• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Những khái lược về sự kiện trong truyện

vanchuong83

New member
Xu
0
NHỮNG KHÁI LƯỢC VỀ SỰ KIỆN TRONG TRUYỆN

Theo Trần Đình Sử, “truyện là một chuỗi sự việc xảy ra được kể ra do phát hiện thấy một ý nghĩa nào bên trong. Và kể chuyện là một hình thức để phát hiện các mối liên hệ bên trong của các sự việc (sự kiện) bề ngoài có vẻ như không có liên hệ, là một hình thức nhận thức, cắt nghĩa và giải thích các hiện tượng xung quanh ta”. Như vậy, có thể hiểu được rằng, chuỗi sự kiện với mối liên hệ mang ý nghĩa được thể hiện làm nên cấu trúc của truyện. Vậy, thế nào là sự kiện?


  1. Khái niệm sự kiện
Sự kiện là những biến đổi, tác động, sự cố có ý nghĩa quan trọng đối với nhân vật, làm cho nhân vật và quan hệ của chúng không giữ nguyên hiện trạng mà phải biến đổi theo. Chính vì vậy, khái niệm sự kiện là rất quan trọng để lí giải tác phẩm. Sự kiện và nhân vật phản ánh các quan hệ, xung đột xã hội của các nhân vật, mặt khác lại có chức năng kết cấu, làm cho các nhân vật gần hoặc xa nhau, chống nhau. Sự kiện buộc nhân vật bộc lộ những gì thuộc bản chất của nó và tự nó hợp thành lịch sử của nhân vật. Sự kiện mở ra những khả năng phát triển khác nhau cho nhân vật mà người đọc hứng thú chờ đợi. Chẳng hạn, trong tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” (Tô Hoài), cái chết của Dế Choắt đã làm Dế Mèn nhận ra lỗi lầm của mình và quyết tâm sửa sai, quyết tâm thay đổi bản thân, không còn là một anh dế huênh hoang, kiêu ngạo nữa mà trở thành một kẻ nghĩa hiệp, biết ra tay giúp đỡ kẻ khác.

Trong văn bản, sự kiện là sự di chuyển của nhân vật qua ranh giới của một trường nghĩa. Từ đó rút ra, chưa một sự mô tả một sự việc hay một hành động nào đó trong tương quan với sự biểu đạt hiện thực hoặc một hệ thống ngữ nghĩa của ngôn ngữ tự nhiên có thể được xác định là sự kiện, hoặc không phải là sự kiện, khi vấn đề về vị trí của nó trong trường cấu trúc ngữ nghĩa thứ hai do loại hình văn hoá xác định chưa được giải quyết. Tuy nhiên, chưa bàn đến những vấn đề còn chưa được làm rõ ranh giới, ta cũng có thể xem xét cách hiểu này để phần nào tìm ra những sự kiện quan trọng của tác phẩm.

Trong Những vấn đề thi pháp truyện, Nguyễn Thái Hoà cho rằng: “Sự kiện thường là tình huống bộc lộ tính cách, tâm trạng của nhân vật, đóng vai trò như một tham số cho lời giải tiếp tục đến khi nào nhà văn đưa ra được lời giải cuối cùng”. Theo cách định nghĩa này, tình huống truyện được xem như những vật thử thách, để từ đó làm bật lên đặc điểm nhân vật, đặc điểm ấy sẽ hiện dần lên thông qua các sự kiện tiếp nối trong đời sống nhân vật. Ví dụ, trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà”, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã đặt nhân vật Thu vào một loạt tình huống. Để xây dựng nên tính cách bướng bỉnh của cô bé, tác giả đã “thử thách” cô bằng sự xuất hiện của người cha – mà cô không hề tin đó là cha mình, ngay cả khi bị mẹ doạ, cô vẫn một mực không chịu nhận ông Sáu, nhất quyết không gọi ông một tiếng “ba”; hay ngay cả khi ông Sáu vì quá tức giận mà lỡ đánh cô một cái, cô vẫn ngoan cố thể hiện thái độ của mình – bỏ về nhà bà ngoại chứ nhất định không xin lỗi, không gọi ông là ba. Chính những nét tính cách ấy đã phần nào làm nên Thu – cô gái giao liên kiên cường, gan góc sau này.


  1. Các cấp độ và phạm vi sự kiện
    1. Cấp độ sự kiện
Sự kiện trong truyện thường được thể hiện theo cấp độ tăng tiến để lôi cuốn người đọc, làm tăng mức độ hấp dẫn. Cấp độ tăng tiến của sự kiện đặc biệt xuất hiện nhiều trong tiểu loại truyện ngắn, bởi vì lệ thuộc vào dung lượng ít ỏi của nó, truyện ngắn buộc phải đẩy cao mức kịch tính của các tình huống, sự việc để thu hút sự chú ý của độc giả, đồng thời tô đậm được chủ đề của truyện. Ta cũng bắt gặp kiểu thể hiện này trong các truyện cổ như truyện “Ông lão đánh cá và con cá vàng”. (Ông lão bắt được con cá thần – con cá xin ông tha và đáp ứng nguyện vọng – ông lão, theo yêu cầu của mụ vợ, đòi một cái máng lợn mới – một căn nhà mới – mụ vợ trở thành nhất phẩm phu nhân rồi thành nữ hoàng – sau cùng mụ ta muốn thành vua của biển cả…).
Trong nhiều tiểu thuyết thời trung đại, đặc biệt là tiểu thuyết chương hồi, sự kiện lại được thể hiện theo từng lớp, gọi là kiểu sự kiện “làn sóng”. Sự kiện và các tình tiết được thể hiện rồi ngắt quãng (thường có các dấu hiệu về câu từ để nhận biết như “hồi sau sẽ rõ”, “hãy cùng xem”…) để khơi gợi trí tò mò của người đọc.


  1. Phạm vi sự kiện
Tuỳ từng tiểu loại mà sự kiện của truyện được phản ánh theo từng phạm vi khác nhau. Ở truyện dài và tiểu thuyết, ta có thể bắt gặp nhiều sự kiện thuộc tất cả các lĩnh vực của đời sống, trên nhiều bình diện khác nhau. Ngược lại, do giới hạn của tiểu loại, truyện ngắn chỉ đặt ra những vấn đề, những sự kiện thuộc một phần, một khía cạnh của cuộc sống (Như: miếng ăn, cái đói – trong nhiều tác phẩm của Nam Cao, Nguyễn Công Hoan; hay đời sống truỵ lạc – trong tác phẩm của Nhất Linh, Khái Hưng…)


  1. Sự kiện trong các tiểu loại
    1. Số lượng sự kiện
Dễ nhận thấy rằng, ở mỗi một tiểu loại, số lượng sự kiện góp mặt trong truyện là khác nhau. Ví dụ, ở truyện ngắn có sự giản thiểu các sự kiện. Điều này tương tự ở kịch, và từ đó dẫn đến đòi hỏi phải có độ “căng” trong việc diễn tả các tình tiết (yếu tố kịch tính). Trái ngược với truyện ngắn, số lượng sự kiện trong các truyện dài và tiểu thuyết thường lớn. Cùng với sự tăng tiến về dung lượng tác phẩm, đương nhiên truyện dài sẽ có thể miêu tả những sự kiện khác nhau, những tình tiết khác nhau một cách đa dạng hơn so với truyện ngắn, và với tiểu thuyết thì số lượng sự kiện càng phong phú hơn nữa. Ở truyện cổ tích, sự kiện lại được thể hiện theo từng hành động của nhân vật. Như vậy, số lượng sự kiện được diễn tả trong truyện thường tuỳ thuộc vào độ dài hay ngắn của tác phẩm, nhân vật hành động ít hay nhiều. Tương tự như vậy, số lượng sự kiện của tiểu loại sử thi, thần thoại cũng tuỳ thuộc vào độ dài của truyện.


  1. Tính chất sự kiện: sự kiện và tình huống
Mỗi một tiểu loại có một đặc trưng riêng về thi pháp, cách thể hiện sự kiện và tình huống truyện cũng như vậy. Truyện ngắn thường tập trung khắc hoạ những sự kiện, tình tiết nhỏ. Chẳng hạn như trong tác phẩm “Dưới bóng hoàng lan”, nhà văn Thạch Lam chỉ đơn giản miêu tả sự kiện nhân vật Thanh về thăm nhà và gặp cô Nga, từ đó phát triển câu chuyện theo hướng miêu tả tâm trạng, cảm xúc của nhân vật chứ không phải là một sự kiện to tát gì như thường thấy trong các tác phẩm tiểu thuyết lớn.
Trong tiểu thuyết, sự kiện được thể hiện là những sự kiện quan trọng và nổi bật. Chẳng hạn sự kiện cuộc nội chiến Nam – Bắc Hoa Kỳ được kể trong tác phẩm “Cuốn theo chiều gió” (Margaret Mitchell), đã dẫn đến những biến cố trong cuộc đời của nhân vật chính – Scarlett. Nói về tình huống truyện, trong tiểu thuyết hay xuất hiện những tình huống bất ngờ, khiến độc giả khó lường trước, tạo nên tính hấp dẫn đặc biệt cho tác phẩm. Như trong “Giông tố”, khi xảy ra sự việc cô Thị Mịch bị Nghị Hách hãm hiếp, cả dân làng đi kiện và bắt hắn phải bồi thường thì bỗng nhiên Nghị Hách quyết định cưới Mịch về lãm lẽ, đó là điều không ai có thể ngờ được.

Trong các tác phẩm sử thi, thần thoại, tính chất sự kiện mang tầm vóc lớn. Đó là những sự kiện có ảnh hưởng đến đời sống của cả một đất nước, một dân tộc, và mang tính cộng đồng. Sự kiện ấy có liên quan đến quá trình lịch sử, nằm trong sự tương tác với tự nhiên và vũ trụ. Bên cạnh đó, những tình huống được thể hiện phải nhằm làm nổi bật hình tượng của người anh hùng mà sử thi, thần thoại xây dựng, tô đậm tầm quan trọng của sự kiện được diễn tả. Ví dụ, sự kiện Đam-San đi bắt Nữ thần Mặt trời, thể hiện ước mơ chinh phục tự nhiên của con người thời xưa,và cũng làm tăng thêm vẻ đẹp sử thi, sự dũng mãnh và khí chất anh hùng của vị tù trưởng hùng mạnh này.

Ở một thể loại tác phẩm dân gian khác là truyện cổ tích, các sự kiện, tình tiết thường được trình bày theo một mô-týp (chẳng hạn: ở hiền gặp lành, ác giả ác báo…). Ta cũng thấy rằng, sự kiện ở trong những truyện dân gian thường có dấu hiệu phổ quát. Có thể bắt gặp những kiểu mô-týp giống nhau ở các truyện dân gian của nhiều dân tộc, nhiều quốc gia khác nhau. Ví dụ, dễ dàng bắt gặp mối quan hệ mẹ ghẻ - con chồng trong các truyện cổ tích của nhiều dân tộc khác nhau như “Tấm Cám” của Việt Nam hay “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn” (Truyện cổ Grim – Đức). Tuy nhiên, điểm đặc biệt là những sự kiện đó lại mang đặc tính dân tộc riêng. Chẳng hạn, khi xem xét về mô-týp tái sinh trong một số truyện cổ tích của các nước Đông Nam Á, ta thấy một số điểm khác biệt rất thú vị. Một số lượng lớn sự tái sinh của các nhân vật là từ một loại cây hay trái cây nào đó (xuất phát từ đặc điểm tín ngưỡng thờ phụng tự nhiên). Truyện cổ Thái Lan có kiểu người chết sống lại từ cây cam, người chết trong truyện cổ Cam-pu-chia hay Ma-lay-sia thì sống lại từ cây tre hay ở Việt Nam, nhân vật truyện cổ tích thường được tái sinh từ những loại quả cây như: quả thị, quả bầu…


  1. Thể hiện sự kiện trong truyện
Trong truyện ngắn, vì tính chất cô đọng, hàm súc của nó mà sự kiện được diễn tả cũng được tinh lọc và nén gọn. Truyện thường phản ánh một khoảnh khắc hoặc một lát cắt của đời sống, vì thế nên dù sự kiện được miêu tả ít song nó được thể hiện rất đặc sắc và trọng tâm. Các tình huống, sự kiện trong truyện, với mục đích hấp dẫn người đọc, cũng thường được thể hiện theo hướng “lạ hoá”. Theo Chu Văn Sơn nghĩa là: “nhà văn làm sống dậy trong sự kiện một tình thế bất thường của quan hệ đời sống (quan hệ giữa các nhân vật tham gia vào sự kiện hoặc giữa nhân vật với ngoại giới). Tại sự kiện ấy, bản chất của nhân vật được hiện hình sắc nét và ý tưởng của tác giả cũng được bộc lộ trọn vẹn”. Chẳng hạn, đọc truyện ngắn “Vợ nhặt” (Kim Lân), người ta không khỏi ngạc nhiên trước tình huống “nhặt được vợ” của anh Tràng, con người cù lần đến dở hơi bỗng dưng có vợ mà chỉ phải trả có bốn bát bánh đúc. Cách thể hiện sự kiện độc đáo như thế giúp tác phẩm tăng thêm tính cuốn hút, gây hứng thú cho người đọc.
Trong tiểu thuyết, sự kiện thường được kể với nhịp điệu nhanh, dồn dập; mật độ sự kiện đan xen dày đặc. Ví dụ, trong “Số đỏ” (Vũ Trọng Phụng), người đọc được chứng kiến những bước “thăng tiến” nhanh đến chóng mặt của Xuân tóc đỏ, từ một gã ma cà bông, đến “giáo sư quần vợt”, rồi “đốc-tờ Xuân” và cuối cùng là “anh hùng cứu quốc”… Các sự kiện được diễn tả theo mức độ tăng tiến dần lên.

Ở sử thi, thần thoại, sự kiện được thể hiện thường ít kèm theo miêu tả xung đột trong tâm lý hay giằng xé trong cảm xúc của nhân vật….Như trong sử thi “Đam-san”, người anh hùng Đam-San khi có ý định chinh phục nữ thần mặt trời, cưới nàng về làm vợ đã quyết ra đi ngay. Thậm chí, trên đường trở về, dù đã được cảnh báo về vùng đất nhão, chàng vẫn cứ đi. Có thể thấy, nhân vật sử thi, thần thoại chỉ là kiểu nhân vật hành động, mọi diễn biến nội tâm hay mâu thuẫn trong suy nghĩ không được diễn tả.
Sự thể hiện sự kiện trong truyện cổ tích lại đi kèm với miêu tả hành động của nhân vật. Các sự kiện, theo hành động của nhân vật sẽ được thể hiện liên tiếp, gối đầu lên nhau, tạo thành một chuỗi. Chẳng hạn như trong truyện “Sự tích ông đầu rau”, khi hai vợ chồng Trọng Cao – Thị Nhi gặp lại nhau, mừng tủi chưa kịp hàn huyên gì thì người chồng mới của Thị Nhi là Phạm Lang trở về, Thị Nhi rối trí bèn bảo Trọng Cao trốn tạm trong đống rơm. Nào ngờ Phạm Lang lại đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng mà vô tình thiêu luôn Cao đang nấp trong đó. Thị Nhi đau xót nhảy vào lửa chết cùng chồng cũ. Phạm Lang thấy vợ tự sát cũng đau xót mà nhảy vào chết theo.

Như vậy, có thể thấy rằng. Việc quan tâm đến sự kiện trong truyện sẽ giúp ta có được hình dung rõ nét hơn về cách xây dựng cốt truyện nói riêng cũng như thi pháp truyện nói chung. Những tìm hiểu trên đây còn mang tính chất sơ lược song cũng đã nêu lên một số đặc điểm về cách thức thể hiện sự kiện trong một số tiểu loại truyện và phần nào là bước đầu của những nghiên cứu về thi pháp truyện sau này của bản thân học viên.






Tài liệu tham khảo


  1. Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán – Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi, NXB Giáo dục, 2007).
  2. Những vấn đề thi pháp của truyện (Nguyễn Thái Hoà).
  3. Dẫn luận thi pháp học (Trần Đình Sử)
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top