• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Những giới từ không gian: sự chuyển nghĩa và ẩn dụ

vosong

New member
Xu
0
NHỮNG GIỚI TỪ KHÔNG GIAN: SỰ CHUYỂN NGHĨA VÀ ẨN DỤ​

Nguyễn Đức Dân

I. MỞ ĐẦU

Nhiều hiện tượng ngôn ngữ được giải thích trên cơ sở những nhận thức theo một phương thức nào đó của con người về thế giới xung quanh.

Dấu vết những nhận thức thế giới của con người được đọng lại trong ngôn ngữ.

Phương thức phổ biến là con người lấy mình làm trung tâm để nhận thức vũ trụ và bắt đầu từ sự nhận thức không gian xung quanh. Những cặp khái niệm nguyên thuỷ trong nhận thức không gian liên hệ tới sự tồng tại và vận động của con người. Đó là: trên – dưới (theo phương thẳng đứng, nhờ đã đứng thẳng), trước – sau (theo phương nhìn ngang của con người); gần – xa (theo tầm nhìn và đường đi), trong – ngoài (theo định vị ranh giới). Vận động thường có hướng như ra, vào, lên, xuống, lại… Những từ cơ bản này đặc biệt quan trọng và chúng có sự chuyển nghĩa rất mạnh trong quá trình phát triển nhận thức của con người.

Trong báo cáo này chúng tôi đề cập tới sự chuyển nghĩa và những ẩn dụ liên quan tới những từ cơ bản trỏ

a. vị trí trong không gian: trong, ngoài, trên , dưới, trước, sau

b. hướng chuyển động trong không gian, ra, vào, lên, xuống, đi, lại

II. SỰ CHUYỂN NGHĨA

1. Sự chuyển nghĩa của từ thể hiện sự phát triển của nhận thức: trường hợp của LẠI

1.1.Vấn đề. Có nhiều từ đa nghĩa. Tuy nhiên, ban đầu một từ chỉ có một vài nghĩa gốc. Trong quá trình phát triển ngôn ngữ, có sự phát triển về số lượng từ ngữ cũng như về nghĩa của chúng theo những tình huống mới và nhận thức mới của con người về tự nhiên và xã hội. Do vậy, một từ thường được cấp thêm những nghĩa mới, những nghĩa này lại được tiếp tục phát triển nữ khiến cho ở bình diện đồng đại, người ta thấy dường như là có nhiều từ đồng âm hoặc ít nhất cũng là những từ đa nghĩa.

Trong số những từ được phát triển rất mạnh về nghĩa như vậy, có từ lại.

1.2.Gỉa thuyết: Hai nghĩa gốc của từ lại:

Lại 1: sự lặp lại một hành động, một sự kiện hay một thuộc tính

Ví dụ: lại đi, lại mưa, lại ăn, lại nhai, nhai lại …

Lại 2: sự chuyển động hướng về điểm nhìn trong phát ngô. Điểm nhìn ở đây thường là người nói, vì người nói thường lấy mình làm mốc.

Ví dụ: “Lại đây với mẹ !”. Nghe tiếng gọi này, đứa con chạy lại phía người mẹ là mốc hay điểm nhìn trong phát ngôn trên. Câu “Trên đường rất nhiều người đi lại” cho thấy từ lại trỏ sự chuyển động ngược chiều với đi. Nếu như đi là chuyển động rời khỏi một điểm mốc thì lại là một chuyển động hướng về mốc đó.

1.3. Sự phát triển nghĩa của lại theo nhận thức không gian và hoạt động.

1.3.1 Lại 1 ® sự phù hợp (ký hiệu “®” được dùng để trỏ “sự chuyển nghĩa thành”…)

Từ lặp lại chuyển nghĩa thành sự phù hợp. Đây là sự phù hợp với nhau về mục đích, kết quả hay tính chất của hai hiện tượng, hai hành động. Ví dụ: “Hai ông ấy đã làm nghề tri huyện lại kiêm cả nghề đào mỏ, chẳng qua cũng muốn vinh thân như mọi người”(NTT, Tác phẩm I, 336). Để được vinh thân, những con người ấy đã làm hai nghề, tri huyện và “đào mỏ” (lấy vợ con nhà giàu). Nghề đào mỏ cũng lặp lại mục đích vinh thân như tri huyện. Nói cách khác, hai nghề ấy phù hợp với nhau về mục đích.

Thế là lại xuất hiện trong cụm từ có những từ và, nữa cũng mang ý nghĩa lặp lại để thể hiện sự phù hợp:

A vả lại B (Ia)

A lại B nữa (Ib)

Đã A lại B (lối nói nhấn mạnh) (Ic)

Tiền giả định của “V lại” và “lại X”

Chính từ nghĩa sự lặp lại một hành động, một sự kiện hay một thuộc tính của lại 1 mà có hàng loạt động từ V nếu sau đó kèm theo từ lại thì cụm từ “V lại” mang TGĐ (tiền giả định) là trước đó đã xảy ra một hiện tượng nào đó được nhận thức là đồng nhất hoặc cùng loại với V. Còn “lại X” có một TGĐ “trước đó đã xảy ra một sự kiện thuộc cùng phạm trù với X”.

Câu “Gia đình ông Ba ở lại Đà Lạt” hay câu phủ định “Gia đình ông Ba không ở lại Đà Lạt” đều cho ta biết rằng “Gia đình ông Ba đã (có mặt) ở Đà Lạt”. Do vậy câu “Gia đình ông Ba ở lại Đà Lạt” có một TGĐ là “Gia đình ông Ba đã ở Đà Lạt”. Các động từ ngồi, nằm đứng, nghỉ, ngủ, trọ, trú, trụ, nán, còn, sót, lưu… khi kết hợp với lại đều có một TGĐ là đã (có mặt) ơ nơi mà họ ngồi, nằm… lưu lại.

1.3.2. Lại 2 ®(a) hướng tâm®tập trung ® thu nhỏ

Mốc chỉ là một điểm và do vậy có kích thước nhỏ, có thể nói rất nhỏ so với cả không gian rộnglớn bao quanh. Cho nên từ nghĩa sự chuyển động về một mốc, một điểm nhìn trong phát ngôn của lại 2 đã phát triển thành nghĩa có thuộc tính hướng tâm, tập trung, không gian bị thu nhỏ lại. Vì vậy, chúng ta nói: nhỏ lại, bé lại, ngắn lại, co lại, tóp lại, hóp lại, teo lại, cụm lại, dúm lại, ríu lại, choắt lại, quắt lại, hẹp lại, đặc lại, cô lại, khít lại, góp lại, vun lại… Những chuyển động hoặc hành động nào được nhìn nhận là hướng tâm, tập trung hoặc làm không gian thể tích của đối tượng thu nhỏ lại đều cho phép dùng từ lại để biểu thị ý nghĩa này: co tay lại, gom lại, dồn cục lại, tập hợp lại, xúm lại, chất đống lại, thót bụng lại, thu mình lại, nhắm mắt lại, trót lại, gói lại, cuộn lại, gấp lại, đọng lại….

Loại 2 ® (b) trở về nơi xuất phát

Chuyển động hướng về điểm mốc, điểm gốc chuyển nghĩa thành trở về nơi xuất phát, trở về trạng thái ban đầu. Tiễn khách chúng ta nói: “Ông/ Bà lại nhà ạ !”. “Lại quả” là nhà gái để lại một phần lễ vật mà nhà trai đưa đến. Phần lễ vật đó đã trở về nơi xuất phát. “Lại người” là sau một thời gian sức khoẻ bị giảm sút, nay trở lại trạng thái bình thường ban đầu. “Lại giống” chẳng phải là trở lại một số đặc điểm ban đầu, xa xưa của loài người đó sao? “Lại hôn” là gì nếu không phải là từ bỏ việc hôn nhân đã định để trở về trạng thái ban đầu? Những cách nói trẻ lại, khoẻ lại, lấy lại tinh thần, nhớ lại, tìm lại họ hàng… cũng được hiểu là trở lại trạng thái đã có lúc ban đầu.

Lại 2 ® (c) những hiện tượng “ngược”

Lại 2 trỏ sự chuyển động ngược chiều với đi. Do vậy, một khi đi được hiểu là vận động thuận (xuất phát từ gốc) thì lại được hiểu là vận động ngược, trái hướng vận động của đi.

Do ý nghĩa này, một mặt lại 2 được dùng biểu thị những hành động, chuyển động mang ý nghĩa “đáp trả”, “phản ứng” lại một hành động trước đó: cãi lại, mắng lại, phê phán lại, đánh lại, bắn lại, bật lại, văng lại… Mặt khác, lại 2 phát triển thành một nghĩa mới trỏ những hiện tượng ngược, với thông thường, ngược với người khác về thuộc tính, về kết quả, về sự đánh giá. Nghĩa là từ sự kiện A thông thường sẽ dẫn tới sự kiện B, nhưng lại xảy ra sự kiện C trái ngược với sự kiện B mà chúng ta chờ đợi. Thế là lại 2 xuất hiện trong mô hình ngôn ngữ nghịch nhân quả và so sánh đối lập:

“X thì A (nhưng) (mà) Y lại B” (II a)

“X thì A còn Y lại B” (II b)

Hệ quả của điều này là: Nếu trong một biểu thức ngôn ngữ chì xuất hiện “lại X” thì biểu thức đó cho biết đã có hiện tượng “ngược đời”. Mặt khác, như mục trước đã nói “lại X” có một TGĐ “trước đó đã xảy ra một sự kiện thuộc cùng phạm trù với X”. Do vậy, “Lại X” là một cấu trúc mơ hồ.

Chính vì lại 2 trỏ những hiện tượng ngược, cho nên nó được dùng trong những câu bác bỏ: Khi người ta chất vấn một hiện tượng ngược với sự nhìn nhận của mình là người ta bác bỏ hiện tượng đó: “Sao lại không nói điều đó !”; “Sao lại nói điều đó” đều là những câu bác bỏ. Chất vấn cũng để thể hiện sự nghi ngờ, tức là một cách biểu thị lòng tin của người nói. Cấu trúc “Chẳng lẽ …. Lại” thể hiện nghĩa trên.

2. Trong sự phát triển nhận thức, trước hết là sự phát triển nhận thức không gian

2.1. Những nghĩa gốc:

trong, ngoài: Quan hệ “không gian chứa B bao chứa không gian chứa A” được thể hiện trong các cách nói

về quan hệ vị trí “A ở trong B”, (1a)

“B ở ngoài A”, (1b)

về định hướng chuyển động: “V từ A ra B” (2a)

“V từ B vào A” (2b)

Giới từ ra: định hướng cho chuyển động sang một không gian mở(không gian rộng hơn). Giới từ vào: định hướng cho chuyển động sang một không gian khép (không gian hẹp hơn).

trên, dưới, lên, xuống: quan hệ “không gian chứa B ở cao hơn (ở trên) không gian chứa A” hay là “không gian chứa A ở thấp hơn (ở dưới) không gian chứa B” được thể hiện trong các cách nói

Về quan hệ vị trí: “B ở trên A”, (3a)

“A ở dưới B”, (3b)

về định hướng chuyển động: “V từ A lên B” (4a)

“V từ B xuống A” (4b)

Giới từ lên: định hướng cho chuyển động từ thấp lên cao

Giới từ xuống: định hướng cho chuyển động từ cao xuống thấp

Vì tiếng Việt chú ý tới hướng chuyển động của đối tượng còn tiếng Anh chú ý tới kiểu quan hệ tồn tại giữa hai đối tượng nên trong rất nhiều trường hợp từ tiếng Anh ứng với hai giới từ tiếng Việt. Nghĩa là lúc đó hai câu tiếng Việt khác nhau đều cùng một cách dịch:

Hãy đặt giỏ lên bàn (Put your bag on the table)

Hãy đặt giỏ xuống bàn (Put your bag on the table)

“Đi lên thiên đàng” (Go the heaven)

“Đi xuống địa ngục” (go tho the hell)

2.2. Gỉa thuyết: Phần lớn những nghĩa khác của mỗi từ trong hai nhóm (a), (b) nêu ở mục I có liên quan với nhau, chúng thể hiện sự phát triển, sự chuyển nghĩa và ẩn dụ theo con đường trừu tượng hoá các quan hệ không gian thành những quan hệ khác. Tất cả những từ trỏ quan hệ và sự chuyển động của một đối tượng giữa hai không gian vật lý đều được dùng cho những không gian trừu tượng khác. Các quan hệ không gian được sắp xếp một cách quy ước liên quan đến tâm thức người Việt. “Cách dùng các từ nối… không bị chi phối bởi động từ mà lại bị chi phối bởi danh từ làm đối tượng của động từ hoặc điểm nhìn trong phát ngôn” (x.[1])

Không gian vật lý trở thành những không gian trừu tượng: những tập hợp.

Quan hệ không gian trở thành quan hệ thời gian

Quan hệ không gian trở thành những quan hệ về thuộc tính của các không gian.

2.3. Điểm nhìn trong phát ngôn – một đặc điểm của cách dùng giới từ không gian trong tiếng Việt. Người Việt lấy chủ thể phát ngôn làm yếu tố trung tâm để xác định các mối quan hệ không gian và xã hội trong giao tiếp. Từ vị trí đứng của mình mà suy ra các mối quan hệ giữa mình và các đối tượng (vật thể, địa điểm) cũng như giữa các đối tượng với nhau.

Điều này được thấy rõ trong cách dùng giới từ trỏ quan hệ không gian trong tiếng Việt.

Ví dụ: trên, dưới là hai từ trỏ quan hệ sắp xếp cao – thấp trong không gian. Tiếng Việt chú ý tới quan hệ của đối tượng trong sự so sánh với điểm nhìn. Cứ đối tượng nào ở vị trí cao hơn thì người Việt gọi là trên, ở vị trí thấp hơn thì người Việt gọi là dưới. Tiếng Anh chú ý nhiều tới kiểu quan hệ trực tiếp giữa đối tượng với không gian liên quan tới nó, như có bao chứa (“in”), có đụng chạm, tiếp xúc (“on”), hay không tiếp xúc (“over”). Cho nên từ trên tương ứng với các giới từ: above, up, over; từ dưới tương ứng với: below, down, under, underneath, beneath. So sánh: trên trời (in the sky), trên giường (in bed), trên cây (on the tree), trên mặt đất (on the ground), dưới đất (on the ground), dưới nước( in the water), “Quạt treo trên trần” (There is a fan on the ceiling), “Chúng ta đang bay (bên) trên mây” (We were flying over the clouds), “Cờ bay phấp phới trên đầu chúng tôi” (The flags waved above our heads).

Một không gian có thể được nhìn nhận theo những quan hệ khác nhau.

Ví dụ 1: nhà và phòng khách trong một ngôi nhà được xếp theo quan hệ bao chứa (rộng – hẹp), tức là quan hệ ngoài – trong, so với buồng, và xếp theo quan hệ cao – thấp, trên – dưới so với bếp. Do vậy, chúng ta gặp những cách nói tưởng như đồng nghĩa nhưng thật ra phản ánh những điểm nhìn khác nhau:

(1) Anh ấy đang đợi dưới phòng khách

(2) Anh ấy đang đợi trên phòng khách

(3) Anh ấy đang đợi ngoài phòng khách

(4) Anh ấy đang đợi trong phòng khách

(5) Anh ấy đang đợi ở phòng khách

Ở 1 & 2, người nói nhìn phòng khách (phòng đầu tiên khi đi vào một ngôi nhà) so với một không gian khác theo quan hệ cao – thấp. Ở (1), người nói đang ở tầng lầu cao hơn phòng khách. Ở (2), người nói đang ở một nơi thấp hơn phòng khách, chẳng hạn ở bếp. Ở 3 & 4, người nói nhìn phòng khách so với một không gian khác theo quanhệ bao chứa rộng – hẹp, ngoài – trong. Ở (3), người nói đang ở một nơi được nhận thức là hẹp hơn phòng khách, chẳng hạn ở buồng. Ở (4) được nhận thức ngược lại. Lối nói (5) mới nêu rõ quan hệ vị trí một người với không gian bao chứa người đó. Tiếng Anh nhấn mạnh tới quan hệ giữa hai đối tượng, trong trường hợp này là quan hệ vị trí một người với không gian bao chứa người đó, do vậy cả 5 câu trên đều được dịch như sau: He is waiting in the living room.

Tương tự, “Trong sân có 22 cầu thủ” là cách nói chú ý tới điểm nhìn trong phát ngôn: người nói ở ngoài sân. Còn cách nói “Trên sân có 22 cầu thủ” lại chú ý tới quan hệ giữa hai đối tượng: cầu thủ và sân bóng. Dịch sang tiếng Anh đều dùng giới từ on: “There are 22 players on the ground”

Ví dụ 2: Một đối tượng nào đó ở trên người chúng ta có thể nhìn nhận theo hai quan hệ không gian cơ bản liên quan đến hưởng và phương của con người: trước – sau và trên – dưới. Theo hướng trước – sau, chúng ta nói “huân chương trước ngực”, “ba lô sau lưng”. Ở đây, người nói “xuất phát từ lôgic của sự vật” (x.[2]). Theo phương trên – dưới, chúng ta nói “huân chương trên ngực”, “ba lô trên lưng”. Ở đây có sự chuyển nghĩa của từ trên: Từ không gian cao hơn và có khoảng cách (above) có thể chuyển thành không gian cao hơn tiếp giáp ngay trên bề mặt (on) mà không chú ý tới phương thẳng đứng nữa. Đối tượng “có thể được quan niệm theo hình học như một mặt phẳng” (Lý Toàn Thắng, 19942). Thậm chí, trên có thể dùng cho một đối tượng không có chiều dày hoặc xuất hiện trên bề mặt một vật thể nào đó một cách trừu tượng để chỉ quan hệ trên – dưới: “Tôi đọc mẫu in ấy trên báo” (I read that news in a paper); “Chúng tôi nghe thấy tin đó trên radio” (We heard it over the radio).

Do ít chú ý tới quan hệ trực tiếp giữa đối tượng với không gian liên quan tới nó nên cũng xảy ra hiện tượng mơ hồ: Câu “Trong nhà không có ai” có hai cách hiểu: (a) Đây là lời nói của một người đứng ngoài nhà nhìn vào (There is nobody inside the house); (b) Đây là lời nói chỉ trên quan hệ bao chứa giữa hai đối tượng (There is nobody in the house).

2.4. Một sô hiện tượng chuyển nghĩa cụ thể

2.4.1 Không gian hình học trở thành những không gian trừu tượng: những tập hợp. Tất cả những từ trỏ quan hệ và sự chuyển động giữa hai không gian hình học đều được dùng cho những không gian trừu tượng khác.

Ví dụ: Đảng, đoàn, quân đội, trường học, công sở, làng xóm… là những tập hợp – những không gian trừu tượng.

Ví dụ 1: Như đã nêu ở mục 2.1, từ vào trỏ sự chuyển động sang một không gian hẹp, một không gian khép, từ ra thì ngược lại. Mà quan hệ khép – mở (bao chứa) giữa hai không gian trở thành quan hệ thuộc về – không thuộc về (trong – ngoài) của một tập hợp. Cho nên hai từ vào, ra cũng được dùng để trỏ một hành động chuyển từ một tập hợp rộng sang một tập hợp hẹp hoặc ngược lại: đơn xin vào Đảng, thi vào đại học, được bầu vào ban chấp hành, lễ ra trường, lễ ra quân, “Ba đã ra trường” (Ba graduated from university)…

Ví dụ 2: Quan hệ trên – dưới giữa hai không gian chuyển thành quan hệ tôn ti vị thế, đẳng cấp liên quan tới chức vụ, địa vị, tuổi tác, gia tộc, lương bổng. Cho nên có lối nói” Chỉ có giám đốc là trên bà ta” (She has only the director over her). Từ lên trỏ sự chuyển động sang một không gian cao, xuống thì ngược lại. Cho nên hai từ lên, xuống cũng được dùng để trỏ một hành động chuyển từ một tập hợp thấp sang một tập hợp cao về tôn ti, vị thế hoặc ngược lại: lên chức,lên lương, lên lão, giáng xuống làm dân thường, xuống chiếu dưới…

2.4.2 Quan hệ không gian trở thành quan hệ thời gian. Những ẩn dụ thời gian:

Nhận thức về thời gian được xây dựng trên nhận thức không gin. Không gian có kích thước thì thời gian cũng là một đối tượng có kích thức, cũng là một vật chứa đựng. Trước Tết, trong năm, vào mùa mưa, ngoài giêng, trên một tuần, “Trong (dịp) Tết, giá cả rất cao” (During Tet Holidays, the prices are very high), “nói trong khoảng 5 phút”

Thấy hai đối tượng giống nhau về một phương diện nào đó, người ta có thể lấy đối tượng này để nói thay cho đối tượng kia. Đó là ẩn dụ. Như vậy, ẩn dụ phản ánh sự nhận thức. Bản chất sâu xa của ẩn dụ là so sánh. Có hai ẩn dụ về thời gian liên quan tới hai cách nói ngược nhau về thứ tự: xuân sang và sang xuân, liên quan tới hai cách nói dường như mâu thuẫn: tuần trước và tuần qua, tuần tới và tuần sau.

1) Thời gian là một đối tượng tồn tại trong vũ trụ. Lấy mình làm khuôn mẫu, con người có hướng trước – sau nên cũng định hướng trước sau cho vật thể và cho những đối tượng chuyển động. Hướng chuyển động của vật thể cũng là hướng trước – sau của nó: “Trái banh từ từ lăn tới trước”. Thời gian thay đổi, thế là hình thành một ẩn dụ: Thời gian là một đối tượng chuyển động về phía chúng ta (x.[3]). Thời gian tới. Giờ hành động đã đến. “Thời gian trôi qua”, “Chạy đua với thời gian”, “Thời gian thấm thoắt thoi đưa, Nó đi, đi mãi có chờ ai đâu”… Thời gian tới trước sẽ trở thành quá khứ. Ay thế là có những lối nói tưởng như mâu thuẫn: “trong những tuần trước” (In the precedingweeks), những tuần lễ đã đi qua, để đối lập với “trong những tuần sau” (In the following weeks), những tuần lễ sẽ đến trong tương lai.

2)Thời gian cũng là một đối tượng bất động (có kích thước) và chúng ta chuyển dịch trong thời gian theo hướng tới tương lai. “Chúng ta sắp bước vào thiên niên kỷ thứ III”, “Chúng ta bước tới tương lai”; “Vào mùa nắng”… “Tuần qua”, tuần lễ mà chúng ta đã đi qua, như vậy cũng là tuần trước; “tuần tới”, tuần lễ mà chúng ta sắp bước tới. Vậy nó cũng là tuần sau. Nếu có lối nói “đi từ nhà tới bưu điện” thì cũng có lối nói “đi từ sáng tới chiều”.

Cả hai ẩn dụ trên đều dẫn tới một hệ quả là trục thời gian theo định hướng trước – sau: Thời gian đi tới chúng ta từ trước ra sau.

2.4.3. Quan hệ không gian trở thành những quan hệ về thuộc tính của các không gian. Từ trỏ hướng của chuyển động chuyển thành biểu trưng thuộc tính. Có những sự chuyển nghĩa sau:

2.4.3.1. (Quan hệ không gian) hẹp – rộng ® kín – rõ; không thấy được – thấy được; bí mật – công khai. Vì vậy có lối nói: Đảng rút vào hoạt động bí mật – công khai. Vì vậy có lối nói: Đảng rút vào hoạt động bí mật; Tên gian đã lẫn vào đám đông vấn đề đi vào ngõ cụt, tiến ra sân khấu, ….

2.4.3.2 Không thấy được – thấy được ® chưa biết – biết, phát hiện; giữ kín – bộc lộ. Do vậy nói: hiện ra, bày ra, rõ ra, chỉ ra những chỗ sai, nhận ra người quen, tìm ra thủ phạm, nổ ra cuộc tranh luận; bay vào vũ trụ (nơi chưa biết), bay lên vũ trụ (không gian cao); trong cờ tướng thì “ra xe” là quân xe ra một vị trí mở rất rộng đường đi. Trong quá trình phát triển, dân tộc Việt Nam đi từ Bắc (nơi đã biết) xuống phía Nam (nơi chưa biết). Vì vậy có lối nói “ra Bắc vào Nam”. Ý nghĩ “bộc lộ, phát hiện” của từ ra được xuất hiện trong hầu hết các quán ngữ, thành ngữ có từ ra: té ra, hoá ra, thì ra, ra bộ, ra mặt, ra tay, ra cái điều, ra đầu ra đũa, ra môn ra khoai…

2.4.3.3. Khép – mở ® hướng tâm – ly tâm; thu hẹp – phát triển ® sự vật có thuộc tính dương [+]: giang tay ra, duỗi chân ra, mở gói ra, cởi áo ra, bàn ra, tháo ra, co tay vào, nhìn thẳng vào sự thật, nhảy vào cuộc, nói vun vào, lãnh đạo cần gương mẫu để cho quần chúng còn nhìn vào… Ý nghĩa sự vật có thuộc tính dương [+] của từ ra còn được thấy trong các lối nói trằng ra, béo ra, trẻ ra, đẹp ra, tươi ra, đỏ đắn ra, xinh ra, tỉnh ra, ăn nên làm ra,….

2.4.3.4 Chuyển động lên là chuyển động sang không gian cao, xuống – sang không gian thấp. Do vậy: (Quan hệ) trên – dưới, cao – thấp ® phát triển – suy giảm; cao ® sự vật có thuộc tính dương [+],

thấp ® sự vật có thuộc tính âm [-]

Xuống nước, xuống giá, xuống thang, xuống sức, xuống tay, xuống hạng, xuống cân, không khí cuộc họp lắng xuống, giỏi lên, đẹp lên, giầu lên, khá lên, béo lên, đỏ lên, hồng lên, xe lên đời, lên hạng, lên cân, lên nước, lên vôi xuống chó…

2.4.3.5. Chuyển động đi là chuyển động dời khỏi gốc, xa dần điểm gốc, xa dần tầm nhìn của người nói và tới một lúc nào đó sẽ không thấy nữa. Vì vậy:

Đi ® dời khỏi gốc ® suy giảm ® sự vật có thuộc tính âm [-]

Do vậy, ta nói: đen đi, xấu đi, gầy đi, mờ đi, nghèo đi, hèn đi, kém đi, chậm đi, yếu đi, tái đi, xám đi, vơi đi, lặng người đi..

Đi ® dời khỏi gốc ® thoát khỏi tầm nhìn ® không thấy được

Do vậy, ta nói: trốn đi, giấu đi, che đi, lấy đi, khuất đi, biến mất đi…

Kết hợp hai ý nghĩa trên sẽ dẫn đến cách nói: loại đi, bỏ đi, vất đi, khử đi…

Đi ® dời khỏi gốc ® (ẩn dụ) mất ® chết:

Do vậy, ta nói: cụ đã đi rồi.


CHÚ THÍCH


(1) Nguyễn Đức Dân, Logic của từ nối, trong: Tiếng Việt và các ngôn ngữ Đông Nam Á, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988, tr. 39.

(2) Lý Toàn Thắng, Ngôn ngữ và sự tri nhận không gian, Ngôn ngữ, số 4. 1994.

(3) G. Lakoff & M. Johson, Metaphors we live by, University of Chicago Press, 1980.

Theo: khoavanhoc-ngonngu.edu.vn
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top