26 câu hỏi Tiếng Việt 9

Thandieu2

Thần Điêu
Câu 1: Thế nào là phương châm về lượng, phương châm về chất, phương châm quan hệ, phương châm cách thức, phương châm lịch sự?

- Phương châm về lượng: khi giao tiếp, cần nói cho có nội dung; nội dung của lời nói phải đáp ứng yêu cầu của cuộc giao tiếp, không thiếu, không thừa.
- Phương châm về chất: khi giao tiếp, đừng nói những điều mà mình không tin là đúng hay không có bằng chứng xác thực.
- Phương châm quan hệ: khi giao tiếp, cần nói đúng vào đề tài giao tiếp, tránh nói lạc đề.
- Phương châm cách thức: khi giao tiếp, cần chú ý nói ngắn gọn, rành mạch; tránh cách nói mơ hồ.
- Phương châm lịch sự: khi giao tiếp, cần tế nhị và tôn trọng người khác.
Câu 2: Theo em, chúng ta phải sử dụng phương châm hội thoại như thế nào cho đúng với tình huống giao tiếp.

Việc sử dụng các phương châm hội thoại cần phù hợp với đặc điểm của tình huống giao tiếp như: người nghe (Nói với ai?), thời điểm (Nói khi nào?), không gian- địa điểm giao tiếp (Nói ở đâu?), mục đích giao tiếp (Nói để làm gì?)

Câu 3: Em hãy nêu những nguyên nhân có thể dẫn đến việc không tuân thủ phương châm hội thoại.

Việc không tuân thủ những phương châm hội thoại có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:
- Người nói vô ý, vụng về, thiếu văn hóa giao tiếp.
- Người nói phải ưu tiên cho một phương châm hội thoại hoặc một yêu cầu khác quan trọng hơn.
- Người nói muốn gây một sự chú ý, để người nghe hiểu câu nói theo một hàm ý nào đó.

Câu 4: Từ ngữ xưng hô và việc sử dụng từ ngữ xưng hô.

a) Tiếng Việt có một hệ thống từ ngữ xưng hô rất phong phú, tinh tế và giàu sắc thái biểu cảm.
b) Người nói cần căn cứ vào đối tượng và các đặc điểm khác của tình huống giao tiếp để xưng hô cho thích hợp.
c) Trong tiếng Việt, xưng hô thường tuân theo phương châm “xưng khiêm, hô tôn”
Phương châm “xưng khiêm, hô tôn” được hiểu là khi xưng hô, người nói tự xưng mình một cách khiêm nhường và gọi người đối diện một cách tôn kính.

Câu 5: Dẫn trực tiếp, dẫn gián tiếp.

Có hai cách dẫn lời nói hay ý nghĩ (lời nói bên trong) của một người, một nhân vật:
- Dẫn trực tiếp, tức là nhắc lại nguyên văn lời nói hay ý nghĩ của một người hoặc nhân vật; lời dẫn trực tiếp được đặt trong dấu ngoặc kép.
- Dẫn gián tiếp, tức là thuật lại lời nói hay ý nghĩ của người hoặc nhân vật , có điều chỉnh cho thích hợp; lời dẫn gián tiếp không đặt trong dấu ngoặc kép.

Câu 6: Sự phát triển của từ vựng.

- Cùng với sự phát triển của xã hội, từ vựng của ngôn ngữ cũng không ngừng phát triển.
Những cách phát triển từ vựng tiếng Việt:
- Phát triển về nghĩa:
+ Biến đổi nghĩa: nghĩa cũ mất đi, nghĩa mới hình thành.
+ Có hai phương thức chuyển nghĩa chủ yếu: phương thức ẩn dụ và phương thức hoán dụ.
- Phát triển về số lượng:
+ Tạo từ ngữ mới để làm tăng vốn từ.
+ Mượn từ ngữ của tiếng nước ngoài. Bộ phận từ mượn quan trọng nhất trong tiếng Việt là từ mượn tiếng Hán.

Câu 7: Hiện tượng chuyển nghĩa của từ theo phương thức ẩn dụ, hoán dụ với việc sử dụng các biện pháp tu từ ẩn dụ, hoán dụ có gì khác nhau?

- Hiện tượng chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ, hoán dụ tạo nên nghĩa mới thực sự cho từ, các nghĩa này được giải thích trong tự điển.
- Các biện pháp tu từ ẩn dụ, hoán dụ là cách diễn đạt bằng hình ảnh, hình tượng mang tính biểu cảm cho câu nói, không tạo ra nghĩa mới cho từ, chỉ có nghĩa lâm thời trong một ngữ cảnh cụ thể.

Câu 8: Thuật ngữ là gì? Nêu đặc điểm của thuật ngữ.

a) Thuật ngữ là những từ ngữ biểu thị khái niệm khoa học, công nghệ, thường được dùng trong các văn bản khoa học, công nghệ.
b) Đặc điểm của thuật ngữ:
- Về nguyên tắc, trong một lĩnh vực khoa học, công nghệ nhất định, mỗi thuật ngữ biểu thị một khái niệm, và ngược lại, mỗi khái niệm chỉ được biểu thị bằng một thuật ngữ.
- Thuật ngữ không có tính biểu cảm.

Câu 9: Thế nào là trau dồi vốn từ?

Muốn sử dụng tốt tiếng Việt, trước hết cần trau dồi vốn từ:
- Rèn luyện để nắm được đầy đủ và chính xác nghĩa của từ và cách dùng từ là việc rất quan trọng để trau dồi vốn từ.
- Rèn luyện để biết thêm những từ chưa biết, làm tăng vốn từ là việc thường xuyên phải làm để trau dồi vốn từ.

Câu 10: Thế nào là từ đơn, từ phức?

1) Từ đơn là từ chỉ có một tiếng.
2) Từ phức là từ gồm hai hoặc nhiều tiếng.
Từ phức có hai loại: Từ ghép và từ láy
a) Từ ghép là một từ phức được tạo ra bằng cách ghép các tiếng có quan hệ với nhau về nghĩa .
- Từ ghép có hai loại: Từ ghép chính phụ và từ ghép đẳng lập.
+ Từ ghép chính phụ có tiếng chính và tiếng phụ bổ sung nghĩa cho tiếng chính. Tiếng chính đứng trước, tiếng phụ đứng sau.
+ Từ ghép đẳng lập có các tiếng bình đẳng về mặt ngữ pháp (không phân ra tiếng chính, tiếng phụ)
- Nghĩa của từ ghép chính phụ và từ ghép đẳng lập.
+ Từ ghép chính phụ có tính chất phân nghĩa. Nghĩa của từ ghép chính phụ hẹp hơn nghĩa của tiếng chính.
+ Từ ghép đẳng lập có tính chất hợp nghĩa. Nghĩa của từ ghép đẳng lập khái quát hơn nghĩa của các tiếng tạo nên nó.
b) Từ láy là một loại từ phức, có quan hệ láy âm giữa các tiếng.
- Từ láy có hai loại: Từ láy toàn bộ và từ láy bộ phận.
+ Ở từ láy toàn bộ, các tiếng lặp lại nhau hoàn toàn; nhưng cũng có một số trường hợp tiếng đứng trước biến đổi thanh điệu hoặc phụ âm cuối (để tạo ra một sự hài hòa về âm thanh)
+ Ở từ láy bộ phận, giữa các tiếng có sự giống nhau về phụ âm đầu hoặc phần vần.
- Nghĩa của từ láy được tạo thành nhờ đặc điểm âm thanh của tiếng và sự hòa phối âm thanh giữa các tiếng. Trong trường hợp từ láy có tiếng có nghĩa làm gốc (tiếng gốc) thì nghĩa của từ láy có thể có những sắc thái riêng so với tiếng gốc như sắc thái biểu cảm, sắc thái giảm nhẹ hoặc nhấn mạnh,…

Câu 11: Từ láy và từ ghép có gì giống nhau và khác nhau?

- Giống nhau: đều thuộc loại từ phức, gồm nhiều tiếng cấu tạo nên.
- Khác nhau: Trong từ ghép, các tiếng có quan hệ với nhau về nghĩa. Còn trong từ láy, các tiếng có quan hệ về âm.

Câu 12: Thành ngữ là gì? Nghĩa của thành ngữ và cách sử dụng.

- Thành ngữ là loại cụm từ có cấu tạo cố định, biểu thị một ý nghĩa hoàn chỉnh.
- Nghĩa của thành ngữ có thể bắt nguồn trực tiếp từ nghĩa đen của các từ tạo nên nó, nhưng thường thông qua một số phép chuyển nghĩa như ẩn dụ, so sánh,..
- Sử dụng thành ngữ:
+ Thành ngữ có thể làm chủ ngữ, vị ngữ trong câu hay làm phụ ngữ trong cụm danh từ, cụm động từ,...
+ Thành ngữ ngắn gọn, hàm súc, có tính hình tượng, tính biểu cảm cao.

Câu 13: Nghĩa của từ là gì? Cách giải thích nghĩa của từ.

- Nghĩa của từ là nội dung (sự vật, tính chất, hoạt động, quan hệ...) mà từ biểu thị.
- Có thể giải thích nghĩa của từ bằng hai cách chính như sau:
+ Trình bày khái niệm mà từ biểu thị.
+ Đưa ra những từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa với từ cần giải thích.

Câu 14: Từ nhiều nghĩa là gì? Hiện tượng chuyển nghĩa của từ.

a) Từ nhiều nghĩa là từ có nhiều nét nghĩa.
b) Hiện tượng chuyển nghĩa của từ: Chuyển nghĩa là hiện tượng thay đổi nghĩa của từ, tạo ra những từ nhiều nghĩa.
Trong từ nhiều nghĩa có:
- Nghĩa gốc là nghĩa xuất hiện từ đầu, làm cơ sở để hình thành các nghĩa khác.
- Nghĩa chuyển là nghĩa được hình thành trên cơ sở của nghĩa gốc.
Thông thường, trong câu, từ chỉ có một nghĩa nhất định. Tuy nhiên trong một số trường hợp, từ có thể được hiểu đồng thời theo cả nghĩa gốc lẫn nghĩa chuyển.

Câu 15: Thế nào là từ đồng âm? Nêu cách sử dụng từ đồng âm?

a) Từ đồng âm là những từ giống nhau về âm thanh, nhưng nghĩa khác xa nhau, không liên quan gì với nhau.
b) Trong giao tiếp, khi dùng từ đồng âm phải chú ý đến ngữ cảnh để tránh hiểu sai nghĩa của từ hoặc dùng từ với nghĩa nước đôi do hiện tượng đồng âm.

Câu 16: Thế nào là từ đồng nghĩa? Nêu các loại từ đồng nghĩa và cách sử dụng từ đồng nghĩa.

a) Từ đồng nghĩa là những từ có nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau. Một từ nhiều nghĩa có thể thuộc vào nhiều nhóm từ đồng nghĩa khác nhau.
b) Từ đồng nghĩa có hai loại: những từ đồng nghĩa hoàn toàn (không phân biệt nhau về sắc thái nghĩa) và những từ đồng nghĩa không hoàn toàn (có sắc thái nghĩa khác nhau)
c) Không phải bao giờ các từ đồng nghĩa cũng có thể thay thế cho nhau. Khi nói cũng như khi viết, cần cân nhắc để chọn trong số các từ đồng nghĩa những từ thể hiện đúng thực tế khách quan và sắc thái biểu cảm.

Câu 17: Thế nào là từ trái nghĩa? Nêu cách sử dụng từ trái nghĩa?

a) Từ trái nghĩa là những từ có nghĩa trái ngược nhau. Một từ nhiều nghĩa có thể thuộc nhiều cặp từ trái nghĩa khác nhau.
b) Từ trái nghĩa được sử dụng trong thể đối, tạo các hình tượng tương phản, gây ấn tượng mạnh, làm cho lời nói thêm sinh động.

Câu 18: Thế nào là cấp độ khái quát của nghĩa từ ngữ?

Nghĩa của một từ ngữ có thể rộng hơn (khái quát hơn) hoặc hẹp hơn (ít khái quát hơn) nghĩa của từ ngữ khác:
- Một từ ngữ được coi là có nghĩa rộng khi phạm vi nghĩa của từ ngữ đó bao hàm phạm vi nghĩa của một từ ngữ khác.
- Một từ ngữ được coi là có nghĩa hẹp khi phạm vi nghĩa của từ ngữ đó được bao hàm trong phạm vi nghĩa của một từ ngữ khác.
- Một từ ngữ có nghĩa rộng đối với từ ngữ này, đồng thời có thể có nghĩa hẹp hơn đối với một từ ngữ khác.

Câu 19: Thế nào là trường từ vựng?

Trường từ vựng là tập hợp của những từ có ít nhất một nét chung về nghĩa.

Câu 20: Nêu công dụng của từ Hán Việt?
Trong nhiều trường hợp người ta dùng từ Hán Việt để:
- Tạo sắc thái trang trọng, thể hiện thái độ tôn kính.
- Tạo sắc thái tao nhã, tránh gây cảm giác thô tục, ghê sợ.
- Tạo sắc thái cổ, phù hợp với bầu không khí xa xưa.
Khi nói hoặc viết, không nên lạm dụng từ Hán Việt, làm cho lời ăn tiếng nói thiếu tự nhiên, thiếu trong sáng, không phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp.

Câu 21: Từ mượn là gì? Nêu nguyên tắc mượn từ?

a) Từ mượn:
Ngoài từ thuần Việt là những từ do nhân dân ta tự sáng tạo ra, chúng ta còn vay mượn nhiều từ của tiếng nước ngoài để biểu thị những sự vật, hiện tượng, đặc điểm,....mà tiếng Việt chưa có từ thật thích hợp để biểu thị. Đó là các từ mượn.
Bộ phận từ mượn quan trọng nhất trong tiếng Vịêt là từ mượn tiếng Hán (gồm từ gốc Hán và từ Hán Việt)
Bên cạnh đó, tiếng Việt còn mượn từ của một số ngôn ngữ khác như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga,..
Các từ mượn đã được Việt hóa thì viết như từ thuần Việt. Đối với những từ mượn chưa được Việt hóa hoàn toàn, nhất là những từ gồm trên hai tiếng, ta nên dùng gạch nối để nối các tiếng với nhau.
b) Nguyên tắc mượn từ:
Mượn từ là một cách làm giàu tiếng Việt. Tuy vậy, để bảo vệ sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc, không nên mượn từ nước ngoài một cách tùy tiện.

Câu 22: Từ mượn và từ thuần Việt khác nhau như thế nào?

Từ thuần Việt là những từ do nhân dân ta tự sáng tạo ra. Còn từ mượn là những từ mà chúng ta phải vay mượn từ các tiếng nước ngoài như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hán, ….trong đó một bộ phận từ mượn phong phú và quan trọng nhất trong tiếng Việt được mượn từ tiếng Hán.

Câu 23: Tại sao tiếng Việt lại vay mượn từ ngữ của tiếng nước ngoài? Nếu không vay mượn thì tiếng Việt gặp khó khăn gì?

Vay mượn là một hiện tượng tất yếu của các ngôn ngữ trên thế giới nhằm làm giàu cho tiếng mình. Tiếng Việt đã vay mượn từ ngữ của một số ngôn ngữ nước ngoài và Việt hóa chúng thành một bộ phận trong vốn từ tiếng Việt. Nếu không vay mượn từ ngữ nước ngoài, tiếng Việt phải tự tạo ra từ mới để diễn đạt những sự vật, hiện tượng, khái niệm mới xuất hiện. Con đường này rất khó, nhất là khi tạo ra từ ngữ mới trong lĩnh vực khoa học.

Câu 24: Em hiểu thế nào là từ ngữ địa phương, biệt ngữ xã hội? Nêu cách sử dụng từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội?

a) Từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội:
- Từ ngữ địa phương là những từ ngữ chỉ sử dụng ở một (hoặc mốt số) địa phương nhất định.
- Biệt ngữ xã hội là những từ ngữ chỉ được dùng trong một tầng lớp xã hội nhất định.
b) Sử dụng từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội:
- Việc sử dụng từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội phải phù hợp với tình huống giao tiếp. Trong văn thơ, tác giả có thể sử dụng một số từ ngữ thuộc hai lớp từ này để tô đậm màu sắc địa phương, màu sắc tầng lớp xã hội của ngôn ngữ, tính cách nhân vật.
- Muốn tránh lạm dụng từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội, cần tìm hiểu các từ ngữ toàn dân có nghĩa tương ứng để sử dụng khi cần thiết.

Câu 25: Nêu đặc diểm, công dụng từ tượng hình, từ tượng thanh?

a) Đặc điểm:
Từ tượng hình là từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, trạng thái của sự vật. Phần lớn từ tượng hình là từ láy.
Từ tượng thanh là từ mô phỏng âm thanh của tự nhiên, của con người. Phần lớn từ tượng thanh là từ láy.
b) Công dụng:
Từ tượng hình, từ tượng thanh gợi được hình ảnh, âm thanh cụ thể, sinh động, có giá trị biểu cảm cao; thường được dùng trong văn miêu tả và tự sự.

Câu 26: Thế nào là so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, hoán dụ, nói quá, nói giảm, nói tránh, điệp ngữ, chơi chữ?

1) So sánh:

- So sánh là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
- Mô hình cấu tạo đầy đủ của một phép so sánh gồm:
+ Vế A (nêu tên sự vật, sự việc được so sánh)
+ Vế B (nêu tên sự vật, sự việc dùng để so sánh với sư vật, sự việc nói ở vế A)
+ Từ ngữ chỉ phương diện so sánh.
+ Từ ngữ chỉ ý so sánh (gọi tắt là từ so sánh)
Trong thực tế, mô hình cấu tạo trên có thể biến đổi ít nhiều:
+ Các từ ngữ chỉ phương diện so sánh và chỉ ý so sánh có thể được lượt bớt.
+ Vế B có thể được đảo lên trước vế A cùng với từ so sánh.
- Có hai kiểu so sánh: So sánh không ngang bằng và so sánh ngang bằng.
- Tác dụng: So sánh vừa có tác dụng gợi hình, giúp cho việc miêu tả sự vật, sự việc được cụ thể, sinh động; vừa có tác dụng biểu hiện tư tưởng, tình cảm sâu sắc.

2) Ẩn dụ:

- Ẩn dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt
- Có bốn kiểu ẩn dụ thường gặp:
+ Ẩn dụ hình thức
+ Ẩn dụ cách thức.
+ Ẩn dụ phẩm chất.
+ Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác.

3) Nhân hóa:

- Nhân hóa là gọi hoặc tả con vật, cây cối, đồ vật,… bằng những từ ngữ vốn được dùng để gọi hoặc tả người; làm cho thế giới loài vật, cây cối, đồ vật,… trở nên gần gũi với con người, biểu thị được những suy nghĩ, tình cảm của con người.
- Có ba kiểu nhân hóa thường gặp:
+ Dùng từ ngữ vốn gọi người để gọi vật.
+ Dùng những từ vốn chỉ hoạt động, tính chất của người để chỉ hoạt động, tính chất của vật.
+ Trò chuyện, xưng hô với vật như với người.

4) Hoán dụ:

- Hoán dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm bằng tên của một sự vật, hiện tượng khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt
- Có bốn kiểu hoán dụ thường gặp:
+ Lấy một bộ phận để chỉ toàn thể.
+ Lấy vật chứa đựng để gọi vật bị chứa đựng.
+ Lấy dấu hiệu sự vật để gọi sự vật.
+ Lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng.

5) Nói quá:

- Nói quá là phép tu từ phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự vật, hiện tượng được miêu tả để nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm.

6) Nói giảm, nói tránh:

Nói giảm nói tránh là một biện pháp tu từ dùng cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển, nhằm tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, nặng nề; tránh thô tục, thiếu lịch sự.

7) Điệp ngữ:

Khi nói hoặc viết người ta có thể dùng biện pháp lặp lại từ ngữ (hoặc cả một câu) để làm nổi bật ý, gây cảm xúc mạnh. Cách lặp lại như vậy gọi là phép điệp ngữ; từ ngữ được lặp lại gọi là điệp ngữ.
Điệp ngữ có nhiều dạng: Điệp ngữ cách quãng, điệp ngữ nối tiếp, điệp ngữ chuyển tiếp (điệp ngữ vòng)

8) Chơi chữ:

- Chơi chữ là lợi dụng đặc sắc về âm, về nghĩa của từ ngữ để tạo sắc thái dí dỏm, hài hước,.... làm câu văn hấp dẫn và thú vị.
- Các lối chơi chữ thường gặp:
+ Dùng từ ngữ đồng âm
+ Dùng lối nói trại âm (gần âm)
+ Dùng cách điệp âm
+ Dùng lối nói lái.
+ Dùng từ ngữ trái nghĩa, đồng nghĩa, gần nghĩa.
- Chơi chữ được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, thường trong văn thơ, đặc biệt là trong văn thơ trào phúng, trong câu đối, câu đố,....
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top