15 câu hỏi cho tác giả 'Triệu phú khu ổ chuột'

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Vikas Swarup, nhà ngoại giao chuyên nghiệp, tác giả “Triệu phú khu ổ chuột” (Q&A) viết tiểu thuyết này hoàn toàn bí mật. Không ai, ngay cả những người bạn thân nhất của ông, biết rằng ông đang viết. Và cuốn tiểu thuyết gần 500 trang được hoàn thành trong vòng hai tháng.

- "Q&A" có phải tiểu thuyết đầu tay của ông không? - Tôi đã kể nhiều câu chuyện từ khi còn nhỏ, nhưng buồn thay, lại chẳng viết được gì trong thời đi học. Chỉ đến khi làm nhân viên ngoại giao tại London tôi mới có ham muốn viết lách. Tôi đã thử viết một cuốn tiểu thuyết dài về một kẻ giết thuê nhưng trên thực tế không giới thiệu nó với các nhà xuất bản. Tôi sử dụng nó như một kinh nghiệm nghiên cứu để viết Q&A, cuốn tiểu thuyết mà tôi hoàn thành trong vòng đúng hai tháng. Và đó là sự thật, toàn bộ sự thật và không có gì ngoài sự thật.

- Khoảnh khắc đặc biệt nào đã gợi cảm hứng cho ông viết cuốn tiểu thuyết này? - Đó là một loạt khoảnh khắc bừng ngộ. Tôi muốn viết một cái gì đó khác thường. Tôi không muốn viết một thiên tiểu thuyết gia đình nhiều thế hệ hay một chuyện ngụ ngôn mang tính hiện thực huyền ảo với những con khỉ biết nói. Và rồi tôi chợt nảy ra ý nghĩ: Sao mình không khai thác trò chơi hỏi đáp trên truyền hình đang trở thành hiện tượng toàn cầu nhỉ? Suy cho cùng Ai là triệu phú cũng là chương trình truyền hình hàng đầu ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Ấn Độ. Vấn đề là: Ai sẽ là người chơi của tôi? Đúng thời điểm đó ở Anh có một vụ bê bối liên quan đến một vị đại tá. Người này giành được một triệu bảng trong một chương trình trò chơi trên truyền hình nhưng lại bị buộc tội gian lận. Tôi thầm nghĩ, nếu một người có giáo dục như một sĩ quan Anh mà còn có thể chơi gian lận thì tại sao tôi lại không thể có một người chơi rành rành bị buộc tội gian lận? Tình cờ tôi cũng đọc được tin trẻ em đường phố tại một khu ổ chuột ở Ấn Độ đã bắt đầu tự mình học cách sử dụng dịch vụ gọi điện thoại miễn phí qua Internet. Vậy là tôi quyết định kết hợp hai chủ đề - về một trò chơi truyền hình và về một người chơi không được học hành bài bản, chỉ có những kiến thức “đường phố” trái ngược với những kiến thức “sách vở”. Q&A đã ra đời theo cách đó.
tac-giaNew-Image3.jpg


Nhà văn Vikas Swarup.

- Cấu trúc dường như là một trong những điểm mạnh của cuốn tiểu thuyết này. Nó đã phát triển như thế nào? - Về cơ bản, tiểu thuyết này phát triển theo hai tuyến. Một là câu chuyện về cuộc đời của Ram Mohammad Thomas, người chơi trong chương trình trò chơi truyền hình và một là những diễn biến của chính chương trình đó. Theo ý tôi, nhịp độ tiến triển của tiểu thuyết bắt nguồn từ thực tế rằng giữa hai tuyến này luôn tồn tại tính nhị nguyên, mâu thuẫn và áp lực. Sợi dây gắn kết hai tuyến này với nhau là “trí nhớ”. Vốn từng có thời tích cực tham gia trò chơi vấn đáp, tôi quan tâm đến các hoạt động tâm lý và tưởng tượng diễn ra trong tâm trí người chơi. Như một nhân vật trong tiểu thuyết của tôi đã nói, “Một cuộc thi hỏi đáp cũng chẳng thiên về kiểm tra kiến thức nhiều hơn là kiểm tra trí nhớ.” Và các ký ức của chúng ta được sản sinh nhờ nhiều yếu tố khác nhau: nhờ những trải nghiệm, những giấc mơ và khao khát của chúng ta chứ không chỉ nhờ những gì chúng ta được dạy ở trường. Q&A hình thành xung quanh một loạt câu chuyện được nhân vật chính kể cho luật sư của anh ta nghe và rốt cuộc đều liên quan đến những câu hỏi trong chương trình trò chơi. Có những chuyện là của bản thân anh ta, có những chuyện do anh ta nghe được. Mục tiêu của tôi là đảm bảo mỗi câu chuyện đều trọn vẹn, có thể đứng độc lập ngay cả khi không được đặt trong bối cảnh rộng lớn của tiểu thuyết. Khó khăn đặt ra là phải hoàn thành mục tiêu này trong khi vẫn tuân thủ quy ước của một trò chơi hỏi đáp với các câu hỏi được tuân theo tiến trình nhất định: câu hỏi dễ được đưa ra trước, câu hỏi khó được đưa ra sau và các chủ đề phải không ngừng thay đổi. Vì cuộc đời của Ram Mohammad Thomas không thể diễn ra theo trật tự của các câu hỏi trong một trình tự thời gian nghiêm ngặt nên một khó khăn nữa là phải đảm bảo độc giả sẽ không đánh mất mạch chuyện khi nhân vật chính của tôi di chuyển tới lui trong dòng thời gian. Trên hết, tôi muốn đảm bảo một sự kết nối về mặt hữu cơ giữa những câu chuyện và các câu hỏi chúng cần toát lên sự tự nhiên chứ không có vẻ cường điệu và gượng ép.

- Ông đã bao giờ đến thăm khu ổ chuột Dharavi hoặc có quan hệ lâu dài với một người dân ở đó, để có thể vẽ lên bức tranh sống động đến vậy về khu ổ chuột vừa nổi tiếng vừa tai tiếng đó, cũng như về các cư dân của nó và cách sống của họ? - Tôi chưa bao giờ sống một thời gian dài ở Mumbai và cũng chưa từng đến thăm Dharavi. Nhưng ở Ấn Độ không người nào sống hoàn toàn tách biệt với người khác. Cuộc sống của người giàu và người nghèo, người thuộc tầng lớp trên và người thuộc tầng lớp dưới giao thoa với nhau hàng ngày. Nếu đã quan sát và nắm bắt được thì bạn cũng có thể phóng chiếu được. Bạn có thể chưa đến thăm Dharavi, nhưng bạn đã thấy nhiều khu ổ chuột. Bạn chỉ việc phóng đại những khu ổ chuột đó lên mười lần hoặc có thể một trăm lần là có thể hình dung ra cảnh tượng ở Dharavi.

- Ông nghĩ hiểu biết của ông về ngành công nghiệp điện ảnh Mumbai đã có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp như thế nào đến việc hình thành chủ đề toàn diện và nhịp độ của cuốn tiểu thuyết này? - Tôi thừa nhận rằng có một ảnh hưởng ngầm của Bollywood xuyên suốt tiểu thuyết này. Đó là vì những bộ phim tiếng Hindi là một phần không thể không nhắc tới trong văn hóa đại chúng của người Ấn Độ. Bạn không thể khái niệm hóa một môi trường Ấn Độ mà không đặt nó vào Bollywood. Theo truyền thống, những bộ phim Hindi mang tính thị trường đều được coi là sự giải trí thoát ly thực tế, một đặc điểm có lẽ đã làm gia tăng sự hấp dẫn của chúng đối với số đông. Chúng gần như trở thành một hiện thực thay thế đối với người nghèo. Vậy nên, xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, bạn thấy nhân vật chính của tôi đối chiếu cuộc sống “trong phim” với cuộc sống “thực”. Nhưng điều khiến cá nhân tôi thực sự vui mừng là chính Q&A có thể trở thành cốt truyện cho một bộ phim Bollywood! Mặc dầu Film Four đã mua quyền chuyển thể tiểu thuyết này thành phim, một số đạo diễn hàng đầu Ấn Độ đã gặp tôi để bàn về việc làm một bộ phim Hindi dựa trên tiểu thuyết này.
sach-tac-gia.jpg


Bìa cuốn sách.

- Đối với các khán giả của KBC hay khán giả Ấn Độ nói chung, hầu hết nhân vật của tiểu thuyết này dường như được ngụy trang rất sơ sài. Trong quá trình viết "Q&A", có khi nào khả năng nhận ra các nhân vật nổi tiếng lại trở thành một vấn đề hay không? - Một số nhà phê bình đã bình luận rằng họ nhận thấy trong số những nhân vật của tôi có một số người - người hùng phim hành động, vận động viên cricket nổi tiếng và thậm chí Neelima, Nữ hoàng phim bi - là hình ảnh biếm họa đầy mỉa mai về những người thực. Tất cả gì tôi có thể nói là các nhân vật tôi dựng nên hoàn toàn là hư cấu, nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu như ai đó tìm thấy những tiếng vọng quen thuộc ở họ.

- Các phương pháp nghiên cứu ông sử dụng trong khi viết cuốn sách này là gì? - Cuốn sách này đòi hỏi sự nghiên cứu đáng kể. Dày công nhất rõ ràng là nghiên cứu cần thiết cho chương “Câu chuyện người lính” khi tôi phải tìm hiểu về cuộc chiến tranh năm 1971 giữa Ấn Độ và Pakistan. Tôi đã đọc nhiều cuốn sách về các trận đánh nổi tiếng trong cuộc chiến tranh đó, nghiên cứu sâu miêu tả của những người lính về diễn biến của cuộc chiến ở Chhamb và nhận được ý kiến phản hồi quý giá từ đồng nghiệp của tôi, Tùy viên Quân sự tại Đại sứ quán ở London. Tôi cũng tiến hành những nghiên cứu không kém phần kỹ càng để hiểu rõ về cuộc sống ở các trại giáo dưỡng, hoạt động cá cược trong các trận đấu cricket, hủ tục bán những cô gái của bộ lạc vào nhà chứa, cách thức hoạt động của những kẻ giết người thuê, tín ngưỡng voodoo, lăng Taj Mahal, thậm chí về ngôn ngữ Australia. Thư viện gần nhà tôi ở Golders Green đã cho phép tôi sử dụng nhiều cuốn sách hữu ích và Internet cũng chứng tỏ là một nguồn thông tin cần thiết.

- Một trong những chủ đề xuyên suốt được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cuốn tiểu thuyết là sự lãnh đạm lan tràn ở Ấn Độ - chẳng hạn dân cư tại các khu ổ chuột, những người chỉ đạo chương trình trò chơi, những người thuộc ngành công nghiệp điện ảnh. Ông có nghĩ đây là đặc điểm của chính xã hội Ấn Độ hiện đại không? - Có một lời trích dẫn trong cuốn sách này. Khi Ram Mohammad Thomas đến gặp người quản lý khu chawl, đề nghị ông ta làm gì đó trước khi Shantaram gây ra chuyện khủng khiếp đối với vợ và con gái ông ấy, ông ta đã nói, “Bất cứ chuyện gì xảy ra trong bốn bức tường của một gia đình đều là chuyện riêng của gia đình đó và chúng ta không thể can thiệp. Cậu là một thằng bé mồ côi còn ít tuổi. Cậu chưa hiểu đời. Nhưng tôi thì tôi biết những chuyện đánh vợ, ngược đãi, loạn luân và hãm hiếp xảy ra hàng ngày tại những khu chawl ở khắp Mumbai này. Tuy nhiên, không ai làm gì hết. Người Ấn Độ chúng ta có cái khả năng tuyệt vời là nhìn thấy những đau đớn khổ cực quanh mình mà vẫn không bị ảnh hưởng. Vậy nên, như một người Mumbai đích thực, hãy nhắm mắt, bưng tai, ngậm miệng lại, và cậu sẽ vui vẻ giống như tôi”. Vậy là sự lãnh đạm có tồn tại ở đất nước một tỷ người này, nhưng người ta cũng thấy bằng chứng của lòng trắc ẩn và tình đoàn kết vô hạn, chẳng hạn như trong thảm họa sóng thần xảy ra gần đây.

- Ông đã đề cập đến các vấn đề khó - loạn luân, cưỡng hiếp, tra tấn - trong hầu như mọi chương của cuốn tiểu thuyết. Kinh nghiệm của ông khi viết những đoạn này là gì? - Ở một mức độ nào đó, cuốn tiểu thuyết này mở đầu bằng một câu chuyện gây thất vọng và tiếp tục dòng mạch đó trong vài chương đầu. Điều đó khiến tôi băn khoăn đôi chút khi hoàn tất tác phẩm, nhưng cấu trúc của tiểu thuyết này là như vậy và nếu tôi thay đổi cho dù chỉ một câu chuyện hay các mốc thời gian thì toàn bộ công trình sẽ sụp đổ. Cuối cùng, tôi chỉ hy vọng độc giả sẽ tìm thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Vì lẽ đó, tôi phải tìm ánh sáng của riêng mình khi viết những chương có nội dung ảm đạm hơn. Viết chương “Lời hứa của người em trai” và phần liên quan đến cái chết của Shankar trong chương về Agra là vất vả nhất. Thậm chí tìm được từ thích hợp để miêu tả những cảm xúc đó cũng thật khổ sở. Nhưng vì chính tôi cũng rơi nước mắt khi đọc lại phần mình đã viết về Shankar nên tôi tin rằng nó đã được viết bằng cả trái tim và tâm hồn.

- Đằng sau quá trình viết hoặc tìm thông tin cho "Q&A", có giai thoại thú vị nào mà ông muốn chia sẻ với độc giả không? - Tôi viết Q&A hoàn toàn bí mật. Không ai, ngay cả những người bạn thân nhất của tôi, biết rằng tôi đang viết một cuốn tiểu thuyết! Tôi luôn tách bạch công việc chuyên môn của một nhà ngoại giao với công việc riêng của một tác giả. Nhưng giờ thì mọi người đều biết cả rồi.

- Chúng tôi biết ông sinh ra ở Allahabad, từng là nhà vô địch hùng biện và hồi còn đi học ông rất hăng hái tham gia các cuộc thi vấn đáp. Xin hãy cho chúng tôi biết về thời niên thiếu của ông và ảnh hưởng của gia đình đối với khát vọng văn chương của ông? - Tôi xuất thân trong một gia đình gồm các luật sư. Ông tôi có một thư viện tuyệt vời đầy ắp những cuốn sách được đóng bìa da, những bộ sách luật có các chữ vàng được in nổi. Nhưng ông là người có sở thích đa dạng và quan tâm đến cả các lĩnh vực lịch sử, triết học và hội họa. Vậy nên ấn bản đầu tiên của cuốn Đời chiến đấu của tôi của Hitler được xếp ngay ngắn bên cạnh cuốn Chiến tranh và Hòa bình của Tolstoy. Tôi học được nhiều điều từ ông tôi, quan trọng nhất là tình yêu dành cho sách. Vì tôi sinh ra vào thời kỳ không có truyền hình cáp và Internet nên thú tiêu khiển ưa thích của tôi là đọc sách, và tôi đọc nghiến ngấu tất cả, từ Ngụ ngôn Aesops đến Albert Camus, từ Enid Blyton đến Irving Wallace. Và tôi tin rằng một nhà văn giỏi trước hết và trên hết phải là một người đọc giỏi.

- Xin ông cho biết một số cuốn sách yêu thích của ông (sách hư cấu hoặc phi hư cấu) thuộc mọi thời đại? - Cho tới khi vào làm việc ở Bộ Ngoại giao Ấn Độ, tôi là người rất ham đọc sách. Tôi đã đọc nhiều tác giả và nhiều cuốn sách trong nhiều năm. Tôi là fan cuồng nhiệt của thể loại sách hồi hộp ly kỳ, nhưng tôi cũng thích đọc các tác phẩm văn chương đương thời như cuốn Disgrace (Ruồng bỏ) của Coetzee, A line of Beauty (Đường nét sắc đẹp) của Alan Hollinghurst, Cloud Atlas (Tập bản đồ mây) của David Mitchell và các tiểu thuyết của Haruki Murakami. Một số cuốn sách thuộc mọi thời đại mà tôi yêu thích là: Of Mice and Men (Của chuột và người) của John Steinbeck; The Old Man and The Sea (Ông già và biển cả) của Ernest Hemingway; The Trial (Vụ án) của Franz Kafka; Animal Farm (Trại súc vật) của George Orwell; Dracula (Bá tước Dracula) của Bram Stoker; The Story of Philosophy (Câu chuyện triết học) của Will Durrant.

- Ông thuộc phái tư duy sáng tạo nào: Phái cho rằng tác phẩm hay là tác phẩm chiều lòng độc giả, hay phái cho rằng sáng tác là một hoạt động cá nhân không bị cản trở bởi sức ép của công chúng? - Như người ta nói, “Bất cứ kẻ ngốc nào cũng có thể viết một cuốn sách; nhưng phải cần đến một thiên tài mới bán được cuốn sách đó”. Vậy nên độc giả vẫn là điều cốt yếu đối với hoạt động sáng tác. Quả thực sáng tác là hoạt động cá nhân nhưng tôi cảm thấy, suy cho cùng, những gì nhà văn viết ra phải đến được với độc giả. Nếu nhà văn viết một câu đùa nhưng độc giả không thể hiểu được thì phỏng có ích gì? Chìa khóa đối với một cuốn tiểu thuyết hay là đảm bảo được mức độ phù hợp giữa quan điểm chủ quan của nhà văn và phản ứng khách quan của độc giả.

- Trải nghiệm của ông với ngành công nghiệp xuất bản trên thế giới như thế nào? - Khi bắt tay vào viết cuốn sách này tôi không hề biết nó sẽ hấp dẫn các độc giả ở Brazil, Barcelona, ở Seatle và Sydney. Cuốn sách này giờ đây đã được dịch ra 25 thứ tiếng, vì thế nó cho phép tôi tương tác với các nhà xuất bản và độc giả ở năm lục địa. Trải nghiệm đều tích cực cả. Tôi nghĩ rằng yếu tố tạo nên sức hấp dẫn toàn cầu của cuốn tiểu thuyết này là mặc dầu nó ra đời ở Ấn Độ, nhưng chủ đề và cảm xúc mà nó gợi lên có tính phổ quát và thông điệp ẩn chứa trong đó phù hợp với mọi cộng đồng và mọi nền văn hóa - về việc tạo ra may mắn của bản thân, về những người thua thiệt phá vỡ sự chênh lệch và giành chiến thắng.
- Có cuốn tiểu thuyết nào nối tiếp "Q&A" không? Nếu không, thì trong tương lai có cuốn nào không ạ?
- Tôi có nhiều ý tưởng, vậy nên, có, sẽ có một cuốn khác. Có lẽ là trong một hoặc hai năm tới.
Sự thật đằng sau cuốn sách
Tháng 9/2000, khi Harshvardhan Vinayak Nawathe trả lời đúng câu hỏi thứ mười lăm trong chương trình Kaun Banega Crorepati (Phiên bản Ấn Độ của chương trình Ai là triệu phú), anh không nhận ra rằng mình đã làm thay đổi lịch sử - không chỉ lịch sử truyền hình mà còn là lịch sử của bản thân. Từ một thanh niên không có tiếng tăm xuất thân từ một gia đình trung lưu sống tại một trong những khu dân cư trung lưu ở Mumbai, anh bỗng trở thành nguồn cảm hứng cho giới truyền thông. Chỉ sau một đêm, một người vốn không bận tâm đến việc phải che giấu tung tích trên xe bus công cộng giờ phải tạm thời thay đổi nơi cư trú vì sợ bị các tay săn ảnh săn lùng. Harsh Nawathe, gương mặt mới của hàng triệu người Mumbai, đã xuất hiện.
Ngày 24/9/2000. Chương trình Kaun Banega Crorepati kỳ 64. Hơn năm mươi triệu đôi mắt nhìn không chớp lên màn hình ti vi. Harshvardhan Nawathe, người ngồi trên ghế nóng, đang đứng trước câu hỏi có mức thưởng một triệu rupi. Câu hỏi ngẫu nhiên hiện lên trên màn hình, anh không biết câu trả lời. Anh gọi điện thoại cho một người bạn nhưng người này cũng không biết đáp án. Không có giải pháp nào khác, Harshvardhan đoán mò một cách khó khăn. Và anh đã giành chiến thắng.
Khi ba trăm khán giả đổ xô tới chỗ người chiến thắng còn đang ngơ ngác, và khi bầu trời tại khu nhà nơi anh ở sáng rực lên với những chùm pháo hoa, trong nháy mắt chàng thanh niên trở thành một người nổi tiếng và thành chàng trai độc thân sáng giá nhất Ấn Độ. Nawathe, vốn trước khi tham gia cuộc đấu này đang chuẩn bị thi vào Bộ Nội vụ Ấn Độ, giờ đây đang học quản trị kinh doanh ở London, Anh. Gia đình anh hiện vẫn sống trong căn hộ khiêm tốn ở Mumbai.

Bích Lan dịch
Theo Evan

 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top