4 học sinh sang Mỹ dự hội thi khoa học quốc tế

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Bốn học sinh lớp 11 và 12 vừa lên đường sang Mỹ tham dự hội thi Khoa học và kỹ huật quốc tế Intel ISEF ISEF, diễn ra từ 9-14/5 tại TP San Jose, bang California. Đây là hội thi khoa học dành cho HS từ lớp 9 đến lớp 12 trên toàn thế giới. Những thí sinh lọt vào vòng chung kết Hội thi Intel ISEF được lựa chọn hàng năm từ hơn 550 hội thi thành viên của Hội thi Intel ISEF.

Tại Việt Nam, trong số hàng trăm đề tài tham gia các Hội thi Intel ISEF cấp tỉnh tại Lâm Đồng, Đà Nẵng, Huế, TPHCM, 37 đề tài của 71 học sinh đã được chọn tham gia vòng chung khảo tại Lâm Đồng.

Ba đề tài xuất sắc nhất của các học sinh Trần Kim Thanh Vũ, Đinh Thị Thu Hà (đề tài nhóm), Nguyễn Văn Hà Uy và Đoàn Thị Xuân Phương (đề tài cá nhân) đại diện cho học sinh Việt Nam tham gia Intel ISEF 2010.

Trần Kim Thanh Vũ và Đinh Thị Thu Hà là hai học sinh lớp 11 Trường THPT Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng. Đề tài của hai bạn là “Xử lý rác thải hữu cơ bằng phương pháp lên men kết hợp nuôi trùn quế”: cho rác hữu cơ vào thùng chứa lân, emic, vôi… Sau đó ủ đến 15 ngày thì cho trùn quế và phân chuồng vào. Khoảng 20 ngày sau, rác hữu cơ đã có thể phân hủy thành phân. Dùng phân này để bón cho cây và trùn quế cho cá ăn.

Nghiên cứu của nhóm được đánh giá cao bởi tính khả thi, dễ hiểu, dễ làm. Mục tiêu của đề tài nhằm cải thiện thói quen thu gom và xử lý rác thải tại các hộ gia đình, thay đổi nhận thức người dân, học sinh về vấn đề bảo vệ môi trường.

Thu%20ha08052010.jpg


Đinh Thị Thu Hà (trái) và Trần Kim Thanh Vũ. (Ảnh: Intel ISEF)

Một đề tài khác cũng đến từ một học sinh ở Lâm Đồng. Bạn Đoàn Thị Xuân Phương, lớp 11 Trường THPT Đức Trọng đã đoạt tấm vé tham dự Intel ISEF với đề tài "Sử dụng cóc làm thiên địch - giải pháp diệt trừ sâu bọ”. Ý tưởng đến với Phương một năm trước khi em nghe bố nói rằng cóc có thể bắt muỗi. Cô bé nảy ra sáng kiến tại sao không dùng cóc làm thiên địch diệt trừ sâu bọ thay thế thuốc trừ sâu, bảo vệ môi trường.

Đề tài này được đánh giá là giúp giải quyết vấn đề nghiêm trọng đặt ra trong vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay tại Việt Nam khi mà hầu hết các sản phẩm nông nghiệp đều có chứa một lượng chất tồn dư thuốc trừ sâu lớn.

xphuong08052010.jpg


Đoàn Thị Xuân Phương. (Ảnh: Intel ISEF)

Đề tài còn lại là của Nguyễn Văn Hà Uy, học lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng. Có vẻ như cậu học sinh này quan tâm nhiều hơn đến các phương pháp mới phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học. Hà Uy đưa ra một phương pháp đo hai điểm lơ lửng trong không gian mà người đo không cần phải di chuyển. Nếu đề tài này thành công, nó sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các nhà thiên văn học trong việc đo đạc hai vật thể trong vũ trụ.

Ha%20UY08052010.jpg


Nguyễn Văn Hà Uy (trái) và bố. (Ảnh: Intel ISEF)

Intel ISEF năm nay có1.611 học sinh phổ thông đến từ 59 quốc gia, khu vực và vùng lãnh thổ trình bày hơn 1.200 đề tài.

Những dự án của học sinh được đánh giá tại chỗ bởi hơn 1200 giám khảo thuộc hầu hết các lĩnh vực khoa học. Mỗi giám khảo đều có học vị tiến sỹ hoặc tương đương với 6 năm kinh nghiệm chuyên môn.

Người đoạt giải cao nhất cuộc Hội thi sẽ nhận được Giải thưởng Gordon Moore trị giá 75.000 đô la được trích từ Quỹ Intel. Hai người thắng cuộc khác cũng sẽ nhận được giải thưởng Nhà khoa học trẻ từ Quỹ Intel, tương đương 50.000 đô la. Tổng trị giá giải thưởng là 4 triệu đô la Mỹ.

Theo Dân trí.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top