rubi_mos2002
New member
- Xu
- 0
"Ngậm miệng lại ngay! "
"Đừng có nói cái giọng như thế!"
Bây giờ thì có thể không ai ra lệnh cho bạn như thế cả, nhưng những lời mà bố mẹ hay bảo mẫu nói với bạn khi bạn tức giận hồi nhỏ có khả năng cao là sẽ găm sâu vào đầu bạn đấy. Cách mà bố mẹ bạn cư xử khi tức giận cũng có thể sẽ ảnh hưởng tới bạn - chẳng hạn như là nên tránh việc nổi xung, chuyện đó không có gì hay ho cả hoặc người khác sẽ bị tổn thương khi con nổi nóng. Nói cách khác, những kinh nghiệm từ thời thơ ấu có thể là tác giả của những vết thương tinh thần ảnh hưởng tới cuộc sống trưởng thành sau này của bạn.
Khi bạn nổi giận, một dòng kích thích tố căng thẳng (stress hormones) chảy khắp cơ thể, làm tắt ngúm phần lí trí trong não bạn luôn. Bạn có thể sẽ bỏ chạy và trốn biệt ở đâu đó, hoặc gây chuyện rồi chối bay chối biến, cái đó phụ thuộc vào việc bạn được dạy dỗ thế nào. Thường thường, cơ chế phản xạ tự động với sự tức giận đã được hình thành từ lúc còn nhỏ chính là thứ làm bạn cảm thấy tổn thương.
Rất may là nhưng vết thương lòng đó có thể hàn gắn được. Bằng cách hiểu sơ một chút về sự giận dữ, bạn có thể tìm ra cách nào đó hay ho hơn để bùng nổ mớ cảm xúc ấy. Sau đây là 7 điều nên biết về cơn giận tạo nên bởi những vết thương tinh thần và cách để tránh cho chúng khỏi kiểm soát cuộc sống của bạn.
1. Kiềm chế giận dữ không khác nào ôm một quả núi lửa sắp phun trào
Giận dữ có thể khiến người khác khó chịu, thậm chí muốn đánh nhau, vì thế nên bố mẹ bạn thường sẽ khuyến khích bạn đóng gói nó lại cất đi hơn là làm tanh bành một trận. Tuy nhiên, vấn đề lại nằm chính ở cái sự kiềm chế đó. Trên thực tế là những cảm xúc tiêu cực ấy không hề biến mất, giống như ngọn núi lửa ấp ủ sự khó chịu bất kể lúc nào cũng có thể phun trào theo những cách nguy hiểm, từ chuyện ốm đau hay thậm chí là những hành động tự làm tổn thương bản thân.
2. Sự giận dữ là thông điệp của chính cơ thể bạn.
Cơn giận là cách mà não bạn nói với bạn rằng có thứ gì đó đang làm bạn khó chịu. Nếu ai đó nói hay làm một điều gì đó khiến bạn tức giận, và bạn lờ lớ lơ cảm giác đó đi, tức là bạn cũng lờ luôn cả nguyên nhân gây ra nó. Khi một điều gì đủ quan trọng với bạn để gây nên cảm giác như vậy tức là nó không nên bị bỏ qua.
3. Bạn giận dữ khi cơ thể bạn có điều muốn nói.
Sự tức giận thường diễn ra rất nhanh và dữ dội nên rất khó để nhận ra là bạn đang cảm thấy bực trước khi bạn ném đổ cái gì đó. Bằng việc học cách nhận ra giận dữ tác động thế nào lên cơ thể - chẳng hạn làm bạn thấy nóng mặt, cục tức chặn ở cổ - bạn có thể tạo ra khoảng cách từ lúc thấy bực tức cho tới lúc muốn bóp cổ ai cho hả giận.
4. Phản ứng trước cơn giận có thể kiểm soát được.
Một người bạn nói điều gì đó gây tổn thương, người yêu lạnh nhạt hay một đứa trẻ khó ưa...Bất kì điều gì cũng có thể là manh nha khiến bạn phản ứng không mang tính xây dựng lắm. Có thể là ngay bây giờ thì chưa đâu nhưng nó có thể sẽ kiểm soát hành vi của bạn sau này. Bằng cách kiểm soát những phản ứng bốc đồng, bạn có thể cân nhắc tình huống và chọn cách nói hay hành động thế nào đó có lợi cho bạn nhất.
5. Tuổi thơ của bạn cũng có thể khiến cho bạn bực bội.
Chẳng hạn như thế này: Lúc bạn còn nhỏ, bố bạn bỗng nhiên kiểm tra bài tập về nhà của bạn sau bữa tối trong khi đang nhâm nhi li bia thứ tư. Lúc nào ông ấy cũng tìm ra cái gì đó sai trong vở bạn và mắng mỏ bạn mấy câu, gọi bạn là đồ "ngu ngốc" và "lười biếng". Thay vì nghĩ rằng bố bạn chỉ đang say xỉn và nói năng không kiểm soát một chút, bạn lại hình thành nên một nỗi sợ hãi của việc bị đánh giá và từ đó tin rằng tất cả những sự phê bình đều là xỉ nhục. Khi trưởng thành, Sếp của bạn yêu cầu bạn làm lại bản báo cáo bị mắc lỗi, bạn từ chối trong sự giận dữ, nhưng mấu chốt của hành động đó không phải là phản kháng lại sếp bạn đâu, mà là với ông bố say xỉn thời ấu thơ của bạn đó.
6. Cách bạn hành xử có thể âm thầm làm hỏng các mối quan hệ của bạn.
Khi bạn cố gắng nói chuyện với đối phương nhưng chỉ có một người phản ứng thì cũng chẳng đi đến kết quả gì hết. Bạn cướp lời người khác hoặc chỉ chăm chăm nghĩ xem làm cách nào để thắng cuộc tranh luận. Cuối cùng thì cả hai đều thua, bởi vì chẳng ai chịu lắng nghe cả. Kiểu phản ứng như vậy sẽ dẫn tới một mối quan hệ mà ở đó ít nhất một người lúc nào cũng nơm nớp lo sợ xúc phạm người kia rồi gây nhau. Trong khi ấy bản thân vấn đề thì bị giấu nhẹm đi và chẳng bao giờ được giải quyết.
7. Tỉnh thức (mindfulness) đối lập với phản ứng
Chẳng có mối quan hệ nào tự nhiên tốt đẹp cả. Cơn giận sẽ giật khỏi tay bạn tất cả những thứ bạn yêu thích và mong mỏi từ cuộc đời và những người xung quanh. Sự quan tâm là chìa khóa để mở ra cánh cửa chống lại những cơn cáu giận và nổi xung. Bởi nó là mặt ngược lại của phản ứng.
Làm thế nào để thay đổi.
Bước đầu tiên để thay đổi cách mà bạn ảnh hưởng tới người khác là nhận ra vấn đề và chấp nhận trách nhiệm. Hãy tự nhìn vào bản thân mình một cách chân thực nhất và xem xem cơn giận dữ đã làm gì trong các mối quan hệ của bạn. Sau đó bạn có thể bắt đầu một chương trình học cách tiếp cận và lập trình cảm xúc của mình. Khi bạn cam kết với bản thân là sẽ thay đổi cách suy nghĩ và hành động, bạn sẽ lấy lại năng lượng cho cuộc sống của mình. Hãy sử dụng sự chú tâm, tỉnh thức để hàn gắn những vết thương lòng, tâm hồn bạn sẽ ngập tràn sự biết ơn và tha thứ.
Kỳ Tử dịch
Nguồn dịch: https://www.psychologytoday.com/blog/mindful-anger/201407/7-things-you-need-learn-about-your-temper