• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Luyện dạng đề đọc hiểu

Ngọc Suka

Cộng tác viên
Luyện dạng đề đọc hiểu
image002.jpg
Đề 1

1/ Văn bản 1: Đọc ba đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 4:

(1) Đưa những cuốn sách về với quê hương mình, với mái trường cũ thân thương của mình, để các em nhỏ sẽ không còn "khát" sách đọc. Đó là công việc thiện nguyện của những người tham gia chương trình "Sách hóa nông thôn Việt Nam", đang chung tay đeo đuổi mục tiêu để 10 triệu trẻ em nông thôn có quyền đọc sách và có sách đọc như trẻ em thành phố.

(2) Anh Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng chương trình hiện đang trong quá trình đi bộ xuyên Việt từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh. Chuyến đi được khởi hành từ ngày mồng 1 Tết Ất Mùi và dự kiến sẽ hoàn thành vào trung tuần tháng 6-2015. Anh là cử nhân tiếng Anh, đã từng trải qua nhiều vị trí ở cơ quan nhà nước và từng làm việc cho một số tổ chức quốc tế. Chuyến đi bộ xuyên Việt của anh lần này là mong muốn kêu gọi cộng đồng chung tay nhân rộng tủ sách trong trường học, dòng họ... để đạt con số 300 nghìn tủ sách được xây dựng trên toàn quốc vào năm 2017, giúp hơn 10 triệu học sinh nông thôn có sách đọc.

(…) (3) Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam ra đời theo mong muốn của anh là nhằm giải quyết vấn đề thiếu sách ở nông thôn mà theo anh là để nâng cao dân trí, xây dựng tinh thần chia sẻ trách nhiệm xã hội trong cộng đồng. Tâm nguyện của anh là tạo ra một hệ thống thư viện mi-ni rộng khắp cả nước để mọi người dân thôn quê có thể tiếp cận tri thức. Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam đến nay đã thực hiện thành công năm loại tủ sách, với hơn 3.800 tủ sách được xây dựng, giúp hơn 200 nghìn người dân nông thôn, đặc biệt là 100 nghìn học sinh nông thôn có cơ hội đọc 40 đầu sách/năm.”

(Đưa sách về làng, Nhân dân cuối tuần, 26/04/2015)

Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản.

Câu 2. Đoạn (2) giới thiệu những thông tin gì về hành động “đi bộ xuyên Việt” của anh Nguyễn Quang Thạch?

Câu 3. Từ nội dung văn bản, hãy nêu mục tiêu và kết quả đạt được của chương trình "Sách hóa nông thôn Việt Nam".

Câu 4. Theo số liệu của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch: hiện nay, trung bình người Việt đọc 0,8 cuốn sách/năm. Từ thực trạng này, anh/chị hãy nhận xét ngắn gọn về anh Nguyễn Quang Thạch và chương trình "Sách hóa nông thôn Việt Nam" do anh khởi xướng. Trả lời trong khoảng 5-7 dòng.

2/ Đọc hai đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi từ 5 đến 8:

Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.

(Mẹ và quả - Nguyễn Khoa Điềm)

Thời gian chạy qua tóc mẹ
Một màu trắng đến nôn nao
Lưng mẹ cứ còng dần xuống
Cho con ngày một thêm cao.

(Trong lời mẹ hát – Trương Nam Hương)

Câu 5. Nêu hai phương thức biểu đạt nổi bật trong đoạn thơ thứ nhất.

Câu 6. Xác định nghệ thuật tương phản trong từng đoạn thơ trên?

Câu 7. Nêu hiệu quả nghệ thuật của phép nhân hóa trong câu thơ “Thời gian chạy qua tóc mẹ”?

Câu 8. Những điểm giống nhau về nội dung và nghệ thuật của hai đoạn thơ trên là gì? Trả lời trong khoảng 6-8 dòng.

Đáp án

Câu 1. Phong cách ngôn ngữ báo chí

Câu 2. Hành động đi bộ xuyên Việt của anh Nguyễn Quang Thạch:

- Về hành trình: từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh

- Về thời gian: khởi hành từ ngày mồng 1 Tết Ất Mùi và dự kiến sẽ hoàn thành vào trung tuần tháng 6-2015.

- Về mục đích: kêu gọi cộng đồng chung tay nhân rộng tủ sách trong trường học, dòng họ... để đạt con số 300 nghìn tủ sách được xây dựng trên toàn quốc vào năm 2017, giúp hơn 10 triệu học sinh nông thôn có sách đọc.

Câu 3.

- Mục tiêu: 10 triệu trẻ em nông thôn có quyền đọc sách và có sách đọc như trẻ em thành phố.

- Kết quả đạt được của chương trình "Sách hóa nông thôn Việt Nam": thực hiện thành công năm loại tủ sách, với hơn 3.800 tủ sách được xây dựng, giúp hơn 200 nghìn người dân nông thôn, đặc biệt là 100 nghìn học sinh nông thôn có cơ hội đọc 40 đầu sách/năm

Câu 4. Cần nêu được quan điểm của bản thân về anh Nguyễn Quang Thạch và ý nghĩa của chương trình "Sách hóa nông thôn Việt Nam". Câu trả lời phải chặt chẽ, có sức thuyết phục.

- Anh Nguyễn Quang Thạch: là một người có tâm huyết với cộng đồng, có lí tưởng sống đẹp, biết chăm lo cho sự phát triển của thế hệ trẻ, đặc biệt là trẻ em nông thôn.

- Chương trình "Sách hóa nông thôn Việt Nam": là một chương trình thiết thực, ý nghĩa, giúp cho mỗi người có nhận thức đúng hơn về sách và quan tâm nhiều hơn đến việc đọc sách.

Câu 5. Hai phương thức biểu đạt nổi bật trong đoạn thơ thứ nhất: Miêu tả, biểu cảm.

Câu 6. Xác định nghệ thuật tương phản trong đoạn thơ thứ nhất: tương phản giữa “Lũ chúng tôi... lớn lên” “bí và bầu lớn xuống”; trong đoạn thơ thứ hai: tương phản giữa “Lưng mẹ... còng dần xuống”“con ngày một thêm cao”.

Câu 7. Hiệu quả nghệ thuật của phép nhân hóa trong câu thơ “Thời gian chạy qua tóc mẹ”: Nhân hóa “Thời gian” qua từ “chạy”, cho thấy thời gian trôi qua nhanh làm cho mẹ già nua , bộc lộ nỗi xót xa, thương mẹ của người con.

Câu 8. Hai đoạn thơ trên có điểm giống nhau về nội dung: Bộc lộ niềm xót xa và lòng biết ơn của con trước những hi sinh thầm lặng của mẹ; về nghệ thuật: ngôn ngữ tạo hình, biểu cảm, biện pháp tương phản, nhân hóa.​
 
Sửa lần cuối:

Ngọc Suka

Cộng tác viên
Đề 2

1/ Đọc đoạn sau và trả lời câu hỏi từ 1 đến 4: Yêu Tổ quốc từ những giọt mồ hôi tảo tần. Mồ hôi rơi trên những cánh đồng cho lúa thêm hạt. Mồ hôi rơi trên những công trường cho những ngôi nhà thành hình, thành khối. Mồ hôi rơi trên những con đường nơi rẻo cao Tổ quốc của những thầy cô trong mùa nắng để nuôi ước mơ cho các em thơ. Mồ hôi rơi trên thao trường đầy nắng gió của những người lính để giữ mãi yên bình và màu xanh cho Tổ quốc… (Nguồn https://vietbao.vn ngày 9-5-2014)

Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ trong văn bản trên?

Câu 2. Biện pháp tu từ nào được sử dụng nhiều nhất trong văn bản trên? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó?

Câu 3. Những từ ngữ: cánh đồng, công trường gợi nhớ đến đối tượng nào trong cuộc sống?

Câu 4. Đặt tiêu đề cho văn bản trên.


2/ Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8:

“...Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó và san sẻ

Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên Đất Nước muôn đời…”.

(Trích đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm SGK Ngữ văn lớp 12, tập 1, trang 120 )

Câu 5. Nêu nội dung của đoạn thơ?

Câu 6. Tại sao từ “Đất Nước” được viết hoa?

Câu 7. Nêu biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ?

Câu 8. Viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của em về trách nhiệm của mình với quê hương, đất nước trong xã hội ngày nay?


Đáp án

Câu 1. Phong cách ngôn ngữ trong văn bản trên: phong cách ngôn ngữ báo chí.

Câu 2.


- Biện pháp tu từ được sử dụng nhiều nhất trong văn bản trên là điệp (lặp) cấu trúc câu (Mồ hôi rơi).


- Tác dụng của biện pháp nghệ thuật đó là nhấn mạnh những vất vả nhọc nhằn và sự hi sinh thầm lặng của người dân lao động. Qua đó, bộc lộ sự trân trọng, tin yêu với những con người lao động và tình yêu Tổ quốc của nhà thơ.


Câu 3. Những từ ngữ: cánh đồng, công trường gợi nhớ đến người nông dân, công nhân trong cuộc sống.

Câu 4. Đặt nhan đề: Yêu Tổ quốc, Hoặc Tổ quốc của tôi.

Câu 5. Nội dung của đoạn thơ: Lời nhắn nhủ về trách nhiệm của mỗi người với Đất Nước.

Câu 6. Từ “Đất Nước ” được viết hoa - coi "Đất Nước" là một sinh thể, thể hiện sự tôn trọng, ngợi ca, thành kính, thiêng liêng khi cảm nhận về Đất Nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

Câu 7. Điệp ngữ “phải biết’’, sử dụng nhiều từ chỉ mối quan hệ gắn bó như: gắn bó, san sẻ, hóa thân..

Câu 8. Cần nêu cảm nhận của riêng mình về trách nhiệm của mình với quê hương, đất nước trong xã hội ngày nay, cần khẳng định trách nhiệm hàng đầu là học tập, rèn luyện để trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội. Có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau những lập luận phải chặt chẽ, thuyết phục.
 

Ngọc Suka

Cộng tác viên
Đề 3
1/ Đọc hai đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 3:

Ngày xưa, Trần Hưng Đạo khuyên vua chước giữ nước hay hơn cả là “lúc bình thời, khoan sức cho dân để kế sâu rễ, bền gốc”. Nguyễn Trãi chê Hồ Quý Ly để mất nước vì chỉ biết ngăn sông cản giặc, mà không biết lấy sức dân làm trọng. Các đấng anh hùng dân tộc đều lập nên công lớn, đều rất coi trọng sức dân để giữ nước, chống giặc.

Ngày nay, Hồ Chủ Tịch kêu gọi: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Người nói: phải “dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân”. Khác với người xưa, Hồ Chủ Tịch chỉ rõ: Làm những việc đó là “để mưu cầu hạnh phúc cho dân”.

(Những ngày đầu của nước Việt Nam mới – Võ Nguyên Giáp)

Câu 1. Đặt nhan đề cho phần trích trên?

Câu 2. Phần trích trình bày ý theo trình tự nào?

Câu 3. Tác giả đưa những nhân vật lịch sử như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Hồ Quý Ly vào đoạn văn thứ nhất để tạo hiệu quả lập luận như thế nào? Trả lời trong khoảng 4-6 dòng.

2/ Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời câu hỏi từ câu 4 đến câu 7:

Tôi đứng lặng giữa cuộc đời nghiêng ngả
Để một lần nhớ lại mái trường xưa
Lời dạy ngày xưa có tiếng thoi đưa
Có bóng nắng in dòng sông xanh thắm.

Thoáng quên mất giữa tháng ngày ngọt đắng
Trưởng thành này có bóng dáng hôm qua
Nhớ được điều gì được dạy những ngày xa
Áp dụng - chắc nhờ cội nguồn đã có.

Nước mắt thành công hoà nỗi đau đen đỏ
Bậc thềm nào dìu dắt những bước đi
Bài học đời đã học được những gì
Có nhắc bóng người đương thời năm cũ

Vun xới cơn mơ bằng trái tim ấp ủ
Để cây đời có tán lá xum xuê
Bóng mát dừng chân là một chốn quê
Nơi ơn tạ là mái trường nuôi lớn

Xin phút tĩnh tâm giữa muôn điều hời hợt
Cảm tạ mái trường ơn nghĩa thầy cô.

(Lời cảm tạ- sưu tầm)

Câu 4. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính trong đoạn thơ trên?

Câu 5. Nêu rõ phép tu từ được sử dụng trong câu thơ Thoáng quên mất giữa tháng ngày ngọt đắng.

Câu 6. Nêu nội dung chính của bài thơ trên.

Câu 7. Anh chị hiểu hai dòng thơ: “Vun xới cơn mơ bằng trái tim ấp ủ/ Để cây đời có tán lá xum xuê” như thế nào? Từ ý thơ này, hãy viết một đoạn văn ngắn nêu vai trò của mái trường và thầy cô đối với cuộc đời của mỗi người. trả lời trong 5-10 dòng.

Đáp án

Câu 1. Nhan đề: Lấy dân làm trọng/ Vì dân/ Tư tưởng “thân dân” của Hồ Chí Minh.

Câu 2. Phần trích trình bày ý theo trình tự thời gian: ngày xưa –ngày nay.

Câu 3. Tác giả đưa những nhân vật lịch sử như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Hồ Quý Ly vào đoạn văn thứ nhất nhằm làm nổi bật những điểm kế thừa và khác biệt với truyền thống trong tư tưởng “thân dân” của Hồ Chí Minh – được nói đến ở đoạn văn thứ hai.

Câu 4. Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ: biểu cảm.

Câu 5. Câu thơ Thoáng quên mất giữa tháng ngày ngọt đắng sử dụng phép tu từ ẩn dụ: ngọt đắng: chỉ những thăng trầm, buồn vui trong cuộc đời.

Câu 6. Nội dung chính của đoạn thơ trên:

Đoạn thơ ghi lại tâm trạng, suy nghĩ của một người học trò khi đã rời xa mái trường với tình cảm yêu thương, trân trọng và lòng biết ơn sâu sắc. Càng trưởng thành, càng nếm trải những thăng trầm, buồn vui trong cuộc sống, mỗi người lại càng thấm thía hơn tấm lòng bao dung, yêu thương và công lao của thầy cô, mái trường.

Câu 7. Hai dòng thơ: “Vun xới cơn mơ bằng trái tim ấp ủ/ Để cây đời có tán lá xum xuê” thể hiện công lao to lớn của thầy cô đối với học trò: chăm chút, thắp sáng ước mơ, niềm tin cho học trò bằng cả trái tim yêu thương để từ đây, các em bước ra đời vững vàng, cứng cáp, sẵn sàng cống hiến cho cuộc đời.

Đoạn văn cần nêu được vai trò của thầy cô và mái trường đối với cuộc đời mỗi người: giúp mỗi người hoàn thiện bản thân về trí tuệ, tâm hồn.
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top