9X mở cửa Học viện MIT với hai ngón tay

benoinhieu_kg

New member
Xu
40
Đang học lớp 11 chuyên Anh của Trường Phổ thông năng khiếu Đại học Quốc gia TP HCM với điểm số cao chót vót, mới đây cậu học trò khuyết tật đã đạt 1.900 điểm để được vào học viện MIT.

Buổi trưa. Trời Quảng Trị mùa này nắng như đổ lửa. Ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn có hai bố con lặng lẽ đi dọc theo các hàng mộ chí. Người con không có đôi tay lành lặn: cánh tay trái chỉ là một mẩu nhỏ dính vào vai, tay phải dài đến khuỷu và chỉ có hai ngón hoạt động được. Đó là Trần Tôn Trung Sơn.

t200124.jpg

Chỉ với hai ngón tay hoạt động được, Sơn sẽ vững tin để bước vào các buổi học tại Học viện MIT

Người bố, ông Trần Sơn, nói chuyến này ông về quê nội cho con thăm nghĩa trang Trường Sơn, thăm cầu Hiền Lương như một hành trang tinh thần cho con trai trước khi em lên đường đi học xa: Học viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ (MIT) và Sơn là một sinh viên đặc biệt đến với trường này...

Cuối tháng 7, Trần Tôn Trung Sơn sẽ sang Mỹ và học một năm dự bị đại học ở Fairmont International Academy (FIA) trước khi vào MIT. Đây là chuyến về quê của Trung Sơn sau 17 năm đằng đẵng kể từ ngày bố, mẹ ôm đứa con tật nguyền “hành phương Nam” trốn chạy thị phi ở đời để tìm tương lai cho con...

Ký ức buồn

Phía sau đôi kính cận, ánh mắt của Sơn luôn lấp lánh những đam mê vượt lên tầm tuổi tác. Khi học cấp II, Sơn mơ thành một chính trị gia, và bây giờ Sơn mơ ước sau này học xong chuyên ngành trí tuệ nhân tạo của MIT sẽ thi để được làm việc tại Cơ quan Hàng không - vũ trụ Mỹ (NASA). Vũ trụ mênh mông sẽ nối dài những ước mơ cho Sơn như những trang sách của S.W. Hawking mà Sơn vẫn gối đầu giường. Những đứa trẻ bị ảnh hưởng chất độc da cam không là điều lạ lùng ở Quảng Trị. Nhưng gần 20 năm trước, một đứa trẻ như thế sinh ra là bao nhiêu điều tiếng.

Nhắc lại chuyện cũ, ông Trần Sơn nhớ lại những niềm riêng đau khổ khi bé Trung Sơn chào đời. Ngay cả ông cũng không hề biết đứa con tội nghiệp của mình là hậu quả của những năm tháng ông ở trong quân đội, đóng quân trong những cánh rừng nước bạn Lào nên mang di họa của chất khai quang và ảnh hưởng đến số phận đứa con. Không chịu nổi cảnh xóm làng dị nghị, vợ chồng ông ôm con ra đi. Và Sài Gòn là miền đất ông chọn.

Ông vẫn còn giữ một bài văn của con trai viết khi đang học lớp 7: “...Tôi nghe bà ngoại kể khi sinh ra tôi ba mẹ rất buồn. Ba mẹ nghĩ chỉ có ở TP.HCM mới thay đổi cuộc đời tôi. Vậy là ba mẹ mang tôi vào thành phố. Lúc ấy nhà tôi nghèo lắm, ba mẹ gửi tôi vào làng Hòa Bình của Bệnh viện Từ Dũ để đi tìm việc làm...”.

Đấy là những ngày giáp tết năm 1992, hai vợ chồng bế đứa con còn đỏ hỏn vào Sài Gòn. Khi ấy chỉ có tình thương với đứa con tội nghiệp là mênh mông, còn gia sản hai vợ chồng đúng nghĩa “không xu dính túi”. Những ngày sống lê la ở công viên Tao Đàn, vợ chồng anh vừa chăm con vừa tìm việc làm, ghế đá công viên làm nơi ngủ nghỉ, tìm chỗ gửi con nhưng không nơi nào nhận. Lý do thật chạnh lòng: thấy bé Sơn như thế, các cháu trong lớp không dám đi học vì... sợ! Gõ hết bao nhiêu cánh cửa nhưng vẫn là những cái lắc đầu. Rồi thì số phận run rủi cho anh biết có một nơi chăm lo những đứa bé như Trung Sơn, đó là làng Hòa Bình Từ Dũ.

t200127.jpg

Niềm đam mê đặc biệt của Sơn là đọc sách
Mê sách

Thói quen mê sách và cách đọc sách của vị danh tướng Napoleon Bonaparte đã hấp dẫn Sơn: “Ở Valence, viên sĩ quan trẻ tuổi ấy sống một cuộc sống khó khăn. Hằng tháng Napoleon gửi về cho mẹ gần hết số lương, chỉ giữ lại đủ để trả tiền những bữa ăn đạm bạc của mình và không vui chơi giải trí gì.

Trong ngôi nhà nơi Napoleon thuê một căn buồng, có một cửa hàng nhỏ bán sách cũ. Napoleon đã dành tất cả thời gian rỗi rãi của mình vào việc đọc sách do người chủ hiệu cho mượn. Napoleon say mê đọc sách chưa từng thấy, khi đọc ông ghi chép và viết những ý kiến phân tích của mình dày đặc cả sổ tay...”, Sơn đọc một lèo.

Ngày ngày vác bao tải vải trên vai hai vợ chồng đi bán dạo, bỏ mối, nhưng khát vọng cháy bỏng vẫn là sao cho con được học hành tử tế. May cho vợ chồng anh, tuy Trung Sơn bị dị tật không có đôi cánh tay nhưng bù lại cậu có một trí tuệ đáng nể phục.

Năm học lớp 5 Trần Tôn Trung Sơn là học sinh giỏi cấp thành phố, thi đậu thủ khoa vào Trường chuyên Nguyễn Gia Thiều ở Tân Bình và đậu vào Trường chuyên Trần Đại Nghĩa. Sơn lại tiếp tục thi đậu vào lớp 10 Trường Phổ thông năng khiếu Đại học Quốc gia TP.HCM. Và dù đang học lớp 11 nhưng với vốn tiếng Anh rất khá, qua mạng Internet Trung Sơn đã thi tuyển và giành một suất học bổng của học viện công nghệ danh giá hàng đầu của thế giới: Học viện Công nghệ Massachusetts ngành trí tuệ nhân tạo.

Mở cánh cửa MIT

Sơn đặc biệt mê đọc sách. Không kể những cuốn sách thiếu nhi hồi tiểu học thì cuốn sách đầu tiên khiến Sơn mê là cuốn tiểu sử của Napoleon Bonaparte.

Chính cách ghi chép và viết những ý kiến phân tích khi đọc sách đã hình thành trong Sơn thói quen đọc và phân tích, phản biện. Cũng một phần vì tuổi thơ của Sơn không có gì ngoài sách và sách, phần vì cậu cũng khó có nhiều bạn bè. Hồi đầu tháng 5 vừa rồi khi ông John Barrier, hiệu trưởng của FIA, sang VN và trực tiếp phỏng vấn em, ông hỏi Sơn rất nhiều về sở thích, câu trả lời của Sơn vẫn là “sách”.

Đáng nể là những cuốn sách Sơn đọc từ khi bắt đầu vào cấp II cho đến nay đều là những cuốn sách về các nhân vật làm nên một phần lịch sử thế giới như: Putin - nhân vật số một, Arafat - một đời cho tự do, Tôn Trung Sơn - cuộc đời và sự nghiệp cách mạng...

Ngoài ra là những cuốn “khó nuốt” của một nhà vật lý lý thuyết thiên tài Stephen William Hawking. Với sách của S.W. Hawking, Sơn đang đọc nguyên bản tiếng Anh, như cuốn The universe in a nutshell (bản tiếng Việt là Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ), Sơn đã đọc từ chính nguyên tác.

Đang học lớp 11 chuyên Anh của Trường Phổ thông năng khiếu Đại học Quốc gia TP.HCM nhưng không chỉ tiếng Anh, điểm số các môn khác của Sơn luôn là hàng top, như tin học 10,0, lịch sử 9,6, văn 8,6...

Song trò chuyện với Sơn, tôi hiểu những điểm số cao ngất ấy không nói hết về cậu học trò bị ảnh hưởng chất độc da cam này. Cũng nói thêm là Sơn đã theo học taekwondo từ những năm tiểu học tại võ đường taekwondo Việt - Hàn và đã đeo huyền đai nhất đẳng. Năm học 2009 vừa rồi, Trần Tôn Trung Sơn được Trường Phổ thông năng khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM) vinh danh “Gương sáng của đại học”. Chuyện “văn” và “võ” của cậu bé Sơn chỉ có thể giải thích rằng đấy là nghị lực phi thường!

Nhưng làng quê của em, ngôi làng có cái tên dân dã: Chợ Kêng, ngay bên bờ nam của con sông Hiền Lương lịch sử với câu chuyện bà mẹ vá cờ, với một nghĩa trang Trường Sơn phía đầu nguồn, với cây cầu chia cắt đất nước, với hình ảnh bà nội già nua tóc trắng..., em cũng sẽ mang theo đến với những giảng đường rộng lớn của MIT, sẽ nuôi dưỡng cội nguồn quê nhà, cho biết nơi em đã nhọc nhằn cay đắng ra đi và hi vọng một ngày về như chính tên mình.
Bố Sơn nói Trần và Tôn là họ của bố mẹ, còn Trung Sơn là tên của cái xã nghèo khó quê nhà thuộc huyện Gio Linh này. Mang tên quê hương trong chính tên khai sinh của mình đã là một sự nhắc nhở và đau đáu đời người.

Học bổng học tại lớp dự bị Đại học Fairmont International Academy được cấp cho Trần Tôn Trung Sơn thông qua làng Hòa Bình Từ Dũ trị giá 20.000 USD/năm.

Sau khi học xong dự bị Sơn sẽ học tại MIT. Một yếu tố quan trọng để vào MIT là điểm SAT (chứng chỉ giải toán bằng tiếng Anh) phải đạt 1.900 điểm (tối đa 2.400 điểm). Điểm test của Sơn hiện nay đã đạt 1.900.


Tiến sĩ toán học Trần Nam Dũng, người đang dạy kèm toán cho Trung Sơn, cho biết ông đánh giá rất cao khả năng học tập của Sơn và vô cùng cảm kích tinh thần học tập của cậu học trò bị khuyết tật này.


Ngoài việc học, hè năm lớp 10 Sơn đã đi làm thêm tại Công ty phần mềm SiGlaz. Ông Trịnh Nguyên Thiều, tổng giám đốc SiGlaz tại VN, đã rất khen ngợi khả năng làm việc và sự nhanh nhạy của Sơn, một cậu bé học chuyên Anh nhưng lại siêu về tin học!


Nguồn tin: Tuổi trẻ
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top