"20 năm nữa mới khắc phục được hiện tượng HS đánh nhau!"
“Các biện pháp giáo dục học sinh đánh nhau hiện nay mới chỉ tuyên truyền trên giấy tờ, chưa đến được từng học sinh. Nếu cứ tuyên truyền như hiện nay thì 20 năm nữa mới khắc phục được hiện tượng học sinh đánh nhau”.
Đó là chia sẻ của nhà tâm lý Đinh Đoàn về hiện tượng học sinh đánh nhau.
Thời gian vừa qua liên tiếp xảy ra các vụ việc nữ học sinh đánh nhau rồi quay clip đẩy lên mạng, gây bức xúc dư luận. Không chỉ thế, các vụ đánh nhau ngày càng dữ tợn hơn như cắt tóc, lột áo mặc dù các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp để giải quyết. Đứng về phía góc độ nhà tâm lý học sinh, ông nghĩ sao về hiện tượng này?
Tất cả các vụ việc trên cả như các vụ việc bạo lực gia đình được dư luận bàn rất rộng và đưa ra nhiều biện pháp để giải quyết nhưng giải quyết không triệt để. Các biện pháp như khuyên nhủ, răn đe, rút kinh nghiệm… không đem lại kết quả mà lại tạo ra hiệu ứng ngược trở lại.
Bởi vì đối với các học sinh tuổi teen đang thích được khẳng định, thích được nổi. Nhiều học sinh không nổi bằng cách học giỏi hay các giải thưởng thì cách đánh nhau đưa lên mạng cũng là cách để nổi trước đám đông. Các em không được hướng nổi cho đúng thì các em nổi theo hướng tự phát của mình.
Nói về học sinh đánh nhau ngày càng gia tăng nhưng gia tăng như thế nào chúng ta cũng không thống kê được có đúng gia tăng thật không mà do quan tâm, để ý đến nhiều thì biết là gia tăng. Trước đây, tôi làm dự án tuyên truyền về bạo lực gia đình, nhiều người nói nơi nào làm dự án nơi đó gia tăng bạo lực gia đình. Tôi nghĩ gia tăng đó là tốt vì tuyên truyền ở nơi đó đã thấm tới từng người và họ biết thế nào là bạo lực gia đình thì họ khai báo.
Vấn đề các cơ quan chức năng đưa ra nhiều biện pháp nhiều văn bản chỉ đạo nhưng vấn đề là không phải văn bản. Văn bản đưa ra nhưng chưa đến được các em.
Để giải quyết được tình trạng học sinh đánh nhau phải nằm trong giáo dục, có muốn thay đổi thì phải từ từ. Chứ không phải cứ ra văn bản mà các em ngoan. Văn bản chỉ mang tính chất hành chính.
Nhà tâm lý Đinh Đoàn.
Ông cắt nghĩa vấn đề này như thế nào mà trong thời điểm hiện nay, tốc độ tính chất nguy hiểm của học sinh đánh nhau đang tiệm cận với tính chất hình sự?
Chúng ta đừng tách bạo lực học đường ra khỏi tình trạng bạo lực xã hội chung. Bạo lực xã hội cũng ngày càng gia tăng thì vấn đề học sinh đánh nhau nằm trong vấn đề gia tăng chung của tổng thể. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia tăng do cuộc sống chịu nhiều sức ép, ngay bản thân người lớn, ra đường xô xe chỉ rất nhẹ đã gây sự đánh nhau. Con người bị nhiều áp lực xã hội, nó như quả bom, động vào là nổ. Nên những cớ để học sinh đánh nhau rất vụn vặt, buồn cười, nhìn thấy ngứa mắt, dẫm chân lên nhau là gây sự.
Hơn nữa, chương trình học của chúng ta trước đây sức ép thi cử còn ít, còn nhiều thời gian để dạy đạo đức học sinh. Nay sức ép học quá lớn, các em ít có thời gian để vui chơi, căng thẳng dễ dẫn đến đánh nhau. Ngay như trẻ con lớp 1, học cả ngày bị gò bó, khi vừa ra khỏi cổng trường đã chạy mặc dù có bận gì đâu nhưng chạy để xì bớt năng lượng giống như cái săm xe đạp bơm quá căng là nổ.
Tại sao sau nhiều vụ việc học sinh đánh nhau, nhiều hội thảo đã được tổ chức bàn về vấn đề này, nhiều ngành cũng đưa ra nhiều biện pháp của riêng mình để ngăn ngừa hiện tượng này nhưng dường như tình trạng học sinh đánh nhau ngày càng “nở rộ”?
Chúng ta hãy xem các biện pháp đó đã giải quyết được gì hay chỉ trên giấy tờ. Các vấn đề trên đều đưa vào luật nhưng đã có ai bị xử phạt mà hiện nay chúng ta chỉ đang tuyên truyền để nâng cao nhận thức và nếu tuyên truyền thì phải 20 năm mới nâng cao nhận thức được.
Biện pháp đưa ra thì nhiều nhưng ngay cả đuổi học cũng không phải là biện pháp mạnh. Mạnh phải là vấn đề đó có đáng để răn đe, ngăn ngừa và học sinh có sợ không, vì học sinh đánh nhau là những học sinh hư, lười học, đuổi học thì các em này lại càng mừng, đỡ phải học. Phải có biện pháp gì đó mạnh hơn nữa thì mới giáo dục các em được.
Thay đổi được vấn đề này chỉ thay đổi mang tính chất nền tảng, toàn diện từ vấn đề giáo dục gia đình đến chương trình giáo dục nhà trường. Nên dạy cho học sinh nhiều kỹ năng sống, đưa ra nhiều tình huống để các em thảo luận, trao đổi và đưa ra cách giải quyết.
Theo nhiều ý kiến thì hình phạt đối với học sinh đánh nhau của ngành giáo dục chưa mạnh. Khi sự việc xảy ra, các nhà trường hiện nay đều đưa ra các biện pháp cảm hóa các em nhiều hơn?
Mục đích của hình phạt là để ngăn ngừa nhiều vấn đề khác chứ không phải là để cho học sinh đánh nhau. Ví dụ, có đưa ra biện pháp tử hình thì cũng không thể làm giảm các biện pháp khác. Biện pháp để người này nhận ra lỗi lầm và để răn đe nhóm khác.
Nói là cảm nhưng thực ra nhà trường không muốn tạo ra xì căng đan, gây sức ép đối với xã hội. Chỉ bắt các em viết bản kiểm điểm nhưng với các em hư này thì trăm bản kiểm điểm, trăm lời hứa cũng vậy.
Không có biện pháp triệt để, tình trạng học sinh đánh nhau thế này ngày càng gia tăng.
Ông có cảm giác là hiện nay chúng ta bất lực trước bạo lực học đường không?
Chúng ta đang lúng túng trong việc giải quyết nhiều thứ như chơi game, dạy thêm học thêm… Theo tôi, yếu tố gia đình rất quan trọng, không phải vô tình các em lại xảy ra như vậy. Giáo dục gia đình đối với các em từ bé là quan trọng nhất. Môi truờng giáo dục chỉ một phần. Ở nước ngoài, con hư bố mẹ bị phạt, quy trách nhiệm cho gia đình. Ở Việt Nam thì nhiều gia đình, bố lên chức vù vù, con thì nghiện hút. Chúng ta vào trong trại giáo dưỡng thì thấy 80% trẻ phạm tội đều có bố mẹ có tì vết.
Nhiều nhà lãnh đạo giáo dục cho rằng dường như vấn đề học sinh đánh nhau đánh nhau trở thành “luật” rừng đã thâm nhập, chi phối giải quyết mối quan hệ trong một bộ phận học sinh?
Một xã hội mà luật chính thống chưa đủ mạnh thì đẻ thêm luật rừng, luật đường… không phải trong nhà trường mà ở xã hội đều có hình thức xử nhau theo kiểu xã hội đen như đòi nợ không được thuê đầu gấu đến...
Lúc trước ông có nói việc tuyên truyền, thay đổi nhận thức đối với học sinh hiện nay đến 20 năm mới thay đổi được, tại sao ông lại nói vậy?
Tôi nghĩ là như vậy vì hiện nay nhiều hội thảo đưa kỹ năng sống vào nhà trường nhưng chưa có chỉ đạo cụ thể. Cứ bảo các thầy cô lồng ghép vào chương trình hoc nhưng còn chỗ nào để lồng ghép vào. Ngay cả đội ngũ thầy cô có đủ kỹ năng, kiến thức để dạy những kỹ năng sống không. Chính nhiều thầy cô giáo còn không kìm chế được cảm xúc bản thân, xúc phạm học sinh, khiến chi học trò. Chúng ta nên xem xét các chương trình chính khóa có thể rút bớt được vấn đề gì đó rỗng ra thì ta mới đưa chương trình kỹ năng sống vào. Cần đưa môn Kỹ năng sống phải trở thành một môn học chính khóa.
Vừa là nhà tâm lý, vừa là hiệu trưởng của trường tiểu học, Vậy ông đưa kỹ năng sống vào giảng dạy như thế nào?
Chúng tôi dạy kỹ năng sống cho học sinh vào thứ 7 vì không thể xen kẽ vào chương trình học chính khóa. Thời khóa biểu chính khóa đã kín mít theo quy định của Bộ GD-ĐT. Các chương trình kỹ năng sống này hoàn toàn do trường tự biên soạn.
Xin cảm ơn ông!
Hồng Hạnh (thực hiện) - Dân Trí