• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Sự khác nhau giữa triết học với triết lý.

H

HuyNam

Guest
Triết học là một trong những hình thái ý thức xã hội, là học thuyết về những nguyên tắc chung nhất của tồn tại và nhận thức, của thái độ con người đối với thế giới; là khoa học về những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy.

Triết lý là tư duy của con người về một đối tượng nào đó ( lí lẽ)

Triết lý là hỏi.
Triết học là hỏi về hỏi.

Bạn dựa vào đây làm tiếp hen, ví dụ thì nhìn là ra rồi đó bạn hiền. chúc bạn làm bài tốt.
 

Hide Nguyễn

Du mục số
Một số luận giải hay, chia sẻ cùng mọi người

Triết lý là gì ?

TRIẾT LÝ LÀ GÌ?

KARL JASPERS (1883-1969)



Karl Jaspers. "Triết lý là gì?", trong Triết học nhập môn. Lê Tôn Nghiêm dịch. Bộ Giáo dục và Thanh niên - Trung tâm học liệu xuất bản, 1969, tr. 30-36.





MỤC LỤC

Nhập đề
Triết lý là gì?
Mấy nguồn suối phát sinh ra triết lý
Bao dung thể
Ý niệm về Thiên Chúa
Yêu sách tuyệt đối
Con người
Vũ trụ
Niềm tin triết lý và triết lý ánh sáng
Lịch sử nhân loại
Tinh thần độc lập của triết lý
Ý hướng triết lý của cuộc đời
Lịch sử triết học
Phụ lục

Triết lý bị ngộ nhận

Người ta thường không đồng ý với nhau về vấn đề triết lý là gì hay triết lý có giá trị gì?

Vì có người tưởng rằng: triết lý tiết lộ những bí mật kỳ diệu.

Người khác lại nhận thấy triết lý là một lối suy luận vô căn cứ, rồi họ bỏ qua luôn không đếm xỉa gì đến nữa.

Có khi người ta lại coi triết lý là một cố gắng đầy ý nghĩa của những thiên tài.

Người khác lại khinh thường triết lý, cho triết lý là một lối suy luận chủ quan, cố chấp, vô ích do một số đầu óc mơ mộng nghĩ ra.

Có người cho rằng: triết lý liên quan đến vận mệnh của mỗi người, nên triết lý phải đơn sơ ai ai cũng hiểu nổi.

Người khác lại tưởng rằng: triết lý quá khó, không thể học hỏi hay sưu tầm được.

Nói tóm, danh từ triết lý bao hàm một lãnh vực khá rộng rãi nên mới thấy nhiều nhận định mâu thuẫn như trên.
Khoa học với triết lý.

Tệ hơn nữa, những ai có đầu óc khoa học đều thấy triết lý không đem lại một kết quả hiển nhiên, hay kiến thức chính xác nào. Khoa học ngành nào cũng nắm được những kiến thức chắc chắn mọi người đều chân nhận. Trái lại triết lý qua bao nhiêu nỗ lực kể đã hàng ngàn năm vẫn chẳng thành tựu gì. Không một ai là không thấy rằng: trong lãnh vực triết lý không bao giờ có sự biểu tình đồng tình nhất trí để có thể thiết lập một số kiến thức chính xác khách quan. Một kiến thức nào bất cứ, hễ đã căn cứ trên những chứng minh chính xác, bất kháng thì không còn là triết lý nữa mà là chân lý của khoa học. Như thế kiến thức ấy đã thuộc lãnh vực trí thức riêng biệt của khoa học rồi.

Nhưng khác với khoa học, tư tưởng triết lý hình như lại không tiến bộ gì cả. Dĩ nhiên chúng ta biết nhiều hơn Hippocrate (một Y-sĩ Hy-lạp) nhưng chúng ta không thể tự hào đã vượt xa hơn Platon. Có chăng chúng ta chỉ hơn tiên sinh về những kiến thức khoa học, còn những gì thuộc phạm vi sưu tầm triết lý đúng nghĩa, có lẽ chúng ta mới gần theo kịp tiên sinh thôi.

Khoa học thì được mọi người công nhận. Trái lại triết lý bất cứ dưới hình thức nào đều không thể được mọi người biểu đồng tình. Bản tính của triết lý là như thế. Nên những gì tìm tòi và chinh phục được ở địa hạt triết lý đều không có tính cách đích xác như khoa học và được mọi người biểu đồng tình. Đây là một công cuộc tự kiểm thảo[1] mà kết quả của nó chi phối cả số mệnh của con người. Hơn nữa những kiến thức khoa học chỉ hạn định trong những đối tượng đặc thù mà không liên hệ đến toàn diện sự hữu[2] là những gì liên hệ đến con người vì là con người. Ở đây, những chân lý khi bừng sáng lên có thể xuyên xuống những nơi sâu kín hơn mọi kiến thức khoa học.

Muốn xây dựng một hệ thống triết lý thì thiết yếu phải cần tới khoa học, phải giả thiết những tiến bộ của khoa học đương thời. Nhưnghướng đi của triết lý lại phôi thai từ một nguồn suối khác. Chiều hướng ấy đã xuất hiện trước tất cả mọi khoa học, ngay lúc con người vừa tự phản tỉnh.
Những ý kiến triết lý thông thường.

Triết lý thông thường có những đặc điểm sau đây:

1) Trong triết lý ai ai cũng cảm thấy như mình có đủ khả năng suy tư. Trái lại trong khoa học cần phải nghiên cứu thực tập theo phương pháp. Nhưng trong triết lý ai ai cũng có tham vọng tự tìm hiểu và được quyền tham gia những cuộc tranh luận mà không cần tập sự gì cả. Vì ai ai cũng cảm thấy mình mang thân phận làm người với số kiếp và kinh nghiệm riêng tư của mình. Và lấy thế làm đủ.

Đó là một sự đòi hỏi rất chính đáng nghĩa là ai ai cũng có thể triết lý. Vì những đường lối phức tạp nhất của triết lý như đường lối mà các triết gia chuyên môn đã theo đuổi chỉ có nghĩa khi chúng quy hướng về thân phận con người. Mà thân phận làm người chỉ được thể hiện là tùy ở cách thái mỗi người nắm chắc được sự Hữu và nhân cách của mình.

2) Ở thời nào bất cứ suy tư triết lý đều phải bắt nguồn tự bản ngã và ai ai cũng phải dấn thân vào đấy.

3) Một dấu hiệu chắc chắn khiến con người có thể tìm thấy ở nơi chính mình nguồn suối của mọi lối suy tư triết lý là những thắc mắc của trẻ em. Người ta đã từng nghe ở trẻ em những lời nói có ý nghĩa triết lý thâm trầm như: “Em cứ thường nghĩ em là một kẻ khác. Nhưng không hiểu sao em lại cứ là em?” Như thế đứa trẻ đã như linh cảm được nguồn suối của mọi chân lý: đó là ý thức về sự Hữu nhờ sự nhận thức về chính mình. Nó ngỡ ngàng trước cái ngã huyền bí mà không giải đáp nổi. Đứng trước huyền bí ấy nó cứ thắc mắc hoài.

Khi nghe lịch sử Sáng thế[3] kể: “Thoạt kỳ thủy Thượng đế đã tạo dựng trời đất”, một em bé khác hỏi: “Vậy trước đó có gì không?” hỏi thế, em nhỏ đã nhận thấy nảy ra muôn vàn câu hỏi khác. Và như thế nó cũng nhận ra rằng: trí khôn con người tra hỏi không biết đâu là cùng. Mà rồi cũng không bao giờ có giải đáp thỏa đáng.

Một cô bé khác nhân buổi đi dạo trên đường vào rừng, Bác cô kể cho cô nghe truyện có thần tiên thường nhảy múa nơi đây khi đêm xuống. Cô ta nói “làm gì có thần tiên? Truyện hoang đường!” Thế rồi Bác cô kể truyện có thực, bảo cô nhìn mặt trời di chuyển; và ông nói cho cô hay người ta vẫn thắc mắc không biết mặt trời quay hay trái đất quay; rồi người ta còn viện ra nhiều lý do để bảo trái đất có hình cầu và quay đều. Nghe những điều đó, cô bé gắt, dậm chân phản đối: “những chuyện đó có thật không Bác, làm sao trái đất lại quay được? chân cháu dẫm trên đất chắc nịch đây nè. Cháu chỉ tìm những gì mắt thấy, chân dậm chắc được thôi”.

Bác cô lại hỏi tiếp: con có trông thấy Thiên Chúa đâu không, vậy con có tin Ngài không? Hốt hoảng cô bé quyết đáp: “không có Thiên Chúa làm gì có ta!” Tóm lại, như vậy cô bé ấy đã biết ngạc nhiên vì nhận thấy rằng: vũ trụ này không tự mình mà có. Rồi cô cũng đã biết phân biệt những gì thuộc trần thế và những gì liên quan đến sự Hữu và địa vị của con người trong toàn cục ấy.

Nhân lúc đi thăm bà con một cô bé khác vừa bước lên thang máy cô có cảm tưởng mọi sự đều quay cuồng thay đổi liên miên, có đấy rồi lại không có đấy. Nhưng nghĩ lại cô tự nhủ rằng: làm sao cũng còn một cái gì vững chãi ví dụ tôi lên thang gác đến phòng Dì tôi đây! Đó là một cái gì vững chắc. Sự ngạc nhiên và hoảng hốt của cô trước sự biến hóa liên miên của vũ trụ và sự hủy diệt dần dần của vạn vật làm cô cố sức đi tìm lấy một giải thích.

Tóm lại, với những ý kiến triết lý thông thường vừa kể trên có thể giúp xây dựng được một nền triết lý sơ đẳng.

Nghe thế có người sẽ vội bảo: trẻ em chỉ học lại những gì chúng đã từng nghe thấy cha mẹ hay người lớn nói ra.

Nhưng đứng trước những tư tưởng sâu sắc như vậy không thể nói được rằng chúng đã học ở ai cả.

Người khác lại cho rằng: các trẻ em chưa thể có được những ý nghĩ triết lý sâu xa như thế, chẳng qua chỉ là chuyện tình cờ.

Nếu nghĩ thế người ta đã lãng quên rằng: trẻ em thường sinh ra với một thiên bẩm tính[4]. Thiên bẩm tính ấy đã dần dà mất đi khi đứa trẻ khôn lớn. Như thế cùng với năm tháng, là con trẻ chúng ta đi vào cuộc đời khuôn khổ đầy quy chế, đầy dư luận phù phiếm, đầy giả dối và thành kiến, chúng ta như đánh mất hẳn thiên bẩm tính tự nhiên, để tiếp thâu những gì do cuộc đời biến thái đem lại mỗi giây phút. Bấy giờ chúng ta cũng nghĩ, cũng nhìn xem, cũng tra vấn, nhưng rồi mọi điều ấy đều bay vù đi mất. Chúng ta như để chìm vào quên lãng những gì đã đột khởi ở lòng ta trong những giây phút thiêng liêng nào đó. Rồi về sau ta mới ngạc nhiên khi nghe người ta kể lại những điều mình đã nghĩ, đã thắc mắc ngày xưa.

4) Không những xuất hiện nơi trẻ em, một nền triết lý bắt nguồn tự nguyên ủy còn xuất hiện nơi những bệnh phản tinh thần[5]. Năm chừng mười họa, ra như những bệnh nhân này bị một bức màn phủ kín, nhưng một đôi khi bức màn bị xé toang. Lúc ấy ta nghe họ nói được những chân lý cao siêu ví dụ vào những thời kỳ xuất hiện những triệu chứng cuồng loạn, thì họ tiết lộ những bí mật siêu hình kỳ quái. Nhưng hình thái, ngôn ngữ của họ trong những lúc ấy nếu phổ biến ra được cũng không mang một ý nghĩa nào rõ rệt cả, ngoại trừ trường hợp đặc biệt của thi sĩ Hölderlin và họa sĩ Van Gogh.

Tuy nhiên khi chứng kiến tiến trình ấy, ta có cảm tưởng như được thấy tận mắt bức màn che phủ cuộc sống thường nhật của ta bị xé toang.

Ngoài ra cả những con người lành mạnh cũng có kinh nghiệm thấy rằng: thoạt vừa thức giấc, họ có cảm giác như lúc ngủ đã hiểu nghĩa được những gì kỳ diệu sâu xa lắm. Nhưng khi tỉnh táo hẳn, họ không còn hiểu gì nữa mà chỉ còn những cảm giác huyền ảo.

Nên thực là thâm trầm ý nghĩa câu ngạn ngữ: “chân lý thoát ra từ cửa miệng trẻ em và người điên dại!”.

Tuy nhiên đấy không phải là những sáng tác đặc sắc có thể kiến thiến thành tư tưởng triết lý cao xa. Vì sáng tác thực thụ chỉ có một số ít trí óc vĩ đại minh mẫn và độc lập phi thường mới làm nổi và phải trả qua hằng bao nhiêu thiên niên.

5) Là người không một ai bỏ qua triết lý được vì thế mới thấy triết lý xuất hiện khắp nơi và tồn tại mãi mãi, hoặc dưới một hình thức công cộng hay trong các phương ngôn, tục ngữ cổ truyền trong những triết ngôn thông thường, trong những ý kiến của học giả Bách khoa, trong quan niệm chính trị nhất là trong huyền thoại hồi đầu lịch sử.

Như thế đã rõ không ai là không triết lý. Nhưng còn cần phải xét xem người triết lý có biết mình triết lý hay không? Hay đâu là triết lý chân thực đâu là triết lý ngụy tạo? triết lý có sáng sủa hay mơ hồ? Sau cùng, cả thái độ phủ nhận triết lý cũng đã mặc nhiên là một triết lý rồi vậy.
Đâu là cốt yếu của triết lý?

Theo nguyên ngữ Hy-lạp danh từ “philosophos” (triết gia) được đặt ra để đối lập với danh từ “sophos” (bác học) nghĩa là triết gia yêu mến hiểu biết, trái lại bác học sỡ hữu kiến thức. Nghĩa ấy ngày nay vẫn còn, nghĩa là bản chất triết lý là truy tầm chân lý, chứ không phải chiếm đoạt chân lý. Ngay cả những trường hợp triết lý biến thành giáo điều, thành kiến thức công thức, chung cục hoàn bị, có thể truyền bá bằng giáo khoa được.

Vì triết lý là một cuộc hành trình[6].

Nên với triết lý, tra vấn thắc mắc thường quan trọng hơn giải đáp. Hơn nữa mỗi giải đáp còn đẻ ra nhiều thắc mắc mới.

Như thế, hành trình là số kiếp con người trong trần gian. Nhưng chính cuộc hành trình ấy lại đem cho con người nguồn an ủi vô tận. Hơn nữa, trong những giây phút thiêng liêng, nhờ đó con người còn được hoàn toàn toại nguyện. Nhưng toại nguyện ở đây không phải như khỉ thu lượm được một kiến thức đích xác hay như khi chấp nhận một tín lý, hoặc khi tuyên xưng đức tin. Trái lại ở đây toại nguyện là khi trong trần thế này con người thấy thực hiện được ý nghĩa của một con người đã nhận được ánh sáng của Sự Hữu soi cho. Bắt gặp được ánh sáng sự Hữu ấy trong một cảnh ngộ đặc biệt nào đó trong cuộc sống, đó chính là ý hướng của mọi cố gắng triết lý.

Tóm lại, hành trình luôn mãi và tìm tòi hay được an ủi toại nguyện trong những giây phút thiêng liên cũng không phải những định nghĩa của triết lý. Vì triết lý không đứng trên hay ngang hàng với cái gì cả. Triết lý cũng không do cái khác phát sinh. Trái lại, triết lý chỉ là triết lý bằng thực hiện. Triết lý là gì chỉ có thể qua kinh nghiệm mới hiểu được. Nhờ kinh nghiệm, người ta mới nhận thấy rằng: triết lý vừa là thể hiện tư tưởng linh động vừa là suy tư về tư tưởng linh động ấy hay triết lý vừa là hành động vừa là thái độ giải thích cho hành động.

Tóm lại, chỉ nhờ kinh nghiệm bản thân, mỗi con người mới nhận thức được đâu là bản chất triết lý ở đời.
Những cố gắng định nghĩa triết lý,nhưng không một định nghĩa nào thành công.

Ngoài những điều trên còn cần tới những phương thức khác để diễn tả ý nghĩa của triết lý. Nhưng không một phương thức nào diễn tả nỗi ý nghĩa ấy và cũng không có một phương thức nào trôi vượt cả.

Ngày xưa, theo đối tượng, thì người ta định nghĩa triết lý là biết được những vấn đề về thần minh và nhân loại, hay biết được sự hữu theo tính cách là sự hữu.

Theo mục đích, thì triết lý được coi là học để biết chết hay triết lý là biết dùng tư tưởng để tìm hạnh phúc hoặc để thành thần.

Sau cùng theo nội dung, người ta định nghĩa triết lý là lối biết vượt trên mọi lối biết, là nghệ thuật vượt trên mọi nghệ thuật, hay đúng hơn, là môn học không bị hạn hẹp vào một địa hạt riêng biệt nào cả.

Ngày nay, muốn trình bày ý nghĩa triết lý, người ta có thể dùng những phương thức sau đây:

Triết lý muốn nhìn thấy Sự Hữu nguyên thủy, là muốn lý hội được Sự Hữu ấy nhờ sự tự phản tỉnh của tôi với tôi mỗi khi tôi suy tư bằng phản tỉnh.

Hay triết lý là mở đường cho mỗi cá nhân tiến sâu vào Bao dung thể[7], hay triết lý là dám đối thoại với người khác bằng một tình chiến đấu huynh đệ[8] về bất cứ một vấn đề gì.

Hay triết lý là phải có tinh thần minh mẫn không biết mệt mỏi hay chán nản, cả những khi phải chạm trán với những con người vô cùng xa lạ chỉ muốn khép kín, chỉ muốn từ khước.

Tóm lại triết lý là đường dẫn con người về trọng tâm, nơi đây họ mới nhận thức được chính họ trong khi dấn thân vào cuộc đời.
Triết lý vĩnh cửu.

Như thế đã rõ dưới hình thức một vài tư tưởng đơn giản và hấp dẫn, triết lý xuất hiện với bất cứ ai kể cả con nít. Tuy nhiên, việc suy diễn triết lý đòi hỏi phải cố gắng liên lỉ, và phải bắt đầu lại luôn mãi mới hy vọng đạt tới được hình thức một hệ thống hợp thời. Chính nhờ đó triết lý đã xuất hiện trong những sáng tác của những đại triết gia và dưới hình thức âm vọng trong các tác phẩm của triết gia trung bình. Dưới hình thức nào cũng được, ý thức phải cố gắng triết lý ấy không thể nào mai một đi được, bao lâu con người còn là con người.

Nhưng không phải ngày nay triết lý mới bị công kích kịch liệt đến thế. Từ ngàn xưa người ta đã lên án toàn diện triết lý như một đồ thừa thãi và nguy hại: triết lý làm gì? có cứu nguy được ai không?

Với những tín điều võ đoán, Giáo-hội bài xích triết lý, cho rằng triết lý dẫn loài người xa Thiên Chúa, mê hoặc và ghì con người lại với trần gian, tác hại họ bằng những lý thuyết không đâu. Chính trị độc tài cũng chỉ trích rằng: các triết gia không lo gì việc xây dựng, cải tạo xã hội, chỉ mải miết giải thích trần gian bằng những lý thuyết vẩn vơ.

Tóm lại, cả hai tổ chức trên đều đồng thanh chửi triết lý là một nguy hại như: triết lý làm rối trật tự, cổ võ tự do cá nhân và đề cao căm hờn bạo động. Triết lý lường gạt con người, làm cho họ xa lìa bổn phận sống của họ. Giáo hội với sức mạnh hấp dẫn của thế giới bên kia căn cứ vào Thiên Chúa mặc khải hay Chính trị với quyền lực thế tục, cả hai đều muốn hủy diệt triết lý.

Ngoài ra triết lý còn tỏ ra bất lực trước những nhu cầu cấp bách và thực dụng của cuộc sống hàng ngày. Thalès, nhà triết học cổ nhất Hy lạp bị cô đầy tớ mỉa mai khi ông sẩy chân sa giếng vì nhìn mây nhìn gió. Cô gái tự hỏi: không hiểu ông hiền triết này lại lo chuyện gì xa xôi mà vụng về sống đến thế?

Nếu bị công kích như thế, đáng lý ra triết lý phải tự biện hộ. Nhưng không thể, vì triết lý không đề xướng ra được một chứng cứ vụ lợi nào để bảo đảm lý do tồn tại của mình cả. Trái lại triết lý chỉ tồn tại là vì bao giờ trong con người cũng tiềm chứa những khả năng triết lý rất hồn nhiên. Những khả năng ấy lại chỉ bênh vực một lập trường vô vị lợi, không tính toán hơn thiệt, mà chỉ chú trọng tới con người là con người. Và nó cũng biết rằng: triết lý sẽ tồn tại mãi mãi bao lâu còn có con người trên mặt đất.

Chính Mác-xít và Phát-xít chủ nghĩa là những kẻ thù triết lý lại cũng biện hộ cho triết lý. Vì những chủ nghĩa ấy cũng phải được suy diễn thành hệ thống triết lý sao cho thích hợp với những chuẩn đích thực tiễn, tuy đó chỉ là những cặn bã của triết lý, nếu xét theo những kết quả họ nhằm. Vì thế chính những chủ nghĩa ấy lại biện hộ cho sự cần thiết bất kháng của triết lý.

Nghĩa là luôn luôn con người cần triết lý.

Nhưng triết lý không thể đấu tranh, không thể tự biện minh mà triết lý chỉ có thể cảm thông. Triết lý không đề kháng khi bị phủ nhận, không tự đắc khi được tán dương. Nhưng trên một bình diện cộng đồng nơi thâm sâu của lòng người, mỗi cá nhân đều cảm nghiệm được triết lý cả.

Đã từ hai ngàn rưỡi năm nay, một nền triết lý cao siêu, có hệ thống mạch lạc đã xuất hiện ở Tây phương, ở Trung-hoa cũng như ở Ấn-độ. Đó là một truyền thống vĩ đại được ký thác cho chúng ta như một di sản tinh thần. Tuy khác nhau về những môn phái triết lý cũng như về những mâu thuẫn, những tranh biện xung khắc, nhưng chúng ta vẫn nhận thấy rằng tự căn bản vốn có một cái gì độc nhất mà không ai có thể sở hữu được, nhưng bất cứ một suy tư triết lý chính đáng nào cũng đều phải quy hướng vào đấy: đó là triết lý nhất quán và vĩnh cửu (Philosophia perennis).

Vậy, để suy tư triết lý của chúng ta được minh xác và đạt tới được cốt yếu, chúng ta luôn luôn phải quay về với căn bản truyền thống ấy.



[1] Tự kiểm thảo (eine Vengevvisserung) nghĩa là không nhằm đối tượng ngoại tại như khoa học và triết lý suy lý, mà nhìn vào chính mình, tự suy nghĩ về chính mình.

[2] Toàn diện sự hữu gồm hữu-thường-nghiệm, hữu-hiện-sinh và Hữu-tự-tại. Xem Nhập đề.

[3] Sáng thế ký (Schopfungsgeschichte) quyển đầu trong Cựu ước của Kytô giáo kể lại truyện khai thiên lập địa.

[4] Thiên bẩm tính (Genialitat), ở đây Jaspers như muốn chấp nhận một thứ “nhân chi sơ tính bản thiện” tức là giai đoạn con người sống những gì hồn nhiên, chất phác, nguyên thủy nhất, nhưng khi đi vào đời, thiên bẩm tính ấy đã dần dà bị phai mờ hay tiêu diệt hẳn mất.

[5] Bệnh nhân tinh thần (Geisteskrank): với tư cách một nhà tâm trị học, Jaspers đã quan sát, phân tích và còn điều trị những bệnh nhân tinh thần này. Theo ông, lắm khi những cơn khủng hoảng tinh thần tiết lộ ra nhiều chân lý huyền diệu hơn những trạng thái thông thường.

[6] Cuộc hành trình (Auf-weg-zu-sein) cũng như mọi khuynh hướng triết học hiện sinh, Jaspers chủ trương con đường triết lý không bao giờ chung kết, vì những thắc mắc không bao giờ được giải quyết hoàn toàn.

[7] Bao dung thể là quan niệm đi đôi với quan niệm về Biện chứng Nhảy vượt. Xem chương Nhập đề số 1 và giải thích trên chương đó.

[8] Chiến đấu huynh đệ là trọng tâm của thái độ Thông cảm.

Sự phân biệt triết học và triết lý,
Ở Việt Nam, chắc chắn không phải là một
Ở nước ta, có sự phân biệt giữa triết học và triết lý; nhưng tài liệu phân biệt rạch ròi hai khái niệm đó dường như chưa có. Trên các diễn đàn, “triết lý giáo dục” được nói nhiều chứ không phải “triết học giáo dục”. Tra trên google, kết quả cũng phù hợp: Cụm từ đầu thu được số kết quả đo bằng “triệu”; còn cụm sau chỉ đạt mức “ngàn”.
Hẳn tổng bí thư phải là người số 1 có thẩm quyền nói về triết học và sự vận dụng nó vào giáo dục; nhưng gần đây khi làm việc với Bộ Giáo Dục (17-8-2012), ông không đề cập tí gì tới triết học, mà nói: “Cần hình thành một triết lý về giáo dục”. Qua đó, lần nữa ta thấy ông cũng xem đây là hai khái niệm.

Rất may, có hai hội nghị bàn về triết lý giáo dục mà khách mời toàn là những vị đã hoặc đang giữ quyền cao chức trọng trong ngành (hoặc liên quan với) giáo dục. Một cái do Viện Khoa Học GD (19-7-2012) và một nữa do Tạp Chí điện tử Đảng CSVN (31-8-2012) tổ chức. Thật buồn, khi tìm hiểu các báo cáo - kể cả báo cáo đề dẫn và báo cáo chính - tôi có hai ấn tượng: 1) khái niệm triết lý chưa được làm rõ trước khi thảo luận; 2) các báo cáo cố vận dụng triết học vào giáo dục, hơn là nói triết lý. Thế thì chính tôi cũng từng như vậy. Tôi cũng từng lơ mơ khái niệm triết lý; cũng từng cố kiết vận dụng triết học vào nghiên cứu y học (nhưng thất bại).
Đành tự tìm hiểu và nêu lên ở bài này những thu hoạch chủ quan và rất mong sự góp ý.

Chúng ta chỉ có một triết học, còn triết lý thì rất nhiều…
Từ điển cho thấy: Triết Học là một khoa học. Nội dung mà nó có được là nhờ nghiên cứu nghiêm túc, với phương pháp đặc thù, xác định. Triết học tìm tòi những quy luật chung nhất, bao quát nhất của tự nhiên và xã hội (quy luật của quy luật). Còn triết lý lại khác. Nếu triết học là lý luận (khách quan), thì triết lý chỉ là lý lẽ (chủ quan) do vậy sự đúng-sai có thể do góc nhìn; ngoài ra có thể nó chẳng liên quan gì tới Triết Học. Một ví dụ, có người bảo: triết lý phổ biến hiện nay là học để thi . Nó đúng hay sai: tùy quan điểm; nhưng quả là nó ít dính dáng tới triết học (sẽ nói thêm ở dưới).

Cần khẳng định: Nước ta chỉ tồn tại một triết học. Đó là triết học Mác-Lênin - chân lý thời đại, vũ khí lý luận vô địch của giai cấp vô sản thế giới. Mọi người đều đã được học, vậy ở đây chỉ xin nhắc lại vắn tắt: Duy nhất, chỉ có Đảng CSVN đủ tầm trí tuệ vận dụng một cách nhuần nhuyễn nhất và sáng tạo nhất triết học này vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Nói khác, quan điểm của Đảng không phải là triết lý, mà là sự vận dụng triết học.
Có sự lẫn lộn triết học và triết lý, thể hiện ở một câu trong Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2008-2020 do Bộ Giáo Dục soạn thảo. Đó là câu: Phát triển sự nghiệp giáo dục cần dựa trên một hệ thống triết lý. Đó chính là một hệ thống quan điểm chỉ đạo của Đảng… Trách gì các hội tháo chẳng lẫn lộn như thế…
Vận dụng triết học vào thực tiễn: Không dễ tí nào sất
Đảng ta đủ tầm cao trí tuệ vận dụng sáng tạo triết học Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, đưa nước ta lên CNXH - bước trung gian trước khi lên CNCS.
- Ở tầm vĩ mô, sự vận dụng đưa đến những nguyên lý bất di dịch - mà chúng ta đã được học tập cho đến khi thông suốt. Đó là:
a) Vai trò lãnh đạo của Đảng do lịch sử trao, không thể thoái thác;
b) Tam quyền chỉ phân công, có phối hợp, mà không phân lập;
c) Về kinh tế: kinh tế Nhà Nước phải là chủ đạo; đất đai phải thuộc sở hữu toàn dân…
… vân vân.
- Ở mức thấp hơn, Đảng đưa ra các phương hướng, quan điểm chỉ đạo hoặc chỉ thị… để cấp dưới vận dụng. Nhưng vận dụng rất không dễ. Dự thảo Chiến Lược GD phải sửa tới 14 lần vẫn không xong, nói lên điều đó.

Bản thân tôi, để có chức danh giáo sư, khỏi cần nói đã tốn biết bao công sức học tập triết học Mác-Lênin (mà học nhiều lần). Nhưng cũng xin thú thật: Tôi đã cố, nhưng vẫn không áp dụng nổi lý luận vào nghiên cứu y học. Do vậy tôi khâm phục ai vận dụng tốt thứ vũ khi bách thắng này; ví dụ, cụ GS Nguyễn Đức Bình.

- Cụ Nguyễn Đức Bình - nhà lý luận kiệt xuất - phát hiện rằng: Phong trào Văn Thân (chống Pháp) tan rã là thời điểm chấm dứt vai trò lịch sử của giai cấp phong kiến. Ngọn cờ, theo quy luật, chuyển qua tay giai cấp tư sản, nhưng cũng kết thúc chóng vánh khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại. Từ đó, giai cấp vô sản Việt Nam hoàn toàn lãnh đạo cách mạng - cho tới khi nào xây dựng xong CNCS.
Như vậy, từ 1789 tới nay giai cấp tư sản thế giới đã và vẫn cầm quyền. Chưa có dầu hiệu nó giãy chết. Nhưng ở nước ta nó chết mất tăm ngay khi chưa kịp lớn.
- Vậy mà trước đó tôi cứ hiểu sai: Các cuộc khởi nghĩa yêu nước đều do trí thức khởi xướng. Khi chưa có nền tân học, người khởi xướng phong trào yêu nước đương nhiên phải là các trí thức nho học. Từ năm 1919 nền học cũ chấm dứt, các cụ nho học đã quá cao tuổi, đương nhiên lớp trí thức mới (do nền tân học đào tạo) thay thế các cụ. Việc lập các đảng Văn Thân, Quốc Dân Đảng hay Cộng Sản đều do các trí thức chứ còn ai khác?. Ấy là tôi từng hiểu sai như vậy

Không như triết học, triết lý rất đa dạng, đủ cỡ, đủ mức

- Dường như mọi hành động của con người đều có mục tiêu. Khi theo đuổi lâu dài một mục tiêu, con người rút ra những lý lẽ tự mình cho là cao đẹp nhất, phù hợp nhất, hiệu quả nhất và dễ biện minh nhất - nghĩa là hình thành một triết lý. Tên trộm chuyên nghiệp cũng có triết lý riêng trong đó có những lý lẽ (đẹp) biện minh hành vi (xấu) của mình.

Media player poster frame

- Nếu triết học hình thành do nghiên cứu thì triết lý do trải nghiệm trong cuộc sống nhằm ứng phó tối ưu với một thực tiễn. Tùy góc độ, một thực tiễn có thể sinh nhiều triết lý.
Một ví dụ: Cùng một thực tiễn, mỗi nhóm lại có triết lý riêng. Khi xã hội lâm vào tình huống (nhân tạo) khiến thanh thiếu niên chỉ có một ngõ hẹp để tiến thân: thi đại học (quá ít trường dạy nghề), tất nhiên họ và phụ huynh sớm muộn sẽ nảy ra triết lý “học để thi’ (không học thêm, đố qua được cửa ải). Thầy cô coi “dạy thêm” là đáp ứng nhu cầu, và là cách làm ăn lương thiện. Cấp quản lý đối phó bằng hai biện pháp: 1) Cho đề thi thật khó vì thí sinh quá đông - để phân loại “giỏi - dốt” chính xác; 2) Ban hành quy định “cấm dạy thêm để giải tỏa bức xúc xã hội…
Hai nhóm đầu rất đông đảo, nhưng tới tấp bị phê phán trên truyền thông, mà tại đó họ không bao giờ có cơ hội được giãi bày gì hết. Vòng luẩn quẩn hinh thành.

- Sự hình thành một triết lý thường có ý thức, nhưng cũng có thể vô thức. Có người diễn đạt dễ dàng triết lý của bản thân, có người không làm nổi, do trình độ hoặc triết lý chưa thật định hình. Dù sao, nghĩa chữ “triết” ở đây cũng tương tự như trong Triết Học - đều hàm ý đẹp, sáng láng, cao minh. Khác nhau là một bên lấy tiêu chuẩn khách quan để đánh giá; còn bên kia, chuyện “sáng láng” là tự đánh giá một cách chủ quan.
- Nếu lý luận triết học khó thay đổi (trừ khi đã cố áp dụng vẫn không nổi, hoặc khi bị một lý luận khác đánh đổ), thì triết lý có thể thay đổi rất nhanh khi thực tiễn thay đổi.
- Có triết lý của cá nhân, của nhóm, tầng lớp… thậm chí của cả dân tộc. Một dân tộc trải nhiều hiểm họa, nếu vẫn có cách tồn tại, sẽ rút ra một triết lý phù hợp để tồn tại lâu dài, thoát bị đồng hóa hoặc bị diệt. Lúc này, triết lý trở thành minh triết. Minh triết của Phật, của đức Giêsu, đức Ala… hấp dẫn được hàng tỷ người.

Không như triết học, triết lý hoàn toàn đơn giản dễ hiểu
Để hiểu triết học, phải có một trình độ. Còn triết lý, do người thường tạo ra trong đời thường nên hiếm khi cao siêu, mù mờ. Một học sinh cấp I và II làm sao hiểu nổi cái triết lý mơ hồ “học làm người” (?). Nếu lại còn hỏi hàng mấy trăm cháu đang xếp hàng trước mặt: “Làm người có khó không?” thì… hài thật.
Mặt khác, người này, nhóm này, tầng lớp này… không dễ áp đặt triết lý của mình cho đối tượng khác. Trong lịch sử, sự áp đặt triết lý tôn giáo (kể cả việc gọi tôn giáo khác là “tà đạo”) đã gây đau khổ, đổ máu không ít.
Trong đời thường, triết lý “học để thi” là cách đối phó thụ động, tiêu cực - nhưng hiệu quả - với một tình huống mà nạn nhân (rất đông) không có cách nào xóa bỏ, mặc dù trên danh nghĩa họ là “ông chủ”; còn thiểu số gây rắc rối lại chính là số ít “đầy tớ”, nhưng thực quyền. Dù nói gì, vẫn phải thừa nhận rằng đám “đầy tớ” đều tốt, đầy thiện tâm, thiện chí - đúng nghĩa. Bi hài là ở đó.
Một số vị hảo tâm trong giới quản lý ngồi bàn nhau đưa ra một triết lý tặng 20 triệu học sinh… rất có thể thành áp đặt. Cái ví dụ “học để thi” (ở trên) cho thấy triết lý của người học và người quản lý có thể xung khắc nhau. Câu hỏi: Ai phải tuân theo triết lý của ai?

Qua hành vi, có thể tìm ra triết lý bị ẩn dấu
- Một vị đầy tớ cứ khơi khơi nói trên truyền thông: “cần phải giáo dục nhân dân”. Triết lý nào đang ngự trong đầu ông này?
- Tự do đối với trí thức như ánh sáng mặt trời đối với thảo mộc. Khi người ta đưa cụm từ “đội ngũ trí thức” vào văn bản… thì triết lý của người sử dụng cái cụm từ này là gì?
- Nhưng hãy nói vào Giáo Dục. Sửa đoạn kết của chuyện Tấm Cám để che chắn cho các cháu, viết la liệt khẩu hiệu “học lễ” để đưa vào khuôn phép, đưa ra các bài “văn mẫu”, cho cả trường thi “chữ đẹp”, đặt tiêu chuẩn kết nạp 100%... vân vân và vân vân… có lẽ là cái ngọn của một triết lý đã thâm căn từ nền học cũ. Đây là nền học muốn có cái khuôn đẹp, cứng như thép, để đúc mọi sản phẩm của nó theo một cái mẫu chuẩn.
Câu hỏi tiếp theo là, cái triết lý này của ai: của trò, của phụ huynh (?) hay của thầy, hay của người quản lý?...
Điều chắc chắn là một triết lý không thể đồng thời của cả 4 hoặc 5 đối tượng kể trên.
  • Nguyễn Ngọc Lanh - Vietnamnet

Văn hóa, triết lý và triết học


Văn hóa là nguồn nuôi dưỡng các triết lý, các tư tưởng và hệ thống triết học, là điều kiện tất yếu cho sự tồn tại và phát triển các hệ thống triết học. Các triết lý, các hệ thống triết học lại là những bộ phận cốt lõi nhất trong nền văn hóa của một dân tộc. Xét trên nhiều khía cạnh, triết lý luôn ở tầm thấp hơn so với các hệ thống triết học, song nó chính là chất liệu của các hệ thống triết học bác học. Theo tác giả, văn hóa, các triết lý và các hệ thống triết học chính là ba tầng bậc khác nhau của văn hóa theo nghĩa rộng.

Văn hóa theo gốc tiếng Latinh (cultura) có nghĩa là canh tác, nuôi dưỡng, giáo dục, phát triển, tôn trọng. Trong lịch sử, ban đầu người ta thường đồng nhất văn hóa với tất cả những gì do con người tạo ra. Văn hóa là hệ thống các nguyên tắc, cách thức, chương trình, phương thức hoạt động sống thuộc tầng trên sinh học của con người. Hệ thống ấy được hình thành và phát triển qua quá trình lịch sử và giúp cho việc duy trì và cải biến đời sống xã hội. Các chương trình, phương thức hoạt động ấy được hợp thành bởi các tri thức, chuẩn mực, thói quen, lý tưởng, cách hành động, tư tưởng, học thuyết, lòng tin, mục trêu, định hướng giá trị... Những cái đó lại rất đa dạng, được tích luỹ lâu đời, tạo thành kinh nghiệm xã hội - một yếu tố cấu thành văn hóa, được di truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Văn hóa gắn liền với phương thức hoạt động sống của con người, nhờ đó mà phân biệt được sự tồn tại của con vật với cuộc sống của con người. Có nhiều nhánh quan điểm khác nhau về văn hóa, song nó luôn được xem như quá trình phát triển lý trí và các hình thức sống cố lý trí của con người, trái ngược với tính chất hoang dại và man rợ ở thời kỳ trền sử. Văn hóa là đời sống trnh thần của con người được duy trì và phát triển trong trến trình lịch sử, là sự trến hóa của ý thức đạo đức, luân lý, tôn giáo triết học, khoa học, pháp luật và ý thức chính trị, thúc đẩy sự trến bộ của nhân loại. Mặt khác, người ta cũng xem văn hóa như những điểm đặc thù của một xã hội. Văn hóa là hệ thống các giá trị và tư tưởng quy định kiểu tổ chức xã hội ở những thời kỳ lịch sử khác nhau. Các hệ thống đó là khác nhau và tương đối độc lập với nhau, trong chúng bao gồm toàn bộ tài sản văn hóa vật chất, tập quán chủng tộc, các dạng ngôn ngữ và các hệ thống biểu trưng khác.

Văn hóa chỉ là tính tích cực của con người trong hành vi, hoạt động và giao trếp nhằm tạo ra một thế giới mới - thế giới nhân tạo khác với giới tự nhiên. Văn hóa như là phương thức thực hiện và điều chỉnh các hoạt động của con người, là phương diện đặc biệt của đời sống xã hội. Nó tạo ra và truyền tải từ thế hệ này đến thế hệ khác các nguyên tắc, cách thức, các chương trình trên sinh học về hành vi, hoạt động và giao tiếp của con người. Như vậy, văn hóa không đồng nhất với xã hội mà chỉ là một phương diện đặc biệt của xã hội, hiện diện trong tất cả các trạng thái xã hội khác nhau và cũng không có một hiện tượng xã hội nào không chịu ảnh hưởng hoặc không mang dấu ấn của văn hóa.

Văn hóa còn được xem là hệ thống mã code thông tin, mã hóa các kinh nghiệm xã hội của con người. Kinh nghiệm ấy thể hiện như những chương trình trên sinh học về hành vi, hoạt động và giao trếp. Nếu trong các hệ sinh học bao giờ cũng có những kết cấu thông tin đặc biệt đề quản lý và điều chỉnh hệ thống sinh học ấy (AND, ARN), được gọi là gen, thì trong các hệ thống xã hội gen di truyền ấy là văn hóa. Các dạng hành vi, hoạt động, giao tiếp được điều chỉnh bằng các "chương trình, mã văn hoá" nhằm tái sản xuất và phát triển các yếu tố, các trểu hệ thống xã hội và các quan hệ của chúng, các thiết chế xã hội, các loại nhân cách đặc trưng cho xã hội đó. Điều đó tương tự như mã di truyền sinh học điều khiển trao đổi chất để tạo nên các tế bào và các bộ phận của cơ thể sinh vật.

Mã di truyền xã hội có chức năng chuyển tải từ người này qua người khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác toàn bộ các kinh nghiệm xã hội. Để có thể truyền tải, bảo tồn được thì khối các kinh nghiệm đó phải được thể hiện dưới dạng các loại ký hiệu khác nhau, như âm thanh, chữ viết, tiếng nói, điệu bộ, hình ảnh… Hệ thống các ký hiệu như vậy phải rất đa dạng, phong phú mới có thể ghi nhận được khối các kinh nghiệm xã hội vốn thường xuyên được đổi mới, bổ sung và phát triển. Hệ thống ký hiệu ấy cũng là một trong những yếu tố cấu thành của văn hóa.

Trong giới tự nhiên thứ hai, các sản phẩm do con người tạo nên cũng là những ký hiệu dưới các dạng thức và ý nghĩa khác nhau. Các vật thể văn hóa vật chất đóng vai trò kép trong đời sống con người: một mặt, chúng phục vụ trực tiếp mục trêu thực tiễn, cụ thể cho các nhu cầu hàng ngày của con người, như ăn, mặc, ở, đi lại... Mặt khác, chúng lại là phương tiện bảo tồn, chuyển giao các chương trình (programs), ý nghĩa, nội dung, phương thức điều chỉnh hoạt động, hành vi, giao tiếp. Dưới góc độ ấy, giới tự nhiên thứ hai mang ý nghĩa và nội dung văn hóa sâu sắc.

Các thành tố văn hóa trong hệ thống chỉnh thể bao hàm và gắn kết lẫn nhau tạo nên những cái chung, những triết lý mang tính thế giới quan, trong đó tích trữ những kinh nghiệm xã hội đã tích lũy được. Chúng không phải là những phạm trù triết học dù chúng phản ánh hiện thực, thể hiện thành những quy tắc, chuẩn mực của hoạt động, thành những triết lý, thành các cái chung văn hóa. Các triết lý có thể hoạt động và phát triển cả ở bên ngoài các hệ thống triết học, nhưng chúng lại vốn có trong các nền văn hóa mà ở đó, chưa có những hình thức phát triển của các hệ thống triết học.

Các triết lý xuất hiện, phát triển và hoạt động trong đời sống xã hội và cá nhân, mỗi yếu tố đều hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, liên hệ với nhau. Trong các triết lý đã có thể hiện những quan niệm khác nhau về các yếu tố cơ bản và các mặt của hoạt động sống của con người: vị trí con người, các quan hệ xã hội, đời sống tinh thần và các giá trị của cuộc sống con người. Những quan niệm ấy ẩn chứa bên trong các nội dung, chương trình phương thức hoạt động chung của xã hội và được cụ thể hóa bằng những quan niệm cụ thể hơn, định hướng cho hoạt động của các cá nhân và cộng đồng.

Trong các triết lý mang tính thế giới quan có thể có những phương án sống và hoạt động riêng, đặc trưng cho những kiểu văn hóa khác nhau và ăn sâu trong ý thức con người. Đồng thời chúng cũng gắn liền với những nội dung, phương thức, chương trình hành động của quá khứ lẫn tương lai, thể hiện những đặc điểm của phương thức giao tiếp và hoạt động của con người, của việc bảo tồn, chuyển tải kinh nghiệm xã hội và thang bậc giá trị. Chúng mang đặc trưng dân tộc và chủng tộc trong mỗi nền văn hóa, xác định đặc điểm của các nền văn hóa khác nhau, ý nghĩa của những triết lý trong văn hóa sẽ được các cá nhân thận thức và chúng sẽ xác định tầm quan niệm về thế giới, hành động và cách xử thế của các cá nhân. Ý nghĩa của những triết lý ở tầm nhóm và cá nhân sẽ được hiệu chỉnh cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của họ.

Hoạt động của các chương trình sinh học (bản năng ăn uống, tự bảo vệ, tính dục .v.v.. ) ở con người trải qua quá trình xã hội hóa, giáo dục, được thực hiện dưới hình thức triết lý văn hóa xác định. Rất nhiều những biểu hiện có thể có của các chương trình sinh học bị cấm do văn hóa. Văn hóa “cấm kỵ” nhiều tham vọng, ước muốn thể hiện tự do các bản năng động vật thông qua việc giáo dục, rèn luyện con người ngay từ thời thơ ấu; văn hóa bao hàm cả cái vô thức xã hội, được di truyền giữa các thế hệ, giữa người này với người kia. ở góc độ này, văn hóa cũng như các triết lý nói chung mang ý nghĩa và giá trị xã hội rất to lớn (1)

Tuy nhiên, mỗi dân tộc đều có nền văn hóa của riêng mình. Trong văn hóa dân tộc có những định đề, nguyên tắc, cách hành xử được thể hiện theo cách riêng. Điều đó có nghĩa là dân tộc nào cũng có những triết lý điều chỉnh cuộc sống và hoạt động của mình. Dân tộc nào cũng có nền văn hóa của mình, có những tư tưởng triết học và đặc biệt, có rất nhiều những triết lý phong phú, đa dạng. Nhưng không phải dân tộc nào cũng có các hệ thống triết học bác học, hàn lâm riêng. Các hệ thống triết học bác học, hàn lâm được các nhà tư tưởng tổng kết từ sự phát triển của khoa học, thực tiễn và lịch sử xã hội, hay nói cách khác, là sự phát triển của văn hóa dân tộc, trong đó có cả các hệ thống triết học bác học đã được xây dựng trước đó.

Văn hóa là nguồn nuôi dưỡng các hệ thống triết học, các tư tưởng triết học; là điều kiện, chất liệu và nguồn gốc cho sự phát triển của triết học. Một dân tộc có thể không có hệ thống triết học riêng nhưng không thể không có văn hóa riêng của mình. Không có văn hóa riêng của mình, dân tộc sẽ không thể tồn tại được. Văn hóa là điều kiện cần thiết, tất yếu của sự tồn tại của mỗi dân tộc cả về phương diện đời sống vật chất lẫn đời sống tinh thần. Theo nghĩa đó, văn hóa cũng là điều kiện tất yếu cho sự tồn tại và phát triển của các hệ thống triết học.

Trong mỗi một nền văn hóa dân tộc bao giờ cũng bao hàm những triết lý về con người, cuộc sống, xã hội và thế giới nói chung. Nhưng đó chưa phải là hệ thống triết học. Những cái chung, những triết lý đó có thể rời rạc, tản mạn, không liên kết chặt chẽ, lôgíc được với nhau, mặc dù chúng có thể là những triết lý sâu sắc. Chúng thể hiện sự suy tư, đúc kết kinh nghiệm, tri thức của con người về những mặt, những sự kiện, hiện tượng riêng lẻ trong đời sống. Chúng có thể được thể hiện bằng ca dao, tục ngữ, văn học, nghệ thuật, kiến trúc, cách hành xử trong cuộc đời. Đối với người Việt Nam, "Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn" từ lâu đã là một triết lý sống, một cách hành xử trong quan hệ giữa người với người. Nhưng đó chưa phải là triết học, càng chưa phải là một hệ thống triết học.

Khác với các hệ thống triết học bác học do các nhà tư tưởng, các nhà khoa học hoàn toàn xác định tạo ra, các triết lý, thường là Vô danh, xuất hiện và tồn tại trong các hình thức khác nhau: ca dao, tục ngữ, trong cuộc sống thường ngày, trong kiến trúc, v.v.. Không thể xác định được chính xác thời gian ra đời của một cái chung, một triết lý cụ thể nào đó. Nhưng có thể xác định được tác giả và thời gian xuất hiện của một hệ thống triết học cụ thể. Những triết lý, những cái chung phong phú và đa dạng đó tồn tại lâu đời trong cuộc sống của mỗi cộng đồng dân tộc, nhưng chúng chỉ có thể tồn tại bên cạnh nhau, phản ánh các mặt, các quá trình cụ thể của đời sống xã hội mà không thể tạo thành một hệ thống triết học có kết cấu lôgíc bên trong, như một lý thuyết hay hệ thống lí luận triết học. Chúng không thể có tính khái quát cao và tính hệ thống chặt chẽ như các hệ thống triết học bác học.

Các triết lý đó nằm ngay trong văn hóa dân tộc, chúng không tách rời mà gắn chặt với văn hóa theo cả nghĩa rộng lẫn nghĩa hẹp, trong cả văn hóa vật chất lẫn văn hóa tinh thần. Chúng hoà vào văn hóa dân tộc và là một yếu tố cấu thành căn bản có ý nghĩa quyết định chiều sâu của văn hóa dân tộc. Ở một góc độ nhất định, có thể nói, các triết lý ấy chính là lớp trầm tích cô đọng của văn hóa dân tộc. Tuy không phải là toàn bộ nền văn hóa, nhưng chúng là yếu tố cốt lõi tạo nên chất lượng của nền văn hóa, làm cho văn hóa phong phú và sâu sắc hơn.

Mặt khác, chính văn hóa dân tộc là nguồn sữa bất tận nuôi dưỡng và phát triển các triết lý. Quy mô, cường độ và năng lực lao động của một dân tộc càng lớn, nền văn hóa càng phát triển thì càng làm cho các triết lý của họ phong phú, sâu sắc, đa dạng, toàn diện, thể hiện đời sống con người và xã hội đầy đủ hơn. Sự phát triển của văn hóa dân tộc cung cấp chất liệu cho sự xuất hiện, tồn tại và phát triển các triết lý. Theo chiều ngược lại, các triết lý lại có tác dụng định hướng và thúc đẩy các hoạt động, hành vi và giao tiếp của con người, theo hướng có văn hóa, sáng tạo, mở rộng và phát triển văn hóa. Các triết lý là những khuôn mẫu, định hướng và do vậy, là cơ sở trực trếp cho sự phát triển tiếp theo của văn hoá.

Chính vì vậy, các triết lý là bộ phận cấu thành cốt lõi và quan trọng của văn hóa. Hơn nữa, trong mỗi nền văn hóa dân tộc, các triết lý thường gần gũi, gắn bó trực tiếp với đời sống thường ngày của con người, nó được truyền tải thông qua giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình; được con người tiếp thu qua kinh nghiệm, học hỏi ở bạn bè… Mặt khác, các triết lý mới đạt tầm kinh nghiệm chứ chưa phải ở tầm trình độ lý luận. Do vậy, chúng dễ hiểu, dễ vận dụng, sát hợp với tâm thức, bản sắc, tính cách của cộng đồng và dễ đi sâu vào con người, dễ tiếp thu và định hướng hoạt động, giao tiếp của con người nhẹ nhàng hơn so với các nguyên lý lý luận trong các hệ thống triết học.

Thực tiễn cho thấy, mọi nền văn hóa dân tộc không thể thiếu vắng các triết lý, bởi đó chính là những định hướng hoạt động, giao tiếp và phát triển của họ. Một nền văn hóa càng phát triển thì số lượng và chiều sâu của các triết lý càng lớn. Càng gần với hiện đại thì số lượng và chiều sâu, tính đa dạng, đa diện của toàn bộ các triết lý càng lớn. Càng ngược về quá khứ xa xưa thì số lượng và chiều sâu, tính đa diện và đa dạng của tổng thể các triết lý càng nhỏ lại. Khi hệ thống các triết lý tăng thêm cả về số lượng lẫn chiều sâu thì những yếu tố khác của văn hóa dân tộc cũng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, bởi các triết lý phát triển và mở rộng đến đâu thì chúng mở đường, tạo hướng, dựng khuôn mẫu cho các hành vi, giao tiếp và hoạt động để tạo ra những giá trị văn hóa mới, môi trường văn hóa mới, sản phẩm văn hóa mới.


Một chiều cạnh khác trong mối quan hệ văn hóa và triết học liên quan đến các triết lý trong nền văn hóa dân tộc là vai trò của các triết lý đối với các hệ thống triết học bác học. Chỉ một số dân tộc có các hệ thống triết học bác học. Các hệ thống triết học luôn ở tầm lý luận cao so với các triết lý trong nền văn hóa dân tộc. Chúng cũng là một bộ phận cấu thành quan trọng của văn hóa dân tộc. Có thể nói, các học thuyết triết học bác học là sự kết tinh cao độ ở tầm lý luận các triết lý trong văn hóa dân tộc, thể hiện thế giới quan và nhân sinh quan của dân tộc ở thời đại đó được khúc xạ qua lăng kính của các nhà triết học cụ thể. Các triết lý trong nền văn hóa dân tộc chính là những chất liệu trực trếp để tạo nên kết cấu cho mọi yếu tố của các hệ thống triết học bác học. Một mặt, các triết lý có thể tham gia ít nhiều bằng nội dung kiến thức, bằng cách tư duy, suy luận… vào hệ thống triết học dưới dạng nguyên mẫu. Mặt khác, nhiều triết lý tham gia vào học thuyết triết học bác học một cách gián tiếp thông qua việc tác động vào tư duy, ý thức của nhà triết học trong quá trình học tập, qua kinh nghiệm cuộc sống, qua tiếp thu kinh nghiệm của người khác ngay từ khi hệ thống đó bắt đầu hình thành, phát triển và được diễn đạt thành lý luận có hệ thống.

Văn hóa dân tộc là môi trường sống, nguồn nuôi dưỡng các hệ thống triết học bác học. Các hệ thống triết học bác học là sản phẩm trước hết của nền văn hóa dân tộc, chúng được tích tụ, chưng cất và thăng hoa qua tài năng nhận thức, suy tư và bản lĩnh của các triết gia. Không chỉ chất liệu của các hệ thống triết học bác học được tích tụ và trầm lắng, tinh luyện từ văn hóa mà cả năng lực nhận thức, suy tư và bản lĩnh cùng những phẩm chất khác của các triết gia sáng tạo nên các hệ thống triết học bác học cũng đều được nẩy mầm, nuôi dưỡng trong nền văn hóa dân tộc.

Bản thân các hệ thống triết học bác học cũng là một yếu tố cấu thành cơ bản và quan trọng của văn hóa dân tộc, nếu nền văn hóa dân tộc đó có các hệ thống triết học bác học. Không thể nói rằng phải có một nền văn hóa phát triển cao mới có thể có được các hệ thống triết học bác học. Nhưng không có một nền văn hóa dân tộc phát triển đến một mức độ nhất định thì không thể có các hệ thống triết học bác học. Trong lịch sử phát triển của các dân tộc trên thế giới từ thời cổ đại đến nay, các hệ thống triết học bác học đều được ra đời trong lòng những nền văn hóa phát triển sâu rộng và rực rỡ: Hy Lạp, La Mã cổ đại, Ấn Độ, Trung Hoa, Đức, Pháp, Anh, Nga… Mặt khác, cũng phải thấy một thực tế là mỗi một dân tộc đều có nền văn hóa riêng của mình bao chứa trong đó vô vàn các triết lý khác nhau.

Trong nền văn hóa dân tộc, các triết lý là nguồn dinh dưỡng trực tiếp của các hệ thống triết học bác học, bởi chúng đã được chưng cất, gạn lọc, tồn tại dưới dạng những tri thức khái quát, những định hướng cho các hành vi, hoạt động và giao tiếp của con người. Một nền văn hóa chưa phát triển đến mức có những triết lý thì chưa thể có được các hệ thống triết học bác học. Các yếu tố khác của nền văn hóa cũng có thể trực tiếp hoặc gián tiếp tác động vào sự hình thành và phát triển của tư duy triết học, và các tư tưởng triết học, các hệ thống triết học bác học. Nhưng tác động thông qua các triết lý là tác động cơ bản và quan trọng nhất. Giống như các tác phẩm văn học bác học, các hệ thống triết học bác học cũng được nuôi dưỡng từ chính nền văn hóa dân tộc.

Trên thực tế, không có sự tách rời giữa văn hóa dân tộc và toàn bộ các triết lý của dân tộc tồn tại trong nền văn hóa đó. Các hệ thống triết học bác học cũng vậy, nhưng điểm khác với hệ thống triết lý là chúng thuộc một tầng bậc cao hơn về mức độ khái quát; về lập luận lôgíc và về tính hệ thống.

Các triết lý đơn lẻ thường không dựa trên lập luận lôgíc, mức độ khái quát thấp; do đó, tính hệ thống của chúng không cao như trong các hệ thống triết học bác học. Là kết quả của sự tổng kết, khái quát thành tựu phát triển của khoa học, của đời sống xã hội, của kinh nghiệm lịch sử và cá nhân, nói cách khác, là sự khái quát, tổng kết các bước phát triển của văn hoá; do đó, tính khái quát của các hệ thống triết học bác học cao hơn các triết lý và văn hóa nói chung. Các triết lý thường phản ánh các kinh nghiệm, sự việc, hành động đơn lẻ, tản mạn, rời rạc, không thể hiện được những quy luật chung hoặc bản chất sâu xa của hiện tượng, quá trình: Bởi vậy, nó không thể mang tính hệ thống, tính lập luận. Nhưng nó lại là chất liệu quan trọng cho các hệ thống triết học bác học, là khâu trung gian không thể thiếu giữa các yếu tố, bộ phận, tầng bậc khác của văn hóa với các hệ thống triết học của dân tộc đó. Cả hai dạng đặc biệt này (triết học và triết lý) trong văn hóa dân tộc bổ sung lẫn nhau tạo thành thế giới quan, nhân sinh quan chung của dân tộc đó, có tác dụng định hướng cho con người trong giao tiếp và hoạt động thực tiễn.

Cùng với sự phát triển của văn hóa và đời sống dân tộc, các triết lý cũng như triết học biến đổi không ngừng. Có những triết lý sẽ mất tác dụng và bị quên lãng, có những triết lý mới nảy sinh phản ánh những hiện tượng, sự vật, quá trình mới, cũng như có hệ thống triết học sẽ đi dần vào quên lãng. Những hệ thống triết học mới đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi của đời sống xã hội sẽ ra đời và phát triển. Những người của thời đại nguyên thuỷ hoặc thời đại nô lệ có những triết lý mà ngày nay con người hiện đại không có. Ngược lại, những người hiện đại đang có những triết lý mà người cổ đại không thể có. Chắc chắn là người nguyên thuỷ không nói “quý như vàng”, một triết lý mà người hiện đại vẫn thường dùng. Tình hình cũng tương tự như vậy trong các hệ thống triết học bác học. Những hệ thống triết học mới của thời đại sau bao giờ cũng kế thừa các triết lý, tư tưởng, lập luận, thành tựu của các hệ thống triết học trước đó, cải biến chúng cho phù hợp với hệ thống triết học mới, thu nhận các triết lý mới và những yếu tố mới khác của nền văn hoá.

Triết học mới ra đời lại bổ sung, khắc phục những thiếu sót nhất định của văn hóa dân tộc thúc đẩy nó phát triển lên một trình độ cao hơn. Triết học vừa thể hiện sự phản tư của văn hóa dân tộc, vừa là một mặt cơ bản, một khu vực trọng yếu của văn hóa dân tộc. Triết học chính là văn hóa dân tộc ở tầm lý luận cao nhất, là sự khái quát các thành tựu của văn hóa trong các lĩnh vực khác nhau từ khoa học đến thực tiễn, từ trí thức đến kinh nghiệm sống, từ quá khứ lịch sử đến hiện tại và tương lai. Chính vì vậy triết học có tác dụng định hướng thế giới quan cho sự phát triển trếp theo của văn hóa dân tộc, chỉ đạo hành vi, hoạt động và giao tiếp của con người trong sáng tạo văn hóa mới, trong tiếp nhận và hưởng thụ các thành tựu văn hóa nói chung.

Triết học muốn đạt đến đỉnh cao lý luận thì phải tổng kết và khái quát được sự phát triển của toàn bộ các lĩnh vực văn hóa. Điều đó đòi hỏi các nhà triết học phải có nhãn quan văn hóa rộng lớn, sự hiểu biết rộng và sâu sắc các lĩnh vực khác nhau của đời sống văn hóa dân tộc. Triết học càng đứng ở đỉnh cao lý luận, phạm vi và mức độ khái quát, tổng kết càng sâu sắc sẽ càng có tác động định hướng lớn cho nhiều lĩnh vực khác nhau của văn hóa. Sự tác động định hướng này có thể thông qua con đường trực tiếp bằng cách tiếp nhận các tri thức lý luận triết học, có thể bằng con đường gián tiếp, thông qua việc tiếp nhận các triết lý nằm trong chính hệ thống triết học hoặc được triết học cải biến, chỉnh sửa, chính xác hóa trong quá trình phát sinh và tồn tại. Mỗi con người sống, hoạt động và giao tiếp luôn được chỉ đạo bởi một số lý luận triết học và triết lý xác định.

Trong ý thức và cuộc sống của mỗi người, dù tự giác hoặc không tự giác thì họ vẫn bị các triết lý và triết học chi phối. Toàn bộ văn hóa, trong đó cốt lõi là các triết lý và triết học tạo thành khung mẫu, chuẩn mực, giá trị, thước đo, định hướng của các hành vi, hoạt động và giao tiếp của con người. Trong quan hệ với văn hóa, toàn bộ các triết lý và triết học lại tạo thành một hệ thống khung mẫu, chuẩn mực, giá trị, thước đo, định hướng, cơ sở, nền tảng cho sự sáng tạo, tiếp nhận và hưởng thụ văn hóa của con người. Mặt khác, đời sống văn hóa, trong quá trình phát triển lại góp phần làm bộc lộ những hạn chế, thiếu sót, sai lầm của các triết lý và hệ thống triết học; từ đó, hoàn thiện, sửa chữa hoặc loại bỏ chúng ra khỏi ý thức và cuộc sống của con người.

Tuy nhiên, trong quá trình tồn tại và phát triển, các triết lý và hệ thống triết học khi tạo thành khung mẫu, chuẩn mực, giá trị, thước đo, định hướng cho văn hóa thì chúng lại có thể trói buộc, kìm hãm sự phát triển của văn hóa, đặc biệt là kìm hãm tư duy và năng lực sáng tạo văn hóa của con người. Các triết lý, hệ thống triết học đã lạc hậu, lỗi thời, hoặc có sai lầm thường bắt đầu có tác dụng ngược bằng việc thể hiện những mâu thuẫn của chúng với các triết lý, hệ thống triết học và với văn hóa nói chung, thậm chí giữa chúng với văn hóa sẽ bắt đầu một thời kỳ xung đột. Trong quá trình xung đột văn hóa dần dần thể hiện nhu cầu đổi mới, thay thế các triết lý và triết học cũ bằng các triết lý và triết học mới. Đồng thời văn hóa sẽ tạo ra, bồi đắp và tích tụ dần các chất liệu cho sự ra đời các triết lý mới hoặc hệ thống triết học mới.

Sự xung đột giữa triết học và văn hóa dần tạo nên những tiền đề văn hóa cho việc giải quyết cuộc xung đột ấy và sau đó là các phương tiện giúp cho việc giải quyết xung đột .Văn hóa sẽ tiến triển từng bước, giải quyết dần các vấn đề đơn lẻ, nhỏ bé và tiến tới những vấn đề lớn hơn, tạo ra những chất liệu văn hóa mới, đáp ứng những đòi hỏi mới của sự phát triển, bổ sung vào kho tàng văn hóa dân tộc những kiến thức mới, những triết lý mới, những giá trị văn hóa mới. Trên cơ sở tích tụ đó, văn hóa đẩy triết học làm nên những đột phá mới, tạo ra các hệ thống triết học mới hơn, phù hợp hơn với sự phát triển. Văn hóa tham gia sàng lọc, gạt bỏ, bảo tồn, phát huy và chuyển tải các giá trị của triết học cũ vào triết học mới.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, đồng thời cũng là nền tảng tinh thần của triết học. Văn hóa, theo nghĩa rộng, là nền tảng của sự sinh tồn của loài người, đồng thời cũng là nền tảng quyết định sự ra đời, tồn tại, phát triển và diệt vong của các hệ thống triết học. Văn hóa dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp đều là động lực của sự phát triển xã hội, trong đó có sự phát triển của triết học. Các dân tộc có thể vay mượn các hệ thống triết học nhưng không thể vay mượn các triết lý và càng không thể vay mượn nền văn hóa nói chung. Việc du nhập, vay mượn, cải biên, tiếp nhận các hệ thống triết học từ bên ngoài cũng bị quy định bởi văn hóa dân tộc nói chung và tổng thể các triết lý nói riêng.

Không hoàn toàn đồng nhất, nhưng cũng có thể hình dung rằng triết học là ánh hào quang rực rỡ của quả cầu lửa văn hóa. Quả cầu ấy càng lớn, càng sáng thì ánh hào quang càng rực rỡ, càng tỏa xa. Văn hóa, các triết lý và các hệ thống triết học là ba tầng bậc khác nhau của văn hóa, đó chính là "ba trong một" - một nền văn hóa theo nghĩa rộng.

(l) Xem: Lương Việt Hải. Lý luận và thực tiễn hiện đại hóa xã hội ở các nước Đông và Đông Nam Á, Mátxcơva, 998; L.I.Ionin. Xã hội học văn hóa, Mátxcơva. 996; V.X.Stepin. Thời đại của những biến đổi và kịch bản của tương lai. Mátxcơva,. 996; Văn hóa// Bách khoa triết học mới, Mátxcơva, 200; A. ra.Phlier. Di truyền văn hóa, Mátxcơva, 995, G.F.Mclean. Tự do, truyền thông văn hóa và trên bộ, CRVP, 2000; Lương Đình Hải. Toàn cầu hóa và văn hóa dân tộc, Istanbul, 2003;...
Nguồn: Tạp chí Triết học
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top