• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Chia Sẻ Học thuyết Hashimoto và chính sách Đông Nam Á của Nhật

Trang Dimple

New member
Xu
38
Tháng 1/1997, Thủ tướng Nhật Hashimoto tiến hành chuyến công du thăm 5 nước ASEAN, và tại Singapore, ông đã đọc bài diễn văn quan trọng tuyên bố chính sách Đông Nam A' (ĐNA) của Nhật, hay còn gọi là Học thuyết Hashimoto, với tiêu đề "Biến kỷ nguyên mới của Nhật và ASEAN thành quan hệ đối tác rộng rãi và mật thiết hơn". Nội dung chính của Học thuyết Hashimoto có thể tóm gọn thành 3 điểm: thứ nhất, tăng cường đối thoại Nhật - ASEAN, cụ thể là tiến hành Hội nghị cấp cao ASEAN chính thức hoặc không chính thức; thứ hai, Nhật tiếp tục khẳng định sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Đông A' thông qua dàn xếp an ninh Mỹ - Nhật, có tác dụng "như một cơ sở hạ tầng cho sự ổn định và thịnh vượng kinh tế ở châu A' - Thái Bình Dương" (CA-TBD)(1) và cuối cùng là ủng hộ nỗ lực của Trung Quốc tham gia cộng đồng quốc tế với tư cách là một đối tác xây dựng.

Học thuyết Hashimoto và chính sách tăng cường quan hệ với ĐNA không phải là điều hoàn toàn mới mẻ. Hai mươi năm trước, học thuyết Fukuda ra đời khi Thủ tướng Nhật Takeo Fukuda thăm các nước ASEAN và công bố chính sách của Nhật đối với ĐNA. Tuy nhiên, như nhiều nhà phân tích nhận xét, đây là lần đầu tiên Nhật Bản công khai bày tỏ tham vọng nâng cao vai trò chính trị của mình trong khu vực. Vậy nguyên nhân gì đã dẫn đến sự thay đổi này ? Chính sách ĐNA của Nhật chiếm vị trí như thế nào trong chiến lược chung của Nhật thời kỳ hậu chiến tranh lạnh ? Học thuyết Hashimoto có ý nghĩa gì đối với an ninh khu vực CA-TBD? Trước khi đi vào những vấn đề trên, chúng ta hãy nhìn lại chính sách ĐNA của Nhật thời kỳ chiến tranh lạnh.

1. Chính sách ĐNA của Nhật thời kỳ chiến tranh lạnh:

ĐNA luôn chiếm một vị trí quan trọng trong chiến lược của Nhật Bản. Thời kỳ Thế chiến II, phát xít Nhật đã đánh chiếm một số nước ĐNA với mục đích tạo lập một khu vực kinh tế Đại Đông A' thịnh vượng (Greater East Asian Economic Co-prosperity sphere"). Tuy nhiên, kế hoạch này của Nhật đã thất bại hoàn toàn và Nhật bị các nước thắng trận trong Thế chiến II, đứng đầu là Mỹ áp đặt Hiến pháp hoà bình 1947. Điều 9 Hiến chương 1947 cấm Nhật sở hữu các lực lượng bộ binh, hải quân và không quân, cấm xuất khẩu vũ khí cũng như không cho phép Nhật giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng vũ lực. Nhật cũng không được phép đưa quân ra nước ngoài dù là tham gia vào các hoạt động gìn giữ hoà bình (cho đến 1991). Không những thế, Thủ tướng Nhật Sato đã đưa ra ba nguyên tắc phi hạt nhân; Nhật sẽ không bao giờ sở hữu, chế tạo cũng như cho phép vũ khí hạt nhân vào đất Nhật. Với những hạn chế như vậy, Nhật không có cách nào tốt hơn là dựa vào Mỹ và ô hạt nhân của Mỹ để duy trì an ninh cho mình trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Dưới sự đảm bảo an ninh và ô hạt nhân của Mỹ, Nhật luôn giữ chi phí quân sự ở mức dưới 1% tổng thu nhập quốc dân và giành toàn bộ nỗ lực vào tái thiết và phát triển nền kinh tế của mình.

Chính sách "kinh tế chủ nghĩa" của Nhật đã thành công và đưa Nhật lên vị trí cường quốc thứ 2 về kinh tế vào những năm 80. ĐNA đã đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của Nhật. Ngay từ những năm 1945, Nhật đã tích cực phát triển quan hệ thương mại với các nước ĐNA. Đến những năm 60, Nhật trở thành bạn hàng chủ yếu của các nước ĐNA. ĐNA trở thành nguồn cung cấp chủ yếu nguyên nhiên liệu cho nền kinh tế phát triển nhanh của Nhật. Như một học giả nhận xét, cho đến cuối những năm 60, hầu như các mục tiêu kinh tế (đảm bảo các nguyên liệu chiến lược, thị trường xuất khẩu...) của khu vực kinh tế Đại Đông A' thịnh vượng đã đạt được mà không cần biện pháp quân sự(2). Tuy nhiên, sự thâm nhập về kinh tế nhanh chóng và chính sách trọng thương của Nhật Bản đã gây ra sự phản đối của các nước ĐNA. Nhật bị coi là kẻ bóc lột tài nguyên thiên nhiên của các nước ĐNA vì lợi ích kinh tế của mình. Đỉnh cao của thái độ chống chủ nghĩa thực dân mới của Nhật ở ĐNA biểu hiện trong chuyến thăm một số nước ĐNA của Thủ tướng Nhật Kakuei Tanaka năm 1974, khi một loạt cuộc biểu tình chống Nhật đã xảy ra ở Jakarta và Bangkok.

Ơ mức độ nào đó, như Charles Morrisson(3) nhận xét, thái độ bất bình của các nước ASEAN đã cảnh tỉnh Nhật Bản và khiến Nhật chú trọng hơn đến các khía cạnh khác trong quan hệ Nhật - ĐNA. Ba năm sau chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Takena, Học thuyết Fukuda ra đời. Học thuyết này bao gồm 3 nguyên tắc chính: thứ nhất, Nhật từ bỏ việc đảm nhiệm một vai trò quân sự; thứ hai, tăng cường quan hệ với ASEAN trên nhiều phương diện kể cả kinh tế, xã hội, chính trị và văn hoá; thứ ba, Nhật sẽ theo đuổi mối quan hệ có tính chất xây dựng với các nước Đông Dương đặc biệt là Việt Nam, đồng thời Nhật chủ trương thúc đẩy chung sống hoà bình giữa ASEAN và các nước Đông Dương thay vì xung đột, và sẵn sàng đóng vai trò hoà giải giữa ASEAN và Đông Dương. Học thuyết Fukuda đã không được thực hiện do cuộc xung đột Campuchia nổ ra vào năm 1978 và kéo dài hơn thập kỷ sau đó. Trong thời gian đó, ODA của Nhật dành cho các nước ASEAN tăng một cách đáng kể: từ 703 triệu USD năm 1980 lên đến 2,132 triệu USD năm 19894.

Một sự kiện quan trọng khác tác động đến quan hệ Nhật - ĐNA, đó là thoả thuận Plaza năm 1985, dẫn đến sự tăng giá đồng yên so với đồng đôla Mỹ. Cùng với những thay đổi có tính chất cơ cấu trong nền kinh tế Nhật Bản, đồng yên tăng giá đã tạo ra một làn sóng đầu tư mới từ Nhật vào các nước ASEAN. FDI của Nhật vào Thái Lan tăng từ 46 triệu USD năm 1985 lên 1,28 tỷ USD năm 1989; cũng trong khoảng thời gian đó đầu tư từ Nhật vào Singapore tăng từ 494 triệu USD lên 1,9 tỉ USD và vào Malaysia tăng từ 163 triệu USD năm 1985 lên 975 triệu USD năm 1990.

Nói tóm lại, đến cuối những năm 80 đầu năm 1990, Nhật đã có được sự hiện diện kinh tế áp đảo ở ĐNA trong khi vai trò chính trị của Nhật Bản ở khu vực vẫn còn hạn chế và thường phụ thuộc vào chính sách của Mỹ. Vì vậy, Nhật vẫn thường được miêu tả như một người khổng lồ về kinh tế nhưng lại là "người lùn" chính trị.

2.Chiến lược CA-TBD của Nhật Bản sau chiến tranh lạnh.

Chiến tranh lạnh và cơ cấu quyền lực lưỡng cực đã tạo cho Nhật một môi trường rất thuận lợi để tập trung phát triển kinh tế. Chiến tranh lạnh kết thúc, các nước khu vực CA-TBD đứng trước vận hội to lớn và cũng không ít những thách thức lớn lao. Là khu vực phát triển năng động nhất, môi trường an ninh tương đối ổn định, trung tâm quyền lực thế giới đang chuyển dần về khu vực CA-TBD. Tuy nhiên, do chưa có một cơ cấu hợp tác an ninh toàn diện và còn tồn tại những điểm nóng như Bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan, Campuchia, Biển Đông... môi trường an ninh ở khu vực nhìn chung là chưa rõ ràng và chứa đầy bất trắc.

Chiến lược bao trùm của Nhật Bản sau chiến tranh lạnh là "quay trở về châu A'" sau một thời gian dài gắn với phương Tây và trở thành một nước lãnh đạo châu A' không chỉ về kinh tế mà cả về chính trị. Trụ cột của chính sách CA-TBD của Nhật vẫn là liên minh an ninh Mỹ - Nhật, tuy rằng mục tiêu của Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật đã không còn. Việc duy trì liên minh an ninh Mỹ - Nhật tiếp tục phục vụ lợi ích của cả hai nước trong giai đoạn hiện nay và ít nhất cho đến khi vấn đề Bán đảo Triều Tiên đi đến một giải pháp. Ngoài ra, tuy không nói rõ, nhưng nhân tố Trung Quốc và vấn đề eo biển Đài Loan cũng nằm trong tính toán của Mỹ - Nhật, tuy vậy tái khẳng định liên minh an ninh Mỹ - Nhật không có nghĩa là Trung Quốc sẽ là mục tiêu mới của liên minh này. Tuy lo ngại một nước Trung Quốc lớn mạnh và theo đuổi chính sách bá quyền, Nhật Bản vẫn ý thức được sự cần thiết phải hợp tác với Trung Quốc. Vì vậy, có thể nói chính sách của Nhật đối với Trung Quốc vừa có yếu tố hợp tác vừa có yếu tố kiềm chế thông qua Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật.

Tuy mối đe doạ từ Liên Xô cũ đã giảm đi đáng kể, kho vũ khí hạt nhân của Nga vẫn là một trong những mối đe doạ tiềm tàng đối với an ninh của Nhật. Tuy nhiên, chính sách của Nhật đối với Nga đã được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Gần đây nhất, trong cuộc gặp cấp cao Nhật - Nga, hai bên đã tỏ rõ quyết tâm giải quyết vấn đề tranh chấp vùng lãnh thổ phía Bắc (đảo Kuril) trước năm 2000. Điều này chứng tỏ xu thế đối thoại và hợp tác giữa các nước lớn là nổi trội. Đặc biệt, điều này thể hiện chính sách của Nhật Bản tìm cách bảo đảm an ninh của mình thông qua việc tăng cường đối thoại, cụ thể là với Trung Quốc và Nga.

ĐNA chiếm một vị trí trung tâm trong việc điều chỉnh chiến lược CA-TBD của Nhật. Song song với những cố gắng cải thiện quan hệ với các nước lớn, Nhật cũng theo đuổi việc tăng cường quan hệ với ASEAN - một thực thể chính trị có vai trò ngày càng quan trọng trong các vấn đề khu vực. ASEAN có vai trò đặc biệt nếu như không phải là độc nhất trong quá trình chuyển hoá Nhật từ địa vị một cường quốc kinh tế thành một cường quốc có vai trò lãnh đạo cả về mặt chính trị.

3. Những nhân tố tác động đến chính sách của Nhật đối với ĐNA và sự ra đời của Học thuyết Hashimoto.

Đúng 20 năm trôi qua kể từ ngày Học thuyết Fukuda ra đời, và quãng thời gian đó đã chứng kiến những thay đổi to lớn trong thực tế chiến lược trên thế giới và ở khu vực CA-TBD. Cũng như các nước khác, Nhật Bản phải điều chỉnh chính sách của mình cho phù hợp với tình hình mới. Có thể thấy tiến triển trong chính sách của Nhật đối với ĐNA và sự ra đời của Học thuyết Hashimoto có nguồn gốc từ bốn nhân tố chủ yếu.

Thứ nhất, nhân tố nổi bật dẫn đến sự điều chỉnh chính sách của Nhật đối với ĐNA và sự ra đời của Học thuyết Hashimoto, đó chính là ASEAN. Hai thập kỷ vừa qua đã chứng kiến ASEAN liên tục đạt mức tăng trưởng thuộc loại cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, thành tích của ASEAN không chỉ dừng lại ở mức tăng trưởng kinh tế. Điều quan trọng hơn là chỉ trong vòng chưa đầy nửa thập kỷ từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc và Thoả thuận Paris cho cuộc xung đột Campuchia - chất keo tạo nên sự cố kết ASEAN từ cuối những năm 70 và trong suốt những năm 80 - ASEAN đã kịp thời điều chỉnh và đã thành công trong việc nâng cao vị trí và vai trò của mình ở khu vực. Với việc mở rộng ASEAN bắt đầu bằng việc Việt Nam gia nhập tổ chức này năm 1995 và sau đó là Myanmar và Lào tháng 7 năm nay, ASEAN đã thực sự trở thành một thực thể có tiếng nói quan trọng. Với vai trò chủ chốt trong Diễn đàn an ninh ASEAN, diễn đàn đa phương duy nhất có sự tham gia của tất cả các nước lớn và các trung tâm để thảo luận các vấn đề an ninh khu vực cũng như vai trò của ASEAN ở diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực CA-TBD (APEC) và ASEM, ASEAN đang dần chiếm một vị trí trung tâm trong các vấn đề ở khu vực.

Đối với Nhật, ĐNA chiếm một vị trí ngày càng quan trọng trong thương mại và đầu tư của Nhật : nhập khẩu từ ASEAN vào Nhật chiếm 7% toàn bộ nhập khẩu của Nhật năm 1993, tăng lên 10,3% năm 1994 và 24,2% năm 1995. Xuất khẩu từ Nhật vào ASEAN cũng tăng từ 18% tổng giá trị xuất khẩu của Nhật đến 24,1% và 37,6% liên tiếp trong 3 năm 1993, 1994 và 1995 (5) Trong lĩnh vực đầu tư, ASEAN thu hút gần 50% vốn đầu tư của Nhật ở châu A'. 80% hơi đốt, nguồn nhiên liệu để sản xuất điện và 10% dầu mỏ của Nhật Bản là nhập từ ĐNA. Nguồn nhân lực trẻ và dồi dào của các nước ĐNA cũng hấp dẫn Nhật Bản, đặc biệt nếu tính đến thực tế là xã hội Nhật Bản "lão hoá" nhanh hơn bất kỳ nước nào trên thế giới do mức tăng dân số rất thấp, tuổi thọ ngày càng cao và nhập cư vào Nhật Bản cũng gần như không có. Đến năm 2020, một phần tư dân số Nhật Bản sẽ trên 65 tuổi (6).

Nhật có lợi ích đặc biệt không chỉ về kinh tế mà còn về mặt an ninh và chính trị trong việc tăng cường quan hệ với các nước ĐNA. ĐNA có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng đối với Nhật. 85% nguồn nhiên liệu nhập khẩu của Nhật đi qua khu vực eo biển Mallacca và Biển Đông, nơi các nước ASEAN đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Nhật có lợi ích sống còn trong việc duy trì hoà bình và ổn định trên những tuyến đường này. Ngoài ra, sự ủng hộ của ASEAN rất quan trọng để Nhật có thể đóng một vai trò chính trị lớn hơn bởi vì mức độ nghi kỵ do lịch sử để lại ở ĐNA nhìn chung là thấp hơn so với ở Đông Bắc A' (ĐBA). Thời gian Nhật chiếm đóng một số nước ở ĐBA trong Thế chiến II tương đối dài hơn và mức độ tổn thất gây ra cho các nước đó cũng nhiều hơn. Về cơ bản, các nước ĐBA có xu hướng lo ngại Nhật mở rộng vai trò an ninh, tái vũ trang hơn là các nước ở ĐNA. Vì vậy, đối với Nhật, ASEAN có tác dụng như một bàn đạp để Nhật đóng một vai trò chính trị an ninh lớn hơn ở khu vực CA-TBD.

Thứ hai, một trong những thay đổi to lớn khác là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Hơn hai thập kỷ trôi qua từ khi Trung Quốc mở cửa và tiến hành bốn hiện đại hoá vào năm 1978, và liên tục trong hai thập kỷ này, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu làm cả thế giới kinh ngạc. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 10% liên tục trong hơn 20 năm, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Với sự trở về của Hồng Kông tháng 7/1997, sức mạnh kinh tế của đất nước hơn 1,2 tỷ dân này càng hùng mạnh. Trung Quốc đã trở thành nước có nguồn dự trữ ngoại tệ lớn thứ hai trên thế giới. Nhân tố Trung Quốc giờ đây đã là một trong những nhân tố quan trọng nhất trong tính toán chiến lược của các nước ở khu vực CA-TBD.

Và như không ít các nhà quan sát nhận xét, nhân tố Trung Quốc là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự điều chỉnh chính sách của Nhật đối với ĐNA. Đứng trước một thực tế mà Nhật Bản không thể không nhận thấy là ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng lớn ở ĐNA trong khi sự hiện diện về quân sự của Mỹ ở ĐNA đã không còn từ sau khi Mỹ rút quân ra khỏi căn cứ Subic. Nhật Bản đã nhận thức được sự cần thiết phải điều chỉnh chính sách của mình đối với khu vực này cho tương xứng với sự hiện diện kinh tế áp đảo của mình và cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực mà Nhật có lợi ích sống còn cả về kinh tế lẫn an ninh.

Thứ ba, một nhân tố khác không kém phần quan trọng là nội trị của Nhật Bản. Chính quyền Hashimoto tuy không đi theo xu hướng "kinh tế chủ nghĩa" hay biến Nhật Bản thành một "quốc gia bình thường", nhưng có thể thấy chủ nghĩa dân tộc đang có xu hướng mạnh lên ở Nhật. Điều này được phản ánh rõ nét trong sự kiện tranh chấp đảo Điếu Ngư với Trung Quốc gần đây. Bản thân Thủ tướng Hashimoto với tính cách quyết đoán cũng tỏ rõ chủ trương dựa vào cơ sở liên minh với Mỹ, thậm chí đề cao tầm quan trọng của Liên minh này trong khi tăng cường vai trò của Nhật ở khu vực và trên thế giới. Trong bài phát biểu tại Singapore, Thủ tướng Nhật Hashimoto đã tuyên bố rằng Liên minh Mỹ - Nhật vẫn còn, nhưng từ nay trở đi không thể chấp nhận việc Nhật nằm dưới cánh của vua đại bàng Mỹ và "Nay đã tới thời điểm phải mở rộng giá trị và triết học của Nhật ra khắp thế giới" (7).

Cuối cùng, việc lần đầu tiên Nhật công khai nhấn mạnh khía cạnh chính trị hơn so với khía cạnh kinh tế trong chính sách của Nhật đối với ĐNA phản ánh sự thay đổi đáng kể trong nhận thức của các nước ĐNA đối với vai trò của Nhật. Có thể thấy hai lý do chủ yếu tại sao kinh tế dường như không còn đóng vai trò trong chính sách của Nhật đối với ĐNA. Thứ nhất, "sự thần kỳ Nhật Bản" không còn được các nền kinh tế ở ĐNA ngưỡng mộ như trước bởi mô hình phát triển kinh tế Nhật Bản đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng và điều này làm giảm sức hấp dẫn vốn có của nó đối với các nước ĐNA. Mặc dù chính phủ Nhật Bản đang dồn mọi nỗ lực để kéo nền kinh tế Nhật Bản ra khỏi cuộc suy thoái kéo dài đã 7 năm, nhưng triển vọng chưa phải là sáng sủa. Hơn nữa, giờ đây chính các nước ĐNA lại là những nền kinh tế phát triển năng động nhất với mức tăng trưởng từ 7 đến 10% liên tục trong 2 thập kỷ. Khoảng cách giữa Nhật và một số nước ĐNA như Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia đã giảm đi đáng kể từ những năm 80 trở lại đây, đặc biệt là khi nền kinh tế "bong bóng" của Nhật gặp khủng hoảng nghiêm trọng (8). Ơ mức độ nào đó, người ta có thể chờ đợi mối quan hệ ngang hàng và bình đẳng hơn về mặt kinh tế bởi trước những khó khăn mà Nhật đang gặp phải hiện nay, ODA của Nhật dành cho các nước ĐNA tất yếu sẽ bị giảm. Hơn nữa, nếu xu hướng đồng yên tiếp tục giảm giá thì rất có thể các công ty của Nhật Bản sẽ không đầu tư ồ ạt vào các nước ĐNA như trước nữa. Thứ hai, từ những năm 90, ý thức được vị trí nước lớn của mình, Nhật dần dần cân bằng chính sách thiên về "kinh tế chủ nghĩa", một chiến lược đã rất thành công trong 4 thập kỷ qua và đưa Nhật từ một nước bại trận trong Thế chiến II trở thành cường quốc kinh tế số 2 trên thế giới. Tiếp tục chính sách trọng thương mà không đầu tư thích đáng vào ảnh hưởng cũng như vai trò chính trị của mình là không phù hợp với địa vị của Nhật cũng như với tình hình mới. Sức ép không chỉ từ phía Mỹ, người bảo hộ và đảm bảo an ninh cho Nhật trong suốt nửa thế kỷ qua, mà còn từ các nước khác trong khu vực, đặc biệt là các nước ASEAN, nơi Nhật có sự hiện diện kinh tế áp đảo. Những bước đi đầu tiên của Nhật theo hướng này về cơ bản đã không khơi dậy sự phản đối và nghi ngại ở các nước láng giềng. Nhìn chung, đang hình thành một tâm lý, hay một sự nhất trí tương đối ở Nhật cũng như ở các nước khác trong khu vực là, vai trò an ninh chính trị của Nhật cần được mở rộng cho tương xứng với địa vị kinh tế của Nhật, tuy rằng vai trò này vẫn phải nằm trong khuôn khổ Liên minh an ninh Nhật - Mỹ.

4. Y' nghĩa chiến lược của Học thuyết Hashimoto:

Học thuyết Hashimoto đánh dấu một bước ngoặt trong sự điều chỉnh chính sách của Nhật thời kỳ hậu chiến tranh lạnh. Về cơ bản, Học thuyết Hashimoto không bao hàm điều gì mới, bởi nó là đường hướng chính mà Nhật Bản theo đuổi từ đầu những năm 90. Tuy nhiên, Học thuyết Hashimoto vẫn có một ý nghĩa quan trọng vì đây là lần đầu tiên từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, Nhật Bản đã tuyên bố một cách rõ ràng những nguyên tắc chủ yếu chi phối chính sách của Nhật đối với ĐNA.

Thông tin quan trọng nhất mà Học thuyết Hashimoto đưa đến là quyết tâm của Nhật nắm giữ một vai trò chính trị lớn hơn ở khu vực thông qua việc tăng cường đối thoại với ASEAN - nhóm nước có vai trò ngày càng lớn trong các vấn đề khu vực. Những nỗ lực của Nhật theo hướng này đã được thể hiện từ 1992, khi Quốc hội Nhật thông qua quyết định cử lực lượng phòng vệ của Nhật tham gia vào chiến dịch gìn giữ hoà bình của Liên Hợp quốc ở Campuchia. Nhật cũng đã từng đưa ra sáng kiến thiết lập một kênh đối thoại đa phương bàn về các vấn đề an ninh khu vực trong kỳ họp ASEAN - PMM năm 1991 (sáng kiến này đã không được các nước ASEAN ủng hộ). Tuy nhiên, việc Nhật đề nghị tiến hành gặp gỡ cấp cao với ASEAN, cũng như việc Nhật nhấn mạnh khía cạnh chính trị trong quan hệ với ASEAN thay vì khía cạnh kinh tế truyền thống trong quan hệ Nhật - ASEAN đã đánh dấu chính thức sự chuyển hướng chính sách của Nhật đối với ĐNA.

Thứ hai, Học thuyết Hashimoto là một sự công nhận của Nhật đối với vai trò của ASEAN như một cực quan trọng về chính trị ở khu vực CA-TBD. Và điều này có ý nghĩa quan trọng đối với trật tự khu vực mới đang hình thành cũng như hoà bình và ổn định ở khu vực này. Thay vì một "khoảng trống quyền lực" ở ĐNA do sự rút quân của Mỹ ra khỏi căn cứ Subic, người ta đang thấy một ĐNA ngày càng phát triển về mặt kinh tế và đóng vai trò ngày càng lớn trong các vấn đề khu vực. Nếu như sự dính líu và xung đột giữa các nước lớn là nhân tố quyết định trật tự khu vực ĐNA thời kỳ chiến tranh lạnh và ASEAN đã không có cơ hội để có tiếng nói độc lập, thì giờ đây ít ai có thể tranh cãi về một thực tế là ASEAN đã trở thành một thực thể chính trị độc lập có khả năng tham gia tạo dựng trật tự khu vực mới. Vai trò của ASEAN trong việc thiết lập trật tự khu vực sau chiến tranh lạnh có ý nghĩa tích cực đối với hoà bình và ổn định ở khu vực này. Là một nhóm gồm các nước đang phát triển nhỏ và trung bình, ASEAN có mục tiêu quan trọng trước hết là duy trì một môi trường hoà bình và ổn định để phát triển. Cách thức ASEAN, đặc biệt là nguyên tắc nhất trí, những nguyên tắc chủ đạo của ASEAN cùng những nỗ lực xây dựng lòng tin của tổ chức này đóng góp tích cực vào việc xây dựng một trật tự khu vực, không chỉ phục vụ lợi ích các nước lớn mà còn tính đến lợi ích của các nước nhỏ và vừa ở khu vực CA-TBD.

Cuối cùng, Học thuyết Hashimoto là một trong những bằng chứng về xu thế đa cực hoá trong trật tự thế giới sau chiến tranh lạnh. Trái với lo ngại của một số nước, việc tái khẳng định và mở rộng Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật mà mục tiêu của nó dường như để kiềm chế Trung Quốc như một số nhà phân tích nhận xét, không có vẻ sẽ dẫn đến một cơ cấu hai cực, trong đó Mỹ và Nhật đứng về một phía chống Trung Quốc. Nhật có lợi ích hết sức to lớn trong việc lôi kéo Trung Quốc vào các hệ thống quốc tế và khu vực, bởi vì một nước Trung Quốc nghèo đói và bất ổn định do bị cô lập chắc chắn không phải là một viễn cảnh Nhật mong muốn, vì điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của Nhật. Hơn nữa, thị trường to lớn với nguồn nhân công dồi dào và rẻ của Trung Quốc rất quan trọng đối với nền kinh tế của Nhật. Cho nên một trong 3 nội dung chính của Học thuyết Hashimoto là ủng hộ nỗ lực của Trung Quốc tham gia vào cộng đồng quốc tế với tư cách là một đối tác xây dựng.

Nhật và ASEAN cùng có lợi trong việc duy trì một cơ cấu an ninh khu vực đa cực bởi xét về so sánh lực lượng thì Mỹ và Trung Quốc lớn mạnh hơn Nhật và ASEAN rất nhiều. Ngay cả về mặt kinh tế, Trung Quốc sẽ vượt Nhật để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới vào 2010 và vượt Mỹ vào năm 2040 (9). Quan hệ giữa Nhật và Trung Quốc còn tiềm ẩn những nghi kỵ sâu sắc do lịch sử để lại cùng với vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư. Đối với Mỹ, tuy Nhật là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở CA-TBD, nhưng bất đồng về thương mại giữa hai nước vẫn còn nghiêm trọng và có nguy cơ làm căng thẳng quan hệ song phương. Chính vì vậy, Nhật cần sự ủng hộ của ASEAN để cân bằng quan hệ với Trung Quốc và với Mỹ. Hơn nữa, xét về mặt lợi ích, giữa Nhật và ASEAN có nhiều điểm đồng hơn so với Mỹ hay Trung Quốc. Những bài giảng của Mỹ về các giá trị dân chủ kiểu Mỹ đang được cố gắng truyền bá khắp thế giới, cùng với những chỉ trích gay gắt của Mỹ đối với các vấn đề nhân quyền ở ĐNA đã có những tác động không thuận đối với quan hệ Mỹ - ASEAN. Việc Mỹ cực lực phản đối ASEAN tiếp nhận Myanmar vào tổ chức này cũng đã gây nên nhiều nỗi bất bình trong các nước ASEAN, bởi ASEAN coi đây hoàn toàn là vấn đề nội bộ của ASEAN. Giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN vẫn đang tồn tại những vấn đề tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là tranh chấp ở Biển Đông. Ngoài ra, xét về mặt kinh tế, Trung Quốc hiện cũng là một nước đang phát triển, vì vậy Trung Quốc thực ra là một đối thủ cạnh tranh đối với các nước ĐNA, trong khi Nhật Bản có khả năng to lớn về mặt tài chính và công nghệ để hỗ trợ cho mục tiêu hàng đầu là phát triển kinh tế của các nước ASEAN. Vì vậy, nhìn về tổng thể, quan hệ Nhật - ASEAN có nhiều điểm thuận hơn so với các cặp quan hệ giữa ASEAN và các nước lớn khác. Đề nghị của Malaysia thành lập một khối hợp tác kinh tế ĐNA (EAEC) không bao gồm Mỹ, tuy không được tất cả các nước ASEAN hoàn toàn ủng hộ, là một trong những bằng chứng về mối quan hệ ngày càng được cải thiện giữa Nhật và ASEAN cũng như sự chấp nhận một vai trò lãnh đạo về mặt kinh tế của Nhật ở khu vực này.

5. Kết luận:

Sự lớn mạnh và vai trò ngày càng quan trọng của ASEAN, sự nổi lên của Trung Quốc, nội trị của Nhật Bản và nhận thức thay đổi của các nước trong khu vực về vị trí cũng như vai trò chính trị của Nhật Bản là những nhân tố chủ yếu tác động đến chính sách ĐNA của Nhật ,và sự ra đời của Học thuyết Hashimoto đã vạch ra khuôn khổ cho những chính sách của Nhật ở khu vực CA-TBD. Tuy chỉ có một nội dung trực tiếp đề cập đến chính sách của Nhật đối với ĐNA, nhưng cả hai nội dung kia mà Nhật coi là hai điều kiện tiên quyết để tăng cường quan hệ Nhật - ASEAN, về khía cạnh quan hệ nào đó, cũng là để phục vụ mục đích tăng cường quan hệ này và qua đó tìm kiếm một vai trò lãnh đạo về mặt chính trị ở khu vực. Khẳng định việc duy trì thể chế an ninh Mỹ - Nhật, Nhật cố gắng trấn an một số nước ĐNA đang lo ngại về một nước Nhật có những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ hơn và đặc biệt là một vị Thủ tướng quyết đoán hơn, có thể sẽ quyết tâm trở thành một "nước bình thường" và phá bỏ thể chế an ninh Mỹ - Nhật, tái vũ trang và tiến hành chính sách quân sự bành trướng như thời kỳ Thế chiến II. Tuyên bố ủng hộ việc đối thoại có tính chất xây dựng với Trung Quốc cũng đã làm an lòng các nước ASEAN, bởi nhóm nước này cũng rất lo ngại việc tăng cường quan hệ với Nhật sẽ bị Trung Quốc coi rằng ASEAN liên kết với Nhật và Mỹ để kiềm chế hay đối trọng với Trung Quốc.

Tóm lại, Học thuyết Hashimoto chứng tỏ Nhật đang dần khẳng định mình không còn là một nước khổng lồ về kinh tế và "lùn" về chính trị. Vai trò chính trị của Nhật đang được mở rộng và một trong những cánh cửa quan trọng nhất mà Nhật đang mở ra là ASEAN. Điều này cũng có ý nghĩa tích cực bởi vì sự tham gia của ASEAN vào việc tạo dựng một trật tự quốc tế đa cực thời kỳ hậu chiến tranh lạnh sẽ góp phần cho hoà bình, ổn định và thịnh vượng cho tất cả các nước lớn và nhỏ./.

Tài liệu trich dẫn:

(1) Bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Hashimoto tại Singapore ngày 14/1/1997. Theo "The Nation" 15/1/1997.

(2) "Japan's role in Southeast Asian Secutiry" by Chaiwat Khamchoo, Pacific Affairs, 9/1991.

(3) "Southeast Asia and US-Japan Relations" in "The US, Japan and Asia", edited by Gerald L.Curtis, Columbia University, 1994.

(4) "Reluctant leader, expectant followers: Japan and Southeast Asia" by Richard Stubbs, International Journal, 1991.

(5) Jetro White Papers on Trade and Investment, 1995 & 1996.

(6) "Megatrends in Asia", by John Naisbitt, 1995.

(7) Tài liệu tham khảo đặc biệt, 23/1/1997.

(8) Tháng 10/1995, lần đầu tiên chính phủ Nhật thông báo con số chính thức về khoản nợ không trả được của các Ngân hàng Nhật Bản do tác động của nền kinh tế "bong bóng" là 471 tỉ USD, tức là bằng 8,6% tổng sản phẩm quốc nội của Nhật tính vào thời điểm 1994. Tuy nhiên, một số nhà phân tích tài chính cho rằng con số này có thể lên tới 1,21 nghìn tỷ USD, tức là 25% GDP của Nhật.

(9) Theo một số nhà phân tích thì tổng sản phẩm quốc dân của Trung Quốc nếu tính theo sức mua cân bằng đã vượt Nhật và sẽ vượt Mỹ trong vòng một thập kỷ tới. (Cable and Ferdinand, 1994, p.224)./.

Tác giả: Lê Linh Lan.
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top