• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Đặc điểm của Văn học Thăng Long

  • Thread starter Thread starter TầnCa
  • Ngày gửi Ngày gửi

TầnCa

New member
Xu
0
Đặc điểm của Văn học Thăng Long

Khí phách và tâm hồn Việt Nam trên mọi lĩnh vực của đời sống, cũng là khí phách và tâm hồn trong sáng tác văn học nghệ thuật. Đây là sự thể hiện sâu sắc, sinh động, phong phú, làm nổi bật giá trị của nền văn học nghệ thuật rực rỡ và bền vững từ thủ đô Thăng Long tỏa đi toàn quốc. Dưới đây là những đặc điểm cơ bản của văn học Thăng Long.

Văn học Thăng Long thể hiện khí phách hào hùng của dân tộc

Tính chất hào hùng của văn học Thăng Long đã nổi bật lên trong những tác phẩm viết về Thăng Long và từ Thăng Long.

Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn lại chói sáng trong Lộ bố văn của Lý Thường Kiệt và lời thơ Nam quốc sơn hà để rồi tiếp tục bùng cháy và dâng cao trong Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi.

Không khí hào hùng ấy thâ m nhập vào Phật giáo, nâng cao khí phách của cả những nhà sư. Những người tu hành vốn nhẫn nhục và khổ hạnh, thì ở thời Lý – Trần đã vươn lên với khí thế dọc ngang trời đất. Như Quảng Nghiêm: “Làm trai có chí xông trời thẳm”… hoặc như Dương Không Lộ:

“Có khi xông thẳng lên đầu núi
Một tiếng kêu vang lạnh cả trời…”

Khi Hào khí Đông A bốc lên từ ý chí quân dân đời Trần quyết thắng bọn xâm lăng, thì trong sáng tác văn học, khí phách hào hùng ấy cũng trào dâng mạnh mẽ. Đó là khí phách “Chương Dương cướp giáo giặc. Hàm tử bắt quân Hồ” trong thơ Trần Quang Khải. Đó là “ba quân khí mạnh nuốt sao Ngưu” trong thơ Phạm Ngũ Lão. Khí phách ấy cũng bộc lộ qua tâm trạng sảng khoái của “người lính già đầu bạc, kể mãi truyện Nguyên Phong” trong thơ Trần Nhân Tông.

Khí phách hào hùng của dân tộc được thể hiện xuyên qua nhiều thế kỉ trong văn học Việt Nam, cũng đã được thể hiện trong tâm hồn của Cao Bá Quát sau này. Đó là khí phách của người anh hùng làng Gióng mà Cao Bá Quát ca ngợi:

Nợ nước chưa đền, ba tuổi vẫn hiềm đã muộn
Bầu trời xông thẳng, chín tầng chửa thấy là cao

Đó là chí hướng muốn xông pha và tấm lòng muôn dặm mà nhà nho chiến sĩ nung nấu:

Bất kiến ba đào tráng
An trị vạn lí tâm
(Nếu không thấy ba đào hùng tráng,
Thì biết sao được tấm lòng muôn dặm).

Văn học Thăng Long thấm đượm tinh thần yêu nước mãnh liệt

Trong văn học Việt nam, bên cạnh những tuyên ngôn, lời hịch, những thiên chính luận về chủ nghĩa yêu nước và tinh thần tự cường của dân tộc, bên cạnh những áng văn thơ bất hủ, những tác phẩm ngợi ca những chiến công hiển hách của dân tộc hoặc những vẻ đẹp của non sông, sự mạnh giàu của đất nước… còn phải kể đến sự có mặt của một mảng văn thơ lấy cuộc sống, con người và cảnh vật Thăng Long làm nguồn cảm hứng chủ đạo.

Ở mảng văn thơ này, Thăng Long được cảm nhận từ nhiều góc độ, nhiều hoàn cảnh. Tình yêu Thăng Long, biểu hiện cụ thể của lòng yêu nước, được thể hiện với những nội dung, những bút pháp và sắc thái tình cảm khác nhau.

Viết về Thăng Long, có những bài thơ, bài phú, đặc biệt là phú đời Trần, đời Lê, thật đặc sắc và phong phú. Với tình yêu Thăng Long, Nguyễn Giản Thanh có Phụng Thành xuân sắc phủ mô tả một Phụng Thành vừa tôn nghiêm, vừa dân dã, nơi đây có điện ngọc thâm nghiêm, cửa vàng ngang ngửa, lại có chợ hòe đầm ấm…, một Phụng Thành với những con người hồn nhiên và thanh lịch, có trai lanh lẹ đá cầu vén áo, gái éo le rủ yếm dôi quần, có cả khách Trường An cưỡi ngựa xem hoa, rợp đường tử mạch.

Ngô Thì Sĩ có Tây Hồ phong cảnh phú. Cảnh Tây Hồ hiện lên rất thật, rất thơ và đáng yêu biết chừng nào: nước mênh mang tứ phía… Sóng dào dạt quanh bờ… sương rơi chuông vẳng… Trăng rõi chày gieo… Chùa Trấn Quốc sen tươi… Bãi Nghi Tàm dâu tốt…

Viết về Thăng Long, có những truyện và truyện kí giá trị. Ở Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác, tình yêu Thăng Long thể hiện kín đáo qua những điều mắt thấy tai nghe được ghi chép chân thực. Còn ở Hoàng Lê nhất thống chí của các tác giả họ Ngô là bức tranh sinh động về xã hội Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII, lòng yêu nước chân chính và lòng tự tôn dân tộc, cũng như niềm kiêu hãnh về Thăng Long đã được khơi dậy mạnh mẽ trong những chương tập trung miêu tả chiến thắng Đống Đa oanh liệt, nổi bật sức mạnh của nghĩa quân Tây Sơn và vai trò của chủ tướng anh hùng Nguyễn Huệ.

Về tình yêu Thăng Long, không chỉ có những áng văn chính luận hào hùng mà cũng có những tiếng thơ man mác đượm buồn, nhớ về một Thăng Long trong quá khứ, như tâm trạng Bà Huyện Thanh Quan.

Lại có những tiếng thơ da diết của Nguyễn Du, khi ông bạc đầu còn được thấy Thăng Long, chứng kiến sự đổi thay tàn tạ của Thăng Long mà thâu đêm chẳng ngủ lòng thêm bận. Địch thổi trăng trong tiếng não nùng. Ông gặp lại một người con hát gảy đàn từng tài sắc một thời mà nước mắt thầm rơi, tai lắng nghe mà trong lòng đau xót cho sự tiêu vong của cả sự nghiệp Tây Sơn và sự bất hạnh của một tài nữ.

Văn học Thăng Long thấm đượm tinh thần nhân văn cao cả và sâu sắc

Tinh thần nhân văn thể hiện trước hết là ở lòng tôn trọng đối với con người. Trên tinh thần đó, văn học Thăng Long nói lên niềm tin ở khả năng to lớn của con người. Văn học Thăng Long vừa đề cao vai trò và sức mạnh của nhân dân trong lịch sử, vừa tôn trọng và yêu mến những con người có ý thức trách nhiệm cao trước quốc gia và dân tộc, những con người đem hết tài năng, trí tuệ, tâm huyết nhằm mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân.

Tinh thần ấy toát lên từ Chiếu dời đô, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu, từ Bình Ngô đại cáo với quan niệm việc nhân nghĩa cốt ở yên dân.

Đó cũng là tấm lòng thương dân đến bạc đầu của Trần Nguyên Đán, là sự cảm thông sâu sắc của Lê Thánh Tông trước cuộc xông pha trận mạc của binh sĩ gian nan cực nhọc Dầm sương lội nước thân binh sĩ, quách thiếu tiền mua đáng ngậm ngùi.
Đó cũng là khi Ngọc Hân viết Ai tư vãn thì tất cả niềm tiếc thương vô hạn, lòng kính phục, tự hào và biết ơn đối với vị anh hùng cái thế, đã hòa lẫn với nỗi đau xé ruột và tình yêu nồng thắm của người vợ trẻ khóc chồng, được kết đọng lại trong lời thơ thiết tha hùng tráng.

… Mà nay áo vải cờ đào,
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình…

Đến thế kỉ XVIII và nửa đầu thế kỉ XIX, tinh thần nhân văn đã trở thành một đặc trưng nổi bật của nền văn học Thăng Long. Đây là giai đoạn khủng hoảng sâu sắc của chế độ phong kiến, là giai đoạn bùng nổ liên tiếp của các cuộc nông dân khởi nghĩa. Chính trong giai đoạn này đã ra đời hàng loạt tác phẩm văn học lên tiếng bảo vệ quyền sống của con người, tố cáo mạnh mẽ những bất công trong xã hội. Đặc biệt là đã xuất hiện những nhà thơ nữ tài hoa và có những áng văn kiệt xuất của đất Thăng Long viết về thân phận người phụ nữ.

Đó là thân phận cô đơn của người chinh phụ trong tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn và bản dịch của Đoàn Thị Điểm, nạn nhân đau khổ của chiến tranh phong kiến nuôi con chờ chồng với bao nỗi truân chuyên.

Đó là thân phận người cung nữ của Nguyễn Gia Thiều, người con gái tài sắc, khát khao yêu đương nhưng phải chịu mỏi mòn lạnh lẽo, tàn tạ trong sự kiềm tỏa của chế độ cung tần mĩ nữ, Muốn đạp tiêu phong mà ra nhưng không sao ra thoát.

Đó là thân phận một Trương Quỳnh Như đa cảm, cũng chỉ vì lễ giáo phong kiến ràng buộc mà phải quyên sinh, để lại mối tình oan khuất đối với những câu hỏi mà người yêu cô đặt ra day dứt mãi: Chướng căn ấy bởi vì đâu? Oan trái ấy bởi vì đâu? Chua xót cũng vì đâu? Não ruột cũng về đâu?

Văn học Thăng Long với vẻ đẹp của một mảng thơ văn ngợi ca cuộc sống thanh cao và hòa đồng với thiên nhiên

Ở đâu và thời nào cũng đều có thơ văn viết về thiên nhiên. Đối cảnh sinh tình là lẽ thường đối với mọi người, nhất là những tao nhân mặc khách. Ở nền văn học Việt Nam, cảnh sắc thiên nhiên mang tính thanh cao gần gũi và hòa đồng với thiên nhiên.

Có thể kể đến Trần Quang Khải, nhà thơ và người anh hùng, yêu thiên nhiên và yêu người. Ở thơ ông, cảnh sắc và con người hòa quyện vào nhau, làm tôn thêm vẻ đẹp của vùng quê. Thật tinh tế, khi ông cảm nhận: một tiếng sáo trẻ chăn trâu, xanh thêm mặt trăng trên lầu. Vài tấm áo tơi nông phu, biếc hẳn đám mây dưới lũng.

Có thể kể đến Ngô Chi Lan, nhà thờ nữ sớm nhất của Thăng Long, với những bài thơ phong cảnh đặc sắc. Đặc sắc ở chỗ nhà thơ miêu tả thiên nhiên thật sinh động và thật gần gũi cuộc sống đời thường. Mùi thơm của hoa sen thoang thoảng lúc xa lúc gần. Khắp thôn trang chỗ nào cũng hái sen. Và thiên nhiên cũng thật thân thiết, đúng là bạn của người xin đừng để cho gió thổi vào tóc mai của các cô làm gì. Vì làn da của các cô vốn đã mát mẻ rồi.

Có thể kể đến nhiều nữa những tác giả và tác phẩm thơ văn viết về cuộc sống thanh cao gắn liền với thiên nhiên gần gũi. Nhưng tiêu biểu nhất, phải kể đến Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm…, những trí thức lớn của dân tộc. Các ông đều có tâm hồn trong sáng, tấm lòng nhân hậu và đều có một quãng đời ở ẩn, trong những cảnh ngộ và thời thế khác nhau, cho nên tâm tư tình cảm cũng được bộc lộ dưới những sắc thái và cung bậc khác nhau.

Khi về ở ẩn, Chu Văn An tấc lòng chưa thể như tro nguội đối với cuộc đời, nhưng biết rằng sự sụp đổ của nhà Trần và suy vong của đất nước là không cứu vãn nổi, ông đành phải buông xuôi, như cuốn sách nát để trên án, gió tự giở ra cốt sao giữ mình cho trong sạch, như sen dưới khe không bợn chút phàm tục.

Đối với Nguyễn Trãi, thiên nhiên trong thơ ông thật đáng yêu, sống động, nhiều màu sắc.

Ông từng mơ ước được về với núi rừng Côn Sơn, nơi có suối làm đàn cầm, có đá làm chiếu thảm, có đèo không để thảnh thơi nằm ngủ, có rừng trúc để ca ngâm dưới gốc… Khi về ở Côn Sơn, ông hồn nhiên mừng từ đây trúc có nghìn cây, để ngăn khách tục, bụi trần không nửa đêm bợn đến căn nhà trên núi. Ông sống thong dong ngày xem hoa rụng, tối rước chim về. Ông hòa mình với thiên nhiên. Ông yêu trăng, trăng trên trời xanh, trăng trong lòng suối.

Ông đã làm hàng trăm bài thơ ca ngợi cuộc sống thanh cao xa nơi phồn hoa. Không bận bụi đời. Nhưng tận đáy lòng ông, nỗi niềm ưu ái đối với dân, với nước chẳng bao giờ nguôi:

Bui một tấc lòng ưu ái cũ,
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều dâng.

Bởi vậy thơ ông, bên cạnh một mạch thơ hồn hậu, yêu đời, vẫn có những lời thơ phảng phất buồn thương man mác và đôi khi chua xót:

Kim cổ vô cùng giang mạc mạc,
Anh hùng hữu hiệu diệp tiêu tiêu.

(Sông bát ngát như cái vô cùng của thời gian và lá rơi, lá rơi như nhắc nhở cái hữu hạn của kiếp sống, như những giọt lệ xót thương cho mối hận của anh hùng).

Văn học Thăng Long đã tự làm phong phú, tiếp thu chọn lọc những thành tựu văn học của nước ngoài, đặc biệt là của Trung Quốc

Trải qua hàng ngàn năm tiếp xúc với nền văn hóa Trung Quốc, văn học Việt Nam – Thăng Long có ảnh hưởng giao lưu của văn học Trung Quốc. Hơn nữa, suốt một thời gian dài cho đến trước khi xuất hiện chữ Nôm, thì chữ Hán đã duy nhất độc tôn được sử dụng. Và khi đã có chữ Nôm, chữ Hán vẫn được duy trì và phát triển, do việc học hành thi cử của các triều đại đều được thực hiện bằng chữ Hán.

Văn học Việt Nam – Thăng Long, trước hết là văn học viết, đương nhiên bắt đầu bằng chữ Hán, về sau mới bằng chữ Nôm.

Về hình thức và thể loại, ảnh hưởng của văn thơ Trung Quốc, từ các hình thức thơ ca cổ đến các thể loại biền văn, từ khúc, nhất là thơ Đường luật, đã thể hiện khá rõ rệt. Phạm Đình Hổ trong Vũ Trung tùy bútThơ đời Trần tinh vi trong trẻo, đều có sở trường tột bậc cũng như thơ đời Hán, đời Đường bên Trung Hoa. có nhận định:

Với tinh thần tự chủ và sáng tạo, nhân dân và trí thức Việt Nam đã tiếp thu có chọn lọc những gì là tốt đẹp của văn học Trung Quốc và cải biến cho phù hợp với yêu cầu phát triển xã hội Việt Nam, bảo đảm giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc.

Lý Công Uẩn dẫn việc dời đô của nhà Thương, nhà Chu để mở đầu bài Chiếu dời đô. Lý Thường Kiệt trong Phạt Tống lộ bố văn nhắc tới ngày Nghiêu, tháng Thuấn. Trần Quốc Tuấn nói tới Bàng Mông, Hậu Nghệ trong Hịch tướng sĩ… Với tầm cao tư tưởng, ý tứ rõ ràng, lời văn mạnh mẽ các ông đã thể hiện tài tình khí phách anh hùng và tâm hồn cao đẹp của dân tộc.

Thơ văn từ Lý, Trần, Lê dù viết bằng chữ Hán hay là chữ Nôm, dùng nhiều hay ít điển cố Trung Quốc, mô phỏng thể loại này hay thể loại khác, nhưng dưới ngọn bút tài hoa của trí thức Việt Nam, hầu hết đều khẳng định được bản sắc dân tộc khi đề cập đến các nội dung về truyền thống, lịch sử, đất nước, con người Việt Nam, cũng như khi áp dụng, cải biên, Việt hóa các hình thức và phương pháp sáng tác văn học Trung Quốc.

Do sự tiếp thu một cách sáng tạo và có chọn lọc như trên, nền văn học Việt Nam – Thăng Long đã tự làm cho thêm đẹp, thêm phong phú, tạo nên những viên ngọc vô giá làm giàu thêm kho tàng văn học của mình. Trong giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của văn học cổ điển Việt Nam dưới thời phong kiến, từ thế kỉ XVIII đến giữa thế kỉ XIX; nhiều tác giả nổi tiếng, sinh trưởng hoặc hoạt động trên đất kinh kỳ đã sáng tác nhiều sản phẩm văn chương thuộc loại kiệt tác.

Hiện thực đen tối và bi thảm của đất nước trong chiến tranh tàn khốc và chế độ phong kiến suy đồi, là bối cảnh ra đời của hai tác phẩm lớn: Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn sáng tác, Đoàn Thị Điểm dịch) và Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều. Nếu Chinh phụ ngâm là tiếng nói nhân đạo và phản chiến của nhân dân bị đẩy vào cuộc chiến tranh phi nghĩa, thì Cung oán ngâm khúc là lời than ai oán, nỗi niềm dằn vặt, đau đớn, phẫn uất, chán chường tuyệt vọng của người cung nữ sống mòn mỏi, tù hãm chốn thâm cung lạnh lẽo. Cả hai khúc ngâm đều có nhiều câu thơ lấy từ kho tàng thơ ca cổ đại Trung Quốc, riêng Cung oán ngâm khúc chứa nhiều điển cố và không mấy câu thơ không có chữ Hán Việt. Nhưng thật là tuyệt vời, tất cả đều được sử dụng nhuần nhuyễn trong thể thơ dân tộc song thất lục bát, tràn đầy cảm xúc và trí tuệ, với trình độ thi pháp đạt tới đỉnh cao.

Trong giai đoạn này, cũng ở Thăng Long đã xuất hiện hai nhà thơ nữ làm rạng rỡ thi đàn Việt Nam – Thăng Long. Một là Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, người đã vận dụng tài tình ngôn ngữ bình dân, viết nên những bài thơ độc đáo, lời thơ linh hoạt, sắc sảo, phóng khoáng, có khi cợt nhả, nghịch ngợm, dùng tiếng cười châm chích đả kích những thói xấu, chế giễu bọn đạo đức giả, chống lại những quan điểm bất công và vô nhân đạo của lễ giáo phong kiến, bảo vệ nhân phẩm và đề cao quyền sống của người phụ nữ. Hai là Bà Huyện Thanh Quan, tác giả những bài thơ cổ kính đẹp như tranh, lời thơ rất sang và trang nhã, mực thước mà uyển chuyển, trầm mặc mà duyên dáng. Những bài thơ về thiên nhiên đầy cảm xúc, quang cảnh trời mây non nước luôn quyện với tình người, những bài thơ tâm tình mang một nỗi buồn man mác, hoài niệm về một Thăng Long cổ kính đã đi vào dĩ vàng nhưng không thể phai mờ trong tâm khảm bao người. Cả hai bà Hồ Xuân Hương và bà Huyện Thanh Quan đã có công lớn đưa nghệ thuật thơ Nôm Đường luật đạt tới đỉnh cao trong nền văn học cổ điển nước ta.

Thiết tưởng không cần nói nhiều về thiên tài Nguyễn Du với kiệt tác Truyện Kiều.

Truyện Kiều rõ ràng là ra đời ở Huế, nhưng nhiều bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du đã được viết ở Thăng Long và về Thăng Long. Những chuyến hái sen ở Hồ Tây, nghe đàn bên hồ Gươm, những bạn trai, bạn gái mới ngày nào trẻ trung tươi tắn là vậy mà một thoáng thời gian qua đã thành nạ dòng, già cả. Rồi những dinh thự nghìn năm thành đường cái, một dải thành mới xây làm mất đi cung điện thuở xưa. Tất cả là biểu hiện tấm lòng yêu thương đất và người Thăng Long của nhà thơ vốn sinh trưởng ở Thăng Long.

GS. Vũ Khiêu
(Nguồn TLHN)
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top