Đặc điểm thi pháp ca dao, dân ca

bichngoc

Moderator
ĐẶC ĐIỂM THI PHÁP CA DAO, DÂN CA


1) Nhân vật trữ tình

Nhân vật trữ tình trong ca dao có một số kiểu nhất định như sau:

- Cô gái và chàng trai trong quan hệ bè bạn, lứa đôi.

- Người vợ, người chồng, người mẹ, người con ... trong đời sống gia đình.

- Người con gái, con dâu, người vợ trong gia đình gia trưởng.

- Người lính và người vợ lính trong cảnh ngộ li biệt và xa cách.

- Người lao động nói chung (người làm ruộng, người làm thợ, người dân chài...) trong lao động, sinh hoạt và quan hệ với xóm làng, quê hương, đất nước...

Thông qua những nhân vật trữ tình trong ca dao, xu hướng nhân dân muốn diễn tả những nét bản chất gắn với con người trong thời đại ấy. Những nét bản chất này thể hiện một cách tập trung ở cảm hứng trữ tình chủ đạo trong ca dao, dù là nam hay nữ, dù là vợ hay chồng, người làm ruộng hay người làm nghề sông nước... nhưng đều cảm nhận thân phận mình là thấy buồn, thấy khổ thì sẽ cất lên thành bài ca than thở về những khổ đau và bất hạnh của kiếp người; nêu cảm nghĩ về những người mình thương mến, những nơi thân thuộc mà thấy yêu thương thì ắt sẽ cất lên thành bài ca ân tình ân nghĩa – tình gia đình, tình bạn bè, tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước... Chính vì vậy, nói đến ca dao, dân ca người ta nhắc đến những câu hát than thân và những câu hát tình nghĩa của quần chúng nhân dân, những người lao động và bị áp bức trong xã hội cũ.

Nhân vật trữ tình thường gắn với những đại từ nhân xưng trong ca dao như: “anh”, “em”, “qua”, “bậu”, “ta”, “chàng”, “thiếp”, “tôi”...

Thí dụ:

Lên non thiếp cũng lên theo,
Tay vịn chân trèo, hái trái nuôi nhau.


Hay:

Bậu nói với qua bậu không hái mận bẻ đào,
Chớ mận đâu bậu bọc, đào nào bậu cầm tay.


Và kể cả những hình ảnh xưng hô ẩn dụ như: “mận”, “đào”, “trúc”, “mai”, “trăng”, “gió”…Tất cả không hề có dấu ấn cá nhân nên dễ dàng gợi sự đồng cảm sâu xa ở người đọc.

Thí dụ:

Trúc xinh trúc mọc đầu đình,
Em xinh em đứng một mình cũng xinh.


Hoặc:

Vì mây cho núi nên xa,
Mây cao mịt mù, núi nhòa xanh xanh.


2) Thể thơ

Các thể trong ca dao, còn được gọi là những thể thơ dân tộc, bao gồm thể thơ lục bát và lục bát biến thể, song thất lục bát và song thất lục bát biến thể, thể thơ tổng hợp (sử dụng kết hợp tất cả các thể thơ nói trên).

Thể lục bát và lục bát biến thể

Thể lục bát có số âm tiết ở mỗi dòng không thay đổi, vị trí gieo vần cố định: âm tiết cuối của câu sau hiệp với âm sáu của câu tám, âm tiết thứ tám của câu bát hiệp với âm tiết thứ sáu của câu lục tiếp theo. Nhịp điệu phổ biến là 2/2/2, đôi khi thay đổi thành 3/3/3 hoặc 4/4.

Thí dụ:

Bây giờ / mận mới / hỏi đào,
Vườn hồng / đã có / ai vào / hay chưa?
Mận hỏi / thì đào / xin thưa,
Vườn hồng / có lối / nhưng chưa / ai vào.


Nhịp điệu câu thơ lục bát uyển chuyển, linh hoạt vô cùng. Ngoài ra, với sự không gò bó, không bị hạn chế về độ dài, ngắn của tác phẩm (số lượng cặp thơ tùy thuộc vào tác giả), thể lục bát rất có sở trường trong việc diễn đạt cảm xúc vốn rất phong phú, thể hiện nội dung hết sức đa dạng của hiện thực.

Lục bát biến thể, theo Mai Ngọc Chừ: “lục bát biến thể ở đây được quan niệm là những câu ca dao có hình thức lục bát nhưng không khít khịt “trên sáu dưới tám” mà có sự co giãn nhất định về số lượng âm tiết (tiếng)”[6,trang 224]. Lục bát biến thể có ba loại:

Dòng lục thay đổi dòng bát giữ nguyên.

Thí dụ:

Tưởng giếng sâu, nối sợi dây dài,
Hay đâu giếng cạn, tiếc hoài sợi dây.
(7/8 tiếng)


Dòng lục giữ nguyên, dòng bát thay đổi.

Thí dụ:

Lời nguyền trước cũng như sau,
Ta không ham vui bỏ bạn, bạn chớ tham giàu bỏ ta.
(6/12 tiếng)


Cả hai dòng đều thay đổi.

Thí dụ:

Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo,
Ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua.
(7/10 tiếng)


Chức năng của hình thức lục bát biến thể trong việc thể hiện nội dung: chì chiết, đay nghiến, bộc lộ khó khăn và lòng quyết tâm vượt qua trở ngại, chấm biếm, trào phúng, tranh luận, đấu lí.

Song thất lục bát và song thất lục bát biến thể

Song thất lục bát là thể có nguồn gốc từ dân ca nhưng không phổ biến bằng thể lục bát. Thể này sau hai câu thất là hai câu lục bát (7+7+6+8 tiếng). Thể thơ này nói lên được sự đi về của cảm xúc như những đợt sóng lên cao xuống thấp rồi lại dàn ra đón lấy một đợt sóng khác.

Thí dụ:

Mây trên trời bủa giăng tứ phía,
Nước ngoài biển sóng dợn tứ bề.
Làm sao hiệp nghĩa phu thê,
Đó chồng, đây vợ ra về có đôi.


Song thất lục bát biến thể là thể thơ mà số lượng tiếng trong câu tăng lên.

Thí dụ:

Ai trắng như bông lòng tôi không chuộng,
Ai đó đen giòn, làm ruộng tôi thương,
Biết rằng dạ có vấn vương,
Để tôi cậy mối tìm đường sang chơi.

Thể hỗn hợp hay còn gọi là thể thơ tự do

Đường không đi sao biết,
Chuông không đánh sao kêu,
Nghe lời anh nói bao nhiêu,
Khiến lòng thắc thẻo chín chiều xót đau
.

Hai câu năm tiếng và một cặp lục bát.

Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi ai câu
Ai sầu ai thảm
Ai nhớ ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non.


Lời ca dao trên gồm một câu sáu, bốn câu bốn tiếng, và một cặp lục bát.

Trong tất cả các thể thơ thì thể thơ lục bát chiếm một số lượng rất lớn và trở thành một thể thơ tiêu biểu nhất của ca dao.

3) Thời gian nghệ thuật và không gian nghệ thuật

Thời gian nghệ thuật trong ca dao, dân ca trữ tình là thời gian hiện tại, thời gian diễn xướng.
Thời gian hiện tại của ca dao bộc lộ qua những từ như: hôm nay, hôm qua.

Thí dụ:

Bây giờ em mới hỏi anh,
Trầu vàng nhá với cau xanh thế nào?
Cau xanh nhá với trầu vàng,
Tình anh sánh với duyên nàng đẹp đôi.


Hay:

Hôm nay sum họp trúc mai,
Tình chung một khắc, nghĩa dài trăm năm.


Trong ca dao còn có những cụm từ chỉ thời gian như: ngày đi, ngày về, hôm qua, đêm qua thì cũng từ thời hiện tại mà nói. Likhatrốp gọi là thời gian diễn xướng. Ngoài ra thời gian trong ca dao còn là thời gian tâm lý. Đã là thời gian tâm lý thì nó có muôn vàn cách biểu hiện phụ thuộc vào những cảm nghĩ, tâm tư, cảm xúc...của nhân vật trữ tình.

Thí dụ:

Ngày đi em chửa có chồng,
Ngày về em đã con bế, con bồng, con mang.


“Ngày đi” không còn là thời gian vật lí mà thời gian đang diễn ra trong tâm trạng nhân vật, hoàn cảnh chủ quan. Đó là tâm trạng của nhân vật trữ tình trước sự thay đổi của hoàn cảnh.

Thí dụ:

Tôi xa mình ông trời nắng tôi nói mưa,
Canh ba tôi nói sáng, ông trời mưa tôi nói chiều.


Không gian nghệ thuật: dòng sông, con thuyền, cái cầu, bờ ao, cây đa, mái đình...là những không gian vật lí thường gặp trong ca dao.

Thí dụ:

Cô kia cắt cỏ bên sông,
Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây.
Sang đây anh nắm cổ tay,
Anh hỏi câu này có lấy anh không.

Nhìn chung, trong kho tàng văn học dân gian của người Việt, không gian vật lí là những không gian bình dị của làng quê, có quy mô vừa phải. Bên cạnh không gian vật lí, trong ca dao còn xuất hiện không gian xã hội. Ở đây có những mối quan hệ xã hội hết sức đa dạng giữa con người với con người.

Thí dụ:

Gặp nhau giữa chuyến đò đầy,
Một lòng đã hẹn, cầm tay mặn mà.


Cũng giống như thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật trong ca dao, dân ca trữ tình cũng là thời gian tâm lí. Nếu xác định được nhân vật trữ tình đang hát ở nơi nào, địa điểm nào thì ta đoán biết được tâm trạng của nhân vật đang diễn ra như thế nào. Chẳng hạn, “ngõ sau” là nỗi buồn, nỗi nhớ; “bến sông” là nơi ngóng trông chờ đợi, “giữa đường” là nơi gặp gỡ, làm quen. Bên cạnh những không gian vật lí, không gian xã hội có tên gọi, không gian trong ca dao còn là không gian phiếm chỉ. Tính phiếm chỉ tạo nên sự đồng cảm của những con người mang tâm trạng chung. Đó có thể là tâm trạng của một cô gái đang yêu, một chàng trai thất tình, một người con xa quê…tính chất này làm cho người đọc đồng cảm, có chung tâm trạng khi đọc những câu ca dao ấy lên đều thấy mình trong đó.

4) Ngôn ngữ

Ngôn ngữ ca dao mang đậm tính chất ngôn ngữ dân tộc. Nhờ biết dựa vào ngôn ngữ dân tộc, khai thác sử dụng ngôn ngữ dân tộc mà ca dao dân gian Việt Nam rất giàu bản sắc không những thế mà ca dao còn tác động ngược trở lại ngôn ngữ dân tộc để củng cố và phát triển ngôn ngữ dân tộc. Văn học dân gian vốn có tính dân tộc, tính tập thể, và tính truyền miệng nên vừa thống nhất, vừa đa dạng. Vì vậy mà hai khuynh hướng dân tộc hóa và địa phương hóa luôn diễn ra song song và tác động lẫn nhau. Ngôn ngữ ca dao cũng vậy, vừa đậm đà bản sắc dân tộc vừa mang sắc thái địa phương. Chúng ta nhận thấy dấu ấn văn hóa vùng miền nhờ vào ngôn ngữ địa phương. Ca dao Bắc Bộ thì nhẹ nhàng tình tứ.

Thí dụ:

Người về em chẳng cho về,
Em nâng vạt áo, em đề câu thơ.


Ca dao Nam Bộ thì bộc lộ một cách rõ ràng, bộc trực, dứt khoát.

Thí dụ:

Anh về em nắm vạt áo em la làng,
Anh bỏ chữ thương chữ nhớ giữa đàng cho em…


Khi sáng tác ca dao, nhân dân lựa chọn và sử dụng ngôn ngữ theo yêu cầu của nghệ thuật thơ ca để bộc lộ tâm tình và những cảm xúc thẩm mĩ mà ngôn ngữ giao tiếp thông thường không thể nào diễn đạt được. Ngôn ngữ ca dao là một thứ ngôn ngữ giàu sắc thái biểu cảm, tính chất biểu tượng, ước lệ, tượng trưng, ẩn dụ… rất đậm nét.

5) Kết cấu

Kết cấu một vế đơn giản

Là dạng kết cấu nội dung của lời là một ý lớn do các phán đoán tạo thành.

Thí dụ:

Dốc bồ thương kẻ ăn đong,
Vắng chồng thương kẻ nằm không một mình.

A: Dốc bồ thương kẻ ăn đong.
B: Vắng chồng thương kẻ nằm không một mình.


Cả hai phán đoán A, B đều nhằm diễn đạt cái ý đồng cảm với những người cùng cảnh ngộ với mình.
Kết cấu một vế có phần vần

Phần đầu tác giả dân gian miêu tả ngoại cảnh (cỏ, cây, sông, núi, đất, trời…). Các nhà nghiên cứu thường gọi phần này là phần gợi hứng. Sau phần này là phần chính của lời có trường hợp giữa hai phần có mối quan hệ liên tưởng.

Thí dụ:

Quả cau nho nhỏ
Cái vỏ vân vân
Nay anh học gần
Mai anh học xa
Lấy anh từ thuở mười ba
Đến năm mười tám thiếp đà năm con
Ra đường người nghĩ còn son
Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng.


Quả cau là hình tượng gợi hứng, người phụ nữ năm con là hình ảnh chính. Giữa hai phần lời ca dao có mối quan hệ hồi tưởng quả cau→ngày cưới→cuộc sống vợ hiện tại.

Kết cấu hai vế tương hợp

Dạng này thường xuất hiện trong hát đối đáp. Nội dung gồm hai ý lớn có thể tương hợp.

Thí dụ:

Bây giờ mận mới hỏi đào,
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
Mận hỏi thì đào xin thưa,
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.


Người con trai ướm hỏi cô gái và cô gái trả lời. Dạng kết cấu này chiếm hầu hết trong kho tàng ca dao, dân ca là mảng đề tài về tình yêu đôi lứa và tình cảm gia đình.

Kết cấu nhiều vế nối tiếp

Kết cấu nhiều vế nối tiếp nhau là nội dung của lời gồm nhiều ý nối tiếp nhau. Thuộc dạng này có hai loại. Một loại thì giữa các ý không có mối liên hệ mạch lạc. Một loại giữa các vế không chỉ gắn bó về vần mà còn được liên hệ chặt chẽ về nội dung.

6) Một số biểu tượng, hình ảnh trong ca dao

Thế giới biểu tượng trong ca dao khá phong phú và đa dạng, “Biểu tượng trong ca dao là một loại biểu tượng nghệ thuật, xây dựng bằng ngôn từ với những quy ước của cộng đồng” [1, trang 106].Có thể phân loại các biểu tượng hết sức phong phú đa dạng của hiện thực ấy như sau:

Thế giới các hiện tượng tự nhiên, thiên nhiên

- Các hiện tượng tự nhiên: trăng, sao, mây, gió…
- Thế giới thực vật: cỏ, cây, hoa, lá…
- Thế giới động vật: rồng, phượng, chim, muông…

Thế giới các vật thể nhân tạo bao gồm:

- Các đồ dùng cá nhân: áo, khăn, gương lược…
- Các dụng cụ sinh hoạt gia đình: chăn, chiếu, giường…
- Các công cụ sản xuất: thuyền, lưới, đò…
- Các cộng cụ kiến trúc: đình, nhà, cầu…

Tóm lại, khi nói đến thi pháp chúng ta thường đề cập đến các vấn đề thuộc về kĩ thuật, kĩ xảo, thao tác và tài năng sáng tạo nghệ thuật. Song để xác định một tác phẩm nghệ thuật đích thực, những lời ca dao đặc sắc, nếu chỉ có kĩ thuật, tay nghề không chưa đủ mà điều kiện trước hết vẫn là sự chân thực của cảm xúc, là sự rung động sâu sắc, tha thiết của trái tim nguời nghệ sĩ.

(Sưu tầm)
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top