20-11, Ngày hội của hơn 1 triệu giáo viên trong cả nước

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
20-11, Ngày hội của hơn 1 triệu giáo viên trong cả nước

Hôm nay 20-11, cả nước tưng bừng tổ chức kỷ niệm 28 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây là ngày hội của thầy cô giáo trong cả nước, ngày để học sinh tri ân nhớ tới những thầy cô đã dạy dỗ và truyền những kiến thức, những ước mơ trong cuộc sống.

nha%20giao%201.jpg

Học sinh tặng những bông hoa tươi thắm nhất tới cô giáo

Hiện nay, đội ngũ nhà giáo Việt Nam tính đến năm học 2009-2010, trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhà giáo trực tiếp đứng lớp có 1.088.081 người. Trong đó, giáo viên mầm non có 195.852 người, giáo viên phổ thông có 804.183 người; giáo viên trung cấp chuyên nghiệp có 17.488 người cùng 70.558 giảng viên các trường ĐH, CĐ với 277 GS, 1925 PGS, 7104 TS và 26.715 Th.S.

Ghi nhận những công lao đóng góp của các thầy cô giáo, chiều ngày 19/11, thay mặt Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã trao lẵng hoa của Thủ tướng chúc mừng các cán bộ, giáo viên trong ngành GD-ĐT nhân ngày truyền thống của ngành và gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới toàn thể thầy cô giáo đang công tác trong ngành Giáo dục trên cả nước. Đồng thời gửi lời cảm ơn tới những đóng góp của các thầy giáo, cô giáo vào sự nghiệp phát triển chung của giáo dục nước nhà

day%20hoc.jpg

Niềm vui của các cô giáo là mỗi ngày được nhìn thấy sự tiến bộ của học sinh

Còn tại buổi lễ gặp mặt các Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú năm 2010, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận chúc mừng những thầy cô giáo luôn tận tâm với nghề, đóng góp tích cực cho sự nghiệp trồng người của dân tộc. Truyền thống hiếu học của nhân dân ta từ xưa đến nay cũng như những thành tựu giáo dục của Việt Nam có sự đóng góp to lớn của lớp lớp nhà giáo đã dùng tri thức của mình hun đúc nên. Dù khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, ngành giáo dục cũng đang tăng cường trang bị các thiết bị hiện đại, tiên tiến nhưng người thầy vẫn là yếu tố quyết định nhất tới tầm vóc của các trường học nói riêng, của ngành giáo dục nói chung.

Bộ trưởng hy vọng, dù còn nhiều khó khăn nhưng các nhà giáo vẫn giữ vững tài đức của mình, trở thành tấm gương sáng cho mọi thế hệ học trò, tiếp tục góp sức trong xây dựng chính sách chung để phát triển giáo dục, góp phần đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Với nhiều thầy cô giáo, có lẽ cứ đến ngày 20-11 là một ngày đặc biệt đối với họ vì được gặp mặt trò cũ và nhận được ôn lại những kỷ niệm đã qua. Nhà giáo Nhân dân PGS.TS Đặng Quang Việt, Hiệu trưởng trường ĐH Tây Bắc tâm sự: “Những ngày kỷ niệm 20-11 hay nghỉ tết Nguyên đán, dịp hè, học trò các thế hệ, kể cả học trò luyện thi đại học, đến thăm tôi ngày một đông. Những thành đạt của các em, trong đó tôi có góp một phần nhỏ, là nguồn động viên vô cùng to lớn đối với tôi, tiếp thêm sức mạnh cho tôi và làm tôi thêm yêu nghề dạy học. Sẽ là trồng vắng vô cùng nếu một ngày nào đó tôi phải rời xa bục giảng”.

Đối với Nhà giáo Ưu tú, Nguyễn Thị Nhật Linh, trường Mẫu giáo Phú Riềng B, xã Phú Riềng, huyện Bù Gia Nhập, tỉnh Bình Phước sau hơn 20 năm trực tiếp đứng lớp nhưng bây giờ vẫn còn cảm giác và thấy ngỡ ngàng trong những ngày đầu tiên đứng lớp.

Cô tâm sự: “Lương giáo viên không đủ sống, đã có nhiều đồng nghiệp của tôi bỏ nghề vì không thể vượt qua những khó khăn... và bản thân tôi, một giáo viên mới ra trường ít kinh nghiệm, đôi lúc đã từng có suy nghĩ trên. Nghĩ là như vậy nhưng khi nhìn vào những ánh mắt tròn xoe, những đôi môi chúm chím và nhất là nét mặt háo hức của các cháu khi nghe cô hát, kể chuyện, đọc thơ, trò chuyện với các cháu lúc có thể... tôi lại tự nhủ lòng mình cố gắng, cố gắng hơn nữa để thực hiện ước mơ của mình, để thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy:

Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây
Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

TPHCM: Tôn vinh 30 giáo viên xuất sắc

Tối qua 19/11, lễ trao giải Võ Trường Toản năm 2010 cho 30 giáo viên xuất sắc của TPHCM được tổ chức long trọng tại Hội trường Thống Nhất. Đây là giải thưởng truyền thống của ngành giáo dục do Sở GD - ĐT TPHCM và báo Sài Gòn giải phóng tổ chức.

Năm nay, 30 giáo viên nhận giải được hội đồng giải thưởng bầu chọn từ hơn 60.000 giáo viên tại TPHCM. Tiêu chuẩn xét chọn trao giải bao gồm: am hiểu nghề nghiệp, kết quả đào tạo xuất sắc, đồng nghiệp tín nhiệm, học sinh mến phục. Những giáo viên đoạt giải thuộc các cấp bậc trong đó có 6 giáo viên bậc mầm non, 6 tiểu học, 5 bậc THCS, 7 giáo viên bậc THPT và 6 thuộc khối chuyên biệt.

traogiaivotruongtoan201120101.jpg

Niềm vui nhân đôi cho các thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. (Ảnh: Lê Phương)

Trong số đó có thể kể đến những tấm gương đáng quý như: cô Trương Thị Kim Chi với 30 năm cống hiến cho giáo dục mầm non. Dù hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, chồng bệnh nặng, một thân gánh vác chuyện gia đình nhưng cô vẫn bám trường, bám lớp. Hay cô Trần Thị Mỹ Dung với 22 năm dấn thân cho các trẻ bị khuyết tật, tự kỷ. Còn thầy Nguyễn Văn Be thì suốt 10 năm dạy các trẻ khiếm thính, thầy còn phối hợp làm núm tai nghe, mang lại âm thanh cho người khiếm thính ở 10 tỉnh, thành trong cả nước...

Xúc động khi nhận giải thưởng cao quý này, cô Trần Thị Mỹ Dung tâm sự: “Tôi ước gì những giáo viên ở trường Tương Lai (trường dạy trẻ chuyên biệt của quận 5 - PV) của tôi cũng nhận được giải thưởng này. Các cô cũng rất vất vả và xứng đáng để được tôn vinh như thế này”.
Giải thưởng Võ Trường Toản được trao hàng năm đã phát hiện và nhân rộng những điển hình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Là giải thưởng danh giá, là niềm tự hào của những thế hệ nhà giáo đã cống hiện cho sự nghiệp “trồng người”.

traogiaivotruongtoan201120102.jpg

30 gương mặt nhà giáo được tôn vinh. (Ảnh: Lê Phương)

Trong lễ tôn vinh này, ông Hứa Ngọc Thuận, phó chủ tịch UBND TPHCM, biểu dương: “Trong điều kiện cuộc sống còn nhiều khó khăn về vật chất, nhưng các thầy cô giáo vẫn dồn hết tâm sức cho các em học sinh. Các thầy cô giáo đạt giải thưởng đêm nay là những bông hoa đẹp và cao quý trong lòng các em học sinh, các bậc phụ huynh và trong xã hội”.

Khởi nguồn ngày Lễ kỷ niệm 20-11 là từ tháng 7/1946, Liên đoàn quốc tế các Công đoàn Giáo dục được thành lập tại Paris - Thủ đô nước Pháp, với tên viết tắt là PISE. Ngày 20-11/1954, PISE công bố bản “Hiến chương các nhà giáo” với 15 chương với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục trong đó bảo vệ những quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo nhằm kêu gọi các nhà giáo trên thế giới phấn đấu vì một nền giáo dục dân chủ, tiến bộ và bảo vệ hòa bình. Tháng 8/1957, Hội nghị quốc tế các nhà giáo họp tại Vacsava – Ba Lan quyết định lấy ngày 20-11 hàng năm làm ngày “Hiến chương các nhà giáo”.

Năm 1958, ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo lần đầu tiên được tổ chức trên toàn miền Bắc và những năm sau đó, được tổ chức trong vùng giải phóng ở miền Nam.

Ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng, nay là Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã ra quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày nhà giáo Việt Nam.





Theo Dân trí.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top