3 Quy Luật Của Phép Biện Chứng Duy Vật.

  • Thread starter Thread starter Tẩy
  • Ngày gửi Ngày gửi

Tẩy

New member
Xu
0
BA QUY LUẬT CỦA PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT

I. Quy luật là gì


1. Định nghĩa quy luật


Trong đời sống hàng ngày, đằng sau các hiện tượng muôn hình muôn vẻ, con người dần dần nhận thức được tính trật tự và mối liên hệ có tính lặp lại của các hiện tượng, từ đó hình thành nên khái niệm “quy luật”.


Với tư cách là phạm trù của lý luận nhận thức, khái niệm “quy luật” là sản phẩm của tư duy khoa học phản ánh sự liên hệ của các sự vật và tính chỉnh thể của chúng. V.I. Lênin viết: “ Khái niệm là một quy luật trong những giai đoạn của sự nhận thức của con người về tính thống nhất và về liên hệ, về sự phụ thuộc lẫn nhau và tính chỉnh thể của quá trình thế giới”.


Với tư cách là cái tồn tại ngay trong hiện thực, quy luật là mối liên hệ bản chất, tất nhiên, phổ biến và lặp lại giữa các mặt, các yếu tố, các thuộc tính bên trong mỗi một sự vật, hay giữa các sự vật, hiện tượng với nhau.


Các quy luật của tự nhiên, của xã hội cũng như của tư duy con người đều mang tính khách quan. Con người không thể tạo ra hoặc xóa bỏ được quy luật mà chỉ nhận thức và vận dụng nó trong thực tiễn.


Các quy luật được phản ánh trong các khoa học không phải là sự sáng tạo tùy ý của con người. Các quy luật do khoa học phát hiện ra chính là sự phản ánh các quy luật khách quan của tự nhiên, xã hội cũng như tư duy con người.


2. Phân loại quy luật


Các quy luật hết sức đa dạng. Chúng khác nhau về mức độ phổ biến, về phạm vi bao quát, về tính chất, về vai trò của chúng đối với quá trình vận động và phát triển của sự vật. Do vậy, việc phân loại quy luật là cần thiết để nhận thức và vận dụng có hiệu quả các quy luật vào hoạt động thực tiễn của con người.


- Căn cứ vào trình độ tính phổ biến, các quy luật được chia thành: những quy luật riêng, những quy luật chung và những quy luật phổ biến.

Những quy luật riêng là những quy luật chỉ tác động trong phạm vi nhất định của các sự vật hiện tượng cùng loại. Thí dụ: Những quy luật vận động cơ giới, vận động hóa học, vận động sinh học,v.v..
Những quy luật chung là những quy luật tác động trong phạm vi rộng hơn quy luật riêng, tác động trong nhiều loại sự vật, hiện tượng khác nhau. Chẳng hạn: quy luật bảo toàn khối lượng, bảo toàn năng lượng,v.v..

Những quy luật phổ biến là những quy luật tác động trong tất cả các lĩnh vực: từ tự nhiên, xã hội cho đến tư duy. Đây chính là những quy luật phép biện chứng duy vật nghiên cứu.


- Căn cứ vào lĩnh tác động, các quy luật được chia thành ba nhóm lớn: quy luật tự nhiên, quy luật xã hội và quy luật của tư duy.


Quy luật tự nhiên là những quy luật nảy sinh và tác động trong giới tự nhiên, kể cả cơ thể con người, không phải thông qua hoạt động có ý thức của con người.


Quy luật xã hội là những quy luật hoạt động của chính con người trong các quan hệ xã hội. Những quy luật đó không thể nảy sinh và tác động ngoài hoạt động có ý thức của con người. Mặc dù vậy, quy luật xã hội vẫn mang tính khách quan.


Quy luật của tư duy là những quy luật nói lên mối liên hệ nội tại của những khái niệm, phạm trù, những phán đoán. Nhờ đó, trong tư tưởng của con người hình thành tri thức nào đó về sự vật.

Với tư cách là một khoa học, phép biện chứng duy vật nghiên cứu những quy luật phổ biến tác động trong tất cả các lĩnh vực tự nhiên, xã hội và tư duy của con người. Các quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật phản ánh sự vận động, phát triển dưới những phương diện cơ bản nhất. Quy luật chuyển hóa từ những thay đổi về lượng thành những thay đổi về chất và ngược lại cho biết phương thức của sự vận động, phát triển; quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập cho biết nguồn gốc của sự vận động và phát triển; quy luật phủ định của phủ định cho biết khuynh hướng của sự phát triển.


II. Quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng thành những sự thay đổi về chất và ngược lại


1. Khái niệm về chất và khái niệm về lượng

a. Khái niệm về chất


Bất cứ một sự vật, hiện tượng nào cũng bao gồm mặt chất và mặt lượng. Hai mặt đó thống nhất hữu cơ với nhau trong sự vật, hiện tượng.


Phép biện chứng duy vật ra đời đem lại quan điểm đúng đắn về khái niệm chất, lượng và quan hệ qua lại giữa chúng; từ đó khái quát thành quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng thành những sự thay đổi về chất và ngược lại.


Chất là phạm trù triết học dùng để chỉ tính quy định khách quan vốn có của sự vật, là sự thống nhất hữu cơ của những thuộc tính làm cho sự vật nó chứ không phải là cái khác.


Mỗi sự vật, hiện tượng trong thế giới đều có những chất vốn có, làm nên chính chúng. Nhờ đó chúng mới khác với các sự vật, hiện tượng khác; nhờ đó mà con người mới có thể phân biệt sự vật, hiện tượng này với sự vật, hiện tượng khác. Con người khác với động vật chính là nhờ những tính quy định vốn có của con người: có khả năng chế tạo và sử dụng công cụ lao động, có khả năng tư duy.

Thuộc tính của sự vật là những tính chất, những trạng thái, những yếu tố cấu thành sự vật. Đó là những cái vốn có của sự vật từ khi sự vật được sinh ra hoặc được hình thành trong sự vận động và phát triển của nó. Tuy nhiên những thuộc tính vốn có của sự vật, hiện tượng chỉ được bộc lộ ra thông qua sự tác động qua lại với các sự vật, hiện tượng khác. Chất của một người cụ thể chỉ được bộc lộ thông qua quan hệ của người đó với người khác, với môi trường xung quanh, thông qua lời nói và việc làm của người ấy. Như vậy, muốn nhận thức đúng đắn về những thuộc tính của sự vật, chúng ta phải thông qua sự tác động qua lại của sự vật đó với bản thân chúng ta hoặc thông qua quan hệ, mối liên hệ qua lại của nó với các sự vật khác.

Mỗi sự vật có rất nhiều thuộc tính; mỗi thuộc tính lại biểu hiện một chất của sự vật. Do vậy, mỗi sự vật có rất nhiều chất. Chất và sự vật có mối quan hệ chặt chẽ, không tách rời nhau. Trong hiện thực khách quan không thể tồn tại sự vật không có chất và không thể có chất nằm ngoài sự vật.


Chất của sự vật được biểu hiện qua những thuộc tính của nó. Nhưng không phải bất kỳ thuộc tính nào cũng biểu hiện chất của sự vật. Thuộc tính của sự vật có thuộc tính cơ bản và thuộc tính không cơ bản. Những thuộc tính cơ bản được tổng hợp lại tạo thành chất của sự vật. Chính chúng quy định sự tồn tại, sự vận động và sự phát triển của sự vật, chỉ khi nào chúng thay đổi hay mất đi thì sự vật mới thay đổi hay mất đi.


Những thuộc tính của sự vật chỉ bộc lộ qua các mối liên hệ cụ thể với các sự vật khác . Bởi vậy sự phân chia thuộc tính thành thuộc tính cơ bản và thuộc tính không cơ bản cũng chỉ mang tính chất tương đối, tùy theo từng mối quan hệ. Ví dụ: Trong mối quan hệ với động vật thì các thuộc tính có khả năng chế tạo sử dụng công cụ, có tư duy là thuộc tính cơ bản của con người còn những thuộc tính khác không là thuộc tính cơ bản. Song trong quan hệ giữa những con người cụ thể với nhau thì những thuộc tính con người về nhận dạng, về dấu vân tay... lại trở thành thuộc tính cơ bản.


Chất của sự vật không những quy định bởi chất của những yếu tố tạo thành mà còn bởi phương thức liên kết giữa các yếu tố tạo thành, nghĩa là bởi kết cấu của sự vật. Trong hiện thực các sự vật được tạo thành bởi các yếu tố như nhau, song chất của chúng lại khác nhau. Kim cương và than chì đều có cùng thành phần hoá học là nguyên tố các bon tạo nên; nhưng do phương thức liên kết giữa các nguyên tử các bon là khác nhau, vì thế chất của chúng hoàn toàn khác nhau. Kim cương rất cứng, còn than chì lại rất mềm. Từ đó có thể thấy sự thay đổi về chất của sự vật phụ thuộc cả vào sự thay đổi các yếu tố cấu thành sự vật lẫn sự thay đổi phương thức liên kết giữa các yếu tố ấy.


b. Khái niệm về lượng


Lượng là phạm trù triết học dùng để chỉ tính quy định vốn có của sự vật về mặt số lượng, quy mô, trình độ, nhịp điệu của sự vận động và phát triển cũng như các thuộc tính của sự vật.

Lượng là cái khách quan, vốn có của sự vật, quy định sự vật ấy là nó. Lượng của sự vật không phụ thuộc vào ý chí, ý thức của con người.

Lượng của sự vật biểu thị kích thước dài hay ngắn, số lượng nhiều hay ít, quy mô lớn hay nhỏ, trình độ cao hay thấp, nhịp điệu nhanh hay chậm,… Trong thực tế lượng của sự vật thường được xác định bởi những đơn vị đo lượng cụ thể như vận tốc của ánh sáng là 300.000 km trong một giây; một phân tử nước bao gồm hai nguyên tử hydrô liên kết với một nguyên tử oxy,… bên cạnh đó có những lượng chỉ có thể biểu thị dưới dạng trừu tượng và khái quát như trình độ nhận thức tri của một người; ý thức trách nhiệm cao hay thấp của một công dân,... trong những trường hợp đó chúng ta chỉ có thể nhận thức được lượng của sự vật bằng con đường trừu tượng và khái quát hoá. Có những lượng biểu thị yếu tố kết cấu bên trong của sự vật (số lượng nguyên tử hợp thành nguyên tố hoá học, số lượng lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội) có những lượng vạch ra yếu tố quy định bên ngoài của sự vật (chiều dài, chiều rộng, chiều cao của sự vật).


Sự phân biệt chất và lượng của sự vật chỉ mang tính tương đối. Điều này phụ thuộc vào từng mối quan hệ cụ thể xác định. Có những tính quy định trong mối quan hệ này là chất của sự vật, song trong mối quan hệ khác lại biểu thị lượng của sự vật và ngược lại. Chẳng hạn số sinh viên học giỏi nhất định của một lớp sẽ nói lên chất lượng học tập của lớp đó. Điều này cũng có nghĩa là dù số lượng cụ thể quy định thuần tuý về lượng, song số lượng ấy cũng có tính quy định về chất của sự vật.


2. Mối quan hệ giữa sự thay đổi về lượng và sự thay đổi về chất


Bất kỳ sự vật hiện tượng nào cũng là sự thống nhất giữa mặt chất và mặt lượng. Chúng tác động qua lại lẫn nhau. Trong sự vật, quy định về lượng không bao giờ tồn tại nếu không có tính quy định về chất và ngược lại.

Sự thay đổi về lượng và về chất của sự vật diễn ra cùng với sự vận động và phát triển của sự vật. Nhưng sự thay đổi đó có quan hệ chặt chẽ với nhau chứ không tách rời nhau. Sự thay đổi về lượng của sự vật có ảnh hưởng sự thay đổi về chất của sự vật và ngược lại, sự thay đổi về chất của sự vật tương ứng với thay đổi về lượng của nó. Sự thay đổi về lượng có thể làm thay đổi ngay lập tức về chất của sự vật. Mặt khác, có thể trong một giới hạn nhất định khi lượng của sự vật thay đổi , nhưng chất của sự vật chưa thay đổi cơ bản. Chẳng hạn khi ta nung một thỏi thép đặc biệt ở trong lò, nhiệt độ của lò nung có thể lên tới hàng trăm độ, thậm chí có thể lên tới hàng ngàn độ, song thỏi thép vẫn ở trạng thái rắn chứ chưa chuyển sang trạng thái lỏng. Khi lượng của sự vật được tích luỹ vượt quá giới hạn nhất định gọi là độ, thì chất cũ sẽ mất đi, chất mới sẽ thay thế chất cũ. Chất mới ấy tương ứng với lượng mới tích luỹ được.

Độ là một phạm trù triết học dùng để chỉ khoảng giới hạn trong đó sự thay đổi về lượng của sự vật chưa làm thay đổi căn bản chất của sự vật ấy.


Độ là mối liên hệ giữa lượng và chất của sự vật ở đó thể hiện sự thống nhất giữa lượng và chất của sự vật, trong đó sự vật vẫn còn là nó chứ chưa biến thành cái khác. Dưới áp suất bình thường của không khí, sự tăng hoặc sự giảm của nhiệt độ trong khoảng từ 00C đến 1000 C, nước nguyên chất vẫn ở trạng thái lỏng. Nếu nhiệt độ của nước giảm xuống dưới 00 nước ở thể lỏng chuyển thành thể rắn và nếu tăng nhiệt độ từ 1000 C trở lên, nước nguyên chất thể lỏng chuyển dần sang trạng thái hơi . Nước nguyên chất cũng thay đổi về chất .


Tại điểm giới hạn như 00 C và 1000 C ở thí dụ trên gọi là điểm nút. Tại điểm đó sự thay đổi về lượng cũng đã đủ làm thay đổi về chất của sự vật.

Điểm nút là phạm trù triết học dùng để chỉ thời điểm mà tại đó sự thay đổi về lượng đã đủ làm thay đổi về chất của sự vật.

Sự vật tích luỹ đủ về lượng tại điểm nút sẽ làm cho chất mới của nó ra đời. Lượng mới và chất mới của sự vật thống nhất với nhau tạo nên độ mới và điểm nút mới của sự vật ấy . Quá trình đó liên tiếp diễn ra trong sự vật và vì thế sự vật luôn phát triển chừng nào nó còn tồn tại.

Chất của sự vật thay đổi do lượng của nó thay đổi trước đó gây ra gọi là bước nhảy. Vậy bước nhảy là phạm trù triết học dùng để chỉ sự chuyển hoá về chất của sự vật do sự thay đổi về lượng của sự vật trước đó gây nên.

Bước nhảy là sự kết thúc một giai đoạn phát triển của sự vật và là điểm khởi đầu của một giai đoạn phát triển mới. Nói là sự gián đoạn trong quá trình vận động và phát triển liên tục của sự vật. Có thể nói, trong quá trình phát triển của sự vật, sự gián đoạn là tiền đề cho sự liên tục và sự liên tục là sự kế tiếp của hàng loạt sự gián đoạn.

Như vậy sự phát triển của bất cứ của sự vật nào cũng bắt đầu từ sự tích luỹ về lượng trong độ nhất định cho tới điểm nút để thực hiện bước nhảy về chất. Song điểm nút của quá trình ấy không cố định mà có thể có những thay đổi do tác động của những điều kiện khách quan và chủ quan quy định. Chẳng hạn thời gian để hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hoá ở mỗi nước là khác nhau. Có những nước mất 150 năm, có những nước mất 60 năm nhưng cũng có những nước chỉ mất 15 năm.

Chất mới của sự vật chỉ có thể xuất hiện khi sự thay đổi về lượng của nó đạt tới điểm nút. Chất mới của sự vật ra đời sẽ tác động trở lại lượng đã thay đổi của sự vật. Chất mới ấy có thể làm thay đổi kết cấu, quy mô, trình độ, nhịp điệu của sự vận động và phát triển của sự vật. Chẳng hạn khi sinh viên vượt qua điểm nút là kỳ thi tốt nghiệp, tức là thực hiện bước nhảy, sinh viên sẽ được nhận bằng cử nhân. Trình độ văn hoá của sinh viên đã cao hơn trước và sẽ tạo điều kiện cho họ thay đổi kết cấu, quy mô, trình độ tri thức, giúp họ tiến lên trình độ cao hơn. Cũng giống như vậy khi nước ở trạng thái lỏng sang trạng thái hơi thì vận tốc của các phân tử nước tăng hơn, thể tích của nước ở trạng thái hơi sẽ lớn hơn thể tích của nó ở trạng thái lỏng với cùng một khối lượng tính chất hoà tan một số chất tan của nó cũng sẽ khác đi,..v..v..


Các hình thức cơ bản của bước nhảy. Bước nhảy để chuyển hoá về chất của sự vật hết sức đa dạng và phong phú với những hình thức rất khác nhau. Những hình thức bước nhảy khác nhau được quyết định bởi bản thân của sự vật, bởi những điều kiện cụ thể trong đó sự vật thực hiện bước nhảy. Chúng ta nghiên cứu một số hình thức cơ bản của bước nhảy.


Dựa trên nhịp điệu thực hiện bước nhảy của bản thân sự vật có thể phân chia thành bước nhảy đột biến và bước nhảy dần dần.


Bước nhảy đột biến là bước nhảy được thực hiện trong một thời gian rất ngắn làm thay đổi chất của toàn bộ kết cấu cơ bản của sự vật. Chẳng hạn, khối lượng Uranium 235(Ur 235)được tăng đến khối lượng tới hạn thì sẽ xảy ra vụ nổ nguyên tử trong chốc lát.


Bước nhảy dần dần là bước nhảy được thực hiện từ từ, từng bước bằng cách tích luỹ dần dần những nhân tố của chất mới và những nhân tố của chất cũ dần dần mất đi. Chẳng hạn quá trình chuyển hoá từ vượn thành người diễn ra rất lâu dài, hàng vạn năm. Quá trình cách mạng đưa nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một thời kỳ lâu dài qua nhiều bước nhảy dần dần. Quá trình thực hiện bước nhảy dần dần của sự vật là một quá trình phức tạp, trong đó có cả sự tuần tự lẫn những bước nhảy diễn ra ở từng bộ phận của sự vật ấy.


Song cần lưu ý rằng bước nhảy dần dần khác với sự thay đổi dần dần về lượng của sự vật. Bước nhảy dần dần là sự chuyển hoá dần dần từ chất này sang chất khác còn sự thay đổi dần dần về lượng là sự tích luỹ liên tục về lượng để đến một giới hạn nhất định sẽ chuyển hoá về chất.

Căn cứ vào quy mô thực hiện bước nhảy của sự vật có bước nhảy toàn bộ, có bước nhảy cục bộ.
Bước nhảy toàn bộ là bước nhảy làm thay đổi chất của toàn bộ các mặt, các yếu tố cấu thành sự vật.
Bước nhảy cục bộ là bước nhảy làm thay đổi chất của từng mặt, những yếu tố riêng lẻ của sự vật.
Trong hiện thực, các sự vật có thuộc tính đa dạng, phong phú nên muốn thực hiện bước nhảy toàn bộ phải thông qua những bước nhảy cục bộ. Sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta đang diễn ra từng bước nhảy cục bộ để thực hiện bước nhảy toàn bộ, tức là chúng ta đang thực hiện những bước nhảy cục bộ ở lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực chính trị, lĩnh vực xã hội và lĩnh vực tinh thần xã hội để đi đến bước nhảy toàn bộ - xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta.
Khi xem xét sự thay đổi về chất của xã hội người ta còn phân chia sự thay đổi đó thành thay đổi có tính chất cách mạng và thay đổi có tính chất tiến hoá.

Cách mạng là sự thay đổi trong đó chất của sự vật biến đổi căn bản, không phụ thuộc vào hình thức biến đổi của nó. Tiến hoá là sự thay đổi về lượng với những biến đổi nhất định về chất không cơ bản của sự vật.


Song cần lưu ý rằng, chỉ có sự thay đổi căn bản về chất mang tính tiến bộ, đi lên mới là cách mạng. Nếu sự thay đổi cơ bản về chất làm cho xã hội thụt lùi thì lại là phản cách mạng.


Từ những sự phân tích ở trên có thể rút ra nội dung của quy luật chuyển hoá từ những sự thay đổi về lượng thành những sự thay đổi về chất và ngược lại như sau: Mọi sự vật đều là sự thống nhất giữa lượng và chất, sự thay đổi dần dần về lượng trong khuôn khổ của độ tới điểm nút sẽ dẫn đến sự thay đổi về chất của sự vật thông qua bước nhảy; chất mới ra đời tác động trở lại sự thay đổi của lượng mới. Quá trình tác động đó diễn ra liên tục làm cho sự vật không ngừng phát triển, biến đổi.


3. Ý nghĩa phương pháp luận


Từ việc nghiên cứu quy luật chuyển hoá từ những thay đổi về lượng thành những thay đổi về chất và ngược lại có thể rút ra các kết luận có ý nghĩa phương pháp luận sau đây:


Sự vận động và phát triển của sự vật bao giờ cũng diễn ra bằng cách tích luỹ dần dần về lượng đến một giới hạn nhất định thực hiện bước nhảy để chuyển về chất. Do đó trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn chúng ta phải biết từng bước tích luỹ về lượng để làm biến đổi về chất theo quy luật. Trong hoạt động của mình, ông cha ta đã rút ra những tư tưởng sâu sắc như “ tích tiểu thành đại”, “năng nhặt chặt bị”, “góp gió thành bão”…. Những việc làm vĩ đại của con người bao giờ cũng là sự tổng hợp của những việc làm bình thường của con người đó. Phương pháp này giúp cho chúng ta tránh được tư tưởng chủ quan, duy ý chí, nôn nóng,” đốt cháy giai đoạn” muốn thực hiện những bước nhảy liên tục.


Quy luật của tự nhiên và quy luật của xã hội đều có tính khách quan. Song quy luật của tự nhiên diễn ra một cách tự phát, còn quy luật của xã hội chỉ được thực hiện thông qua ý thức của con người. Do đó, khi đã tích luỹ đủ về số lượng phải có quyết tâm để tiến hành bước nhảy, phải kịp thời chuyển những sự thay đổi về lượng thành những thay đổi về chất, từ những thay đổi mang tính chất tiến hoá sang những thay đổi mang tính chất cách mạng. Chỉ có như vậy chúng ta mới khắc phục được tư tưởng bảo thủ, trì trệ,”hữu khuynh” thường được biểu hiện ở chỗ coi sự phát triển chỉ là sự thay đổi đơn thuần về lượng.


Trong hoạt động thực tiễn, chúng ta còn phải biết vận dụng linh hoạt các hình thức của bước nhảy. Sự vận dụng linh hoạt đó sẽ tuỳ thuộc vào việc phân tích đúng đắn những điều kiện khách quan và những nhân tố chủ quan cũng như sự hiểu biết sâu sắc về quy luật này. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, từng điều kiện cụ thể hay quan hệ cụ thể chúng ta lựa chọn hình thức bước nhảy phù hợp để đạt tới chất lượng và hiệu quả hoạt động của mình. Song con người và đời sống xã hội của con người rất đa dạng phong phú do rất nhiều yếu tố cấu thành, do đó để thực hiện bước nhảy toàn bộ, trước hết, phải thực hiện những bước nhảy cục bộ làm thay đổi về chất của từng yếu tố.


Sự thay đổi về chất của sự vật còn phụ thuộc vào sự thay đổi phương thức liên kết giữa các yếu tố tạo thành sự vật. Do đó, trong hoạt động của mình chúng ta phải biết cách tác động vào phương thức liên kết giữa các yếu tố tạo thành sự vật trên cơ sở hiểu rõ bản chất, quy luật, kết cấu của sự vật đó. Chẳng hạn trên cơ sở hiểu biết đúng đắn về gen, con người có thể tác động vào phương thức liên kết giữa các nhân tố tạo thành gen làm cho gen biến đổi. Trong một tập thể cơ chế quản lý, lãnh đạo và quan hệ giữa các thành viên trong tập thể ấy thay đổi có tính chất toàn bộ thì rất có thể làm cho tập thể đó vững mạnh.



III. Quy luật thống nhất đấu tranh của các mặt đối lập


Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập(hay còn gọi là quy luật mâu thuẫn) là hạt nhân của phép biện chứng. V.I. Lê nin viết “ Có thể định nghĩa vắn tắt phép biện chứng là học thuyết về sự thống nhất của các mặt đối lập. Như thế là nắm được hạt nhân của phép biện chứng, nhưng điều đó đòi hỏi phải có những giải thích và một sự phát triển thêm”


1. Khái niệm các mặt đối lập, mâu thuẫn, sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập


Tất cả các sự vật, hiện tượng trên thế giới đều chứa đựng những mặt trái ngược nhau.Trong nguyên tử có điện tử và hạt nhân; trong sinh vật có đồng hoá và dị hoá; trong kinh tế thị trường có cung và cầu, hàng và tiền..v..v..Những mặt trái ngược nhau đó trong phép biện chứng duy vật gọi là mặt đối lập.


Mặt đối lập là những mặt có những đặc điểm, những thuộc tính, những tính quy định có khuynh hướng biến đổi trái ngược nhau tồn tại một cách khách quan trong tự nhiên, xã hội và tư duy. Sự tồn tại các mặt đối lập là khách quan và là phổ biến trong tất cả các sinh vật.


Các mặt đối lập nằm trong sự liên hệ, tác động qua lại lẫn nhau tạo thành mâu thuẫn biện chứng. Mâu thuẫn biện chứng tồn tại một cách khách quan và phổ biến trong tự nhiên, xã hội và tư duy. Mâu thuẫn biện chứng trong tư duy là phản ánh mâu thuẫn trong hiện thực và là nguồn gốc phát triển của nhận thức. Mâu thuẫn biện chứng không phải là ngẫu nhiên, chủ quan, cũng không phải là mâu thuẫn trong lôgic hình thức. Mâu thuẫn trong lôgich hình thức là sai lầm trong tư duy.

Hai mặt đối lập tạo thành mâu thuẫn biện chứng tồn tại trong sự thống nhất với nhau. Sự thống nhất của các mặt đối lập là sự nương tựa lẫn nhau, tồn tại không tách rời nhau giữa các mặt đối lập, sự tồn tại của mặt này phải lấy sự tồn tại của mặt kia làm tiền đề.
Các mặt đối lập tồn tại không tách rời nhau nên giữa chúng bao giờ cũng có những nhân tố giống nhau. Những nhân tố giống nhau đó gọi là sự “đồng nhất” của các mặt đối lập. Với ý nghĩa đó,” sự thống nhất của các mặt đối lập” còn bao hàm cả sự “ đồng nhất” của các mặt đó. Do có sự “đồng nhất” của các mặt đối lập mà trong sự triển khai của mâu thuẫn đến một lúc nào đó, các mặt đối lập có thể chuyển hoá lẫn nhau.

Sự thống nhất của các mặt đối lập còn biểu hiện ở sự tác động ngang nhau của chúng. Song đó chỉ là trạng thái vận động của mâu thuẫn ở một giai đoạn phát triển khi diễn ra sự cân bằng của các mặt đối lập.


Các mặt đối lập không chỉ thống nhất, mà còn luôn “đấu tranh” với nhau. Đấu tranh của các mặt đối lập là sự tác động qua lại theo xu hướng bài trừ và phủ định lẫn nhau giữa các mặt đó. Hình thức đấu tranh của các mặt đối lập hết sức phong phú, đa dạng, tuỳ thuộc vào tính chất, vào mối liên hệ qua lại giữa các mặt đối lập và tuỳ điều kiện cụ thể diễn ra cuộc đấu tranh giữa chúng.


2. Mâu thuẫn là nguồn gốc của sự vận động và sự phát triển


Sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập là 2 xu hướng tác động khác nhau của các mặt đối lập tạo thành mâu thuẫn. Như vậy, mâu thuẫn biện chứng cũng bao hàm cả “sự thống nhất” lẫn “đấu tranh” của các mặt đối lập. Sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập không tách rời nhau, trong quá trình vận động, phát triển của sự vật, sự thống nhất gắn liền với sự đứng im, với sự ổn định tạm thời của sự vật. Sự đấu tranh gắn liền với tính tuyệt đối của sự vận động và phát triển. Điều đó có nghĩa là: sự thống nhất của các mặt đối lập là tương đối, tạm thời ; sự đấu tranh của các mặt đối lập là tuyệt đối. V.I.Lênin viết: “Sự thống nhất(…) của các mặt đối lập là có điều kiện, tạm thời, thoáng qua, tương đối. Sự đấu tranh của các mặt đối lập bài trừ lẫn nhau là tuyệt đối, cũng như sự phát triển, sự vận động là tuyệt đối”.


Trong sự tác động qua lại của các mặt đối lập thì đấu tranh của các mặt đối lập quy định một cách tất yếu sự thay đổi của các mặt đang tác động và làm cho mâu thuẫn phát triển. Lúc đầu mâu thuẫn mới xuất hiện mâu thuẫn chỉ là sự khác nhau căn bản, nhưng theo khuynh hướng trái ngược nhau. Sự khác nhau đó càng ngày càng phát triển đi đến đối lập. Khi hai mặt đối lập xung đột gay gắt đã đủ điều kiện, chúng sẽ chuyễn hoá lẫn nhau, mâu thuẫn được giải quyết. Nhờ đó thể thống nhất cũ được thay thế bằng thể thống nhất mới ; sự vật cũ mất đi sự vật mới ra đời thay thế. V.I. Lênin viết: “ Sự phát triển là một cuộc “đấu tranh” giữa các mặt đối lập”. Tuy nhiên, không có thống nhất của các mặt đối lập thì cũng không có đấu tranh giữa chúng. Thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập là không thể tách rời nhau trong mâu thuẫn biện chứng. Sự vận động và phát triển bao giờ cũng là sự thống nhất giữa tính ổn định và tính thay đổi. Sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập quy định tính ổn định và tính thay đổi của sự vật . Do đó mâu thuẫn chính là nguồn gốc của sự vận động và sự phát triển.


3. Phân loại mâu thuẫn


Mâu thuẫn tồn tại trong tất cả các sự vật, hiện tượng, cũng như trong tất cả các giai đoạn phát triển của chúng. Mâu thuẫn hết sức phong phú, đa dạng. Tính phong phú đa dạng được quy định một cách khách quan bởi đặc điểm của các mặt đối lập, bởi điều kiện tác động qua lại của chúng, bởi trình độ tổ chức của hệ thống (sự vật) mà trong đó mâu thuẫn tồn tại.


Căn cứ vào quan hệ đối với sự vật được xem xét , người ta phân biệt thành mâu thuẫn bên trong và mâu thuẫn bên ngoài.


Mâu thuẫn bên trong là sự tác động qua lại giữa các mặt, các khuynh hướng đối lập của cùng một sự vật. Mâu thuẫn bên ngoài đối với một sự vật nhất định là mâu thuẫn diễn ra trong mối quan hệ sự vật đó với các sự vật khác .


Việc phân chia mâu thuẫn thành mâu thuẫn bên trong và mâu thuẫn bên ngoài chỉ là sự tương đối, tuỳ theo phạm vi xem xét. Cùng một mâu thuẫn nhưng xét trong mối quan hệ này là mâu thuẫn bên ngoài nhưng xét trong mối quan hệ khác lại là mâu thuẫn bên trong. Thí dụ: Trong phạm vi nước ta mâu thuẫn trong nội bộ nền kinh tế quốc dân là mâu thuẫn bên trong; còn mâu thuẫn về kinh tế giữa nước ta với các nước ASEAN khác lại là mâu thuẫn bên ngoài. Nếu trong phạm vi ASEAN thì mâu thuẫn giữa các nước trong khối lại là mâu thuẫn bên trong. Vì vậy để xác định một mâu thuẫn nào đó là mâu thuẫn bên trong hay mâu thuẫn bên ngoài trước hết phải xác định phạm vi sự vật được xem xét.


Mâu thuẫn bên trong có vai trò quyết định trực tiếp đối với quá trình vận động và phát triển của sự vật. Còn mâu thuẫn bên ngoài có ảnh hưởng đến sự phát triển của sự vật. Tuy nhiên mâu thuẫn bên trong và mâu thuẫn bên ngoài không ngừng có tác động qua lại lẫn nhau. Việc giải quyết mâu thuẫn bên trong không thể tách rời việc giải quyết mâu thuẫn bên ngoài; việc giải quyết mâu thuẫn bên ngoài là điều kiện để giải quyết mâu thuẫn bên trong. Thực tiễn cách mạng nước ta cũng cho thấy: việc giải quyết những mâu thuẫn trong nước ta không tách rời việc giải quyết mâu thuẫn giữa nước ta với các nước khác.


Căn cứ vào ý nghĩa đối với sự tồn tại và phát triển của toàn bộ sự vật, mâu thuẫn được chia thành mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn không cơ bản:


Mâu thuẫn cơ bản là mâu thuẫn quy định bản chất của sự vật, quy định sự phát triển ở tất cả các giai đoạn của sự vật, nó tồn tại trong suốt quá trình tồn tại các sự vật. Mâu thuẫn cơ bản được giải quyết thì sự vật sẽ thay đổi cơ bản về chất.


Mâu thuẫn không cơ bản là mâu thuẫn chỉ đặc trưng cho một phương diện nào đó của sự vật, nó không quy định bản chất của sự vật. Mâu thuẫn đó nảy sinh hay được giải quyết không làm cho sự vật thay đổi căn bản về chất .


Căn cứ vào vai trò của mâu thuẫn đối với sự tồn tại và phát triển của sự vật trong một giai đoạn nhất định, các mâu thuẫn được chia thành mâu thuẫn chủ yếu và mâu thuẫn thứ yếu.

Mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn nổi lên hàng đầu của một giai đoạn phát triển nhất định của sự vật và chi phối các mâu thuẫn khác trong giai đoạn đó. Giải quyết được mâu thuẫn chủ yếu trong từng giai đoạn là điều kiện cho sự vật chuyển sang giai đoạn phát triển mới.
Mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn chủ yếu có quan hệ chặt chẽ với nhau. Mâu thuẫn chủ yếu có thể là một hình thức biển hiện nổi bật của mâu thuẫn cơ bản hay là kết quả vận động tổng hợp của các mâu thuẫn cơ bản ở một giai đoạn nhất định. Việc giải quyết mâu thuẫn chủ yếu tạo điều kiện giải quyết từng bước mâu thuẫn cơ bản.

Mâu thuẫn thứ yếu là những mâu thuẫn ra đời và tồn tại trong một giai đoạn phát triển nào đó của sự vật nhưng nó không đóng vai trò chi phối mà bị mâu thuẫn chủ yếu chi phối. Giải quyết mâu thuẫn thứ yếu là góp phần vào việc từng bước giải quyết mâu thuẫn chủ yếu.


Căn cứ vào tính chất của các quan hệ lợi ích, người ta chia mâu thuẫn trong xã hội thành mâu thuẫn đối kháng và mâu thuẫn không đối kháng.


Mâu thuẫn đối kháng là mâu thuẫn giữa những giai cấp những tập đoàn người, có lợi ích cơ bản đối lập nhau. Thí dụ : Mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ, giữa vô sản với tư sản, giữa dân tộc bị xâm lược với bọn đi xâm lược.


Mâu thuẫn không đối kháng là mâu thuẫn giữa những lực lượng xã hội có lợi ích cơ bản thống nhất với nhau, chỉ đối lập về những lợi ích không cơ bản, cục bộ, tạm thời. Chẳng hạn mâu thuẫn giữa lao động trí óc với lao động chân tay, giữa thành thị với nông thôn,..v..v


Việc phân biệt mâu thuẫn đối kháng và không đối kháng có ý nghĩa trong việc xác định đúng phương pháp giải quyết mâu thuẫn. Giải quyết mâu thuẫn đối kháng phải bằng phương pháp đối kháng; giải quyết mâu thuẫn không đối kháng phải bằng thì phải bằng phương pháp trong nội bộ nhân dân.

Từ sự phân tích trên có thể rút ra thực chất quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập như sau:

Mọi sự vật, hiện tượng đều chứa đựng những mặt, những khuynh hướng đối lập tạo thành những mâu thuẫn trong bản thân nó; sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập là nguồn gốc của sự vận động và phát triển, làm cho cái cũ mất đi cái mới ra đời thay thế.


4. Ý nghĩa phương pháp luận


Việc nghiên cứu quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập có ý nghĩa phương pháp luận quan trọng trong nhận thức và hoạt động thực tiễn.


Để nhận thức đúng bản chất sự vật và tìm ra phương hướng và giải pháp đúng cho hoạt động thực tiễn phải đi sâu nghiên cứu phát hiện ra mâu thuẫn của sự vật. Muốn phát hiện ra mâu thuẫn phải tìm ra trong thể thống nhất những mặt, những khuynh hướng trái ngược nhau, tức tìm ra những mặt đối lập và tìm ra những mối liên hệ, tác động qua lại lẫn nhau giữa các mặt đối lập đó. V.I.Lênin viết: “ Sự phân đôi của cái thống nhất và sự nhận thức của các bộ phận của nó, đó là thực chất…của phép biện chứng”.


Khi phân tích mâu thuẫn, phải xem xét quá trình phát sinh, phát triển của từng mâu thuẫn, xem xét vai trò, vị trí và mối quan hệ lẫn nhau của các mâu thuẫn; phải xem xét quá trình phát sinh, phát triển và vị trí của từng mặt đối lập, mối quan hệ tác động qua lại giữa chúng, điều kiện chuyển hoá lẫn nhau giữa chúng. Chỉ có như thế mới có thể hiểu đúng mâu thuẫn của sự vật, hiểu đúng xu hướng vận động, phát triển và điều kiện để giải quyết mâu thuẫn.


Để thúc đẩy sự vật phát triển phải tìm mọi cách để giải quyết mâu thuẫn, không được điều hoà mâu thuẫn.Việc đấu tranh giải quyết mâu thuẫn phải phù hợp với trình độ phát triển của mâu thuẫn. Phải tìm ra phương thức, phương tiện và lực lượng để giải quyết mâu thuẫn. Mâu thuẫn chỉ được giải quyết khi điều kiện đã chín muồi. Một mặt phải chống thái độ chủ quan, nóng vội; mặt khác phải tích cực thúc đẩy các điều kiện khách quan để làm cho các điều kiện giải quyết mâu thuẫn đi đến chín muồi. Mâu thuẫn khác nhau phải có phương pháp giải quyết khác nhau. Phải tìm ra các hình thức giải quyết mâu thuẫn một cách linh hoạt, vừa phù hợp với từng loại mâu thuẫn, vừa phù hợp với điều kiện cụ thể..



IV. Quy luật phủ định của phủ định


1. Khái niệm phủ định và phủ định biện chứng


Bất cứ sự vật, hiện tượng nào trong thế giới đều trải qua quá trình sinh ra, tồn tại, phát triển và diệt vong. Sự vật cũ mất đi được thay thế bằng sự vật mới. Sự thay thế đó là tất yếu trong quá trình vận động và phát triển của sự vật. Không như vậy sự vật không phát triển được. Sự thay thế đó được triết học gọi là sự phủ định.


Sự phủ định là sự thay thế sự vật này bằng sự vật khác trong quá trình vận động và phát triển. Trong lịch sử triết học, tuỳ theo thế giới quan và phương pháp luận, các nhà triết học và các trường phái triết học có quan niệm khác nhau về sự phủ định. Có quan niệm cho rằng, sự vật mới ra đời thay thế sự vật cũ hầu như lặp lại toàn bộ quá trình của sự vật cũ. Pitago cho rằng sự phát triển của xã hội phải trải qua chu kỳ là 78 vạn năm. Còn triết học Phật giáo lại quan niệm kiếp người tuân theo vòng luân hồi: “ Cát bụi lại trở về với cát bụi”. Những người theo quan điểm siêu hình coi sự phủ định là sự diệt vong hoàn toàn của cái cũ, sự phủ định sạch trơn, chấm dứt hoàn toàn sự vận động và phát triển của sự vật. Họ tìm nguyên nhân của sự phủ định ở bên ngoài sự vật, ở một lực lượng siêu nhiên nào đó .


Theo quan điểm duy vật biện chứng, sự chuyển hoá từ những thay đổi về lượng dẫn đến những thay đổi về chất, sự đấu tranh thường xuyên của các mặt đối lập làm cho mâu thuẫn được giải quyết, từ đó dẫn đến sự vật cũ mất đi sự vật mới ra đời thay thế. Sự thay thế diễn ra liên tục tạo nên sự vận động và phát triển không ngừng của sự vật. Sự vật mới ra đời là kết quả của sự phủ định sự vật cũ. Điều đó cũng có nghĩa là sự phủ định là tiền đề, điều kiện cho sự phát triển liên tục, cho sự ra đời của cái mới thay thế cái cũ. Đó là phủ định biện chứng .


Phủ định biện chứng là phạm trù triết học dùng để chỉ sự phủ định tự thân, sự phát triển tự thân, là mắt khâu trong quá trình dẫn tới sự ra đời sự vật mới, tiến bộ hơn sự vật cũ. Phủ định biện chứng có các đặc trưng cơ bản sau: Tính khách quan và tính kế thừa.


Phủ định biện chứng mang tính khách quan do nguyên nhân của sự phủ định nằm ngay trong bản thân sự vật. Đó chính là giải quyết những mâu thuẫn bên trong sự vật. Nhờ việc giải quyết những mâu thuẫn mà sự vật luôn luôn phát triển. Vì thế, phủ định biện chứng là một tất yếu khách quan trong quá trình vận động phát triển của sự vật. Đương nhiên, mỗi sự vật có phương thức phủ định riêng tuỳ thuộc vào sự giải quyết mâu thuẫn của bản thân chúng. Điều đó cũng có nghĩa, phủ định biện chứng không phụ thuộc vào ý muốn, ý chí của con người con người chỉ có thể tác động làm cho quá trình phủ định ấy diễn ra nhanh hay chậm trên cơ sở nắm vững quy luật phát triển của sự vật. Chẳng hạn trong lịch sử triết học, sự phát triển của phép biện chứng là quá trình phủ định biện chứng liên tục từ phép biện chứng tự phát thời cổ đại qua phép biện chứng duy tâm của triết học cổ điển Đức đến phép biện chứng duy vật. Sự phát triển của các học thuyết khoa học là kết quả của những sự phủ định liên tục những chi thức về sự vật, hiện tượng hay quá trình của thế giới.


Phủ định biện chứng là kết quả của sự phát triển tự thân của sự vật, nên nó không thể là sự thủ tiêu, sự phá huỷ hoàn toàn cái cũ. Cái mới chỉ có thể ra đời trên nền tảng cái cũ, chúng không thể từ hư vô. Cái mới ra đời là sự phát triển tiếp tục của cái cũ trên cơ sở gạt bỏ những mặt tiêu cực, lỗi thời, lạc hậu của cái cũ và chọn lọc, giữ lại, cải tạo nhữnh mặt còn thích hợp, những mặt tích cực bổ sung những mặt mới phù hợp với hiện thực, sự phát triển chẳng qua chỉ là sự biến đổi trong đó giai đoạn sau bảo tồn tất cả những mặt tích cực được tạo ra ở giai đoạn trước và bổ sung thêm những mặt mới phù hợp với hiện thức.


Điều đó nói nên rằng, phủ định biện chứng mang tính kế thừa. Trong quá trình phủ định biện chứng, sự vật khẳng định lại những mặt tốt, mặt tích cực và chỉ phủ định những cái lạc hậu, cái tiêu cực. Do đó phủ định đồng thời cũng là khẳng định. Ví dụ, Trong sinh vật các giống loài đều có tính di truyền, các thế hệ con cái đều kế thừa những yếu tố tích cực của các thế hệ bố mẹ. Trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, xã hội mới ra đời trên cơ sở kế thừa những giá trị vật chất và tinh thần của xã hội trước, đồng thời bổ sung thêm những giá trị mới. Trong lĩnh vực nhận thức các học thuyết khoa học ra đời sau bao giờ cũng kế thừa những giá trị tư tưởng của các học thuyết khoa học ra đời trước.v.v.


Những điều phân tích trên cho thấy, phủ định biện chứng không chỉ là sự khắc phục cái cũ, sự vật cũ, mà còn là sự liên kết giữa cái cũ với cái mới, sự vật cũ với sự vật mới, giữa sự khẳng định và sự phủ định, quá khứ với hiện thực, phủ định biện chứng là mắt khâu tất yếu của mối liên hệ và sự phát triển.


2. Nội dung của quy luật phủ định của phủ định


Sự ra đời và tồn tại của sự vật đã khẳng định chính nó. Trong quá trình vận động của sự vật, những nhân tố mới xuất hiện sẽ thay thế những nhân tố cũ, sự phủ định biện chứng diễn ra. Sự vật đó không còn nữa và bị thay thế bởi sự vật mới, trong đó có những nhân tố tích cực được giữ lại. Song sự vật mới này sẽ lại bị phủ định bởi sự vật mới khác. Sự vật mới khác ấy dường như là sự vật đã tồn tại, song không phải là sự trùng lặp hoàn toàn, mà nó có được bổ sung những nhân tố mới và chỉ bảo tồn những nhân tố tích cực, thích hợp với sự phát triển tiếp tục của nó. Sau khi sự phủ định diễn ra 2 lần thì sự phủ định của phủ định được thực hiện, sự vật mới hoàn thành một chu kỳ phát triển. Ph.Ăngghen đã đưa ra một thí dụ để hiểu về quá trình phủ định này:” Hãy lấy ví dụ hạt đại mạch. Có hàng nghìn triệu hạt đại mạch được xay ra, nấu chín và đem làm rượu, rồi lại tiêu dùng đi. Nhưng nếu một hạt đại mạch như thế gặp những điều kiện bình thường đối với nó, nếu nó rơi vào một miếng đất thích hợp, thì nhờ ảnh hưởng của sức nóng và độ ẩm, đối với nó sẽ diễn ra một sự biến hoá riêng, nó nẩy mầm: hạt đại mạch biến đi, không còn là hạt đại mạch nữa , nó bị phủ định, bị thay thế bởi cái cây do nó đẻ ra, đấy là sự phủ định hạt đại mạch. Nhưng cuộc sống bình thường của cái cây này sẽ như thế nào? Nó lớn lên, ra hoa, thụ phấn và cuối cùng sinh ra những hạt thóc mới, và khi hạt đại mạch nó chín thì thân cây chết đi, bản thân nó bị phủ định. Kết quả của sự phủ định này là chúng ta lại có hạt đại mạch như ban đầu không chỉ là một hạt thocs mà nhiều gấp mười, hai mươi, ba mươi lần”.(Các Mác và Ăngghen toàn tập , NXBCTQG, HN 1994, T20, tr 195)


Ví dụ trên cho thấy, từ sự khẳng định ban đầu (hạt thóc ban đầu), trải qua sự phủ định lần thứ nhất (cây lúa phủ định hạt thóc) và sự phủ định lần thứ hai ( những hạt thóc mới phủ định cây lúa) sự vật dường như quay trở lại sự khẳng định ban đầu (hạt thóc), nhưng trên cơ sở cao hơn(số lượng hạt thóc nhiều hơn, chất lượng hạt thóc cũng sẽ thay đổi, song khó nhận thấy ngay).


Sơ đồ cụ thể: Khẳng định (hạt thóc) - phủ định lần 1 ( cây lúa) - phủ định lần 2 (hạt thóc).

Sự phát triển biện chứng thông qua những lần phủ định biện chứng như trên là sự thống nhất hữu cơ giữa lọc bỏ, bảo tồn và bổ sung thêm những nhân tố tích cực mới. Do vậy, thông qua những lần phủ định biện chứng của bản thân, sự vật sẽ ngày càng phát triển.

Quy luật phủ định của phủ định biểu hiện sự phát triển của sự vật là do mâu thuẫn trong bản thân sự vật quyết định. Mỗi lần phủ định là kết quả đấu tranh và chuyển hoá giữa các mặt đối lập trong bản thân sự vật- giữa mặt khẳng định và mặt phủ định. Sự phủ định lần thứ nhất diễn ra làm cho sự vật cũ chuyển thành cái đối lập với mình. Sự phủ định lần thứ hai được thực hiện dẫn tới sự vật mới ra đời. Sự vật này đối lập với cái đựợc sinh ra ở lần phủ định thứ nhất. Nó được bổ sung nhiều nhân tố mới. Như vậy, sau hai lần phủ định sự vật dường như quay trở lại cái cũ, nhưng trên cơ sở mới cao hơn là đặc điểm quan trọng nhất của sự phát triển biện chứng thông qua phủ định của phủ định.

Phủ định của phủ định làm xuất hiện sự vật mới là kết quả của sự tổng hợp tất cả nhân tố tích cực đã có và đã phát triển trong cái khẳng định ban đầu và trong những làn phủ định tiếp theo. Do vậy, sự vật mới với tư cách là kết quả của phủ định của phủ định có nội dung hoàn thiện hơn, phong phú hơn, có cái khẳng định ban đầu và kết quả của sự phủ định lần thứ nhất.

Kết quả của sự phủ định của phủ định là điểm kết thúc của một chu kỳ phát triển và cũng là điểm khởi đầu cho kỳ phát triển tiếp theo. Sự vật lại tiếp tục biện chứng chính mình để phát triển. Cứ như vậy sự vật mới ngày càng mới hơn.


Quy luật phủ định của phủ định khái quát xu hướng tất yếu tiến lên của sự vật- xu hướng phát triển. Song sự phát triển đó không phải diễn ra theo đường thẳng, mà theo đường “ xoáy ốc”.

Sự phát triển theo đường “xoáy ốc” là sự biểu thị rõ ràng, đầy đủ các đặc trưng của quá trình phát triển biện chứng của sự vật: tính kế thừa, tính lặp lại, tính tiến lên. Mỗi vòng của đường “xoáy ốc” dường như thể hiện sự lặp lại nhưng cao hơn, thể hiện trình độ cao hơn của sự phát triển. Tính vô tận của sự phát triển từ thấp đến cao được thể hiện ở sự nối tiếp từ dưới lên của các vòng trong đường “xoáy ốc”.

Nghiên cứu quá trình phát triển của sự vật theo quy luật phủ định của phủ định chúng ta không được hiểu một cách máy móc là mọi sự vật trong thế giới hiện thực đều phải trải qua hai lần phủ định phủ định mới hoàn thành một chu kỳ nhất định của chúng. Trong hiện thực, một chu kỳ phát triển của sự vật cụ thể có thể bao gồm số lượng các lần phủ định nhiều hơn hai. Có sự vật trải qua hai lần phủ định, có sự vật trải qua ba, bốn, năm lần phủ định … mới hoàn thành một chu kỳ phát triển. Điều đó phụ thuộc vào từng sự vật cụ thể. Chẳng hạn:


Vòng đời của con tằm: trứng - tằm - nhộng - ngài - trứng. Ở đây vòng đời của tằm trải qua bốn lần phủ định.


Các nguyên tố hoá học trong bản Hệ thống tuần hoàn do Menđêlêép thể hiện khá rõ điều khái quát nêu trên. Các nguyên tố hoá học phải trải qua rất nhiều lần phủ định mới hoàn thành chu kỳ phát triển của chúng.


Từ sự phân tích đã được nêu ra ở trên, chúng ta khái quát về nội dung cơ bản của quy luật phủ định của phủ định như sau:


Quy luật phủ định của phủ định nêu lên mối liên hệ, sự kế thừa giữa cái khẳng định và cái phủ định, nhờ đó phủ định biện chứng là điều kiện cho sự phát triển; nó bảo tồn nội dung tích cực của các giai đoạn trước và bổ xung thêm những thuộc tính mới làm cho sự phát triển đi theo đường “xoáy ốc”.


3. Ý nghĩa phương pháp luận


Nghiên cứu về quy luật phủ định của phủ định, chúng ta rút ra một số ý nghĩa phương pháp luận sau đây:


Quy luật phủ định của phủ định giúp chúng ta nhận thức đúng đắn về xu hướng phát triển của sự vật. Quá trình phát triển của bất kỳ sự vật nào cũng không bao giờ đi theo một đường thẳng, mà diễn ra quanh co, phức tạp, trong đó bao gồm nhiều chu kỳ khác nhau. Chu kỳ sau bao giờ cũng tiến bộ hơn chu kỳ trước. Xã hội và các lĩnh vực của đời sống xã hội cũng như cuộc sống của con người đều diễn ra theo chiều hướng đó. Xã hội loài người phát triển từ công xã nguyên thuỷ, qua chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản sẽ đến xã hội phủ định xã hội tư bản - chủ nghĩa cộng sản mà giai đoạn đầu là xã hội xã hội chủ nghĩa. Xã hội tư bản đã đang và sẽ tạo ra những tiền đề phủ định chính nó, đặt nền móng cho xã hội phát triển cao hơn nó trong tương lại.


Ở mỗi chu kỳ phát triển sự vật có những đặc điểm riêng. Do đó, chúng ta phải tìm hiểu những đặc điểm đó để có cách tác động phù hợp sao cho sự phát triển nhanh hoặc phát triển chậm. Điều này phụ thuộc vào tác dụng của sự vật đối với đời sống của con người. Chẳng hạn, nếu sự vật có ích lợi cho con người thì phải đẩy nhanh sự phát triển của nó, còn nếu nó có hại thì phải kìm hãm sự phát triển của nó.


Theo quy luật phủ định của phủ định, mọi sự vật luôn luôn xuất hiện cái mới thay thế cái cũ, cái tiến bộ thay thế cái lạc hậu; cái mới ra đời từ cái cũ trên cơ sở phát triển kế thừa tất cả những nhân tố tích cực của cái cũ, do đó, nó luôn luôn biểu hiện là giai đoạn phát triển cao của sự vật vận dụng vào xem xét sự vật, điều này tránh cho chúng ta thái độ phủ định sạch trơn cái cũ.

Trong giới tự nhiên cái mới xuất hiện một cách tự phát, còn trong xã hội cái mới ra đời gắn liền với hoạt động có ý thức của con người. Chính vì thế, trong hoạt động của mình chúng ta phải biết phát hiện cái mới, tích cực và ủng hộ nó. Khi mới ra đời cái mới luôn còn yếu ớt, ít ỏi, vì vậy, chúng ta phải ra sức bồi dưỡng, tạo điều kiện cho nó chiến thắng cái cũ, phát huy ưu thế của nó. Trong khi đấu tranh chống lại cái cũ chúng ta phải biết “lọc thô, lấy tinh”, cải tạo cái cũ để nó phù hợp với điều kiện mới, phải biết chân trọng những giá trị của quá khứ. Đồng thời, chúng ta phải khắc phục tư tưởng bảo thủ, khư khư giữ lấy những cái lỗi thời cản trở sự phát triển của con người và xã hội. Chẳng hạn, hiện tại có những người muốn khôi phục lại tục lệ cũ trong việc cưới, việc tang, lễ hội,…

Theo quan điểm biện chứng về sự phát triển, trong quá trình phủ định, chúng ta phải biết kế thừa có chọn lọc những cái vốn là tinh hoa của cái cũ, sử dụng chúng như là tiền đề của sự nảy sinh cái mới tiến bộ hơn, biết giữ hình thức và cải tạo nội dung cho phù hợp như ông cha ta đã nói: “bình cũ rượu mới”. Hơn nữa chúng ta phải biết lựa chọn để tiếp thu cái mới cho phù hợp chống cả tư tưởng “cũ người mới ta” trong đời sống xã hội và cuộc sống của con người.


Mỗi quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật mà chúng ta nghiên cứu trên dây, đề cập đến những phương diện khác nhau của quá trình vận động và phát triển của sự vật. Trong thực tế, sự vận động và phát triển của bất cứ sự vật nào cũng là sự tác động tổng hợp của tất cả những quy luật cơ bản do phép biện chứng duy vật trừu tượng hoá và khái quát hoá. Do đó trong hoạt động của mình, cả hoạt động nhận thức lẫn hoạt động thực tiễn, chúng ta phải vận dụng tổng hợp những quy luật đó một cách đầy đủ, sâu sắc, năng động, sáng tạo phù hợp với điều kiện cụ thể. Chỉ có như vậy, hoạt động của chúng ta, kể cả hoạt động học tập mới đạt được chất lượng và hiệu quả cao.


CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Trình bày nội dung quy luật chuyển hoá từ những thay đổi về lượng thành những thay đổi về chất và ngược lại.
2. Hãy lấy thí dụ cụ thể và phân tích thí dụ đó theo phương pháp luận được rút ra từ quy luật này.
3. Phân tích nội dung quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập.
4. Phân tích các loại mâu thuẫn.
5. Hãy lấy ví dụ cụ thể và phân tích ví dụ đó theo phương pháp luận được rút ra từ quy luật này.
6. Phân tích nội dung của quy luật phủ định của phủ định.
7. Hãy lấy thí dụ cụ thể trong thực tế và vận dụng phương pháp luận của quy luật phủ định của phủ định để phân tích chúng.

Nguồn: Internet
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top