• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Là một phần của lịch sử nên chúng ta phải lên tiếng

songngu

Active member
Xu
57
avataaaUntitled1.jpg


Hôm trước, tôi có viết một status về văn hóa thần tượng làn sóng Hàn, nhân việc bộ phim Hậu duệ mặt trời của Hàn Quốc đang gây sốt. Không ngờ bài viết đó được rất nhiều người chia sẻ, đồng tình lẫn nghi ngờ. Hôm nay, tôi viết tiếp status này, nhưng về khía cạnh lịch sử để một lần nữa nhìn nhận thấu đáo về cơn sốt Hậu duệ mặt trời, cũng là dịp xem lại cách ứng xử với lịch sử của chúng ta như thế nào.

Hồi ở Seoul, tôi được mời nói chuyện lịch sử Việt Nam với học sinh Hàn. Khi tôi giảng về 100 đô hộ của thực dân Pháp, kết thúc bằng chiến thắng ĐBP thì các bạn học sinh Hàn hỏi tôi: “Vậy bây giờ thái độ của người Việt Nam với Pháp như thế nào ? “. Tôi trả lời: “Không, chúng tôi quên chuyện đó rồi, để hướng đến tương lai..”. Thái độ của lớp học sinh Hàn lúc đó chưng hửng, ngạc nhiên, tuy rụt rè nhưng bày tỏ sự khó hiểu. Tôi cũng hiểu: “À, tôi biết điều các bạn đang suy nghĩ. Nếu nói về mối căm thù của các bạn với nước Nhật thì với chúng tôi là người Trung Quốc…”.

quá khứ nửa thế kỷ đô hộ của người Nhật (1905 – 1945), dù là các em học sinh.
Còn trong chiến tranh VN, lính Đại Hàn là nỗi khiếp đảm từ Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, không phải với quân đội, mà với những người dân thường vô tội. Chỉ cần một lính Hàn bị giết, lính Hàn sẽ đem cả làng bị nghi ngờ ra xử bắn. Xả súng, ném lựu đạn thảm sát hàng loạt, hãm hiếp phụ nữ đến chết, xé đôi trẻ con… những gì đen tối nhất của thảm sát, của chiến tranh đều có thể tìm thấy ở những nơi lính Hàn càn quét, giết chóc.

Có những làng mà sau một trận càn của lính Hàn hoàn toàn bị xóa sổ. Thân nhân của người chết ba ngày sau trở lại làng chỉ thấy vắng lặng, tan hoang, xác người nồng nặc tử khí, lũ chó gặp xác người chạy đi…

Có những phụ nữ mang thai bị găm trên mình loang lổ mảnh lựu đạn lính Hàn, chịu đựng 10 tiếng đồng hồ, đến khi lính Hàn rút đi thì mẹ chết đứa con trong bụng cũng chết.

Nhưng tôi được nghe những câu chuyện không phải chết do súng đạn lính Hàn. Những đứa trẻ mất cha mẹ trong đợt càn của lính Hàn, bơ vơ không biết dựa vào đâu, chết vì đói và kiệt sức trong những ngày sau đó…

Tôi kể ra ra đây không phải là để kích động lòng thù hằn. Đó không phải là chủ ý. Nhưng những gì là sự thật lịch sử thì nó là sự thật lịch sử. Và trở lại câu hỏi: Chúng ta ứng xử với lịch sử dân tộc như thế nào ?

Có người sẽ đặt câu hỏi với tôi: Vậy lính Mỹ thảm sát thì sao ? Tôi sẽ nói rằng vụ thảm sát Mỹ Lai (Quảng Ngãi) năm 1969 bị phát hiện ngay lúc đó, đem lại giải Pulitzer cho nhà báo điều tra Seymour Hersh năm 1970. Ngay cả những vụ thảm sát ven sông Vệ (Quảng Ngãi) của lực lượng Tiger Force của Mỹ bị điều tra muộn hơn, cũng được công nhận bằng giải thưởng Pulitzer 2004 cho tờ The Toledo Blade của Mỹ. Người Mỹ thừa nhận những tội ác của binh lính họ với thường dân Việt Nam.

Còn đối với Hàn Quốc thì sao ? Những năm 1990, khi tờ Hankyoreh của Hàn công bố loạt phóng sự điều tra những vụ thảm sát của lính Hàn với thường dân Việt Nam, cựu chiến binh Hàn đã kéo đến đốt phá trụ sở tờ báo này. Toàn bộ dữ liệu tòa soạn bị mất sạch, một người chết, một người bị tàn phế suốt đời… Cuộc tấn công bạo lực đó của các cựu chiến binh Hàn không có một sự ngăn cản nào của chính phủ. Các cựu chiến binh Hàn luôn hét to là không có thảm sát.

Gần đây nhất, tháng 4.2015, khi hai nạn nhân là Nguyễn Thị Thanh (Quảng Nam), Nguyễn Tấn Lân (Bình Định)… những nhân chứng bị mất người người thân (mẹ, em, dì…), bản thân bị thương trong những trận càn của lính Hàn năm 1969 được đưa qua Seoul, những cựu chiến binh Hàn tiếp tục tụ tập phản đối và hét lớn: Không có thảm sát!

Họ chưa bao giờ thừa nhận và đưa ra lời xin lỗi cho những tội ác trên!

Những người lính Hàn được gửi qua Việt Nam phần nhiều ít học, nghèo khổ… Khi bị đẩy vào cuộc chiến ở một đất nước xa lạ với sứ mệnh bảo vệ tiền đồn chống cộng sản, một khi mùi thuốc súng bốc lên, họ lao vô những cuộc bắn giết điên loạn, mất hết tính người…

Những người lính Việt Nam kể với tôi rằng chỉ có khi ở chiến trường mới biết những người đồng đội còn thương nhau hơn cả anh em. Lính Hàn cũng vậy, khi một người bị giết thì cả đồn khóc rống lên. Sau đó, để trả thù, họ tàn sát cả làng nào bị nghi là chứa chấp cộng sản…

Khi về nước, họ cũng chẳng anh hùng gì hơn lúc họ được gửi qua Việt Nam. Nhưng thành công kinh tế thần kỳ của Hàn Quốc khiến họ nghĩ rằng họ đã hi sinh xương máu, tuổi trẻ hoặc một phần thân thể bỏ lại ở chiến trường để góp công cho công cuộc phát triển kinh tế đất nước.

Park Chung Hee đã phát triển kinh tế Hàn từ một nước đói kém, lạc hậu bậc nhất châu Á đến thành công kinh tế những năm 1980 bằng hai nguồn vốn chính là tiền bồi thường chiến tranh của Nhật Bản + tiền từ chiến tranh Việt Nam. Đường cao tốc Seoul – Pusan, dự án đầu tiên cho công cuộc phát triển kinh tế của Park Chung Hee lấy nguồn vốn từ chiến tranh Việt Nam. Hãng Korea Air ngày nay cũng được xây dựng từ nguồn vốn chiến tranh VN…

Mặc dù Park Chung Hee “than thở” rằng nếu có 10 đồng tiền dịch vụ hậu cần cho Mỹ trong chiến tranh VN thì hết 9 đồng thuộc về Nhật Bản, chỉ 1 đồng giành cho Hàn Quốc, thì số tiền có được từ chiến tranh VN đóng góp phần đáng kể trong nguồn vốn ban đầu của Hàn Quốc.

Vì vậy, những người lính Hàn ít học, nghèo khổ năm xưa xem sự cống hiến của mình có ý nghĩa cho quốc gia, đất nước. Đó là sự kiêu hãnh của họ. Vì vậy, họ không muốn khác nhìn họ những những kẻ đồ tể, sát nhân. Sự giận dữ bạo lực của họ là điều dễ hiểu.

Ở miền Trung Việt Nam, những nơi xảy ra thảm sát của quân đội Hàn Quốc đều có bia căm thù, đài tưởng niệm. Còn ở Hàn Quốc, từ năm 2000 liên tiếp mọc lên những đài kỷ niệm sự tham chiến của lính Hàn tại Việt Nam. Ở đó, những người lính Hàn được ngợi ca là những vị anh hùng chiến đấu bảo vệ cho phụ nữ, trẻ em… Việt Nam. Đó là một sự lừa dối xấc xược và trắng trợn !

Hơn nữa, không thể kể hết sự căm giận của người Hàn đối với người Nhật. Họ sẽ phải đối phó sao đây khi chính những điều người Nhật gây ra đối với dân tộc họ, sau đó họ lại gây ra cho người dân Việt Nam ?

Hiểu được tâm lý của những cựu chiến binh Hàn, sẽ hiểu được ý nghĩ của những người lãnh đạo Hàn.

Thông thường, những kẻ yếu trở thành nạn nhân của kẻ mạnh. Nhưng khi kẻ yếu mạnh lên, họ lại cư xử với kẻ yếu khác bằng chính điều mà họ từng là nạn nhân.
Một mặt khác, chiến tranh luôn có những điều u tối nhất mà bình thường con người không thể lý giải nổi.

Nhưng, ai có nợ thì người đó phải đi đòi. Không ai chờ đến lúc sự tử tế lương tâm mà kẻ khác tự động xin lỗi và trả lại món nợ đó.

Lịch sử vùng Đông Á thế kỷ 20 là những hận thù đan xen lẫn nhau. Người Hàn, người Trung Quốc căm thù những gì người Nhật đối xử với họ trong WW II. Đến bây giờ họ vẫn phản ứng kịch liệt người Nhật bởi những tội ác lính Nhật gây ra, nhưng chính phủ Nhật không thừa nhận trong SGK.

Nhưng sau đó, lính Hàn thảm sát tương tự với thường dân Việt Nam, nhưng chính phủ Hàn chưa một lần chính thức thừa nhận hay nói lời xin lỗi. Cũng không khác cách mà họ đang nhận được từ người Nhật !

Nhưng, hãy xem khi người Nhật chưa thừa nhận, thì người Hàn cư xử với lịch sử dân tộc của mình như thế nào ? Mỗi khi Nhật thay đổi nội dung SGK, những người Hàn biểu tình phản ứng dữ dội. Đến những tay anh chị xã hội đen ở Hàn cũng giận dữ chặt ngón tay mình, nói lên cái phẫn uất của quốc gia với người Nhật.

Khi người Nhật chưa thừa nhận đúng mức chuyện bắt phụ nữ Hàn làm nô lệ tình dục trong WW II, người Hàn dựng luôn bức tượng cô gái Hàn bị bắt làm nô lệ tình dục trước ĐSQ Nhật ở thủ đô Seoul để mỗi ngày người Nhật đi làm phải đối diện với bức tượng đó. Người Hàn còn nhân nhiều phiên bản bức tượng này ra thế giới, làm thêm bức tượng cô gái Trung Hoa bên cạnh để tố cáo tội ác của lính Nhật.

Gần đây nhất, bộ phim Đường trở về nói về những cô gái Hàn bị bắt làm nô lệ tình dục có lượng khách xem kỷ lục. Không ai đánh giá đó là bộ phim hay, nhưng có thể giải thích được là người Hàn đi coi đông vì đó là ý thức với lịch sử quốc gia của họ.
Với mức độ phản ứng như vậy, có ai nghĩ đến chuyện một ngày truyền hình Hàn hay Trung quốc sẽ chiếu một bộ phim ca ngợi lính Nhật, dù đó là hình ảnh trong thời bình với những câu chuyện hẹn hò, ý thức trách nhiệm tổ quốc và cứu hộ. Ở Hàn chắc không ai dám nghĩ về điều đó. Nhưng, bộ phim Hậu duệ mặt trời lại sắp được phát sóng ở Việt Nam (!)

Thảm sát thường dân là một mạch ngầm đau đớn trong dòng chảy lịch sử Đông Á thế kỷ 20. Thảm sát của lính Mỹ ở cầu Chugunri (Hàn Quốc), ở Okinawa (Nhật Bản), của lính Tưởng với người dân bản địa Đài Loan, của quân đội Hàn đối với chính người dân họ trong vụ thảm sát Jeju. Đó là thời tổng thống đầu tiên Lý Thừa Vãn, khi những người cộng sản Bắc Hàn rút ra khỏi Jeju, quân đội Hàn bắt đầu kéo lên đảo và thực hiện cuộc tàn sát. Đến 2/3 dân số trên đảo bị giết, chỉ những người trốn trên núi là sống sót.

Thảm sát của lính Hàn với thường dân Việt Nam trong chiến tranh đen tối không thua bất cứ vụ thảm sát nào của quân đội với thường dân trên thế giới. Hàng năm, những người tri trhức tiến bộ của Hàn Quốc trở lại miền Trung Việt Nam để tham dự tưởng niệm, để nói lời xin lỗi, ăn năn, để tìm hiểu một phần đen tối lịch sử của dân tộc họ ở một đất nước khác…

Nhưng sự thừa nhận và lời xin lỗi của họ không phải là đại diện cho cựu chiến binh, hay chính phủ Hàn Quốc.

Khi nhìn thấy ca sĩ Đông Nhi, Ông Cao Thắng, Bảo Anh ghép hình mình lên trang phục quân nhân Hàn Quốc, tôi tức điên người. Nhưng tôi hiểu lý do mà tôi không thể buông lời giận dữ với họ. Từ những năm 1980 đầu 1990, chính sách phương Bắc của tổng thống Kim Dea Jung chủ trương xích lại với các nước XHCN để tìm cách đối thoại với Bắc Hàn đã gặp chính sách mở cửa của Việt Nam. Những thỏa thuận kinh tế, tiền đầu tư đã làm lu mờ đi những trang sử. Vì vậy, tội ác của lính Hàn không được phổ biến. Nó chỉ được truyền miệng trong nỗi khiếp hãi của người dân miền Trung, chỉ được ghi trong các trang sự địa phương. Nó không được chú ý đúng mức trong sử liệu nước nhà.

Cũng như, chúng ta được tuyên rằng Mỹ là kẻ chủ mưu, kẻ thù chính. Còn Hàn Quốc chỉ là lính đánh thuê, là chư hầu của Mỹ nên không thèm đếm xỉa. (Cũng như chúng ta mải đánh Pháp 100 năm qua không để ý đến người Nhật ở VN 02 năm, dù người Nhật cũng kịp thời để lại 2 triệu người chết đói trong nạn đói năm Ất Dậu).

Nhưng không, quân đội của một quốc gia không thể nào là lính đánh thuê. Park Chung Hee gửi hơn 50.000 quân, chỉ đứng sau Mỹ. Quân đội Đại Hàn ở VN có bộ chỉ huy riêng, độc lập, không đặt dưới sự chỉ huy của ai. Mặc dù lính Hàn đến miền Nam Việt Nam với tư cách đồng minh, nhưng thảm sát thường dân là nỗi xấu hổ và là tội ác của bất kỳ quân đội nào trên thế giới.

Năm 2015, các cựu chiến binh Hàn kỷ niệm 50 năm ngày được phát binh sang VN. Buổi lễ có Phó Hội CCB VN tham dự. Lúc đó, phe bảo thủ Hàn đã mỉa mai những người dân chủ đòi CCB Hàn thừa nhận là có thảm sát ở VN rằng: “Các người nói lính Hàn đến VN gây tội ác, sao bây giờ CCB VN lại là đại biểu kỷ niệm ngày lính Hàn được phái binh?”.

Tôi sợ rồi đây, khi Hậu duệ mặt trời được chiếu trên truyền hình VN, sẽ có thêm những câu hỏi mỉa mai như vậy. Rằng nếu nói lính Hàn là nỗi khiếp đảm, sao bọn trẻ VN lại sung sướng khoác lên mình chiếc áo quân đội Hàn ?

Và giới trẻ Hàn tin rằng những bia kỷ niệm ở Hàn Quốc với hình ảnh lính Hàn bảo vệ phụ nữ, trẻ em VN là thật. Vì người dân Việt Nam một lần nữa chào đón hình ảnh quân đội Hàn với bộ phim hậu duệ mặt trời một cách nồng nhiệt!

Tôi không nói là mọi người không có quyền xem bộ phim. Nhưng nếu một ngày nào đó một bộ phim PR cho hình ảnh quân đội Hàn trên truyền hình VN thì tôi không có từ nào khác để chỉ điều đó đâu, ngoài chữ : sự ô nhục !

Tôi tin rằng nếu linh hồn những người dân thường của đồng bào tôi bị sát hại tức tưởi còn vất vưởng, chưa nguôi lòng để đi đầu thai thì họ vẫn coi phim Hàn. Nhưng nếu nhìn hình ảnh lính Hàn trên màn hình tivi, trái tim họ sẽ thắt lại. Bởi vì, những gì họ biết đã cướp đi mạng sống của họ, người thân, láng giềng, đồng bào của họ… không phải như vậy!

Tôi mong rằng những ai đó đừng vì đồng tiền mà giẫm chân lên những trang sử đau đớn và oan khuất của đất nước mình. Tại sao Đặng Tiểu Bình đánh ta, thì ta lại xuất bản sách ca ngợi Đặng Tiểu Bình ? Rồi lính Hàn thảm sát dân thường của ta chưa một lời ăn năn, hối lỗi. Nay chúng ta lại tung hô một bộ phim như Hậu duệ mặt trời ?
Chúng ta là những người gì đây ? Phải chăng chúng ta là những con người bị mất trí nhớ ?

Đừng nói quá khứ là chuyện đã qua, bộ phim chỉ là một sản phẩm giải trí. Quá khứ sẽ theo chúng ta đến tận hôm nay, và tương lai. Cũng như một đám đông cần sự giải trí và cuồng nhiệt đến đánh mất trí nhớ ?

Tôi viết ra một bài dài thế này mong rằng ai đó khi coi bộ phim thì cũng nên biết những gì đã diễn ra với đất nước mình. Hãy nghĩ đến những đồng bào mình đã bị thảm sát oan khuất thế nào mà không có được một lời ăn năn, một sự sám hối của những kẻ gây ra tội ác.

Cùng ai đó, xin hãy còn giữ lại chút nào của lòng tự trọng dân tộc ở mỗi hành vi, mỗi lựa chọn hàng ngày mà cá nhân chúng ta còn có thể…!

*********

Về phần LSVN:

Tinh thần dân tộc là một cái gì đó để người Việt tự hào, tôi có may mắn được đi nhiều hơn một số bạn, được gặp gỡ những người bạn từ khắp nơi trên thế giới, họ biết đến Việt Nam vỏn vẹn qua cuộc chiến tranh Việt Nam, tinh thần dân tộc và lòng yêu nước cũng như sự vị tha đã được đề cập trong bài viết nhưng họ luôn để lại quan ngại rằng: "Khi đất nước chúng mày bị ảnh hưởng văn hoá từ ngoài, liệu còn ai sẽ nhớ đến quá khứ mà hướng về tương lai?". Tôi cũng đã từng băn khoăn về câu hỏi đó, liệu ta có quá hẹp hòi nhưng rồi tôi nhận ra hợp tác và phát triển là tất yếu nhưng bài học về lịch sử phải được ghi nhớ chứ không phải "đã là quá khứ rồi thì ngủ yên", học từ ai, học từ chính những người Hàn, Trung Quốc.... Những cái gì thuộc về lịch sử thì sẽ mãi là lịch sử và cái gì thuộc về lịch sử thì đừng bao giờ quên.

Lịch sử tồn tại để nhắc nhở ta về quá khứ mà sống cho tương lai. Những nỗi đau trong lịch sử không phải để nó ngủ yên mà hãy để nó là bài học cho lớp người đi sau. Các bạn lấy lí do người nước ngoài thế nọ, thế kia nhưng xin nhớ như ví dụ về Hàn, Trung Quốc đã kể trên,... để tôi kể thêm về sự hằn học giữa người dân Pháp và Đức, giữa dân Scotland và Anh...

Các bạn xem phim để giải trí cũng đâu khác chúng tôi xem sex để giải trí. Xét ở những con người bình thường làm những hành động trên, dễ thấy những con người xem sex chẳng bao giờ chia sẻ hay đăng ảnh điên loạn, kêu gào hay khoe ầm ĩ giữa đám đông vô tội về bộ phim ý cả. Có thể các bạn cho là so sánh khập khiễng nhưng nên tôi đang so ở mục đích giải trí của một bộ phim thôi nhé...

Hội nhập và phát triển chứ không phải lai tạp ĐỂ phát triển...

Bài viết của tài khoản nhà báo Tran Quang Thi
Nguồn: Lichsuvietnam fanpage
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Hide Nguyễn

Du mục số
AI MỚI LÀ ":HẬU DUỆ MẶT TRỜI ?"

Từ nữ thần mặt trời…

Năm 2002, Viện nghiên cứu văn hoá dân gian Quốc gia phát hiện một phiên bản đặc biệt của “Sử thi Đam San”. Một cụ già ngoài 80 tuổi người Ê đê tên là Y Nuh Nie đã diễn xướng lại theo lối “kể khan” truyền thống của dân tộc này cả bộ sử thi, dài tới 18 cuộn băng cát-xét.

Phiên bản mà cụ Y Nuh Nie diễn xướng theo trí nhớ có rất nhiều điểm khác biệt với bản mà công sứ Pháp Leopold Sabatier dịch và công bố năm 1927. Nó được thể hiện bằng ngôn ngữ thơ là chính, có đến 9 cuộc chiến của Đam San, trong khi bản lưu hành phổ biến hiện nay chủ yếu là văn xuôi và chỉ có 2 cuộc chiến. Chi tiết ấn tượng nhất: bản sử thi của cụ già không có chuyện Đam San bắt nữ thần mặt trời về làm vợ. Điều này phù hợp với văn hoá mẫu hệ của dân tộc Ê đê xưa nay.

Thời điểm đó, các nhà khoa học đặt ra giả thiết rằng chính bản mà ông công sứ Pháp kia lưu truyền cả thế kỷ nay mới là “dị bản”, đã qua cắt cúp chỉnh sửa. Còn bản trong dân gian mới là “bản chuẩn”. “Bản hiện đang lưu hành rất có thể đã được nhào nặn, sửa sang hoặc cấu trúc lại” – PGS.TS Ngô Đức Thịnh đặt hoài nghi ở thời điểm đó.

Sau 14 năm, giả thiết này không có tiến triển. Không thấy có nghiên cứu nào đủ sức giải toả những hoài nghi. Sử thi Đam San “phiên bản của người Pháp” vẫn tồn tại trong nhà trường với hình ảnh Đam San đi bắt nữ thần mặt trời. Và người ta đứng trước nguy cơ vĩnh viễn chấp nhận một dị bản phản ánh sai văn hoá truyền thống.

Những hậu duệ của nữ thần mặt trời – tức là chính chúng ta – thường xuyên đối mặt với những vấn đề như thế khi đề cập đến văn hoá. Chúng ta thậm chí không biết mình có phải là “hậu duệ mặt trời” hay không.

… đến Hậu duệ mặt trời

Phim “Hậu duệ mặt trời” của đài KBS đang gây sốt trên toàn châu Á, trong đó có Việt Nam. Nó tạo ra một cuộc tranh cãi lớn trên mạng xã hội và cả báo chí, khi mà rất nhiều bạn trẻ tự chế hình mình với quân phục được sử dụng trong phim. Nhiều người cho rằng việc này là hành vi lệch lạc, liên hệ nó những tội ác mà lính Đại Hàn đã gây ra trong chiến tranh Việt Nam.

Những trào lưu như thế này không hề mới. Cảm giác rằng bất kỳ một bộ phim ăn khách nào, của một quốc gia châu Á nào xung quanh cũng có thể gây ảnh hưởng mạnh đến đời sống tinh thần người Việt. Từ Ấn Độ (Cô dâu 8 tuổi), Trung Quốc (Võ Tắc Thiên) cho đến Philippines (Mara Clara),… Làn sóng Hàn Quốc, với cả một chiến lược quốc gia về xuất khẩu văn hoá, liên tục tạo ra các cơn sốt. Trước anh Song Joong-ki đẹp trai của Hậu duệ mặt trời, giới trẻ nước ta đã phát cuồng với anh Kim Tan (Lee Min-ho) của “Những người thừa kế”, và muôn vàn ví dụ khác.

Những trào lưu này thực chất không đáng tranh cãi, bởi nó là chuyện hiển nhiên. Hiển nhiên khi mà chúng ta không hề có “sức đề kháng” trong việc chống lại những luồng văn hoá ngoại lai. Hiển nhiên khi mà chúng ta không tự phát huy được các giá trị văn hoá của mình và cứ mãi mô tả chung chung thứ mình muốn là “đậm đà bản sắc dân tộc” (dù bản sắc là gì thì cũng chẳng nghiên cứu đầy đủ).

Khi trách những người trẻ vì đuổi theo các trào lưu của Hàn Quốc, thì cần nhìn lại cả những người tạm coi là trưởng thành, thành đạt ở nước ta. Họ đặt đầy trước cửa nhà hàng, khách sạn và công ty của mình những con sư tử đá Trung Quốc. Chúng cũng là một trào lưu, và trào lưu này nếu xét độ nguy hiểm cho văn hoá truyền thống, cho lịch sử thì còn ghê gớm hơn nhiều so với việc các bạn trẻ thích chế ảnh mình với quân phục Hàn Quốc. Nhưng những trào lưu thế sẽ luôn tồn tại, dù già hay trẻ, dù là Trung Quốc hay Hàn Quốc. Giống như một cơ thể không có hệ miễn dịch, gì cũng có thể xâm nhập được.

Ở Hải Phòng, người ta đặt lên ban thờ Mạc Thái Tổ một thanh đao cũ và nói rằng đó là đao mà ông đã dùng xung trận từ thế kỷ 16 (?) Trong sách giáo khoa, người ta in một bộ sử thi rất đáng ngờ về giá trị nguyên bản và khả năng đại diện cho văn hoá truyền thống. Tại Nam Định, Phú Thọ, những lễ hội cầu an biến thành những cơn cuồng tín dẫm đạp để “xin ấn”, “lấy lộc”.

Sư tử đá nhe nanh khắp nơi nhưng mãi chẳng thấy công trình hay chương trình nào khẳng định giá trị và quảng bá con nghê hay con chó đá truyền thống.

Khi mà văn hoá của chính chúng ta còn bị bỏ quên, khi mà chính người Việt Nam còn không có đủ công trình nghiên cứu văn hoá về Việt Nam và các sản phẩm truyền bá văn hoá Việt Nam, thì các trào lưu văn hoá ngoại nhập, vốn là chuyện bình thường, sẽ luôn đi kèm với nỗi sợ hãi về việc mất bản sắc, không hiểu lịch sử.

Sợ thì cứ sợ thôi, nếu có ai sợ Hậu duệ mặt trời thì cũng giống những người sợ những con sư tử đá Trung Quốc nhe nanh ở khắp mọi miền đất nước. Nhưng chẳng làm gì thì cứ mãi sợ. Sợ không phải vì Hàn Quốc, Trung Quốc quá giỏi xuất khẩu văn hoá, mà vì ta nhập khẩu trong một tâm thế không có giá trị tự thân.

Hậu duệ mặt trời của Hàn Quốc không đáng nghĩ bằng việc người Việt Nam không biết mình có phải hậu duệ mặt trời hay không.

Đức Hoàng
 

songngu

Active member
Xu
57
Một bài viết tâm đắc khác đây mấy bạn.

...

nhìn nhận về lịch sử.

  • 1. Việc các bạn trẻ Việt ghép hình mình vào bộ đồ quân đội Hàn là một hành động thiếu hiểu biết đến mức lố lăng, vì kể cả không từng là kẻ thù, người ta cũng cần phải hiểu rằng quân đội là biểu tượng của một quốc gia, là một hình ảnh thiêng liêng và tuyệt đối không nên làm cái việc người nước này mang hình ảnh quân đội của nước khác. Bộ quân phục khiến người ta sống vì nó, và cũng có thể chết vì nó. Dĩ nhiên, cũng có bạn AQ mà rằng, Tây nó sang VN cũng mua bà ba, khăn rằng quấn đó thôi. Nhưng nên nhớ, áo bà ba, khăn rằng không phải quân phục của nước CHXHCN Việt Nam.
  • 2. Việc các celeb theo trào lưu của XH mà khoác lên mình bộ quân phục của 1 nước khác lại càng đáng trách hơn nữa. Bạn có thể xem 1 bộ phim, thích 1 nhân vật và hoá thân vào nhân vật đó… Không hề gì, khi bạn là những người bình thường. Nhưng một khi, bạn đã chọn con đường trở thành 1 celeb, bạn đừng quên bạn chính là tấm gương để phản ảnh cho 1 bộ phận XH mà bạn hướng đến. Nói cách khác, với vị trí 1 celeb, bạn có sức ảnh hưởng nhất định đến nhận thức và suy nghĩ của 1 bộ phận không nhỏ công chúng. Việc 1 celeb khoác lên mình bộ quân phục của nước khác ngoài việc tự hạ thấp bạn thân mình còn thể hiện sự yếu kém trong nhận thức lẫn lòng tự tôn dân tộc.
  • 3. Cũng qua bài viết trên, nhiều người lật lại vấn đề và đổ hết tội lỗi cho “Hậu duệ mặt trời” cũng như giới trẻ VN. Người ta thở dài, buồn phiền và không ngừng ca thán về trào lưu của làn sóng Hallyu kèm theo những hệ luỵ của nó. Người ta chê bai, phán xét con cháu mình… nhưng quên rằng, có ai đã dạy cho chúng lịch sử đất nước hay tình yêu quê hương là như thế nào?
  • Bộ phim không có lỗi, người xem tạo trào lưu không có lỗi… lỗi là do chúng ta không dạy cho dân ta biết sử ta!
Bất cứ một quốc gia nào cũng đều phải có lòng tự tôn dân tộc. Khi anh có lòng tự tôn dân tộc, anh sẽ muốn truyền bá, chinh phục các quốc gia khác. Đó là lẽ thường, là điều tất yếu của cuộc sống. Tôi gọi đó là những cuộc XÂM LĂNG MỀM, những mặt trận không có tiếng súng. Bởi cái mục đích nó hướng đến không khác gì chiến tranh, nhưng lại bằng 1 phương pháp ôn hoà và quan trọng nhất, không ai, không quốc gia nào có thể tránh khỏi trong thời đại hội nhập ngày nay.

Vậy chống lại nó bằng cách nào? Đây không phải câu hỏi có thể trả lời 1 sớm 1 chiều khi từ 40 năm nay, bộ môn lịch sử luôn bị coi nhẹ, đến mức mà người ta còn định khai tử nó dưới 1 hình thái tạm bợ là tích hợp với môn Giáo dục công dân. Đáng buồn thay, đó lại chính là 2 môn học ở bậc Phổ Thông mà bất cứ 1 quốc gia nào cũng coi trọng nhất: học về lịch sử dân tộc & học làm người. Một khi chúng ta còn không dạy cho con cháu mình lịch sử dân tộc mình 1 cách đúng nghĩa (không bị bóp méo), không cho chúng nó cảm nhận được niềm tự hào dân tộc, không cho chúng thấy sự hãnh diện khi là người VN… thì nếu không hâm mộ anh Park, chúng cũng sẽ hâm mộ anh Kim mà thôi

P/S:

Kể thêm các bạn nghe vài mẩu chuyện:

  • 1. Ông tôi từng kể rằng, những món nợ thảm sát dân thường của lính Hàn, chúng ta đã thanh toán khá sòng phẳng. Trong đó có 1 trận đánh nổi tiếng của đoàn đặc công rừng Sác, đánh thẳng vào doanh trại của Lữ đoàn Rồng Xanh. Trong trận đánh đó, các đặc công của ta chỉ sử dụng duy nhất 1 loại vũ khí: mã tấu. Xác chết lính Hàn trong trận này gần như bị phanh thây.
  • 2. Một comment rất hay của thằng em tôi (Nick D) Chiến tranh không phải chuyện của con người, dù là dân chúng hay quân đội, mà là chuyện của những chính phủ, và những chế độ. Dân chúng hay quân đội cuối cùng đều là nạn nhân của chế độ. Và binh lính cuối cùng cũng chỉ là những công cụ. Thế nhưng, ngay cả khi kẻ đáng trách là chế độ và chính phủ tại thời điểm đó, nó cũng thay đổi. Thế nên thế giới này dù có đánh nhau bét nhè giờ người ta vẫn nhìn mặt nhau, bắt tay nhau, vì chế độ đã thay đổi, thời thế cũng đã thay đổi.
  • Bài này còn sai ở chỗ, người ta học lịch sử, để rút kinh nghiệm và xây dựng tương lai. Chứ người ta không học lịch sử để ghi hận. Và nếu như mắt anh ý chỉ nhìn thấy tai anh ý chỉ nghe thấy cái chết của cả một làng dưới họng súng của kẻ thù cũ, thì anh ý đã không hề nhận thức sự khốc liệt còn gấp hàng trăm lần như thế của cuộc chiến kinh tế và diễn tiến hoà bình hiện nay.
  • 3. Một thằng em tôi, qua bài viết sáng nay thì kể lại:Em có mấy đứa em bị gọi đi nhập ngũ, trời ơi đứa nào cũng sợ và tìm đủ mọi cách để trốn. Nhưng gần đây bỗng có mấy đứa lại chủ động quay lại đi nhập ngũ, mà theo em tìm hiểu thì tìm thấy niềm cảm hứng nhập ngũ từ chính bộ phim ngu ngốc này. Hôm qua mới đọc được những comment của bạn bè dành cho một đứa, nào là chúc anh đi về bụng sáu múi như hậu duệ, vân vân…
Ngẫm lại, khi người lớn chúng ta chưa dạy được bọn trẻ con mình yêu nước hay cho chúng được lòng tự tôn dân tộc, thì về 1 khía cạnh nào đó… người Hàn lại dạy được. Buồn cười nhưng đắng phết các bạn ạ!

Sưu tầm và trích dẫn.
 

Hide Nguyễn

Du mục số
Đây là những người lính Việt Nam

Họ không đẹp trai , không hào nhoáng và biết ăn diện như những anh lính Hàn trong phim ...Họ xa gia đình , bạn bè và người yêu thương ,họ chỉ biết cặm cụi cống hiến tuổi thanh xuân để bảo vệ cho nhân nhân và một số bạn trẻ đang ngày đêm cuồng các anh lính Hàn đẹp trai trong một bộ phim nào đó. ( trong khi người yêu mình đi nghĩa vụ vài tháng ở nhà lấy chồng hoặc có người yêu mới )
a12_hanh_quan_tren_kenh_rach-20110513.jpg

Họ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng và hoà bình cho đất nước Việt Nam tươi đẹp.Bữa cơm của họ mặn chát vị của nước mắt và mồ hôi .....đất nước hoà bình rồi nhưng máu các anh vẫn đổ trong những nhiệm vụ giúp đỡ đồng bào vùng cao lũ lụt và khi đối mặt với các loại tội phạm vùng biên ...

Có lẽ màu áo xanh rêu phong này không đẹp đối với một số bạn,nên các bạn ấy phải chế những bức ảnh mình mặc quân phục nước ngoài và tự hào khoe trên facebook cá nhân.

Nguồn: Beat Hà Tây
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top