng cho thơ. Tuy đối tượng tầm thường, quê kệch nhưng hình tượng thơ lại ít nhiều, xa gần được nâng lên thành sang trọng. Vào thời mất nước đen tối, những cay bút nho sĩ nhân dân đã ra sức đả kích, chửi bới, phỉ nhổ lũ người theo giặc giết hại đồng bào rồi trèo lên chức nọ tước kia, giàu sang nổi tiếng: “Dám hỏi: hàm ân người lớp trước Hay là một lũ những hoang quân?” Hay: “Hăm hở trẻ con múa lại hát Đứa thì làm tướng đứa làm yêu” Những viên quan khâm sai, đề đốc Lê Văn Trinh, quan án, quan đề…đều là những con người lòng dạ chúng có khác gì con rận, con cóc, con muỗi, con chó chết trôi…Tất cả những hình tượng trên đều đã bỏ xa những gì được gọi là quy phạm.

2.2. Khuynh hướng trang nhã và xu hướng bình dị

Văn học trung đại có đề tài hướng tới cái cao cả, trang trọng, hình tượng nghệ thuật hướng tới vẻ tao nhã, mĩ lệ với ngôn ngữ cao quý, diễn đạt trau chuốt, hoa mĩ. Tuy nhiên, ở những chặng phát triển cuối, văn học Việt Nam cũng đã có những nỗ lực không nhỏ để tiếp cận với xu hướng bình dân, gần gũi với đời sống của con người Việt Nam.

Tính trang nhã cũng là đặc điểm của văn học trung đại thể hiện ở đề tài, chủ đề hướng tới cao cả, trang trọng hơn cái đười thường, bình dị: ở hình tượng nghệ thuật hướng tới vẻ tao nhã, mĩ lệ hơn vẻ đẹp đơn sơ, mộc mạc. Văn học gắn liền với hiện thực, đưa cái trang trọng tao nhã về gần gũi với đời sống hiện thực, tự nhiên và bình dị.

2.3. Tiếp thu và dân tộc hóa tinh hoa văn hóa nước ngoài

- Văn học trung đại Việt Nam phát triển theo quy luật vừa tiếp thu vừa dân tộc hóa tinh hoa văn học nước ngoài, chủ yếu là văn học Trung Quốc.

- Dùng chữ Hán để sáng tác, tiếp thu thể cổ phong, thể Đưòng luật trong văn vần, thể hịch, cáo, chiếu, biểu, truyện kí, tiểu thuyết chương hồi trong văn xuôi... sử dụng những điển cố, thi liệu Hán văn.

- Quá trình dân tộc hóa đã sáng tạo ra chữ Nôm trên cơ sở những thành tố của chữ Hán để ghi âm, biểu đạt nghĩa tiếng Việt và dùng chữ Nôm trong sáng tác; Việt hóa thể thơ Đường luật thành thơ Nôm Đường luật, thất ngôn xen lục ngôn, sáng tạo các thể thơ như lục bát, song thất lục bát, các thể ngâm khúc, truyện thơ, hát nói; sử dụng lời ăn tiếng nói, cách diễn đạt của nhân dân trong sáng tác.

- Văn học trung đại Việt Nam phát triển trong sự gắn bó với vận mệnh đất nước, nhân dân. Cùng với văn học dân gian, văn học trung đại góp phần làm nên diện mạo hoàn chỉnh và đa dạng của văn học dân tộc.

VD: Tác phẩm văn học Trung Quốc đi vào những tác phẩm lớn của văn học viết của người Việt, sau đó các nhà văn, nhà thơ đã được tiếp thu những điển tích này. Thí dụ, Kim Vân Kiều truyện là tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân (đời Thanh, Trung Quốc). Tác phẩm này đã vào Việt Nam khoảng những năm 60, 70 của thế kỷ XVIII(3). Dựa theo nó, Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều với 3.254 câu thơ lục bát.

2.4. Tính song ngữ trong các thể loại văn học

- Nguyên nhân: Thời trung đại do bị bắt buộc, tiếng Việt chịu ảnh hưởng sâu rộng của tiếng Hán, chữ Hán, văn hóa Hán. Tiếng Hán “trở thành một thứ tiếng nằm trong quỹ đạo của quy luật âm và ngữ âm lịch sử tiếng Việt và văn học chữ Hán của các nhà văn Việt Nam là một bộ phận của văn học Việt Nam”. Hai thứ tiếng, hai bộ phận văn học đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội.

- Tình hình đó tạo nên hiện tượng song ngữ trong văn học. Tính song ngữ tạo thành đặc điểm văn học của nhiều thành phần và không chỉ thể hiện trong dòng văn học chữ Hán và Nôm tách biệt, mà còn thể hiện ở sự xâm nhập, pha trộn của văn học Hán và Nôm.
 
2.5. Văn học chịu sự chi phối của tư tưởng kinh điển, tôn giáo

+ Tư tưởng kinh điển và tôn giáo đã cung cấp cảm hứng, đề tài, chủ đề và gợi ý các thể loại văn học trung đại.

+ Các tôn giáo và học thuyết Phật, Nho, Đạo đã ảnh hưởng và tạo nên những nét đặc thù trong quan niệm của người trung đại về bản chất vũ trụ, không gian, thời gian, thiên nhiên, con người.

+ Tư tưởng tôn giáo và kinh điển đem lại hệ quả quan trọng như: phân biệt văn học linh thiêng và phàm tục; hạn chế sự biểu hiện cá nhân và ý thức cá nhân; mặt khác đem đến việc đề cao nội dung đạo đức và tính chất giáo huấn, văn học có mối quan hệ trực tiếp với tư tưởng.

=> Muốn lí giải những vấn đề thuộc về đặc trưng của văn chương, cái hay cái đẹp của tác phẩm văn chương thời trung đại tất yếu phải dựa trên những quan niệm nghệ thuật đặc thù về thế giới con người thời trung đại.

*VD:

+ Khi tìm hiểu các truyện trong “ Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ, chúng ta thấy các truyện được viết chịu ảnh hưởng của quan điểm Nho giáo và Phật giáo, Thuyết “nhân quả” của đạo Phật ảnh hưởng khá rõ trong các kết thúc câu chuyện.

+ Truyện Kiều – Nguyễn Du

Nàng rằng: Lồng-lộng trời cao,

Hại nhân nhân hại sự nào tại ta?

Đấy là gì nếu không phải là trình bày một cách khác đi vấn-đề “Thiện-nhân thiện báo, ác-nhân ác báo” (Làm lành thì quả-báo tốt, làm ác thì quả-báo xấu) của Nho-học?

câu trên ngoài ảnh-hưởng với thuyết nhân-quả của Phật-giáo, Nguyễn-Du đã đưa ra một vấn-đề rất gần với thuyết “Thiên-mệnh” của Nho-giáo. Và theo Nguyễn-Du trong Truyện Kíều thì thuyết “Thiên-mệnh” này cũng chính là định lý nhân-quả của đạo Phật. Bởi lẽ đó, có nhiều người trong giới bình-dân Việt-Nam, kể cả nàng Kiều, đều tin một cách chắc-chắn rằng: Họa phúc, may hay rủi, vui hay buồn, tất cả đều đo tíền-định, do Thiên mệnh

2.6. Văn học chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn học dân gian

- Văn học viết Việt Nam hay bất kỳ một nền văn học dân tộc nào khác đều phát triển trên cơ sở kế thừa những tinh hoa của văn học dân gian.

- Mối quan hệ giữa văn học viết trung đại Việt Nam và văn học dân gian biểu hiện ở chỗ: văn học viết tiếp thu văn học dân gian từ đề tài, thi liệu, ngôn ngữ, quan niệm thẩm mĩ ở khía cạnh ngôn ngữ và thể loại.

- Trong quá trình phát triển hai thể loại luôn có mối quan hệ biện chứng, tác động, bổ sung lẫn nhau để cùng phát triển.

- Văn học dân gian là nền tảng của sự hình thành các thể loại tự sự, các tập văn xuôi chữ Hán, các truyện Nôm và các tập thơ ca của tác giả.,



* VD:

+ Nguyễn Dữ trong “Truyền kỳ mạn lục” đã đưa motip truyện dân gian như “lấy vợ kì dị”. “gặp gỡ người chết”, “xuống thủy cung”… để tạo ra câu chuyện mới.

+ “Đại Việt sử kí toàn thư” của Ngô Sĩ Liên có nhiều tư liệu dân gian để viết chính sửa của nhà nước, nhiều sự tích vốn có của nguồn gốc từ truyền thuyết dân gian như công cuộc xây dựng thành của An Dương Vương với việc thần Kim Quy trừ tinh gà trắng và cho nhà vua móng vuốt làm lẫy nỏ. thời thơ ấu của Đinh Bộ Lĩnh với việc “cờ lau tập trận” và việc rồng hiện lên cứu Bộ Lĩnh qua sông…

2.7. Văn học sử dụng hệ thống ước lệ phức tạp và nghiêm ngặt

- Văn học trung đại, ước lệ được nhà văn sử dụng triệt để, nghiêm túc và phổ biến. Các nhà văn bao giờ cũng cảm thụ và diễn đạt thế giới bằng hệ thống nghệ thuật ước lệ tượng trưng và đã trở thành một đặc trưng thi pháp của văn học.

- Đặc trưng thi pháp này hình thành từ bối cảnh lịch sử xã hội phong kiến và cảm quan thẩm mỹ của tầng lớp nghệ sĩ Hán học.

- Ước lệ là cách quy ước biểu trưng trong biểu hiện nghệ thuật. Hiểu đơn giản, ước lệ là quy ước về chuẩn mực so sánh giữa các sự vật hiện tượng nhằm tạo ra một cách hiểu chung nào đó trong văn học nghệ thuật và trong đời sống.

- Tượng trưng là dùng một hình tượng cụ thể đặc định để biểu hiện một khái niệm, tư tưởng hoặc tình cảm tương tự. Tượng trưng thường mang tính trừu tượng.

- Tính ước lệ tượng trưng trong văn học nghệ thuật:

+ Bút pháp ước lệ tượng trưng là cách sử dụng những quy ước trong biểu hiện nghệ thuật như dùng hình tượng thiên nhiên đẹp: “trăng”,”hoa”,”ngọc”,”tuyết”… để nói về vẻ đẹp của con người. Thủ pháp ước lệ tượng trưng nghiêng về nghệ thuật gợi, tác động tới người đọc thông qua sự phán đoán, trí tưởng tượng chứ không miêu tả cụ thể, tỉ mỉ.

+ Ước lệ tượng trưng là một đặc điểm của nghệ thuật thơ văn cổ. Đó là cách diễn đạt theo qui ước, khuôn mẫu có sẵn làm cho lời thơ, lời văn thêm tao nhã, thâm thuý.

* Ví dụ:

- Truyện kiều – Nguyễn Du

Với những hình ảnh ước lệ tượng trưng quen thuộc nhưng Nguyễn Du đã chọn lọc một cách tài tình miêu tả được những bức chân dung với nhiều vẻ đẹp khác nhau để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

+ Khi tả chị em Thuý Kiều: “Mai cốt cách, tuyết tinh thần”.

=> Dáng vẻ của họ thanh tú như cây mai, tâm hồn trong trắng như tuyết

+ Tả Thuý Vân:

“Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang

Hoa cười ngọc thốt đoan trang

Mây thua nước tóc tuyết nhương màu da”

=> Qua nhiều hình ảnh ước lệ “khuôn trăng”, nét ngài” hay “ngọc”, “mây”, “tuyết” ta không kể hết được tỉ mỉ nhan sắc Thuý Vân nhưng ta biết được nhan sắc ấy rất tuyệt trần. Vẻ đẹp “trang trọng, dầy đặn” “nở nang, đoan trang”, “mây thua, tuyết nhường” luôn tạo cho mọi người xung quanh một tình cảm yêu mến, độ lượng . Vân hiện lên với chân dung một cô gái đoan trang, phúc hậu.

+ Tả Thuý Kiều:

“Làn thu thuỷ, nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”

=> Nguyễn Du cũng dùng những hình ảnh ước lệ quen thuộc “làn thu thuỷ”, “nét xuân sơn” để chỉ ánh mắt, lông mày. Tuy vậy với những hình ảnh “hoa ghen, liễu hờn” nhà thơ đã cho thấy nhan sắc Thuý Kiều thuộc loại nhan sắc độc đáo kì lạ, vượt lên sự bình thường. Vẻ đẹp “sắc sảo, mặn mà”.

+ Tả Từ Hải:

“Râu hùm hàm én mày ngài

Vai năm tấc rộng thân mười thước cao”

=> Cách nói ước lệ “râu hùm”, “hàm én”, “mày ngài” để miêu tả vẻ đẹp đường bệ, uy nghi, phi thường của một nhân vật anh hùng, hiệp sĩ

- Bài ca ngắn đi trên bãi cát – Cao Bá Quát

+ Bút pháp ước lệ tượng trưng sử dụng hiệu quả, hình ảnh bãi cát như con đường danh lợi nhọc nhằn, gian khổ

+ Những người tất tả đi trên cát là những người ham công danh, sẵn sàng vì nó chạy ngược xuôi

+ Nhà thơ gọi đường mình đi là đường cùng- con đường công danh vô nghĩa, không giúp ông đạt được lý tưởng cao đẹp.

2.8. Tư duy nguyên hợp và quan điểm “văn- sử- triết bất phân”

- Hiện tượng văn - sử bất phân, văn - triết bất phân, văn - sử - triết bất phân trong văn học trung đại trước hết là đặc trưng của văn hoá trung đại nói chung một khi mà khối lượng tri thức của xã hội chưa phong phú tới độ đòi hỏi phải có sự phân ngành rạch ròi như về sau ở thời hiện đại.

- Hiện tượng văn – sử - triết bất phân được thể hiện trong hệ thống thể loại của văn học trung đại, gồm hai loại hình chính là: văn vần (thơ) và văn xuôi

- Hiện tượng văn - sử bất phân, văn - triết bất phân, văn - sử - triết bất phân là hiện tượng đặc thù của văn học trung đại. Nó liên quan đến quy luật văn hoá, quan niệm văn chương ở thời trung đại. Nó thể hiện trong hệ thống thể loại văn học và trong cơ chế nghệ thuật của mỗi tác phẩm văn học cụ thể, đa dạng, biến hoá. Nó còn chi phối cách làm tuyển tập văn thơ.

VD1: Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi là hiện tượng văn -sử -triết bất phân. Ở đây, rõ ràng đã hội tụ đủ cả ba yếu tố văn -sử -triết. Về triết, đó là lý tưởng nhân nghĩa trực tiếp rực sáng lên trong lời mở đầu tác phẩm:

“Từng nghe:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.”

Và tiếp tục chói lọi ở cuối tác phẩm:

“Xã tắc từ đây vững bền

Giang sơn từ đây đổi mới.

Kiền khôn bĩ mà lại thái

Nhật nguyệt hối mà lại minh.

Muôn thuở nền thái bình vững chắc

Ngàn thu vết nhục nhã sạch làu. ...”

Về sử, đó là một bản tổng kết quá tài tình, theo tiêu chuẩn –cô đúc mà đầy đủ –thì khó trường hợp thứ hai về lịch sử khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo từ buổi đầu vô cùng gian khổ cho đến cuối cùng đại thắng vẻ vang.

Về văn, trước hết là một nguồn cảm xúc trữ tình mang âm hưởng hào hùng bề thế tới mức có thể nói như vô tiền khoáng hậu, chẳng thế mà người đời sau đã mệnh danh là “thiên cổ hùng văn” (bài văn hùng của muôn thuở). Thứ đến, khả năng tư duy hình tượng này vận động ngược chiều nhau. Kẻ thù thì từ chỗ hung hăng tàn bạo đến hết chỗ nói nhưng rồi từng bước thất bại, thất bại sau nặng nề hơn thất bại trước, cuối cùng đại bại. Còn dân tộc, từ chỗ buổi đầu đầy gian truân vất vả, tưởng như thất bại đến nơi, nhưng rồi từng bước trưởng thành, chiến thắng, chiến thắng sau lớn hơn chiến thắng trước, cuối cùng đại thắng. Ở đây, cái phi thường là với mỗi tuyến, trong sự vận động, với từng sự kiện thất bại hay chiến thắng, đều đã có một hình tượng vừa sinh động, vừa phù hợp, không mảy may trùng lặp. Thứ nữa, còn là một năng lực kết cấu hoàn chỉnh, không một chút sơ suất trong một tác phẩm văn chương được viết theo thể cáo, điều không dễ có nhiều.Bình Ngô đại cáoquả là một kiệt tác văn chương kết tinh trên cơ sở của quy luật văn -sử -triết bất phân

Về triết đó là lí tưởng nhân nghĩa trực tiếp sáng rực lên trong lời mở đầu và tiếp tục chói lọi ở cuối tác phẩm

2.9. Thơ trung đại phát triển sớm hơn văn xuôi

- Dưới thời trung đại, văn chính luận mang là công cụ chủ yếu của nhà nước phong kiến. Những đặc thù trong tư duy nghệ thuật, truyền thống sáng tác dẫn đến một thực tế là các tác phẩm văn xuôi hình tượng chỉ chiếm một số lượng khiêm tốn so với các tác phẩm thơ ca.
- Thể thơ được sử dụng phổ biến trong văn học trung đại là thơ Ðường luật. Ðây là hệ quả của quá trình giao lưu văn hóa lâu dài và nằm trong quan niệm thẩm mỹ của các nhà thơ cổ điển. Trong thời kỳ này, thơ Ðường luật đã được chính quy hóa trong văn chương trường ốc và văn chương cử tử. Đây chính là lý do mà thể loại này thống trị thi đàn văn học trung đại.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top