Đặc điểm ngôn từ nghệ thuật truyện ngắn Hồ Anh Thái

  • Thread starter Thread starter Cua Ta
  • Ngày gửi Ngày gửi

Cua Ta

New member
MỞ ĐẦU

1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Điều kiện xã hội mới sau 1975 cộng với sự thức tỉnh sâu sắc của ý thức cá nhân người sáng tác đem đến cho văn học dân tộc một bước phát triển quan trọng, đặc biệt ở mảng văn xuôi – lĩnh vực chiếm địa vị thống trị trên văn đàn đương đại.
Sự phát triển của văn xuôi Việt Nam sau 1986 đã tạo ra nhiều gương mặt mới, nhiều hiện tượng mới lạ. Hồ Anh Thái là một trong những nhà văn chiếm được nhiều thiện cảm của công chúng. Bên cạnh tiểu thuyết, truyện ngắn cũng đem lại danh tiếng rực rỡ cho nhà văn này. Với truyện ngắn, Hồ Anh Thái đã bộc lộ cách nhìn mới về cuộc sống và con người hiện đại, những trăn trở, suy tư của nhà văn về thân phận người trong những khoảnh khắc, tình huống khôn lường. Đây là một lí do quan trọng giúp ông trở thành một trong những nhà văn được đón đọc nhiều nhất ở Việt Nam hiện nay.
Bên cạnh đó, truyện ngắn Hồ Anh Thái còn thôi miên độc giả bởi nghệ thuật ngôn từ độc đáo và mới lạ. Sự thành công trong kĩ thuật dụng ngôn của ông đã “lạ hóa” một cách hữu hiệu ngôn ngữ văn học dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh những lời động viên, khen ngợi, vẫn có không ít ý‎ kiến cho rằng ngôn ngữ Hồ Anh Thái sẽ khiến người đọc dị ứng.
Với những hiệu ứng không nhỏ mà sáng tác Hồ Anh Thái tạo ra cho dư luận, đã đến lúc phải có một công trình nghiên cứu thật khách quan để đánh giá thi pháp ngôn từ trong văn xuôi của ông, đặc biệt ở thể loại truyện ngắn.
Ngoài những lí do ở trên, việc chọn đề tài: “Đặc điểm ngôn từ nghệ thuật truyện ngắn Hồ Anh Thái” cũng là cơ hội để chúng tôi có cái nhìn sát hợp trước những hiện tượng văn học mới.
2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
Để có cái nhìn tổng quan về những ý kiến liên quan đến nhà văn, từ đó xác định phương hướng kế thừa và phát triển của đề tài, chúng tôi tạm chia các nghiên cứu về sáng tác của Hồ Anh Thái thành hai nhóm sau đây:
2.1. Các nghiên cứu về sáng tác Hồ Anh Thái nói chung
Khi nhận xét về Hồ Anh Thái, phần lớn ý kiến đều thống nhất cho rằng đây là nhà văn đa phong cách, đa giọng điệu. Trong bài “Hồ Anh Thái - người lúc nào cũng đang viết”, Hoài Nam tỏ ra rất lạc quan, tin tưởng khi đánh giá: “Sản phẩm văn học “made in Hồ Anh Thái” luôn là mặt hàng được chú ý trên thị trường hiện nay - phản ánh qua lượng phát hành và số lần tái bản”. Theo người viết, tác giả này đang làm mới mình qua từng giai đoạn, với những vai diễn khác nhau. Ông là kiểu nhà văn luôn “ngọ nguậy không yên”, không tự bằng lòng với sự ổn định của cái mà người ta vẫn gọi là “phong cách”. Nhiều bài viết khác của Ngọc Ánh, Xuân Anh, Thanh Huyền, Nguyễn Thị Thu Huệ… cũng có cùng quan điểm như vậy.
Tác giả Xuân Thiều dành nhiều ưu ái khi nói về Người và xe chạy dưới ánh trăng trong bài viết “Sức mạnh của văn học từ một tiểu thuyết”. Janine Gillon nhận xét: “Tiểu thuyết Hồ Anh Thái ra đời trong khuynh hướng đổi mới, phê phán những điều luật đã trở nên lỗi thời”. Còn Hoàng Lan Anh trong bài “Cõi người cũng bao dung lắm”, Nguyễn Thị Minh Thái với “Giọng tiểu thuyết đa thanh”, Nguyễn Anh Vũ với “Hơn cả sự thật”, Lê Minh Khuê với
Người còn đi dài với văn chương”, Ma Văn Kháng với “Cái mà văn chương còn thiếu”, hay Hoài Nam với “Chất hài hước nghịch dị trong Mười lẻ một đêm”… đều đánh giá cao tiểu thuyết của nhà văn Hồ.
Các bài viết đề cập đến hạn chế của văn xuôi Hồ Anh Thái, đặc biệt là mặt ngôn từ, chiếm số lượng khá khiêm tốn. Trên báo VietNamnet, Phạm Xuân Thạch bên cạnh sự thừa nhận những thành công của tác giả, cũng đưa ra những hạn chế trong cách xử lý tiểu thuyết mới nhất của nhà văn – cuốn Đức Phật, nàng Savitri và tôi. Dù ít ỏi, nhưng những bài nghiên cứu theo hướng này cũng là một sự quan tâm, góp ý để nhà văn hoàn thiện mình hơn.
2.2. Các bài viết về truyện ngắn Hồ Anh Thái
Xung quanh truyện ngắn Hồ Anh Thái có hai hướng đánh giá trái ngược. Một số người thừa nhận đó là những sáng tác thể hiện sự thay đổi không ngừng của nhà văn về phong cách, “ý thức tìm tòi, làm cho văn đẹp, có cá tính”. Bên cạnh đó cũng có một vài ý kiến lại cho rằng, sự làm mới mình trong Tự sự 265 ngày khiến nhiều người đọc cảm thấy rất chối hoặc khá dị ứng.
Ngô Thị Kim Cúc trong bài viết “Có ai chẳng muốn đùa”, sau khi nói về những thú vị trong Tự sự 265 ngày đã kết luận: “Đó là giọng điệu riêng của Hồ Anh Thái trong tập sách này: Tự sự 265 ngày. Có một Hồ Anh Thái tinh quái đến suồng sã khi vẽ nên một tập hợp chân dung kiểu như thế khi bắt người đọc phải cười phải đau như thế!”. Trong bài viết “Che giấu sự cô đơn”, Lê Quang Toản đã có nhiều nhận xét khá thú vị: “có lẽ cái ông tác giả tinh quái kia đang nấp đâu đó trong truyện để vừa dẫn dắt nhân vật vừa chằm chằm quan sát độc giả”.
Ngôn từ nghệ thuật trong sáng tác của Hồ Anh Thái hấp dẫn nhiều bạn đọc. Nguyễn Đăng Điệp có bài viết: “Hồ Anh Thái - người mê chơi cấu trúc”. Tác giả cho rằng, chính quan niệm coi cuộc đời như trăm ngàn mảnh vỡ đã tạo nên tính đa cấu trúc trong các tác phẩm của ông. Cấu trúc ngôn ngữ của Hồ Anh Thái cũng không bằng phẳng mà “lổn nhổn” một cách cố ý.
Các bài viết Một góc nhỏ văn chương Hồ Anh Thái” của Diệu Hường, bài viết “Chuyện nhỏ gom thành chuyện lớn” của Thúy Nguyên đều khẳng những thành công của truyện ngắn Hồ Anh Thái. Trong bài viết Hiện tượng văn chương Hồ Anh Thái, Anh Chi cho rằng văn chương trong các tập Tự sự 265 ngày, Bốn lối vào nhà cười, Sắp đặt và diễn là thứ văn chương trào lộng sâu sắc. Sự đa dạng trong phong cách, giọng điệu là cái “tạng” và cũng là thế mạnh của nhà văn này. Một số đặc trưng trong ngôn ngữ truyện ngắn Hồ Anh Thái như giọng điệu, điểm nhìn nghệ thuật,… cũng được điểm qua trong các bài viết: “Một giọng văn khác” của Văn Long, “Nhà văn không cười” của Nguyễn Chí Hoan,...
Trên đây là những nghiên cứu chủ yếu đề cập đến một số khía cạnh, đặc điểm văn xuôi Hồ Anh Thái nói chung, thi pháp ngôn từ của truyện ngắn nói riêng. Tuy nhiên, những ý kiến trên mới chỉ là những nhận định, đánh giá sơ lược, chưa phải là những công trình nghiên cứu chuyên sâu về ngôn từ truyện ngắn Hồ Anh Thái. Tình hình trên đòi hỏi cần thiết phải có một công trình có tính hệ thống để tiếp cận vấn đề trong tính toàn vẹn của nó.
3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu chủ yếu của đề tài là những phương diện cơ bản trong thi pháp ngôn từ truyện ngắn Hồ Anh Thái góp phần tạo nên phong cách, vị thế của tác giả trong văn xuôi đương đại Việt Nam.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Luận văn chỉ tập trung nghiên cứu ngôn từ trong truyện ngắn Hồ Anh Thái trên cấp độ chính như: điều kiện hình thành phong cách ngôn ngữ truyện Hồ Anh Thái; các thủ pháp ngôn từ trong truyện ngắn Hồ Anh Thái và những mặt biểu hiện của nó, qua đó nêu lên những đóng góp của ngôn ngữ truyện Hồ Anh Thái đối với quá trình hiện đại hóa ngôn ngữ văn học.
- Luận văn tập trung nghiên cứu những truyện ngắn của Hồ Anh Thái in trong 5 tập truyện: Mảnh vỡ của đàn ông, Nói bằng lời của mình, Bốn lối vào nhà cười, Sắp đặt và diễn, Tự sự 265 ngày.
4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
4.1. Phương pháp phân tích, tổng hợp
4.2. Phương pháp cấu trúc – hệ thống
4.3. Phương pháp so sánh - đối chiếu
Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng phương pháp liên ngành văn học – xã hội học văn học để có cái nhìn sâu hơn về ngôn từ trong truyện ngắn Hồ Anh Thái.
Tất cả những phương pháp trên đây được sử dụng phối hợp với nhau một cách linh hoạt trong quá trình nghiên cứu.
5. ĐÓNG GÓP CỦA ĐỀ TÀI
- Nghiên cứu một cách hệ thống và toàn diện những đặc điểm ưu trội về thi pháp ngôn từ trong truyện ngắn Hồ Anh Thái, từ đó góp phần nhận diện phong cách cũng như vị thế của tác giả trong đời sống văn học Việt Nam đương đại.
- Đánh giá một cách khách quan, sát hợp những mặt tích cực và hạn chế trong hoạt động nghệ thuật của Hồ Anh Thái để minh định những đóng góp của nhà văn cho văn xuôi đổi mới.
6. CẤU TRÚC CỦA ĐỀ TÀI
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Nội dung của đề tài gồm 3 chương:
- Chương 1: Hồ Anh Thái và những quan niệm nghệ thuật.
- Chương 2: Nghĩa và tính đối thoại của ngôn từ truyện ngắn Hồ Anh Thái.
- Chương 3: Giọng điệu và phong cách của ngôn từ truyện ngắn Hồ Anh Thái.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top