Đặc điểm nghệ thuật tiểu thuyết của Phú Đức

  • Thread starter Thread starter Cua Ta
  • Ngày gửi Ngày gửi

Cua Ta

New member
Đặc điểm nghệ thuật tiểu thuyết của Phú Đức

MỞ ĐẦU

1. Lý do, mục đích chọn đề tài


Trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, văn xuôi Nam Bộ hình thành và phát triển mạnh mẽ. Thể loại chiếm ưu thế lúc bấy giờ là tiểu thuyết. Tiểu thuyết trở thành “đặc sản” được nhiều người ưa chuộng. Nắm bắt được thị hiếu của người đọc, các nhà văn đã không ngừng sáng tạo và thử nghiệm những “kĩ xảo” tiểu thuyết với các màu sắc khác nhau, trong số đó có nhà văn Phú Đức.

Phú Đức là nhà văn có nhiều thử nghiệm ở thể loại tiểu thuyết vào những năm 20 của thế kỷ XX. Tiểu thuyết của ông bao gồm tiểu thuyết tâm lý, nghĩa hiệp, kỳ tình, trinh thám… Ông miệt mài sáng tác trong một thời gian dài với hơn 70 tác phẩm. Tuy nhiên, thực tế nhà văn Phú Đức và các tác phẩm của ông vẫn chưa được nghiên cứu và đánh giá một cách khách quan và đầy đủ. Đó như là một sự thiệt thòi đối với nhà văn quá cố này.

Chính những lý do đó, chúng tôi chọn đề tài “Đặc điểm nghệ thuật tiểu thuyết của Phú Đức” để thực hiện luận văn Thạc sĩ, với mong muốn khám phá những thử nghiệm trong tiểu thuyết của Phú Đức về phương diện nội dung và nghệ thuật. Đồng thời, chúng tôi muốn khẳng định những đóng góp nhất định của nhà văn trong nền văn xuôi Nam Bộ nói riêng và văn học sử Việt Nam nói chung
.

2. Lịch sử vấn đề


2.1. Các công trình nghiên cứu, bài viết chung
Luận án Phó Tiến sĩ của Tôn Thất Dụng với đề tài “Sự hình thành và vận động của thể loại tiểu thuyết văn xuôi Tiếng Việt ở giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến 1932” (1993) đã viết: “Ảnh hưởng của loại tiểu thuyết trinh thám phương Tây cũng để lại những dấu vết khá rõ trong tác phẩm của Biến Ngũ Nhy, Bửu Đình, Phú Đức…”.

Luận án Tiến sĩ của Cao Xuân Mỹ với đề tài: “Quá trình hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX” (2002) cho rằng: “Sau Biến Ngũ Nhy, có nhiều tác giả viết tiểu thuyết trinh thám như Nguyễn Thế Phương, Nguyễn Khuyến Sanh, Liên Chiểu… nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là Phú Đức”.

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi với bài tham luận: “Trở lại với ba đặc điểm trong bước khởi đầu của văn xuôi tự sự quốc ngữ Nam Bộ” thì cho rằng: “Hai nhà văn Phú Đức và Bửu Đình cũng có những nét đồng dạng. Phú Đức và Bửu Đình còn tiến xa hơn Hồ Biểu Chánh ở chỗ câu văn hầu như đã rất ít dấu vết biền ngẫu”PGS - TS Trần Hữu Tá với bài viết: “Những bổ khuyết cần thiết cho bức tranh toàn cảnh của văn học Việt Nam hiện đại” trên Phongdiep.net thì cho rằng: “Nhiều nhà văn, như Phú Đức, Trần Quang Nghiệp, Bửu Đình, Biến Ngũ Nhy, Nam Đình, Nguyễn Thế Phương, Lê Hoằng Mưu... chủ yếu lại chịu ảnh hưởng tiểu thuyết phương Tây”.

Trên đây là những công trình, bài viết chung về văn xuôi quốc ngữ Nam Bộ, trong đó, các tác giả đã nhắc đến Phú Đức với tư cách là một nhà văn có nhiều điểm nổi bật về nghệ thuật tiểu thuyết. Tuy nhiên, các công trình, bài viết này chỉ mới dừng ở việc đánh giá chung về nhà văn Phú Đức chứ chưa đi sâu vào nghiên cứu cụ thể.

2.2. Các công trình, bài viết về nhà văn Phú Đức
Tác giả Ngọa Long là học trò của Phú Đức cho rằng: “Bằng văn chương, Phú Đức đã tạo nên một mẫu hình đàn ông trong mộng của nhiều người: giỏi võ nghệ, thừa can trường, đẹp, khỏe, thông minh, rộng rãi, hào hoa, hoạt động lanh lẹ…”
Trong cuốn Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX (2004), tác giả Nguyễn Kim Anh (chủ biên) đã có bài viết về Phú Đức: “… chưa nói đến nghệ thuật, chỉ xét về phương diện làm việc, sức viết cuồn cuộn của một nhà văn và hệ thống đề tài phong phú mà ông có được cũng đủ để cho lớp hậu sinh phải suy nghĩ”.

Trong Từ điển Tác gia văn học Việt Nam thế kỷ XX (2003) của Trần Mạnh Thường đã có bài viết về Phú Đức, tác giả cho rằng: “Tiểu thuyết Phú Đức chủ yếu thuộc tiểu thuyết phiêu lưu, mạo hiểm, kỳ tình. Về nội dung, chủ đề không có gì thật xuất sắc nhưng hấp dẫn bạn đọc vì ngôn ngữ trong sáng, lời văn không cầu kỳ mà bình dị”.

PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân cho rằng: “Bên cạnh việc tác phẩm bán chạy, Phú Đức còn tạo ra một kiểu nhà văn, một số mẫu nhân vật, một dạng thức phổ biến tác phẩm đặc biệt trong đời sống văn học Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Thắng trong Tuyển tập Văn học Việt Nam nơi miền đất mới (2007) với bài viết Phú Đức nhà văn trinh thám tiền phong Việt Nam đã nhận định: “Các sự kiện trong tiểu thuyết Phú Đức xảy ra rất dồn dập, việc nọ tiếp việc kia, nhân vật chính, nhân vật phụ đều có một sự thống nhất, xuyên suốt từ hồi mở đầu đến lúc kết cuộc đều xảy ra rất nhịp nhàng, thứ tự.

Như vậy, tìm hiểu về tiểu thuyết của Phú Đức đã có một số công trình, bài viết, tuy nhiên phần lớn các công trình nghiên cứu còn đặt Phú Đức trong dòng chung của văn xuôi Nam Bộ. Cho đến nay, nghiên cứu về nhà văn Phú Đức chỉ dừng ở những bài viết còn tản mạn, vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu chuyên sâu về Phú Đức, vậy nên, những giá trị của tiểu thuyết Phú Đức chưa được đánh giá một cách đúng mức. Với đề tài “Đặc điểm nghệ thuật tiểu thuyết của Phú Đức”, chúng tôi cố gắng tìm hiểu, nghiên cứu những đặc trưng về tiểu thuyết của Phú Đức ở phương diện nội dung phản ánh và nghệ thuật thể hiện. Tuy nhiên, do việc tìm kiếm nguồn tư liệu gặp nhiều khó khăn nên đề tài chưa thể bao quát một cách trọn vẹn về nghệ thuật thể hiện của Phú Đức.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu


3.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận văn nghiên cứu tiểu thuyết của Phú Đức về khả năng chiếm lĩnh hiện thực cuộc sống và nghệ thuật thể hiện.

3.2.
Phạm vi nghiên cứu
Để nghiên cứu nghệ thuật tiểu thuyết của Phú Đức, luận văn khảo sát một số tiểu thuyết của Phú Đức trong đó tập trung ba tiểu thuyết sau:
- Châu về hiệp phố, Nxb Tổng hợp Tiền Giang, 1988
- Bà chúa đền vàng, Nxb Tổng hợp Tiền Giang, 1989
- Tôi có tội, Nxb Tổng hợp Tiền Giang, 1989
Có thể nói, đây là ba cuốn tiểu thuyết tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Phú Đức.

  1. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau: Phương pháp hệ thống; phương pháp văn học sử; phương pháp phân tích, tổng hợp; phương pháp so sánh, đối chiếu và một số phương pháp khác.


  1. Đóng góp của luận văn
Luận văn là công trình đầu tiên nghiên cứu về nghệ thuật tiểu thuyết của Phú Đức. Trên cơ sở tìm hiểu về đặc điểm nghệ thuật tiểu thuyết của Phú Đức, chúng tôi muốn khẳng định những thành công và đóng góp của nhà văn trong quá trình hiện đại hóa văn học cả nước nói chung và miền Nam nói riêng. Đồng thời, chúng tôi muốn “tìm lại vị trí xứng đáng” của một nhà văn, một nhà tiểu thuyết lừng lẫy một thời này.


  1. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, luận văn có ba chương chính sau:
Chương 1: Phú Đức và tiểu thuyết Nam Bộ trong những năm đầu thế kỷ XX.
Chương 2: Tiểu thuyết Phú Đức nhìn từ khả năng chiếm lĩnh đời sống.
Chương 3: Tiểu thuyết Phú Đức nhìn từ phương thức thể hiện.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top