Đặc điểm thơ Hải Bằng
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Huế là vùng đất của thi ca. Từ nghìn xưa đến nay, nét bút thi nhân luôn miệt mài tô điểm cho mảnh đất ấy được lung linh và rạng rỡ sắc màu. Những vần thơ về Huế đã gợi lên những cảm hứng bất tận trong lòng những ai đã từng đến Huế và ở Huế. Cảm xúc đó vừa dễ thương, vừa lãng mạn lóng lánh niềm vui và nỗi buồn mà ai đó đã một lần đến Huế thì không thể không nhận ra được nét duyên ngầm rất lạ lùng của Huế. Vẻ đẹp đó được các nhà thơ Huế thể hiện một cách khá độc đáo trong trang thơ: Vẻ đẹp thiên nhiên, tình yêu quê hương, đất nước, những ký ức chiến tranh, những niềm vui sum họp thiêng liêng, những nỗi niềm riêng chung day dứt đều đi vào thơ với giọng điệu mới. Các nhà thơ Huế đã làm sống lại những ký ức cháy bỏng thời chiến tranh, muốn hòa mình vào thiên nhiên bao la, quay về với đời sống thường nhật để góp nhặt những tình cảm dung dị mà sâu lắng. Huế là vùng đất của thi ca. Nhiều thế hệ nhà thơ ở Huế đã khẳng định được tên tuổi của mình trên văn đàn cả nước. Tiêu biểu như: Hải Bằng, Thanh Hải, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Trọng Tạo, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Ngô Minh, Hà Khánh Linh, Nguyễn Quang Lập.
Trong thế giới lung linh và đa sắc màu ấy, ẩn chứa một mơ ước cháy bỏng trong thơ Lê Thị Mây, một nỗi niềm thâm trầm trước những đam mê trần tục con người trong thơ Nguyễn Khắc Thạch, một niềm tin trước bao bộn bề cuộc sống trong thơ Nguyễn Trọng Tạo, một khát vọng đến không thành vẫn ngọt ngào, thủ thỉ với chính trái tim mình trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, một niềm tin cao sang, một tình yêu hiện đại " mang trái tim nhân tạo" trong thơ Hà Khánh Linh, một ngọt ngào dịu êm mà mãnh liệt, bứt phá trong thơ Lê Thị Mây... Tất cả làm thành tiếng nói thao thức trước những biến động của thời hậu chiến, của đời sống con người.
Nằm trong số những nhà thơ có được niềm vinh dự đi tiên phong trong việc đổi mới về đề tài và cách viết sau chiến tranh, sự nghiệp sáng tác của Hải Bằng cũng đã thể hiện rõ những bước đi tuần tự trong sự bứt phá chuyển mình của thơ ca Huế. Bởi tác phẩm của ông là một bức thông điệp giúp cho ta biết hơn về lịch sử, về con người xứ Huế. Bởi tác phẩm của ông là dòng chảy vô tận mà thiên nhiên Huế với cỏ cây, hoa lá, thành quách, chùa chiền, biển trời, mưa … chính là chất xúc tác kỳ diệu, làm cho thơ Hải Bằng toát lên vẻ trầm mặc sâu lắng, mang nặng tình đời, tình người và có sức lan tỏa sâu rộng.
Nghiên cứu đặc điểm nghệ thuật thơ Hải Bằng sẽ có cái nhìn bao quát, toàn diện, sâu sắc hơn về hồn thơ của ông, có thể cắt nghĩa được hiện thực cuộc sống qua những trải nghiệm, ngẫm suy, sẽ đồng cảm và chia sẻ với những nỗi đau buồn, trăn trở của ông, để cùng lắng nghe tiếng mưa rơi trong từng giọt buồn của thi sĩ Hải Bằng. Từ đó, chỉ ra được những đóng góp của ông trong tiến trình thơ Huế và thơ Việt Nam hiện đại. Với lý do ấy, chúng tôi chọn đề tài Đặc điểm thơ Hải Bằng để nghiên cứu nhằm chỉ ra những giá trị độc đáo, sáng tạo của nhà thơ.
2. Lịch sử vấn đề
2.1. Bài viết có tính chất nhận xét tổng hợp
Với nhóm bài viết này, các nhà nghiên cứu nhận xét về thơ Hải Bằng trên nhiều khía cạnh khác nhau:
Bài viết của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong Tạp chí Sông Hương, số tháng 6/1993 nhận xét “Thơ Hải Bằng giàu cảm xúc và màu sắc, tạo được âm điệu của riêng anh, một cái gì đó khiến chúng ta nhớ đến âm sắc của vùng đất anh gắn bó”[51,343].
Nhà văn Tô Nhuận Vỹ nhận xét về tập thơ Mưa Huế rằng “Với Hải Bằng, mới có Em và Mưa như thế và khó hình dung ra một thi sĩ Hải Bằng mà vắng mưa Huế, vắng Em. Nhưng Mưa cũng là Em. Các em như một loại nước cất tinh khiết của tâm linh Hải Bằng, là cái tình thấm thía anh dành cho Huế, cho đời và cho riêng anh” [51,343].
Đề cập đến lòng nhiệt thành của nhà thơ với đất nước, có bài của Đỗ Hoàng trên báo Văn nghệ , số 6, ngày 11.02.2006, tr.19, tác giả nhấn mạnh: “Hải Bằng là nhà thơ được nhân dân ghi nhớ, anh được muôn đời biết đến tấm lòng trung trinh của mình với đất nước”[ 27, 19].
Minh Khôi trong bài viết : “Hải Bằng -Thi sỹ lính” đã phát hiện ra “chất lính trong thơ anh đậm đặc, phát lộ từng ngày cả trong thơ và trong cuộc sống…Chất lính Hải Bằng bộc lộ từ năm 1945, khi 15 tuổi, bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý của gia đình quan lại hoàng tộc để xin gia nhập Vệ Quốc đoàn. Chỉ có tấm lòng cách mạng mới từ giã cuộc sống riêng để cất bước lên đường dấn thân như vậy. Chính chất lính ấy đã tạc nên chân dung thơ Hải Bằng bộc trực, nhạy cảm, nhân từ và quyết liệt.”[ 51, 534].
Đáng quan tâm hơn cả là bài viết của Trần Phương Trà, tác giả đã vinh danh Hải Bằng là Người vắt kiệt đời mình cho Thơ, cho hoạ [51, 551].
Nguyễn Quang Hà trong bài viết “Hải Bằng tốc độ thơ ngoại hạng » trên báo Thừa Thiên Huế , tháng 6. 1996 đã nhạn xét rằng “Hải Bằng làm thơ nhanh như nước chảy, nhưng thông minh và tinh tế…Mười tập thơ kế tiếp nhau trong 15 năm qua là dòng chảy với tốc độ ngoại hạng để Hải Bằng tiếp tục tìm tòi, khẳng định mình”[51,414].
Trong bài “Những tác phẩm của Hải Bằng”, Trần Thùy Mai đã nhìn lại chặng đường lao động nghệ thuật miệt mài và đầy gian khổ của thi sỹ Hải Bằng: “Từ thơ cho đến hội họa, từ hội họa đến tạo hình rễ cây, có lẽ, Hải Bằng vẫn chưa hết dành cho ta những ngạc nhiên và bất ngờ. Bởi trên ai hết, với Hải Bằng, ta có thể tin rằng, bao giờ còn một giây, một phút sống trên đời, anh vẫn chưa thôi cuộc phiêu lưu của mình trên con đường sáng tạo như trong quá khứ, anh đã vật lộn với số phận, với hoàn cảnh, sự nghèo khổ và bệnh tật và cả cái chết.” [ 51, 412]
2.2. Bài viết thiên về đánh giá từng tác phẩm cụ thể:
Hải Bằng là nhà thơ cách mạng, đã tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Mùa hè năm 1952, nhà thơ sáng tác bài thơ Em nữ cứu thương người Pháp. Bài thơ đã làm xúc động lòng người và gây tiếng vang lớn. Bài thơ được nhà văn Nguyễn Khắc Thứ dịch sang tiếng Pháp. Đã có nhiều ý kiến về bài thơ này. Trong Báo Phú Yên, số 126,127 tháng 1,2.2005, tr.40, tác giả Nhất Lâm trong bài viết “Bài thơ đi cùng năm tháng Em nữ cứu thương người Pháp” cho rằng “Bài thơ mang đậm tình nhân ái sâu sắc. Đó là thơ của một thời, của một người, anh đã viết trong thời đại anh đang sống và chiến đấu một cách trung trực”[ 51, 545]. Tác giả Ngô Minh cũng bày tỏ suy nghĩ của mình với bài “Số phận bài thơ khóc kẻ thù của cố thi sỹ Hải Bằng”: “Đây là lần đầu tiên trong văn chương cách mạng Việt Nam có một tác phẩm viết về kẻ thù nhưng không ở góc độ phản kháng, chống đối, mà ở sự thương xót cho số phận con người và lên án chiến tranh”[ 51, 547].
Từ khi tập thơ Mưa Huế ra mắt bạn đọc (1992), Hải Bằng đã nhận được sự hưởng ứng, cổ vũ nhiệt tình của đông đảo bạn đọc với nhiều bài nhận xét, bài giới thiệu của nhiều nhà nghiên cứu. Hồ Thế Hà nhân đọc tập thơ Mưa Huế có bài “Chiếc cầu mưa trong thơ Hải Bằng” cho rằng “Hành trình thơ Hải Bằng là hành trình từ cái riêng đến cái chung và về lại cái riêng; từ ngợi ca hào hùng trở về với trữ tình đời tư và chiêm nghiêm”[19, 78]. Đồng thời cũng cảm nhận rằng “Hải Bằng đã tâm đắc và gắn bó sâu nặng với mưa Huế. Mưa ở đây không còn là khái niệm mà đã thành mưa cụ thể: Mưa Huế - Mưa quê hương -Mưa của những nỗi buồn đau, kỉ niệm ám ảnh suốt cả đời anh”. “Mưa như nhân chứng, là bài học làm người. Có mưa, đời biết buồn vui, hờn giận và có cuộc sống xanh tươi…Chiếc cầu mưa trong thơ Hải Bằng có lúc hữu hình, có lúc vô hình, có khi thực, có khi mộng nhưng đủ sức đưa tâm hồn anh đến mọi bến bờ..Tất cả hiện thực ấy đi vào thơ anh đều trở thành tiếng nói đồng cảm, thành sự trăn trở về tình yêu và sự sống”[19,79]. Hay trong bài viết có nhan đề “Hải Bằng thơ”, Hồ Thế Hà chỉ ra rằng thơ Hải Bằng thực sự trẻ lại trong cảm xúc , suy nghĩ và chín hơn trong nghệ thuật. Đó là “Hải Bằng với mưa Huế. Đó là nỗi niềm giao hoà da diết , biến hoá nhiều màu sắc, nhiều thanh âm: Mưa kỷ niêm, mưa tuổi thơ, mưa bóng mây, mưa thi sĩ, mưa vườn dâu quê mẹ, mưa bức tranh, mưa cổ thành, và có cả mưa thầm lặng, mưa trong lòng rơi giọt thương giọt nhớ. Và chiếc cầu mưa qua đôi bờ mong chờ”[21,15].
Nguyễn Trung Bình cho rằng “Hình như Hải Bằng và thơ chẳng thể nào tránh khỏi mưa. Nhà thơ đi trong mưa, nhìn mưa, nghĩ về mưa như sự ràng buộc của câu, chữ, những ý tưởng thấm đẫm từ gan ruột người cất lên, ca lên màu mưa chỉ riêng Huế có”[51,382].
Trong Tập san Đại học Huế, 2008, Nguyễn Thị Quỳnh Hương đã phát hiện ra cả thế giới của những cơn mưa đã trở thành “đặc sản”, là một trong những gia vị quan trọng làm nên chất bùa mê của đất Thần kinh trong thơ Hải Bằng. Những bài thơ về mưa Huế “mang cái da diết của nỗi nhớ thương, cái hoài mong mơ ước và cái trẻ trung của một nhà thơ đã ngoài 60 tuổi. Để vẽ nên bức tranh Mưa Huế muôn màu sắc, muôn thanh âm ấy, Hải Bằng đã đem tình yêu Huế và những quan sát đầy trải nghiệm của mình về mưa gởi vào hình ảnh, từng cấu tứ của bài thơ, từng biện pháp tu từ…Nhưng phải khẳng định rằng chưa có nhà thơ nào dành tặng hằng trăm bài thơ mưa cho Huế như Hải Bằng”[51,420]. Và tác giả đã tôn ông bằng danh hiệu: “Chuyên gia mưa Huế hay là nhà mưa Huế học”[51,420].
Đến tập thơ Trăng Năm Canh, trong bài viết “Trăng Năm Canh, khúc trữ tình mới của nhà thơ Hải Bằng”, Phạm Nguyên Tường đã có những phát hiện đầy gợi cảm về một ảnh tượng tâm linh vợi sáng là “Vầng trăng thao thức khôn nguôi soi thấu những ngóc ngách buồn vui. Vầng trăng ấy đã “ung dung lên giữa trời mùa thu vào đêm trong trẻo” để rồi cùng ông đi vào cõi người, cõi thơ huyền ảo…Ánh trăng trải rợp trên từng con chữ giúp ông tìm ra mọi vẻ đẹp huyền diệu của cuộc sống và cũng chính từ những con chữ đượm ánh trăng ấy đã bật lên thành cảm xúc thẩm mỹ, như một sự phản quang kì diệu của Thơ”[50,3].
Nguyễn Văn Hoa trong bài viết “Trăng Năm Canh, bản nhật kí viết bằng thơ văn xuôi giàu tính nhân văn” nhận ra rằng chúng ta càng đọc “càng thấy được cái tâm trong sáng của nhà thơ: Một tình yêu thiên nhiên tha thiết, một tâm hồn nhạy cảm dễ xúc động. Tập thơ cũng là một tuyên ngôn về nghiệp làm thơ, một nỗi ám ảnh về kí ức da diết…”[25, 91]. Đọc Trăng đợi trước thềm, Hoàng Vũ Thuật nhận ra “cái mới của thơ Hải Bằng khởi sự từ nội dung bài thơ, đó là cái mới từ trong vận động thao thức tư duy cảm xúc…Tính quyết liệt trong thơ anh không toát ra từ ngôn ngữ mà ở chiều sâu của nội tâm. Chính những âm điệu trầm mặc tạo cho thơ anh mang phong cách sâu kín, giàu liên tưởng, ngẫm gợi”[51,352]. Còn Mai Văn Hoan thì thấy rằng “Dường như Hải Bằng không để lọt mất một âm thanh nào của cuộc đời. Và bao giờ cũng lắng nghe dư âm của nó. Lần giở trang thơ của anh ta vẫn còn nghe đồng vọng tiếng nhạc Sôpanh, tiếng chim sơn ca và cả những tiếng ù ù của “miệng lu tròn hơi thở”[26,5].
Hồ Thế Hà trong bài viết có nhan đề “Những mùa thu đang trôi” cho rằng “Toàn bộ tập thơ Đề lên năm tháng là tiếng nói của nỗi niềm riêng tư, pha chút buồn đau nhưng không hề bi luỵ. Chất hoài niệm trong tập thơ đã ngụ ý một ao ước phía đường chân trời, đường biển khơi, và những cánh rừng, bờ cát, dòng sông, nơi anh đã từng lưu giấu bao kỉ niệm ngọt ngào và xao động”[20,140].
Phan Ngọc Thu đã có những phát hiện tinh tế về một điển hình của thủ pháp đồng hiện trong bài thơ Bức tranh cuối tuần. Với “cách thể hiện ấy làm cho cảm xúc của bài thơ ngày càng lắng dần vào chiều sâu, có sức gợi những chuỗi liên tưởng khác nhau trong lòng bạn đọc”[51,346].
Đọc “Hát về ngọn lửa”, Ngô Minh phát hiện thêm rằng “Huế và Biển là hai nguồn cảm hứng chủ đạo của Hải Bằng. Huế trầm tĩnh, đắm say, mơ mộng. Biển khao khát, rộng rãi, giàu triết lý, kết hợp với cái tôi mạnh mẽ của nhà thơ tạo nên một không gian rộng mở, linh động, một thời gian ngưng đọng, kết tủa, một chất liệu thơ tạo hình…Đó là đặc điểm của chất thơ Hải Bằng”[51,350].
Phạm Nguyên Tường trong bài viết với nhan đề “Nhà thơ trên mỗi bước Độc hành” đã phát hiện những tinh tế của Hải Bằng trong trường ca Độc hành. Đây là tập trường ca dài tám chương, được viết trong hơn mười năm. Tác phẩm được viết trong sự chiêm nghiệm của bản thân gắn với những buồn vui bất tận của đời sống. “Trọn vẹn và kiêu hãnh một đời sống, mở lòng ra với thiên nhiên và con người, nếm trải những vinh quang và cay đắng, có thể nói, Hải Bằng đã in đậm bóng dáng mình trên từng trang Huế, để trên con đường lớn, người ta vẫn dễ dàng nhận ra ông để mà yêu mến và kính phục. Giữa đám đông, ông vẫn một mực riêng biệt vói tất cả nét tài hoa, bản lĩnh và phong cách. Đôi khi ông cũng cảm thấy cô độc. Nhưng chính sự cô độc ấy càng thúc giục ông đi tìm một cõi cô độc hơn. Tôi đi về phía lòng tôi / Buồn vui tự túc. Nhà thơ chân chính, mãi mãi là một kẻ độc hành trong cõi thơ.”[ 50, tr.3].
Phan Cao đọc tập thơ tuổi Huế trong ta của Hải Bằng đã bắt gặp “một tâm trạng trầm lặng, đau đáu nỗi hoài mong của một -người -thơ gắn bó với từng ngọn cỏ, lá cây quê hương. Tất cả đã gợi cho ta một nỗi nhớ, một khoảng buồn vui ít ra có giống ông dù thoáng thôi mà đậm đà, xao xuyến, bồi hồi”[ 51, 395].
Như vậy, phần lớn các bài viết đều hướng đến từng tác phẩm riêng lẻ và chủ yếu ở dạng phê bình điểm sách, giới thiệu, bày tỏ chính kiến. Đối với nhóm bài viết có tính chất nghiên cứu tổng hợp cũng chỉ dừng lại ở một vài khía cạnh, ở một mức độ nhất định với nhiều góc độ khác nhau. Song nhìn chung, chưa có công trình nào đi sâu nghiên cứu về Đặc điểm thơ Hải Bằng. Chọn đề tài này, chúng tôi muốn trên cơ sở kế thừa, tiếp thu những ý kiến liên quan của những người đi trước để từ đó tìm hiểu kỹ hơn về thế giới nghệ thuật thơ Hải Bằng.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Nội dung nghiên cứu chính của Luận văn chúng tôi là Đặc điểm thơ Hải Bằng được chuyển tải thành các nội dung và phương thức thể hiện độc đáo. Vì vậy, các tập thơ sau là đối tượng khảo sát chủ yếu:
- Hát về ngọn lửa (1980)
- Trăng đợi trước thềm (1988)
- Thơ tình Hải Bằng (1989)
- Mưa Huế ( 1992)
- Mưa lại về ( 1993)
- Sóng đôi bờ ( 1994)
- Đề lên năm tháng ( 1995)
- Trăng năm canh ( 1997)
Phạm vi nghiên cứu của đề tài tập trung ở các bình diện, các phương thức nổi trội của nội dung và hình thức tác phẩm.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để triển khai đề tài này, chúng tôi sử dụng các phương pháp nghiên cứu chủ yếu sau:
4.1. Phương pháp vận dụng lý thuyết thi pháp học: Vận dụng phương pháp này để nghiên cứu thế giới nghệ thuật thơ Hải Bằng trong tính chỉnh thể hình thức và nội dung, chỉ ra hình thức mang tính quan niệm của từng yếu tố tham gia cấu thành tác phẩm.
4.2. Phương pháp thống kê, phân loại: Vận dụng phương pháp này để làm căn cứ xác đáng cho những nhận định .
4.3. Phương pháp phân tích, tổng hợp: Đây là phương pháp được coi là điều kiện cần và đủ khi tiến hành nghiên cứu, bởi vì chỉ trên cơ sở phân tích những vấn đề đặt ra, chúng ta mới có thể rút ra được những nhận định khái quát, từ đó đánh giá một cách khách quan tính cấp thiết của đề tài trên cơ sở những gì đã được phân tích, làm rõ.
4.4. Phương pháp so sánh, đối chiếu: Phương pháp này giúp chúng tôi có được những so sánh, đối chiếu cần thiết để thấy được sự vận động trong thi pháp cũng như những đóng góp mang bản sắc riêng của tác giả so với các nhà thơ đương thời.
5. Đóng góp của đề tài
Qua việc khảo sát, tìm hiểu những tập thơ của Hải Bằng, luận văn đưa ra một cái nhìn bao quát, hệ thống về thế giới nghệ thuật thơ Hải Bằng, khẳng định thế giới nghệ thuật thơ Hải Bằng- một nội dung lớn bao trùm toàn bộ sáng tác của nhà thơ mang dòng máu Hoàng tộc này. Trên cơ sở đó, chúng tôi mong góp một điểm nhìn tổng quát và đánh giá khách quan, đúng đắn về vị trí và những đóng góp Hải Bằng trong hành trình sáng tạo thơ ca của mình đối với nền thơ hiện đại Việt Nam.
6. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, nội dung của Luận văn gồm các chương sau:
Chương 1: Hải Bằng -Cuộc sống, quan niệm thơ và hành trình thơ
Chương 2: Thế giới hình tượng trong thơ Hải Bằng
Chương 3: Phương thức nghệ thuật đặc sắc trong thơ Hải Bằng
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: