• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Đặc trưng thi pháp sử thi

Chị Lan

New member
ĐẶC TRƯNG THI PHÁP SỬ THI


1. Hiện thực và tưởng tượng trong sử thi


Hiện thực và tưởng tượng trong sử thi thần thoại tương ứng với tính chất của mối quan hệ giữa hiện thực và tưởng tượng trong thể loại thần thoại và truyền thuyết suy nguyên. Theo Meletinsky thì “Nguồn gốc chủ yếu của việc hình thành các sử thi cổ đại là các cổ tích tráng ca (truyền thuyết anh hùng – LĐL) và đặc biệt là huyền thoại và truyện cổ tích nói về các bậc thuỷ tổ -anh hùng văn hoá-nhân vật trung tâm của văn học dân gian thời nguyên thuỷ”. Hiện thực trong sử thi anh hùng là hiện thực lịch sử bộ lạc và các cuộc chiến tranh giành đất đai và người đẹp của các thủ lĩnh bộ lạc. Meletinsky viết tiếp: “Khi chuyển từ huyền thoại sang sử thi anh hùng, nổi lên bình diện thứ nhất là những mối quan hệ của các bộ lạc và các quốc gia cổ đại …Các truyền thuyết thực ra là có tính lịch sử vẫn là ngọn nguồn thứ yếu của sự phát triển sử thi, ở mức độ nhất định, chúng tồn tại bên cạnh nhau và hầu như không hoà lẫn vào nhau”.

Sự tưởng tượng trong sử thi thần thoại thể hiện trong sự lý giải về nguồn gốc vũ trụ và con người, thần thánh hoá các nhân vật khai sáng. Ước mơ trong sử thi anh hùng là sự thần tượng hoá nhân vật thủ lĩnh bộ lạc về tài năng của họ, cấp cho họ những phẩm chất tuyệt hảo mà người thường không có. Tài năng của nhân vật anh hùng một phần là chính bản thân những nhân vật xuất chúng trong lịch sử bộ lạc nhưng phần khác là sự khái quát hoá, lý tưởng hoá những tài năng của nhiều người anh hùng thời đó, tập trung lại cho một người, người anh hùng thành nhân vật điển hình, lý tưởng tuyệt vời cho tráng sĩ của bộ lạc, dân tộc.


2. Cốt truyện của sử thi

Cốt truyện đa dạng, phức tạp hơn cốt truyện thần thoại và truyền thuyết. Nó là dạng cốt truyện kết hợp giữa thần thoại và truyền thuyết nên có hai cách xây dựng cốt truyện. Cách xây dựng theo cốt truyện thần thoại là bao quanh nhân vật thần, lý giải nguồn gốc dân tộc và cách xây dựng cốt truyện truyền thuyết là bao quanh nhân vật anh hùng. Cách xây dựng cốt truyện sử thi anh hùng có điểm giống cách xây dựng cốt truyện truyền thuyết, chỉ khác nhau mức độ, phạm vi và quy mô. Quy mô của sử thi không chỉ dừng ở khía cạnh xây dựng nhân vật anh hùng mà xây dựng tập thể anh hùng, không chỉ ca ngợi chiến công đánh giặc mà còn chiến công lao động, xây dựng bản làng. Phạm vi miêu tả sử thi bao trùm lên toàn bộ cuộc sống cộng đồng (Truyền thuyết Họ Hồng Bàng có đặc điểm của sử thi anh hùng) chứ không dừng lại ở một mặt, một mảng cuộc sống như truyền thuyết. Chẳng hạn truyền thuyết An Dương Vương chỉ nói về việc xây thành và chống quân Triệu Đà; truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm chỉ nói đến sự nghiệp Lê Lợi chống giặc Minh thắng lợi...

Tuỳ theo loại đề tài mà cốt truyện của sử thi diễn tiến cũng khác nhau. Sử thi anh hùng nằm trong loại đề tài chiến tranh, gồm hai kiểu: a) Đề tài chiến tranh giành lại vợ, tiêu biểu cho loại này là Khan Đam Xăn. Cốt truyện diễn tiến như sau: Lai lịch Đăm Xăn -Đăm Xăn lấy HNhí, HBhí-Đăm xăn đánh Mtao Grứ giành lại vợ - Đăm Xăn đi làm rẫy-Đăm xăn đánh Mtao Ak giành lại vợ - Đăm Xăn đánh Mtao Kuắt giành lại vợ - Đăm xăn đánh Mtao Êa giành lại vợ - Đăm xăn đi lấy thần mặt trời - Đăm Xăn chết, Đăm Xăn cháu thay cậu - Kết thúc. b) Đề tài chiến tranh đòi nợ và trả thù, tiêu biểu cho loại này là Khan Xing Nhã. Cốt truyện diễn tiến như sau: Xinh Nhã ra đời - Giarơ Bú giết bố Xinh Nhã và bắt mẹ chàng làm nô lệ - Xinh Nhã gặp nàng Bơra Tang - Bơra Tang nói cho Xinh Nhã biết thù xưa, Xinh Nhã chuẩn bị trả thù - Gỗn bắt hồn Xinh Nhã và cho uống thuốc thần -Xinh Nhã đến làng Giara Bú, gặp mẹ và nàng Hbia Blao - Xinh Nhã đánh nhau với anh em Giara Bú, kẻ thù bị giết-Kết thúc: Xinh Nhã lấy nàng Hbia Blao, Xinh Mưn lấy Bơra Tang. Xinh Nhã dựng nhà mả cho bố và tổ chức ăn uống linh đình. c) Loại cốt truyện có đề tài hỗn hợp, vừa có đề tài chiến tranh giành lại vợ, vừa có chiến tranh đòi nợ cũ hay trả thù. Loại này có hai kiểu cốt truyện. Kiểu thứ nhất là kiểu cốt truyện đơn. Điển hình cho kiểu này là sử thi Đăm Di. Kiểu thứ hai là kiểu cốt truyện liên kết. Điển hình cho kiểu này là sử thi Mhiêng: Tiểu phẩm 1: Mhiêng mồ côi trở nên giàu có - Mhiêng cướp Hbia Ling Bang - Mhiêng đánh Mtao Grứ giành lại Hbia Ling Bang - Mhiêng đánh Mtao Ak giành lại vợ -Mhiêng đánh Mtao Mxây giành lại vợ, bị Mtao giết. Tiểu phẩm 2: Prah Đam, cháu Mhiêng ra đời-Prah Đam đánh Mtao Mxây để trả thù-Kết thúc: Prah Đam chiến thắng, cứu sống Mhiêng, tổ chức cho Mhiêng và Hbia Ling Bang cưới nhau lại lần hai rất linh đình.Loại đề tài hôn nhân gồm hai kiểu: Đề tài hôn nhân loạn luân và đề tài hôn nhân với ma.

Đỗ Hồng Kỳ khi nghiên cứu Phương thức tự sự chủ yếu của sử thi Đam San đã nêu lên những nhận xét về đặc điểm cốt truyện sử thi này. Cốt truyện sử thi Đam San được mở rộng cấu trúc theo chiều hướng gia tăng phẩm chất anh hùng của nhân vật trung tâm. Nhân vật được đặt vào những hoàn cảnh, những mâu thuẫn ngày càng cao hơn, theo đó là những hành động tương ứng của nhân vật, khiến các biến cố diễn ra và dẫn đến kết thúc cốt truyện. Sử thi Đam San có kết cấu đầu cuối tương ứng, mang tính chất một chu kì khép kín. Đó là kiểu kết cấu do sự chi phối của tâm lý tiếp tục chuê nuê (nối dây) và khát vọng muốn có một vị tù trưởng tài giỏi để dẫn dắt cộng đồng ngày càng giàu mạnh. Những người tạo nên cốt truyện Đam San đã biets chọn những gì và bỏ đi là cần thiết đã khiến cho tác phẩm có dáng dấp của sử thi cổ điển (các tác phẩm sử thi anh hùng là Iliat và Ôđixê của Hômerơ). Nhân vật chính của sử thi ÊĐê thường được nhắc đến thời thơ ấu của họ còn Đam San thì không thấy nói đến thời thơ ấu của nhân vật chính. Thời thơ ấu của Đam San chỉ được nhắc sơ qua kí ức của Hơnhí. Những sáng tạo của này đã tránh được cách làm “kéo dài ra phía trước và phía sau” một cách tùy tiện. Phần kết thúc của sử thi Đam San ít nhiều đã làm cho cốt truyện bị loãng ra nhưng người kể đã biết dừng lại không nhắc tới các sự kiện, hành động và biến cố của cuộc đời cháu. Cốt truyện được triển khai theo nhiều bình diện: phong tục, sản xuất, chiến tranh, thâm nhập tự nhiên. Một tác phẩm không dài mà phản ánh những vấn đề lớn của thời đại, chứa đựng những dung lượng cuộc sống lớn như vậy quả là hiếm trong kho tàng sử thi nước ta và có thể là của thế giới…(Tự sự học. Một vấn đề lý luận và lịch sử, Sđd, tr. 216-218).

3. Đặc trưng nhân vật sử thi

Nhân vật trung tâm của sử thi là nhân vật anh hùng: Anh hùng văn hóa và anh hùng chiến trận. So với thần thoại và truyền thuyết, nhân vật sử thi có nhiều lớp người, nhiều thế hệ. Sử thi thần thoại “Đẻ đất đẻ nước” có đến sáu lớp thế hệ ( truyền thuyết họ Hồng Bàng của người Việt cũng tương tự như vậy). Đó là thế hệ thời hỗn mang gồm ông Thu Tha, bà Thu Thiên. Thế hệ thứ 2 là thế hệ thiên sinh: từ cây si sinh ra mụ Dạ Dần. Thế hệ thứ 3 là hai chàng Bướm Bạc, Bướm Bồ con của mụ Dạ Dần. Thế hệ thứ 4 là Bướm Bạc, Bướm Bờ lấy tiên sinh các con: Cun Khổng Lăng, Cun Khổng Tập, Cun Khổng Tồi và hai cái trứng: trứng chim Tùng, mâi chim Tót. Thế hệ thứ 5, hai chim trống và mái đẻ ra 1919 trứng nở ra thần Chớp, thần Mây trên trời và muôn vật dưới trần gian. Hai chim lại đẻ tiếp một cái trứng khác thường, nở ra người nói tiếng các dân tộc. Trong đó có các anh em của Dịt Dàng, Tà Cái, Cun Cần, Hai Kíp và Chu Chương mường nước. Thế hệ thứ 6 là Cun Tồi, Cun Tàng, Cun Khương và Tóng ín con của Lang Cun Cần. Trong sáu thế hệ thì chỉ có hai thế hệ cuối là người hoàn toàn còn các thế hệ khác hoặc là thần hoặc là nửa người nửa thần. Có thể chia ra các thế hệ nhân vật tiêu biểu của sử thi thần thoại: nhân vật thuộc thế hệ khai sáng gồm ông Thu Thiên, bà Thu Tha, Bướm Bạc, Bướm Bờ, chim Tùng chim Tót. Nhân vật thuộc thế hệ cải tạo thế giới bao gồm: Dịt Dàng, Tà Cái, Cun Cần, Hai Kíp và Chu Chương Mường Nước. Nhân vật thuộc thế hệ xây dựng mường bản và quốc gia phong kiến đầu tiên gồm: Cun Tồi, Cun Khương, Toóng Ín.

Nhân vật chính của sử thi anh hùng là anh hùng chiến trận. Phẩm chất cao quí của nhân vật là lòng dũng cảm xả thân vì cộng đồng trong việc chiến đấu chống kẻ thù và chinh phục thiên nhiên. Con người anh hùng có vẻ đẹp cường tráng của thể chất. Nhân vật anh hùng là hiện thân của ý chí và sức mạnh cộng đồng. Đó là hình tượng khái quát hóa, lý tưởng hóa nhưng cũng mang đậm tính cá thể. Biện pháp khái quát hoá, lý tưởng hoá được sử dụng triệt để trong việc xây dựng nhân vật sử thi. Theo PGS. Phan Đăng Nhật thì đó là “Phương pháp khái quát hiện thực theo tổng loại, một phương pháp phổ biến của Folklore, khác với phương pháp điển hình hoá cá thể là phương pháp của chủ nghĩa hiện thực trong văn học nghệ thuật thời cận hiện đại” (Sử thi ÊĐê, Sđd, tr.218). Sử thi không quan tâm xây dựng một nhân vật cụ thể đời thường và xây dựng một kiểu mẫu nhân vật: nhân vật anh hùng trong chiến tranh giành lại vợ, nhân vật anh hùng trong đòi nợ và trả thù, nhân vật anh hùng trong hôn nhân. Đặc điểm chung của nhân vật anh hùng: đẹp đẽ, oai hùng, giàu sang, dũng cảm, bách chiến bách thắng. Tính kỳ vĩ, hào hùng là đặc trưng của nhân vật anh hùng. Nhân vật có hành động phi thường, kỳ diệu. Ngoài những việc làm đời thường thì con người anh hùng được dân gian tô vẽ lên những kỳ tích mà người thường khó lòng làm được như chặt cây thần linh, chinh phục thần mặt trời trong sử thi Đam Xăn.

Trong số các anh hùng cùng thế hệ thì có một người là anh hùng số 1. Chẳng hạn, anh em Đăm Di có 3 người: Đăm Di là anh cả, thứ hai là Xing Mưn, em út là Xing Mnga thì Xing Mnga là anh hùng số 1. Biểu hiện của thứ bậc này không phải do tuổi tác mà do sức mạnh và tài năng. Người anh hùng số một bao giờ cũng hoàn thành công việc khó khăn một cách dễ dàng mà các anh hùng khác không thực hiện được. Để kể về cuộc đời của nhân vật anh hùng, sử thi có những sự kiện giống nhau như những mô típ mà nhân vật anh hùng nào cũng có: Có mang thần kì, sinh đẻ bất thường, chiến đấu giành lại vợ bị cướp, trả thù, đòi nợ, thi tài thử sức, làm các việc như chặt cây, bắt voi, bắt lơn…Có những sự kiện lặp lại nhiều lần trong đời người anh hùng như sự kiện chiến đấu giành lại vợ: nhân vật Đăn Di (6lần), Hđung Ythu (6lần), Mơ Đrông Dam (4lần), Đăm Xăn (6lần).

Nhân vật nữ tuy không phải là nhân vật chính trong sử thi anh hùng nhưng có vai trò quan trọng trong sự phát triển cốt truyện. Họ là những cô gái đẹp, giàu sang, nắm quyền quyết định kinh tế và quyền lực trong gia đình. Người đàn ông lý tưởng của họ là những chàng trai tài giỏi, người anh hùng, và họ góp phần làm cho người anh hùng trở nên có quyền lực và giàu sang. Họ là nguyên nhân của các cuộc chiến tranh giữa các bộ tộc vì phần lớn các cuộc chiến tranh giữa các tù trưởng đều nhằm mục đích cướp người đẹp và giành lấy người đẹp bị cướp. Người anh hùng nào chiếm được người đẹp thì có quyền lực và giàu sang.

Nhân vật thần là nhân vật phụ nhưng có ảnh hưởng đến tiến trình phát triển cốt truyện. Trong sử thi thần thoại, nhân vật thần và người sống lẫn lộn, quan hệ chi phối lẫn nhau. Trong người có khả năng của thần và thần có tính cách như người. Nhân vật thần và vai trò của thần còn đậm trong sử thi thần thoại như Đẻ đất đẻ nước. Nhưng trong sử thi anh hùng, nhân vật thần có ảnh hưởng chi phối đến cuộc sống con người nhưng không đóng vai trò quyết định. Vị thần xuất hiện xuyên suốt trong các tác phẩm khan là ông bà Giỗn (ông Trời). Vị thần này không được miêu tả kĩ nhưng đây là nhân vật thần có ảnh hưởng đến cuộc sống và đường đời nhân vật anh hùng. Ông thường xuất hiện và can thiệp khi người anh hùng gặp nguy hiểm, khó khăn, trở ngại. Đó là điềukiện giúp người anh hùng thực hiện lý tưởng xã hội. Đăm Xăn không chịu lấy Hnhí, ông Giỗn phải can thiệp, tác động để Đăm Xăn lấy nàng. Đăm Xăn đánh nhau với Mtao Mxây mãi không chiến thắng được, ông Giỗn bày cho cách lấy chày giã gạo lao vào tai Mxây, quả nhiên Mxây bị giết. Xinh Nhã bị voi của Prong Mưng kẹp trong đôi ngà sắp chết thì ông Giỗn ném thuốc tiên xuống tiếp sức cho Xinh Nhã có đủ sức mạnh bẻ hai chiếc ngà của voi. Hai lần cậu cháu Trong Đăn định giết Hbia Dao vì cho đó là người đàn bà đi theo giặc nhưng ông Giỗn xuất hiện không cho giết. Ông Giỗn đóng vai trò là nhân vật trợ giúp như ông Tiên, ông Bụt trong truyện cổ tích chứ không chi phối và can thiệp quá mức như các vị thần trong sử thi Hômerơ hoặc sử thi Ấn Độ. Thậm chí có khi ông Giỗn phải chịu nhượng bộ yêu sách của người anh hùng. Chẳng hạn, Đăm Xăn một lần lên trời yêu cầu ông Giỗn phải cứu sống Hnhí và Hbhí, lần khác đòi hạt giống. Càng về sau, các sử thi “Đăm Đroăn, Đăm Di”, vai trò con người quyết định.

Sử thi anh hùng tính chất nhân vật khác nhiều so với sử thi thần thoại (cũng có thể gọi là sử thi lịch sử vì nó là bộ sử biên niên về quá trình hình thành và phát triển của dân tộc). Chỉ trừ sử thi Đăm Săn có ba lớp thế hệ: Thế hệ cha mẹ Đăm Săn, thế hệ Đăm Săn (Đăm Săn cậu) và thế hệ Đăm Săn cháu còn các sử thi như Đăm Đroăn, Đăm Di chỉ có hai thế hệ. Nhân vật sử thi anh hùng không có nhiều lớp người nhưng có tập thể người trong cộng đồng làng bản, cùng chung vai gánh vác với nhân vật anh hùng nhằm tôn lên vai trò thủ lĩnh của nhân vật anh hùng. Nhân vật trung tâm của sử thi thần thoại là anh hùng khai sáng và anh hùng cải tạo thế giới. Nhân vật trung tâm của sử thi anh hùng là nhân vật anh hùng chiến đấu và anh hùng lao động.

4. Đặc trưng ngôn ngữ thể loại sử thi

Ngôn ngữ sử thi thể hiện sinh động của ngôn ngữ kể chuyện. Đó là loại ngôn ngữ kịch, ngôn ngữ diễn xướng của người nghệ sĩ kể khan bao gồm các yếu tố: lời nói bình thường, người ÊĐê gọi là Klay đưm; lời nói vần người ÊĐê gọi là Klay duê, người Tày gọi là Phuối pác, người Mường gọi là Bọ mẹng...; lời hát theo các làn điệu dân ca của bộ tộc. Phương thức trình diễn khan của người ÊĐê theo lối tổng hợp, ngôn ngữ có tính chất kể lể theo kiểu hát nói, hát kể.

Vai trò của người kể chuyện trong sử thi khan rất quan trọng. Lời trần thuật của người kể chuyện trong sử thi Đăm Xăn (có người gọi là Đam san hay Đam Xăn) được triển khai xen vào những lời đối thoại của nhân vật. Nó có chức năng dàn dựng câu chuyện, tường thuật hành động và biến cố trong cuộc đời nhân vật. Lời trần thuật của người kể chuyện thường được dùng để kết thúc một đoạn, một phần nào đó của truyện. Người kể thường tỏ thái độ của mình đối với nhân vật anh hùng nên trong sử thi khan có loại ngôn ngữ bình giá: “Thật chưa thấy một tù trưởng nào như chàng cả” ( Dẫn theo Đỗ Hồng Kì: Phương thức tự sự chủ yếu của sử thi Đam San, Tự sự học…, Sđd, tr.221-222).

Tính chất kịch là một đặc điểm của ngôn ngữ khan. Người kể khan đóng vai, nhập thân vào nhân vật nên dù ngồi ngay tại chỗ nhưng người kể luôn thay đổi nét mặt, giọng điệu phù hợp với khung cảnh câu chuyện và trạng thái nhân vật: “Người kể khan theo từng đoạn mà đổi nét mặt lúc buồn lúc vui, đổi giọng lúc cao lúc thấp. Những chỗ đánh nhau trong truyện là những đoạn sôi nổi, người kể tuy vẫn ngồi tại chỗ nhưng đổi nét mặt thành dữ tợn, giọng đanh thép và hai tay làm một ít điệu bộ nho nhỏ. Những chỗ bi thảm như nhớ nhung, chết chóc thì hạ giọng sụt sùi” (Bài ca chàng Đam Xăn). Xen kẽ với lời dẫn chuyện theo phương thức tự sự là tiếng nghệ nhân miêu tả tiếng thác đổ bên bờ suối, tiếng voi rống trong rừng tre, tiếng ngựa hí trên đồi tranh, tiếng chiêng đánh vang lừng.

Lối kể chuyện của sử thi rất lôi cuốn. Đó là cách miêu tả hết sức sinh động với các biện pháp so sánh, ví von rất giàu hình ảnh. Mỗi cảnh đẹp, vẻ đẹp đều có caïch taí khaïc nhau theo một công thức nhất định. Tả về vẻ đẹp con người nhưng khi tả chàng trai thì: “chàng là một tù trưởng trẻ, có cái lưng to như một tảng đá, gió thổi chàng không ngã, bão xô chàng không đổ. Chàng có một đôi bắp chân nhẵn và dẻo như mây song mây pông, có một cặp mắtnằm dưới đôi lông mày hình lưỡi mác. Đôi mắt đó sáng rực như đã uống cạn hết một chum rượu, làm lu mờ đi ánh nắng mặt trời sắp dạo qua nương…Giọng nói của chàng cất lên nghe như sấm giật đằng đông, chớp giật đằng tây...”. Đối tượng miêu tả là lưng, bắp chân, mắt, giọng nói. Còn khi mô tả cô gái thì: “Búi tóc trứng chim của nàng bỏ xoã sau chiếc cổ cao, màu tóc đen ánh như đôi mắt của một con diều, lóng lánh như chỉ khua. Đôi vú của nàng nhô ra đàng trước, trông đầy và trắng như hai quả cà non. Đùi nàng rắn và dịu dàng như chân sóc. Thân mềm dẻo như tầu lá mía, đu đưa trước gió chiều. Mắt nàng là chớp nắng buổi ban mai. Đôi chân nàng lườn lượn như đi trên cỏ ...” (Trường ca Tây nguyên). Như vậy, đối tượng so sánh trong miêu tả vẻ đẹp người phụ nữ là: tóc, vú, đùi, thân, mắt, chân. Cách so sánh thật hồn nhiên, chất phác nhưng giàu hình tượng: “Nhà dài như tiếng chuông”, “Hiên nhà dài bằng sức bay một con chim”, “Ngựa chạy như tiếng sông than, tiếng nước thở”...Miêu tả cảnh sống sầm uất, vui tươi: “Trâu bò nhi nhúc như bầy mối, bầy kiến. Dấu chân ngựa voi trên đường giống như một sợi dây đánh. Tớ trai đi lại chen chúc nhau ngực sát ngực, tớ gái vú sát vú ”. Không chỉ so sánh trực tiếp mà sử thi còn vận dụng lối so sánh gián tiếp qua miêu tả hành động, việc làm. Sử thi nêu lên cùng một công việc làm nhưng qua miêu tả sức lực, khả năng thành công mà nêu bật sự khác nhau của những người anh hùng nhằm tôn vinh người anh hùng số 1. Ví dụ, cùng miêu tả việc kéo mây nhưng 3 nhân vật được miêu tả khác nhau: “Chàng Đăm Di sửa soạn sức lực. Chàng làm sức lực của mình mạnh bằng sức con trâu, nổi gân cổ bằng cây chuối…Chàng đẩy ba lần, kéo ba lượt nhưng không giữ nổi nên bị sợi dây kéo lên trời và khi hết đà thì ngọn mây lại thả chàng rơi bịch xuống đất”. Còn Xing Mưn thì: “Chàng thắt lại khố, lấy sức lực bằng sáu con trâu, làm thân hình to bằng con voi, gân cổ nổi bằng gốc chuối êpung…Chàng đẩy bảy ngọn mây về phía gốc ba lần, chàng giật bảy lượt nhưng các ngọn mây chỉ nhích xuống bằng ba ngón tay rồi kéo trở lại bằng một nửa thân cây tùng. Trượt tay bám, chàng Xing Mưn nhào xuống trúng hố sâu”. Chàng Xing Mưn có khá hơn anh nhưng vẫn không đủ sức kéo cây mây. Cuối cùng chỉ có Xing Mơ Nga là người hoàn thành công việc: “Chàng cúi xuống nắn móng chân, uốn móng tay lấy sức bằng con voi, bằng tê giác. Chàng đẩy ba lần kéo ba lượt làm cho cả cây tùng phải rung rinh, lá bay theo gió tới tấp. Chàng đẩy ba lần, kéo ba lượt nữa. Chàng giật một lần cuối các nhánh cây tùng, cây briêng gãy tan hoang”.

Lối nói hình tượng của sử thi không chỉ qua cách so sánh mà còn qua các biện pháp nghệ thuật khác như phóng đại, ngoa dụ, trùng điệp (điệp ngữ). Đây là cách tả phóng đại: Tả thanh gươm của Đăm Xăn sắc: ‘’Mài sắc đến nỗi con ruồi đậu lên cũng bị bổ làm đôi”. Tả cây: ‘’Cây Kơpa cao, cây Kơlang lớn ngọn đụng tới mặt trời. Gốc Kơlang lớn đến nỗi phải đi vòng một năm mới giáp gốc, năm tháng mới mút cành, dài hơn một dặm cánh chim bay”. Đây là lối tả trùng điệp, điệp ngữ : “Hãy đánh lên các chiêng có âm vang, những chiêng có tiếng đồng, tiếng bạc! Hãy đánh lên tất cả cho ở dưới vỡ toác các cây đòn ngạch, cho ở trên gãy nát các cây xà ngang...”, “Thế là bà con xem, nhà Đăm Săn đông nghẹt khách, tôi tớ chật ních cả nhà ngoài...Bà con xem, chàng Đăm Săn uống không biết say, ăn không biết no, chuyện trò không biết chán...Rõ ràng là tù trưởng Đăm Săn đang giàu lên, chiêng lắm la nhiều. Rõ ràng là Đăm Săn có chiêng đống, voi bầy, có bè bạn như nêm như xếp...”. Biện pháp đảo từ, đảo câu, láy từ, lặp từ được sử thi “Đẻ đất đẻ nước” thể hiện rất độc đáo, tạo nên một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ:

- Mưa dầm dề chín đêm mười bữa sáng
Mưa rào rào chín buổi sáng mười đêm

- Trời kéo mây ùn ùn
Trời đùn mây kìn kìn
Gío ầm ầm bốn bên
Mây ùn lên từng đống
Mây kéo chồng từng mảng


Ngôn ngữ giao tiếp của kịch cũng được thể hiện rất hoàn hảo. Câu chuyện kể phần lớn là diễn đạt dưới hình thức ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật. Các tình huống kịch thể hiện rất rõ trong ngôn ngữ giao tiếp. Sự đối kháng của các nhân vật đối địch: -Mtao Mxây:” Khoan khoan, để tao xuống đất. Đừng vội đâm tao trước lúc tao xuống.” -Đăm Săn: “ Tao không thèm đâm mày trước lúc mày xuống. Con lợn dưới đất tao không đâm thì mày tao cũng không đâm ”. Các biện pháp đối lập, tương phản được sử dụng triệt để trong việc miêu tả nhân vật anh hùng với kẻ tàn bạo hung ác. Một chân dung của kẻ tàn bạo, hung ác được miêu tả rất tài tình “Mtao Mxây là một tù trưởng giàu mạnh. Gông cùm, tù binh chật cả làng. Lông chân dày như đắp lên một lớp. Lông mày sắc như đá mài. Con mắt sáng ngời như đã uống hết một chum rượu, đến nỗi con trâu lớn cũng không dám đi qua”. Trái lại Đăm Săn được miêu tả như một người anh hùng lẫm liệt, có sức thu hút dân chúng: “Đăm Săn có danh tiếng đến tận thần linh sông núi, không còn một tướng nào là không biết Đăm Săn. Nó không biết rằng Đăm Săn đây không có ai bì kịp...”

Một đặc điểm quan trọng nữa là ngôn ngữ thơ trong sử thi. Đó là thứ ngôn ngữ giàu nhạc điệu thể hiện trong vần điệu, trong các vế đối xứng nhịp nhàng, có sự liên kết hài hòa giữa các vế trong câu: “Nhảy một nhảy, vượt qua một đồi tranh. Nhảy lùi một nhảy, vượt qua đồi tre Mơ ô ”. Đó là ngôn ngữ đối xứng: “Một trăm người vạch luống - Hai ngàn người moi lỗ ”. Ngôn ngữ sử thi mang chất âm thanh bởi cách gieo vần và âm hưởng của các từ láy âm được đặt cuối câu theo lối vần chân:

Đất còn nên pạc lạc
Nước còn nên pời lời
Trên trời còn nên puống luống
Ngó lên trông xuống còn nên mù mịt
Bứng muốn dậy nhưng chưa có buồng
(Đẻ đất đẻ nước)


Ngôn ngữ sử thi là ngôn ngữ đậm chất hùng tráng và giàu tính trữ tình. Nhân vật mang tính cách mạnh mẽ và tình cảm nồng thắm. Dưới cách kể và tả của tác giả sử thi, cảnh vật và con người rất nên thơ, có nét đẹp hồn nhiên, có tâm hồn đắm say yêu người. Một thứ ngôn ngữ có sức lôi cuốn và mê hoặc dẫn người đọc vào một thế giới thần tiên mà hầu như tất cả mọi vật đều có hồn, đều lung linh, huyền ảo. Đó là thứ ngôn ngữ tổng hợp của nhiều loại hình nghệ thuật: hội họa, âm hạc, điêu khắc; từ tục ngữ vần vè ngắn gọn đến các bài ca nghi lễ, các bài ca đối đáp lứa đôi; từ ngôn ngữ của thơ ca đến ngôn ngữ của kịch và kể chuyện. Tất cả đều kết hợp hài hòa nhịp nhàng tạo thành một kiểu ngôn ngữ khó lòng có thể bắt chước được. đúng như Gooc Ki đã nhận xét một cách sâu sắc: “Cái đẹp được nhận thức là sự kết hợp nhiều chất liệu khác nhau, kể cả âm thanh, màu sắc, từ ngữ, nhờ đó mà con người, nhà thiện nghệ chế tạo nên một hình thái tác động vào cảm xúc và lý trí như một sức mạnh khiến cho mọi người đều ngạc nhiên, tự hào và vui sướng”.

5. Không gian sử thi

Không gian sử thi có hai dạng: Không gian của sử thi thần thoại mang đặc điểm của không gian thần thoại và truyền thuyết suy nguyên. Không gian sử thi anh hùng có cả không gian truyền thuyết anh hùng và không gian cổ tích thần kì. Đó là không gian cộng đồng, không gian bao gồm tất cả mọi khía cạnh: không gian thiên nhiên, không gian xã hội. Không gian thiên nhiên là núi non, sông ngòi, cây cỏ, chim chóc, thú vật, sản vật. Không gian xã hội là bản làng, sinh hoạt lao động sản xuất và chiến đấu. Không gian sử thi có chiều sâu và chiều rộng. Chiều sâu không gian kéo dài từ quá khứ đến hiện tại, trải qua nhiều loại hình xã hội từ hồng hoang đến công xã nguyên thủy rồi công xã thị tộc, tiếp cuối cùng là xã hội phụ quyền. Chiều rộng là không gian bao quát từ làng quê đến bộ lạc, từ nông thôn đến núi rừng, từ mặt đất đến bầu trời, từ cảnh người đến cảnh vật và cảnh trời.

Đỗ Hồng Kỳ cho rằng không gian trong sử thi Đam san đi từ viễn cảnh đến cận cảnh. Chẳng hạn, ngôi nhà dài, buôn làng được miêu tả từ xa đến gần. Không gian sử thi Đam san được mở rộng vô tận và nằm ngoài giới hạn có thực. Không gian trong sử thi có tính huyền ảo trong môi trường hư hư thực thực, nơi mà “dòng nước đục chảy cho đến nơi nào đất giáp trời”. Không gian trong sử thi chỉ tồn tại trong thời điểm nhân vật hoạt động. Đây cũng là đặc điểm chung của không gian truyện kể dân gian. Những nơi nào mà nhân vật chính không hoạt động thì không gian cũng không tồn tại. Không gian trong sử thi luôn biến đổi theo hành động nhân vật một cách mau lẹ và đột ngột: đang trong không gian lao động, hoà bình, nghe tin vợ bị cướp là chuyển sang không gian chuẩn bị cho chiến tranh và không gian chiến trường xuất hiện. Không gian trong sử thi không bị ngưng đọng mà luôn thay đổi theo hành động của nhân vật. (Tự sự học. Một số vấn đề lý luận và lịch sử, Sđd, tr.218-219).

6. Thời gian sử thi

Thời gian sử thi là thời gian kéo dài nhiều triều đại, nhiều biến cố. Đó là thời gian lịch sử một dân tộc, bộ lạc, thời gian lịch sử của một dòng họ, một chế độ. Trong suốt thời gian dài có những khoảng thời gian ngắn tương ứng với từng thời kỳ, từng cuộc đời, từng số phận con người. Có khoảng thời gian xác định như thời gian của cuộc đời nhân vật nhưng cũng có khoảng thời gian không xác định đó là thời gian thời kỳ hồng hoang, thời kỳ hình thành dân tộc. Như vậy là ở sử thi có hai loại thời gian: thời gian thần thoại là thời gian không xác định và thời gian truyền thuyết là thời gian xác định, tất cả đều là thời gian quá khứ.

Thời gian trong sử thi có tính ước lệ. Người kể chuyện sử thi khan thường sử dụng mệnh đề “nghỉ một ngày, ngơi một đêm, ở không thêm một chiều một sáng” như một dấu hiệu để chuyển tiếp các sự kiện, hành động, biến cố liên quan đến nhân vật. Thời gian trong sử thi khan Đăm Xăn thay đổi nhanh chóng như chính sự thay đổi trong cuộc đời của nhân vật anh hùng. Đăm Xăn vừa mới là “Thằng bé còn đang vọc đất, còn đang tuổi bám thang, mới biết đi biết chạy”, bỗng chốc vừa “nghỉ một ngày, ngơi một dêm, ở không thêm một chiều một sáng” đã là một tù trưởng giàu mạnh. Chính tính ước lệ nên thời gian trong sử thi khong thể hiện cụ thể bằng ngày giờ năm tháng mà tính bằng sự kiện, bằng khoảng thời gian nào đó của hoạt động. Trong sử thi Mnông, nhân vật Tiăng thực hiện cuộc hành trình qua mặt đất và âm giới được tính bằng mốc các sự kiện:

Con gà từ lúc nằm trong trứng, bây giờ đã thành gà lớn rồi
Con dê từ lúc nhỏ bây giờ đã già rồi
Măng thì khi mới nhú nay đã thành tre già
Mặt trăng từ lúc như lá cong nay đã tròn
(“Sử thi cổ sơ Mnông (Bu nông)”- Đỗ Hồng Kì, Điểu Kâu sưu tầm và dịch, Nxb KHXH, 1993, tr.44).


Phong cách dân gian thường sử dụng cách tính thời gian ước lệ. Đây cũng là cách tính chung không những cho các loại truyện dân gian mà ngay cả ca dao dân ca của người Việt:

Ngày đi trúc chữa mọc măng
Ngày về trúc đã cao bằng ngọn tre
Ngày đi lúa chữa chia vè
Ngày về lúa đã đỏ hoe ngoài đồng
Ngày đi em chữa có chồng
Ngày về em đã con bồng con mang
KTCDNV


Sử thi thần thoại thường có thời gian hồi cố. Người kể chuyện luôn hướng người nghe về thời kì xa xưa, thời kì hồng hoang của loài người. Sử thi Mnông phản ánh từ lúc vũ trụ còn ở tình trạng hỗn mang còn sử thi ÊĐê thời gian thần thoại được cải biến thành thời đại anh hùng với những mâu thuẫn và xung đột xã hội căng thẳng, gay cấn hơn, những chiến công của người anh hùng cũng mang tính xã hội đậm nét hơn… (Tự sự học. Một số vấn đề lý luận và lịch sử, Sđd, tr.219-221).

(Sưu tầm)
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top