• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Thảo luận Mười cuộc tranh đoạt quyền lực nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.

Trang Dimple

New member
Xu
38

Quyền lực là thứ mê hoặc và ám ảnh lớn nhất của con người. Có những con người vì tham quyền đã để lại tiếng xấu muôn thuở, trở thành những kẻ bán nước cầu vinh bị người đời khinh miệt như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống… cũng có những con người dựa vào quyền lực để đưa đất nước tiến lên, vượt qua khủng hoảng. Là anh hùng hay tội đồ dựa vào thành bại trong cuộc tranh giành và những việc đã làm đối với dân tộc, với nhân dân.

Không có một loại quyền lực trên đời này có thể duy trì mãi mãi được, khi một chính quyền mới được lập nên, nó luôn muốn duy trì quyền lực và sự thống trị của mình trường tồn với thời gian. Tuy nhiên, trải qua những biến thiên của lịch sử, dài hay ngắn khác nhau, lần lượt các chính quyền đó bị sụp đổ, khi chính quyền không còn thuận với lòng dân thì bùng nổ các cuộc khủng hoảng, xuất hiện sự tranh đoạt quyền lực giữa các phe phái, cá nhân dẫn đến sự sụp đổ của một dòng họ, chính quyền hay cá nhân nào đó..Nhìn vào xuyên suốt lịch sử nước ta, có thể thấy rằng những cuộc tranh giành quyền lực diễn ra liên miên và không có hồi kết.
Quyền-lực-chính-là-một-cái-bẫy-cực-kì-nguy-hiểm2.jpg


1. Cuộc chuyển giao quyền lực của Hùng Vương thứ 18 cho Thục Phán

Năm 221 TCN, Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, lập ra đế chế Tần rộng lớn. Không dừng lại ở đó, năm 218 TCN Tần Thủy Hoàng sai Úy đà Đồ Thư dẫn 50 vạn quân vượt sông Dương Tử tiến hành xâm lược và đồng hóa các bộ tộc Bách Việt ở phương Nam. Rất nhanh chóng đội quân nhà Tần đã chiếm cứ vùng đất rộng lớn này của cộng đồng Bách Việt. Năm 208 TCN quân đội nhà Tần tiến quân đến vùng mạn bắc nước Văn Lang lúc bấy giờ, đứng trước nguy cơ bị xâm lược và đồng hóa, trong khi Hùng Vương không còn đủ uy tín để lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống Tần thì Thục Phán nổi lên như một vị anh hùng. Bằng chiến tranh du kích, ngày nghĩ đêm đánh, cộng với những yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp của khí hậu phương Nam là cho quân đội nhà Tần tổn thất rất nhiều, trong khi đó lại không thể nào bình định được nước ta. Trong bối cảnh đó, Tần Thủy Hoàng mất, ở Trung Quốc nổ ra rất nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân. Chính vì vậy, năm 214 TCN nhà Tần ra lệnh rút lui về nước, cuộc khởi nghĩa đi đến thắng lợi hoàn toàn. Danh tiếng và vị thế của Thục Phán ngày càng lên cao, trước đó, Thục Phán đã nhiều lần đem quân đi đánh Hùng Vương nhằm giành lấy quyền lãnh đạo, sau khi kháng Tần thành công, đây là cơ hội thích hợp nhất để giành lấy quyền lực.

Theo Ngọc phả Hùng Vương, đứng trước bối cảnh trên, một phần do không có con trai nối dõi, lại nhận được lời khuyên từ người con rể là Tản Viên, nên Hùng Vương thứ 18 đã chấp nhận nhường ngôi lại cho Thục Phán. Bên cạnh đó, Thục Phán cũng cho đúc 2 trụ đồng lập lời thề sẽ thờ cúng tổ tiên của họ Hồng Bàng đời đời. Cuộc chuyển giao quyền lực đầu tiên ở nước ta, tuy lúc đầu có nội chiến song về sau nó diễn ra rất êm đẹp. Năm 208 TCN Thục Phán lên ngôi, lấy hiệu là An Dương Vương, chọn kinh đô ở vùng Phong Khê (Cổ Loa, Hà Nội ngày nay), đặt tên nước là Âu Lạc.

Như vậy, ta có thể thấy rằng, Hùng Vương thứ 18 đã đi một nước cờ khéo léo, hợp tình hợp lý, tránh mối họa nội chiến lâu dài của dân tộc ta. Ông đã hi sinh lợi ích của dòng họ mình mà đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết. Để Thục Phán danh chính ngôn thuận lãnh đạo nhân dân ta phát triển đất nước, củng cố quốc phòng, chống lại âm mưu ngoại bang xâm lược luôn thường trực. Bênh cạnh đó, dòng họ Hùng Vương vẫn được nhân dân ta đời đời thờ phụng và biết ơn. Chứ không tham quyền cố vị, làm suy yếu đất nước.

2. Cuộc tranh đoạt quyền lực của Lý Phật Tử với Triệu Việt Vương

Cuộc chính biến này diễn ra dưới thời nhà nước Vạn Xuân giữa Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử. Điểm lại những biến cố lịch sử lúc bấy giờ. Mùa xuân năm 542, Lý Bí phất cờ nổi dậy. Khởi nghĩa thành công nhanh chóng. Trong vòng chưa đầy 3 tháng, nghĩa quân đã chiếm được hầu hết các quận, huyện. Thứ sử Tiêu Tư run sợ, vội vã bỏ thành Long Biên (Yên Phong – Bắc Ninh) rút chạy về Trung Quốc. Lý Bí đem quân vào Long Biên, ổn định tình hình mọi mặt. Được tin Long Biên thất thủ, vua Lương lập tức hạ lệnh cho quân phản công chiếm lại. Bọn xâm lược vừa kéo sang đã bị Lý Bí cho quân mai phục đánh tan.

Mùa xuân năm 544, sau khi đánh đuổi được quân đô hộ và đánh lùi hai lần phản công xâm lược của nhà Lương, Lý Bí tự xưng hoàng đế tức Lý Nam Đế. Lý Nam Đế lấy tên nước là Vạn Xuân, đặt kinh đô ở miền cửa sông Tô Lịch (Hà Nội)

Tháng 5 năm 545, vua Lương lại phái quân sang đánh Vạn Xuân. Bấy giờ, nhà Lương vừa đàn áp được những cuộc nổi dậy của nông dân Trung Quốc, đã dồn sức vào cuộc tấn công xâm lược lần thứ ba này. Dương Phiêu được cử làm thứ sử châu Giao cùng với Trần Bá Tiên, một viên tướng rất hiếu chiến, tổ chức cuộc xâm lược. Địch chia hai đường thủy, bộ phối hợp cùng tiến sâu vào nước ta.

Sau nhiều lần thất thủ trước sức mạnh quân thù, Lý Nam Đế lại phải lui vào động Khuất Lão (Tam Nông, Vĩnh Phúc). Anh vua là Lý Thiên Bảo, cùng Lý Phật Tử (một người trong họ và là tướng của Lý Nam Đế) đem một cánh quân lui vào Thanh Hóa. Vua trao quyền cho Triệu Quang Phục tiếp tục cuộc kháng chiến chống quân Lương.

Triệu Quang Phục là người kế tục sự nghiệp của Lý Nam Đế. Ông là người huyện Chu Diên, là con của Triệu Túc, một thủ lĩnh địa phương có lòng yêu nước không chịu khuất phục nhà Lương. Triệu Quang Phục nổi tiếng giỏi võ nghệ. Sử chép ông là người “uy hùng sức mạnh”.

Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, từ Lý Nam Đế qua Triệu Việt Vương đã có sự chuyển hướng chiến lược, thay đổi địa bàn và cách đánh. Lập căn cứ kháng chiến ở đồng bằng, đó là kế sách dụng binh hết sức mưu lược và sáng suốt của Triệu Quang Phục. Đưa quân xuống đồng bằng, Triệu Quang Phục không áp dụng phương thức tác chiến phòng ngự, cố thủ hay tập trung lực lượng quyết chiến với địch. Kế sách của ông nói theo ngôn ngữ quân sự hiện đại, là đánh lâu dài và đánh tiêu hao, đánh kỳ lập làm phương thức tác chiến chủ yếu.

Qua gần 4 năm chiến tranh (547-550) cuộc kháng chiến ngày càng lớn mạnh, địch càng đánh càng suy yếu. Viên tướng giỏi của địch là Trần Bá Tiên đã trở về Châu Quảng từ năm 547, làm Thái thú Cao Yên. Năm 548, bên triều Lương xảy ra loạn Hầu Cảnh (548-552). Viên hàng tướng này đã cướp kinh sư, số đông quý tộc nhà Lương bị giết chết, bọn cường hào địa phương nổi dậy khắp nơi.

Chớp thời cơ đó. Triệu Quang Phục, từ căn cứ Dạ Trạch, đã tung quân ra mở một loạt cuộc tiến công lớn vào quân giặc giết tướng giặc là Dương Sàn thu lại châu thành Long Biên, đuổi giặc ngoại xâm, giành lại quyền tự chủ trên toàn đất nước.

Về phần của Lý Phật Tử như sau. Năm 555, Đào Lang Vương Lý Thiên Bảo qua đời, không có con nối dõi, một vị tướng khác, người cùng họ với Lý Bí là Lý Phật Tử được đưa lên nối nghiệp. Bấy giờ, Triệu Quang Phục đã đánh đuổi được quân nhà Lương và xưng là Triệu Việt Vương, đóng trong thành Long Biên.

Năm 557, Lý Phật Tử liền đem quân đánh Triệu Việt Vương. Sự kiện đau xót này được sách Đại Việt sử kí toàn thư chép lại như sau:“Lý Phật Tử đem quân xuống vùng Đông Bắc, đánh nhau với Nhà vua (chỉ Triệu Việt Vương) tại Thái Bình, năm trận liền vẫn chưa phân thắng bại. Quân của Lý Phật Tử hơi nao núng, ngờ là Nhà vua có phép thuật lạ, bèn xin giảng hòa, thề thân thiện với nhau. Nhà vua nghĩ rằng, Lý Phật Tử là người cùng họ với Lý Nam Đế, cho nên, không nỡ cự tuyệt, bàn lấy bãi Quân Thần ở hai xã Thượng Cát và Hạ Cát của huyện Từ Liêm (ngoại thành Hà Nội) làm địa giới. Từ đó trở về phía Tây thì nhường cho Lý Phật Tử. Lý Phật Tử dời về đóng tại thành Ô Diên (xã Hạ Mỗ, Từ Liêm có đền thờ Bát Lang, tức là đền thờ Nhã Lang vậy) Sau, Lý Phật Tử có con trai là Nhã Lang. Nhã Lang xin cưới con gái của Nhà vua là Cảo Nương làm vợ. Nhà vua bằng lòng. Từ đó, hai bên thành thông gia. Nhà vua rất yêu quý Cảo Nương, bèn cho Nhã Lang được ở rể”.

Nhã Lang ở rể vừa được ba năm thì biến cố lớn đã xảy ra, mà với biến cố này, Nhã Lang vừa là thủ phạm, lại cũng vừa là nạn nhân. Đại Việt sử ký toàn thư khi chép chuyện năm Canh Dần (570) cho biết như sau:

“Nhã Lang nói với vợ rằng:

– Trước kia, cả hai vua cha cùng thù oán nhau, vậy mà nay lại kết nghĩa thông gia, sự thể quả là rất hay. Nhưng, vua cha của nàng có thuật gì hay mà đẩy lùi được quân của vua cha ta?

Cảo Nương không hề hay biết ẩn ý của chồng, bèn bí mật lấy mũ đâu mâu có gắn móng rồng cho chồng xem. Nhã Lang nhân đó, tráo cái móng rồng ấy, rồi nói với Cảo Nương rằng:

– Ta nghĩ, ơn sâu của cha mẹ lớn kể như trời đất. Nay, vợ chồng yêu quý nhau, không nỡ xa cách, nhưng ta cũng quyết phải tạm dứt tình để về thăm cha mẹ.

Nhã Lang trở về, cùng với cha, bàn mưu đánh chiếm nước của Triệu Việt Vương”.

Lý Phật Tử phụ lời thề ước, đem quân đánh úp và tiêu diệt Triệu Việt Vương.

Có những thắng lợi không hề đem lại vinh quang, ngược lại còn bị sử sách nghiêm phê nữa. Thắng lợi của Lý Phật Tử thuộc loại này. Xin dẫn hai lời nghiêm phê của Ngô Sĩ Liên để thấy rõ hơn sự công minh của sử thần thuở trước. Cả hai lời nghiêm phê này đều được sách Đại Việt sử kí toàn thư ghi lại.

Lời thứ nhất :“Con gái lấy chồng thì gọi là quy, vậy, nhà chồng tức là nhà mình vậy. Con gái của Nhà vua đã gả cho Nhã Lang, thì hà cớ gì không cho về nhà chồng mà lại bắt chước theo tục ở rể của nhà Doanh Tần để đến nỗi bại vong”

Lời thứ hai :“Lấy thuật tranh bá mà xét thì Hậu Lý Nam Đế (tức Lý Phật Tử) đánh Triệu Việt Vương là đắc kế, song, lấy đạo của bậc làm Vua mà xét thì việc ấy không bằng cả lũ chó, heo. Vì sao? Khi Tiền Lý Nam Đế (chỉ Lý Bí) ở động Khuất Lão đã đem các việc quân quốc ủy cho Triệu Việt Vương. Triệu Việt Vương thu nhặt tàn quân, bám giữ đất hiểm là đầm Dạ Trạch bùn lầy nước đọng để đương đầu với người hùng một thời là Trần Bá Tiên, cuối cùng bắt được tướng của hắn là Dương Sàn, người phương Bắc buộc phải lui quân. Khi ấy, Vua (chỉ Lý Phật Tử) trốn trong đất Di Lão, chỉ cầu mong thoát khỏi miệng hùm mà thôi. May được Trần Bá Tiên về Bắc, Lý Thiên Bảo qua đời, Vua mới có cơ hội đem quân đi đánh Triệu Việt Vương, gian trá dùng mưu xin hòa và kết mối thông gia để hại người. Triệu Việt Vương đã lấy lòng thành mà đối đãi, lại còn cắt đất cho mà ở, như thế, mọi việc đều chính nghĩa, giao hảo rất phải đạo, thăm viếng cũng phải thời, đó há chẳng là đạo trị yên lâu bền hay sao? Thế mà Lý Phật Tử lại dùng mưu gian của Nhã Lang, vứt bỏ cả nhân luân chính đạo, tham lợi mà vong ân, tuy đánh cướp được nước nhưng Nhã Lang thì phải chết còn thân mình thì sau phải vào tù (chỉ việc Lý Phật Tử bị nhà Tùy bắt năm 602), phỏng có ích gì đâu”.

3. Kiều Công Tiễn giết hại Dương Đình Nghệ

Kiều Công Tiễn vốn là hào trưởng Phong Châu (Phú Thọ) từ thời họ Khúc tự chủ. Khi vua Nam Hán xâm chiếm, bắt Khúc Thừa Mỹ, tướng cũ của họ Khúc là Dương Đình Nghệ tập hợp lực lượng ở Ái châu để chống Hán.

Kiều Công Tiễn đến theo Dương Đình Nghệ và được Dương Đình Nghệ dùng làm gia tướng. Năm 931, Kiều Công Tiễn theo Dương Đình Nghệ tiến quân ra Bắc đánh đuổi quân Nam Hán về nước. Dương Đình Nghệ tự xưng là Tiết độ sứ, Tiễn được sai giữ Phong Châu.

Năm 937, Kiều Công Tiễn giết chết Dương Đình Nghệ, nắm lấy quyền bính, tự xưng là Tiết độ sứ.

Việc Kiều Công Tiễn ám hại chủ tướng để giành lấy quyền bính trái với luân lý đạo thường nên không được các tướng lĩnh và nhân dân ta ủng hộ. Chính vì điều này, con rễ của Dương Đình Nghệ đang trấn giữ Ái Châu là Ngô Quyền đã tức tập chuẩn bị binh mã, tiến ra Bắc trả thù. Lo sợ trước sức mạnh của Ngô Quyền, Kiều Công Tiễn lại tiếp tục vì lợi ích của cá nhân mà bán rẽ độc lập của dân tộc, cầu cứu vua Nam Hán xâm lược nước ta.

Cũng may, Ngô Quyền đã tiêu diệt 2 vạn quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Hành vì bán nước này của Kiều Công Tiễn không thành, nên tội lỗi đối với dân tộc chưa lớn.

Việc những con người vì lòng tham, bất nhân bất nghĩa này nắm quyền lực chắc chắn sẽ không thuận với lòng dân, sẽ gây ra những phương hại to lớn đối với dân tộc.

4. Cuộc chuyển giao từ họ Đinh sang họ Lê

Sau khi Ngô Quyền mất năm 944 đất nước ta trở nên vô cùng rối ren, loạn lạc. Đinh Bộ Lĩnh dựng cờ dấy nghĩa, mong lập nghiệp lớn, dân quanh vùng theo về rất đông. Như vậy Đinh Bộ Lĩnh là sứ quân ra đời sớm nhất. Về sau biết lực lượng của mình còn mỏng, Đinh Bộ Lĩnh sang xin theo sứ quân Trần Lãm (tức Trần Minh Công) ở Bố Hải Khẩu nay thuộc tỉnh Thái Bình. Thấy Đinh Bộ Lĩnh là người khôi ngô, có chí khí, có tài thao lược, lại là con trai của Đinh Công Trứ, người bạn đồng liêu, Trần Lãm mến tài gả con gái cho. Khi tuổi cao sức yếu Trần Lãm giao toàn bộ binh quyền cho Đinh Bộ Lĩnh. Đinh Bộ Lĩnh tiếp tục xây dựng lực lượng, thu phục nhân tài, phất cờ hiệu triệu dân chúng, đánh dẹp các sứ quân, đánh đâu thắng đó, uy danh lừng lẫy. Ba quân tướng sĩ tôn vinh ông là Vạn Thắng Vương. Chỉ trong vòng một năm, Đinh Bộ Lĩnh đã dẹp yên 12 sứ quân, bốn phương ca khúc khải hoàn, non sông thu về một mối, chấm dứt thời kì loạn lạc.

Năm Mậu Thìn (968) Vạn Thắng Vương lên ngôi hoàng đế hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt (Nước Việt to lớn), đóng đô ở Hoa Lư (nay là xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).

Đinh Tiên Hoàng có ba người con trai được sử sách chép tới. Con trưởng là Đinh Liễn, người từng cùng Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân. Tháng năm (nhuận) năm Kỷ Tỵ (969), Đinh Liễn đã được phong làm Nam Việt Vương. Năm Nhâm Thân (972) Nam Việt Vương Đinh Liễn được cử làm sứ giả sang nhà Tống. Năm Ất Hợi (975) Nam Việt Vương Đinh Liễn được nhà Tống phong làm Khai Phủ Nghi Đồng Tam ty, hàm Kiểm hiệu Thánh sư, tước Giao Chỉ Quận Vương. Tóm lại, việc kế vị trong tương lai của Đinh Liễn đã rất rõ. Nhưng, tháng giêng năm Mậu Dần (978). Trong bối cảnh cung đình của nhà Đinh lúc ấy có 3 hoàng tử, trưởng là Liễn, thứ là Toàn, út là Hạng Lang. Liễn là con trưởng, có nhiều công lao; Hạng Lang lại được vua yêu nên đã lập làm thái tử dù mới lên 4 tuổi, khó có thể bộc lộ những phẩm chất cao siêu hơn Đinh Liễn. Tiên Hoàng lại có những 5 hoàng hậu; có thể đã xảy ra cuộc đua ganh giữa 5 hoàng hậu về tương lai của ngôi thái tử. Trong cuộc đua ganh này, Dương hậu đã chọn Lê Hoàn làm chỗ dựa. Sau sự kiện Đinh Liễn giết Hạng Lang, Đinh Tiên Hoàng không xử phạt Đinh Liễn mà vẫn dự định để Liễn nối nghiệp. Theo lý giải của một số nhà nghiên cứu, một trong những nguyên nhân khiến nhà Tống phát binh xâm lược Đại Cồ Việt chính là do Đinh Liễn, người đã đi lại với nhà Tống và được chính vua Tống phong chức, bị hại. Việc phong Liễn cho thấy nhà Tống thừa nhận ngôi vị của Liễn. Với danh nghĩa trừng trị kẻ phản nghịch, nhà Tống phát binh. Việc Lê Hoàn thành công trong cuộc kháng chiến chống Tống có thể đã khiến nhân dân tha thứ cho ông. Các nhà nghiên cứu cũng đặt giả thiết Đỗ Thích chỉ là người vô tình có mặt ở hiện trường sau khi cha con vua Đinh bị hại (vì là quan nội thị) và lúc bấy giờ ông không thể thanh minh mình vô tội lúc nhiều người ập tới. Ông vội vã chạy trốn và bị bắt chém sau 3 ngày, trở thành nạn nhân trong mưu đồ của Lê Hoàn và Dương hậu.

Như vậy, Lê Hoàn đã cấu kết với thái hậu họ Dương để giành quyền lực từ tay họ Đinh, để Tống có cớ xâm lược nước ta. Chính ông là nguyên nhân lớn nhất để nội bộ nước ta trở nên chia rẽ tuy nhiên nhờ vào tài cầm binh thao lược của mình. Lê Hoàn đã lãnh đạo nhân dân ta kháng chiến thành công. Cũng chính vì chiến thắng này nên “tội lỗi” của ông được nhân dân bỏ qua và sử sách không phê phán nặng nề sự kiện tranh đoạt ngôi báu của ông.

5. Nhà Lý thay họ Lê cầm quyền.

Vị vua cuối cùng của nhà Tiền Lê là Lê Long Đĩnh (1005 – 1009). Những sách sử đời sau miêu tả Lê Long Đĩnh là vị vua tàn bạo nhất trong lịch sử Việt Nam. Một con người bất nhân, bất nghĩa, bạo ngược và hoang dâm vô độ. Như học giả Trần Trọng Kim trong cuốnViệt Nam sử lượcnhận xét về vị vua này như sau:“Long Đĩnh là người bạo – ngược, tính hay chém giết, ác bằng Kiệt, Trụ ngày xưa. Khi đã giết anh rồi, lên làm vua thường cứ lấy sự giết người làm trò chơi: có khi những tù phạm phải hình, thì bắt lấy rơm tẩm dầu quấn vào người rồi đốt sống; có khi bắt tù trèo lên cây rồi ở dưới sai người chặt gốc cho cây đổ; có khi bỏ người vào sọt rồi đem thả xuống sông. Làm những điều ác như thế thì lấy làm thích chí. Một hôm lấy mía để lên đầu nhà sư mà róc vỏ, rồi thỉnh – thoảng giả tảng nhỡ tay bổ dao vào đầu sư chảy máu ra, trông thấy thế làm vui cười. Còn khi ra buổi chầu, có ai tấu sớ điều gì thì cho những thằng hề nói khôi – hài hay là nhại tiếng làm trò. Long Đĩnh làm vua được 2 năm đổi niên -hiệu là Cảnh – thụy (1008-1009). Sang năm sau là năm Kỷ – Dậu (1009) thì mất, làm vua được 4 năm, thọ 24 tuổi. Vì lúc sống dâm dục quá độ, mắc bệnh không ngồi được, đến buổi chầu thì cứ nằm mà thị triều, cho nên tục gọi là Ngọa-triều”.

Những sử liệu của học giả Trần Trọng Kim đưa ra chủ yếu dựa vào các sách sử do các nhà sử học đời sau viết. Và sau này, các nhà sử học Việt Nam hiện đại khi biên soạn sách giáo khoa lịch sử chủ yếu dựa vào đánh giá này của Trần Trọng Kim để dạy cho hàng chục thế hệ học sinh. Vậy nên cái tên Lê Long Đĩnh đã in dấu không chỉ riêng tôi mà là những con người dù ghét hay thích bộ môn lịch sử là ông vua tàn bạo nhất Việt Nam từ xưa đến nay.

Nếu thật sự như vậy, việc họ Lê bị nhân dân chán ghét và các nhà sư đã thực hiện một công cuộc đổi ngôi sang cho Lý Công Uẩn là một việc hợp với luân thường đạo lý. Tuy nhiên, đây rất có thể là một âm ưu đảo chính cung đình của các nhà sư lúc bấy giờ. Nhưng tư liệu mới mẻ gần đây được công bố đã cung cấp một cái nhìn hoàn toàn khác về vị vua Lê Long Đinh. Những nghi vấn xung quanh cuộc đời ông dần dần được hé lộ, khiến bí mật cung đình ngày càng trở nên sáng tỏ.

Thứ nhất: Liệu vua Lê Long Đĩnh có phải là người giết anh trai ruột của mình để cướp ngôi?

Năm 980, Lê Hoàn lên ngôi, lấy hiệu là Lê Đại Hành, lập ra nhà tiền Lê, Ông đánh bại nhà Tống xâm lược năm 981. Lê Đại Hành có tổng thể 11 người con trai trong đó có 1 người con nuôi, tuy nhiên Ông lại không lập thái tử cho một người con trai nào mà phong vương cho các con trai mình cai quản các vùng đất khác nhau và Ông lập đến 5 bà hoàng hậu. Năm 1005, Lê Đại Hành băng hà, nhường ngôi cho con thứ 3 là Lê Long Việt. Tuy nhiên, xảy ra cuộc chiến tranh giành ngôi báu giữa các con trai của Lê Đại Hành. Lê Long Việt trấn áp các hoàng tử khác, lên ngôi hoàng đế. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 3 ngày Ông bị giết hại. Lê Long Đĩnh lên thay anh, và lịch sử ập ờ ghi lại, chính Lê Long Đĩnh là người đã giết anh trai của mình để cướp ngôi.Đại Việt sử ký toàn thưviết như sau:“Đại Hành băng, Trung Tông vâng di chiếu nối ngôi. Long Đĩnh làm loạn, Trung Tông vì anh em cùng mẹ không nỡ giết, tha cho. Sau Long Đĩnh sai bọn trộm cướp đêm trèo tường vào cung giết Trung Tông.”

Trong chuyện này có hai nghi vấn như sau:

– Thứ nhất, sự việcĐại Việt sử ký toàn thưchép lại từ “dã sử”. Dã sử có thể tin được nếu có căn cứ để đối chiếu hoặc nó hợp logic, nếu không nó chỉ có giá trị như một lời đồn.

– Thứ hai, đã là dã sử mà còn nói“Long Đĩnh sai bọn trộm cướp đêm trèo tường vào cung giết Trung Tông”. Quy cho người khác tội chủ mưu giết người thì phải có chứng cứ. Ai làm chứng và tài liệu nào chứng minh việc Lê Long Đĩnh “sai bọn trộm cướp”? Chắc chắn là không có ai cả và không có bất cứ tài liệu nào. Một lời đồn đã là không có cơ sở, một lời đồn nói về một việc không thể có chứng cứ càng không có cơ sở.

Vả lại, nếu Lê Long Đĩnh giết anh trai của mình nhưng khi thấy Lý Công Uẩn đang ôm xác vua mà rên khóc đau đớn, vua cho đây là con người trung nghĩa, thăng chức cho Lý Công Uẩn. Giết vua giết anh là bất trung bất nghĩa, một con người như vậy, khó mà trọng dụng một con người trung nghĩa?

Như vậy sự việc Lê Long Đĩnh có thực sự giết anh cướp ngôi hay không còn là một “ẩn số” lịch sử, chưa có tài liệu nào thỏa đáng để giải thích vì vậy quy kết cho vị vua này cái tội tày đình đó có phải là quá vội vàng hay không?

Thứ hai, Lê Long Đĩnh thực sự là một người tàn bạo?

Sử sách kể lại những việc làm tàn ác của Lê Long Đĩnh, nhưĐại Việt sử ký toàn thưchép:“Vua tính thích giết người, phàm người bị hành hình hoặc sai lấy cỏ gianh quấn vào người mà đốt để cho lửa cháy chết, hoặc sai tên kép hát người Tống là Liêu Thủ Tâm lấy dao ngắn, dao cùn xẻo từng mảnh để cho không được chết chóng… Đi đánh dẹp bắt được thù thì giải đến bờ sông, khi nước triều rút, sai người làm lao dưới nước, dồn cả vào trong ấy, đến khi nước triều lên thì ngập nước mà chết; hoặc bắt trèo lên ngọn cây cao rồi chặt gốc cho cây đổ, người rơi xuống chết…Phàm bò lợn muốn làm thịt thì tự tay vua cầm dao chọc tiết trước rồi mới đưa vào nhà bếp sau. Từng róc mía ở trên đầu sư Quách Ngang, giả lỡ tay lưỡi dao trượt xuống đầu nhà sư cho chảy máu, rồi cả cười. Hoặc nhân yến tiệc giết mèo cho các vương ăn, ăn xong lấy đầu mèo giơ lên cho xem, các vương đều sợ, vua lấy làm thích. Mỗi khi ra chầu, tất sai bọn khôi hài hầu hai bên, vua có nói câu gì thì người nọ người kia nhao nhao pha trò để cười, để cho loạn lời tâu việc của quan chấp chính. Lại lấy con thạch sùng làm gỏi, bắt bọn khôi hài tranh nhau ăn”.

Trên đây, là lời kể của sử sách về những việc làm tàn bạo, thú tính của vua Lê Long Đĩnh. Bên cạnh đó sử sách đã ghi lại 2 công lao lớn của vị vua này như sau:

– Thứ nhất, Ông là người đầu tiên cho rước bộ kinh Phật Đại Tạng bằng chữ Hán về Việt Nam. Đây là một bộ sách vĩ đại được rất nhiều thế hệ các cao tăng Trung Hoa vượt qua biết bao gian truân khổ ải dày công thu thập, sưu tầm và dịch thuật suốt 1.000 năm, từ thế kỷ thứ nhất đến cuối thế kỷ thứ 10 (đời Tống Thái Tổ) mới in thành sách lần đầu tiên gồm 5.000 quyển (riêng việc khắc bản phải mất 12 năm). Bộ sách đó không chỉ là tổng vựng các kinh sách Phật giáo mà còn hàm chứa rất nhiều lĩnh vực triết học, lịch sử, văn học, nghệ thuật, thiên văn, toán học, y dược…

– Thứ 2, Lê Long Đĩnh là ông vua biết chỉnh đốn triều chính. Một năm sau khi lên ngôi ông đã“Sửa đổi quan chế và triều phục của các quan văn võ và tăng đạo, theo đúng như nhà Tống”,ngoài ra Ông lại xin được đặt người coi việc tại chợ trao đổi hàng hóa ở Ung Châu, nhưng vua Tống chỉ cho mua bán ở chợ trao đổi hàng hóa tại Liêm Châu và trấn Như Hồng thôi”. Thế kỷ thứ 11, không chỉ nước ta mà hầu khắp thế giới, kinh tế đều tự cấp tự túc. Phải có một “tư duy kinh tế” vượt xa thời đại mới biết“xin đặt người coi việc tại chợ trao đổi hàng hóa ở Ung Châu”, tức là sâu trong nội địa Trung Quốc, việc đó giống như việc đặt Văn phòng đại diện thương mại ở nước ngoài bây giờ.

Qua những việc làm trên chúng ta tự đặt ra những câu hỏi sau:

Liệu một ông vua bạo ngược, róc mía trên đầu nhà sư như vậy lại có tư duy sai chính em ruột mình sang xin bộ kinh Đại Tạng về để phát triển phật giáo trong nước hay không? Liệu Ông là người bạo ngược hay là người đóng góp công lớn về sự phát triển rực rỡ của phật giáo trong giai đoạn về sau? Liệu một người sùng mộ đạo phật như vậy có tàn bạo, vô nhân tính như sử sách đã miêu tả về vị vua này?

Liệu một ông vua suốt ngày ham chơi, không lo việc triều chính, lại có những chính sách nhằm ổn định thể chế chính trị, lại có tư duy kinh tế để phát triển đất nước. Ông vua đó thật sự bất tài, bất nhân, bất nghĩa như sử sách đã ghi lại và dạy cho con cháu ngày nay?

Thứ 3, Lê Long Đĩnh không thể ngồi do hoang dâm quá độ?

Ngoài việc, miêu tả những tội ác của Lê Long Đĩnh, các sử thần đời sau còn cho rằng Ông là một người hoang dâm quá độ, dẫn tới không thể ngồi được (bệnh trĩ), và khi thiết triều phải nằm trên ghế nên sử gọi ông là Lê Ngọa Triều.

Y học ngày nay chưa có một chứng cứ nào cho thấy việc hoang dâm có thể gây ra bệnh trĩ. Vả lại sử sách ghi lại Ông đã 6 lần cưỡi ngựa đánh giặc mà lần cuối cùng cách 2 tháng trước khi Ông mất. Vậy một ông vua không thể ngồi có thể cỡi ngựa đánh giặc được sao?

Một ông vua hùng dũng, chinh phạt bắc nam, cơ thể cường tráng lại có thể là một con người trụy lạc, ham dâm?

Điều này, cần có một lời giải thích thật thỏa đáng!

Thứ 4, vua Lê Long Đĩnh chết như thế nào?

Cái chết của Ông hầu như không có một cuốn sử sách nào viết lại, Ông ở ngôi được 4 năm, năm 24 tuổi thì băng hà. Các sử gia nhà Lý cho Ông mắc bệnh quá nặng, hoang dâm quá độ dẫn đến suy nhược mà băng. Như phía trên, chúng tôi đã chỉ rõ, Ông không thể mất bằng những lí do này được. Vậy vì sao Ông mất? Đây lại là một bí ẩn lịch sử nữa chưa có lời giải thích thỏa đáng. Duy nhất cuốnĐại Việt sử ký tục biêncó những dòng rất đáng chú ý như sau:“Lý Thái Tổ rất căm phẫn trước tội ác giết anh cướp ngôi của Khai Minh Vương, nhân lúc Khai Minh Vương bệnh tật, sai người vào đầu độc giết đi rồi dấu kín việc đó nên sử không được chép”.

Vậy có phải đúng như cuốn Đại Việt sử ký tục biên ghi chép về cái chết của Ông?

Đây là một vấn đề cần tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi phán xét.

Nhưng chúng ta có cơ sở để tin rằng như vậy.

Đặt lại bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, Khi vua Lê Long Đĩnh mất, các triều thần thấy con vua còn quá nhỏ chưa thể để quản lí đất nước nên tôn phò Lý Công Uẩn – người nắm trong tay binh quyền – lên ngôi hoàng đế dưới sự giúp sức rất lớn từ các nhà sư trong triều đình, đặc biệt là sư Vạn Hạnh.

Điều này, làm cho chúng tôi hiện lên một nghi vấn rằng, cứ cho rằng con vua còn quá nhỏ nhưng bấy giờ các anh em của Lý Long Đĩnh vẫn còn khá nhiều, là những người có đủ tư cách để kế nghiệp ngai vàng họ Lê vậy tại sao lại phải chọn một người họ Lý, nắm trong tay binh quyền để nối ngôi? Và cái chết của những anh em nhà họ Lê khi họ Lý thành lập cũng không được nhắc đến. Đây có lẽ là một ẩn số lịch sử không có lời giải đáp.

Vả lại, ngay sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ đã nhanh chóng dời đô khỏi Hoa Lư nơi họ Lê có thế lực mạnh mà chuyển về Đại La (Thăng Long) gần quê hương của Lý Thái Tổ (Bắc Ninh). Phải chăng ngoài vị trí thiên thời – địa lợi – nhân hòa của Đại La ra còn có những nguyên nhân khác?

Qua những cứ liệu trên, khi tìm hiểu về cuộc đời của vị vua cuối cùng của nhà Tiền Lê phải chăng Lê Long Đĩnh là nạn nhân của những tính toán chính trị? Một triều đại muốn có tính chính danh trước nhân dân phải không ngừng hạ bệ, xỉ nhục nhân cách của ông vua cuối cùng của triều đại trước, vì vậy, phải chăng các sử thần thời Lý đã ra sức “dựng lên” những câu chuyện về Lê Long Đĩnh?

Nhà Lý đã có những công lao đóng góp to lớn trong lịch sử dân tộc, không ngừng củng cố và mở rộng phiên dậu biên cương bằng những chính sách đối nội, đối ngoại rất khéo léo và linh hoạt, bảo vệ nền độc lập tự chủ của dân tộc, phát triển kinh tế, chăm lo đến đời sống nhân dân, phát triển văn hóa nghệ thuật… chính những điều trên, cái việc “cướp ngôi” của họ Lý và những việc làm đối với họ Lê không bị nhân dân và các nhà nho học phê phán gay gắt. Cũng chính vì điều này mà nổi oan của vua Lê Long Đĩnh mới bị định kiến nhiều như vậy.

6. Nhà Trần cướp ngôi họ Lý.

Sử cũ chép rằng, vào năm 1224, Trần Thủ Độ đã ép Huệ Tông nhường ngôi cho con gái mới lên 7 tuổi là Chiêu Thánh Công Chúa, tức Lý Chiêu Hoàng. Chị của Lý Chiêu Hoàng là Thuận Thiên Công Chúa thì được Trần Thủ Độ sắp đặt kết hôn với con trai lớn của Trần Thừa là Trần Liễu. Em trai Trần Liễu là Trần Cảnh, cũng vừa 7 tuổi kết hôn với Lý Chiêu Hoàng. Năm 1225, Trần Thủ Độ ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Thế là, Trần Cảnh lên ngôi lấy hiệu là Thái Tông, bắt đầu triều đại nhà Trần. Triều Lý do Lý Công Uẩn lập nên đến đây là dứt, tồn tại được 216 năm, truyền ngôi được 9 đời.

Bấy giờ, Thái Tông mới có 8 tuổi, nên mọi việc điều do chú họ là Trần Thủ Độ nắm cả. Vừa lên ngôi, Thái Tông đã ban chiếu phong Trần Thủ Độ làm Thái Sư Thống Quốc nắm hết binh quyền. Đối với một ông vua 8 tuổi, thì rõ ràng việc gia phong này là do chủ ý Trần Thủ Độ cả.

Để củng cố quyền lực nhà Trần, Thủ Độ rắp tâm diệt cỏ tận gốc đối với tôn thất nhà Lý. Năm 1225, Thủ Độ ép Huệ Tông phải tự tử. Sử cũ còn chép, năm 1232, nhân tôn thất nhà Lý về tế lễ, Thủ Độ ngầm sai người đào hầm đặt bẫy chôn sống tất cả. Sau đó, để tuyệt được hậu họa, Thủ Độ còn lấy cớ là tên của tiên tổ Triều Trần là Trần Lý, vì thế phải kiên húy chữ Lý, và ra lệnh người họ Lý trong nước phải đổi thành họ Nguyễn.

Ta có thể thấy rằng, việc nhà Lý suy yếu, không còn đủ sức lèo lái dân tộc ta và triều Trần thay nhà Lý là sự tất yếu của lịch sử. Nhà Lý đã đánh mất vài trò lãnh đạo của mình. Trong cuộc đảo chính cung đình này, nhìn bên ngoài thấy có vẻ rất êm xuôi. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của xã hội phong kiến, đã phòng trừ những hậu họa về sau, sự việc Trần Thủ Độ “diệt cỏ tận gốc” tuy bị các sử gia trong chế độ phong kiến phê phán kịch liệt nhưng để giữ vừng triều đại còn non trẻ, việc làm của Trần Thủ Độ có thể hiểu được là vì dòng họ của mình, tránh cho đất nước ta tiếp tục rơi vào cảnh rối ren, tranh giành quyền lực của con cháu họ Lý. Để rãnh tay ổn định tình hình chính trị, phục hồi và phát triển đất nước đủ sức đương đầu với hiểm họa ngoại xâm đang kề cận.

Như vậy, việc nhà Trần cướp ngôi của nhà Lý là tất yếu, có lợi cho dân tộc. Lịch sử đã chứng minh dưới sự lãnh đạo của họ Trần dân tộc ta đã giành những thắng lợi vẻ vang trong ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên vào thế kỷ 13.

7. Hồ Qúy Ly cướp ngôi nhà Trần

Triều đại nhà Trần (1226-1400) có tục cha nhường ngôi cho con khi còn sống để làm thái thượng hoàng. Ưu điểm cuả nó là giúp vị vua trẻ có dịp thực tập vai trò cuả mình dưới sự dìu dắt cuả vua cha để khi thực sự lãnh đạo đất nước sẽ không bị quyền thần lấn át. Nhưng mặt khác, nếu đã nhường ngôi mà thái thượng hoàng vẫn tham quyền cố vị thì rất dễ bị nịnh thần khuynh loát. Nhà Trần còn có tục “nội hôn” (hôn nhân diễn ra trong dòng tộc) nhằm mục đích bảo vệ vững chắc triều đại. Ngoài Trần Thái Tông kết hôn với Lý Chiêu Hoàng sau đó với Thuận Thiên công chúa (chị cuả Chiêu Hoàng và vợ cuả Trần Liễu) là anh em cô cậu, thì từ thời Thánh Tông trở đi các ngôi vị hoàng hậu đều thuộc dòng dõi nhà Trần: Thánh Tông lấy Thiên Cảm hoàng hậu (con cuả An Sinh vương Trần Liễu, chị em chú bác ruột), Nhân Tông lấy Khâm Từ hoàng hậu (con cuả Tĩnh Quốc vương Quốc Khang, chị em chú bác họ), Anh Tông lấy Thuận Thánh hoàng hậu (con cuả Hưng Nhượng vương Quốc Tảng, chị em chú bác họ), Minh Tông lấy Lệ Thánh hoàng hậu (con cuả Huệ Võ vương Quốc Chân, anh em chú bác ruột)… Kết quả đã làm luân thường đạo lý đảo lộn, cuộc sống vương triều dâm loạn, dòng giống bị thoái hoá.

Do vậy nhà Trần chỉ hưng thịnh với bốn vị vua đầu là Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông và Anh Tông. Tuy nhiên trong thời kỳ này, do giành chiến thắng vang dội đối với nhà Nguyên, nhà Trần lại tiếp tục duy trì một lực lương quân mạnh, tỏ thái độ hiếu chiến và tiến hành xâm lấn các nước lân bang, làm cho nền kinh tế của đất nước sau chiến tranh chưa kịp phục hồi càng thêm kiệt quệ. Kể từ khi Minh Tông lên cầm quyền (1314)1 nhà Trần bước vào thời kỳ rối ren suy yếu vì các vị vua cuối đời đều tầm thường. Sau biến cố Dương Nhật Lễ (1369-1370), ngày 21 tháng 11 năm Canh Tuất (1370) Cung Tĩnh Vương tên huý là Phủ, con thứ ba cuả Minh Tông lúc bấy giờ đã 49 tuổi được đưa lên ngôi tức Trần Nghệ Tông (ở ngôi 2 năm – 1370-1372, làm thái thượng hoàng 22 năm – 1372-1394). Nghệ Tông tuy nhân từ nhưng nhu nhược, thiếu dũng khí, thiếu sáng suốt, thích nịnh hót, không phải một minh quân. Đây là cơ hội ngàn vàng để Quý Ly tham dự và thao túng triều chính rồi cướp ngôi nhà Trần.

Toàn Thư cho biết: Quý Ly tên tự là Lý Nguyên, tự suy tổ tiên là Hồ Hưng Dật vốn người Triết Giang, đời Hậu Hán thời Ngũ Quý (947-950) sang làm thái thú Diễn Châu. Sau đó làm nhà ở hương Bào Đột châu này, rồi là trại chủ. Đến đời Lý (có người) lấy công chúa Nguyệt Đích, sinh ra công chúa Nguyệt Đoan. Đến đời cháu thứ 12 là Hồ Liêm dời đến hương Đại Lại, Thanh Hoá, làm con nuôi tuyên uý Lê Huấn, từ đấy lấy Lê làm họ mình. Quý Ly là cháu bốn đời…(TT trang 293 bản điện tử). Nói tóm lại Hồ Quý Ly là cháu 16 đời cuả Hồ Hưng Dật, gốc người Triết Giang Trung Quốc.

Sau khi loại bỏ được phe nhóm cuả Trần Khát Chân và trấn áp được dư luận chống đối, tháng 6 Kỷ Mão (1399) Quý Ly tự xưng là Quốc Tổ Chương Hoàng, ở cung Nhân Thọ, ra vào theo lệ thiên tử, dùng 12 chiếc lọng vàng. Con là Hán Thương xưng là Nhiếp thái phó, ở bên hữu điện Hoàng Nguyên, Nguyên Trừng (con trưởng) làm tư đồ.

Việc Hồ Qúy Ly cũng như nhà Trần cướp ngôi họ Lý là một quy luật tất yếu khách quan của lịch sử. Nhà Trần có những công lao hiển hách đối với lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, triều đại này đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng. Không khoan thư sức dân phát triển kinh tế, thể hiện đường lối hiếu chiến trong quân sự và ngoại giao, tin dùng nịnh thần… chính vì những nguyên do này nên nhà Trần nhanh chóng lâm vào khủng hoảng, hàng trăm cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra, khiến đời sống nhân dân cơ cực. Hồ Qúy Ly tuy về đạo nghĩa không hợp với luân lý đạo thường theo phép tắc của hệ tư tưởng nho giáo lúc bấy giờ, những việc ông phế truất nhà Trần, lên ngôi hoàng đế, để có đủ sức thực hiện một công cuộc cải cách toàn diện ở nước ta lúc bấy giờ. Tuy nhiên, do vấp phải những sai lầm chủ quân cũng như khách quan, những cải cách của ông không đủ thời gian để điều chỉnh. Trong việc xây dựng quân đội nặng về số đông, trong cách đánh giặc thiên về phong ngự, dựa vào thành quách và vũ khí nên cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược Minh dưới thời nhà Hồ thất bại nhanh chóng. Hồ Qúy Ly là người phải chịu trách nhiệm trong việc để nước ta rơi vào tay giặc, 20 năm Minh thuộc là những năm tháng bi thương nhất của lịch sử dân tộc. Tội của Hồ Qúy Ly rất lớn, tuy nhiên khi đánh giá về con người này chúng ta phải dựa vào nhiều yếu tố. Rõ ràng ông là một người yêu nước, có tư tưởng tiến bộ… những điều này đã được lịch sử ghi nhận.

8. Chính biến Lê Nghi Dân

Theo các bộ chính sử thời phong kiến của nước ta, Lê Nghi Dân là con trưởng của vua Lê Thái Tông – vị vua thứ hai của vương triều Lê, lên ngôi năm 1434 và mất năm 1442 trong khi đi tuần ở vùng Đông Bắc thuộc Chí Linh (Hải Dương ngày nay). Lê Nghi Dân sinh vào tháng 6 năm Triệu Bình thứ 6 (1439), sau khi vua Lê Thái Tông lên ngôi được 5 năm và là con của bà phi Dương Thị Bí. Chưa đầy một năm sau, Lê Nghi Dân đã được vua cha lập làm Hoàng thái tử, nhưng bà Dương Thị Bí vì được vua yêu quý hay sinh tính kiêu căng nên vua đã giáng bà xuống làm Minh nghi, khiến bà rất oán vọng. Nhà vua giận bèn giáng bà xuống tiếp làm thứ phụ và tuyên bố ngôi thái tử chưa xác định. Sau đó, Hoàng thái tử Bang Cơ, con thứ ba của vua Lê Thái Tông do bà Tuyên từ Nguyễn Thị Anh sinh ra, được vua Lê Thái Tông yêu quý và lập Hoàng thái tử, còn Nghi Dân bị giáng xuống làm Lạng Sơn vương. Vì việc này mà Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân đã ngầm nuôi ý nhòm ngó ngôi vua dẫn đến cuộc phản loạn cướp ngôi vào năm 1459 và bị lật đổ ngay sau khi giành ngôi của vua Lê Nhân Tông được 8 tháng (6/1460). Đây là thời kỳ thể chế chính trị của vương triều Lê đang diễn ra khủng hoảng sâu sắc với hoàng loạt mâu thuẫn trong cung đình nhà Lê.

Nhận diện về sự kiện nói trên, các sử gia trước đây cũng như đương đại đã có nhiều ý kiến trái ngược nhau, có người cho rằng hành động của Lê Nghi Dân giết vua và thái hậu là hành động “bất nhân vô nhân tính”, có người cho rằng do hạn chế chính trị của việc nhường ngôi báu nên gây nên cảnh “cốt nhục tương tàn”, anh em giết nhau để giành ngôi, cũng là nằm ngoài ý muốn của Lê Nghi Dân. Cũng có ý kiến cho răng Lê Nhân Tông không phải là con ruột của Thái Tông, điều này liên quan đến vụ án Lệ Chi Viên, đã đưa đến việc giết hại tam tộc nhà Nguyễn Trãi.

9. Mạc Đăng Dung cướp ngôi họ Lê

Nhà Mạc cũng như nhà Hồ bị các sử gia phong kiến xem là “ngụy triều’. Bởi nhà Mạc đã cướp ngôi của nhà Lê vào năm 1527. Việc cướp ngôi đó bị những người theo học thuyết Nho giáo lên án hết sực kịch liệt. Tuy nhiên, đặt bối cảnh lịch sử nước ta lúc bấy giờ, vua Lê ăn chơi sa đọa, đặc biệt là dưới 2 triều vua Lê Uy Mục (Vua Qủy) và vua Lê Tương Dực (vua Lợn). Đời sống nhân dân hết sức lầm than, hàng trăm cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra. Đặc vào bối cảnh lịch sử trên, nhà Lê mất ngôi là chuyện một sớm một chiều. Và Mạc Đăng Dung là người gánh sứ mệnh lịch sử trên, không phải vì thỏa ước mộng đế vương mà Ông muốn loại bỏ các rào cản, xây dựng quyền lực tập trung để ban hành các chính sách nhằm khôi phục kinh tế, ổn định tình hình chính trị trong nước trong bối cảnh nhà Lê đã xế chiều.

Năm 1527, Ông phế truất nhà Lê, lên ngôi hoàng đế, lập ra vương triều Mạc. Mạc Đăng Dung đứng trước những khó khăn rất lớn và hiểm nguy. Nhà Mạc đã có những chính sách đúng đắn để bình ổn tình hình trong nước, tình hình chính trị xã hội được ổn định. Chỉ trong vòng 10 năm, nền kinh tế nước ta được khôi phục đến 8 phần. Nguyễn Bỉnh Khiêm một cựu thần của nhà Lê, thấy cảnh thiên hạ thái bình, đã khuyên các sĩ phu“nên lâu khô hai dòng lệ tiếc thương nhà Lê mà hãy hướng về phía trước, giúp nhà Mạc xây dựng đất nước”.

Ta có thể thấy rằng, nhà Mạc lên ngôi hợp với bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, và trong quá trình xây dựng đất nước tuy chỉ tồn tại từ năm 1527 đến 1592, sau đó chạy lên Cao Bằng, tiếp tục cai trị thêm 80 năm nhưng nhà Mạc đã có công xây dựng một nền kinh tế, văn hóa, giáo dục khá phát triển, nhân dân được ấm no hạnh phúc.

Tuy nhiên một số cựu thần nhà Lê, trong đó có Nguyễn Kim tìm mọi cách chống đối nhà Mạc. Năm 1533, Nguyễn Kim tôn phò một người con út của Lê Chiêu Tông là Lê Duy Ninh lập nên làm vua lấy hiệu là Lê Trang Tông. Nhà Lê được Trung Hưng, đóng đô ở Thanh Hóa, không ngừng xây dựng lực lượng chống đối với nhà Mạc tạo nên cục diện Nam – Bắc Triều. Đất nước lại một lần nữa rơi vào cảnh chiến tranh, phân ly, loạn lạc. Đây là những điều nằm ngoài ý muốn của nhà Mạc.

Như vậy, dù bị các Nho gia lên án gây gắt việc cướp ngôi cũng như Mạc Đăng Dung “trả đất” cho nhà Minh, bản thân Mạc Đăng Dung đã có những đóng góp nhất định trong tiến trình lịch sử dân tộc, việc “trá hàng” và “trả đất” của Ông tránh cho dân tộc ta mối họa xâm lăng của nhà Minh. Mạc Đăng Dung đã khôn khéo vận dụng đường lối ngoại giao linh hoạt. Tuy nhiên, do lòng người vẫn còn hướng về nhà Lê nên họ Mạc không khỏi tránh bị điều đàm tiếu.

10. Gia Long thống nhất giang sơn

Đặt trong bối cảnh những năm 70 của thế kỷ XVIII, ở Đàng Trong, chính quyền chúa Nguyễn bị loạn thần Trương Phúc Loan thao túng quyền lực, tệ tham ô diễn ra tràn lan, dân nhân rên xiết lầm than. Phong trào Tây Sơn xuất hiện thời điểm ấy là thời cơ chín mùi để chống lại một triều đình thối nát. Nhà chúa Nguyễn nhanh chóng bị đánh baị, phải chạy vào Gia Định, sau đó dòng họ này bị truy đuổi sát hại. Khi đó Nguyễn Huệ 18 tuổi đã là tướng quân bách chiến bách thắng của đội quân Tây Sơn, có tài thao lược hơn người, phong thái oai phong, là bậc kỳ tài trong thiên hạ. Còn Nguyễn Ánh là hậu duệ còn sót lại cuối cùng của dòng chúa Nguyễn, mất nước, phải trốn chạy từ Gia Định ra Phú Quốc rồi lưu lạc sang tận Xiêm (Thái Lan), cầu cứu vua Xiêm giúp đỡ để lấy lại cơ nghiệp của tổ tông và để trả mối thù sâu đậm với nhà Tây Sơn.

Vua Xiêm nhân cơ hội đó sai 5 vạn quân sang nước ta không ngừng cướp bóc ở Nam Bộ, nhân dân rất căm phẫn. Nguyễn Ánh thấy vậy nhưng bất lực, Quân Xiêm tỏ ra hiếu chiến, tự phụ và chủ quan nên bị quân Tây Sơn đánh cho tơi tả ở Rạch Gầm – Xoài Mút. Chúng sợ quân Tây Sơn như sợ cọp, Nguyễn Ánh lúc đó may mắn chạy được. Sau khi thất bại trong việc cầu cứu Xiêm, Nguyễn Ánh gửi con trai là hoàng tử Cảnh lúc đó mới 6 tuổi theo giáo sĩ Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện, nếu thành công sẽ cắt Côn đảo và cửa Hàn cho Pháp thông qua hiệp ước Vec – xai. Nhưng lúc bấy giờ chế độ phong kiến ở Pháp đã bị suy yếu không thể nào giúp đỡ Việt Nam, Bá Đa Lộc về nước với một đám lính đánh thuê từ Ấn Độ và một vài chiếc tàu chiến cũ kỹ.

Nhắc lại chuyện Gia Long sau thất bại của quân Xiêm, nhà Tây Sơn có được Nam bộ, anh em Tây Sơn cũng có sự xung đột lẫn nhau, nên chia làm 3 vùng chiếm đóng. Nam Bộ do Nguyễn Lữ nắm quyền, nhưng ông này tỏ ra bạc nhược, không có khả năng lãnh đạo và nắm chính quyền như 2 ông anh của ông. Nguyễn Ánh nhanh chóng lợi dụng tình hình trên, quay lại Nam Bộ, được nhân dân giúp đỡ và hậu thuẫn tối đa, Nguyễn Ánh nhanh chóng đánh bại Nguyễn Lữ, giành lại Nam Bộ từ Tây Sơn. Trong khi đó Nguyễn Huệ đã vượt sông Gianh tiêu diệt chúa Trịnh ở miền Bắc, rồi lần lượt đánh bại loạn thần cũng như đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược vào tết kỷ Dậu năm 1789. Nguyễn Huệ nhận thức được mối nguy của Nguyễn Ánh ở phía Nam, có ý định mượn đường qua vùng đất của Nguyễn Nhạc để diệt trừ hậu họa, tuy nhiên không nhận được sự đồng ý của anh trai mình. Ông buộc phải đi bằng được biển. Sau một vài trận đánh thua trước Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ đi xem phong thủy và bói toán thì được nói rằng long mạch của chúa Nguyễn ở Phú Xuân còn rất mạnh, đang hổ trợ cho Nguyễn Ánh ở Nam Bộ, cần cắt đứt chúng. Vì vậy, lăng các chúa Nguyễn bị quật lên.

Chính vì việc này, sau khi chiếm được Phú Xuân năm 1801, đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh có những hành động trả thù hết sức dã man. Như khai quật mộ của Nguyễn Huệ lên, giã xương ra sau đó cho quân lính tiểu vào đó. Sọ thì giam vào ngục tối, yểm bùa và xích lại. Con cháu nhà Tây Sơn thì bị giết hết sức rùng rợn.

Ba kỳ công của Quang Trung - Nguyễn Huệ, lịch sử không thể phủ nhận được:

Thứ nhất, xóa mối hận chia cắt gần 3 thế kỷ trong lịch sử dân tộc. Ranh giới sông Gianh bị xóa bỏ.

Thứ hai, Ông đã đánh tan 5 vạn quân xâm lược Xiêm ở Nam Bộ thông qua chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút, là một trong những trận thủy chiến lớn trong lịch sử dân tộc.

Thứ ba, bằng chiến dịch hành quân thần tốc, Ông đã phá tan 29 vạn quân Thanh đang xâm lược nước ta.

Dù vậy, Nguyễn Ánh - Gia Long được nhìn nhận đã có công bước đầu thống nhất địa giới hành chính quốc gia từ Lạng Sơn cho đến Cà Mau. Làm chủ một quốc gia lớn nhất chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta. Là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng vương triều Nguyễn – một vương triều có nhiều đóng góp to lớn trong tiến trình lịch sử dân tộc trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.


Theo NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ
 
Sửa lần cuối:

Hanamizuki

New member
Xu
0
Mỗi một cuộc chuyển giao là một câu chuyện của lịch sử và nó cũng là sự tất yếu của lịch sử . Lịch sử phát triển đi lên nhờ có sự chuyển giao. Khi một triều đại đã suy yếu khủng hoảng không làm cho đất nước phát triển thì yêu cầu đặt ra sẽ có một triều đại khác tiến bộ hơn thay thế.
 

Nguyễn Đảm Vp

Cộng tác viên
Xu
0
Hùng Vương thứ 18 đã đi một nước cờ khéo léo, hợp tình hợp lý, tránh mối họa nội chiến lâu dài của dân tộc ta. Ông đã hi sinh lợi ích của dòng họ mình mà đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết. Để Thục Phán danh chính ngôn thuận lãnh đạo nhân dân ta phát triển đất nước, củng cố quốc phòng, chống lại âm mưu ngoại bang xâm lược luôn thường trực. Bênh cạnh đó, dòng họ Hùng Vương vẫn được nhân dân ta đời đời thờ phụng và biết ơn. Chứ không tham quyền cố vị, làm suy yếu đất nước.
 

Trang Dimple

New member
Xu
38
Hùng Vương thứ 18 đã đi một nước cờ khéo léo, hợp tình hợp lý, tránh mối họa nội chiến lâu dài của dân tộc ta. Ông đã hi sinh lợi ích của dòng họ mình mà đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết. Để Thục Phán danh chính ngôn thuận lãnh đạo nhân dân ta phát triển đất nước, củng cố quốc phòng, chống lại âm mưu ngoại bang xâm lược luôn thường trực. Bênh cạnh đó, dòng họ Hùng Vương vẫn được nhân dân ta đời đời thờ phụng và biết ơn. Chứ không tham quyền cố vị, làm suy yếu đất nước.
Ai cũng như Hùng Vương thì thiên hạ sẽ thái bình mỗi cuộc chuyển giao sẽ không bị đổ máu nhỉ.
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top