• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Một cái nhìn mới về bản chất của ẩn dụ ( Phần I)

vosong

New member
Xu
0
MỘT CÁI NHÌN MỚI VỀ BẢN CHẤT CỦA ẨN DỤ (pHẦN I)​

Nguyễn Đức Tồn


Trong các sách nghiên cứu về ẩn dụ ở trong và ngoài nước, cho đến nay, ẩn dụ thường được coi là phép hay cách thức chuyển đổi tên gọi dựa trên sự so sánh ngầm giữa hai sự vật có sự tương đồng hay giống nhau.

Chẳng hạn, theo A.A. Reformatxky: “ ẩn dụ theo nghĩa chiết tự là “sự chuyển đổi” (Perenos), là trường hợp chuyển nghĩa điển hình nhất. Sự chuyển nghĩa theo ẩn dụ dựa trên sự giống nhau của các sự vật về màu sắc, hình thức, đặc tính vận động v.v…” [20, tr.54]. B.N. Golovin định nghĩa: “ Sự chuyển đổi của các từ từ một đối tượng này sang một đối tượng khác trên cơ sở sự giống nhau của chúng được gọi là ẩn dụ” [19, tr.81]. Theo Ju.X. Xtepanốp : “ Bản thân từ Metaphora từ tiếng Hy Lạp cũng có nghĩa là “sự chuyển nghĩa”[16, tr.51] và “Khi một từ tuy vẫn còn liên hệ với biểu vật cũ nhưng lại có thêm một sự liên hệ mới, với cái biểu vật mới, thì hiện tượng ngôn ngữ đó là ẩn dụ” [16, tr.51 và 52]. Trong Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học, O.X. Akhmanova đã định nghĩa ẩn dụ là“ Phép chuyển nghĩa (Trop) dùng các từ và ngữ ở ý nghĩa bóng trên cơ sở sự tương tự, sự giống nhau …” [18, tr.231].

Các nhà ngôn ngữ học Việt Nam cũng có quan điểm tương tự. Chẳng hạn, Nguyễn Văn Tu cho rằng: “ ẩn dụ là phép gọi tên một sự vật bằng tên của một sự vật khác theo mối quan hệ gián tiếp. Muốn hiểu được mối quan hệ đó chúng ta phải so sánh ngầm. Khác với hoán dụ, phép ẩn dụ, ta theo tưởng tượng của ta mà gọi một sự vật chỉ có vài dấu hiệu chung với sự vật mà từ biểu thị trước thôi. Chính nhờ những dấu hiệu chung gián tiếp ấy mà ta thấy mối quan hệ giữa các sự vật khác nhau.”[13, tr.159]

Nguyễn Lân giải thích ẩn dụ là: “Phép sử dụng từ ngữ ở nghĩa chuyển dựa trên cơ sở sự tương đồng, sự giống nhau…giữa các thuộc tính của cái dùng để nói và cái nói đến.

ẩn dụ cũng là một cách ví , nhưng không cần dùng đến những tiếng để so sánh như: tựa, như , tường, bằng…”[7]

Đỗ Hữu Châu quan niệm: “ẩn dụ là cách gọi tên một sự vật này bằng tên một sự vật khác, giữa chúng có mối quan hệ tương đồng.”[1, tr.54]

Sau này ông giải thích cụ thể hơn như sau: “ Cho A là một hình thức ngữ âm, X và Y là những ý nghĩa biểu vật. A vốn là tên gọi của X (tức X là ý nghĩa biểu vật chính của A). Phương thức ẩn dụ là phương thức lấy tên gọi A của X để gọi tên Y ( để biểu thị Y), nếu như X và Y có nét nào đó giống nhau.”[2, tr.145]

Nguyễn Thiện Giáp cũng cho rằng: “ ẩn dụ là sự chuyển đổi tên gọi dựa vào sự giống nhau giữa các sự vật hoặc hiện tượng được so sánh với nhau”. [3, tr.162]

Đào Thản đã giải thích khá cụ thể, rõ ràng ẩn dụ cũng theo quan niệm như vậy trong mối quan hệ với sự so sánh : “ẩn dụ cũng là một lối so sánh dựa trên sự giống nhau về hình dáng, màu sắc, tính chất, phẩm chất hoặc chức năng của hai đối tượng. Nhưng khác với so sánh dùng lối song song hai phần đối tượng và phần so sánh bên cạnh nhau, ẩn dụ chỉ giữ lại phần để so sánh”.[10, tr.143]

Đặc biệt, mới đây trong các bài viết đăng trên tạp chí Ngôn ngữ số 4 và số 7 năm 2007, Phan Thế Hưng đã trình bày quan niệm mới của mình về ẩn dụ rất đáng chú ý trên cơ sở trình bày và phân tích khá tỉ mỉ quan niệm của Aristotle và nhiều nhà ngôn ngữ học sau đó – những người đã đề xuất quan điểm so sánh trong ẩn dụ cũng như quan điểm cho rằng chủ đề và phương tiện của ẩn dụ có thể thuộc cùng một loại. Nhiều nhà ngôn ngữ học đương đại cũng chia sẻ quan điểm này và xem so sánh ngầm như là quy trình cơ bản để hiểu về ẩn dụ. Phan Thế Hưng đã phân tích và bàn luận theo chiều ngược lại. Tác giả cho rằng:“Chúng ta không hiểu ẩn dụ bằng chuyển ẩn dụ thành phép so sánh. Thay vì vậy, câu ẩn dụ là câu bao hàm xếp loại và do vậy hiểu ẩn dụ qua câu bao hàm xếp loại (chúng tôi nhấn mạnh - NĐT).”[5, tr.12]

Cũng theo Phan Thế Hưng, quan điểm này về ẩn dụ định danh đã dẫn đến các hệ quả về ẩn dụ như sau:

“1. So sánh ẩn dụ, khi so sánh hai sự vật khác nhau có thể được hiểu là câu bao hàm xếp loại, khác với so sánh nghĩa đen, khi so sánh hai sự vật giống nhau.

2.So sánh ẩn dụ bao hàm sự so sánh tầng bậc của loại theo hệ thống tôn ti và bản chất của sự xếp loại là cơ sở của tính ẩn dụ.

3.ẩn dụ không có cùng một ý nghĩa khi đảo ngược dù dưới dạng xếp loại tầng bậc hay phép so sánh thông thường. ẩn dụ không thể đảo ngược và vì vậy mối quan hệ của hai sự vật trong ẩn dụ không mang tính đối xứng.

4. Những bàn luận trên đây về ẩn dụ định danh có thể ứng dụng cho các loại ẩn dụ định tính rất thông thường trong ngôn từ hàng ngày(…)

Tóm lại, ẩn dụ không đơn giản là phép so sánh ngầm mà chính là câu bao hàm xếp loại thuộc cấu trúc bề sâu của tư duy. Nói cách khác, hiểu sự so sánh không phải là trung tâm của việc hiểu ẩn dụ, mà chính là hiểu được việc xếp loại(chúng tôi nhấn mạnh - NĐT).”[5,tr.12]

Theo quan điểm của chúng tôi, bản chất của ẩn dụ là sự thay thế tên gọi dựa trên sự đồng nhất hoá các sự vật, hiện tượng, tính chất… khi tư duy liên tưởng của con người phát hiện ra ở chúng ít nhất cùng có một nét hay một đặc điểm nào đó. Chúng tôi sẽ chứng minh cho luận điểm này.

Trước hết, như đã nói trên, theo quan điểm truyền thống thì ẩn dụ vốn được coi là một sự so sánh ngầm. Chúng ta cũng biết rằng hiện tượng so sánh bao gồm nhiều kiểu loại khác nhau . Điều này cho phép khẳng định so sánh là khái niệm loại, còn ẩn dụ chỉ là khái niệm chủng- nghĩa là ẩn dụ chỉ là một tiểu loại của so sánh mà thôi.

Vậy tiểu loại so sánh nào có thể làm cơ sở cho hiện tượng ẩn dụ ?

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học về phép so sánh thì so sánh có nhiều kiểu loại khác nhau, bao gồm:

1)So sánh ngang bằng

Đó có thể là so sánh đồng nhất. Ví dụ:

- Hồn tôi là một vườn hoa lá (Tố Hữu)

- Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè

Toả nắng xuống lòng sông lấp loáng

(Tế Hanh)

- Lá liễu dài như một nét mi ( Xuân Diệu)

So sánh ngang bằng cũng có thể là so sánh nhằm chỉ ra mức độ cao. Ví dụ:

- Giống nhau như đúc

- Vườn ai mướt quá xanh như ngọc ( Hàn Mặc Tử)

- Đôi ta như lửa mới nhen

Như trăng mới mọc như đèn mới khêu ( Ca dao)

- Hồn chúng tôi quẩn quanh cùng đất nước

Như bóng dừa ôm những xóm làng yêu

Như bóng cò bay sớm sớm chiều chiều

Như sông lạch vẫn tắm đồng xanh mát

Như sóng biển vẫn dập dìu ca hát ( Tố Hữu)

Có thể có trường hợp so sánh ngang bằng mà không dùng từ so sánh.Ví dụ:

- Kẻ tám lạng, người nửa cân (tng).

- Lá trúc che ngang mặt chữ điền . ( Hàn Mặc Tử)

- Bác ngồi đó, lớn mênh mông

Trời xanh biển rộng ruộng đồng nước non. ( Tố Hữu)

- Hồn tôi giếng ngọt trong veo

Trăng thu trong vắt, biển chiều trong xanh. (Nguyễn Bính)

2) So sánh hơn kém. Ví dụ :

- Con hơn cha là nhà có phúc ( tng).

- Chết trong còn hơn sống đục (tng).

- Phép vua thua lệ làng (tng).

-“ Không có gì quý hơn độc lập tự do.” (Hồ Chí Minh)

- Hương nào bằng tóc mát

Ngọc nào bằng tay em . (Xuân Diệu) Có nhiều trường hợp so sánh hơn kém cũng có thể không dùng từ so sánh.Ví dụ:



- Tre già bà lim ( tng).

- Cái nết đánh chết cái đẹp (tng).

- Nước khe đè nước suối (tng).

- Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò (tng).

Nghĩa người tôi để lên cân

Bên vàng nặng chín, bên ân nặng mười . (Ca dao).

3) So sánh khác biệt/ đối lập

Đây là loại so sánh không nhằm xác định hơn kém mà nhằm nêu bật sự khác biệt về thuộc tính nổi trội ở sự vật này trong sự đối chiếu / đối lập với thuộc tính nổi trội ở sự vật khác.

Ví dụ: Nếu Đội tuyển bóng đá Đức thiên về lối chơi tổng lực thì Đội tuyển Pháp lại thiên về lối chơi kĩ thuật. (Về các kiểu loại so sánh có thể xem thêm [8, tr.64-65; 10, tr.140]).

Trong số các kiểu loại so sánh nói trên thì kiểu loại so sánh hơn kém và kiểu loại so sánh khác biệt/đối lập không thể tạo nên ẩn dụ, mặc dù các sự vật, hiện tượng nằm trong những kiểu loại so sánh này vẫn có nét chung hay phương diện chung, giống nhau nào đó thì mới so sánh được với nhau. Chẳng hạn, sự so sánh hai đội tuyển bóng đá nói trên đã dựa trên phương diện chung là “cách thức chơi bóng đá”. Đúng như Nguyễn Thế Lịch đã khẳng định: “Không thể đem bất kì hai sự vật nào ra so sánh với nhau và lấy một sự vật làm chuẩn(…), ví dụ không thể so sánh màu vàng với hình tròn”[8, tr.62]. Các sự vật khi được đưa ra so sánh với nhau, chúng có thể hơn hay kém nhau về những nét chung hay phương diện chung đó. Ngay cả hai từ trái nghĩa tuy có những nét nghĩa trái ngược nhau song vẫn phải dựa trên mối quan hệ tương liên nào đó. Quan hệ tương liên ở đây chính là nét nghĩa cơ sở chung để xác lập một cặp từ trái nghĩa. Nhưng do tính chất của các kiểu loại so sánh này là nhấn mạnh vào sự chênh lệch hoặc khác biệt giữa các sự vật, hiện tượng được đưa ra so sánh (Tre - lim; Cái nết - cái đẹp; Nước khe - nước suối; Quỷ - ma - học trò; Vàng - ân; Đội tuyển Đức - Đội tuyển Pháp) cho nên không thể đem chúng cùng với tên gọi của chúng thay thế cho nhau trong phép ẩn dụ.

Chỉ còn có một kiểu loại so sánh, và cũng chỉ có một tiểu loại trong kiểu loại so sánh này mà thôi mới có thể làm cơ sở cho ẩn dụ. Theo chúng tôi, đó là tiểu loại đặc biệt - tiểu loại so sánh đồng nhất trong kiểu loại so sánh ngang bằng đã được nêu ở trên.

Trên cơ sở tiểu loại so sánh đồng nhất này, cơ chế thay thế tên gọi theo phép ẩn dụ được diễn ra như sau: tên gọi A của sự vật, hoạt động hay tính chất nào đó có thể được sử dụng để gọi thay thế cho tên gọi B của sự vật, hoạt động hay tính chất khác khi trong tư duy liên tưởng của con người chúng được đồng nhất hoá dựa trên đặc điểm hay thuộc tính… nào đó cùng có ở chúng.

Từ đây trở đi, chúng ta thống nhất dùng thuật ngữ biểu vật để chỉ chung cho các sự vật, hoạt động hay tính chất …do các tên gọi (hoặc biểu ngữ) A và B biểu thị, và được kí hiệu tương ứng là x ( của A) và y (của B).

Về logic, chỉ có sự đồng nhất hoặc tương đồng hoàn toàn giữa các sự vật thì mới cho phép có thể dùng cái này để thay thế cho cái kia được(cũng giống như nguyên tắc thay thế các phụ tùng, máy móc trong khoa học kĩ thuật).

Ví dụ : Chính nhờ có sự so sánh đồng nhất:

Nhân dân là bể

Văn nghệ là thuyền

nên mới có sự thay thế tên gọi theo phép ẩn dụ trong hai dòng thơ tiếp theo:

Thuyền xô sóng dậy

Sóng đẩy thuyền lên . (Tố Hữu)

Bởi vậy, theo chúng tôi, câu so sánh hai sự vật làm cơ sở cho ẩn dụ phải là câu bao hàm sự đồng nhất hoá hai sự vật ấy (có thể được gọi là câu đẳng nhất hay câu đẳng thức). Do đó, cơ sở của ẩn dụ chính là sự đồng nhất hoá ngầm. Muốn hiểu ẩn dụ phải hiểu được sự đồng nhất/đẳng nhất hoá ấy. Sự xếp loại mà tác giả hai bài viết [5 và 6] cho là làm cơ sở của ẩn dụ, như được dẫn ở trên, cũng phải được dựa trên sự đồng nhất hoá các sự vật, hiện tượng, tính chất…được so sánh với nhau trên cơ sở ít nhất là chúng có cùng một nét hay một đặc điểm nào đó.

Trong thực tế, hầu như tất cả những tư liệu được các nhà nghiên cứu ẩn dụ học chọn để phân tích đều là các câu đẳng nhất hay đẳng thức . Ví dụ: Công việc của tôi là nhà tù. Hắn là Sở Khanh. Bà ta là một Tú Bà…Thuốc lá là bom hẹn giờ. Nam là quả bom hẹn giờ biết đi. Cọp là động vật. Bài giảng là thuốc ngủ. Sài Gòn là hòn ngọc Viễn Đông. Hòn ngọc Viễn Đông là Sài Gòn. Thời gian là tiền bạc. Nhà nước là cỗ máy…Sự thật là ánh sáng. Thế giới là một sinh vật, cái đồng hồ, con tàu, rạp hát, cuốn sách. Lịch sử là một câu chuyện. Cuộc đời là một chuyến đi.. Ngôn ngữ là tiền bạc. Các lí thuyết là những toà nhà, v.v… [5;6]

Cho nên, chỉ khi nào câu diễn đạt quan hệ đồng nhất hoá hai biểu vật thì mới cho phép dùng tên gọi của biểu vật này thay thế cho tên gọi của biểu vật kia và từ đó mới có cơ sở cho sự xuất hiện hiện tượng ẩn dụ.

Để diễn đạt quan hệ đồng nhất hay đẳng nhất, dạng câu điển hình nhất trong tiếng Việt là thường sử dụng quan hệ từ là hoặc từ như (trong tiếng Anh thì sử dụng các từ có nghĩa tương ứng là be và as)

Theo Từ điển tiếng Việt, từ là có nghĩa: “ Động từ đặc biệt, biểu thị quan hệ giữa phần nêu sự vật, sự việc với phần nêu chính bản thân nó nhìn ở một khía cạnh khác, hay nêu đặc trưng của nó, hoặc nội dung nhận thức hay giải thích về nó.Thí dụ : Hà Nội là thủ đô nước Việt Nam. Người thanh niên là công nhân ấy. Hai lần năm là mười. Con người bao giờ cũng là con người. Thì giờ là vàng ngọc. Hôm nay là chủ nhật.”[15, tr.533]

Cũng theo Từ điển tiếng Việt, ý nghĩa từ như được giải thích như sau:

“1.Từ biểu thị quan hệ tương đồng trong sự so sánh về một mặt nào đó: tính chất, mức độ, cách thức, hình thức bên ngoài,v.v. Thí dụ: Hôm nay nóng như hôm qua. Bà cụ coi anh như con…;

2.Từ dùng trong những tổ hợp so sánh để biểu thị mức độ rất cao, có thể so sánh với cái tiêu biểu được nêu ra. Thí dụ: Đẹp như tiên. Giống nhau như đúc. Rõ như ban ngày…”[15, tr.728]

Một câu hỏi đặt ra là:“Khi nào thì câu đẳng thức “A là/như B” chỉ là sự so sánh theo nghĩa đen và khi nào mới là sự so sánh có thể làm cơ sở cho ẩn dụ hay mang tính ẩn dụ?

Theo[5], câu so sánh hai sự vật khác nhau mới được hiểu là câu bao hàm xếp loại và sự xếp loại mới làm cơ sở cho ẩn dụ. Còn câu so sánh hai sự vật giống nhau là câu so sánh theo nghĩa đen (tr.12). (Chúng tôi nhấn mạnh -NĐT).

Theo chúng tôi, để trả lời cho câu hỏi trên, cần xem xét lần lượt từng dạng câu đẳng nhất điển hình nhất có mẫu: “A là B” và “A như B”, trong đó A đã được quy ước là tên gọi(hoặc biểu ngữ) biểu thị biểu vật x, B là tên gọi (hoặc biểu ngữ) biểu thị biểu vật y. Các dạng câu chứa các từ so sánh còn lại khác sẽ được giải quyết trên cơ sở suy luận theo cách giải quyết các mẫu câu điển hình này.

Trước hết hãy xem xét câu có dạng “A là B”.

Câu này xét trên lí thuyết có hai trường hợp sau đây:

Trường hợp 1: câu đẳng thức “A là B” có B về hình thức tuy khác A, nhưng về bản chất nội dung thì vẫn chính là A, nghĩa là B chỉ là tên gọi khác của chính bản thân biểu vật x do A biểu thị được nhìn nhận ở một khía cạnh khác (khi B là từ đồng nghĩa với A)(tham khảo thêm [11, tr.204]), hay B là biểu ngữ miêu tả đặc trưng hoặc biểu hiện nội dung nhận thức hay giải thích về chính bản thân biểu vật x do A biểu thị. Trong trường hợp này, A và B vẫn trỏ vào cùng một sự vật. Có nghĩa là chỉ biểu thị một sự vật, nên câu đẳng thức “A là B” trong trường hợp này không thể là câu so sánh (bởi vì so sánh phải có ít nhất hai sự vật). Như vậy, ở đây không thể có sự thay thế, hay nói theo truyền thống là sự chuyển đổi, tên gọi này(A) bằng tên gọi khác (B), cho nên không thể làm cơ sở cho ẩn dụ hay mang ẩn dụ tính. Câu đẳng thức “A là B” trong trường hợp này còn được gọi là câu có tính chất định tính.

Ví dụ : Hà Nội là thủ đô nước Việt Nam. Cha tôi là giáo viên….

Trường hợp 2: Câu đẳng thức “A là B” có A và B là tên gọi của các biểu vật x và y thuộc những phạm trù khác nhau, nghĩa là x và y là những sự vật, hoạt động hay tính chất… khác loại nhau. A và B chỉ đồng nhất với nhau khi trong tư duy của ta x và y do chúng biểu thị được đồng nhất hoá trên một phương diện nào đó. Trong trường hợp này, câu đẳng thức “ A là B” mới có thể cho phép lấy tên gọi B của y để thay thế cho tên gọi A của x khi nói về x (hoặc có thể ngược lại lấy tên gọi A của x để thay thế cho tên gọi B của y khi nói về y trong trường hợp cấu trúc “A là B” cho phép đảo ngược sẽ được nói đến ở phần dưới đây). Đây là điều kiện (tuy cần nhưng chưa đủ) để làm cơ sở cho ẩn dụ xuất hiện. Ví dụ :

- Hà Nội là trái tim của cả nước.

- Gió thổi là chổi trời (tng).

- Nước mưa là cưa trời (tng).

- Người ta là hoa đất (tng).

Tiếp theo, chúng ta sẽ xét đến câu đẳng nhất có dạng “ A như B”.

Trước hết, cần chú ý rằng từ như có hai nghĩa : nghĩa thứ nhất là nghĩa so sánh đồng nhất (khi tương đồng ở mức cao nhất và cần nhấn mạnh mức độ này thì người ta nói “y như”) và nghĩa thứ hai là nghĩa so sánh chỉ mức độ cao.

Chỉ trong trường hợp như được sử dụng theo nghĩa thứ nhất thì câu có dạng “A như B ” mới diễn đạt quan hệ so sánh đồng nhất và do đó nó mới có thể làm cơ sở cho ẩn dụ hay mang tính ẩn dụ. Ví dụ :

- Em như cây quế giữa rừng

Thơm tho ai biết, ngát lừng ai hay . (Ca dao)

- Tình anh như nước dâng cao

Tình em như dải lụa đào tẩm hương . (Ca dao)

Còn khi như được sử dụng với nghĩa thứ 2 “để biểu thị mức độ rất cao, có thể so sánh với cái tiêu biểu được nêu ra” thì câu “A như B” chỉ diễn đạt sự so sánh về mức độ theo nghĩa đen mà thôi. Về thực chất, A và B không phải là tên gọi của hai sự vật khác loại, mà A biểu thị một thuộc tính x (của vật đã được tiền giả định) được so sánh tương tự như thuộc tính tiêu biểu, nổi bật của y do B biểu thị. Như vậy, nét tương đồng đã được diễn đạt hiển lộ, hay hiển minh, trên bề mặt ngôn ngữ, do đó câu “A như B” (như được sử dụng theo nghĩa 2) luôn luôn là so sánh hiển minh, so sánh theo nghĩa đen, có nghĩa là không thể chuyển đổi thành so sánh ngầm - ẩn dụ được. So sánh ngầm chỉ có thể xuất hiện khi nét tương đồng giữa hai sự vật không được biểu đạt hiển minh bằng từ ngữ, nó chỉ nằm trong trường tư duy liên tưởng của con người mà thôi. Ví dụ:- (Cô ấy) Đẹp như tiên. (thành ngữ)

- (Tiếng đàn) Trong như tiếng hạc bay qua/ Đục như nước suối mới sa nửa vời. (Nguyễn Du)

- (Ngày mai, con người cô kĩ nữ trên dòng Hương Giang) Thơm như hương nhuỵ hoa nhài/ Sạch như nước suối ban mai giữa rừng. (Tố Hữu)

- (Lá cờ Đảng) Hồng như màu của bình minh/ Đỏ như màu máu của mình em ơi!(Diệp Minh Tuyền)

Các câu chứa những từ chỉ quan hệ so sánh khác cũng được xem xét theo nguyên tắc nói trên. Nếu chúng chứa các từ biểu hiện quan hệ so sánh đồng nhất ( nghĩa là đồng nghĩa với nghĩa 1 của từ như) thì các câu so sánh này có thể làm cơ sở cho ẩn dụ hay mang ẩn dụ tính. Nếu câu chứa những từ chỉ quan hệ so sánh “ để biểu hiện mức độ ngang bằng hay cao/thấp, hơn/kém, có thể so sánh với cái tiêu biểu được nêu ra” (ví dụ: các từ: tày, tựa , bằng, khác, hơn, kém , thua…), thì các câu này cũng chỉ diễn đạt sự so sánh theo nghĩa đen, không thể làm cơ sở cho ẩn dụ.

Ví dụ: từ tày có nghĩa” “có thể sánh với”, do đó cấu trúc “A tày B” là cấu trúc so sánh nêu bật mức độ cao, chứ không phải cấu trúc so sánh đồng nhất, cho nên không thể làm cơ sở cho ẩn dụ được : Chuyện tày đình; tội tày đình (tày đình: “Lớn lắm, có thể có hậu quả rất nghiêm trọng” [15, tr.894]); tội ác tày trời (tày trời:” “ Hết sức lớn và có những hậu quả không sao lường hết được”[ 15, tr. 894]); gương tày liếp,v.v…

Hay từ tựa có nghĩa: “ Giống như cái rất điển hình nào đó (so sánh để nêu bật mức độ của một tính chất”[15, tr.1078]. Do đó, các câu chứa từ tựa cũng chỉ biểu hiện sự so sánh theo nghĩa đen:

- áo chàng đỏ tựa ráng pha (Chinh phụ ngâm)

Hay hai câu thơ sau cũng chỉ biểu hiện sự so sánh về mức độ theo nghĩa đen:

- Hương nào bằng tóc mát

Ngọc nào bằng tay em . (Xuân Diệu)

Các ví dụ dưới đây có chứa những từ ngữ so sánh đồng nhất: như thể, khác gì, khác nào cho nên là những câu có thể làm cơ sở cho ẩn dụ, hay mang ẩn dụ tính:

- Có chồng mà chẳng có con

Khác gì hoa nở trên non một mình . (Ca dao)

- Trông anh như thể sao mai

Biết rằng trong có như ngoài hay không . (Ca dao)

- “Sản xuất mà không tiết kiệm thì khác nào gió vào nhà trống.” (Hồ Chí Minh)

Tóm lại, câu “A là/như B” diễn đạt sự so sánh đồng nhất có thể làm cơ sở cho ẩn dụ hay mang tính ẩn dụ chỉ khi A và B là tên gọi của x và y thuộc phạm trù khác nhau, nghĩa là x và y là những biểu vật hay là những sự vật, hành động, tính chất… khác loại nhau và khi như được sử dụng theo nghĩa biểu thị quan hệ tương đồng trong sự so sánh về một mặt nào đó giữa x và y (và nét tương đồng ấy được ngầm hiểu, tức là không được diễn đạt hiển minh bằng từ ngữ). Trong các trường hợp còn lại, câu “A là/như B” (có nét tương đồng được diễn đạt hiển minh bằng từ ngữ) chỉ là sự so sánh theo nghĩa đen.

Tuy nhiên, nếu trong câu đẳng nhất/ đẳng thức xuất hiện đủ cả hai vế có dạng “A là/như B” thì đó vẫn chỉ là câu biểu hiện sự so sánh đồng nhất và đây cũng mới chỉ là điều kiện cần cho ẩn dụ xuất hiện, chứ chưa phải là ẩn dụ. Ví dụ:

- Người ta là hoa đất (tng).

- Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim….( Tố Hữu).

- Thân em như tấm lụa đào

Dám đâu xé lẻ vuông nào cho ai. (Ca dao)

-Thiếp như hoa đã lìa cành. (Truyện Kiều)

- Lá phong đỏ như mối tình đượm lửa,

Hoa cúc vàng như nỗi nhớ dây dưa. ( Tế Hanh)

Vậy đâu là “điều kiện đủ” cho ẩn dụ có thể xuất hiện trên cơ sở câu đẳng thức “ A là/ như B”?

Đó là chỉ khi nào chúng ta cho ẩn đi yếu tố đầu (tức yếu tố A) mà sử dụng yếu tố B để thay thế cho A khi gọi/ nói đến x do A biểu thị, thì hiện tượng ẩn dụ lập tức sẽ xuất hiện.“ Không một dạng nào của cấu trúc so sánh thiếu yếu tố so sánh (…). Mặt khác, cũng không có dạng nào chỉ có riêng mình yếu tố so sánh vì như thế sẽ không còn là so sánh nữa mà thành ẩn dụ (chúng tôi nhấn mạnh – NĐT)” [8, tr. 71].

Chẳng hạn, những câu sau đây đều có chứa hai vế (được ngăn cách bằng kí hiệu “// ”, trong đó vế trước biểu đạt sự so sánh đồng nhất làm cơ sở cho ẩn dụ ở vế sau. Trong vế sau, ẩn dụ xuất hiện trên cơ sở sự so sánh đồng nhất nằm ở vế trước bằng cách cho A ở vế trước ẩn đi:

“ ở nông thôn, nước ví như sông mà chủ nghĩa xã hội như thuyền,/ / nước sông lên nhiều thì thuyền đi lại dễ dàng.” ( Hồ Chí Minh)

- “ Thế địch như lửa, thế ta như nước.// Nước nhất định thắng lửa.” ( Hồ Chí Minh)

- Đôi ta là bạn thong dong

Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng//

Bởi chưng thầy mẹ nói ngang

Cho nên đũa ngọc mâm vàng xa nhau . (Ca dao)

- Nhân dân là bể

Văn nghệ là thuyền //

Thuyền xô sóng dậy

Sóng đẩy thuyền lên (Tố Hữu)

(Còn nữa)

Nguồn: vienngonnguhoc.gov.vn
 

vosong

New member
Xu
0
Một cái nhìn mới về bản chất của ẩn dụ (Phần II)
Nguyễn Đức Tồn


Một câu hỏi khác nữa có thể tiếp tục được đặt ra là : “ Khi nào câu đẳng thức “A là B ” làm cơ sở cho ẩn dụ cho phép đảo được trật tự thành “B là A” mà nội dung không thay đổi” ?


Tác giả bài viết [5] cho rằng:“ẩn dụ không thể đảo ngược và vì vậy mối quan hệ của hai sự vật trong ẩn dụ không mang tính đối xứng (tr.12)”.

Theo chúng tôi, về nguyên tắc chung, nếu dung lượng ý nghĩa hay nội hàm khái niệm của A và của B hoàn toàn bằng nhau thì câu “ A là B” diễn đạt sự đồng nhất tuyệt đối của A và B. Động từ là trong loại câu này biểu hiện B ở sau nó chính là “nội dung nhận thức hay giải thích về A”. “Nội dung nhận thức hay giải thích về A” này- tức là B, có thể có dạng chỉ là một từ (trong trường hợp A và B là hai từ đồng nghĩa) hoặc B có thể là một ngữ và cũng có thể là một hay nhiều mệnh đề ( khi B là nội dung định nghĩa về A). Trường hợp này cho phép đảo ngược trật tự “ B là A” mà nội dung không thay đổi.

Thí dụ : Sân bay là phi trường và Phi trưòng là sân bay; Hà Nội là thủ đô nước Việt Nam và Thủ đô nước Việt Nam là Hà Nội; Hai lần năm là mười và Mười là hai lần năm; Tam giác đều là “ Tam giác có ba cạnh bằng nhau” và “Tam giác có ba cạnh bằng nhau” là Tam giác đều; Ngực là “Phần từ cổ tới bụng, chứa tim và phổi, ứng với bộ xương sườn” và “Phần từ cổ tới bụng, chứa tim và phổi, ứng với bộ xương sườn” là Ngực; Ngửi là “Hít vào bằng mũi để nhận biết, phân biệt mùi” và“Hít vào bằng mũi để nhận biết, phân biệt mùi” là Ngửi ( các định nghĩa theo [15, tr.697], v.v…

Nếu A có dung lượng ngữ nghĩa hay nội hàm khái niệm không bằng dung lượng ngữ nghĩa hay nội hàm khái niệm của B, chẳng hạn hẹp hơn của B, thì câu “A là B” diễn đạt sự đồng nhất về dung lượng ngữ nghĩa hay nội hàm khái niệm của A với chỉ một phần dung lượng ngữ nghĩa hay nội hàm khái niệm của B. Hay nói cách khác, câu “ A là B” diễn đạt sự đồng nhất về dung lượng ngữ nghĩa hay nội hàm khái niệm của A với chỉ một phần nào đó trong dung lượng ngữ nghĩa hay nội hàm khái niệm của B mà thôi. Động từ là ở đây diễn đạt “quan hệ giữa phần nêu sự vật, sự việc với phần nêu chính bản thân nó nhìn ở một khía cạnh khác, hay nêu đặc trưng của nó” [15]. Trường hợp này không cho phép đảo ngược trật tự thành “B là A” vì sẽ làm thay đổi hoặc ảnh hưởng tới ý nghĩa biểu đạt. Ví dụ: Cọp là động vật. Nam là công nhân. Đứa đầu là con trai, v.v…

Khả năng đảo ngược trật tự các vế của câu so sánh đồng nhất làm cơ sở cho ẩn dụ cũng tuân theo nguyên tắc như vậy. Câu so sánh đồng nhất “A là B” làm cơ sở cho ẩn dụ có thể đảo ngược thành “B là A” mà nội dung không thay đổi khi dung lượng ý nghĩa hay nội hàm khái niệm của A và của B hoàn toàn bằng nhau (và lưu ý rằng, khác với trường hợp chung nói trên, ở đây A và B phải là những tên gọi của các sự vật, hành động hay tính chất khác loại nhau). Các sự vật do A và B biểu thị chỉ thay đổi về vai trò là cái được đưa ra so sánh (khi ở vế trái) hay là chuẩn so sánh ( khi ở vế phải) nếu đảo cấu trúc mà thôi.

So sánh : Sài Gòn là Hòn ngọc Viễn Đông và Hòn ngọc Viễn Đông là Sài Gòn; Hà Nội là trái tim của cả nước và Trái tim của cả nước là Hà Nội, v.v… Hay các ví dụ có dạng câu đẳng nhất với từ như đã đựơc dẫn ở trên:

Xuân Diệu viết: Lá liễu dài như một nét mi, trong khi người ta thường so sánh: nét mi như lá liễu ( SS. Con mắt lá răm). Cách đảo ngược so với tư duy thông thường - lấy bộ phận cơ thể người so sánh với thiên nhiên, cũng đã từng có trong thơ của Lý Bạch đời nhà Đường: Đào hoa như diện, liễu như mi (Trường hận ca) (nghĩa là : Hoa đào như gương mặt, lá liễu như lông mi).

Đặc biệt, thật thú vị là trong cùng một bài thơ sau đây của Tố Hữu đã có hiện tượng sử dụng đồng thời cả hai cấu trúc so sánh thuận nghịch: “A như B” và “ B như A” càng minh chứng cho điều nói trên :

Đêm qua trăng sáng Cổ Ngư

Trăng đầy mặt nước, trăng như mặt người

Trăng tươi mặt ngọc trên đời

Ngẩn ngơ trăng ngó mặt người như trăng.( Tố Hữu, Ba bài thơ trăng)

Ngô Văn Phú cũng có những vần thơ ngọt ngào nh­­ư ca dao cổ trong đó có những sự so sánh đảo ng­­ược như­­ vậy:

Trên trời mây trắng nh­­ư bông

ở d­­ưới cánh đồng bông trắng như­­ mây

Những cô má đỏ hây hây

Đội bông nh­­ư thể đội mây về làng.


Do vậy, có thể khẳng định mối quan hệ giữa hai sự vật, hiện tượng trong câu so sánh đồng nhất làm cơ sở cho ẩn dụ không phải luôn luôn “không mang tính đối xứng”, nghĩa là cũng có trường hợp mang tính đối xứng. Điều này được thể hiện ít nhất là ở trường hợp những câu đẳng thức “A là/như B” có thể đảo thành “B là/như A” vừa dẫn ở trên.

Đến đây có thể rút ra nhận thức bước đầu về khái niệm ẩn dụ như sau:

ẩn dụ là phép thay thế tên gọi của các sự vật, hiện tượng, … khác loại (khác phạm trù) dựa trên cơ sở sự liên tưởng đồng nhất hoá chúng theo đặc điểm, thuộc tính nào đó cùng có ở chúng.

Có thể công thức hoá hiện tượng ẩn dụ thay thế tên gọi này bằng biểu thức sau:

A B

---- = ------

x y

(A là tên gọi của biểu vật x, còn B là tên gọi của biểu vật y, dấu = là kí hiệu “sự đồng nhất”).

Theo suy luận lôgic toán học, khi hai mẫu số của biểu thức này bằng nhau ( x = y ) thì tử số của chúng tất cũng buộc phải bằng nhau (A = B). Suy ra, ở phương diện ngôn ngữ học mà chúng ta đang đề cập, điều này có nghĩa là: Khi tư duy đồng nhất hoá các biểu vật y = x , thì tên gọi B của y cũng sẽ được đồng nhất hoá với tên gọi A của x (B = A) và do đó B có thể thay thế cho tên gọi A của x , hoặc ngược lại. Có thể biểu diễn:

y = x ------------> B = A hoặc: x = y ------------> A = B

Xét về lí thuyết và trên thực tế có thể xảy ra hai trường hợp thay thế tên gọi theo phép ẩn dụ như sau:

Trường hợp 1: Hai biểu vật x và y cùng có nét nào đó như nhau ( x = y) nên được tư duy đồng nhất hoá chúng với nhau, nhưng chỉ có một biểu vật( chẳng hạn x) đã có tên gọi (A), còn biểu vật y chưa có tên gọi (kí hiệu bằng dấu “? ”) . Có thể biểu diễn bằng biểu thức:

A ?

---- = ------

x y

Khi đó, tên gọi A của x sẽ thay thế vào chỗ trống (?) tên gọi của y và trở thành tên gọi chính thức của y. Đây là trường hợp ẩn dụ được sử dụng với tư cách là phương thức định danh. Có hai bậc định danh:

Đó có thể là định danh bậc 1. Ví dụ: tên gọi của “ một loại dụng cụ dùng để xay thóc” - ( cái ) “cối xay”, được sử dụng thay thế theo phép ẩn dụ vào chỗ trống tên gọi của “ loài cây bụi mọc hoang, quả có hình giống như cái cối xay” và trở thành tên gọi của loài cây này là (cây) “ cối xay”.

ẩn dụ có thể được sử dụng để định danh bậc 2 trong trường hợp chuyển nghĩa của từ.

Ví dụ: từ Tay vốn là tên gọi của “Bộ phận phía trên của cơ thể người, từ vai đến các ngón, dùng để cầm nắm: Tay làm hàm nhai (tng). “Trót vì tay đã nhúng chàm…” ( Nguyễn Du). Do được chuyển nghĩa theo ẩn dụ, tay cũng được sử dụng để gọi bộ phận của vật có hình dáng, chức năng như tay mà vốn chưa có tên. Do đó, từ tay đã có thêm nghĩa và trở thành tên gọi của “ bộ phận của vật có hình dáng, chức năng như cái tay:Vịn vào tay ghế. Tay đòn… ”[15, tr.893]

ẩn dụ định danh thuộc cả hai bậc nói trên đều là ẩn dụ chết, tính chất bóng bẩy hay hình tượng của ẩn dụ đã không còn nữa. ẩn dụ loại này còn được gọi là ẩn dụ từ vựng, nghĩa chuyển được tạo ra theo phép ẩn dụ này đã được cố định hoá trong hệ thống ngôn ngữ, được đưa vào nghĩa của từ trong từ điển và được toàn dân sử dụng.

Trường hợp 2: Hai biểu vật x và y cùng có nét nào đó như nhau, cả hai đều vốn đã có tên gọi riêng tương ứng là A và B. Trên cơ sở tư duy liên tưởng đồng nhất hoá chúng, có thể lấy tên gọi A của x để thay thế lâm thời cho tên gọi B của y (hoặc ngược lại) theo phương thức ẩn dụ. ẩn dụ loại này được sử dụng như một biện pháp tu từ nhằm làm tăng sức gợi hình, gợi cảm và giá trị thẩm mỹ cho sự diễn đạt. Cho nên có thể gọi nó là ẩn dụ lâm thời, hay ẩn dụ tu từ. Các ý nghĩa được tạo ra phép ẩn dụ tu từ không được cố định hoá trong hệ thống ngôn ngữ thành ý nghĩa của từ trong từ điển.

Ví dụ: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay thế các tên gọi “thế địch”, “ thế ta” bằng các tên gọi tương ứng là “ lửa” và “nước” để tạo hình ảnh ẩn dụ khẳng định chân lí: “ Nước nhất định thắng lửa”.

ẩn dụ lâm thời hay ẩn dụ tu từ mang tính sáng tạo riêng (chỉ trong ngữ cảnh cụ thể ấy, với cá nhân cụ thể ấy mới có cách ví ngầm như thế), do vậy mới có khả năng cùng chỉ một đối tượng nhưng với mỗi người lại có thể có cách diễn đạt bằng hình ảnh ẩn dụ khác nhau trong các ngữ cảnh khác nhau.

Ví dụ: cùng chỉ cặp con trai và con gái đang yêu nhau, hay tìm hiểu nhau, ca dao đã dùng nhiều hình ảnh ẩn dụ khác nhau:

Thuyền ơi có nhớ bến chăng

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền. (Ca dao)

Và: Đến đây mận mới hỏi đào

Vườn hồng đã có ai vào hay chưa? (Ca dao)

Trong Truyện Kiều, có lúc “hoa” được đồng nhất hoá với người quân tử hào hoa, phong nhã (chàng Kim):

Nàng rằng:”Khoảng vắng đêm trường,

Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa …”( câu 441- 442)

Có lúc, “hoa” được đồng nhất hoá với gương mặt đẹp (“Lại càng ủ dột nét hoa”) của nàng Kiều, hay cái miệng xinh xắn (“Hoa cười ngọc thốt đoan trang”) của nàng Vân.

Mỗi sự vật, hiện tượng vốn có nhiều đặc điểm, thuộc tính. Do vậy cùng một sự vật, hiện tượng có thể được tư duy liên tưởng đồng nhất hoá với nhiều sự vật, hiện tượng khác nhau tuỳ theo đặc điểm, thuộc tính nào cùng có ở chúng được chọn để làm cơ sở cho sự đồng nhất hoá.

Chính các loại đặc điểm, thuộc tính khác nhau cùng có ở các sự vật, hiện tượng…được chọn làm cơ sở cho sự đồng nhất hoá chúng trong tư duy đã tạo nên các kiểu ẩn dụ khác nhau (như: ẩn dụ màu sắc, ẩn dụ hình thức, ẩn dụ cách thức, ẩn dụ phẩm chất, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác…). Đây chính là cơ sở tạo ra hiện tượng đa nghĩa của ẩn dụ mà Nguyễn Thế Lịch đã nêu [9, tr.73].

Có thể thấy rằng ẩn dụ không chỉ xảy ra trong phạm vi ngôn ngữ như đã được trình bày ở trên.

Khi hai biểu vật x và y được tư duy đồng nhất hoá thì những đặc điểm, thuộc tính vốn có ở y có thể cũng được quy gán cho x và được dùng để nói về x, hoặc ngược lại, những đặc điểm, thuộc tính vốn có ở x có thể cũng được quy gán cho y và được dùng để nói về y miễn là phù hợp với lôgic tự nhiên.Theo chúng tôi, đây chính là hiện tượng loại suy đặc điểm, thuộc tính, hoạt động, v.v. ..giữa các sự vật, hiện tượng…khác loại làm cơ sở cho những cách diễn đạt ẩn dụ ý niệm.

Hiện nay các nhà ngôn ngữ học nổi tiếng như Lakof & Johnson(1980) và những học giả khác đã khẳng định rằng ẩn dụ không phải là vấn đề ngôn ngữ mà là vấn đề của tư duy. Nói cụ thể hơn, ẩn dụ được coi là phương thức tư duy của con người [21]. Từ đó các nhà khoa học về ngôn ngữ và triết học đã xây dựng lí thuyết ẩn dụ ý niệm để mô tả cách chúng ta hiểu các khái niệm trừu tượng khi được hiện thân hoá qua trải nghiệm cảm xúc của chúng ta (Johnson, 1981,1987; Talmy,1996) ( dẫn theo [6, tr.17]).

Chẳng hạn, do đồng nhất hoá thời gian là tiền bạc, nên rất nhiều đặc điểm vốn chỉ của tiền bạc đã có thể được loại suy quy gán cho thời gian và được dùng nói về thời gian .SS. Lãng phí tiền bạc – lãng phí thời gian, tiết kiệm tiền bạc – tiết kiệm thời gian, mất tiền – mất thời gian, dành tiền cho con – dành thời gian cho con… Do đồng nhất thời gian với dòng nước hay dòng sông, cho nên những gì nói về dòng nước hay dòng sông đã có thể được loại suy dùng để nói về thời gian: thời gian ngừng trôi, ngược dòng thời gian,…Do đồng nhất lí thuyết và công trình xây dựng nên người ta mới có thể nói “ xây dựng lí thuyết xác suất, lí thuyết này có nền tảng vững chắc, lí thuyết đã bị đổ,v.v…”.

Một dẫn chứng rất điển hình khác là hiện tượng ẩn dụ ý niệm xảy ra giữa không gian và thời gian. Do có sự đồng nhất hoá thời gian và không gian, nên đã diễn ra sự loại suy, ý niệm hoá thời gian như là không gian trên cơ sở sử dụng các ý niệm không gian sẵn có. Điều này mang tính phổ quát trong các ngôn ngữ, “Tuy nhiên, quá trình từ vựng hoá các khái niệm của thời gian không hoàn toàn đồng nhất trong các nền văn hoá khác nhau” [4, tr.2]. Chính vì vậy, các thuộc tính của không gian có thể được loại suy sang nói về thời gian theo phương thức ẩn dụ ý niệm. Chẳng hạn, chúng ta hãy xem xét về chiều của thời gian.

Như đã biết, các sự vật trong không gian có thể được tri nhận như các thực thể ba chiều, hai chiều, một chiều hay không chiều. Thời gian trong tiếng Việt cũng được ý niệm hoá như sự vật. Do đó, tiếng Việt có những cách nói về thời gian được loại suy từ không gian như sau (ví dụ dẫn từ [4, tr.2]):

Chiều
Biểu thức không gian
Biểu thức thời gian

3 chiều
Trong hang
Trong năm 1999

2 chiều
Trên bàn
Vào chủ nhật

1 chiều
Dọc theo phố
Theo năm tháng

0 chiều
(Gặp) ở nhà ga
Lúc 7 giờ


Chính sự đồng nhất hoá các hiện tượng thiên nhiên, động thực vật, vật thể nhân tạo… với con người đã làm cơ sở cho hàng loạt hiện tượng nhân hoá trong trong văn thơ nói chung. Do đó, tất cả những gì vốn là phẩm chất riêng của bản thân con người đã có thể được sử dụng loại suy theo kiểu ẩn dụ ý niệm để nói về các hiện tượng tự nhiên, động thực vật, vật thể nhân tạo…

Chẳng hạn:

- Vì sương nên núi bạc đầu

Biển lay bởi gió, hoa sầu vì mưa . (Ca dao)

- Cội tùng bóng ngả sương rơi lệ

Ngõ trúc mây che cuốc giục sầu. (Quách Tấn, Về thăm nhà cảm tác)

Còn đây là những hình ảnh nhân hoá của động thực vật và vật thể nhân tạo:

- Nách tường đôi lứa chim sâu

Nằm trong tổ ấm, thò đầu nhởn nhơ. (Hằng Phương)

--Bầy sẻ đâu về cười khúc khích

Rủ nhau lúa chín trộm vài bông. (Trần Huyền Trân)

- Con trâu đứng vờ lim dim mắt ngủ

Để lắng nghe người khách nói bô bô. (Đoàn Văn Cừ , Chợ tết)

-Tre rũ rượi ven bờ chen ướt át

Chuối bơ phờ đầu bến đứng dầm mưa . (Anh Thơ, Bến đò ngày xưa)

-Phù dung tươi, nép mình như kiễng gót,

Ngắm tre đằng rũ tóc dịu dàng ngân . ( Huy Thông, Anh Nga)

- Trên bến vắng, đắm mình trong lạnh lẽo

Vài quán hàng không khách đứng xo ro. ( Anh Thơ, Bến đò ngày xưa)

Trong thơ văn Việt Nam hiện đại cũng có nhiều cách sử dụng nhân hoá theo lối ẩn dụ ý niệm như vậy. Chẳng hạn:

- Hàng bưởi

Đu đưa

Bế lũ con

Đầu tròn

Trọc lóc . (Trần Đăng Khoa)

- Khi tan bão ta lại nghe biển hát

Và sóng mang hoa trắng tặng tàu. (Phạm Tiến Duật)

- “ Cứ thế , hai ba năm nay, rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho dân làng.” ( Nguyễn Trung Thành)

Cần chú ý rằng ẩn dụ không chỉ xảy ra đối với các sự vật mà còn xảy ra đối với các hoạt động, trạng thái, tính chất và sự tình, v.v...Theo Đào Thản, đó là ẩn dụ thay cho đối tượng, ẩn dụ thay cho hoạt động, ẩn dụ thay cho tính chất, ẩn dụ thay cho cả ý [9, tr.144] ). Chúng tôi gọi tắt thành các loại ẩn dụ tương ứng là ẩn dụ sự vật, ẩn dụ hoạt động, ẩn dụ tính chất. Riêng loại ẩn dụ thay cho cả ý được chúng tôi gọi là ẩn dụ sự tình. Chẳng hạn, ẩn dụ sự vật:

- Có quán tình phụ cây đa

Ba năm quán đổ cây đa vẫn còn . (Ca dao)

- Thuyền ơi có nhớ bến chăng

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền. (Ca dao)

ẩn dụ hoạt động:

Xưa kia nói nói thề thề

Bây giờ bẻ khoá trao chìa cho ai? ( Ca dao)


Hay: Hung hăng chẳng hỏi chẳng tra

Đang tay vùi liễu dập hoa tơi bời . (Nguyễn Du)

ẩn dụ tính chất:

- Bấy lâu đáy bể mò kim

Là nhiều vàng đá, phải tìm trăng hoa

- Thiếp từ ngộ biến đến giờ

Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa . (Nguyễn Du)

Như đã nói ở trên, hiện tượng ẩn dụ không chỉ xảy ra dựa trên sự đồng nhất hoá các sự vật, hiện tượng hay tính chất… mà còn có thể dưạ trên sự đồng nhất hoá các sự tình, trong đó có một sự tình (thường là mang tính cụ thể hơn) được sử dụng làm hình ảnh để diễn đạt sự tình kia (thường là mang tính trừu tượng hơn) theo phép ẩn dụ. Đó là ẩn dụ sự tình. Ví dụ:sự tình về tâm trạng tiếc xót sợi dây dài đã bỏ ra một cách vô ích để nối cho gầu múc do lầm tưởng là giếng sâu đã được sử dụng làm hình ảnh trong câu ca dao sau để thể hiện sự nuối tiếc tình cảm tha thiết, đậm đà, thuỷ chung…mà người nói đã dành cho người bạn tình của mình bị uổng phí vô ích bởi đã không được đáp lại xứng đáng:

Tưởng nước giếng sâu nối sợi dây dài

Ai hay giếng cạn tiếc hoài sợi dây . (Ca dao)

Hay một vài thí dụ khác:

- Thấy bạn mà chẳng thấy chàng

Bâng khuâng như mất lạng vàng trên tay . (Ca dao)

- Bây giờ anh lấy người ta

Như dao cắt ruột em ra làm mười. (Quan họ Bắc Ninh)

Sự đồng nhất hoá một sự tình (mang tính trừu tượng) với một sự tình khác( mang tính cụ thể ) được sử dụng làm hình ảnh chính là cơ sở để tạo ra các thành ngữ, tục ngữ.

Ví dụ: Được hưởng thành quả (hãy) nhớ đến người đã mang lại cho mình = ăn quả nhớ kẻ trồng cây (tng) ; Nơi thuận lợi cho cuộc sống (thì) có nhiều người đến tụ cư = Đất lành chim đậu (tng); Kẻ yếu chống kẻ mạnh = Châu chấu đá voi (tng).

Đến đây, có thể đưa ra định nghĩa phản ánh đầy đủ bản chất của khái niệm ẩn dụ như sau:
Ân dụ là phép thay thế tên gọi hoặc chuyển đặc điểm, thuộc tính của sự vật, hiện tượng này sang sự vật, hiện tượng khác loại dựa trên cơ sở sự liên tưởng đồng nhất hoá chúng theo đặc điểm, thuộc tính nào đó cùng có ở chúng.

Dựa vào định nghĩa này chúng ta có thể xây dựng được quy trình tạo lập các hình ảnh ẩn dụ (về vấn đề này xem : Nguyễn Đức Tồn [12]), hoặc giải thích được một cách đúng đắn nguyên tắc tạo ẩn dụ.

Chẳng hạn, theo Nguyễn Thế Lịch, các trường hợp có mẫu như “lửa lựu” (trong câu thơ: Đầu tường lửa lựu lập loè đâm bông - Nguyễn Du) là cấu trúc so sánh: “Nguyễn Du đã tạo ra lửa lựu chính là từ hoa lựu như lửa rồi dùng cách đảo ngược lại” (chúng tôi nhấn mạnh – NĐT). [9, tr.72]

Theo chúng tôi, đây thực sự là hiện tượng ẩn dụ và được giải thích như sau: Trên cơ sở sự liên tưởng đồng nhất hoá ( được kí hiệu bằng dấu =) dựa theo màu sắc, ta có: hoa (lựu) = lửa. Bằng cách thay thế hoa (lựu) bằng lửa, ta có sẽ có cách nói ẩn dụ là lửa lựu (chứ không phải là đảo ngược trong phép so sánh!)

Cũng lí giải tương tự với các trường hợp như sóng lòng, biển lúa: Từ sự đồng nhất hoá trạng thái tình cảm dào dạt, dâng lên từng đợt (trong lòng) = sóng , dùng cách thay thế trạng thái tình cảm ấy bằng sóng ta sẽ có cách nói ẩn dụ sóng lòng:

Biết không, cô hỡi, biết không ?

1. Chèo cô còn quẫy, sóng lòng còn xao .(Nam Trân, Huế đẹp và thơ)

2. Từ sự đồng nhất hoá cánh đồng (lúa) = biển, thay thế cánh đồng bằng biển sẽ có cách nói ẩn dụ biển lúa :

3. Việt Nam đất nước ta ơi !

4. Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn ?( Nguyễn Đình Thi, Bài thơ Hắc Hải)

Tóm lại, trên cơ sở định nghĩa về ẩn dụ đã trình bày, dựa vào đặc điểm, thuộc tính nào đó để có thể đồng nhất hoá các sự vật, hiện tượng khác loại nhau rồi lấy tên gọi ( và các đặc điểm, thuộc tính…) của sự vật, hiện tượng này(thường mang tính cụ thể hơn) để thay thế khi gọi tên hoặc nói về sự vật, hiện tượng kia (thường mang tính trừu tượng hơn) sẽ tạo ra được cách diễn đạt ẩn dụ.

Tài liệu tham khảo


Tiếng Việt


1. Đỗ Hữu Châu, Giáo trình Việt ngữ, ( tập 2, Từ hội học,), NXB GD, H.,1962, tr.54 .

2. Đỗ Hữu Châu, Từ vựng – ngữ nghĩa tiếng Việt, NXB GD, H., 1981, tr.145

3. Nguyễn Thiện Giáp, Từ vựng học tiếng Việt, NXB GD, H., 1998.

4. Nguyễn Hoà, Sự tri nhận và biểu đạt thời gian trong tiếng Việt qua các ẩn dụ không gian, Tạp chí Ngôn ngữ, số 7, 2007

5. Phan Thế Hưng, So sánh trong ẩn dụ, Tạp chí Ngôn ngữ, số 4, 2007

6. Phan Thế Hưng, ẩn dụ ý niệm, Tạp chí Ngôn ngữ, số 7, 2007

7. Nguyễn Lân, Ngữ pháp Việt Nam, lớp 7, Bộ Giáo dục xuất bản, H., 1966).

8. Nguyễn Thế Lịch , Cấu trúc so sánh trong tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, số 7 ,2001

9. Nguyễn Thế Lịch , Cấu trúc so sánh trong tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, số 9 ,2001.

10. Đào Thản, Từ ngôn ngữ chung đến ngôn ngữ nghệ thuật, NXB KHXH, H., 1988.

11. Nguyễn Đức Tồn, Từ đồng nghĩa tiếng Việt, NXB KHXH, H., 2006

12. Nguyễn Đức Tồn, Để giúp thêm cho việc dạy khái niệm ẩn dụ ở trư­ờng Trung học cơ sở, Tạp chí Ngôn ngữ, số 9, 2007

13. Nguyễn Văn Tu, Khái luận ngôn ngữ học, NXB GD, H., 1960, tr.159.

14. Nguyễn Văn Tu và những người khác, Từ và vốn từ tiếng Việt hiện đại, NXB ĐH&THCN, H.,1976.

15. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt ( Hoàng Phê chủ biên), Đà Nẵng, 2000

16. Xtepanop Ju.X. Những cơ sở của ngôn ngữ học đại cương, Nxb ĐH&THCN, H.,1977.

17. Phan Hồng Xuân, Mấy nhận xét về cách sử dụng ẩn dụ của các nhà Thơ Mới trong Thi nhân Việt Nam, Tạp chí Ngôn ngữ, số 4&8, 2001

Tiếng Nga

18. Akhmanova O. X. Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học , NXB Bách khoa Xô viết, M., 1966.

19. Golovin B.N., Dẫn luận ngôn ngữ học, NXB “Cao Đẳng”, M., 1977

20. Reformatxky A.A. , Dẫn luận ngôn ngữ học, NXB Sách giáo khoa Sư phạm Liên Bang Nga,M.,1960

Tiếng Anh

21. Lakoff, G. & Mark Johnson, Metaphor We Live By. Chicago/London: University of Chicago Press, 1980.

22. Lakoff, G., The contemporary theory of metaphor. In A. Ortony, (ed), Metaphor and Thought.Cambridge: Cambridge University Press, 1993.
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top