• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Đặc sắc ngôn từ nghệ thuật trong “Đôi măt người Sơn Tây” của Quang Dũng

  • Thread starter Thread starter Cua Ta
  • Ngày gửi Ngày gửi

Cua Ta

New member
MỤC LỤC
THAY LỜI TỰA ....................................................................................................2
NỘI DUNG CHÍNH ...............................................................................................3

CHƯƠNG 1: GIỚI THIỆU TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

1.1 Quang Dũng - người thơ xứ Đoài ......................................................................3
1.2 “Đôi mắt người Sơn Tây” - chứng nhân của niềm thao thức và nỗi nhớ
khôn nguôi về quê hương trong thơ Quang Dũng....................................................4

CHƯƠNG 2: ĐẶC SẮC NGÔN TỪ NGHỆ THUẬT TRONG “ĐÔI MĂT NGƯỜI SƠN TÂY” CỦA QUANG DŨNG:

2.1 Thơ ca - nghệ thuật ngôn từ ................................................................................4
2.2 “Đôi mắt người Sơn Tây” - một thế giới ngôn từ nghệ thuật đặc sắc ................5
2.2.1 “Đôi mắt người Sơn Tây” - không gian của ngôn ngữ thơ giàu cảm xúc .......5
2.2.1.1 Đôi mắt của người con Sơn Tây - ám ảnh nghệ thuật của thế giới thơ ........5
2.2.1.2 “Đôi mắt người Sơn Tây” - những ngôn ngữ thơ đậm sắc màu quê
hương ........................................................................................................................7
2.2.2 “Đôi mắt người Sơn Tây” - nhìn từ góc độ kết cấu nghệ thuật .......................8
2.2.3 “Đôi mắt người Sơn Tây” - giọng thơ đậm chất Quang Dũng ........................9

KẾT LUẬN ...........................................................................................................11

LỜI CẢM ƠN .......................................................................................................12
THAY LỜI TỰA
Nếu định nghĩa “Cái Đẹp là cái khó nắm bắt”, thì có lẽ “Đôi mắt người Sơn Tây” của Quang Dũng cũng là một biểu tượng của cái Đẹp. Bởi lẽ, từ xưa đến nay, đối với những ai đã từng đọc bài thơ ấy, điều chiêm nghiệm: “Rằng hay thì thật là hay”, nhưng để lí giải một cách cặn kẽ và khoa học cái hay đó thì hình như nhiều người đành bất lực. Thơ có chút gì đó ảo huyền, khó nắm bắt, khó diễn tả thành lời. Cảm thơ thì được, mà khám phá cho ra lí do của niềm cảm nhận ấy thì nghe ra khó quá! Sự bất lực trước “Đôi mắt người Sơn Tây” quả là sự bất lực đáng trân trọng! Bởi đây chính là sự bất lực trước cái Đẹp! Cũng như những độc giả yêu thơ khác, người viết khi tìm đến “Đôi mắt người Sơn Tây”, đầu tiên bị đắm chìm trong thế giới tràn trề những xúc cảm. Đọc tiếng thơ mà tưởng như đang lắng nghe tiếng lòng thơ vậy! Mỗi dòng thơ dội vào lòng độc giả một âm hưởng riêng, để rồi tất cả kết tụ lại thành một thanh âm da diết, ám ảnh hồn trí người đọc. Những ai đến với “Đôi mắt người Sơn Tây” có lẽ đã bị ám ảnh bởi hơi thơ, giọng thơ; và cũng bị ám ảnh bởi ma lực của lời thơ

Tiếp cận với thế giới nghệ thuật thơ ca, chiếc chìa khoá để ta giải mã những thông điệp tư tưởng, những kí thác nghệ thuật của nhà thơ, là gì khác hơn, nếu không phải là văn bản ngôn từ? Văn bản ngôn từ của tác phẩm sẽ nói lên tất thảy những gì mà thơ ca hàm chứa. Để hoá giải niềm bất lực của mình, chúng tôi đã thử dùng chiếc chìa khoá ngôn từ ấy để mở cánh cửa nghệ thuật, bước vào không gian thuộc bề sâu của “Đôi mắt người Sơn Tây”. Và may mắn thay, sự bất lực trước cái Đẹp phần nào đấy được hoá giải. Vẻ đẹp thật sự của một bài thơ dần hiện ra qua lớp sương mờ của cảm xúc.
Với những kiến giải của mình cùng đề tài này, chúng tôi hi vọng góp thêm một cách nhìn về thi phẩm, để bài thơ cùng thi nhân thêm một lần nữa được sống trong lòng người yêu thơ.

NỘI DUNG CHÍNH

CHƯƠNG 1: GIỚI THIỆU TÁC GIẢ - TÁC PHẨM:

1.1 Quang Dũng - người thơ xứ Đoài
Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Dậu (tức Diệm), sinh năm 1921, tại Phượng Trì, tổng Đại Hoàng, huyện Đan Phượng, Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Chính quê hương Sơn Tây với những người, những cảnh thiết thân đã không ít lần đi vào thơ ông thật tự nhiên và hồn hậu.

Thuở nhỏ, Quang Dũng học trường làng, đến cấp thành chung, học ở trường Sư phạm Hà Nội. Ra trường không làm công chức, ông làm nhạc công cho một gánh hát, nay đây mai đó. Quang Dũng cũng đã từng vẽ tranh để kiếm sống. Có chăng, tính hoạ và tính nhạc in đậm dấu ấn trên trang thơ Quang Dũng cũng vì những khả năng đặc biệt này của ông.

Năm 1945, ông tham gia Cách mạng. Cuối xuân 1947, Quang Dũng gia nhập đoàn quân Tây Tiến và cống hiến hết sức mình cho cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Quãng thời gian này được thi nhân phản ánh trong thơ đầy chất lính nhưng cũng rất hào hoa, lãng mạn. Khi hoà bình lập lại, Quang Dũng làm biên tập báo Văn Nghệ, rồi biên tập viên Nhà xuất bản Văn học. Suốt đời sống với một niềm say sưa, niềm yêu thương mãnh liệt vào con người và cuộc đời, Quang Dũng đã để lại trong lòng người yêu thơ nỗi tiếc nuối vô hạn khi nhà thơ ra đi vào năm 1986, hưởng thọ 65 tuổi.

Quang Dũng là một nghệ sĩ tài hoa. Từ cuộc sống riêng đến tác phẩm của mình, ông đã biểu hiện một cá tính, một phong cách nghệ sĩ độc đáo. Với tính cách thích phiêu bồng xê dịch, thiết tha sôi nổi nhưng cũng rất trầm lặng như ông từng tâm sự:
Có ai thấu được niềm u ẩn
Từng lắng nhiều trong những mảnh đời


và lòng yêu cuộc sống vô bờ, Quang Dũng đã để lại cho dời những tập thơ như: “Bài thơ sông Hồng” (1956), “Rừng biển quê hương” (in chung với Trần Lê văn) (1957), “Mây đầu ô” (1986) và những tác phẩm văn xuôi: ‘Mùa hoa gạo” (1950), “Đường lên Châu Thuận” (1964), “Nhà đồi”(1970), “Làng 5 Đồi đánh giặc” (1976), “Một chặng đường Cao Bắc” (1979), “Gương mặt Hồ Tây” (1984)…Người thơ Quang Dũng sẽ mãi sống trong lòng độc giả yêu thơ, hôm nay và ngày mai, không phải chỉ với “Tây Tiến” với “Những làng đi qua”, với “Đôi bờ”, mà còn với cả “Đôi mắt người Sơn Tây” - ám ảnh nghệ thuật trong thế giới thơ Quang Dũng.

1.2 “Đôi mắt người Sơn Tây” - chứng nhân của niềm thao thức và nỗi nhớ khôn nguôi về quê hương trong thơ Quang Dũng:

“Đôi mắt người Sơn Tây” được nhà thơ sáng tác năm 1949. Theo lời kể lại của nhạc sĩ Phạm Duy thì khi ấy, Quang Dũng còn là đại đội trưởng trung đoàn Tây Tiến đóng quân ở Hoà Bình. Trong một dịp đựơc nghỉ phép, về thăm gia đình ở Phùng thuộc tỉnh Sơn Tây, nhà thơ tạt qua nơi có tên là kinh Đào ở gần chợ Đại, thăm người tình cũ tên là Nhật (còn có mĩ danh là Akimi). Nàng có hàng cà phê trong vùng cách mạng mà ông thường hay ghé uống. Và trong dịp ấy, bài thơ ra đời. Có thể đây đó còn có những lời nhận định khác về hoàn cảnh ra đời của bài thơ. Nhưng chúng tôi đã dựa vào những tư liệu mình sưu tầm được, căn cứ vào lời kể này, xem đó như một thông số nghệ thuật để bước vào thế giới nghệ thật của tác phẩm. Bài thơ là những xúc cảm, những thao thức của tác giả dành cho quê hương mình trong những ngày loạn lạc của chiến tranh. Cuộc gặp gỡ đượm màu chia li giữa nhà thơ và người con gái giữa đạn bom, khói lửa là cái cớ nghệ thuật để thi nhân vin vào đấy, bày tỏ nỗi nhớ nhung đến quặn lòng đối với vùng đất Sơn Tây thân yêu. “Thi phẩm mang một tình tự dân tộc trong một thời điểm lịch sử đặc biệt mà những lớp người sinh sau đẻ muộn chỉ được đón nhận như “vang bóng một thời” cũng đủ để bồi hồi xúc động” (Giáo sư Hoàng Như Mai).

Với giọng thơ buồn thương man mác, “Đôi mắt người Sơn Tây” đã lôi cuốn độc giả vào không gian của niềm thương nỗi nhớ, của sự xa xót đớn đau. Độc giả yêu bài thơ và cũng yêu tâm hồn của người thơ - một người thơ chân thành hồn hậu với quê hương đất nước mình - một người thơ suốt đời đi tìm lẽ sống ở tình người và tình đời.

CHƯƠNG 2: ĐẶC SẮC NGÔN TỪ NGHỆ THUẬT TRONG “ĐÔI MĂT NGƯỜI SƠN TÂY” CỦA QUANG DŨNG:

2.1 Thơ ca - nghệ thuật ngôn từ:

Victo Huygo từng nhận định: “Ngôn từ, từ ngữ giống như những sinh mệnh, những cỗ máy vận hành những tư tưởng của con người đi xa”. Giữa nghệ thuật kiến tạo ngôn từ và thông điệp nhân văn mà người nghệ sĩ gửi gắm qua tác phẩm luôn có một mối quan hệ biện chứng sâu sắc.

Thơ ca chính là nghệ thuật ngôn từ. Khám phá và lí giải tầng sâu ý nghĩa của một thi phẩm, liệu có con đường nào tốt hơn chính văn bản ngôn từ mà độc giả được cung cấp bởi thi nhân? Những hiểu biết về tác giả , về tác phẩm, về những giai thoại xung quanh bài thơ… thiết tưởng chỉ là những thông số nghệ thuật giúp ta hiểu thêm về thế giới nghệ thuật thơ mà thôi! Những thông số nghệ thuật ấy, tuy cần thiết nhưng không phải là yếu tố quan trọng nhất.

Với chúng tôi, chính hệ thống ngôn ngữ của tác phẩm sẽ là cánh cửa tuyệt vời nhất để chúng ta nghiên cứu về tác phẩm một cách sâu sắc và toàn diện.

Hệ thống ngôn ngữ ấy có thể được biểu đạt thông qua mặt âm thanh (vần, thanh, nhịp điệu…), cũng có thể qua mặt ý nghĩa của hình ảnh, kết cấu của tác phẩm… Từ đó, giọng điệu của bài thơ được hình thành, tạo nên hơi thơ, điệu thơ riêng, đậm màu sắc cá nhân của thi nhân.

Với “Đôi mắt người Sơn Tây”, chúng tôi đã chọn con đường tiếp cận từ góc độ thi pháp ngôn từ, với khát khao giải mã những thông điệp thẩm mĩ mà Quang Dũng kí thác nơi trang thơ. Bằng cách đó, chúng tôi đã nghiệm ra nhiều vẻ đẹp của “Đôi mắt người Sơn Tây”, và đã lí giải được phần nào ma lực của một bài thơ từng gây niềm bất lực cho nhiều người.

2.2 . “Đôi mắt người Sơn Tây” - một thế giới ngôn từ nghệ thuật đặc sắc:

Quang Dũng, với sự tài hoa đậm chất nghệ sĩ của mình, đã kiến tạo nên một thế giới thơ đầy sức ám ảnh. Ngôn từ thi phẩm cứ linh lung bảy sắc cầu vồng, gợi ra nhiều hơn những gì nó chứa đựng. Và cứ thế, ngôn từ nghệ thuật của “Đôi mắt người Sơn Tây” cuốn độc giả vào trong không gian của xúc cảm, không gian của miền nhớ nhung, thao th ức khôn nguôi.

2.2.1 “Đôi mắt người Sơn Tây” – không gian của ngôn ngữ thơ giàu cảm xúc:

2.2.1.1 Đôi mắt của người con Sơn Tây – ám ảnh nghệ thuật của thế giới thơ:

Có lẽ ai đã từng đến với bài thơ “Đôi mắt người Sơn Tây” của Quang Dũng ắt hẳn sẽ không bao giờ quên được hình ảnh đôi mắt người Sơn Tây giàu cảm xúc. Đôi mắt ấy tồn tại trong thế giới nghệ thuật thơ và dường như dõi theo từng bước đi của con chữ. Đôi mắt ấy l à ám tượng nghệ thuật của thi phẩm.

Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh đôi mắt được nhà thơ sử dụng như một thứ kí hiệu đặc biệt trong bài thơ của mình. Điều tất nhiên, không ai có thể phủ nhận được, và chắc chắn ai cũng thuộc nằm lòng: “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”, là nơi hội tụ của cảm xúc. Nhìn vào ánh mắt một người, ta cảm nhận được phần nào đấy tâm hồn họ - lạnh lùng hay nồng ấm, tàn nhẫn hay đôn hậu, buồn bã hay vui tươi, căm thù hay yêu thương… Thơ ca từ trước đến nay cũng không thiếu hình ảnh ấy, từ ca dao đến văn thơ trung đại, đến văn thơ hiện đại, và ngay cả trong những bài thơ khác của Quang Dũng:

Đôi mắt nhìn như sao
Má hồng như trái mận
Mùa đang độ ngọt ngào
(Lính râu ria)
Khói thuốc chiều sông, hỡi dáng người
Phương nào đôi mắt ngó xa xôi
(Trắc ẩn)
hay:
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm heo về một sớm mai?
(Đôi bờ)


Thế nhưng, tại sao đôi mắt người Sơn Tây lại có một sức ám ảnh hơn cả với độc giả đến thế? Đôi mắt ấy hình như có một lực hút riêng, một sức mạnh riêng. Quang Dũng đã rất khéo khi ông kèm theo hình ảnh đôi mắt một định ngữ - người Sơn Tây. Chính định ngữ đó làm cho đôi mắt ấy được xác định, được cụ thể hoá. Người ta không thể lẫn vào đâu được đôi mắt đấy. Hình ảnh đó chỉ có thể gặp được trong “Đôi mắt người Sơn Tây” mà thôi! Không thể là đôi mắt của người Cao Bằng, người Thanh Hoá, lại càng không thể là đôi mắt của người Đà Nẵng, người Đồng Nai, hay của một vùng đất nào khác trên đất nước này! Quê hương đi theo con người, con người mang dáng hình quê hương – quê hương và con người tồn tại trong nhau. Chỉ trong một hình ảnh, Quang Dũng đã gửi biết bao sự gắn bó, biết bao sự thiết thân của nhà thơ đối với vùng quê của mình.

Hình ảnh “Đôi mắt người Sơn Tây” tuy cụ thể đó, xác định đó, nhưng hình như vẫn có chút gì đấy không rõ ràng. Đôi mắt ấy là của “em” hay của “tôi”?

Người đọc không dám chắc. Bởi lẽ đó có thể là đôi mắt của “em” với nét buồn Tây Phương dìu dịu. Nhưng cũng có thể là của “tôi” khi “tôi” dõi về quê hương với tất cả niềm mong nhớ của mình lắm chứ! Quang Dũng đã làm cho hình ảnh thơ “mất đi một chút rõ ràng để được thêm rất nhiều thơ mộng” (ý của Hoài Thanh). Ngôn ngữ thơ gợi ra một trường những liên tưởng. Đôi mắt là của “em”, của “tôi”, và cũng là của tất cả những người con Sơn Tây. “Em”, “tôi” và chúng ta cùng có chung một điểm nhìn để hướng về. Đó chính là quê hương, là xứ sở yêu thương. Trong bài thơ, hình ảnh đôi mắt được lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Nếu trong những câu thơ: “Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương”, “Đôi mắt người Sơn Tây - U uẩn chiều lưu lạc”, đôi mắt được miêu tả một cách trực tiếp thông qua danh từ xác định và những tính từ như “dìu dịu buồn Tây Phương”, “u uẩn” với một nỗi niềm thầm kín, khó thốt ra thành lời; thì đâu đó trong thơ, đôi mắt cũng xuất hiện gián tiếp qua những động từ như “thấy” trong “Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì”, “gặp” trong “Mẹ tôi em có gặp đâu không”, “Bao giờ tôi gặp em lần nữa”, “ngó” trong “Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng”, “chứa chan” “suối lệ” trong:
Đất đá ong khô nhiều suối lệ
Em đã bao ngày em chứa chan?


Như thế, hầu như trong bất kì khổ thơ nào, hình ảnh ấy cũng xuất hiện. Với tần số dày đặc (8 lần, kể cả nhan đề), đôi mắt người Sơn Tây đã trở thành điểm nhấn nghệ thuật của thi phẩm v à trở thành nỗi ám ảnh trong lòng người yêu thơ.
Đôi mắt người Sơn Tây kết tụ trong nó toàn bộ những nỗi niềm, những xúc cảm, những nỗi nhớ và cả những niềm đau mà người thơ dành cho quê hương của mình. Nhân vật trữ tình và chủ thể trữ tình cùng hoà chung một nỗi nhớ, cùng hoà chung một ánh mắt. Và đôi mắt cũng chính là trái tim, là tâm hồn họ - những trái tim, những tâm hồn tuy xa cách quê hương vì khói lửa chiên tranh về mặt không gian, nhưng luôn gần gũi với miền đất dấu yêu của mình trong tâm tưởng!

2.2.1.2 “Đôi mắt người Sơn Tây” - những ngôn ngữ thơ đậm sắc màu quê hương:

Trong đôi mắt chứa biết bao cảm xúc và tâm trạng đó, Quang Dũng đã kiến tạo một hệ thống hình ảnh đầy thiết tha, đầy gắn bó. Quê hương hiện lên trong đôi mắt người thơ với tất cả những vẻ đẹp bình dị và với tất cả những đau thương mất mát nữa. Đầu tiên, vùng đất Sơn Tây hiện lên trong niềm tưởng nhớ, ước mong của nhà thơ, cũng như trong cảm nhận của người đọc bằng những địa danh hết sức cụ thể. Những Sài Sơn, Bất Bạt, Ba Vì, Tây Phương, xứ Đoài, Sơn Tây, Bương Cấn, Sài Sơn, sông Đáy, Phủ Quốc đã đi vào thơ thật tự nhiên. Có thể nói rằng, chưa bao giờ những địa danh của vùng đất Sơn Tây lại đi vào thơ nhiều như trong “Đôi mắt người Sơn Tây”! Hình như đây cũng là một nét đặc trưng trong phong cách thơ Quang Dũng. Dễ dàng bắt gặp trong “Tây Tiến”, trong “Bất Bạt đêm giao quân”…, những tên đất, tên người cụ thể. Cuộc sống đã được ảnh chiếu vào thơ một cách thật dung dị! Phải gắn bó thế nào, phải yêu thương thế nào, thì Quang Dũng mới có thể đem cả quê hương mình vào trang thơ như thế!

Tất cả những địa danh ấy là “hoá thân cho dáng hình xứ sở” (ý thơ Nguyễn Khoa Điềm), là hiện thân của Đất nước, của dân tộc Việt Nam. Yêu quê hương mình, yêu đất nước mình tha thiết, Quang Dũng đã sống và chiến đấu hết mình. Người đọc cảm thơ, yêu thơ, và dù chưa đặt chân đến đất Sơn Tây, nhưng có lẽ những địa danh của vùng đất ấy đã in sâu trong trái tim độc giả, qua bài thơ của Quang Dũng. Nói như Chế Lan Viên, “Những nơi chưa đi thì lòng sẽ tới”, Quang Dũng đã bắc hộ nhịp cầu nối lòng ta với lòng đất nước một cách thật chân thành!

Hình ảnh quê hương của Quang Dũng hiện lên nơi trang thơ có cái thanh bình yên ả của lúa vàng nở rộ, của dòng sông thơ mộng, của tiếng sáo thổi đêm trăng, nhưng cũng có cái hoang tàn, cái bi thương của những xác người trôi sông, của những kiếp người ngã xuống vì đạn bom chiến tranh. Bằng cách xây dựng hình ảnh quê hương trong hai mặt đối lập như thế, Quang Dũng đã khắc hoạ rõ nét vùng đất Sơn Tây một thời khói lửa –vùng đất Sơn Tây ngày mai thanh bình. Gửi gắm trong đó là niềm nhớ thương, đau đáu hướng về quê hương và lòng quyết tâm chiến đấu đem lại tự do cho xứ sở mình. “Đôi mắt người Sơn Tây”, vì thế, có cái thao thức của một tấm l òng! “Hình ảnh là thực trạng của nội tâm đã được cụ thể hoá bằng những vật ngoại giới” (Goeth). Hình ảnh thơ trong “Đôi mắt người Sơn Tây”, chính là thế giới nội tâm của thi nhân - một thế giới nội tâm sâu sắc với nỗi nhớ da diết, với niềm đau không dứt dành cho quê hương trong những ngày chinh chiến. Đôi mắt ấy, những địa danh quê hương ấy sẽ tồn tại mãi trong thơ, như một miền nhắc nhớ khôn nguôi…

2.2.2 “Đôi mắt người Sơn Tây” – nhìn từ góc độ kết cấu nghệ thuật:

Mỗi tác phẩm bao giờ cũng được tổ chức, sắp xếp theo một ý đồ nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật riêng nhằm thể hiện nội dung tư tưởng, thông điệp nhân văn mà người nghệ sĩ muốn gửi gắm. Toàn bộ tổ chức của lớp ngôn từ, lớp hình tượng và sự thâm nhập, gắn kết giữa chúng tạo thành lớp kết cấu cho tác phẩm. Kết cấu ấy qua bàn tay tài hoa của mỗi thi nhân lại có sức hấp dẫn riêng, lôi cuốn riêng. Với “Đôi mắt người Sơn Tây”, Quang Dũng đã tạo ra một lối kêt cấu phù hợp, có khả năng chuyển tải tất cả những điều mà nhà thơ muốn giãi bày.

Một điều khá đặc biệt của “Đôi mắt người Sơn Tây” mà chúng tôi cảm nhận được, đó là cách thức tổ chức khổ thơ của tác giả. Trong bất kì một khổ thơ nào, Quang Dũng cũng đặt song hành cặp hình ảnh em – tôi. Cặp hình ảnh đó song hành tồn tại trong từng khổ thơ (khổ 1 - khổ 2 - khổ 3 - khổ 5 - khổ 7). Tôi – em đi với nhau, sóng đôi với nhau nhịp nh àng. Ở khổ thơ đầu, Quang Dũng dã đặt tôi và em ở hai dòng thơ có chiều ngược nhau:
Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi


“Có cái gì đó đồng nhất và cũng có cái gì đó dị biệt giữa hai con người, hai thân phận, hai nhân vật ở vị trí trung tâm của b ài thơ” (GS Hoàng Như Mai). Phải chăng, sự đối nghịch, sự ngược nhau của hai dòng thơ ấy muốn nói lên cảnh lưu lạc trong khói lửa, trong bom đạn ? Một cô gái và một chàng trai vốn là đồng hương, do sự xô đẩy của chiến tranh đã phải lìa xa quê hương và tình cờ gặp nhau trên nẻo đường lữ thứ. Chỉ hai dòng thơ mà khơi gợi cả một thời đạn bom!

Từ lối kiến tạo song hành đó, Quang Dũng đã để mạch thơ chảy trôi, đã để tôi – em cùng đi bên nhau trong từng dòng thơ: “Mẹ tôi em có gặp đâu không?”, “Tôi gửi niềm thương nhớ - Em mang giùm tôi nhé”, “Bao giờ tôi gặp em lần nữa”, “Còn có bao giờ em nhớ ta?”. Dụng ý nghệ thuật của Quang Dũng trong lối kiến tạo này, âu chăng, chính là muốn khẳng định rằng tôi và em dù bị đan bom chiến tranh đẩy thành những kiếp lữ thứ, thì trong tôi vẫn có em, trong em vẫn có tôi, và trong cả tôi và em vẫn có quê hương. Nhớ nhung, gắn bó sâu nặng với quê hương, Quang Dũng gửi tất cả vào trong lối sắp xếp hình ảnh đậm sắc thái cá nhân này.

Đấy là xét ở bình diện khổ thơ, còn nếu xét ở bình diện của cả bài thơ, thì ta lại thấy thi phẩm được xây dựng theo trình tự thời gian: hiện tại – tương lai.

Hiện tại là quê hương trong lửa khói, tương lai là quê hương trong thanh bình.
Bản lề khép mở hiện tại và tương lai của “Đôi mắt người Sơn Tây” là khổ thơ 5 chữ:

Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Tôi gửi niềm thương nhớ
Em mang giùm tôi nhé
Ngày trở lại quê hương
Khúc hoàn ca rớm lệ


Kết cấu hiện tại - tương lai là lối kết cấu rất thường gặp trong thơ ca cách mạng. Gửi gắm trong đấy là niềm tin vào tương lai, sự lạc quan của người làm thơ. Quang Dũng cũng có một niềm tin như thế. Sau những dòng thơ đẫm màu bi thương của hiện tại, như để an ủi em, và cũng để an ủi chính mình, Quang Dũng đã mơ về một ngày mai thanh bình của quê hương:
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng


Ngày mai thanh bình - đó là lí do của sự ra đi của người chiến sĩ, và cũng là niềm ước mong của biết bao con người trong chiên tranh thời bấy giờ. Dù cái ngày mai trong thơ Quang Dũng không xác định và hình như có cái gì đó xa mờ (từ “bao giờ” gợi sự xa xôi), nhưng với em, với tôi, ngày mai ấy nhất định sẽ đến!

Bằng lối kiến tạo thế giới th ơ vừa mang đậm tính thời đại, vừa mang đậm chất cá nhân, Quang Dũng đã kí thác được mọi nỗi niềm tâm sự của mình. Nói như Chu Thị Thơm: “Qua trang thơ, ta cảm nhận được một tấm lòng mang đầy tính nhân bản”.

2.2.3 “Đôi mắt người Sơn Tây” - giọng thơ đậm chất Quang Dũng

Khrapchenco nhận định: “Với tư cách là một hiện tượng phong cách, ngôn ngữ nghệ thuật thực hiện một chức năng phức tạp, nó ngữ điệu tác phẩm”. Chính giọng điệu tác phẩm tạo nên vẻ đẹp riêng cho mỗi thế giới thơ. Người đọc không thể quên thơ, cũng bởi hơi thơ, giọng thơ quá ám ảnh. Và “Đôi mắt người Sơn Tây” cũng có một chất giọng rất riêng, nó trụ mãi trong trái tim người đọc, qua tháng năm…

Trong thơ Quang Dũng luôn túc trực một nỗi nhớ và sự thao thức khôn nguôi. Giọng thơ chủ đạo chi phối toàn bộ “Đôi mắt người Sơn Tây” cũng được lẩy ra từ sự túc trực ấy - giọng nhớ thương da diết, đau đáu, thiết tha…

Chất giọng ấy man mác khắp bài thơ, toả lan trong không gian thơ, đậu trên từng con chữ. “Vọng từ con chữ” (chữ dùng của Nguyễn Đăng Điệp) là nỗi thương nhớ không nguôi. Quang Dũng đã hơn một lần nhắc nhớ niềm nhớ mong ấy:
“Em đã bao ngày em nhớ thương”
“Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ”
“Tôi gửi niềm thương nhớ”
“Còn có bao giờ em nhớ ta?”


Nỗi nhớ quê hương cứ đi về, cứ lật trở trên từng dòng thơ!

Nếu giọng nhớ thương là giọng chủ đạo, quán xuyến hơi thơ, thì đâu đó trên trang thơ cũng có những biến điệu của giọng nhớ thương ấy. Nếu ở bốn khổ thơ đầu là giọng buồn thương như những nốt trầm của bản hợp ca với những câu hỏi gợi nhiều khoảng lặng:
“Em đã bao ngày em nhớ thương?”,
“Em đã bao ngày em chứa chan?”


Gợi sự bi thương, xa xót đến não lòng của những cảnh chiến tranh loạn li, hỏi mà không dám trả lời vì sự thật đau thương phũ phàng; nếu những dòng thơ năm chữ ánh lên niềm tin như những nốt cao tạo nên chất giọng vui tươi, giọng tin tưởng; thì khổ thơ cuôí khép lại bài thơ bằng một câu hỏi nữa, tạo nên giọng triết lí cho “Đôi mắt người Sơn Tây”, như một nốt ngân day dứt:
Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc màu chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta?


Cuộc hội ngộ trong ngày hôm nay dẫu chỉ thoáng qua, nhưng tôi vẫn mong được gặp lại em trong ngày “thanh bình rộn tiếng ca”. Tấm lòng hồn hậu chân thành với con người, với cuộc đời của nhà thơ đã thể hiện rõ nơi trang thơ. Nhà thơ luôn mong cầu yêu thương và được yêu thương! Thế nhưng, Quang Dũng cũng chiêm nghiệm được cái lí của cuộc đời: “Cuộc đời như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao” (Nguyễn Công Trứ). Theo thời gian, theo dòng đời, liệu em còn có nhớ ta? Lối xưng hô chuyển từ tôi sang ta như một lời tự hỏi với lòng mình, đậm chất triết lí. Đó phải chăng cũng là tâm sự ngàn đời của Quang Dũng – tâm sự của một con người hết lòng yêu con người và yêu cuộc đời này? Liệu ở nơi xa kia, nhà thơ đã tìm thấy câu trả lời?! Âu chăng, nhà thơ đã có thể mỉm cười, bởi đã có những người yêu thơ luôn mãi hoài ngóng vọng theo dáng hình ông… Câu thơ kết lại bài thơ, nhưng lại mở ra cả một chân trời của xúc cảm.

Giọng điệu thơ vẫn còn day dứt mãi trong lòng độc giả. Đấy là giọng riêng của “Đôi mắt người Sơn Tây”, mà cũng là giọng riêng của người thơ: thiết tha, sôi nổi mà không ồn ào, trầm lắng theo một cách rất Quang Dũng.

KẾT LUẬN

“Thơ ca đi từ chân trời của một người đến chân trời của nhiều người” (Paul Eluard). Thơ ca là sự kết nối đồng điệu giữa tâm hồn thi nhân và tâm hồn độc giả. Quang Dũng cơ hồ đã tạo nên sự kết nối ấy một cách rất tài hoa mà cũng rất chân thành qua “Đôi mắt người Sơn Tây”. Bằng sự lí gải của mình dưới góc độ thi pháp ngôn từ, chúng tôi đã cố gắng đi sâu vào giải mã những yếu tố nghệ thuật của thi phẩm có sức ám ảnh da diết này. Đấy là hệ thống hình ảnh giàu sức biểu cảm. Đấy là lối sắp xếp song hành và kết cấu hiện tại – tương lai chứa đựng nhiều dụng ý nghệ thuật. Đấy là giọng điệu rất Quang Dũng chi phối toàn bộ tình điệu thẩm mĩ của bài thơ. Tất cả những yếu tố thuộc về nghệ thuật ngôn từ ấy đã chuyển tải những tâm sự riêng tây của Quang Dũng, cũng là những tâm sự rất chung của những con người thời chiến tranh. Đó là nỗi thao thức, niềm nhung nhớ quặn lòng về quê hương của những con người gắn bó sâu nặng với quê hương mình, đất nước mình - một nỗi niềm đầy tính nhân văn.

“Đôi mắt người Sơn Tây” có câu chữ giản dị, có “cái đạm” mang chất cuộc sống, nhưng đó là “cái đạm sau khi đã nồng” (chữ dùng của Viên Mai), là sự giản dị sau khi đã được tinh luyện, đã được chưng cất qua bàn tay của người nghệ sĩ ngôn từ. Qua bài thơ, ta cảm nhận được hồn thơ Quang Dũng: “Một hồn thơ chứa đựng sự xúc động và trăn trở về con người và cuộc sống” (Chu Thị Thơm). Có phải chăng, chính sự gắn bó hết mình với cuộc đời của nhà thơ là điểm kết nối nhà thơ và độc giả, đã làm cho thơ Quang Dũng sống mãi qua bao thăng trầm? Phải chăng đấy cũng là bài học rút ra cho những ai muốn theo đuổi nghiệp văn chương:
Cuộc sống đánh vào thơ trăm ngàn lớp sóng
Chớ ngồi trong phòng ăn bọt bể anh ơi
(Chế Lan Viên)


Với niềm đam mê khám phá những nét đặc sắc của ngôn từ nghệ thuật trong “Đôi mắt người Sơn Tây” của Quang Dũng, chúng tôi đã nỗ lực để phát hiện ra toàn bộ vẻ đẹp của bài thơ này. Những tưởng mình đã thành công, nhưng khi chặng đường tìm hiểu đã kết thúc, chúng tôi mới nhận ra rằng nỗ lực của mình là nỗ- lực- không- thành. Bởi lẽ, bài thơ vẫn cứ còn lấp lánh những thứ ánh sáng khác, khơi gợi những niềm khao khát khác. Con đường khám phá “Đôi mắt người Sơn Tây” vẫn còn dài, và chúng tôi hi vọng sẽ được bước tiếp trên con đường ấy, khi sự trải nghiệm trong cuộc sống, khi những hiểu biết về thơ ca, và khi những ý kiến đóng góp của thầy cô và các bạn đã đủ đầy hơn.

Hãy để tâm hồn cuốn theo gió....
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top