10 LÝ DO CHƯA THỂ BỎ KỲ THI ĐẠI HỌC
Tác giả: Trần Phước Lĩnh
Chưa bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH có nghĩa là đến lúc nào đó ngành giáo dục sẽ phải tính đến chuyện bỏ. Chúng ta phải kiện toàn hệ thống giáo dục ĐH theo hướng mở rộng quy mô và số lượng, đi kèm với nâng cao chất lượng; quản lý hệ thống kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục đồng bộ... trước khi tính đến việc bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH cho... giống với các nước.
Ngày 12/12/2010, Tuần Việt Nam đăng tải bài viết của tác giả Ngô Tự Lập, nhan đề "Sự phá sản trên thực tế của kỳ thi đại học". Người viết bài này, đã đọc rất kỹ những luận điểm và sự phân tích của ông ở các góc độ đào tạo, xã hội... Nhưng xuất phát từ thực tiễn giáo dục nước ta, qua theo dõi nhiều năm các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi ĐH, thực trạng giáo dục còn quá nhiều bất cập, tôi thấy có 10 lý do chưa thể bỏ kỳ thi này. Đó là:
1. Mạng lưới trường ĐH chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội cả về số lượng và chất lượng. Mặc dù số lượng các trường ĐH đã tăng lên đáng kể, nó vẫn không đáp ứng được nhu cầu khi hàng năm có đến hàng trăm ngàn người muốn lọt vào cánh cửa ĐH. Trong khi đó chất lượng đào tạo ĐH đang là mối quan tâm lớn của toàn xã hội. Do đó, cần có một kỳ thi tuyển sinh hoặc một công cụ sàng lọc hữu hiệu nào đó để chọn những người có khả năng học tập tốt nhất vào học bậc đào tạo này.
2. Kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa đạt hiệu quả như mong muốn để có thể trở thành một công cụ sàng lọc. Cho đến nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tốt nghiệp bổ túc THPT vẫn còn tồn đọng quá nhiều điều khiến dư luận lo lắng, từ khâu ra đề đến việc tổ chức thi và chấm bài. Một khi kết quả của kỳ thi này còn được coi là một "nhiệm vụ chính trị" của mỗi địa phương thì không thể hi vọng có được một kỳ thi làm nhiệm vụ sàng lọc được.
3. Tính chất của kỳ thi tuyển sinh và kỳ thi tốt nghiệp là hoàn toàn khác nhau. Trong khi mục đích của kỳ thi tuyển sinh ĐH là để chọn người có năng lực học tập vào học ở bậc cao thì mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT là để công nhận kết quả của một quá trình học tập. Do đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT không thể là một công cụ sàng lọc hữu hiệu. Nếu chúng ta có ý định thay đổi mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT để gom 2 kỳ thi lại thành 1 thì chúng ta phải chấp nhận kết quả rất thấp cho kỳ thi này (giống như cách thi tú tài của Pháp - Baccalauréat).
Nghĩa là hàng năm có đến vài chục phần trăm số người dự thi không được chứng nhận tốt nghiệp bậc học phổ thông. Lúc đó chúng ta không thể lường hết được những tác động tiêu cực của nó lên đời sống xã hội. Một số lượng lớn học sinh ra trường đi học tiếp thì không được mà đi làm việc cũng không xong.
4. Kỳ thi tuyển sinh ĐH là kỳ thi "đàng hoàng" nhất trong nhiều năm qua. Trong gam màu tối của bức tranh giáo dục Việt Nam thì kỳ thi tuyển sinh ĐH vẫn là một điểm sáng về tính nghiêm túc tương đối của nó. Do tính chất cạnh tranh khốc liệt, bản thân mỗi thí sinh dự thi đã góp phần làm cho kỳ thi nghiêm túc, chưa nói đến những biện pháp quản lý thi. Vài trăm trường hợp vi phạm quy chế thi trong một kỳ thi là một con số không đáng kể so với hàng trăm ngàn lượt thí sinh dự thi. Từ đó, ta có thể tin tưởng phần nào vào tính chính xác về mặt đánh giá của kỳ thi này.
5. Về mặt kỹ thuật, chúng ta chưa có đủ trình độ quản lý và chưa có các công cụ đo chuẩn để tổ chức xét tuyển công bằng và hiệu quả. Nếu không có kỳ thi tuyển sinh, chúng ta phải dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT cùng với các tiêu chí xét tuyển khác dựa vào quá trình học tập của học sinh.
Muốn như vậy chúng ta cần một hệ thống quản lý chất lượng khoa học và chặt chẽ từ Bộ GD và ĐT đến địa phương, từ trường ĐH cho đến các trường phổ thông. Ngoài ra còn cần có các công cụ đo mang tính chuẩn hóa khác về kiến thức ngôn ngữ, ngoại ngữ, tin học, khả năng tính toán, v.v... (giống như các công cụ TOEFL, GRE, SAT ... của giáo dục Hoa Kỳ). Đây lại chính là những điểm còn yếu và còn thiếu trong hệ thống giáo dục ở nước ta.
6. Tuyển sinh theo hình thức xét tuyển có thể là cơ hội cho những tiêu cực nảy sinh. Trong khi hiện nay kết quả thi là cụ thể và minh bạch, mà đây đó vẫn còn xuất hiện những hạt sạn trong quá trình tuyển sinh thì chắc chắn khi xét tuyển với hàng loạt những tiêu chí phụ không thể tránh khỏi tiêu cực. Đã "xét" (tuyển) tức là phải "cân nhắc", mà "cân nhắc" thì trước sau cũng có chỗ để đem "cái tình cái lý" ra mà đong đếm. Văn hóa Việt mà! Chi bằng tuyển sinh qua hình thức thi để có những con số "lạnh lùng", đành rằng thi không phải lúc nào cũng là cách duy nhất để đánh giá năng lực một con người.
7. Nếu bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH, làm thế nào để tuyển những người đã tốt nghiệp THPT từ nhiều năm trước đã đi làm nay muốn quay lại học đại học? Cơ hội vào ĐH phải công bằng cho tất cả những ai đã tốt nghiệp THPT hoặc bổ túc THPT có đủ năng lực và niềm say mê. Nếu không có kỳ thi tuyển sinh thì những người đã trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT (hoặc tú tài) từ nhiều năm trước, nay muốn học ĐH phải được xét tuyển như thế nào, khi mà chương trình học và cách thi cử qua mỗi năm, mỗi thời kỳ lại khác biệt nhau hoàn toàn và chất lượng giáo dục phổ thông thì không đồng đều ở các địa phương?
Chẳng lẽ chỉ tổ chức xét tuyển đối với học sinh thi tốt nghiệp trong cùng năm với kỳ xét tuyển, còn những người tốt nghiệp những năm trước đó ...phải trải qua một kỳ thi tuyển?
8. Kỳ thi tuyển sinh ĐH hoàn toàn không lấy đi cơ hội học tập của bất cứ ai. Nhiều người cho rằng kỳ thi tuyển sinh chặn đứng cơ hội học tập của nhiều người và rằng việc học ĐH nên được phổ cập theo kiểu ai có tiền thì được đăng ký học. Đây phải chăng là cách biện luận của những nhà kinh doanh trong giáo dục hoặc những ai không thể vượt qua kỳ thi tuyển sinh.
Nhiều người cho rằng kỳ thi tuyển sinh chặn đứng cơ hội học tập của nhiều người và rằng việc học ĐH nên được phổ cập theo kiểu ai có tiền thì được đăng ký học. Đây phải chăng là cách biện luận của những nhà kinh doanh trong giáo dục hoặc những ai không thể vượt qua kỳ thi tuyển sinh.
Thật vậy, thực tế đã chứng minh ĐH không phải là con đường duy nhất đem lại hạnh phúc cho bản thân người học và góp phần làm phồn vinh xã hội. Nếu những ai không có khả năng vào ĐH thì hoàn toàn có thể theo học một ngành nghề nào đó phù hợp với năng lực của họ với vốn thời gian và tiền bạc ít hơn nhiều. Nếu mở toang cánh cửa vào ĐH trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không thể lường được chất lượng đào tạo sẽ đi về đâu, tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" và mất cân bằng trong cơ cấu đào tạo sẽ diễn ra phức tạp như thế nào!
9. Vượt qua kỳ thi tuyển sinh ĐH là mục tiêu, là hướng phấn đấu của nhiều học sinh, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Thực tế cho thấy những em đỗ kỳ thi tuyển sinh đa phần là những em có học lực khá giỏi, có động cơ phấn đấu trong học tập. Các em đã "tự phân ban" cho mình và đầu tư nhiều công sức cho các môn học mình theo đuổi để có thể cạnh tranh trong kỳ thi tuyển sinh khốc liệt, trong khi vẫn thừa khả năng vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT. Có thể nói không quá rằng chính những em học sinh này đã góp phần làm nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.
10. Muốn thi tuyển sinh có chất lượng thì phải tốn kém và không phải cái gì giống nước ngoài mới là tốt. Nhiều người cho rằng tổ chức kỳ thi tuyển sinh là quá tốn kém cho xã hội và rằng, đa số các nước đã bỏ kỳ thi này rồi. Người viết thì cho rằng muốn thi tuyển sinh có chất lượng thì phải đầu tư, cho dù tốn kém đến đâu.
Đầu tư cho kỳ thi tuyển sinh để chọn người có năng lực học tập thực sự còn hơn không đầu tư để ồ ạt đào tạo ra một lực lượng lao động kém chẩt lượng. Xin đừng bao giờ so sánh ta với Mỹ, với Úc, với Singapore v.v... khi mà văn hóa, cơ cấu dân số, triết lý giáo dục cũng như điều kiện kinh tế xã hội của họ so với ta khác biệt quá nhiều!
* * *
Chưa bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH có nghĩa là đến lúc nào đó ngành giáo dục sẽ phải tính đến chuyện bỏ. Chúng ta phải kiện toàn hệ thống giáo dục ĐH theo hướng mở rộng quy mô và số lượng, đi kèm với nâng cao chất lượng; quản lý hệ thống kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục đồng bộ; phát triển hệ thống đào tạo nghề tiên tiến... trước khi tính đến việc bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH cho... giống với các nước.
Chúng ta đang cần rất nhiều thời gian để nỗ lực cho những mục tiêu đó. Một cách làm khác là giao việc tổ chức (hay không tổ chức) kỳ thi tốt nghiệp THPT cho từng địa phương để tập trung cho một kỳ thi quốc gia chung duy nhất.
Theo: Vietnamnet