• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.
Vnkienthuc.com mời các em tiếp tục thử sức với Đề thi thử môn ngữ văn 9 số 6 - có đáp án. Hi vọng đề thi lần này không làm khó các em. Chúc các em đạt điểm cao nhé!

PHẦN I. ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:
[…] Chợt hiện về, thăm thẳm núi non kia
dưới lá là hầm, là tăng, là võng
là cơn sốt rét rừng vàng bủng
là muỗi, vắt, bom, mìn, vực sâu, đèo trơn...

Những đoàn quân đi xuyên Trường Sơn
ngủ ôm súng suốt một thời trai trẻ
đêm trăn trở đố nhau:
bao giờ về thành phố?
con tắc kè nhanh nhảu nói: sắp về!

[…] Qua hai mùa thay lá những hàng me
cái tết hoà bình thứ ba đã tới
chao ôi nhớ tết rừng không hương khói
đốt nhang lên
chợt hiện tiếng tắc kè

Tôi giật mình
nghe
có ai nói ở cành me:
sắp về!...
(Nghe tắc kè kêu trong thành phố - Nguyễn Duy)

Câu 1: Qua hồi tưởng của nhân vật trữ tình, em hiểu gì về những người chiến sĩ Trường Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ?

Câu 2: Ở khổ 1 của đoạn thơ, tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó?

Câu 3: Đoạn thơ gợi cho em nhớ tới bài thơ nào đã được học trong chương trình Ngữ văn 9? Từ nội dung đoạn thơ, hãy chỉ ra điểm tương đồng về hoàn cảnh sáng tác và tư tưởng chủ đề của hai tác phẩm đó.

Câu 4: Hãy viết một đoạn văn trình bày cảm nhận sâu sắc của em khi đọc đoạn thơ trên.

Đề thi thử môn Ngữ Văn 9 số 6 - có đáp án - vnk.jpg

(Ảnh sưu tầm internet)

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu 1: (4,0 điểm)
Viết đoạn văn (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của em về câu chuyện ngụ ngôn sau đây:

CHIM CHÀNG LÀNG

Chàng Làng vẫn thường hãnh diện và kiêu ngạo về tiếng hót của mình hơn hẳn đồng loại. Nó có thể hót tiếng của nhiều loài chim.
Một hôm, nhân có mặt đông đủ bạn bè họ nhà chim, chú đậu tót lên cành cây cao rồi ưỡn ngực, vươn cổ cất tiếng hót. Chú hót say sưa, khi thì giống giọng của sáo đen, khi là giọng của chích chòe, hoạ mi. Ai cũng khen chú bắt chước giống và tài tình quá.

Cuối buổi biểu diễn, một chú chim sâu đề nghị: Bây giờ anh hãy hót tiếng của riêng anh cho bọn em nghe nào! Chàng Làng đứng mãi mà không hót được giọng của riêng mình, Chàng Làng xấu hổ cất cánh bay thẳng. Bởi vì từ xưa đến nay, Chàng Làng chỉ quen nhại theo giọng hót của các loài chim khác chứ đâu chịu luyện một giọng hót riêng cho chính mình.

Câu 2 :
Tinh thần nhân đạo của Nguyễn Dữ, Nguyễn Du qua tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương và các đoạn trích Truyện Kiều đã học, đã đọc trong chương trình Ngữ văn lớp 9.

Mời các em xem phần gợi ý đáp án và các bài văn mẫu dưới phần bình luận nhé! Và đừng quên ghé thăm vnkienthuc.com mỗi ngày.

Sen Biển ( biên soạn)
 
GỢI Ý ĐÁP ÁN
PHẦN I. ĐỌC – HIỂU


Câu 1: Hình ảnh những người chiến sĩ Trường Sơn thời kì kháng chiến chống Mĩ thể hiện trong đoạn thơ:

- Họ có cuộc sống chiến đấu vô cùng gian khổ, thiếu thốn, khắc nghiệt với nhiều nguy hiểm, mất mát, hi sinh …

- Họ sẵn sàng hiến dâng tuổi trẻ của mình cho cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

- Họ luôn mang trong mình lòng yêu nước và khát vọng giải phóng quê hương

2 - Sử dụng biện pháp liệt kê

- Tác dụng: nhấn mạnh những gian khổ, thiếu thốn, khắc nghiệt với nhiều nguy hiểm, mất mát, hi sinh … của người lính Trường Sơn

3 - Đoạn thơ gợi nhớ đến bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

- Điểm tương đồng:

+ Hoàn cảnh sáng tác: Cùng sáng tác khi đất nước thống nhất được 3 năm.

+ Tư tưởng chủ đề: Là lời tri ân, đồng vọng thiêng liêng, gợi nhắc đạo lí uống nước nhớ nguồn, lối sống ân nghĩa, thủy chung cùng quá khứ, cùng lịch sử, cùng đồng đội, nhân dân …
4 Hình thức: Đoạn văn
Nội dung cảm nhận sâu sắc về đoạn thơ:

+ Nghệ thuật: Bút pháp đồng hiện, quá khứ, hiện tại đan xen; phép liệt kê, hình ảnh thơ giàu giá trị biểu tượng …

+ Nội dung: Vẻ đẹp của nhân vật trữ tình được thể hiện qua niềm hoài niệm thiết tha của người lính đã một thời xông pha trận mạc nhớ về đồng đội, tri ân những người đã khuất …, đó chính là biểu hiện của lối sống nghĩa tình, thủy chung, trọn vẹn ...

PHẦN II. LÀM VĂN
Câu 1:

a. Tóm tắt truyện, nêu vấn đề cần nghị luận, giải thích:

- Câu chuyện kể về loài chim Chàng Làng (còn có thên khác là chim Bách Thanh), loài chim này có khả năng tuyệt vời là bắt chước giọng của những loài chim khác. Bản thân chú chim này rất tự hào về khả năng của mình và khi có mặt đông đủ bạn bè, họ hàng nhà chim, chú lại trình diễn năng khiếu ấy cho mọi người thưởng thức. Tuy nhiên khi được đề nghị hót bằng giọng của mình thì chú xấu hổ bay đi mất vì xưa nay chú chỉ bắt chước, nhại theo chứ đâu có luyện cho mình một giọng hót riêng.

- Ý nghĩa câu chuyện: phê phán thói bắt chước, nhại lại mà không chịu suy nghĩ, không chịu sáng tạo để làm nên phong cách riêng ở một số người.

=> Vấn đề bàn luận: Trong cuộc sống không nên bắt chước hay dập khuôn máy móc mà cần phải có sự sáng tạo.

- Bắt chước là một thói quen được hình thành từ thuở ấu thơ, nó giúp con người học hỏi được mọi thứ từ thế giới xung quanh để thích nghi với cuộc sống. Bắt chước là giai đoạn đầu tiên của tư duy mà bất cứ ai cũng phải trải qua bởi khó có thể phát minh, sáng tạo ra cái mới nếu không dựa vào những ý tưởng cũ.

b. Phân tích, chứng minh làm rõ vấn đề nghị luận:
- Thành công của ngày hôm nay không thể giống với ngày hôm qua, ngày mai không thể giống với ngày hôm nay vì thế con người không thể dập khuôn, bắt chước những cái đã có. Việc bắt chước một cách máy móc sẽ làm ra mất đi phong cách riêng của mình, thui chột khả năng sáng tạo, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển trong tương lai (dẫn chứng).

- Sáng tạo trong cuộc sống có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Sáng tạo giúp con người hoàn thiện cái đã có rồi và còn khám phá, phát triển ra cái mới. Sáng tạo sẽ giúp tư duy luôn vận động, linh hoạt, năng động mà không phụ thuộc, dựa dẫm hay ỉ lại vào những cái đã có (dẫn chứng).

c. Bàn bạc, mở rộng vấn đề:

- Trong cuộc sống không tự biến mình thành những con chim Chàng Làng.

- Phê phán thói bắt chước thần tượng một cách mù quáng, máy móc của các bạn trẻ ngày nay.

- Không ngừng học hỏi, không ngừng tư duy, sáng tạo để khẳng định mình và đi đến thành công.

- Khẳng định vấn đề.

2 I. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận

II. Thân bài:

a. Giải thích:


- Tinh thần nhân đạo?
- Khẳng định tinh thần nhân đạo được hai tác giả thể hiện trong Chuyện người con gái Nam Xương và một số đoạn trích Truyện Kiều
b. Phân tích, chứng minh:

b.1. Các tác giả đã ngợi ca, trân trọng vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam (qua nhân vật Vũ Nương, Thúy Kiều):

- Nhan sắc, tư duy tốt đẹp.

- Hiếu thảo, thủy chung, giàu tình yêu thương, giàu đức hi sinh.

- Trọng danh dự, khao khát tình yêu, hạnh phúc.

- Vị tha, bao dung, nặng tình với cuộc đời …

b.2. Các tác giả đã thể hiện niềm thương cảm sâu sắc đối với số phận bi thảm của người phụ nữ dưới chế độ xã hội đương thời.

- Hóa thân vào nỗi đau oan khuất, bị chà đạp về nhân phẩm, danh dự của Vũ Nương và nỗi đau vì bị lừa gạt, bị đánh đập của Thúy Kiều để cùng thổn thức xót xa với nỗi niềm của nhân vật:

+ Mô tả môt cách cảm động nỗi niềm của Vũ Nương khi xa chồng, phải gánh vác vất vả, lo toan; để cho nhân vật được bộc bạch tâm tình (3 lời thoại); găm vào lòng người đọc nỗi chua xót về số phận mỏng manh và bi thảm của người phụ nữ trong xã hội đầy rẫy bất công oan trái (qua việc xây dựng chi tiết chiếc bóng quyết định số phận Vũ Nương).

+ Cực tả nỗi cô đơn, buồn tủi; nỗi nhớ da diết, quặn đau; nỗi tuyệt vọng, khiếp sợ của Thúy Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích.

- Bày tỏ tình cảm thương yêu, mến trọng dành cho nhân vật, muốn nhân vật được sống trong yêu thương và sự chở che, tôn trọng (xây dựng màn truyền kỳ cuối truyện Chuyện người con gái Nam Xương và phần Đoàn tụ trong Truyện Kiều.

b.3. Nguyễn Dữ và Nguyễn Du đã lên án, tố cáo xã hội phong kiến đã không đảm bảo quyền sống, quyền hạnh phúc cho con người; lên tiếng bảo vệ phẩm giá và danh dự của người phụ nữ.

- Xã hội phong kiến, chiến tranh phi nghĩa đã tước đoạt cuộc sống hạnh phúc của người phụ nữ (Vũ Nương); tư tưởng nam quyền (hiện thân là Trọng Sinh độc đoán, vũ phu) đã đẩy người phụ nữ đến cái chết oan uổng, bi thảm.

- Xã hội đồng tiền đã đẩy người phụ nữ có đủ tâm, tài, tình vào chốn lầu xanh nhơ nhớp, bị sóng gió cuộc đời quăng quật, vùi dập …

c. Đánh giá chung.

- Tinh thần nhân đạo được các tác giả thể hiện theo cách riêng (theo thể loại, nghệ thuật xây dựng nhân vật, xây dựng tình huống …) khác nhau song đều thấm đãm tình yêu thương. (HS cần chỉ rõ một số nét riêng trong cách thể hiện chủ đề của mỗi tác phẩm)

- Tinh thần nhân đạo trong hai tác phẩm đã cho hòa vào dòng chảy chủ nghĩa nhân đạo truyền thống của dân tộc, kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống, góp tiếng nói bảo vệ, nâng niu con người đầy giá trị …

3. Kết bài:

- Cảm nghĩ về giá trị của tinh thần nhân đạo trong các tác phẩm trên (tạo nên sức sống lâu bền cho tác phẩm …)

Sen Biển( biên soạn )
 
Bài văn mẫu

Câu 1: (4,0 điểm)
Viết đoạn văn (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của em về câu chuyện ngụ ngôn sau đây:
CHIM CHÀNG LÀNG

Chàng Làng vẫn thường hãnh diện và kiêu ngạo về tiếng hót của mình hơn hẳn đồng loại. Nó có thể hót tiếng của nhiều loài chim.
Một hôm, nhân có mặt đông đủ bạn bè họ nhà chim, chú đậu tót lên cành cây cao rồi ưỡn ngực, vươn cổ cất tiếng hót. Chú hót say sưa, khi thì giống giọng của sáo đen, khi là giọng của chích chòe, hoạ mi. Ai cũng khen chú bắt chước giống và tài tình quá.

Cuối buổi biểu diễn, một chú chim sâu đề nghị: Bây giờ anh hãy hót tiếng của riêng anh cho bọn em nghe nào! Chàng Làng đứng mãi mà không hót được giọng của riêng mình, Chàng Làng xấu hổ cất cánh bay thẳng. Bởi vì từ xưa đến nay, Chàng Làng chỉ quen nhại theo giọng hót của các loài chim khác chứ đâu chịu luyện một giọng hót riêng cho chính mình.

Bài làm


Cuộc sống luôn đa dạng chính là nhờ vào những sự vật xung quanh nó luôn chứa đựng nhiều sự khác biệt. Một tiếng chim hót, một hương thơm quyện nồng nàn cùng muôn ngàn cánh hoa, cánh bướm rực rỡ đều góp phần làm cuộc sống thêm tươi đẹp. Vậy nên sự khác biệt của mỗi sự vật rất quan trọng. Câu chuyện về chim Chàng Làng đã giúp ta hiểu thêm điều ấy một cách sâu sắc
Câu chuyện kể về loài chim Chàng Làng vốn vẫn thường hay kiêu ngạo và hãnh diện về giọng hót của mình. Đặc biệt, chú chim ấy có thể nhại theo rất hay tiếng hót của bất kì loài chim nào. Thế nhưng khi bị một chú chim sâu nhỏ đề nghị hót giọng riêng của mình, Chàng Làng đã xấu hổ bỏ đi vì xưa nay chú chưa bao giờ chịu luyện cho mình một giọng hót riêng. Câu chuyện gửi gắm đến chúng ta như một lời phê phán, nhắc nhở về loại người luôn chỉ biết bắt chước, làm theo người khác mà không tự rèn luyện, tạo nên một phong cách, sự khác biệt của bản thân mình. Hay cũng chính là phê phán cách hành động chỉ biết bắt chước làm theo, không tạo nên dấu ấn cá nhân của một số người trong xã hội. Vậy tại sao việc bắt chước, làm theo những hành động của người khác mà không cố gắng tạo nên sự khác biệt cho bản thân lại không tốt?
Có thể nói, trong cuộc sống, không phải ngẫu nhiên, tình cờ khi mọi sự vật, con người từ khi ra đời đã mang trên mình những chi tiết rất khác biệt, đặc trưng. Sự khác biệt về hình thức đó không chỉ là cách để ta phân biệt giữa người này và người kia, cái này và cái khác... Mà hơn thế, sự khác biệt đó còn là một sự khẳng định ngầm với mỗi người rằng trong mỗi sự vật luôn chứa đựng một cái riêng của nó. Ví như cùng là một loài hoa nhưng hương thơm của chúng không phải lúc nào cũng như nhau hay sự sinh trưởng của chúng giống nhau. Chính vì thế mà sự khác biệt trong mỗi sự vật, con người đặc biệt quan trọng.

Thế nhưng không phải ai cũng hiểu được những giá trị khi ta có được những cái khác biệt của bản thân mình. Vì vậy mà hiện tượng bắt chước, nhại theo những điều ta cho là hay, là tốt đã xuất hiện. Việc một số người như con chim Chàng Làng suốt đời luôn tự hào về những thứ không phải của riêng mình là việc làm không hẳn sai trái và đáng trách. Bởi mỗi người có quyền học hỏi và làm theo những gì mình cho là tốt để có thể trau dồi và hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, khi chúng ta chỉ biết bắt chước và không biết tạo nên những dấu ấn, cái riêng cho bản thân minh thì đó lại là hành động đáng bị phê phán. Bởi lẽ bắt chước hay làm theo người khác một cách đơn thuần trước hết với bản thân mỗi người chính là sự giết chết những khả năng như tính sáng tạo, tính chủ động,... sẽ bị bào mòn. Việc làm đó sẽ tạo nên cho mỗi người tính lười nhác trong suy nghĩ cũng như sự tự ti, lo sợ khi nghĩ rằng những gì mình tạo ra sẽ không bằng những gì mà ta bắt chước làm theo mỗi khi đứng trước một vấn đề nào đó trong cuộc sống. Bên cạnh đó, đối với những người xung quanh ta, khi họ phải gặp lại những việc làm, hành động mà ta bắt chước, làm theo sẽ tạo ra một ấn tượng không tốt, sự nhàm chán cũng như thái độ đánh giá không cao từ những việc làm đó. Từ việc hiểu được tác hại của việc chỉ biết bắt chước làm theo mà không rèn luyện cho mình một cách sống, lối sống riêng, nét đặc trưng cá nhân là vô cùng quan trọng và cần thiết. Đối với bản thân mỗi người, việc tạo nên cách sống, cách suy nghĩ, hành động... riêng biệt sẽ thể hiện được trước hết là sự chín chắn và trưởng thành trong suy nghĩ bản thân. Bởi khi ta biết rèn luyện, phân đấu chăm chút cho bản thân ta thêm hoàn thiện là khi ta thực sự trưởng thành. Bên cạnh đó, việc tạo dấu ân riêng còn góp phần khẳng định và phát huy tính sáng tạo, sự chủ động, bản lĩnh, tự tin của chúng ta. Những cách sống, hành động của riêng ta chọn lựa không phải bao giờ cũng đúng đắn tuyệt đôi và đem lại cho ta nhiều thành công trong cuộc sống như mong đợi. Nhưng nếu không tốt đẹp được như mong đợi thì điều đó cũng sẽ trở thành kinh nghiệm để ta nỗ lực hoàn thiện mình hơn. Điều mà khi ta chỉ biết bắt chước, làm theo người khác, không tự tạo ra ta sẽ không thể biết được. Bởi khi làm theo những điều tết đẹp có sẵn, ta sẽ tự ảo tưởng rằng bản thân đã thực sự hoàn hảo và không cần cố gắng hơn nữa. Đó là sự thiếu sót đáng tiếc! Đối với những người xung quanh ta, khi gặp được một người với một cá tính, phong cách đặc trưng người ta sẽ nhớ lâu hơn, và có ấn tượng tốt đẹp hơn. Gặp một người giàu tính sáng tạo, luôn biết chủ động và tự tin trong mọi vấn đề của cuộc sống phức tạp mà không phải phụ thuộc, bắt chước quá nhiều vào những điều khác sẽ đem lại cho ta sự hứng thú và cảm tình tốt hơn. Đó thật sự là những giá trị tốt đẹp khi ta biết tin tưởng và rèn luyện hết mình để tạo được những cái riêng biệt của mình.
Câu chuyện về con chim Chàng Làng thật vô cùng sâu sắc. Bên cạnh việc phê phán, nhắc nhở về cách sống không biết tạo sự riêng biệt, câu chuyện còn phê phán thái độ kiêu ngạo của những kẻ ảo tường về giá trị của bản thân. Muôn tạo dấu ấn cho bản thân, mỗi người trước hết phải tạo được cho bản thân những phẩm chất tết đẹp cơ bản, từ đó ta mới có thể tạo phong cách, cá tính riêng. Là thế hệ trẻ, mỗi chúng ta cũng cần học tập và rèn luyện không ngừng để hoàn thiện mình hơn. Cái còn lại sau cùng của chúng ta với cuộc đời này phải là những thứ chỉ thuộc về riêng chúng ta. Đó là giá trị và ý nghĩa muôn đời mà cuộc sống gửi gắm.

Sen Biển( biên soạn)
 
Bài văn mẫu

Câu 2 :
Tinh thần nhân đạo của Nguyễn Dữ, Nguyễn Du qua tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương và các đoạn trích Truyện Kiều đã học, đã đọc trong chương trình Ngữ văn lớp 9.

Bài làm


Nền văn học trung đại thế kỷ XVI trở đi có lẽ đã đánh dấu một xu hướng nhận thức mới mẻ trong tư tưởng của các văn nhân thi sĩ, của các nhà nho đương thời về thân phận của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến. Nguyễn Dữ và Nguyễn Du dù sinh sống tại các thời đại cách nhau đến gần 2 thế kỷ thế nhưng ở hai tác giả lại có một điểm tương đồng trong các sáng tác của mình đó là tinh thần nhân đạo sâu sắc thể hiện qua các sáng tác của hai ônh . Mà ta có thể thấy rất rõ tư tưởng này thông qua các tác phẩm nổi tiếng như Chuyện người con gái Nam Xương (nằm trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ) và các đoạn trích của Truyện Kiều (Nguyễn Du).

Nhân vật chính trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương là Vũ Nương, một người phụ nữ trung trinh, tiết hạnh, đẹp người, đẹp nết nhưng lại bị chồng nghi oan thất tiết. Do không có cơ hội để minh oan, giãi bày, Vũ Nương đành phải nhảy sông tự vẫn để chứng minh sự trong sạch của mình. Kết thúc truyện là hình ảnh Vũ Nương hiện về thấp thoáng lúc ẩn, lúc hiện giữa lòng sông nói lời tạ từ rồi biến mất.
Trước hết, "Chuyện người con gái Nam Xương", mang đậm giá trị hiện thực sâu sắc. Một tác phẩm văn học có giá trị hiện thực khi nó phản ánh một cách chân thực những nét bản chất nhất của đời sống xã hội trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Vì thế, từ "Chuyện người con gái Nam Xương", Nguyễn Dữ đã phản ánh chân thực một xã hội phong kiến bất công, gây nhiều khổ đau cho người phụ nữ. Điều này được thể hiện qua hình tượng nhân vật Trương Sinh. Có thể nói, Trương Sinh là con đẻ của xã hội Nam quyền phong kiến. Trong truyện, Trương Sinh được giới thiệu là con nhà hào phú "xin trăm lạng vàng cưới vợ" nhưng lại ít học, luôn có tính đa nghi, ghen tuông, bảo thủ, độc đoán thiếu bao dung với cả người vợ của mình... Và đây chính là những bản chất của xã hội phong kiến nam quyền "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", đề cao người đàn ông trong gia đình và xã hội, đã dồn đẩy thân phận người đàn bà vào số phận oan nghiệt. Đồng thời, trong xã hội ấy, chiến tranh loạn lạc phi nghĩa, liên miên xảy ra đã phá tan đi biết bao nhiêu là hạnh phúc gia đình, làm chảy máu và nước mắt của biết bao nhiêu người dân lương thiện, đẩy họ hoàn cảnh "cùng đường tuyệt lộ". Trương Sinh phải đi lính, xa cách mẹ già và người vợ mới cưới. Ở nhà, bà mẹ vì nhớ thương con mà sinh ra bệnh tật rồi mất. Mọi công việc dồn đẩy lên đôi vai nhỏ bé hao gầy của Vũ Nương. Nàng vừa phải một mình nuôi con, vừa chăm sóc, thuốc thang cho mẹ chồng cho tới khi mẹ mất. Ba năm bặt vô âm tín, Trương Sinh bỗng trở về trong niềm vui sướng của gia đình. Nhưng vì tin vào lời nói ngây thơ của bé Đản "Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít", Trương Sinh đã một mực cho rằng vợ mình thất tiết. Lễ giáo phong kiến bất công đã dung túng cho người đàn ông, cho họ những quyền hành có thể đối xử tệ bạc với người phụ nữ của mình, không cho người phụ nữ cất lên tiếng nói phân trần, giảng giải nên đã vội vàng kết án Vũ Nương là người không đoan chính. Để rồi nàng đành phải trầm mình dưới nước sông Hoàng Giang lạnh lẽo để rửa sạch mối oan tình. Mặc dù, đến cuối truyện, Vũ Nương đã được trả lại danh dự, nhân phẩm và được bất tử hóa đến muôn đời nhưng Vũ Nương đã phải trả một cái giá quá đắt. Hạnh phúc mãi mãi tuột khỏi tầm tay. Nàng và chồng con không còn có thể đoàn tụ được nữa rồi. Từ nay, âm dương cách biệt, chia lìa đôi ngả. Chồng thì mất vợ, con thì mất mẹ. Cái lí mà Vũ Nương đưa ra khi không thể trở về dương gian được nữa là vì muốn cảm tạ ân đức của Linh Phi cứu giúp. Nhưng, đâu chỉ có vậy, Nguyễn Dữ muốn nói với người đọc rằng: chừng nào xã hội phong kiến còn tồn tại những bất công với người phụ nữ thì chừng đó người phụ nữ không có đất mà dung thân, còn phải tiếp tục phải chịu đọa đầy, thậm chí là phải đánh đổi cả mạng sống của mình nữa. Không dừng lại ở đó, "Chuyện người con gái Nam Xương" còn mang một giá trị nhân đạo sâu sắc. Một tác phẩm văn học có giá trị nhân đạo khi tác phẩm đó lên án, tố cáo những thế lực xấu xa, hắc ám đã chà đạp lên số phận của con người bất hạnh, qua đó nhà văn thể hiện niềm cảm thương, sẻ chia sâu sắc trước những tấn bi kịch mà họ phải trải qua, đồng tình, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của con người nhân vật và chỉ ra cho họ một con đường giải thoát.

Trước hết, thông qua cuộc đời bất hạnh và chịu nhiều oan khuất của Vũ Nương, nhà văn đã lên án, tố cáo một xã hội phi nhân tính, đẩy người phụ nữ vào con đường cùng không lối thoát, cướp đi của họ quyền hạnh phúc, quyền sống và quyền được công bằng. Có thể nói, dưới cái nhìn của Nguyễn Dữ, Trương Sinh là điển hình của các ác, của bạo chúa gia đình. Vì thế, Nguyễn Dữ càng thể hiện niềm xót thương cho người phụ nữ bao nhiêu thì ông lại càng căm giận, lên án bấy nhiêu sự bất công, ngang trái trong xã hội nam quyền. Cho nên, trong lời bình ở cuối truyện, nhà văn đã lên tiếng đòi lại lại công bằng cho người phụ nữ bằng những câu văn rất nhẹ nhàng, thấm thía, nghiêm khắc nhắc nhở : "Than ôi! Những việc từa tựa như nhau, thật là khó tỏ mà dễ hoặc. Cho nên quăng thoi đứng dậy, tuy mẹ bậc đại hiền cũng phải phân vân (13), mất búa đổ ngờ tuy con người láng giềng cũng khó chối cãi (14), ý dĩ đầy xe, Quang Võ đổ ngờ lão tướng (15), "trói lại mà giết", Tào Tháo đến phụ ân nhân (16), việc Thị Thiết cũng giống như vậy. Nếu không được trời xét tâm thành, nước không làm hại, thì xương hoa vóc ngọc, đã chôn vào họng cá ở dưới lòng sông, còn đâu được lại thông tin tức để nết trinh thuần được nhất nhất bộc bạch ra hết. Làm người đàn ông, tưởng đừng nên để cho giai nhân oan uổng thế này". Đó là những lời bình chân tình, xuất phát từ trái tim thương người bất hạnh, đặc biệt là người phụ nữ của nhà văn Nguyễn Dữ dành cho nhân vật của mình.

Giá trị nhân đạo của tác phẩm còn được thể hiện ở chỗ nhà văn đã ngợi ca những vẻ đẹp vốn có của người phụ nữ Việt Nam qua nhân vật Vũ Nương. Đó là người phụ nữ bình dân, người phụ nữ của gia đình. Nàng được giới thiệu là người con gái tính đã thùy mị, nết na lại thêm tư dung tốt đẹp. Khi mới về nhà chồng, trong cuộc sống hôn nhân gia đình, Vũ Nương luôn cư xử đúng khuôn phép, nhường nhịn rất đúng mực, không bao giờ để cho vợ chồng phải thất hòa. Trong buổi đưa tiễn chồng đi lính, Vũ Nương rót chén rượu đầy và dặn dò Trương Sinh bằng những lời nói đầy nghĩa tình, thắm thiết. Nàng không mong vinh hiển, chỉ cần chồng mang về hai chữ "bình yên". Ở nhà, Vũ Nương nhớ thương chồng da diết, nàng một mình sinh con, nuôi dạy con, vừa đóng vai trò là một nguời mẹ, lại vừa mượn bóng mình ban đêm mà làm người cha. Nàng thay chồng làm tròn bổn phận, trách nhiệm của của một người con dâu hiếu thảo: chăm sóc, thuốc thang, lễ bái, hết lòng khuyên lơn mẹ chồng. Đến khi mẹ chồng mất, nàng tổ chức ma chay tế lễ chu đáo như với cha mẹ đẻ của mình. Vì thế, bà mẹ chồng đã viện cả trời xanh để chứng minh cho lòng hiếu thảo của cô con dâu: "Xanh kia quyết chẳng phụ con cũng như con đã chẳng phụ mẹ". Khi chồng đi lính trở về, một mực khăng khăng cho rằng nàng thất tiết, Vũ Nương đã ra sức phân trần mong mỏi chồng hiểu thấu lòng mình, tìm cách cứu vãn hàn gắn hạnh phúc gia đình đang có nguy cơ bị tan vỡ. Cuối cùng "cái thú vui nghi gia nghi thất" đã không còn " bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió", cả nỗi đau chờ chồng đến hóa đá cũng không còn có thể được nữa "đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa". Nàng đã trẫm mình xuống dòng nước Hoàng Giang lạnh lẽo. Đó là hành động quyết liệt để bảo toàn danh dự, nhân phẩm trong một nỗi đau tuyệt vọng. Tóm lại, Nguyễn Dữ đã phát hiện và khẳng định những đốm sáng nhân văn tốt đẹp bên trong người phụ nữ. Ông thể hiện rõ thái độ bênh vực cho những người phụ nữ xấu số, bất hạnh.

Còn nữa...
 
tiếp theo...

Để thể hiện niềm cảm thông, sự chia sẻ, niềm xót thương với nỗi khổ đau của người phụ nữ đương thời, Nguyễn Dữ đã đòi lại sự công bằng, hạnh phúc cho họ bằng việc sáng tạo ra đoạn truyện dưới thủy cung, vạch ra cho người phụ nữ một con đường giải thoát bi kịch. Sau khi nhảy sông tuần tiết, nàng may mắn được Linh Phi – vợ vua biển Nam Hải cứu vớt. gặp được Phan Lang dưới thủy cung, nàng nhờ Phan Lang đem về gửi cho Trương Sinh chiếc hoa vàng cài tóc, dặn dò: "nếu còn nhớ tới tình xưa nghĩa cũ, xin lập một đàn giải oan ở bến sông, đốt cây đèn thần dưới nước, tôi sẽ trở về". Trương Sinh nghe lời, lập đàn tràng ba ngày, ba đêm, Vũ Nương thấp thoáng hiện về trên chiếc kiệu hoa giữa dòng, võng lọng, cờ kiệu rực rỡ đầy sông. Vũ Nương nói lời đa tạ Linh Phi và tạ từ Trương Sinh rồi biến mất. Chi tiết này, không chỉ giúp hoàn thiện thêm nét đẹp tính cách của nhân vật mà còn chứng tỏ Vũ Nương vô tội. Ở thế giới bên kia, nàng được đối xử xứng đáng với phẩm giá của mình. Tạo nên kết thúc truyện như thế, Nguyễn Dữ đã đáp ứng được ước mơ của con người về sự bất tử, sự chiến thắng của cái thiện, cái đẹp, thể hiện nỗi khát khao một cuộc sống công bằng, hạnh phúc cho những con người lương thiện, đặc biệt là người phụ nữ đương thời.
Bằng nghệ thuật kể truyện độc đáo, xen lẫn giữa hiện thực và kì ảo, giữa tình tiết đời thường với sự sáng tạo của nhà văn, Nguyễn Dữ đã khắc họa thành công hình tượng nhân vật Vũ Nương – người đại diện cho bi kịch bất hạnh của người phụ nữ. Thông qua số phận cuộc đời đầy nước mắt của nàng, nhà văn đã mạnh dạn lên án, tố cáo một xã hội bạo tàn, phi nhân, tồn tại với rất nhiều những bất công ngang trái, dồn đẩy người phụ nữ vào đường cùng không lối thoát. Đồng thời qua câu chuyện, nhà văn đã lên tiếng đòi lại sự công bằng, hạnh phúc cho những người phụ nữ đương thời, khẳng định, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp vốn có của họ. Qua đó, chúng ta thấy được tấm lòng nhân đạo sâu sắc giàu tình yêu thương con người của nhà văn Nguyễn Dữ. Mặc dù, truyện đã cách xa chúng ta hàng thế kỉ nhưng những thông điệp, ý nghĩa, giá trị của truyện và hình tượng Vũ Nương mãi mãi còn vang vọng đến ngày hôm nay và mãi mãi mai sau.
Hai trăm năm sau Nguyễn Du cũng thể hiện tinh thần nhân đạo sâu sắc của mình qua tác phẩm truyện Kiều . Ở đây em sẽ phân tích tinh thần nhân đạo của Nguyễn Du qua các trích đoạn “Chị em Thúy Kiều”, “Kiều ở lầu Ngưng Bích”,“Mã Giám Sinh mua Kiều” Giá trị nhân đạo của tác phẩm trước hết biểu hiện ở tấm lòng thương xót đối với người phụ nữ bất hạnh. Trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều ngòi bút nhân đạo của Nguyễn Du giúp người đọc thấy được tấm lòng của ông cho nhân vật Thúy Kiều. Thúy Kiều là người con hiếu thảo. Trước cơn gia biến, nàng quyết định bán mình chuộc cha và em. Bằng bút pháp ước lệ, tác giả làm nổi bật tâm trạng tủi hổ, cảm giác nhục nhã, ê chề của Kiều khi nàng bị coi như một món hàng. Một người con gái tài sắc, đức hạnh như nàng Kiều lại trở thành một món hàng đem ra mua bán. Không những thế,bọn chúng còn “Cò kè bớt một thêm hai”, Nguyễn Du đã cảm thương cho nỗi đau khổ của nàng khi Mã Giám Sinh “cân sắc cân tài”. Nguyễn Du đã thấu hiểu tâm trạng Kiều. Đó chính là một biểu hiện của tư tưởng nhân đạo sáng ngời trong tác phẩm. Kiều ở lầu Ngưng Bích là một đoạn trích tiêu biểu cho nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật trong Truyện Kiều, tác giả đã giúp cho người đọc hiểu được nỗi đau, nỗi nhớ thương, nỗi cô đơn, lo sợ của nàng Kiều. Phải bán mình chuộc cha, trao duyên cho em, Kiều rơi vaò tay Mã Giám Sinh và Tú Bà. Kiều không muốn tiếp khách làng chơi nên nàng đã tìm đến cái chết nhưng nàng lại được cứu sống. Tú Bà vì sợ Thúy Kiều chết đi thì “Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma” nên dỗ ngon ngọt và vờ đưa nàng ra ở lầu Ngưng Bích đợi tìm nơi tử tế để gả chồng. Thực chất lầu Ngưng Bích là nơi giam lỏng Thúy Kiều - nơi khóa kín tuổi xuân của nàng. Nơi đây cũng chính là điểm khởi đầu cho quãng đường lưu lạc đầy đau thương, tủi nhục của Kiều. Ngòi bút của Nguyễn Du như nhỏ lệ khi miêu tả cảnh vật thông qua tâm trạng của Thúy Kiều. Giữa thiên nhiên vắng lặng và mênh mông, không một bóng người, Kiều chỉ còn thấy “bốn bề bát ngát xa trông”. Một cảm giác cô dơn, buồn tủi và bẽ bàng xâm chiếm tâm hồn nàng. Nàng xót xa cho thân phận, số kiếp mình:
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.
Phải chăng đó cũng chính là nỗi xót đau của tác giả dành cho những người phụ nữ tài sắc nhưng bất hạnh như Thúy Kiều?
Giá trị nhân đạo của tác phẩm thể hiện ở chỗ tác giả ca ngợi vẻ đẹp ngoại hình cũng như vẻ đẹp phẩm chất của chị em Thúy Vân, Thúy Kiều. Đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” tác giả đã ca ngợi vẻ đẹp của Thúy Vân, Thúy Kiều bằng những lời tuyệt mĩ. Miêu tả Thúy Vân, ngòi bút của Nguyễn Du thể hiện sự trân trọng:
Vân xem trang trọng khác vời
Hai chữ “trang trọng” nói lên vẻ đẹp cao sang, quý phái của Thúy Vân. Vẻ đẹp trang trọng, đoan trang của người thiếu nữ được so sánh với những thứ cao đẹp trên đời: trăng, hoa, mây, tuyết, ngọc. Tác giả đã sử dung những hình ảnh thiên nhiên có vẻ đẹp đặc biệt, trong trắng, tinh khiết, rực rỡ để miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân. Khuôn mặt nàng đẹp như trăng rằm. Nụ cười tươi như hoa. Giọng nói trong trẻo thoát ra từ hàm răng ngọc ngà. Làn tóc mềm mại, thướt tha đẹp hơn mây trời. Màu trắng của tuyết vẫn không thể sánh bằng làn da trắng trắng ngần của Thúy Vân. Thiên nhiên cũng phải thua, phải nhường sắc đẹp của nàng.


Còn nữa...
 
tiếp theo...


Bằng biện pháp nghệ thuật so sánh, ẩn dụ, tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp trung thực, phúc hậu mà quý phái của người thiếu nữ. Chân dung của Thúy Vân là chân dung mang tính cách số phận, vẻ đẹp của Vân tạo nên sự êm đềm, hòa hợp với xung quanh. Điều đó dự báo cuộc đời nàng sẽ suôn sẻ, hạnh phúc. Phải là người biết yêu quý cái đẹp, biết trân trọng cái đẹp Nguyễn Du mới có được sự miêu tả như thế.
Ca ngợi Thúy Kiều, Nguyễn Du không chỉ ca ngợi vẻ đẹp hình thức mà tác giả còn ca ngợi vẻ đẹp về mặt tâm hồn, tài năng. Cũng như lúc tả Thúy Vân, câu thơ đầu khái quát đặc điểm nhân vật: “Kiều càng sắc sảo, mặn mà”. Nàng sắc sảo về trí tuệ, mặn mà về tâm hồn, tình cảm. Gợi tả vẻ đẹp của Thúy Kiều, tác giả vẫn dùng hình tượng nghệ thuật ước lệ: “thu thủy” (nước mùa thu), “xuân sơn” (núi mùa xuân), hoa, liễu. Nét vẽ của thi nhân thiên về gợi, tạo một ấn tượng chung về vẻ đẹp của một giai nhân tuyệt thế. Đáng lưu ý là khi họa bức chân dung Thúy Kiều, tác giả tập trung gợi tả vẻ đẹp đôi mắt, bởi đôi mắt là sự thể hiện phần tinh anh về tâm hồn và trí tuệ. Cái sắc sảo của trí tuệ, cái mặn mà của tâm hồn đều liên quan đến đôi mắt. Hình ảnh ước lệ “làn thu thủy” – làn nước mùa thu gợn sóng gợi lên thật sống động vẻ đẹp của đôi mắt trong sáng, long lanh, linh hoạt. Còn hình ảnh ước lệ “nét xuân sơn” – nét núi mùa xuân lại gợi lên đôi lông mày thanh tú trên gương mặt trẻ trung. Khi tả Thúy Vân, tác giả chủ yếu gợi tả nhan sắc mà không thể hiện cái tài, cái tình của nàng. Thế nhưng, khi tả Kiều nhà thơ tả sắc một phần còn dành đến hai phần để tả tài năng.
Tài của Kiều đạt tới mức lí tưởng, theo quan niệm thẩm mĩ phong kiến gồm đủ cả: cầm, kì, thi, họa. Đặc biệt, tài đánh đàn của nàng đã là sở trường, năng khiếu, vượt lên trên mọi người: “Cung thương làu bậc ngũ âm. Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương”. Nhấn mạnh cái tài của Thúy Kiều cũng là để ngợi ca cái tâm đặc biệt của nàng. Cung đàn bạc mệnh mà Thúy Kiều tự sáng tác chính là sự ghi lại tiếng lòng của một trái tim đa sầu đa cảm. Như vậy, vẻ đẹp của Thúy Kiều là sự hộitụ của cả sắc – tài – tình. Tác giả đã dùng câu thành ngữ “nghiêng nước nghiêng thành” để đặc tả giai nhân. Sắc đẹp của Thúy Kiều có thể làm cho người ta say mê đễn nỗi mất thành mất nước. Chân dung Thúy Kiều cũng là chân dung mang tính cách số phận. Vẻ đẹp của Kiều làm cho tạo hóa phải ghen ghét, đố kỵ “hoa ghen”, “liễu hờn”, báo hiệu số phận của nàng gặp nhiều gian truân, đau khổ. Rõ ràng phải là người có tấm lòng yêu thương mới thấy hết được vẻ đẹp của những con người bất hạnh để mà ca ngợi. Tình cảm xót thương, sự chân trọng về sắc đẹp và tàinăng Thúy Kiều giúp ta hiểu được giá trị nhân đạo thể hiện qua các đoạn trích này nói riêng, trong tác phẩm Truyện Kiều nói chung.
Giá trị nhân đạo còn thể hiện ở thái độ khinh bỉ, sự căm ghét của tác giả với những kẻ “buôn thịt bán người” mà tay “sinh viên” họ Mã kia là một điển hình tiêu biểu. Tác giả đã vạch trần bộ mặt xấu xa, đểu cáng của tay buôn người đội lốt sinh viên trường Quốc Tử Giám bằng một loạt các chi tiết nói lên sự lỗ mãng, dị hợm của hắn. Mặc dù đã “ngoại tứ tuần” nhưng vẫn ăn mặc bảnh bao, mày râu thì nhẵn nhụi không phù hợp với lứa tuổi của hắn:
“Quá niên trạc ngoại tứ tuần
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.”
Về hành động, cử chỉ lại càng bộc lộ bản chất của một tên thiếu học thức, vô phép tắc:
Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”
Chỉ với từ “tót”, Nguyễn Du như giáng một đòn chí mạng vào cái mặt giả danh tri thức của hắn. về bản chất của hắn lại càng xấu xa, để hắn lộ mặt con buôn bằng hình ảnh:
“Cò kè bớt một thêm hai”
Gặp gia đình đang cơn tai biến cần giúp đỡ, đáng lẽ một “sinh viên” như hắn phải biết đồng cảm thương, ra tay giúp đỡ nhưng hắn đã không làm thế. Bộ mặt của kẻ buôn người đã được Nguyễn Du lột tả một cách đầy đủ nhất. Miêu tả nhân vật Mã Giám Sinh cũng là để nói lên thái độ căm ghét của tác giả đối với kẻ kẻ là đại diện cho xã hội đồng tiền, đồng tiền đã chà đạp lên mọi giá trị tốt đẹp ở đời - "Trong ta đã sẵn đồng tiền; Dễ dàng đổi trắng thay đen khó gì”.
Với Chuyện người con gái Nam Xương và Truyện Kiều , Nguyễn Dữ và Nguyễn Du đã cất lên tiếng nói cảm thông, xót xa cho thân phận người phụ nữ, tiếng nói ngợi ca vẻ đẹp của con người và tiếng nói lên án tố cáo xã hội xấu xa tàn bạo, toàn lừa lọc xảo trá. Qua đó chúng ta cũng thấy được trái tim nhân đạo bao la của hai tác giả. Chuyện người con gái Nam Xương và Truyện Kiều sẽ trường tồn mãi với thời gian.

Sen Biển( biên soạn)
 

Hide Nguyễn

Du mục số
Lưu ý, đây hoàn toàn do Sen Biển chia sẻ chứ không phải BQT VnKienthuc biên tập.

BQT VnK không chịu trách nhiệm về tính đúng đắn của những tài liệu này. Tức, đây chỉ là 1 tài liệu tham khảm do thành viên cung cấp.
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top