• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Chia Sẻ Sự hình thành và phát triển văn hóa Ả Rập – Hồi giáo

Hanamizuki

New member
Xu
0
Sự hình thành và phát triển văn hóa Ả Rập – Hồi giáo
6-bridgman-frederick-arthur-the-orange-seller-classic-arab.jpg


người Arab bán cam- tranh của Federic Athur

Trần Hồng Vân

Văn hóa Arap – Hồi giáo được chúng tôi sử dụng, như một khái niệm, phần nào mang tính ước lệ, với nội hàm: 1. Đó là nền văn hóa bằng tiếng Arap của người Arap và các dân tộc theo đạo Hồi; 2. Về mặt lịch đại, nền văn hóa này được hình thành và nở rộ dưới các triều đại vương quốc Hồi giáo Khalifat ở giai đoạn từ thế kỷ VII-XII; 3. Việc hình thành của nền văn hóa này là quá trình tạo dựng, tác động qua lại, giao thoa, tiếp nhận và ảnh hưởng lẫn nhau giữa các nền văn hóa của người Arap và của các dân tộc bị chinh phục, gia nhập vương quốc Hồi giáo Khalifat ở Trung cận Đông, Trung Á, Bắc Phi và một phần Tây Nam Âu.

Vấn đề về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa từ lâu đã được các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó có ngôn ngữ học, triết học, dân tộc học và văn hóa học… quan tâm. Đa số các nhà khoa học đều nhất trí cho rằng ngôn ngữ là một bộ phận cấu thành của văn hóa. Vì vậy khi mô tả bất kỳ nền văn hóa nào, thì những đặc điểm của ngôn ngữ đã truyền tải nội dung của nền văn hóa đó, đương nhiên là không thể không nhắc tới. Nhưng ngôn ngữ là một cái gì đó lớn hơn, so với “một bộ phận” trong tổng số các bộ phận cấu thành của cái tổng thể được mệnh danh là văn hóa đó. Không chỉ là bộ phận của văn hóa phi vật thể, ngôn ngữ còn là công cụ của văn hóa và trong vai trò công cụ của mình, nó đã đụng chạm tới các lĩnh vực khác nhau của văn hóa; mặt khác nó lại không hòa nhập hoàn toàn vào văn hóa. Những yếu tố vật chất của ngôn ngữ, được tổ chức thành hệ thống, là một bản thể độc lập, tiến hóa theo những quy luật riêng, có khả năng bảo tồn trong khi văn hóa thay đổi, hoặc là cùng một lúc chúng có khả năng phục vụ cho một số nền văn hóa. Đối với văn hóa Arap – Hồi giáo, về phương diện này, tiếng Arap đã thể hiện vai trò của mình một cách tuyệt vời nhất.

  1. Lãnh địa và cư dân
Quê hương của người Arap cổ đại là Arabia – một bán đảo lớn trên trái đất, có thể coi như một Á lục địa thật sự, nếu xét về mặt diện tích (3 triệu km2), và tính chất biệt lập tương đối của nó. Nơi đây, theo các nhà khảo cổ học, từ hơn hai ngàn năm trước công nguyên người Arap cổ đại đã từng sinh sống và góp phần tạo nên nền văn minh Tây Á. Về mặt từ nguyên Arab có nghĩa là khô hạn, hoang hóa (chỉ vùng đất cùng cư dân), từ này do sử dụng lâu, nghĩa của nó ngày càng được mở rộng hơn, dần dân trở thành thuật ngữ: Arabia (bán đảo Arap), Arap (người Arap), al-arabia (tiếng Arap). Những người Arap từ thời xa xưa đã gọi bán đảo này là Djazirat al-arab (tiếng Arap có nghĩa là đảo của người Arap), vì họ thầy vùng đất rộng lớn này tứ phía được bao quanh bởi biển và sông: Phía Đông Bắc là sông Efrat xuôi theo dòng chảy bao bọc, phía Tây Bắc là bờ biển Palestin của Địa Trung Hải, phía Tây là Biển Đỏ, phía Nam là biển Arab, phía Đông là vịnh Persich. Trên vùng đất khô cằn này, các bộ lạc Arap du mục và định cư sống đan xen nhau. Vào thế kỷ VI những người dân du mục (beduin) Arap đã kiểm soát phần lớn đất đai của bản đảo này, mặc dù họ không chiếm đa số dân cư trong vùng. Theo con số thống kê gần đúng, số dân định cư trên bán đảo Arap thời ấy khoảng hơn 4 triệu, trong khi số dân du mục chỉ khoảng 3 triệu (1). Trong suốt thời gian dài 18 thế kỷ, từ thời nguyên thủy đến giai đoạn trung thế kỷ, những quan hệ thương mại của các nước tương đối phát triển, được tiến hành xuyên qua sa mạc Arap, còn vùng bờ biển vịnh Ba Tư do các thương đoàn kiểm soát (2). Cần nhắc lại rằng, vào những thế kỷ đầu của kỷ nguyên chúng ta, vai trò dân định cư ở bán đảo Arap yếu dần di, trong khi ảnh hưởng của dân du mục ngày càng lớn hơn. Họ (dân du mục) ngày càng thâm nhập sâu hơn vào những vùng lãnh thổ do dân định cư đã chiếm giữ và bắt đầu kiểm soát nhiều con đường thương thảo và ốc đảo. Quá trình này kéo dài từ thế kỷ IV đền thế kỷ VI: tính tích cực về chính trị của người dân du mục ngày càng cao, các bãi chăn thả thuộc quyền kiểm soát của họ ngày càng được mở rộng thêm.

  1. Tiếng Arap và chữ viết
Về nguồn gốc, tiếng Arap thuộc nhánh Semit của ngữ hệ Semitkhamit. Về mặt lãnh thổ từ thời xa xưa tiếng Arap đã hình thành, phổ biến và phát triển ở bán đảo Arap trên cơ sở của tiếng Arap cổ đại Bắc Arabia (vùng Bắc và trung tâm bán đảo Arap, và vùng sa mạc Xiry), mà dấu ấn còn lưu lại ở các văn bia từ thế kỷ thứ V trước công nguyên. Phương ngữ của những văn bia cổ đại (Tamut, Lihanit, Xafait…) nói trên, về cơ bản khác với thứ phương ngữ Arap ở giai đoạn sau, là nền tảng của tiếng Arap trung đại và hiện đại (được biết đến trên các văn bia chỉ từ thế kỷ IV sau công nguyên)(3). Từ thời kỳ trước khi Hồi giáo xuất hiện, văn học truyền miệng (chủ yếu là thi ca) bằng phương ngữ này đã phát triển và hình thành chuẩn mực ngôn ngữ văn học truyền miệng Koine (4). Cần phải lưu ý rằng ngôn ngữ thi ca và khẩu ngữ ở các bộ tộc Arap là những hình thái khác nhau của cùng một ngôn ngữ, vì vậy những nguyên lý về ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng… của chúng đương nhiên là chung. Hai biến thể về mặt chức năng của một ngôn ngữ này đã bổ sung và tác động lẫn nhau. Khẩu ngữ của các bộ tộc và các vùng, là phương tiện giao tiếp của người Arap, cộng sinh hòa bình cùng ngôn ngữ thi ca, là phương tiện của đời sống tinh thần của cư dân vùng đó nhưng ở một mức độ cao hơn. Còn ngôn ngữ thi ca lại góp phần bảo tồn những đặc tính chung và xóa đi những khác biệt giữa các thổ ngữ. Hoàn cảnh này cũng tương tự ở Hy Lạp trong thời đại Homer, vì vậy các nhà lịch sử ngôn ngữ đã gọi ngôn ngữ của thi ca Arap là ngôn ngữ thi ca hay ngôn ngữ văn học Koine. Ngôn ngữ cộng đồng Koine dần dần mở rộng phạm vi ứng dụng trong xã hội. Người Arap đã sử dụng nó để soạn nên những bài diễn từ, sấm truyền, truyền thuyết… Và tùy thuộc vào môi trường và phạm vi sử dụng mà ngôn ngữ Koine thể hiện trong các biến dạng khác nhau. Nó cho phép sự đa dạng trong phạm vi nhất định và một cách thỏa hiệp, lại dung nạp trong mình đặc điểm của những thổ ngữ hiện sinh, kết hợp với việc bảo tồn những hình thái ngữ pháp, đoản ngữ, những lớp từ vựng cổ xưa đã được tích tụ.

Ngôn ngữ Arap trong Kinh Koran của đạo Hồi (Islam) sau này là sự kết hợp của ngôn ngữ Koine với những quy phạm của phương ngữ Mekka, tạo thành ngôn ngữ văn học cổ điển Arap, ngôn ngữ của những văn phẩm nghệ thuật, khoa học và tôn giáo của phương Đông Hồi giáo giai đoạn trung thế kỷ. Và ngôn ngữ Arap cổ điển ấy, suốt mười lăm thế kỷ (từ thế kỷ VII đến nay) là ngôn ngữ chuẩn (hay ngôn ngữ văn học) của người Arap, vẫn bảo tồn được từ pháp cổ đại, tuy có những thay đổi không đáng kể về mặt từ vựng.

Khi mô tả một ngôn ngữ nào đó dưới góc độ lịch sử văn hóa, trước hết chúng ta cần xét đến bình diện cấu trúc nội tại của nó, để nêu bật những đặc điểm của ngôn ngữ đó về mặt ngữ âm, từ vựng, cú pháp và văn pháp… Tuy nhiên chúng ta chỉ đề cập tới một số đặc điểm chung nhất, thể hiện rõ nét và thường xuyên nhất trên các cảo bản, bởi lẽ những đặc điểm này ảnh hưởng tới tính chất của các văn bản được soạn thảo bằng ngôn ngữ và hệ thống chữ viết Arap, mà nhờ đó những văn bản ấy đã được định hình. Tiếng Arap được hình thành là kết quả của quá trình phát triển lâu dài, trên cơ sở chọn lọc những hình thái phương ngữ khác nhau và sự thấu hiểu chúng về mặt nghệ thuật. Đó là một ngôn ngữ chỉnh thể, phát triển cao và dường như đã hoàn thiện trong quá trình phát triển, đa dạng về cú pháp, phong phú về từ vựng, và là ngôn ngữ thống nhất, nếu như không phải đối với tất cả thì cũng là đối với phần lớn các bộ tộc ở bán đảo Arap, ngay sau khi đạo Hồi hình thành và phát triển…

Ở thời cổ đại, ngôn ngữ của người Arap suốt một thời gian dài ẩn trong bóng tối, bởi lẽ chưa tìm được phương tiện biểu đạt thành văn. Những văn bản bằng tiếng Arap đầu tiên còn lưu giữ lại được là nhờ việc sử dụng hệ thống chữ cái phụ âm gồm 28-29 ký tự của vùng Nam Arabia hay vùng Sabei. Theo các nhà khoa học, hệ thống chữ cái Nam Arabia này đã được sử dụng để lưu truyền ngôn ngữ thân thuộc của cư dân các bộ tộc Bắc Arabia trong suốt mười thế kỷ (từ thế kỷ V trước công nguyên đến thế kỷ IV-V) (5). Nhưng rồi truyền thống này đã không gìn giữ được và đã bị tàn lụi dần cùng với sự tiêu vong của văn học và văn hóa Nam Arabia. Còn văn tự Arap ngày nay là kết quả của việc người Arap đã sử dụng chữ cái của người Nabatei và người Palmir vùng Tây Bắc Arabia (từ thế kỷ II trước công nguyên đến thế kỷ III-IV), là chữ Aramei, thuộc ngữ hệ nhánh Semit. Dần dần từ phiên bản chữ Aramei, người Arap đã cải biên thành kiểu chữ mà sau này trở thành chữ quốc ngữ của họ. Quá trình phát triển của văn tự này diễn ra trong điều kiện hai ngôn ngữ song hành: ở phạm vi chính thống, người ta sử dụng ngôn ngữ viết Aramei truyền thống (mặc dù vào thời đó nó đã bị đẩy ra ngoài phạm vi sử dụng), còn trong đời thường ngôn ngữ hội thoại Arap – Nabatei lại ngự trị. Vì vậy đã diễn ra quá trình tác động qua lại và thâm nhập lẫn nhau giữa hai ngôn ngữ. Trong tiếng Aramei, rất nhiều từ vựng Arap đã được vay mượn, và ảnh hưởng của ngữ âm và hình thái tiếng Arap tác động đến nó cũng không ít. Ngược lại tiếng Arap, lưu truyền được là nhờ chữ viết Aramei, cũng tiếp nhận không ít từ vựng Aramei, trong khi vẫn bảo toàn được những đặc điểm về chính tả của nó..

Văn tự Arap ngày nay, về cơ bản gồm những phụ âm, thể hiện ở 28 chữ cái, được viết từ phải sang trái. Mỗi chữ cái có từ 2 đến 4 hình thái (hay còn gọi là trạng thái, phụ thuộc vào vị thế của chữ cái đó: đứng riêng, ở đầu, ở giữa, hay ở cuối từ). Các nguyên âm dài được biểu hiên bắng các chữ w (u), j (yia), ‘ (alif); những nguyên âm ngắn (thường không thể hiện trên văn bản), được biểu hiện bằng các kí hiệu (tương đương với các âm: a, y, i) ở trên hoặc dưới dòng chữ.

  1. Đạo Hồi và tiếng Arap
Gần mười bốn thế kỷ trước, người Arap, hợp nhất nhau lại bởi một niềm tin vào tôn giáo mới là đạo Hồi, do Muhamad đề xướng, đã vươn ra ngoài phạm vi bán đảo Arabia và bước ra vũ đài lịch sử rộng lớn. Dưới triều đại của những người kế tục nhà tiên tri Muhammad là các khalif, họ đã tạo dựng được một nhà nước khalifat rông lớn, trải dài từ Pirene (Tây Ban Nha) đến tận cửa Ấn Hà (Ấn Độ). Và lần đầu tiên kể từ thời Alecxandr Makedon, người Arap đã nối liền phương Tây và phương Đông, Địa Trung Hải La Mã và thế giới Ấn Độ – Iran.

Việc truyền bá tiếng Arap cùng chữ viết, liên quan tới các cuộc chinh phục của người Arap và việc truyền bá đạo Hồi. Khi đạo Hồi xuất hiện, chữ Arap không chỉ là văn tự của người Arap, mà nhiều dân tộc khác (Iran, Afganistan, Pakistan, Wuigur…) khi tiếp nhận đạo Hồi giáo, đã tiếp nhận và sử dụng tiếng Arap cùng chữ viết như ngôn ngữ chính thống của họ (và cho đến tận bây giờ nhiều dân tộc, không thuộc Arap, vẫn sử dụng hệ thống chữ cái Arap để truyền tải ngôn ngữ của mình. Những dân tộc này, khi sử dụng chữ cái Arap, do nhu cầu diễn đạt của ngôn ngữ mẹ đẻ, đôi khi đã bổ xung thêm những chữ cái của riêng họ).

Sự xuất hiện của đạo Hồi đã đánh dấu một bước ngoặt quyết định trong lịch sử phát triển của người Arap và bán đảo Arabia, cả về phương diện ngôn ngữ và văn học. Sự hình thành của đạo Hồi, đã tạo ra được sự đồng nhất về ngôn ngữ ở Arabia, và nhờ đó những tác phẩm văn học thuộc những thể loại chưa từng thấy trước đây cũng đã xuất hiện. Để truyền giáo có hiệu quả, Muhammat (và những đồng sự của ông) đã sử dụng thứ ngôn ngữ chung, dễ hiểu cho mọi người Arap. Vai trò thực tiễn của tiếng Arap là công cụ của đời sống chính trị – tôn giáo ngày càng được nâng cao, cùng với sự tăng trưởng về số lượng thành viên và sự củng cố về mặt tổ chức của công xã tín đồ Hồi giáo, và nhất là khi nhà nước thần quyền Khalifat đầu tiên xuất hiện ở Arabia. Đến khoảng những năm 30 của thế kỷ thứ VII, người Arap không chỉ đoàn kết hợp nhất nhau lại bởi hệ tư tưởng Hồi giáo và quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức những cuộc hành binh mở mang bờ cõi ra ngoài phạm vi Arabia, mà họ còn sở hữu một ngôn ngũ thống nhất, phát triển cao, không khác nhiều lắm so với phương ngữ của các bộ tộc trên vùng lãnh thổ, cùng với một nền văn chương truyền miệng phong phú, trong đó nổi bật là nền thi ca đang thời kỳ nở rộ và hệ thống văn tự độc lập, dẫu rằng vẫn chưa đạt đến mức phát triển thật hoàn thiện. Và cho dù đối với họ khởi đầu dù chỉ mới có một cuốn sách, nhưng lại đặc biệt quan trọng, đó là cuốn Kinh Côran – một di sản văn hóa nói chung, văn học và tôn giáo nói riêng, của nhân loại.

Thời kỳ đầu những bài truyền giáo của Muhammad còn tản mạn, chủ yếu được lưu giữ trong trí nhớ, chỉ một số phần được ghi chép lại. Đến thời Khalif (quốc vương Hồi giáo) Abu Bakra (632-634) toàn bộ những bài truyền giáo của Muhammad mới được tập hợp và biên soạn thành cuốn sách kinh của các tín đồ Hồi giáo, gọi là Kuran (6) (kinh Côran). Đương nhiên vì là viết tay nên chỉ có một bản, và để có nhiều cuốn Kinh Hồi giáo khác nữa, thì cần phải sao chép, (bởi vì đạo Hồi nghiêm cấm dịch kinh Côran) để nhân bản. Và thế là một lĩnh vực mới xuất hiện đó là nghề sao chép các loại văn bản phẩm (kinh sách, văn học, thư tịch, lịch sử, địa lý, ngữ văn, các ngành khoa học tự nhiên, triết học, thần học…).

Một sự kiện quan trong khác, có ảnh hưởng lớn tới quá trình đồng hóa ngôn ngữ Arap, đó là: dưới triều đại của Abdal- malik(685-705), vị Khalif này đã đưa ra những quyết định quan trọng, góp phần củng cố vị thế của tiếng Arap ở các vùng lân bang. Thứ nhất, theo quy định mới, những công việc văn thư ở nha cục thuế, phải chuyển sang sử dụng tiếng Arap (trước đó ở các vùng của Bizantin dùng tiếng Hy Lạp, còn ở các vùng của Iran – sử dụng tiêng Ba Tư trung cổ). Quyết định thứ hai là việc thay đổi tiền xu: đồng xu của Bizantin và Iran được thay thế bằng đồng xu mới với lời chú giải bằng tiếng và văn tự Arap.Việc khẳng định tiếng Arap trong 2 chức năng quan trọng này, đương nhiên đã suy tôn nó lên thành ngôn ngữ quốc gia. Chữ Arap cũng được hoàn thiện hơn. Hệ thống chính tả được chấn chỉnh đã tạo thuận lợi cho việc định hình những văn bản thành văn, đang ngày càng có nhu cầu lớn hơn. Đến cuối thế kỷ VII, đầu thế kỷ VIII số lượng những tác phẩm bằng tiếng Arap: văn bia, tài liệu, các tác phẩm văn học và khoa học đã tăng rõ rệt.

  1. Văn hóa Arap – Hồi giáo
Trên lãnh thổ bán đảo Arap trước khi Hồi giáo xuất hiện, tồn tại nền văn hóa của những cư dân Arap du mục và định cư canh nông, ở giai đoạn sơ kỳ của hình thái xã hội đã phân chia giai cấp. Đại diện của nền văn hóa này là những cư dân theo đa thần giáo. Từ khoảng thế kỷ thứ II đến IV, văn hóa Arap cổ đại chịu ảnh hưởng của các nền văn hóa: Iêmen, Xiry-Hylạp, Do Thái và Iran cổ đại. Nét đặc sắc của nền văn hóa tiền Hồi giáo (còn được gọi là văn hóa Jahilia(7)) là văn chương truyền miệng và thi ca rất phát triển.

Khi đạo Hồi xuất hiện vào thế kỷ VII, sự thống nhất về nhà nước – chính trị do người Arap tạo dựng nên, công thêm sự thống nhất về tôn giáo, và ở trong phần lớn các vùng do người Arap chiếm đóng có cả sự thống nhất về ngôn ngữ, đã tạo điều kiện cho sự hình thành những hình thái chung của đời sống văn hóa của các dân tộc thuộc nhà nước Khalifat Hồi giáo này. Ở thời kỳ đầu, việc hình thành văn hóa Arap chủ yếu diễn ra như quá trình khám phá, đánh giá lại và phát triển sáng tạo những thành tựu có từ trước, trong những điều kiện tư tưởng, chính trị xã hội mới (đạo Hồi và nhà nước Khalifat) và tiếp thu những nền văn hóa của các dân tộc bị chinh phục (Hy lạp cổ đại, Hy-La, Aramei, Iran, Ấn Độ…). Bản thân người Arap cũng đóng góp vào đấy những hợp phần quan trọng: đạo Hồi, tiếng Arap và truyền thống thi ca cùng vốn văn chương truyền miệng (chủ yếu của người Arap du mục). Một phần đóng góp lớn vào văn hóa Arap (8) thuộc về các dân tộc khác, mà, khi theo đạo Hồi, đã đồng hóa với những kẻ đi chinh phục, tiếp nhận ngôn ngữ của họ, “trở thành người Arap” và tham gia tích cực vào quá trình tạo dựng văn hóa Arap, làm phong phú thêm nền văn hóa này bằng những truyền thống do họ kế thừa được từ các dân tộc phương Đông và thế giới cổ đại. Giờ đây các dân tộc này bắt đầu sử dụng tiếng Arap trong nghiên cứu khoa học, thần học và sáng tác văn học, cũng giống như các học giả châu Âu đã sử dụng tiếng La tinh ở thời trung cổ. Từ thế kỷ VIII người Arap trên đường đi chinh phạt, đánh chiếm Samarkan (712), đã học được kỹ nghệ làm giấy của người Trung Quốc (giấy được dùng ở Mekka vào năm 707, Ai Cập 800), rồi sau đó họ lại truyền sang châu Âu: Tây Ban Nha (950), Constantinopol (1100), Sicil (1102), Đức (1288), Anh (1309)… Phát minh này kéo theo nghề đóng sách và sao chép sách, đồng thời nhờ đó nghề kinh doanh sách cũng phát triển. Theo Yakubi (9) vào khoảng năm 891, ở Bagđađ đã có trên một trăm tiệm bán sách, mỗi tiệm là một trung tâm chép sách và cũng là nơi các văn nhân thường tụ họp. Từ cuối thế kỷ VII đến giữa thế kỷ VIII cùng với Đamask, thủ đô dưới triều đại Omeiađ, những trung tâm văn hóa lớn của Arap là Mekka, Medina ở bản đảo Arap, Kufa và Basra ở Irăc. Những tư tưởng tôn giáo và triết học, những thành tựu khoa học, những niêm luật thi ca Arap, những kiểu mẫu của các công trình kiến trúc… đã được truyền bá và phát triển thêm ở các tỉnh thành thuộc triều đại Khalifat Omeiad trên một lãnh thổ rộng lớn từ Pireni đến tận Ấn Hà.

Từ giữa thế kỷ VIII, cùng với việc hình thành nhà nước Khalifat triều đại Abbasid (750), trung tâm văn hóa Arap ở phương Đông của Khalifat đã chuyển từ Xiry (Damask) về Irăc (Bagdad, được hình thành vào năm 762), là nơi mà hầu như suốt ba thế kỷ đã tập trung những thành tựu văn hóa đặc sắc nhất của phương Đông Hồi giáo. Thế kỷ IX-X là thời kỳ hưng thịnh nhất của văn hóa Arap và ngôn ngữ Arap trong vai trò công cụ truyền tải đã góp phần tạo nên những tượng đài bất hủ. Những thành tựu của nó đã làm phong phú thêm nền văn hóa của nhiều dân tộc, trong đó có văn hóa các dân tộc của châu Âu trung thế kỷ, và đã có những đóng góp lớn lao cho văn hóa thế giới. Song song với công việc sáng tác, đóng góp tích cực vào việc phát triển văn hóa Arap-Hồi giáo và làm giàu thêm ngôn ngữ Arap là hoạt động dịch thuật. Vào thế kỷ VIII-IX nhiều tác phẩm nổi tiếng thuộc nhiều lĩnh vực khoa học, triết học và văn học cổ đại đã được dịch sang tiếng Arap: Ngoài những tác phẩm cổ đại của Hy Lạp (ví dụ: các tác phẩm của Ơclit, Archimed – toán; Ptolemei – thiên văn; Platon, Aristot – triết học…), nhiều tác phẩm khác cũng được dịch chủ yếu từ các tiếng Xiry cổ đại, Ba Tư trung cổ và Ấn Độ cổ đại (chữ số Ấn Độ được các học giả Arap sử dụng, mà sau này khi được sử dụng ở châu Âu người ta đã lầm tưởng và gọi là chữ số Ảrập, Panchatantra, Đại dương truyện, Xinbadname, Zahar Afsane). Dưới hình thức các bản dịch và những bản chỉnh lý, những tác phẩm này đã trở thành một bộ phận của văn hóa và văn học viết bằng tiếng Arap và tạo điều kiện cho việc thiết lập mối liên hệ tiếp nhận với văn hóa của thế giới Hy-La, và thông qua đó với các nền văn minh cổ đại phương Tây và văn minh cổ đại phương Đông. Điều này trước hết nói đến sự phát triển của các ngành khoa học tự nhiên và khoa học chính xác: toán học, thiên văn học, y học, hóa học, khoáng vật học, thực vật học… Ngay từ thời kỳ đầu của nhà nước Khaliphat (các trung tâm khoa học nằm trên vùng lãnh thổ Xiry và một phần tây nam Iran ngày nay) việc dịch thuật sang tiếng Arap và chú giải tác phẩm của các học giả cổ đại (chủ yếu từ tiếng Hy Lạp và tiếng Xiry trung cổ) đã được đặt ra và nhờ đó các học giả Hồi giáo đã được làm quen với phần lớn thành tựu của khoa học cổ đại, nhiều bản dịch đã là cứ liệu duy nhất, mà nhờ đó, sau này Tây Âu có thể tìm hiểu về khoa học cổ đại (ví dụ: ngày nay chúng ta biết đến công trình Cơ học của Geron và nhiều luận đề của Archimed chính nhờ bản dịch sang tiếng Arap từ thời trung cổ còn lưu giữ lại được). Thế kỷ IX-XI là thời kỳ phát triển cực thịnh của văn hóa Arap-Hồi giáo và Bagdad đã trở thành trung tâm văn hóa khoa học lớn với rất nhiều trường học và thư viện. Khi nhà nước Khaliphat bắt đầu phân rẽ thành những vương quốc riêng lẻ (thế kỷ X), ngoài Bagdad, ở phương Đông Hồi giáo còn xuất hiện thêm nhiều trung tâm văn hóa – khoa học khác như: Damask, Haleb (Aleppo) ở Xiry, Kair (Cairo) ở Ai Cập, Maraga ở Agerbaigian, Samarkand ở Trung Á, Gazni ở Afganistan, Kordova, Sevilia và Granada ở Tây Ban Nha Hồi giáo…; có thời kỳ Buhara và Isfahan đã từng là những trung tâm khoa học lớn, có đài thiên văn nổi tiếng, nơi học giả và đồng thời là nhà thơ Ba Tư nổi tiếng Omar Haiam (1048-1122) đã từng làm việc, viết những công trình khoa học bằng tiếng Arap. Ở Kair vào thế kỷ XI “Ngôi nhà minh triết” được sáng lập, nơi có nhà thiên văn học Ibn Iunus (950-1009) và nhà toán học kiêm vật lý học Ibn al-Haisam (965-1039) đã từng làm việc và vào năm 1004 đài thiên văn cũng được xây dựng ở đây. Trong lĩnh vực toán học có thể kể tên các học giả: Al Khoresmi (thế kỷ IX), Abu Fedi (940-998), al-Biruni (973-1048), Omar Haiam, Hasreddina Tysi (1201-1280), Ibn Kura (khoảng 836-901), hai anh em con của Musa (thế kỷ IX), an-Nairizi, Ibn al-Haisam (thế kỷ X)…, những người không chỉ kế thừa các thành tựu toán học của Hy Lạp và Ấn Độ cổ đại, mà bằng những công trình, phát minh của mình đã đóng góp và thúc đẩy các chuyên ngành số học, hình học, đặc biệt là đại số và lượng giác phát triển (đưa ra hệ thập phân và các quy tắc; hoàn thiện và hệ thống hóa các phương pháp khai căn; các lý thuyết và cách giải các phương trình bậc hai, bậc ba; các phép cầu phương tiết diện hình nón; định luật về các đường thẳng song song; các định luật về hàm số lượng giác, lập ra được các bảng lượng giác với độ chính xác lớn…).

Ngoài cuốn Kinh Koran, tác phẩm mang tính chất tôn giáo (kinh sách) và pháp luật của đạo Hồi, đồng thời là tác phẩm văn xuôi thành văn lớn và đầu tiên bằng tiếng Arap được lưu giữ đến tận ngày nay, còn rất nhiều cuốn sách sưu tầm và tuyển chọn những tác phẩm văn chương truyền miệng và văn học thành văn cũng đã được các học giả, văn sĩ Hồi giáo xúc tiến ngay từ cuối thế kỷ VII đầu thế kỷ VIII, ví dụ: Chuỗi hạt (Mullakat gồm 7 kiệt tác của 7 nhà thơ cổ điển Arap) do Ravi Hammad (694-772) biên soạn, Mufaddaliat của al-Mufaddal (mất khoảng 786), Asmaiat của al-Asmai (mất khoảng 830), hai hợp tuyển thơ văn của Abu Tamam (khoảng 796-845) và al-Buhturi (821-897), phê bình thi ca của Ibn Kutaiba (mất 889), tuyển tập Thi ca của Abu-al-Faraj al-Isfahani (879-967),Kalila và Dimna của Ibn al-Mukafa (bị hành hình khoảng 759), ngàn lẻ một đêm, rồi những tác phẩm thuộc thể loại sira (tiểu thuyết dã sử, truyền thuyết dân gian) và nhiều sáng tác khác nữa (ở giai đoạn đầu của nhà nước Khaliphat và suốt 10 thế kỷ của giai đoạn trung thế kỷ)…

Quá trình tìm kiếm một phiên bản tối ưu của hệ thống chữ cái Arap và sụ tăng trưởng về số lượng những tác phẩm thành văn đã khơi dậy sự hứng thú và niềm say mê lớn đối với các vấn đề ngôn ngữ học của các học giả Arap Hồi giáo trung thế kỷ và thôi thúc họ tìm tòi nghiên cứu (10). Kết quả là chỉ chưa đến một thế kỷ rưỡi sau khi đạo Hồi xuất hiện, đã hình thành các bộ môn ngữ văn học: ngữ pháp, từ điển học, phong cách học, tu từ học, thi pháp học và niêm luật thơ… Nghề viết thuê và sao chép văn bản lại thúc đẩy thư pháp phát triến, mà theo dánh giá của nhiều nhà phương đông học, còn phổ biến hơn cả ở Trung Quốc. Đến lượt mình, khoa học ngữ văn lại tạo sự ổn định cho những chuẩn mực ngôn ngữ và những quy tắc văn pháp, làm phong phú thêm cho ngôn ngữ văn học, củng cố hơn cho vị thế xã hội của nó.

Tiếng Arap cổ điển, dường như bị đóng hộp trong hệ thống chữ viết, ngữ pháp, từ điển, và những tác phẩm văn học khác, thực ra rất ít thay đổi. Minh chứng cho kết luận này là nhận xét của nhà Arap học Xô viết A.B. Khalidov: độc giả Arap ngày nay nếu có chút ít học vấn, là có thể hiểu một cách tương đối những cuốn sách được viết ra từ nhiều thế kỷ trước đây (11). Khó có thể tìm thấy một ví dụ khác về sự ổn định tương đối như vậy ở các ngôn ngữ khác trên thế giới. Nhưng dù sao thì tiếng Arap cũng không hoàn toàn bất biến, trong thời gian suốt mười mấy thế kỷ qua, nó vẫn không để mất đi mối liên hệ với thổ ngữ Arap sống động, mà từ đó có thể tiếp nhận những yếu tố mới về từ vựng và ngữ cú. Ở mỗi thời đại, mỗi vùng, và mỗi môi trường, tiếng Arap đều chọn lọc được cho mình một chút các phương tiện sử dụng, và biểu đạt, tùy theo nhu cầu thực tiễn. Và chỉ có như vậy nó mới thực hiện được vai trò công cụ văn hóa nhiều thế kỷ của mình, góp phần tạo nên nền văn hóa Arap – cầu nối giữa Tây và Đông, giữa văn minh cổ đại và văn minh cận đại phương Tây.



CHÚ THÍCH

  1. O.G.Bolshakov, Lịch sử Khalifat: Đạo Hồi ở bán đảo Arap (570-633), Moskva, 1989 (tiếng Nga).
  2. A.B.Kudelin, Nền văn hóa của những người du mục ở bản đảo Arab thế kỷ VI-VIII,Tạp chí Văn Hóa – Nghệ thuật, số 11-1999.
  3. A.B.Khalidov, Cảo bản và truyền thống lưu truyền cảo bản Arap, Moskva, 1985 (tiếng Nga).
  4. Ngôn ngữ cộng đồng, hình thành trên cơ sở một phương ngữ nào đó chiếm ưu thế, hoặc một số phương ngữ gộp lại. Từ gốc Hylạp, có nghĩa: chung, cộng đồng (thổ ngữ).
  5. A.B.Khalidov, Cảo bản và truyền thống lưu truyền cảo bản của Arap, Moskva, 1985, tr.13 (tiếng Nga).
  6. Về mặt từ nguyên, trong tiếng Arap, Kur’an có nghĩa là đọc to, thuộc lòng, ngâm vịnh.
  7. Jahilia: thời đại đa thần giáo, chỉ giai đoạn trước Hồi giáo và tình trạng tôn giáo của cư dân Arabia trước khi Muhammad xuất hiện.
  8. Tính từ Arap ở đây với nội hàm ngôn ngữ Arap, sử dụng tiếng Arap, chứ không bao hàm người Arap, chủng tộc Arap.
  9. Al-Yakubi (?-897), nhà sử học Arap trung thế kỷ. Dẫn theo: E.A.Beljaev, Người Arap, đạo Hồi và nhà nước Khalifat giai đoạn đầu trung thế kỷ, NxbKhoa học, Moskva, 1966, tr.271; Will Durant, Sdd, tr.155.
  10. Về điểm này Will Durant đã nhận xét như sau “Các học giả Hồi giáo thời đó nghiên cứu ngữ pháp để cải thiện ngôn ngữ ả rập, cho nó hợp với luận lý, có những cách phô diễn mẫu mực làm căn bản cho một nền văn học tuyệt cao; họ soạn tự điển để cho dụng ngữ thêm chính xác, phong phú, soạn các bộ thi tuyển, văn tuyển, bách khoa toàn thư và các sách toát yếu để bảo tồn được nhiều cái quý; họ lại hiệu đính, phê bình văn học và lịch sử. Chúng ta không thể kể hết tên họ được, nhưng mang ơn và ngưỡng mộ sự nghiệp của họ” (Will Durant, Văn minh Ảrập, Sài Gòn, 1975. Nguyễn Hiến Lê dịch).
  11. Khalidov A.B, Những khảo luận về lịch sử văn hóa Arap thế kỷ V-XV, Nxb Văn học phương Đông, Moskva, 1982, tr.74 (tiếng Nga).
Theo Trần Hồng Vân
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top