10 nghiên cứu tâm lý ấn tượng trong năm 2011 

rubi_mos2002

New member
Xu
0
Để chọn ra 10 nghiên cứu hay nhất trong ngành tâm lí học là rất khó. Có rất nhiều nghiên cứu xuất sắc được hoàn thành mỗi năm và bản thân mỗi người lại có tiêu chuẩn đánh giá khác năm. Chính vì thế, thay vì cố gắng chọn ra 10 nghiên cứu “xuất sắc” nhất, tôi đã chọn ra 10 nghiên cứu ấn tượng nhất về mặt nội dung và mức độ thiết thực của chúng.


1. Vì sao cư xử khiếm nhã có thể tạo ra sự ấn tượng tuyệt đối?

Thông thường, nhiều người trong chúng ta xem thường những hành vi thô lỗ. Bên cạnh đó, một nghiên cứu chỉ ra rằng những hành vi thô lỗ này là một biểu hiện của quyền lực. Một nghiên cứu đăng trên tập san “Social Psychological and Personality Science” (Khoa học về tính cách và tâm lí xã hội) cho rằng một người càng khiếm nhã chừng nào thì người khác càng tin rằng họ có quyền không cần phải tuân theo những luật lệ thường ngày của xã hội.


Những người tham gia cuộc thí nghiệm cùng đọc một bài viết về một người lạ đi vào một văn phòng và rót một cốc cà phê vốn chỉ được quy định “dành cho nhân viên” trong khi người này chưa xin phép hay hỏi ý kiến của ai khác. Sau đó, những người tham gia thí nghiệm tiếp tục đọc về một nhân viên kế toán đang làm trái với các quy định một cách trắng trợn. Người tham gia cho rằng những người “phá luật” này có nhiều quyền hạn hơn những người khác “không ăn cắp cà phê hay làm sai luật kế toán.”

Sau đó, người tham gia xem một đoạn phim có cảnh một người đàn ông bước vào quán cà phê, gác chân lên một chiếc ghế, gạt tàn thuốc lá xuống đất và gọi đồ ăn một cách thô lỗ. Người tham gia cho rằng người đàn ông này có xu hướng đưa ra các quyết định một cách dứt khoát hơn một người đàn ông khác cư xử lịch thiệp trong một đoạn phim khác.

Nghiên cứu này cho thấy rằng những hành động phá bỏ luật lệ thường ngày trong xã hội (norms) được cho là biểu hiện của quyền lực ngay cả khi người chứng kiến cho rằng những hành động đó là bất lịch sự và sai trái.


2. Hãy nghĩ về thành công nếu bạn muốn thất bại.

Nhiều năm qua chúng ta vẫn nghe nói sự tưởng tượng về giây phút thành công là chìa khoá để đạt được thành công. Thế nhưng một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí “Journal of Experimental Social Psychology” (Tập san Tâm lí học xã hội thử nghiệm) cho rằng sự hình dung tích cực (positive visualization) không chỉ không hiệu quả mà còn phản tác dụng.

Sau bốn cuộc thí nghiệm, các nhà nghiên cứu cho thấy sự tưởng tượng tích cực về thành công đã bòn rút năng lượng dành cho sự tham vọng. Khi chúng ta ngồi mơ về ngày đạt được những gì mình mong muốn thì não của chúng ta cũng đang bị lừa theo những mộng tưởng đó. Thay vì cố gắng nhiều hơn, chúng ta lại kích thích phản ứng thư giãn (relaxation response) nên thấy như mình đã thật sự đạt được thành công. Về mặt sinh lý, có thể so sánh như chúng ta như đang ngủ quên trên chiếc nệm ấm áp; huyết áp giảm, nhịp tim giảm, và đồng thời hoạt động trí óc cũng giảm theo.

Nghiên cứu cũng phát hiện rằng khi con người càng chịu nhiều áp lực phải thành công, những hình dung tích cực về nó càng lớn. Một trong những thí nghiệm đã cho thấy khi đưa người tham gia vào trạng thái thiếu nước và sau đó yêu cầu họ tưởng tượng một ly nước đá mát lạnh, não của những người tham gia đã phản ứng như thể nguyện vọng uống nước được đáp ứng.

Một thí nghiệm khác cũng cho thấy những người được yêu cầu cần hình dung về những giây phút thành công thật sự đạt được ít mục tiêu hơn những người trong nhóm được yêu cầu nghĩ về bất cứ điều gì họ thích về những mục tiêu đó. Những bản tường thuật của người tham gia thí nghiệm cũng cho thấy những người tưởng tượng tích cực cảm thấy không có đủ nghị lực bằng những người trong nhóm còn lại. Những kiểm tra sinh lý cũng cho kết quả tương tự.


3. Tại sao những người đi mua sắm một cách thư giãn tiêu nhiều tiền hơn?

Mặc dù có rất nhiều điểm tích cực, sự thư giãn có thể đem đến bất lợi, đặc biệt khi chúng ta đi mua sắm. Một nghiên cứu đã cho thấy càng thoải mái khi bước vào một cửa hàng, chúng ta càng tiêu nhiều tiền hơn.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng âm nhạc và phim ảnh tạo ra cảm giác thoải mái để kích thích hai trạng thái tinh thần của 670 người tham gia. Nhóm 1 có trạng thái rất thoải mái và dễ chịu nhiều hơn nhóm 2. Người tham gia được chứng kiến một loạt những sản phẩm khác nhau và được yêu cầu đưa ra giá trị của những món hàng này. Kết quả là nhóm 1 thường đưa ra giá trị vượt quá giá trị thật của món hàng 15 phần trăm trong khi nhóm 2 đưa giá trị thực tế hơn.

Những nhà nghiên cứu đã lí giải hiện tượng này là do trạng thái thoải mái trong não báo hiệu không có mối đe doạ nào xung quanh, chính vì thế, tạo ra những đánh giá mơ hồ về mức độ của sản phẩm và dịch vụ. Ví dụ, khi nhìn vào một chiếc máy ảnh, những người rất thoải mái chỉ nghĩ về việc nó sẽ giúp họ lưu lại kí ức, trong khi những người ít thoải mái hơn sẽ tập trung vào những phụ kiện của máy và xem xem chúng có đáng với giá tiền phải trả hay không.


4. Mối liên hệ giữa kẹo dẻo và sự suy thoái kinh tế.

Vào năm 1972, Walter Mischel đã làm một cuộc thí nghiệm nổi tiếng, trong đó một dĩa kẹo dẻo đã được bày ra cho một nhóm trẻ em (BT: Đây là thí nghiệm “Delay of Gratification”). Chúng được dặn dò rằng nếu như cố gắng không ăn kẹo dẻo trong dĩa, chúng sẽ được một phần thưởng lớn hơn sau đó. Sau khi những người lớn đã rời khỏi căn phòng, một vài đứa trẻ đã nhanh chóng vớ lấy kẹo dẻo cho vào miệng, trong khi những đứa khác kềm chế sự thèm muốn của mình và cố gắng chờ đợi.

Nhiều nhà kinh tế học đã cho rằng tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay chính sự lặp lại thí nghiệm của Mischel trên phạm vi lớn. Một nghiên cứu đăng tải trên tập san “Psychological Science” (Khoa học tâm lý) đã kiểm chứng điều này. 437 người tham gia đến từ trung tâm cộng đồng với thu nhập từ thấp đến trung bình đã được các nhà nghiên cứu đưa ra sự giúp đỡ về giấy tờ thuế. Họ có quyền lựa chọn phần thưởng nhỏ hơn nhưng ngay lập tức, hay phần thưởng lớn hơn nhưng bị trì hoãn. Thời giãn trì hoãn được thay đổi khác nhau nhằm đo lường sự kiên nhẫn. Người tham gia cũng cho phép nhà nghiên cứu xem “điểm tín dụng” của họ (ND: “credit score,” hay điểm tín dụng, được dùng để xem xét độ rủi ro trong việc đồng ý cho một người vay và khả năng trả nợ các khoản vay của người đó). Kết quả là, mặc cho mức độ thu nhập cao hay thấp, những người ít kiên nhẫn nhất cũng là những người có điểm tín dụng thấp nhất.

Tuy nhiên, kết luận những người có điểm tín dụng thấp tự mang đến thảm hoạ tài chính cho mình là không công bằng. Có những người đã mất việc làm, và những cái nợ chồng chất kéo theo là không thể tránh khỏi. Thế nhưng, mối quan hệ này đủ lớn để chứng minh rằng ham muốn nhất thời có thể dẫn đến khả năng tài chính thấp. Và với những ngành tín dụng và nhà đất đang cung cấp một lượng lớn những miếng “kẹo dẻo” tạm thời, không khó để thấy tại sao chúng ta lại rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay.

5. Tại sao điếu thuốc giả có thể giúp bỏ thuốc lá?

Một nghiên cứu đăng tải trên “European Respiratory Journal” (Tập San về Sự Hô Hấp tại Châu Âu) đã cho thấy người ta có thể từ bỏ hút thuốc nếu tập trung thay đổi “sự ỷ lại của hành động” (behavioral dependence) dẫn đến cơn nghiện thuốc lá của họ thay vì những liệu phát về mặt sinh hóa. Ví dụ, chỉ cần đặt những vật hình trụ trong miệng, ví dụ như một cây viết, cũng đủ làm giảm cơn nghiện thuốc.

Cuộc nghiên cứu đã đưa 120 người tham gia vào một chương trình từ bỏ thuốc lá và chia làm hai nhóm. Một nhóm được nhận một ống hít bằng nhựa, không có chứa nicotin (như một điếu thuốc giả); nhóm còn lại đi theo một chương trình bỏ thuốc lá chuẩn. Sau đó, các nhà nghiên cứu đánh giá mức độ lệ thuộc thuốc lá về mặt sinh lý và hành động của những người này.

Sau 24 tuần, kết quả cho thấy những người nghiện thuốc lá nặng đã sử dụng ống hít có tỉ lệ bỏ thuốc gấp 3.5 lần so với những người theo chương trình bình thường (67% so với 19%). Ngay cả khi tất cả đều cho vào cùng một chương trình chuẩn, nhiều người có thể đã thất bại vì phần lớn khó có thể có một chương trình “chuẩn” cho nhiều người khác nhau. Ngoài ra, còn có những lí do thường gặp như sự thiếu ý chí hay không kiểm soát được cơn nghiện, v.v. Có thể khi dùng một dụng cụ cụ thể hơn để xác định nguồn lệ thuộc vào thuốc lá như ống hít chẳng hạn, con người có thể thoát khỏi con ma nghiện mà không phải chịu đựng hàng năm trời đầy thất bại và tuyệt vọng.

6. Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của phép ẩn dụ.

Chúng ta ít khi nhận ra nghệ thuật ẩn dụ có sức ảnh hưởng đến lối suy nghĩ khi đọc và nghe từ nhiều nguồn khác nhau. Các nhà nghiên cứu từ đại học Stanford qua một loạt 5 cuộc thí nghiệm đã chứng minh sức mạnh của phép ẩn dụ. Họ cho 482 sinh viên đọc hai bản báo cáo tội phạm ở thành phố Addison và yêu cầu các sinh viên đưa ra cách giải quyết vấn đề.
Báo cáo thứ nhất miêu tả tội phạm như “một con quái vật hoang dã đang săn mồi trong thành phố và ẩn núp trong khu vực sinh sống của người dân.” Sau khi đọc, 75% sinh viên đưa ra những giải pháp bao gồm hình phạt và thắt chặt luật lệ, ví dụ như xây nhiều nhà tù hoặc kêu gọi sự giúp đỡ từ quân đội. Chỉ có 25% đưa ra giải pháp cải cách xã hội như cải thiện giáo dục hay y tế cộng đồng. Báo cáo thứ hai thật ra cũng giống hệt báo cáo thứ nhất, ngoại trừ việc miêu tả tội phạm như “những con virus đang đầu độc thành phố và gây bệnh cho cộng đồng.” 56% học sinh đưa ra giải pháp thắt chặt luật lệ, còn 44% ủng hộ cải cách xã hội.

Một điều thú vị là rất ít người tham gia nhận ra tầm ảnh hưởng của ẩn dụ. Khi được hỏi phần nào trong báo cáo ảnh hưởng đến quyết định, các sinh viên đều chỉ vào số liệu tội phạm, không phải là cách miêu tả tội phạm. Chỉ có 3% xác định được phép ẩn dụ chính là nguyên nhân tạo ra các quyết định khác nhau.

7. Hãy loại bỏ người thứ ba có tính cách tự yêu bản thân trong nhóm

Nhiều năm qua, các nhà tâm lí học đã nghiên cứu mối liên hệ giữa sự tự yêu bản thân (narcissism) và khả năng sáng tạo. Vài nghiên cứu đã cho thấy những người quá yêu bản thân có thể sáng tạo hơn những người khác. Nhưng một nghiên cứu của đại học Cornell đã đưa ra kết luận ngược lại.

240 sinh viên đã làm một bài kiểm tra mức độ yêu bản thân với những câu hỏi như “Tôi thích làm trung tâm của sự chú ý.” Những người tham gia sau đó được chia ra thành các cặp và mỗi người trong cặp sẽ tự nghĩ ra ý tưởng về một bộ phim cho người kia nghe. Khi biết người bạn trong cặp của mình có mức độ yêu bản thân cao, người tham gia cho rằng ý tưởng của người bạn rất sáng tạo. Ngược lại, nếu người bạn trong cặp không được thông báo về mức độ yêu bản thân của người còn lại, ý tưởng về bộ phim không được đánh giá ấn tượng hơn bao nhiêu.

Nhà nghiên cứu sau đó chia 292 sinh viên thành 73 nhóm bốn người. Mỗi nhóm được giao nhiệm vụ nghĩ ra những phương pháp sáng tạo để giúp một công ty cải thiện thành tích làm việc. Thí nghiệm cho thấy nhóm có hai người tự yêu bản thân đưa ra nhiều kết quả sáng tạo hơn là nhóm không có người nào vì sự cạnh tranh giữa hai người này thúc đẩy quá trình sáng tạo ý kiến mới của nhóm. Tuy nhiên, khi có nhiều hơn hai người tự yêu bản thân trong cùng một nhóm thì điều ngược lại xảy ra: sự cạnh tranh quá mức đã làm giảm đi hiệu quả làm việc của nhóm.

8. Những đứa trẻ vui vẻ trở thành những người lớn vui vẻ?

Ít nghiên cứu nhận được nhiều sự chú ý như nghiên cứu về mối liên hệ giữa trải nghiệm tuổi thơ và sự vui vẻ khi trưởng thành. Các nhà nghiên cứu ở đại học Cambridge đã xem xét những năm tháng đầu đời và vị thành niên của 2776 người tham gia đã trưởng thành. Những người tham gia được đánh giá tình trạng tinh thần và tính cách thời thơ ấu của họ dựa vào những bản báo cáo từ trường học, bản kiểm tra tính cách và nhiều nguồn khác. Sau đó, những người này được đánh giá dựa trêb mức độ học vấn, tình trạng hôn nhân, thu nhập, nghề nghiệp, sức khoẻ tinh thần, hoạt động xã hội và lãnh đạo.

So với những người đã từng là một đứa trẻ không thuộc vào phân loại tích cực, những người tham gia được một phân loại tích cực, ví dụ như từng nhận một bản báo cáo tốt từ giáo viên, có ít hơn 21% nguy cơ gặp phải các vấn đề tình cảm. Trong khi đó, những người thuộc về hai hay nhiều nhóm có ít hơn đến 61% các nguy cơ này.

Đáng ngạc nhiên là những đứa trẻ vui vẻ lại không có nhiều khả năng lập gia đình. Ngược lại, những người lớn từ những đứa trẻ vui vẻ còn có xu hướng li hôn cao hơn!

9. Lựa chọn điều tốt nhất

Nhiều nghiên cứu cho rằng việc “mất khả năng lựa chọn” thường là kết quả của việc có quá nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, nghiên cứu của Sheena Iyengar từ London Business School cho thấy rằng thay vì là một yếu điểm, có nhiều lựa chọn thật ra giúp tăng khả năng tập trung của chúng ta vào chất lượng của những lựa chọn đó.

Người tham gia đối mặt với 20 loại rượu và sô cô la khác nhau. Những người tham gia không chỉ chọn những loại cao cấp mà còn sẵn sàng trả nhiều tiền hơn. Những nhà nghiên cứu cũng phân tích 63 cuộc đấu giá rượu từ năm 2006 đến năm 2009 tại Luân Đôn và tìm thấy cùng một kết quả: Tại những cuộc đấu giá có nhiều loại rượu khác nhau, người ta sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho những loại rượu có mức đánh giá cao hơn là những loại thuộc hạng “thấp hơn.”


10. Vì sao sự giận dữ có thể chữa thành kiến?

Chúng ta thường có xu hướng tìm kiếm thông tin củng cố ý kiến của bản thân (confirmation bias). Không ai ngờ thuốc giải cho căn bệnh này lại chính là sự giận dữ.

Các nhà nghiên cứu đã cho 97 học sinh tham gia hai cuộc thí nghiệm tưởng chừng như rất khác biệt. Cuộc thí nghiệm thứ nhất bao gồm việc nhớ lại và viết về khoảng thời gian mà người tham gia cực kì tức giận hoặc rất buồn. Sau đó, những người tham gia được đọc đoạn mở đầu về một cuộc tranh luận xem việc sử dụng những dụng cụ không tay cầm có giúp cho việc nói chuyện trên điện thoại khi đang lái xe an toàn hơn hay không. Lưu ý rằng những người tham gia này được lựa chọn vì bài kiểm tra trước đó cho biết họ cho rằng sử dụng các công cụ này sẽ làm cho việc lái xe trở nên an toàn hơn. Cuối cùng, người tham gia đọc tóm tắt tám bài báo ủng hộ hoặc không ủng hộ việc sử dụng các công cụ trên. những dụng cụ trên. Những người tham gia có quyền lựa chọn năm trong số tám bài báo này để đọc toàn bộ.

Kết quả là những người tham gia viết về những kỷ niệm tức giận đã chọn những bài báo chống lại những công cụ trên – điều này trái ngược với ý kiến của họ ban đầu. Khi kết thúc cuộc thí nghiệm, những người này một lần nữa, thể hiện sự thay đổi ý kiến ban đầu của họ.

Nguồn: Psychology Today

Ngoc T dịch

 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top