5 chị em bơ vơ mà hiếu học
Căn nhà tranh nằm sâu trong con hẻm nhỏ, mới chỉ đầu mùa mưa mà nước sình đã bao vây khắp xung quanh. Chúng tôi đến nhà năm chị em Đỗ Thị Lanh (SN 1993, thôn Trúc Hà, xã Đại Hưng, Đại Lộc, Quảng Nam) nhằm lúc các em của Lanh đang ăn trưa, trên bàn chỉ có vỏn vẹn một tô cơm nhạt, tô canh rau muống xanh dờn nấu với nước mắm, đĩa bắp chuối trộn với dầu héo quắt, dù vậy các em vẫn ăn uống rất ngon lành.
Mẹ bỏ đi, cha vào vòng lao lý
Một ngày của tháng 11-2010, chúng tôi từ Trung tâm TP Tam Kỳ men theo con đường Quốc lộ 1A theo những câu chuyện mà người dân bàn tán về câu chuyện xúc động của năm chị em Lanh. Trời Quảng Nam những ngày này thường hay mữa với những con mưa ngày càng nặng hạt, nhưng cũng không làm nhục chí của chúng tôi, chiếc xe lăn bánh từ Tam Kỳ ra đến huyện Đại Lộc, chúng tôi hỏi về chuyện năm chị em Lanh thì người dân huyện Đại Lộc ai cũng biết và cảm thương cho hoàn cảnh của các chị em Lanh.
Hằng ngày bữa cơm của các em chỉ mỗi rau muống, bắp chuối trộn.
Đến xã Đại Hưng, chúng tôi được chị Trần Thị Linh - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đại Hưng dẫn đến nhà của năm chị em Lanh: Ngôi nhà nhỏ xíu nằm xâu trong hóc, chị Linh tâm sự: “5 chị em đứa nào cũng học giỏi cả, chỉ tội hoàn cảnh quá éo le. Lâu nay nếu không có sự quan tâm động viên của thầy cô, bạn bè, hàng xóm chắc các em đã dang dở việc học”. “Cái tin em Lanh đậu ĐH Luật ở Huế làm nức lòng bà con hàng xóm, rồi họ cũng thầm ái ngại cho em, không biết rồi em có đủ nghị lực để theo học hay không, vì hiện tại gia cảnh của năm chị em Lanh đang rất khốn khó. Không biết những ngày sắp đến chị em Lanh sẽ đối mặt với cuộc sống thường nhật như thế nào”- chị Linh nghẹn ngào chia sẽ.
Tâm sự và nghe kể về lại chuyện gia đình của các em, người bạn đi theo cùng tôi đã rơi lệ. Từ ngày mẹ bỏ gia đình đi rồi tiếp đến cha rơi vào vòng lao lý, năm chị em Đỗ Thị Lanh đã sống đùm bọc nhau như vậy trong căn nhà gỗ xập xệ của ông nội để lại. Thế nhưng vượt qua sự vất vả đó, 5 chị em đều vươn lên để học, đặc biệt vừa qua Lanh đã thi đổ vào trường ĐH Huế. Và từ đây, khó khăn lại chồng chất, con đường đến với tri thức của em đang gặp rất nhiều gian nan.
Rất nhiều giấy khen qua các năm học của 5 chị em Đỗ Thị Lanh. Ngoài em Đỗ Thị Lanh vừa đỗ đại học và đã đi học ở Huế, còn lại các em Đỗ Văn Lãnh (học lớp 11), Đỗ Thị Mỹ Lành (học lớp 9), Đỗ Văn Luân (học lớp 6) và Đỗ Thị Lý (học lớp 5), tất cả đều là những học sinh chăm ngoan học giỏi. Em Đỗ Thị Mỹ Lành, tâm tình: Lâu nay 5 chị em em đều ăn uống như vậy thành ra đã quen bụng, những ngày đầu mới tập ăn bụng rất khó chịu, lúc nào cũng cồn cào thấy đói, thịt cá phải nửa tháng chúng em mới dám ăn. Những ngày không học, chúng em cũng tranh thủ làm thuê để kiếm tiền ăn học như hái đậu, cắt lúa, chăn trâu, lột vỏ bạch đàn…
Chuyện năm chị em nghèo học giỏi … bay xa cả huyện
Chị Lê Thị Ngọc (SN 1965, thôn Mậu Lâm, Đại Hưng) là hàng xóm bên cạnh nhà 5 chị em Lanh thấy chúng tôi đến nên chạy qua chia sẻ: “Chính gia đình tôi cũng gian khổ, thiếu thốn nhưng nhìn bó rau muốn chia cho 2 bữa ăn của các cháu mà không khỏi chạnh lòng. Ngày đi ra Huế nhập học, con Lanh cứ nấn ná, bịn rịn mãi không chịu đi vì lo nghĩ cho 4 đứa em ở lại. Tội nghiệp, ngoài mấy cuốn sổ nhận thưởng còn lại cùng với số tiền đủ đóng học phí, cái túi sách chẳng có gì ngoài bộ quần áo đã sờn màu. Nó tấm tức với chị: Lúc trước đi học ở quê con thường mượn quần áo bạn mặc, giờ ra đó học không biết kiếm quần áo ở đâu để mặc đi học dì Ngọc ơi!. Có duy nhất đôi dép sờn quai nó cũng muốn nhường lại cho bé Lành ở nhà đi học”, chuyện 5 chị em Lanh học giỏi đã bay xa cả xã này và đến tận huyện rồi đó.
Đỗ Thị Mỹ Lành (học lớp 9) em của Lanh bên những giấy khen của các chị em trong thời gian qua. Đến đây, câu chuyện của chị Ngọc chùng xuống, nước mắt chị chực rơi khiến chúng tôi cảm nhận như có vật gì đè nặng ở ngực mình. Được một lúc, chị lấy lại giọng nói tiếp, số phận bất hạnh ập đến với chị em Lanh khi tình cảm giữa ba và mẹ bị rạn nứt. Mẹ bỏ nhà ra đi làm ăn xa khi vừa mới sinh bé Lý. Không bao lâu thì ba cũng bị vướng vào vòng lao lý. Tính đến nay, cuộc sống hẩm hiu của 5 em đã kéo dài gần 10 năm, cũng từng ấy năm các em dắt díu nhau về sống với ông nội trong căn nhà gỗ xập xệ chỉ chực đổ, chẳng có vật dụng gì đáng giá. Tuy nhiên do tuổi già sức yếu lại phải lo làm việc chăm sóc cho 5 đưa trẻ, chẳng được bao lâu thì ông cũng qua đời. 5 đứa lại côi cút, hằng ngày sống nhờ vào sự cưu mang của bà con hàng xóm. “Chỉ sợ tình hình cứ như thế này chúng sẽ không đủ tâm lý, nghị lực để theo đuổi ước mơ con chữ của mình”- Chị Ngọc than thở.
Trong căn nhà xập xệ này, vật dụng đáng giá nhất có lẽ là chiếc tủ nhỏ, bởi trong đó chúng tôi bắt gặp rất nhiều giấy khen học sinh khá, giỏi đều đặn qua các năm học của 5 chị em Lanh. Chỉ riêng Lanh 9 năm liền là học sinh giỏi, đi thi học sinh giỏi của huyện, 3 năm học phổ thông đạt học sinh tiên tiến. Đặc biệt cuối năm học phổ thông (trường PTTH Chu Văn An- Đại Lộc) vừa rồi Lanh được Ban chấp hành Đảng bộ huyện Đại Lộc công nhận “Đã có nhiều thành tích trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức từ năm 2007 đến nay”…
Căn nhà gỗ xập xệ, ẩm mốc bên ngoài nhìn vào chỉ gợi lên cho mỗi người sự cảm thương về sự nghèo khó nhọc nhằn nơi quê nghèo, nhưng điều kỳ diệu cũng phát sinh từ chính ngôi nhà đó. Nơi ấy đang nuôi dưỡng những ước mơ, nghị lực bé bỏng đang lớn từng ngày và những ước mơ ấy đang rất cần sự quan tâm nâng đỡ của tất cả mọi người!
(Qua bài viết này, chúng tôi mong mọi sự giúp đỡ xin gởi về chị Trần Thị Linh - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đại Hưng (Đại Lộc, Quảng Nam) nhờ chuyển cho 5 chị em của Đỗ Thị Lanh.)
Nguyên Khang - Bình Tân - Báo GD&TĐ