• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Phân tích bài ca dao "Trèo lên cây khế..."

cucphuong

New member
Xu
0
PHÂN TÍCH BÀI CA DAO “TRÈO LÊN CÂY KHẾ…”

CA DAO THAN THÂN TÌNH NGHĨA

Bài 3
Trèo lên cây khế nửa ngày,
Ai làm chua xót lòng này, khế ơi!
Mặt trăng sánh với mặt trời,
Sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng.
Mình ơi có nhớ ta chăng?
Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời.

Trong ca dao có một số lượng khá lớn những bài ca mở đầu bằng công thức “Trèo lên”. Như “Trèo lên cây bưởi hái hoa…”, “Trèo lên cây gạo cao cao…”, “Trèo lên trái núi Thiên Thai…”,… Các bài ca dao mở đầu theo kiểu này thường gây nên không ít cách hiểu khác nhau, tạo nên những tranh luận thú vị trong cảm hiểu thơ ca dân tộc. Bài “Trèo lên cây bưởi hái hoa” là một ví dụ, làm tốn không ít giấy mực của các nhà nghiên cứu và độc giả yêu thích thơ ca. Thơ ca tồn tại sâu đậm trong tâm hồn con người phải chăng cũng có phần bởi sự mơ hồ không dễ giải thích bằng lời ấy:

Trèo lên cây khế nửa ngày,
Ai làm chua xót lòng này, khế ơi!

Hỏi khế rằng ai đã làm chua xót lòng khế thì quả là một câu hỏi tu từ quá đỗi tài tình. Không ít người thấy câu này khó hiểu! Phải chăng theo kinh nghiệm dân gian, trèo hái khế nói riêng, hái quả nói chung giữa nắng trưa quá mái thì quả sẽ bị chua hơn? Phương pháp nghệ thuật nổi bật ở hai câu mở đầu này là phương pháp nhân cách hóa. Nhân cách hóa có hai hình thức: một là gọi những vật vô tri vô giác mà trò chuyện, bộc bạch với chúng như với những người bạn; hai là gửi gắm vào những sự vật vô tri vô giác ấy những hành động, cảm xúc của con người khiến thế giới vật thể vô hồn trở nên sống động, tràn ngập cảm xúc như con người. Hai câu thơ này đã sử dụng tài tình cả hai hình thức ấy. Lựa chọn khế để hỏi vị chua là một sự lựa chọn tài tình bởi trong lòng khế (trừ khế ngọt) chẳng bao giờ hết chứa đựng vị chua. Hai câu đầu nghe sao da diết, xót xa. Lối nói ẩn dụ, kín đáo, bóng bẩy càng làm cho người nghe cảm nhận được nỗi lòng đau đớn khôn nguôi của kẻ phải chịu lỡ dở duyên tình. Ở đây ẩn chứa sự tương đồng kín đáo: khế chua – lòng người chua xót. Đại từ phiếm chỉ “ai” và câu hỏi tu từ “ai làm chua xót” mang ý nghĩa khái quát và mở ra nhiều trường liên tưởng, giống như câu hỏi hờn giận duyên phận trong một bài ca dao khác “Ai làm cho bướm lìa hoa”. Ai có thể là hoàn cảnh khách quan, là xã hội, là người ngoài cuộc, cũng có thể là người trong cuộc tự chia xa. Chỉ biết rằng nhân vật trữ tình (ở đây có thể nghiêng về cách hiểu là chàng trai giống như chàng trai trong bài ca dao “Trèo lên cây bưởi hái hoa”) dù duyên tình lỡ dở nhưng vẫn hoài niệm, ngóng vọng, thương nhớ khôn nguôi “người ấy” qua sự bộc bạch nỗi lòng ở những câu tiếp theo:

Mặt trăng sánh với mặt trời
Sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng.

Tác giả đã lựa chọn hàng loạt hình ảnh ẩn dụ mang ý nghĩa tượng trưng cho con người, tình người. Các hình ảnh thiên nhiên, vũ trụ biểu tượng của sự vĩnh cửu, tương ứng với nhau đồng thời cũng biểu tượng của sự chia xa vô vọng. Các cặp hình ảnh đối sánh: mặt trăng – mặt trời, sao Hôm – sao Mai như em anh luôn tương xứng dẩu phải xa cách. Hai lần từ “sánh với” được lặp lại và kèm thêm tính từ “chằng chằng” khẳng định dù phải cách xa nhưng hai ta vẫn đẹp đôi vừa lứa. Mặt trời lặn, mặt trăng lên là quy luật tự nhiên bất biến; sao Hôm và sao Mai vốn chỉ là một, đó là sao Kim (khi mọc vào buổi sáng thì gọi là sao Mai, mọc vào buổi chiều thì gọi là sao Hôm). Lấy hình ảnh thiên nhiên vĩnh cửu, tương xứng trong vũ trụ dẫu đối lập về thời gian xuất hiện nhưng chúng luôn là sự hồi âm, phản chiếu của nhau.

Câu kết trong ca dao giao duyên thường là lúc nỗi lòng được bộc lộ trực tiếp hơn. Dường như nhân vật trữ tình không còn kìm nén lòng mình được nữa:

Mình ơi! Có nhớ ta chăng?
Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời.

Đại từ nhân xưng mình – ta quen thuộc trong ca dao đã xuất hiện trực tiếp. Nỗi nhớ không kìm nén được đã bật tuôn trào theo logic tình cảm rất tự nhiên. Hỏi người (mình) có nhớ ta chăng và tiếp theo là lời khẳng định tình yêu son sắt của ta dẫu duyên kiếp không thành – “Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời”. Sao Vượt cũng là sao Hôm hay sao Mai. Sao Vượt mọc rất sớm từ lúc chiều hôm. Khi sao Vượt lên đến đỉnh của bầu trời thì trăng mới mọc, vậy mà sao Vượt vẫn “chằng chằng” ngóng đợi trăng lên. Sự chờ đợi, ngóng vọng dẫu cô đơn nhưng kiên định biết bao. Bài ca dao nói về nỗi xót đau lỡ dở của kẻ thất tình mà sao người nghe vẫn thấy ấm áp tình người. Sự ấm áp tỏa ra từ niềm tin yêu vào sự thủy chung son sắt của tình yêu lứa đôi, của tình người cao đẹp.

Trần Nho Thìn – Phân tích tác phẩm Ngữ văn 10*
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top