• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Cõi U Minh - Nguyễn Quốc Trung

  • Thread starter Thread starter Tuyền Nguyễn
  • Ngày gửi Ngày gửi
T

Tuyền Nguyễn

Guest
View attachment 15282

Tôi viết Cõi U Minh sau vụ rừng U Minh hạ bị lửa thiêu nhiều mảng lớn, người nông dân lâm vào cảnh khốn cùng. Các nhân vật trong truyện đều gắn bó với tác giả, câu chuyện được sáng tạo thêm để mang thông điệp tới bạn đọc. Cõi U Minh chính là sự u minh, không rõ ràng, sự nổi giận của rừng già, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn nào con người cũng cố vươn lên từ những hi vọng nhỏ nhoi nhất.
Nhà văn Nguyễn Quốc Trung

Lần thứ ba chú Tư Được hỏi Hạng:
- Tui đánh đường từ U Minh lên đây nhờ cậu giúp giùm chuyện đó, không lẽ cậu chối?

Hạng lúng túng, chú Tư Được coi anh như em ruột. Trước kia, nghĩa là khi rừng còn, chú thường gởi quà lên cho anh. Quà là các sản phẩm của rừng, tháng ba có mật ong, những bình mật ong U Minh đặc óng, tháng sáu là mộc nhĩ, măng tươi, tháng chín là khô cá, những vỉa khô cá lóc, cá tra to như cái quạt. Năm nào cũng vậy, gần tết Nguyên Đán vợ chồng chú mang lên cho anh nào gạo nàng hương, nàng thơm, nếp ngỗng, nếp sáp, và những cặp gà trống, vịt xiêm vừa khép cánh để gia đình anh ăn Tết. Đầu năm nay, chú lại đem lên biếu anh con rắn hổ chúa để chữa chứng đau lưng. Vậy mà giờ đây việc chú nhờ khiến anh khó làm.

- Chú bảo cháu nhảy vào lửa cháu cũng dám. Còn cái chuyện này ngại quá.
- Làm gì ngại, cậu đưa vợ tui đến đó để người ta làm giùm. Rừng cháy mất, gia đình tui lâm vô cảnh khốn cùng nên phải làm vậy, cũng đứt ruột lắm chớ bộ.
Chú Tư Được co chân ngồi xổm lên sa lông, mắt ngó ra tán cây me trước cửa nhà, mắt nheo lại. Đó là thói quen của người hành nghề ăn ong rừng. Nhà chú ở miệt Ngan Vàm. Chú cho Hạng hay, những vùng dân chuyên nghề ăn ong ở U Minh thường có tên bắt đầu từ tiếng Ngan. Hàng ngày chú vác bó cây dài chừng một sải tay, vào rừng nhìn lên cành cây, thấy nơi nào có thể gác lên để ong đến xây tổ. Tui được trời cho mát tay, kèo bắt lên độ vài ngày là có ong trinh sát lượn qua, rồi dẫn đàn đến kết tổ. Có lần chú nói với Hạng vậy. Cuộc sống gia đình chú dựa vào rừng vậy mà dư ăn, dư mặc. Rừng là kho báu vô tận, dân U Minh chỉ nhờ rừng cũng thừa sức làm giàu. Gia đình chú đầm ấm, bốn đứa con có nếp, có tẻ. Xứ U Minh này rừng ông bà mênh mông, sanh nhiều con để ngó trước trông sau đều thấy bóng người cho đỡ trống. Chú nói thật tình. Mấy đứa con chú đều chắc khỏe. Là nhờ tụi nó thường xuyên ăn rau sạch mọc bên kênh rạch, ăn ong non, uống mật ong. Trẻ ăn các thứ ấy thì không có bệnh nào vô được cơ thể cả. Chú nói. Nhưng rồi, tháng trước, rừng bốc cháy dữ dội.

Chú Tư Được kể, sáng hôm đó chú vào rừng để gác thêm chục kèo và lấy những tổ ong đã căng mật, đến khu rừng tràm, bất chợt chú nhận thấy nước dưới chân nong nóng, nhiều con cá phóng mình lên khỏi mặt nước. Kinh nghiệm của dân rừng khi thấy hiện tượng ấy là dưới lòng rừng đang có cháy, phải tìm cách thoát khỏi vùng đó thiệt lẹ. Chú Tư vứt bó cọc, chạy trở về. Được một quãng, chú ngó lại, khói trắng bắt lên trên ngọn cây mỗi lúc đậm hơn. Bất chợt, một tiếng nổ long trời, khói đen cuộn lên như khói bom, lửa cuốn ào ào qua những vòm cây. Chú Tư Được chạy về nhà lôi vợ con xuống vỏ lái, nổ máy chạy ra rạch ông Vổ, hướng về sông Trẹm. Một lúc sau ngó lại, chú Tư kêu thét lên, lửa ngút lên trùm lên chòm rừng phía nhà chú.

Chú phải đưa gia đình đến nương nhờ nhà một người bà con đằng vợ. Sau đó chú tính về nơi ở cũ, nhưng nhìn thấy cả một vùng đầy tro than, kênh rạch nổi nênh xác cá, rắn rết, xác rùa, không thể sống nổi. Hơn thế, sống ở đây làm gì ăn, ngày trước dựa vào rừng, nay rừng đã thành biển tro, nhìn cảnh hoang tàn, thảm lắm. Chính quyền địa phương cấp cho chú, và các gia đình trước đây ở ven khu rừng nguyên sinh ấy, mỗi nhà một lô đất cạnh kinh Bà Xán. Gia đình chú sống nhờ vào sự cứu tế của chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm. Chú thím đều mất việc làm. Và còn một chuyện khó nói là thím Tư có bầu đứa con thứ năm đã hai tháng. Nhà sáu miệng ăn, đang chạy ăn từng bữa, sanh thêm con, lấy gì nuôi. Vợ chồng đều nẫu ruột, cuối cùng hai người quyết định lên Sài Gòn để tẩy đi. Vợ chồng chú đến nhà Hạng nương nhờ, và chú nhờ Hạng đưa vợ mình tới bệnh viện phụ sản Từ Dũ.
- Bỏ một đứa con đi đau lắm chớ. Nhưng sanh ra lấy gì nuôi, làm tội thêm. Thôi thì đành phải vậy thôi. Cậu dùng xe máy đưa bả đến bệnh viện. Nghe thiên hạ biểu chuyện đó người ta làm dễ ợt mà.
- Cháu chỉ ngại dẫn một người đàn bà đến nơi ấy nhỡ gặp người quen. Hay là cháu kêu tắc xi để chú thím đến đó.
Chú Tư nhìn Hạng, cái thằng ngó tướng tá vậy mà nhát hơn cheo. Nhưng rồi chú thấy Hạng có lý, cái chuyện này mình phải đưa vợ đi mới phải. Để nó đưa đi nhỡ gặp người quen dễ bị người ta dị nghị. Nó còn trai, chưa vợ, làm chuyện đó hơi kỳ.
- Vậy cũng đặng, nhờ cậu kêu giùm xe.
Chú Tư Được hối Hạng gọi tắc xi. Hạng thấy chú Tư đổi thay nhiều. Trước đây, chú điềm đạm, nói năng chậm rãi, nay chú bồn chồn, nóng vội, hấp ta hấp tấp.
Xe đi rồi, Hạng mới hối, nhỡ ra tay lái xe lợi dụng chạy lòng vòng để moi thêm tiền của chú thím thì sao? Đến bệnh viện chú có vào đúng khoa sản, hay là bị lũ cò lợi dụng làm tiền? Lẽ ra mình nên đi cùng, mình là người ích kỷ, chỉ lo đến cái gọi là danh dự. Một thứ danh hão chứ báu gì.
*
* *
Đến chiều, không thấy vợ chồng chú Tư trở lại, ruột gan Hạng bời lên. Hai người gặp chuyện chẳng lành rồi sao? Hạng nghĩ và vội phóng xe máy lên bệnh viện Từ Dũ.
Hạng sững người, khi thấy dọc hàng ghế bên hành lang khoa phụ sản, nhiều cặp vợ chồng, đang đợi đến lượt xóa tẩy cái nhỡ có. Nhiều cô gái mặt còn non, chắc chưa tới hai mươi lấm lét nhìn Hạng. Hạng đau đớn nghĩ, mấy cô này thuộc dạng khôn ba năm dại một giờ rồi.
Một người phụ nữ mặc blu trắng, đeo tấm biển y sỹ hồi sức, đến gần Hạng:
- Anh tìm bồ, hay bà xã?
Hạng lúng túng:
- Tôi tìm đôi vợ chồng … đứng tuổi …
- Hỏi vầy ai trả lời được. Mỗi ngày tụi này phải moi hàng tá, hàng trăm, cái mà những người đến đây hay nói là của nợ ra, trong đó thiếu chi người đứng tuổi, thậm chí có kẻ tuổi ngả sang chiều. Nhớ sao nổi một đôi vợ chồng.

Hạng bảo:
- Ông ta nông dân ngó bộ chân thật.
Người y sỹ cười chế:
- Tụi tui tiếp đủ mọi tầng lớp, mọi giới, không phân biệt nghề nghiệp, giàu hèn. Còn người đàn ông anh gọi là chân thật, không chính xác đâu. Đẩy người ta vào cảnh dở khóc dở cười, làm sao gọi là chân thật được.
Nhìn giương mặt khổ sở của Hạng, chị y sỹ thanh minh:
- Tui nói giỡn quá lời, anh xá lỗi. Làm việc ở đây căng thẳng muốn bể đầu nên thỉnh thoảng phải cà rỡn để xả bớt ức chế. Anh tính, dứt bỏ một bào thai, dù chưa thành hình người, cũng cảm thấy day dứt lắm chớ. Tui chưa tới bốn mươi, nhưng đã phải nhuộm tóc, thì anh biết áp lực công việc đến cỡ nào rồi. Nhiều lúc tui phải đi chùa kiếm sự bình an dưới bóng Phật nhưng xem ra chưa có kết quả gì. Thành ra, tụi tui nói cà tịch cà tang cho vui, nói hoài rồi quen miệng. Còn người mà anh kiếm chắc xong từ lúc sáng. Giải quyết chuyện ấy lẹ lắm, cỡ vài chục phút chớ mấy.
Hạng đành về nhà. Khoảng tám giờ tối, tiếng chú Tư Được vang lên trong điện thoại:
- Vợ chồng tui về dưới này rồi. Cho mầy hay, tụi tao gặp hên.
Hạng hồi hộp:
- Sao cái chuyện đó… ổn rồi à?
- Gặp hên, hên lớn. Đúng là trong họa có phước. Chừng nào rảnh, mầy ghé xuống đây, tao kể cho nghe.
* * *
Phải hai tháng sau, anh mới đi thăm được gia đình chú Tư Được. Hạng bất ngờ, nhà chú Tư bây giờ là ngôi nhà xây tọa lạc trên khuôn viên rộng bên bờ kênh Bà Xán. Nước ngầu lên màu than. Ngày trước nước từ rừng tràn tuôn ra đỏ au, nước ấy trộn phù sa chảy vào ruộng vườn không loại phân bón nào tốt bằng. Từ khi rừng bị cháy nước đổi màu thế đó. Chú Tư nói. Nhà chú cách khu rừng bị cháy chừng vài cây số. Hạng cảm thấy sởn gáy khi thấy những thân cây cháy đen cắm lên nền trời mùa mưa bung bủng mây lông thú. Có những đàn chim chao qua chao lại, chúng trở về vì nhớ rừng chăng?

Chú Tư Được dẫn Hạng đi xem cơ ngơi. Nhà rộng chừng năm chục mét vuông, có phòng tiếp khách, buồng ngủ, gian bếp, công trình vệ sinh, giếng nước khoan. Chú Tư chỉ cái máy đặt ở gốc phòng ngủ, hỏi Hạng:
- Cậu biết máy gì không ?
Hạng lắc đầu. Chú Tư Được cười giễu:
- Dân thành phố gì mà quê thấy mẹ! Máy mát xa chân đó.
Hạng tròn mắt, sắm được cả máy mát xa chân? Chú Tư Được hể hả:
- Để bả xài trước khi đi ngủ. Tất cả bắt đầu từ hôm đó đó.
- Thím đâu rồi, chú?
- Chắc bả đi đâu đó, đờn bà mang bầu cần đi nhiều để dễ sanh.
Hạng lấy làm lạ, sao thím Tư còn mang cái thai dạo nọ, hay đã mang thai mới? Anh băn khoăn, nhưng không dám hỏi. Chú Tư ngoảnh mặt vào nhà nói như ra lệnh:
- Con Út qua nhà bà Tám kêu thím về, mầy.
Tiếp theo tiếng dạ ngọt xớt, một cô mặc đồ ba ba đen đi ra. Con Út là người giúp việc gia đình tao đó. Bà ấy mang bầu cần có người hầu. Con nhỏ nấu ăn thiệt khéo. Chú Tư nói. Hạng ngạc nhiên, một người chạy họa cháy rừng, nhà cửa, tài sản đều ra tro, phút chốc có nhà cửa đàng hoàng, mướn cả người giúp việc nhà?
Một lúc, thím Tư mang bụng vượt ngực, lặc lè bước về:
- Cậu Hạng, cậu tới hồi nào vậy?
Thím hỏi, miệng cười rất tươi. Đàn bà có mang mà da dẻ đỏ mịn như vậy hẳn được bồi dưỡng tốt lắm. Rồi thím bảo chồng giọng kẻ cả:
- Tới buổi rồi, mình biểu con Út làm thịt gà để tiềm thuốc bắc giùm tui.
Chú Tư cho Hạng hay, đàn bà mang bầu dùng gà ác tiềm thuốc bắc lợi nhất. Mỗi tuần hai cữ, gà ác, phải là gà chân đen, thuốc bắc cắt ở bệnh viện hợp tác với Trung Quốc, mỗi thang thêm một củ sâm Triều Tiên. Còn thức ăn mỗi tuần nên dùng cháo cá chép, cá chép bổ huyết, mạnh thai.
Hạng rụt rè hỏi:
- Lên đây ở, hàng ngày chú làm gì?
Chú Tư Được cười ngạo nghễ:
- Chẳng phải làm gì ráo trọi.
- Vậy mà chú thím sống sung túc quá.
- Ờ, thì đã biểu nhờ bả cả mà. Con người ta nghĩ cũng kỳ thú, có khi gặp may là đổi đời liền…
Thím Tư ngắt lời chồng:
- Mình nói chuyện đó làm gì. Cực chẳng đã mới phải làm vậy. Nhiều đêm tui đứt ruột nát gan. Mà thôi, cậu Hạng ở thành phố xuôi đây có chuyện chi vui kể cho tụi tui nghe với.
Rõ ràng thím Tư muốn dấu chuyện gì đó và cố lảng qua chuyện khác.
Chú Tư Được kéo Hạng ra cái quán gần nhà. Chú gọi đồ nhậu tiếp Hạng:
- Uống đi, uống cho thiệt đã. Đời này phúc họa lường sao nổi.
Chú Tư uống cạn liền hai ly cối rượu. Mặt chú căng ra, bất cần. Hạng nâng ly rượu nhưng không uống nổi. Anh lặng ngắm người nông dân mà anh coi như bà con thân thuộc, ngày trước chú Tư có uống rượu, nhưng uống nhẩn nha như thưởng rượu, chứ đâu phải uống để lấp đi nỗi niềm như bây giờ.
- Từ khi mất rừng, tui như chim không tổ, như cá bị vớt khỏi ao đìa, người chống chếnh. Phải lấy chất men này để khỏa lấp rầu. May mà có tiền, rất nhiều tiền, để nhậu. Ngày hôm đó là ngày đại hên của gia đình tui.
*
* *
Hạng trở về thành phố nhưng lòng dạ không yên. Vợ chồng chú Tư Được vừa thoát khỏi giặc hỏa, tự nhiên giàu có vậy, là chuyện bất thường. Vốn giàu óc tưởng tượng, Hạng nghĩ, hay là bữa đó chú thím lượm được của rơi, món của lớn, hay đứa nào dụ vào đường dây buôn bán ma túy. Và chỉ có vậy họ mới phất lên nhanh như thế. Nhưng rồi Hạng gạt ngay ý nghĩ ấy, chú thím đều là người thật thà, chất phác, đời nào làm những việc như vậy.

Rồi một hôm, chú Tư Được gọi điện mời Hạng xuống nhà dự lễ đầy tháng cháu bé. Thằng nhỏ bụ lắm, lúc lọt lòng cân nặng ba ký hai, cậu à? Có lẽ nhờ khi mang bầu má nó được bồi dưỡng nhiều, nhứt là món gà ác tiềm thuốc bắc và cháo cá chép. Chú Tư nói. Hạng mừng cho chú có thêm một đứa con, thêm một đứa con, gia đình thêm phước. Chú Tư hào hứng kể cho Hạng nghe cái đêm vượt cạn, chú để cho vợ dựa lưng vào ngực mình gần trọn đêm. Làm vậy để đàn bà được tiếp thêm sức mà sanh dễ hơn. Tui học theo tục của người Khmer đó, cậu! Khi Hạng hỏi tên cháu bé, giọng chú Tư nghẹn lại, thốt ra tiếng nức. Hạng lo lắng hỏi, nhưng chú vội đặt máy.
Hạng đến U Minh lúc trời đã xế chiều. Anh thấy nhà chú Tư Được như có lễ tết. Trước sân cất sạp lợp lá dừa nước, rất đông người ngồi bên những bộ bàn ghế nhưng mọi người đều nói năng rất nhỏ, nhiều khuôn mặt như tạc bằng nỗi buồn. Bên chái nhà, ở mé vườn dựng nhiều cái bếp, các bà, các chị đang nấu nướng trong những cái nồi, chảo lớn.
Chú Tư Được nắm tay Hạng:
- Cậu tới lúc này, vợ chồng tui đỡ tủi.
Sao lại đỡ tủi? Hạng nghĩ, và anh lấy gói quà:
- Thằng bé đâu, cháu có cái xơ tặng cháu.
Chú Tư Được nghẹn ngứ:
- Người ta đưa nó đi rồi!
- Ai đưa?

Chú Tư đưa tay nắm cây cột sạp như để có thêm điểm tựa cho vững:
- Cái hôm tui đưa bà xã tới bệnh viện Từ Dũ, gặp một cặp vợ chồng người Đức, gia đình họ giàu lắm, nhưng không có con, họ qua đây để kiếm con nuôi. Họ mua cái bầu của bà xã tui năm ngàn đô, và chu cấp tiền nuôi bà ấy mỗi tháng năm trăm đô, cho tới khi sanh được một tháng. Lúc đầu vợ chồng tui ngốt, chắc họ giỡn chơi. Nhưng rồi biết họ nói thiệt. Nhiều người đã bán bụng bầu như thế. Vợ chồng tui bàn nhau để cho họ còn hơn bỏ đi. Bỏ con, dù là chưa thành hình cũng đau đớn lắm, mang trọng tội. Để cho họ mình vừa có tiền, con mình sau này biết đâu sẽ sung sướng nơi xứ người. Hôm qua họ đến đây làm thủ tục nhận con nuôi, thực chất là để đưa thằng bé đi một cách hợp pháp. Sáng nay, sau khi làm lễ đầy tháng, người ta đã đưa thằng bé đi.
Nụ cười mếu đóng băng trên môi chú Tư.
Một người đàn ông kéo Hạng ngồi vào bàn:
- Chuyện đau lòng đó cho qua! Cậu lai rai vài ly với tụi tui. Tụi tui đều là dân mất rừng đang sống nhờ vào tiền cứu trợ đây.

Chú Tư Được ngồi xuống gần Hạng. Hạng chỉ nhấp một ngụm rượu nhỏ, cổ anh đắng ngắt. Anh nhìn ra xa, chiều đang cuốn những vạt nắng vàng mơ lại. Cánh rừng xưa kia giờ đã biến thành trảng tro bụi đen đặc. Có rất nhiều dáng người lom khom giữa vùng đất cháy ấy.
Chú Tư Được nói:
- Công nhân lâm trường đang coi đất để trồng cây đó. Tụi tui sẽ phục hồi lại rừng. Chỉ có rừng người dân xứ này mới sống được, phải không, cậu
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top