• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Con mèo và đôi giày- Enrico Morovich

Phong Cầm

Yêu!
Thành viên BQT
Enrico Morovich
Con mèo và đôi giày

Lời giới thiệu của bản tiếng Nga: Enrico Morovich (1906-1994) là nhà văn Italy hiện đại. Các tuyển tập truyện ngắn: Quán rượu bên sông (L"osteria sul torrente, 1936), Những điều kỳ diệu của cuộc sống (Miracoli quotidiani, 1938) và Những chân dung trong rừng (Ritratti nel bosco, 1939), tiểu thuyết Những người khổng lồ của biển (I giganti marini), các tuyển tập truyện ngắn khác và thơ. Sự ra đời của những truyện ngắn đầu tay cùng các bức vẽ chân dung đầu tiên của Morovich đã nối dài thêm danh sách các nhà kinh điển Italy thế kỷ 20, những người đã gắn liền văn chương và hội họa trong sáng tác của mình như A. Savinio[1], A.Soffici[2], C. Levi[3], E. Montale[4] và D. Buzzati[5].

Các tác phẩm của Morovich hòa hợp rất bền chắc với bức tranh văn học đương thời. Trong tuyển tập Italie Magique xuất bản tại Paris năm 1946 bao gồm tác phẩm của các nhà văn siêu thực Italy, một tuyển tập "văn huyền ảo không phép màu và chủ nghĩa siêu thực không siêu thực", người biên soạn là Gianfranco Contini cho rằng Morovich sẽ vượt qua các nhà văn Italy khác có tên trong tập này như A. Palazzeschi[6], N. Lisi[7], M. Bontempelli[8] và T. Landolfi[9].

___
Con mèo và đôi giày

Nghe tin Jakob chết, điều đầu tiên Martin nghĩ đến là người chết nằm trong quan tài sẽ được thay cho một đôi giày mới. Viện cớ là phải đến liệm cho Jakob, Martin xin nghỉ phép nửa ngày, và nhanh chóng chuồn khỏi nhà máy. Jakob sống trong tầng hầm một tòa chung cư, vợ gã làm bảo vệ ở đấy. Trước tòa nhà có một vườn hoa nhỏ. Đi vào trong dọc theo vườn hoa, Martin nhìn thấy một con mèo trắng béo múp đang hớp sữa trong bát. Martin dừng bước. Trong bát sữa trôi lập lờ vài mẩu vụn bánh mì. Con mèo chậm chạp ăn. Dáng vẻ của nó trông no nê và phởn chí. Martin nghĩ, nếu đem con mèo tẩm nước sốt nướng thì có lẽ còn ngon hơn thịt thỏ. Nếu giải quyết ổn thỏa vụ đôi giày thì trên đường về có thể tiện tay bắt luôn con vật này. Điều quan trọng là phải tìm cách nhét được nó vào trong ống giày.

Bước vào nhà người quá cố, Martin nhìn thấy những người phụ nữ đang khóc. Họ ngồi trong bếp uống cà phê. Martin hỏi thăm về Jakob. Một người phụ nữ đứng dậy đi báo cho bà vợ góa. Sau đó Martin được dẫn vào một căn phòng lớn. Gã ngay lập tức đảo mắt nhìn xuống chân người chết. Cả hai chân đều không đi giày. Thay vào đó là một đôi tất đen sọc đỏ. Có lẽ họ còn chưa kịp mặc áo quần xong cho Jakob. Một gã thanh niên hơi gầy có khuôn mặt tái nhợt đang cạo râu cho người quá cố.

Martin bắt tay người vợ góa, vỗ nhẹ lên vai chị và thốt ra vài lời chia buồn. Sau đó tình cờ đưa mắt nhìn xuống, gã không giấu nổi lo lắng khi nhận ra gã thợ cạo trẻ đang đi đôi giày của Jakob. Martin tức đến thít ngực, nghẹn thở vì ganh tị. Phải mất một lúc gã không thốt nên lời. Nhưng Martin trấn tĩnh ngay lại và một ý nghĩ vụt lóe lên trong đầu. Gã cúi xuống kề sát tai bà vợ góa hỏi:

- Anh kia đi ủng của chồng chị để làm cho nó rộng ra à?

- Tôi không hiểu ý anh, - bà vợ góa trả lời.

- Ý tôi - Martin bình tĩnh nói rõ - là anh thợ cạo kia đi thử để giày của chồng chị giãn rộng ra, rồi sau đó xỏ lại vào chân anh nhà.

Bà vợ góa thở dài. Chị túm lấy ống tay áo Martin, kéo gã lại gần cửa sổ.

- Chồng tôi nợ anh ta, thế là tay thợ cạo này lấy đôi giày đó để thế nợ.

Martin khinh bỉ nhìn gã thanh niên đã cạo nhẵn nhụi đôi má hóp của người chết.

- Không thể chôn người chết với đôi tất trần, - Martin nói to và cương quyết.

Gã thợ cạo nghe thấy, giật mình quay lại.

Martin đưa mắt nhìn anh ta từ đầu đến chân và ra hiệu gọi anh ta lại gần. Gã thợ cạo tiến đến, tay cầm con dao cạo bám đầy bọt xà phòng.

- Tại anh - Martin nói - mà phải chôn Jakob với đôi chân không giày.

- Ông ấy nợ tôi tiền, - gã thợ cạo rụt rè bao biện.

- Chúng tôi sẽ trả anh tiền, anh không phải nghi ngờ gì hết, - Martin trả lời dứt khoát. - Còn bây giờ, hãy cởi giày ra.

- Thế thì tôi sẽ phải đi chân đất, - gã thợ cạo trẻ lưỡng lự nói.

- Anh đi chân đất đến đây à? - Martin hỏi.

- Không, - gã thợ cạo trả lời. - Chỉ là vợ tôi vừa về và mang theo đôi giày cũ của tôi đi.

- Được rồi, đi cạo xong cho Jakov, còn sau đó… - Martin sẵng giọng ngắt lời anh ta.

Gã thợ cạo quay lại bên người chết. Martin nghĩ cách. Bà vợ góa khóc nấc lên. Martin lại vỗ tay lên vai chị để xoa dịu cơn nức nở.

Khi gã thợ cạo xong việc, Martin cởi đôi giày cũ mòn của mình, đưa cho anh ta và nói:

- Cậu tháo đôi giày đấy ra, rồi đi đôi này vào, đi lấy lại giày của cậu, sau đó quay lại đây.

Gã thợ cạo trẻ ngoan ngoãn làm theo lời Martin. Anh ta vừa đi khỏi, Martin nói:

- Tôi phải làm điều này là vì vợ anh ta. Khi anh ta đi giày mới về nhà, cô ta chắc chắn sẽ không cho anh ta đem trả lại.
Bà vợ góa nhìn Martin đầy khâm phục. Anh ta đứng chân không. Thấy thế, chị đề nghị:

- Anh cứ đi tạm giày của chồng tôi vào, nếu không thì anh sẽ bị cảm lạnh mất.

- Quả thật tôi rất vui lòng, - Martin trả lời. - Nhưng nhỡ cậu thợ cạo kia quay lại nhìn thấy tôi đi đôi giày này, cậu ta sẽ nghĩ là tôi muốn chiếm nó.

- Tôi nói là anh sẽ bị cảm mất. Anh cứ đi vào đi, sẽ có cách giải quyết, - bà vợ góa nài nỉ.

Martin nhượng bộ và nhanh nhẹn xỏ chân vào giày. Đôi giày rất vừa với chân anh ta.

- Chân tôi và chân Jacob bằng nhau, - Martin nói.

Bà vợ góa ứa nước mắt. Martin vỗ tay lên vai chị.

- Tội nghiệp anh Jakob, - bà vợ góa thở dài nói.

- Ông bạn đáng thương, chúng tôi đã luôn gắn bó với nhau, - Martin nói. - Anh ấy đã rất vui vì có đôi giày mới. Bây giờ chúng sẽ mất đi trong bóng tối, chứ không được dạo chơi dưới ánh mặt trời nữa.

Bà vợ góa nhìn Martin và cầm lấy tay anh ta.

- Sao anh không giữ chúng lại cho mình?

- Chúng ta không thể chôn anh ấy với đôi chân trần, - Martin trả lời bằng giọng trách móc.

- Tất nhiên là không. Khi cậu thợ cạo quay lại, chúng ta sẽ đi đôi giày của anh cho anh ấy. Cỡ giày của anh vừa chân chồng tôi mà.

- Phải làm sao cho cậu thợ cạo kia không biết được việc này, - Martin nói.

- Việc đấy để tôi. Tôi sẽ ra đón cậu ta, - bà vợ góa trả lời và đi ra khỏi phòng.

Còn lại một mình Martin. Anh ta nhìn Jakob. Jakob nhìn lên trần nhà bằng đôi mắt khép hờ.

Bà vợ góa quay vào, cầm đôi giày trong tay. Nhưng chị không chỉ có một mình. Theo sau chị là con mèo trắng béo múp ở ngoài sân lúc nãy, đuôi cong lên.

Martin nhẹ nhàng xỏ đôi giày cũ vào chân Jakob và vuốt ve con mèo.

- Anh hãy giúp tôi một việc nữa, - bà vợ góa thở dài đề nghị.

Martin tò mò nhìn chị.

- Anh hãy mang con mèo này về. Tôi không thể giữ nó lại ở nhà này. - Chị đứng lặng đi một lúc rồi tiếp tục: - Anh biết không, tôi e là Jakob đã bắt nó ở trong ngôi biệt thự gần nhà máy. Anh ấy định ăn thịt nó. Còn tôi không đủ can đảm giết nó. Nếu họ tìm thấy con mèo trong nhà tôi thì sẽ sinh chuyện rầy rà.

__
Thần chết đi dép vải

Antonio đột nhiên tỉnh giấc vì những tiếng động nghe như tiếng vó ngựa. Anh thắp đèn và nhìn thấy đó là Thần Chết. Thần Chết đi đi lại lại trong phòng. Khi nhận ra có người đang nhìn mình, Thần Chết dừng lại và chỉ tay vào ngăn kéo của cái bàn kê đầu giường. Sau đó lại tiếp tục gây tiếng động bằng đôi chân khẳng khiu của mình. Antonio sợ phòng bên cạnh sẽ nghe thấy. Thần Chết đợi một lúc rồi lại dừng lại và lại chỉ tay vào ngăn kéo của cái bàn kê đầu giường. Rồi tiếp tục bước chân lóc cóc quanh phòng.

- Nếu muốn tôi lấy khẩu súng lục trong ngăn kéo ra, - Antonio nói, đến lượt anh chỉ tay vào đôi dép để gần giường ngủ, - thì hãy làm ơn đi dép của tôi vào.

- Được thôi, - Thần Chết trả lời và loáng một cái đã đi đôi dép vải vào chân.

Bây giờ Thần Chết đi lại hoàn toàn không gây tiếng động. Antonio tắt đèn. Có vẻ như trong phòng không còn ai cả. Antonio không nghĩ đến việc lấy khẩu súng ra khỏi ngăn kéo. Anh đã dễ dàng chìm vào một giấc ngủ ngon.

___

Những bóng ma

Những bóng ma vào nhà qua các ống khói. Đêm nào chúng cũng làm cho Emma bé bỏng phải sợ hãi. Đây là những bóng ma trẻ con. Không ở đâu muốn tiếp nhận chúng. Kể cả ở địa ngục. Để bằng một cách nào đó khỏi phải bị chúng quấy nhiễu, người ta cho phép chúng đến doạ con người.

Emma bé bóng ngủ một mình trong phòng ngủ rộng lớn và cũ kỹ. Trong phòng có một cái lò sưởi. Emma thường kể lại với bố mẹ về những bóng ma, nhưng bố mẹ em nói rằng đó chỉ là chuyện tưởng tượng, không có và không thể có những bóng ma nào cả.
Emma bé bỏng biết là những bóng ma cố tình dọa em. Em cực kỳ khiếp sợ. Năm hay sáu bóng ma lần lượt chui ra từ lò sưởi. Chúng trong suốt, nhưng vẫn dễ dàng nhận ra chúng. Những bóng ma làm ra vẻ thần bí u buồn, với sự tàn nhẫn cố tình chúng làm cho các tấm ván lát sàn nhà kêu lên cót két. Emma bé bỏng như bị nghẹn thở. Em nằm, mắt mở thao láo trong bóng tối. Khi những bóng ma đến gần bên giường, em úp mặt vào gối và oà lên khóc. Khi ngửng mặt lên, em thấy một người nào đó đứng ngay cạnh giường, bất động cúi xuống và nhìn thẳng vào mắt em.

Cuối cùng thì Emma bé bỏng đã chết vì khiếp sợ.

Bây giờ chính Emma nhập bọn với những bóng ma. Đêm đêm, em thỏa thích đùa nghịch cùng những bóng ma trẻ con. Thỉnh thoảng em đến thăm bố mẹ em. Mỗi khi em xuất hiện, bố mẹ em hoảng sợ giấu mặt vào gối, hệt như Emma bé bỏng hồi còn sống.

___

Cái chết hãi hùng

Medardo giết vợ vì ghen. Anh ta bị tống vào tù. Ở trong tù, anh ta cảm thấy tột cùng tuyệt vọng. Anh ta thường xuyên nổi lên những cơn điên, trở nên hung hãn, đập đầu bình bịch vào tường. Khi đã kiệt sức, anh ta gieo mình xuống đệm rơm và thiếp đi. Trong lúc ngủ, anh ta bị những cơn ác mộng hành hạ không ngớt. Kèm theo ác mộng là những bóng ma khủng khiếp. Đối với một người nông dân bình thường như anh ta, chuyện này quả là quá sức. Tỉnh dậy, anh ta chỉ khao khát một điều là mong sao tòa nhanh chóng tuyên án tử hình anh ta. Cuộc sống của anh ta bây giờ có còn ý nghĩa gì không, khi mà anh ta đã tự tay giết chết người vợ thân yêu nhất trên đời của mình. Số phận tàn nhẫn khiến anh ta trong cơn ghen đã hành động một cách mất trí. Nghĩ lại chuyện đó, anh ta lại tuôn ra những giọt nước mắt nóng bỏng.

Một lần, sau cơn điên thường lệ, Medardo lại chìm vào giấc ngủ nhanh. Và anh ta chiêm bao. Nhưng đây là một giấc chiêm bao khác. Không phải là ác mộng. Trong mơ anh ta gặp lại vợ mình. Trông cô đẹp rạng rỡ. Đẹp như trong ngày hội.

- Anh Medardo, - cô nói, - anh đã giết em, nhưng chính em là người có lỗi. Và em sẵn lòng tha thứ cho anh. Bây giờ anh phải chuẩn bị để đón cái chết. Nhưng anh đừng sợ. Anh sẽ tỉnh dậy trong quan tài. Trong đó sẽ có một cái xà beng nhỏ. Anh hãy dùng nó để mở nắp quan tài chui ra. Em sẽ hiện hồn về trong giấc mơ của người phu đào huyệt để thuyết phục ông ta đặt sẵn xà beng vào quan tài cho anh.

Nói xong, người vợ biến mất. Medardo tỉnh dậy. Từ lúc đó anh ta hết hoảng sợ và thôi không lên cơn điên nữa. Anh ta cảm thấy người mệt rã rời nhưng thư thái. Medardo không ăn uống nữa và được chở đến trạm xá. Anh ta hiểu rằng mình sắp chết, và chỉ muốn nói chuyện với người sẽ chôn anh ta, để nhắc ông ta về cái xà beng. Anh ta quyết định giữ kín bí mật vì hoàn toàn tin vợ. Trong những cơn mê sảng, anh ta lại nhìn thấy những cánh đồng thân thuộc, khu vườn đang nở hoa, con đường đầy bụi đất và chiếc xe bò của mình. Trong những khoảnh khắc ấy Medardo được hưởng cảm giác hạnh phúc tột cùng. Vài ngày sau anh ta tắt thở.

Tỉnh lại, anh ta nhìn thấy mọi người đang đặt thân xác của anh ta vào quan tài chứ không phải chính anh ta. Anh ta kiểm tra xem trong quan tài có xà beng không. Nhưng không ai nghĩ đến cái xà beng cả. Kể cả chính Medardo cũng vậy. Anh ta không còn một chút quan tâm nào đến cái thân xác của mình đang nằm trong cỗ quan tài gỗ thô, không kèn trống được mang đi chôn ở nghĩa trang thành phố.

Ở nghĩa trang, Medardo gặp lại vợ mình. Trông cô không khác gì lần anh ta mơ thấy. Họ cùng đi lên thượng giới. Trên đường đi, người vợ thú nhận với anh ta rằng cô đã nghĩ ra toàn bộ câu chuyện về cái xà beng. Để anh ta không sợ chết.

___

Cậu bé Gaspar

Khi mọi người nói với cậu bé Gaspar rằng những ngọn núi kỳ diệu mà cậu rất thích ngắm nhìn đều được mọc lên từ biển; rằng đó chỉ là những khối đá vôi được tạo thành từ vô số vỏ sò chết đã hóa thạch dưới mặt nước biển sâu; rằng ngày xưa núi đứng trọc trơ, nghĩa là chưa có lớp thảm thực vật dầy và mịn phủ lên như bây giờ, cậu bé Gaspar trả lời: đối với cậu điều họ nói không có ý nghĩa gì và cậu không muốn biết tí gì về chuyện đó.

Mọi người bảo cậu rằng nếu thế thì cậu lớn lên sẽ trở thành một kẻ vô học. Cậu bé Gaspar đáp lại là cậu sẽ không vô học vĩnh viễn, vì điều đó sau khi chết cậu sẽ được biết ở trên thiên đường, từ chính miệng của Đức Chúa Trời.

Khi đó mọi người nói với cậu là không có Chúa Trời nào cả. Cậu bé Gaspar đã nổi nóng lên thực sự và nói rằng: nếu điều đó là thật, thì cậu không việc gì phải biết đến lịch sử thế giới, lại càng không thèm biết đến chính cái thế giới này.

___

Những bức ảnh trong rừng

Gã Giacomo giầu có vừa mới ngỏ lời cầu hôn Clementina, cô liền bỏ rơi chàng gác rừng Guerrino. Guerrino chán chường suốt đêm lang thang trong rừng. Những suy nghĩ bi quan vây chặt lấy anh. Guerrino sợ tương lai. Nhưng điều làm anh còn sợ hơn là Clementina sẽ đi vào rừng với vị hôn phu mới. Vì anh hiểu rất rõ cô. Guerrino đã tưởng tượng cảnh mình ở trong nhà tù. Người ta sẽ nhốt anh chung thân sau song sắt vì anh đã không kiềm chế được sự thôi thúc bắn chết cặp tình nhân.

Thế nhưng khi trời tảng sáng thì anh nghĩ lại. Không chần chừ, Guerrino phóng ngay vào thành phố. Anh mang theo bức ảnh anh chụp chung với người yêu của mình. Guerrino thuê thợ phóng ra thành một trăm bức ảnh lớn, rồi vào cửa hiệu làm khung tranh mua một trăm cái khung kính. Anh mua thêm một nắm đinh và một cái búa. Để sắm được tất cả những thứ đó anh phải tiêu hết toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình. Vài ngày sau, tất cả các bức ảnh được lồng vào khung kính, và anh lại đi vào rừng. Guerrino mượn thang của một người nông dân. Suốt ngày thứ bảy anh loay hoay trong rừng để đóng những bức ảnh anh và Clementina đang đứng ôm nhau lên các thân cây. Guerrino treo các khung ảnh vừa tầm để nhìn rõ, nhưng đủ cao để không thể lấy chúng xuống nếu không có thang.

Chủ nhật, những người thợ săn đi vào rừng và hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy những bức ảnh treo trên cây. Họ nghĩ chắc chàng gác rừng bày trò đùa nghịch gì đó. Nhưng họ tìm mãi mà chẳng thấy anh đâu. Họ nẩy ra ý định hạ các bức ảnh xuống. Nhưng không làm được. Kính bị vỡ một cách dễ dàng, còn các khung ảnh thì không thể gỡ ra nổi. Guerrino rõ ràng là đã không tiếc đinh. Những người thợ săn thách nhau nhả đạn vào các bức ảnh còn nhiều hơn cả bắn chim rừng.

Khi trở về làng, họ rẽ vào một quán rượu. Họ tranh nhau kể cho người chủ quán nghe về những bức ảnh kỳ lạ trong rừng. Trong túi họ còn vài bức ảnh họ nhặt đem về do khung kính bị vỡ. Người chủ quán xin họ một bức. Khi toán thợ săn đi khỏi, ông ta chạy bổ đi tìm Clementina - để cho cô biết về cuộc triển lãm trong rừng.

Cô gái sợ chết khiếp. Giacomo sẽ nói gì đây? Cô trăn trở suốt đêm. Cô lo đám cưới rồi đây sẽ bị hủy bỏ. Trời sáng, cô vội vàng chạy vào rừng để tìm Guerrino.

Khi đến gần lều của Guerrino, cô nhìn thấy bốn, năm bức ảnh. Guerrino không có trong lều. Cô đành tay không trở về. Clementina vừa đi vừa nhìn lên những khung ảnh. Thì ra anh đã treo chúng ở khắp mọi nơi. Cô đi, đầu ngẩng lên, và cảm thấy mỗi lúc một căm ghét Guerrino hơn. Thậm chí cô còn mong nhìn thấy anh bị treo cổ trên một cành cây nào đó. Nhưng cô chỉ thấy những bức ảnh. Điều đó khiến Clementina tuyệt vọng. Cô ngã xuống một đống lá và khóc rất lâu. Clementina tin rằng khi biết hết sự thật, Giacomo sẽ bỏ cô.

Khi Clementina nín khóc, cô phát khùng lên vì tức giận và trở về làng để kiếm một cái sào. Loại sào người ta thường dùng để chọc hái phỉ tử đỏ. Lấy được sào, cô liền quay vào rừng. “Dù mất một tuần mình cũng sẽ phải làm cho xong”, - cô hạ quyết tâm.

Những lời đồn đại về các bức ảnh trong rừng lan ra khắp làng. Dân làng chia ra thành hai phe. Một phe ủng hộ cô gái, còn phe kia bênh vực Guerrino.

Clementina cố hết sức để gỡ những bức ảnh từ trên cây xuống. Nhưng đinh đóng quá chặt. Mỗi khi gỡ được bức nào, cô tháo nó ra khỏi khung và xé vụn. Cô phẫn nộ vì Guerrino đến giờ vẫn không chịu xuất hiện và không ngăn cô lại. Mặt khác, cô lại oán ghét Giacomo: anh ta hoàn toàn không muốn giúp đỡ cô. Còn chàng gác rừng thì đã nhận ra Clementina ngay từ lúc sáng.

Guerrino theo dõi cô gái đi vào lều của mình, bước ra, nằm khóc, sau đó ra khỏi rừng và quay lại với cây sào chọc phỉ tử. Anh bí mật theo dõi cô mà không dám lộ diện.

Giacomo cũng biết chuyện đang xảy ra trong rừng. Muốn giúp đỡ người yêu nhưng lại sợ bị chế giễu, anh ta ngồi lì ở nhà cả ngày, nói rằng mình bị ốm.

Lúc trời về chiều, những người nông dân đi vào rừng. Một tốp muốn nhìn cảnh cô gái gỡ những bức ảnh từ trên cây xuống, tốp kia lại khuyến khích và giúp đỡ cô. Khi nhìn thấy đám đông, Clementina phát điên lên thật sự và doạ sẽ lấy sào quất vào mặt kẻ đầu tiên dám đến gần cô. Thay vì hoảng sợ, tất cả phá lên cười. Cô gái gào to và ngã lăn xuống đất. Guerrino là người đầu tiên chạy đến bên cô. Anh lao ra khỏi bụi cây như một con thú. Anh quì xuống trước mặt Clementina. Trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người, cô đột nhiên cầm một bức ảnh lên ngắm nghía.

- Mà em cũng xinh đấy chứ, - cô nói. - Và Guerrino cũng thật đẹp trai.

Đám đông lăn ra cười.

- Không có gì đáng cười cả, - Guerrino hét lên, đưa tay vuốt tóc Clementina. - Liệu tôi có thể treo ảnh của cô ấy lên không nếu cô ấy không phải là người đẹp?

Clementina gào lên to hơn. Đám đông dần dần mất hết hứng thú. Một lúc sau họ bỏ đi. Có ai đó khoát tay một cách khinh bỉ.

- Giacomo sẽ không lấy cô đâu! - một kẻ kêu lên khi lại gần cô gái.

- Đúng thế, - Guerrino buồn rầu thừa nhận. - Anh đã làm hại em rồi.

Họ còn lại hai người. Trời se se lạnh. Họ đứng dậy và bước vào lều của chàng gác rừng. Phần lớn các khung ảnh đã bị vỡ. Guerrino tìm được một khung còn nguyên vẹn và hài lòng treo nó lên tường.

Đông Tây Kiều Diệp dịch từ tiếng Nga

--------------
[1] Alberto Savinio (1891-1952): Họa sĩ, nhà thơ và nhạc sĩ Italy.
[2] Ardengo Soffici (1879-1964): Họa sĩ, nhà văn và nhà phê bình Italy.
[3] Carlo Levi (1902-1975): Họa sĩ và nhà văn Italy.
[4] Eugenio Montale (1896-1981): Nhà văn Italy, giải thưởng Nobel văn chương 1975.
[5] Dino Buzzati (1906-1972): Nhà văn Italy.
[6] Aldo Palazzeschi (1885-1974): Nhà thơ, nhà văn Italy.
[7] Nicola Lisi (1893-1975): Nhà văn Italy.
[8] Massimo Bontempelli (1878-1960): Nhà văn Italy.
[9] Tomasso Landolfi (1908-1979): Nhà văn Italy.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top