• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Chia Sẻ Việt Nam hội nhập với xu thế toàn cầu hoá cơ hội và thách thức

Trang Dimple

New member
Xu
38
Toàn cầu hoá đang là xu hướng tất yếu và ngày càng được mở rộng. Tính tất yếu của toàn cầu hoá trước hết được biểu hiện ở tính tất yếu kinh tế. Toàn cầu hoá kinh tế là khía cạnh quan trọng nhất của toàn cầu hoá; nó đang tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực chính trị. Đến lượt mình, những thay đổi về chính trị lại có tác động trở lại đối với kinh tế. Song, cái cần quan tâm và nhấn mạnh lại chính là sự tác động của kinh tế và những thay đổi chính trị đối với văn hoá trong bối cảnh toàn cầu hoá.

Ngoài những cơ hội, toàn cầu hoá tạo ra cho Việt Nam những thách thức to lớn, như nguy cơ tụt hậu về kinh tế, nạn thất nghiệp và thiếu việc làm, sự phân hoá giàu nghèo, tệ nạn xã hội và tội phạm có xu hướng tăng, sự lo ngại về mất bản sắc, sự đồng hoá văn hoá và sự huỷ hoại văn hoá dân tộc, v.v..Con đường để vượt qua những thách thức đó không phải là đóng cửa lại để sống biệt lập với thế giới; mà trái lại, phải chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, bồi dưỡng và giáo dục con người nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân, trách nhiệm với Tổ quốc, khơi dậy và phát huy tinh thần dân tộc ở họ.

Toàn cầu hóa không phải là hiện tượng mới mẻ, mà trái lại, đã xuất hiện ở thế kỷ XV và diễn ra mạnh mẽ hơn ở cuối thế kỷ XIX. Cho đến nay, vẫn còn đang có những ý kiến khác nhau về nguồn gốc và bản chất của quá trình toàn cầu hoá. Một số người cho rằng, quá trình toàn cầu hoá bắt đầu từ khi người Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát con đường tơ lụa. Với một số người khác, quá trình đó được bắt đầu từ sự kiện vượt qua vùng biển thuộc mũi Hảo Vọng và việc khám phá ra châu Mỹ, nhờ đó thế giới được mở rộng và các nguồn tài nguyên của thế giới từ các châu lục khác được chuyển về châu Âu. Trong khi đó, một số người khác lại tin rằng, toàn cầu hoá diễn ra từ cuối thế kỷ XIX cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp tạo nên sự phát triển của lực lượng sản xuất và các phương tiện vận tải(1).

Nhưng, dù xuất hiện sớm hơn hay muộn hơn, trong thời đại hiện nay, toàn cầu hóa mang một nội dung với những nét đặc thù mới. Một số học giả gọi toàn cầu hóa hiện nay là toàn cầu hóa tư bản chủ nghĩa. Bởi lẽ, quá trình đó đang chịu sự chi phối mạnh mẽ của các nước tư bản, đặc biệt là các nước tư bản lớn.
Toàn cầu hóa hiện nay đang tác động hết sức mạnh mẽ đến các quốc gia dân tộc, đến đời sống xã hội của cả cộng đồng nhân loại, cũng như đến cuộc sống của từng người. Cách nhìn nhận và thái độ đối với toàn cầu hoá là hết sức khác nhau. Trong khi một số nước đang phát triển tiếp nhận toàn cầu hoá một cách hồ hởi thì ở nhiều nước phát triển, phong trào chống toàn cầu hoá lại diễn ra một cách rộng khắp và thu hút hàng vạn người tham gia. Song, bất chấp thái độ khác nhau, ủng hộ hay phản đối, toàn cầu hoá vẫn là một xu thế tất yếu và ngày càng được mở rộng mà mỗi quốc gia dân tộc phải đối mặt với nó. Vậy tính tất yếu của toàn cầu hoá được biểu hiện như thế nào?

Tính tất yếu của toàn cầu hoá trước hết được biểu hiện ở tất yếu kinh tế. Kinh tế, như mọi người đều biết, là nhân tố đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của văn minh nhân loại. Thực ra, thuật ngữ văn minh nhân loại vừa mang ý nghĩa vật chất, vừa mang ý nghĩa tinh thần. Ưu thế của một nền văn minh được thể hiện trong sự hoà quyện và kết hợp giữa yếu tố vật chất và yếu tố tinh thần. Với ý nghĩa đó, lịch sử của nhân loại là lịch sử của sự giải phóng mang tính chất tiến bộ khỏi sự tước đoạt về vật chất, đồng thời là lịch sử phát triển của tự do thuộc về vương quốc của tinh thần.

Toàn cầu hoá là một hiện tượng vật chất hay kinh tế. Nhưng, ngoài ý nghĩa là một hiện tượng vật chất, nó còn mang một ý nghĩa văn hoá, tinh thần sâu sắc. Bởi lẽ, trên thực tế, không có một công việc nào của con người, không có một hiện tượng nào trong xã hội lại chỉ mang ý nghĩa thuần tuý kinh tế.
Về phương diện kinh tế, trước hết, toàn cầu hoá tạo ra một sự thay đổi căn bản trong hoạt động kinh tế của con người, làm thay đổi tính chất và vị trí của thị trường. Nếu như trước đây, thị trường mang tính quốc gia thì hiện nay, thị trường đã mang tính quốc tế. Do quá trình toàn cầu hoá, các quốc gia nhanh chóng bị cuốn hút và trở thành một bộ phận phụ thuộc của nền kinh tế thế giới hoặc quốc tế. Ngoài tính toàn cầu của thị trường hàng hoá và dịch vụ, tài chính và tiền tệ cũng mang tính chất toàn cầu. Một yếu tố khác không kém quan trọng làm cho thị trường có tính toàn cầu là công nghệ điện tử mới của thông tin và viễn thông. Chính công nghệ mới đó không chỉ mang tính kinh tế, mà còn mang tính chính trị và xã hội sâu sắc.

Về mặt xã hội, những nhu cầu của nền kinh tế toàn cầu đã và đang mang lại những thay đổi to lớn trong thói quen lao động và lối sống của con người ở tất cả các quốc gia dân tộc. Sự phân hoá giàu nghèo, tệ nạn xã hội và tội phạm mang tính quốc tế, v.v. đang là những vấn đề làm đau đầu các quốc gia dân tộc. Nói tóm lại, chính toàn cầu hoá đang làm cho những vấn đề toàn cầu của thời đại tác động mạnh mẽ và nhanh chóng đến các quốc gia dân tộc. Ngày nay, không một quốc gia dân tộc nào có thể làm ngơ trước sự lan truyền một cách nhanh chóng và rộng rãi của các bệnh dịch, như SARS, cúm gà, v.v.; của các nạn khủng bố, tội phạm quốc tế, v.v..

Về mặt chính trị, người ta thường nhắc tới những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu hoá đối với chủ quyền quốc gia. Điều đó được lý giải bằng sự tác động của kinh tế đối với chính trị. Sự hội nhập về kinh tế tăng lên sẽ kéo theo sự hội nhập về chính trị. Với lôgíc đó, người ta nói đến sự suy yếu của mô hình quốc gia dân tộc. Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, người ta thường nói về sự phụ thuộc lẫn nhau của các quốc gia dân tộc hơn là đề cập đến sự độc lập hoàn toàn của các quốc gia đó. Có thể nói, không có và không thể có một quốc gia đứng độc lập hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài trong bối cảnh toàn cầu hoá. Chẳng hạn, do lôgíc nội tại của nó, toàn cầu hoá kinh tế vừa đòi hỏi, vừa muốn hướng tới sự tự do về thương mại và đầu tư ngày càng tăng lên một cách chưa từng có. Do đó, những hiệp định thương mại đa phương được thể chế hoá trong WTO tất yếu hạn chế khả năng hành động một cách đơn phương của các chính phủ trong việc bảo vệ lợi ích cục bộ của họ. Vì lẽ đó, người ta coi những hiệp định thương mại đa phương ấy có tác dụng tiêu cực đối với bất kỳ chủ quyền quốc gia riêng lẻ nào. Đúng như U.Bek đã nhận xét, “cộng đồng thế giới hình thành trong quá trình toàn cầu hoá trên nhiều lĩnh vực chứ không chỉ trong lĩnh vực kinh tế đang làm suy yếu, đặt dấu hỏi về sức mạnh của quốc gia dân tộc, thâm nhập vào khắp các đường biên giới lãnh thổ bằng nhiều phụ thuộc xã hội đa dạng, các quan hệ thị trường, bằng mạng truyền thông, các phong tục, tập quán khác lạ của dân cư, không liên quan đến vùng lãnh thổ xác định của nó. Điều đó biểu hiện trong tất cả các lĩnh vực quan trọng nhất, là cơ sở của uy tín quốc gia dân tộc trong chính sách thuế, quyền hạn tối cao của bộ máy cảnh sát, trong chính sách đối ngoại, trong lĩnh vực an ninh quân sự”(2).

Như vậy, toàn cầu hoá kinh tế là khía cạnh quan trọng nhất của toàn cầu hoá; nó đang tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực chính trị. Đến lượt mình, những thay đổi về chính trị lại có tác động trở lại đối với kinh tế. Song, điều cần quan tâm và nhấn mạnh lại chính là ở sự tác động của kinh tế và những thay đổi chính trị đối với văn hoá trong bối cảnh toàn cầu hoá.

Cùng với toàn cầu hoá, nhiều học giả đã chỉ ra xu hướng đồng nhất tất cả các nền văn hoá. Tất cả các nước phát triển đang muốn áp đặt các giá trị văn hoá của mình cho toàn thế giới. Thông qua quá trình toàn cầu hoá, các nước phát triển phương Tây muốn bắt phần còn lại của thế giới không chỉ khuất phục về kinh tế, chính trị và quân sự, mà còn muốn hạn chế tối đa nét đặc thù của văn hoá phi phương Tây, bởi theo họ, các nền văn hoá này không phù hợp, thậm chí còn xung đột với văn hoá và văn minh phương Tây. Quan niệm về sự xung đột giữa các nền văn minh của Huntington đã khẳng định rằng, trong điều kiện toàn cầu hoá, giữa các nền văn minh luôn có sự xung đột và không thể có một nền hoà bình nào hết, vì phương Tây muốn đấu tranh cho lợi ích của mình đến toàn thắng, tức là buộc thế giới phi phương Tây phải khuất phục hoàn toàn(3).

Trên thực tế, những gì mà toàn cầu hóa mang lại cho con người trong những thập kỷ qua đã làm cho không ít các quốc gia băn khoăn, lo lắng. Báo cáo phát triển người của UNDP năm 1999 đã phác họa một bức tranh khá không bình đẳng giữa các nước, cũng như giữa những tầng lớp người khác nhau. Theo báo cáo đó, vào cuối những năm 90, một phần năm dân số thế giới sống trong những nước có thu nhập cao nhất chiếm tới: 86% GDP của thế giới, 82% các thị trường xuất khẩu thế giới, 68% đầu tư nước ngoài trực tiếp, 74% số máy điện thoại thế giới; trong khi đó, một phần năm dân số sống trong những nước có thu nhập thấp nhất chỉ chiếm 1% các chỉ số nói trên. Cũng theo báo cáo này, trong một thập niên vừa qua, sự tập trung ngày càng mạnh mẽ về thu nhập, về các nguồn lực và của cải đang diễn ra. Chẳng hạn, các nước OECD với 19% dân số toàn cầu chiếm tới 71% thương mại toàn cầu về hàng hóa và dịch vụ, 58% đầu tư nước ngoài và 91% tổng số người sử dụng Internet; 200 người giàu nhất thế giới đã tăng gấp đôi tài sản ròng của họ trong 4 năm, đến năm 1998 lên tới hơn 1000 tỷ USD. Tài sản của 3 tỷ phú hàng đầu nhiều hơn tổng GNP của tất cả các nước kém phát triển với 600 triệu dân của họ, v.v..(4).

Từ sự phân tích và số liệu thực tế, không ai có thể phủ nhận được rằng, toàn cầu hóa là một quá trình tất yếu và đang tạo ra những cơ hội cho các nước có nền kinh tế đang phát triển hội nhập vào nền kinh tế thế giới để trên cơ sở đó, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và đổi mới công nghệ. Thực tế trong mấy thập kỷ qua đã khẳng định rằng, nhờ tranh thủ được cơ hội toàn cầu hóa, nhiều nước ở châu Á vốn có nền kinh tế kém phát triển tạo ra được tốc độ tăng trưởng kỷ lục về kinh tế và trở thành những "con rồng" châu Á.

Tuy nhiên, điều cần nhấn mạnh là ở chỗ, cơ hội mà toàn cầu hóa đem lại cho các nước khác nhau, các dân tộc khác nhau không phải lúc nào cũng như nhau. Xét một cách đại thể, các nước phát triển hơn về kinh tế, giàu có hơn sẽ được chia sẻ cơ hội nhiều hơn các nước nghèo. Điều đó cũng có nghĩa là, toàn cầu hóa sẽ đem lại cho các nước nghèo, đang phát triển nhiều thách thứchơn so với cơ hội. Đúng như Kofi Annan, Tổng thư ký Liên hiệp Quốc, đã khẳng định: “Toàn cầu hoá đang làm cho chúng ta xích lại gần nhau hơn theo nghĩa tất cả chúng ta đều phải chịu ảnh hưởng từ những hành động của nhau, chứ không phải theo nghĩa tất cả chúng ta đều sử dụng những lợi thế của nó và cùng nhau chia sẻ gánh nặng. Trái lại, chúng ta đã để toàn cầu hoá làm cho chúng ta tách xa nhau ra hơn do hố ngăn cách ngày càng lớn về mức độ của cải và quyền lực giữa các nước khác nhau và ngay trong từng nước”(5).

Theo bảng xếp hạng của UNDP, trong vòng 11 năm, từ năm 1991 đến 2002, chỉ số phát triển người (HDI) của Việt Nam từ mức dưới trung bình (0,498 năm 1991) tăng lên mức trung bình (0,688 năm 2002)(6). Thứ bậc HDI của Việt Nam năm 2002 vượt lên 19, xếp thứ 109/173, còn GDP bình quân đầu người xếp thứ 128/173. Những số liệu đó chứng tỏ rằng, Việt Nam, mặc dù được xếp vào nhóm các nước đang phát triển, song sự phát triển kinh tế của Việt Nam có xu hướng phục vụ sự phát triển của con người; Việt Nam là nước bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội cao hơn so với một số nước đang phát triển có GDP bình quân đầu người tốt hơn Việt Nam. Những thành tựu đó có được như vậy là nhờ đường lối đổi mới, nắm bắt và tận dụng được những cơ hội do toàn cầu hoá mang lại. Tuy nhiên, theo chúng tôi, những thách thức trong quá trình toàn cầu hóa đối với Việt Nam là hết sức lớn.

Một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam có lẽ là thách thức về kinh tế . Bởi vì nói đến quá trình toàn cầu hóa, như trên trình bày, trước hết phải nói đến toàn cầu hóa về kinh tế. Toàn cầu hóa kinh tế là cơ sở của quá trình toàn cầu hóa nói chung.

toàn cầ hóa.jpg


Việt Nam bắt đầu tiến hành mở cửa và hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới từ năm 1986. Nhờ chủ trương đổi mới, mở cửa, trong gần 20 năm qua, Việt Nam đã thu được những thành tựu hết sức to lớn trên tất cả các mặt của đời sống xã hội. Trên lĩnh vực kinh tế, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng vào loại cao trong khu vực. Chẳng hạn, trong thập kỷ 70, tốc độ tăng trưởng GNP trung bình hàng năm của các nước, các vùng lãnh thổ trong khu vực là: 9,6% (Hàn Quốc), 8,3% (Hồng Kông), 7,9% (Malaixia), 7,2% (Inđônêxia), 7,1% (Thái Lan) và 6% (Philippin). Nhưng từ 1980 đến 1991, tốc độ tăng GNP hàng năm đã có sự thay đổi như sau: 9,6% ở Hàn Quốc, 9,4% ở Trung Quốc, 6,9% ở Hồng Kông, 6,6% ở Singgapo, 5,7% ở Malaixia, 5,6% ở Inđônêxia, ở Philippin chỉ là 1,1%(7). Tính từ 1985 đến 1996, tốc độ tăng trưởng GNP hàng năm của Việt Nam là trên 8,5%, từ năm 2001- 2005, tốc độ đó đạt mức trên dưới 8%. Như vậy, nếu so sánh với các nước, các vùng lãnh thổ trong khu vực, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được xếp vào hàng cao nhất trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, ngay từ năm 1994, nhiều nhà kinh tế cũng như lãnh đạo của Việt Nam đã nói đến nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế. Cho đến nay, trải qua hơn 10 năm tiếp tục đổi mới, nguy cơ đó vẫn tồn tại và hết sức lớn. Để tránh nguy cơ đó, trong những năm gần đây, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hoá và hiện đại hóa, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá rút ngắn theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong môi trường hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn để khắc phục nguy cơ tụt hậu. Tuy nhiên, chủ trương đó được thực hiện trong điều kiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có tiến bộ, nhưng vẫn còn thấp xa so với yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế; tích luỹ từ nền kinh tế để công nghiệp hoá, hiện đại hoá còn thấp; kết cấu hạ tầng lạc hậu, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, v.v..

Do vậy, những khó khăn của việc thực hiện quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa là không nhỏ. Xét về mặt cơ cấu của nền kinh tế, Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng lớn. Sự chuyển dịch lao động từ nông nghiệp và nông thôn sang các ngành nghề khác còn rất khó khăn. Tỷ trọng lĩnh vực dịch vụ có phần chững lại. Tỷ lệ lao động được đào tạo và lao động có trình độ cao còn rất thấp. Sự lãng phí trong đầu tư còn quá lớn. Thêm vào đó, nền công nghiệp lại phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở 2 đầu của đất nước. Người lao động có trình độ cao chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Do đó, sự phát triển công nghiệp ở các vùng sâu, vùng xa đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, những tiềm năng của các thành phần kinh tế chưa được phát huy hết. Kinh tế nhà nước chưa làm tốt được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tập thể chậm phát triển. Kinh tế tư nhân chưa phát triển đúng với tiềm năng của nó nhằm tạo động lực cho toàn bộ nền kinh tế, v.v..
Những thách thức về kinh tế sẽ tăng lên gấp bội, nếu như trong vài năm tới, nước ta hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Do đó, nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế là nguy cơ thực tế. Bản thân nguy cơ này có bị loại trừ hay không, điều đó phụ thuộc vào sự thành công của công cuộc đổi mới và sự chuẩn bị các nguồn lực cho quá trình hội nhập tiếp theo của nền kinh tế.

Cùng với thách thức về kinh tế, toàn cầu hóa đang đặt ra cho nước ta những thách thức lớn về mặt xã hội.

Trước hết là nạn thất nghiệp và thiếu việc làm. Kể từ khi nước ta bắt đầu hội nhập, nền kinh tế trở nên năng động hơn. Các thành phần kinh tế có cơ sở phát triển mạnh mẽ, nhưng sự cạnh tranh giữa chúng có phần quyết liệt hơn. Chính sự cạnh tranh đó đã làm cho nhiều cơ sở sản xuất, nhiều doanh nghiệp bị phá sản, nhiều cơ sở sản xuất phải tiến hành tinh giản biên chế. Tình trạng đó làm tăng thêm đội ngũ những người không có việc làm hoặc có việc làm không đầy đủ. Theo số liệu của các cơ quan chức năng, tình trạng thất nghiệp ở thành thị còn ở mức khá cao, nạn thiếu việc làm ở nông thôn còn rất nghiêm trọng.
Trong những năm tới, quá trình hội nhập sẽ đòi hỏi đội ngũ lao động có trình độ cao hơn. Nếu như đội ngũ người lao động Việt Nam không được đào tạo và chuẩn bị về mặt công nghệ, quản lí thì tình trạng thất nghiệp không những không giảm mà còn có nguy cơ tăng cao.

Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự phân hoá giàu nghèo - cái trục của sự phân tầng xã hội. Thực ra, sự phân hóa giàu nghèo là kết quả tất yếu của cơ chế thị trường. Qua kết quả điều tra xã hội học ở nhiều tỉnh trong cả nước, chúng ta thấy rằng, đại bộ phận người được hỏi cho rằng phân hóa giàu nghèo là hiện tượng bình thường. Một số học giả cho rằng phân hoá giàu nghèo hiện nay ở Việt Nam là hệ quả của việc công bằng xã hội được lập lại. Theo chúng tôi, ý kiến này chỉ đúng khi nói đến sự phân hoá giàu nghèo được thực hiện một cách bình đẳng. Điều đó có nghĩa là, trong nền kinh tế thị trường, người nào lao động giỏi, biết tính toán, nhạy bén thì giàu lên một cách chính đáng; trái lại, người nào lười lao động, không có vốn, không biết làm ăn thì nghèo đi.

Nhưng ở Việt Nam, trong những năm qua, ngoài số người giàu có một cách hợp pháp, còn có không ít những kẻ giàu lên nhờ những hành vi tham nhũng, buôn gian bán lận, làm ăn theo kiểu chụp giật trong giai đoạn tranh tối, tranh sáng của cơ chế thị trường. Điều đáng lo ngại là, số người giàu lên theo kiểu này không ít. Vì thế không phải ngẫu nhiên mà tham nhũng đã được xem như là quốc nạn ở Việt Nam. Nếu như cách làm giàu hợp pháp là rất đáng khuyến khích thì cách làm giàu bất hợp pháp cần phải nhanh chóng được loại bỏ. Bởi lẽ, hành vi đó không những bòn rút tiền của, làm suy yếu nền kinh tế, mà còn làm đảo lộn các giá trị xã hội.

Trên thực tế, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư, giữa thành thị và nông thôn, miền xuôi và miền núi đang có xu hướng ngày càng doãng ra. Điều đó được chứng minh bằng mức độ chênh lệch về thu nhập giữa 20% số người có thu nhập cao nhất và 20% số người có thu nhập thấp nhất. Chẳng hạn, 20% số người có thu nhập cao nhất gấp 4,3 lần 20% số người có thu nhập thấp nhất vào năm 1993; nhưng vào năm 1996, con số đó là 7,3 lần và năm 2002 là 8,14 lần. Nếu như nạn tham nhũng không được đẩy lùi và Nhà nước không có những biện pháp hữu hiệu hỗ trợ cho người nghèo, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động thì trong thập kỷ tới, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo có thể sẽ tiếp tục tăng lên.

Tình trạng thiếu việc làm, sự phân hóa giàu nghèo lại là một trong những nguyên nhân dẫn đến tệ nạn xã hội và tội phạm hình sự. Bên cạnh tình trạng thất nghiệp và sự phân hoá giàu nghèo có nguy cơ ngày càng tăng, tệ nạn xã hội và tội phạm cũng là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập. Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, có thể rút ra nhận định một cách khái quát rằng, kể từ năm 1986 đến nay, tệ nạn xã hội ở Việt Nam phát triển mạnh về quy mô và số lượng, tính chất hoạt động của các tệ nạn xã hội này ngày càng tinh vi. Tình hình tội phạm hình sự có nhiều biểu hiện phức tạp. Tổng số vụ phạm pháp hình sự tuy không gia tăng đột biến, nhưng số vụ trọng án tăng nhanh và chiếm tỷ lệ cao.

Điều đáng lưu ý là, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển giao lưu kinh tế quốc tế, các hoạt động tội phạm có yếu tố nước ngoài cũng phát triển mạnh mẽ. Đó là hiện tượng người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam và người Việt Nam phạm tội ở nước ngoài. Một số loại tội phạm nguy hiểm trước đây chưa từng thấy ở Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện, như tội buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới Trung Quốc và Campuchia, tội vận chuyển và buôn bán chất ma tuý từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam đi các nước khác, tội rửa tiền, bắt cóc con tin, v.v.. Do mở rộng giao lưu, việc xuất nhập cảnh vào Việt Nam thuận lợi hơn trước nên nhiều tên tội phạm gây án ở nước ngoài rồi tìm cách chạy vào Việt Nam để ẩn náu, thậm chí nhiều tên còn tiếp tục gây án tại Việt Nam. Trái lại, một số tên tội phạm đã gây ra những vụ án nghiêm trọng ở Việt Nam rồi tìm cách chạy trốn ra nước ngoài hòng lẩn tránh sự trừng trị của pháp luật Việt Nam. Trong những năm qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phát hiện được hàng trăm vụ phạm tội do người nước ngoài từ hơn 20 quốc tịch khác nhau gây ra ở Việt Nam và hàng chục người Việt Nam gây án ở nước ngoài được xử lý và dẫn độ về Việt Nam.

Ngoài thách thức về kinh tế và xã hội, Việt Nam còn phải đối mặt với thách thức không nhỏ về văn hóa. Thực ra, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa hiện nay, sự lo ngại về khả năng đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc là mối lo chung của các nước đang phát triển. Một số học giả cho rằng, những luồng văn hóa ngày nay đang bị mất cân bằng, thiên mạnh theo hướng từ những nước giàu chuyển sang và gây áp lực đối với những nước nghèo. Người ta cũng nói nhiều đến thứ hàng hoá không trọng lượng với hàm lượng tri thức cao, chứ không phải là hàm lượng vật chất. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngành công nghiệp xuất khẩu lớn nhất hiện nay của Mỹ không phải là máy bay hay ô tô, mà là ngành vui chơi giải trí - phim của Hollywood. Ngành này có tổng thu nhập lên tới 30 tỷ USD năm 1997. Nhờ các mạng lưới thông tin đại chúng trên toàn cầu và công nghệ truyền thông qua vệ tinh, những phương tiện thông tin đại chúng có sức bành trướng khắp toàn cầu. Những mạng lưới này đã đưa Hollywood tới tận những làng quê hẻo lánh. "Sự hiện diện khắp nơi của những nhãn hiệu Nike, Sony đang thiết lập nên những chuẩn mực xã hội mới từ Đêli đến Vacsava, tới Riô đơ Janerô. Những cuộc tấn công dữ dội đó của văn hóa nước ngoài có thể đe doạ tính đa dạng văn hóa, và khiến cho dân chúng lo sợ đánh mất bản sắc văn hóa của mình"(8).

Theo báo cáo phát triển người của UNDP năm 1999, từ 1980 đến 1998, các sản phẩm và dịch vụ văn hoá tăng lên gấp 5 lần. Trong quá trình toàn cầu hoá, công nghiệp văn hoá trở thành một ngành kinh tế; các dịch vụ và sản phẩm văn hoá như là một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu. Năm 1998, 5 nước xuất khẩu văn hoá lớn nhất trên thế giới là Nhật Bản, Mỹ, Anh, Đức và Trung Quốc đã xuất khẩu 53% các sản phẩm, dịch vụ văn hoá trong khi vẫn duy trì tỷ lệ nhập khẩu là 57%. Năm 2000, gần một nửa những ngành công nghiệp văn hoá được đặt cơ sở tại Mỹ, 30% được đặt tại châu Âu và phần còn lại đang có mặt ở châu Á. Về mặt phim ảnh, 85% các bộ phim có mặt trên thế giới được sản xuất ở Hollywood, trong khi đó ở châu Phi, mỗi năm trung bình chỉ có 42 bộ phim được xuất xưởng. Ở Chi Lê và Costa Rica, 95% các bộ phim được nhập khẩu từ Mỹ(9)
.
Một số số liệu trên đây cho thấy, các nước giàu có có khả năng sản xuất và xuất khẩu những sản phẩm văn hoá của mình đi khắp các nước trên thế giới; trong khi đó, các nước nghèo, các nước đang phát triển không có khả năng làm điều đó. Các nước đang phát triển không thể đương đầu nổi với các nước phát triển trong cuộc cạnh tranh về các sản phẩm văn hoá. Tình hình đó tạo ra một thực tế là, văn hoá của các nước giàu được giới thiệu nhiều và thâm nhập sâu vào các nước nghèo, các nước đang phát triển, còn văn hoá của các nước nghèo thì không được biết đến ở các nước giàu, các nước phát triển. Văn hoá của các nước đang phát triển khó và không có khả năng xâm nhập vào các nước phát triển.

Bên cạnh đó, ngôn ngữ cũng là vấn đề cần quan tâm. Hiện nay, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ giao tiếp quốc tế. Nhờ ưu thế của việc sử dụng tiếng Anh, nhờ Internet, văn hoá của các nước lớn nhanh chóng được phổ biến trên các phương tiện truyền thông. Những sản phẩm văn hoá của các nước phát triển nhanh chóng được giới trẻ ở các nước chưa phát triển và đang phát triển tiếp thu nhờ việc họ biết sử dụng máy vi tính và tiếng Anh. Thay vì đọc những câu truyện ngụ ngôn mang tính dân tộc, những câu truyện cổ tích và những sản phẩm văn hoá của dân tộc, giới trẻ ngày nay quan tâm nhiều đến các trò chơi trên máy vi tính được sản xuất ở các nước phát triển. Điều đó có nguy cơ dẫn tới chỗ bản sắc của thế hệ trước và bản sắc của thế hệ hiện tại là khác nhau. Đúng như một học giả Nga đã nhận định: “Toàn cầu hoá đang giáng một đòn mạnh vào các dân tộc ít người. Vấn đề là ở chỗ, do quá trình hội nhập mạnh mẽ mà có sự đứt gãy các truyền thống và tập quán cũ, chức năng giao tiếp của các dân tộc nhỏ giảm mạnh. Trên thực tế, các ngôn ngữ này chỉ còn sử dụng trong sinh hoạt, giao tiếp thường ngày. Thế hệ trẻ không thích nói tiếng mẹ đẻ. Điều đó dẫn đến chỗ cùng với thời gian, lớp trẻ hoàn toàn từ bỏ thứ tiếng của cha ông mình. Do đó, dần dà cả văn hoá của dân tộc nhỏ bé cũng sẽ biến mất, vì ngôn ngữ là yếu tố quan trọng nhất của văn hoá”(10).

toàn cầu hóa.jpg

Như vậy, đứng về khía cạnh văn hoá, toàn cầu hoá mang lại 2 bất lợi cho các nước đang phát triển và chậm phát triển. Đó là, thứ nhất, những sản phẩm và dịch vụ văn hoá rất khó thâm nhập vào thị trường của các nước phát triển và không thể cạnh tranh nổi với các sản phẩm và dịch vụ văn hoá của các nước phát triển. Xét về mặt kinh tế, điều đó bất lợi cho các nước đang phát triển và các nước chậm phát triển, bởi vì công nghiệp văn hoá ngày nay đang mang lại một nguồn lợi khổng lồ. Thứ hai, điều này quan trọng hơn, toàn cầu hoá có nguy cơ đe doạ và làm mất bản sắc văn hoá của các dân tộc.
Có thể nói, ngày nay, ở khắp nơi trên thế giới, sự lo sợ về mất bản sắc văn hoá, sự đồng nhất về văn hoá và sự huỷ hoại nền văn hoá của các dân tộc là trung tâm của cuộc tranh luận về toàn cầu hoá. Các cuộc biểu tình, phản đối toàn cầu hoá ở Seatle, ở Davos và Geneva đã khẳng định rằng, vấn đề toàn cầu hoá và bản sắc văn hoá cần phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc hơn(11).

Ngay trong lĩnh vực triết học, những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy triết học ở châu Á hiện nay đang phải đối mặt với một tình thế tương tự. Hầu hết các nước châu Á đã trải qua luật lệ của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Chủ nghĩa thực dân không chỉ khai thác các nguồn lực vật chất, như tài nguyên thiên nhiên ở các nước thuộc địa, mà còn cắt đứt quan hệ của người bản địa với những di sản văn hoá, trí tuệ và tinh thần của họ, tức là với những cái tạo nên bản sắc của họ. Sau khi giành được độc lập về mặt chính trị khỏi ách đô hộ của thực dân, hầu hết các nước châu Á vẫn còn chịu cảnh nghèo đói về vật chất và đánh mất bản sắc, đã tích cực đưa ra kế hoạch phát triển kinh tế dưới chiêu bài của hệ tư tuởng “hiện đại hoá”, mà trên thực tế là “phương Tây hoá” và “Tư bản hoá”. Sau sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, các siêu cường tư bản chủ nghĩa không còn đối trọng, nhanh chóng mở rộng chiến lược toàn cầu. Các nước ở châu Á bị lôi cuốn vào quá trình toàn cầu hoá. Ưu thế của văn hoá phương Tây ở châu Á cũng không loại trừ lĩnh vực triết học(12).

Rõ ràng là, sự lo sợ đánh mất bản sắc là có cơ sở. Ngay ở Việt Nam, trong những năm gần đây, nhiều nhà lãnh đạo cũng như nhiều học giả đã rất quan tâm tới việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Bởi lẽ, Việt Nam là nước có truyền thống văn hóa lâu đời. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, truyền thống văn hóa đó đã trường tồn cùng lịch sử dân tộc. Trong suốt quá trình lịch sử, nền văn hóa Việt Nam không những không bị mất bản sắc, mà còn tiếp thu, hoàn thiện thêm bởi các nền văn hóa nước ngoài, như văn hóa Trung Quốc, văn hóa Pháp, văn hóa Nga và cả văn hóa Mỹ. Mặc dù vậy, không ai và không có gì có thể đảm bảo được rằng, con người Việt Nam sẽ không đánh mất bản sắc của mình trước xu thế toàn cầu hoá, nếu như mỗi người Việt Nam cũng như mỗi cơ quan, tổ chức không có những hành động cần thiết. Bởi lẽ, văn hóa bao giờ cũng mang tính lịch sử - cụ thể, một mặt, là sản phẩm của sự phát triển kinh tế - xã hội, và mặt khác, luôn chịu sự tác động của chính bản thân văn hóa.

Trên đây là một số thách thức mà Việt Nam đã và đang gặp trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên, nói tới những thách thức đó không có nghĩa là chúng ta hãy đóng cửa lại để từ bỏ con đường hội nhập với thế giới. Như trên chúng tôi đã trình bày, toàn cầu hóa là xu hướng tất yếu. Do vậy, đóng cửa sẽ không phải là giải pháp tốt. Phải khẳng định trong thời đại ngày nay, nếu nước nào đóng cửa thì tất yếu sẽ bị cô lập và bị bật ra khỏi quĩ đạo phát triển của thế giới. Những sai lầm của Trung Quốc trong giai đoạn cuối đời Thanh và những năm tiến hành cách mạng văn hóa, cũng như thực tiễn những năm xây dựng đất nước trước đổi mới ở Việt Nam là những bài học vô cùng bổ ích đối với chúng ta.

Từ xu thế của thế giới và thực tế của Việt Nam, chúng ta có thể khẳng định rằng, chủ động và tích cực hội nhập là con đường tốt nhất để tranh thủ cơ hội và vượt qua những thách thức của quá trình toàn cầu hóa. Đúng như Mahatma Gandhi đã khẳng định một cách hùng hồn rằng: "Tôi không muốn ngôi nhà của tôi bị bao quanh bốn phía và các cửa sổ bị đóng kín. Tôi muốn làn gió văn hóa của tất cả các xứ sở thổi quanh nhà tôi một cách tự do đến mức có thể. Song tôi không cho phép bất kỳ điều gì làm nghiêng ngả đôi chân của mình"(13). Vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để vẫn hội nhập vào xu thế phát triển của thế giới, nhưng vẫn giữ được cái riêng của dân tộc mình, không tự đánh mất mình.

Như mọi người đều biết, bất kỳ sự biến đổi và phát triển nào trong xã hội, suy cho đến cùng, cũng do con người quyết định; con người vừa là đạo diễn, vừa là diễn viên của vở kịch về chính bản thân mình. Vì vậy, để tranh thủ được cơ hội, vượt qua những thách thức của toàn cầu hóa, việc chuẩn bị và bồi dưỡng con người về mọi mặt trong quá trình hội nhập là hết sức quan trọng.

Khi nói đến quá trình nuôi dưỡng và chuẩn bị nguồn nhân lực, người ta thường nói tới vai trò của giáo dục và đào tạo. Bởi vì, nói đến nguồn lực con người đóng vai trò quyết định thì không phải là nói đến số lượng của nguồn lực đó, mà điều quan trọng hơn là chất lượng của nó, tức là nói đến những con người đã qua giáo dục, đào tạo.

Thực tế, ngày nay không một quốc gia nào trên thế giới không nói đến vai trò của giáo dục và đào tạo trong việc phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, việc phát triển giáo dục, đào tạo theo hướng nào lại tuỳ thuộc điều kiện, hoàn cảnh lịch sử - cụ thể của từng nước.

Trong những năm gần đây, ở nước ta, người ta nói nhiều đến lợi ích của giáo dục, đào tạo trong việc nâng cao dân trí, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Trong nội dung của giáo dục và đào tạo, cái được nhấn mạnh hơn cả là ưu tiên giáo dục khoa học, kỹ thuật, công nghệ nhằm tạo ra khả năng thích ứng và tiếp nhận công nghệ. Sự nhấn mạnh như vậy là hoàn toàn cần thiết và đúng đắn, nhất là đối với một nước mà đại bộ phận lực lượng lao động vẫn còn là lao động phổ thông như nước ta.

Tuy nhiên, một trong những nội dung giáo dục và đào tạo cần quan tâm đó chính là vấn đề giáo dục và phát huy truyền thống của dân tộc, giáo dục ý thức, trách nhiệm công dân, trách nhiệm với Tổ quốc nhằm phát huy và khơi dậy tinh thần dân tộc. Trong suốt lịch sử dân tộc, đặc biệt là trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, chúng ta đã phát huy tốt các truyền thống tốt đẹp của dân tộc, ý thức trách nhiệm đối với Tổ quốc của mỗi công dân. Song, trong những năm qua, dường như việc giáo dục truyền thống và ý thức công dân chưa được chú ý đúng mức.

Vấn đề đặt ra hiện nay là, phải tạo được những con người vừa có khả năng nắm bắt công nghệ hiện đại, vừa có trách nhiệm cao với Tổ quốc và đất nước. Chỉ có như vậy, đất nước ta mới tránh được các nguy cơ tụt hậu và sánh vai được với các cường quốc năm châu như lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong mỏi.


(1) Xem: Yusuf Ornek. Toàn cầu hoá và bản sắc văn hoá. Báo cáo tại Đại hội triết học lần thứ XXI, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
(2) U.Bek Toàn cầu hoá là gì? Mátxcơva, 2001, tr.14 -15. Trích theo: Bjaznova. Toàn cầu hoá và các giá trị dân tộc. Tài liệu phục vụ nghiên cứu của Viện Thông tin Khoa học xã hội, 2005, số TN 2005 - 37, tr. 4.
(3) Bjaznova. Toàn cầu hoá và các giá trị dân tộc. Tài liệu phục vụ nghiên cứu của Viện Thông tin Khoa học xã hội, 2005, số TN 2005 -37, tr. 7.
(4) Xem: Báo cáo phát triển con người 1999. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 3.
(5) Kofi Annan. Phải chăng chúng ta vẫn bảo toàn được các giá trị phổ biến. Viện Thông tin Khoa học xã hội. Tài liệu phục vụ nghiên cứu, 2005, số: TN 2005 -36.
(6) UNDP. Human Development Report 1991. New York 1991, p.120; Human Development Report 2002. New York 2002, p.151.
(7) Xem: Choi Sang Yong. Dân chủ châu Á và những kinh nghiệm của Hàn Quốc. Tạp chí Korea focus, 1999, Vol.7, No.5, p.39.
(8) Xem: Báo cáo phát triển con người 1999. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.5.
(9) Yusuf Ornek. Toàn cầu hoá và bản sắc văn hoá. Báo cáo tại Đại hội triết học lần thứ XXI, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
(10) Bjaznova. Toàn cầu hoá và các giá trị dân tộc. Tài liệu phục vụ nghiên cứu của Viện Thông tin Khoa học xã hội, 2005, số TN 2005-37, tr. 7.
11) Trong mấy năm gần đây, riêng Hội đồng Nghiên cứu Triêt học và Giá tri (Mỹ) đã tổ chức hoặc phối hợp tổ chức nhiều seminar hoặc hội thảo xung quanh chủ đề Toàn cầu hoá và bản sắc văn hoá, chẳng hạn như: Toàn cầu hoá và bản sắc văn hoá (Seminar mùa thu từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2002), Sự đối thoại giữa các nền văn hoá trong bối cảnh toàn cầu hoá (được tổ chức trước thềm Đại hội Triết học lần thứ XXI vào tháng 8 năm 2003 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ), Truyền thống văn hoá và tiến bộ xã hội (được tổ chức vào tháng 6 năm 2004, tại Thượng Hải, Trung Quốc), Toàn cầu hoá và tinh thần dân tộc (được tổ chức vào tháng 7 năm 2004 tại Vũ Hán, Trung Quốc), v.v.. Tại các hội thảo đó, các học giả đến từ nhiều nước khác nhau trên thế giới đều khẳng định toàn cầu hoá có nguy cơ huỷ hoại bản sắc văn hoá của các dân tộc. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải bảo tồn các giá trị văn hoá của dân tộc; trong bối cảnh toàn cầu hoá, việc đối thoại giữa các nền văn hoá với nhau là cần thiết để giữ gìn bản sắc và tiếp thu những tinh hoa văn hoá của dân tộc khác.
(12) Đây là cách đặt vấn đề của Hội thảo quốc tế: Giảng dạy triết học trong bối cảnh châu Á, Manila, Philippin 16-19 tháng 2 năm 2004.
(13) Xem: như trên.
nguồn: Phạm Văn Đức Phó giáo sư, tiến sĩ, Quyền Viện trưởng Viện Triết học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam; Quyền Tổng biên tập Tạp chí Triết học
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top