• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Có một thế giới Kinh Bắc với truyền thống văn hóa nghệ thuật lâu đời, với một vẻ đẹp cổ kính trong t

thich van hoc

Moderator
Qua bài thơ Bên kia sông Đuống, em hãy làm sáng tỏ ý kiến “Người ta nói có một thế giới Kinh Bắc với truyền thống văn hóa nghệ thuật lâu đời, với một vẻ đẹp cổ kính trong thơ Hoàng Cầm”.

Bài làm:

Ai một lần về với Kinh Bắc, một lần đến với Đông Hồ làng tranh,…và ai một lần đắm chìm trong âm hưởng ngọt ngào tha thiết của dân ca quan họ Bắc Ninh thì khi ấy mới hiểu được vì sao Hoàng Cầm nặng lòng cùng quê nhà. Bởi dòng dân ca quê hương truyền thống đã chở nặng nét đẹp dân gian, những nét văn hóa ngàn đời đi vào tâm hồn nhà thơ từ những ngày nhỏ dại. Nặng tình cùng Kinh Bắc nên vào một đêm giữa tháng 4 năm 1948, khi nghe tin giặc tàn phá quê hương, những đợt sóng lòng cuồn cuộn tuôn trào ào ạt chảy chảy từ trái tim nhà thơ, tràn qua thi phẩm. Bên kia sông Đuống – một dấu ấn của hồn thơ Hoàng Cầm – một bức tranh Kinh Bắc.

Có lẽ từ đó mà đã có ý kiến cho rằng:

“ Người ta nói có một thế giới Kinh Bắc với truyền thống văn hóa nghệ thuật lâu đời, với một vẻ đẹp cổ kính trong thơ Hoàng Cầm”.

Phải chăng, người ta có thể cảm nhận sâu sắc về Kinh Bắc dưới ngòi bút thơ Hoàng Cầm qua cái nền sông Đuống.

Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ.


Đã có biết bao dòng sông từng chảy tràn trong thơ ca nghệ thuật. Khác với dòng sông của đời thường, chỉ một dòng tuôn chảy – những con sông thơ cũng đến từ đời thực nhưng qua tâm hồn thi sĩ, bước vào trang thơ và hóa thành thể có hồn, có cảm xúc. Thì khi ấy, sông mới hiểu lòng người, mới hiểu sự đời, và không còn thản nhiên trôi chảy. Sông Đuống cũng thế. Và có thể dưới ngòi bút Hoàng Cầm, sông Đuống đã hóa thành bất tử trong văn chương nghệ thuật.

Sông Đuống có hồn – và điệu hồn ấy toát lên từ dáng “ nằm nghiêng nghiêng”. Tại sao lại là “ nằm nghiêng nghiêng “? Và vì sao mà trong mạch thơ ào ạt tuôn chảy ra trang giấy giữa đêm khuya Việt Bắc những ngày kháng chiến trường kỳ, trào dâng những cảm xúc sâu lắng, Hoàng Cầm chỉ nghĩ và chỉ dùng từ láy “nghiêng nghiêng” để diễn tả dáng sông Đuống? Đây chính là một nét sáng tạo của thi sĩ. Không nằm phẳng lặng, bình thường như bao con sông khác, dòng sông Đuống trong dáng “ nghiêng nghiêng” như đã ôm trọn mọi nỗi niềm trăn trở, thao thức của con người và quê hương Kinh Bắc. “Nằm nghiêng nghiêng”, sông Đuống in bóng cuộc đời, chảy vào trang thơ giữa hai bờ thực và ảo. Bởi lẽ, sông Đuống tràn ra từ nỗi nhớ, niềm xót xa của người thơ Kinh Bắc. Và cũng vì thế, sông Đuống chảy suốt thi phẩm, mang theo tất cả những hình ảnh, những đường nét, những sắc màu của vẻ đẹp cổ kính quê hương Kinh Bắc.

Kinh Bắc – vùng đất của nỗi nhớ và niềm thương trong tâm hồn nhà thơ.

Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.


Bằng những nét vẽ rất đời, rất thực hòa trong tình yêu và nỗi nhớ, Hoàng Cầm đã phác họa một bức tranh quê hương Kinh Bắc thanh bình thật sống động. Quả thực, người ta có thể cảm nhận được nét trù phú, ấm no của vùng Kinh Bắc ngay từ câu “ Quê hương ta lúa nếp thơm nồng”. Vì nồng thơm của đồng lúa làm toát lên nét bình yên, ôn hòa, no ấm của quê hương nhà thơ.

Từ góc độ nhìn về quê hương trong cuộc sống trù phú ấm no, nhà thơ lại đi tìm một nét đặc trưng văn hóa nghệ thuật của vùng Kinh Bắc: tranh Đông Hồ đã trở thành nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống của vùng Bắc Ninh nói riêng và của nền văn hóa dân tộc nói chung. Không chỉ đơn thuần là nghệ thuật hội họa mà tranh Đông Hồ còn là những bức tranh đời tươi màu hiện thực in trên giấy điệp.

Bởi lẽ trong đó, cuộc sống lao động được khắc họa đậm nét dưới góc nhỉn rất thực của người nghệ sĩ dân gian. Và như thế, những bức tranh gà lợn ấy đã mang trong nó những ước mơ, những tình cảm của người lao động xưa mong một cuộc sống yên vui, sum vầy, hạnh phúc.

Với những đường nét “ tươi trong” và những gam màu tươi đậm được pha chế từ đời thực. Tranh Đông Hồ đã trở thành một yếu tố tạo nên vẻ đẹp cổ kính, nét đẹp truyền thống văn hóa nghệ thuật trong hoàn cảnh thế giới Kinh Bắc.

Trên từng đường nét gợi tả, thế giới Kinh Bắc “ sáng bừng” lên một sắc màu thật đặc biệt: “ màu dân tộc” . “ Màu dân tộc” đã làm cho bức tranh quê của thơ Hoàng Cầm mang một nét đặc sắc riêng. Phải chăng “ màu dân tộc” ấy là sự tổng hòa của muôn màu sắc từ cuộc sống Viêt Nam, từ mỗi góc đời, mỗi mảng hồn của người nghệ sĩ dân gian? “ Màu dân tộc” đã làm “ bừng sáng” bức tranh đời và tranh nghệ thuật. Có thể nói Hoàng Cầm đã cảm nhận và khắc họa tranh Đông Hồ từ độ sáng, còn trước đó Tú Xương khi viết về tranh Đông Hồ.

Om sòm trên vách bức tranh gà

Lại cảm nhận và khắc họa từ âm thanh “ om sòm”. Bởi thế mà có thể khẳng định tranh Đông Hồ không chỉ thể hiện nét sáng tạo, sự cảm nhận tinh tế của Hoàng Cẩm mà nó còn in đậm dấu ấn văn hóa dân gian vào bức tranh Kinh Bắc, cùng với nét đẹp cổ điển của nó.

Không chỉ tái tạo Kinh Bắc trù phú tươi đẹp về vật chất, nhà thơ còn đưa hồn độc giả cùng hòa nhập vào thế giới tinh thần tưng bừng, rộn ràng của quê hương ông.

Những hội hè đình đám
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp
Giữa huyện Lang Tài.


Quả thực, đến đây thì sắc màu Kinh Bắc đã hiện lên rất đa dạng và đậm chất truyền thống. Đời sống tinh thần của vùng quê Kinh Bắc rộn ràng, phong phú, những hội hè đình đám diễn ra ở mọi nơi trên núi Thiên Thai, trong chùa Bút Tháp, giữa huyện Lang Tài. Những trạng từ trên , trong, giữa cùng với những địa danh núi Thiên Thai, chùa Bút Tháp, huyện Lang Tài đã làm độc giả như cảm động, như choáng ngợp giữa một cuộc sống tưng bừng, nhộn nhịp những lễ hội truyền thống dân gian. Và từ đó mà chất cổ kính đã toát lên, rồi lan tỏa trên trang thơ.

Có thể nói truyền thống văn hóa nghệ thuật, nét đẹp cổ kính bước ra từ hình ảnh quê hương Kinh Bắc, từ tranh Đông Hồ, từ những lễ hội đậm sắc dân gian…thế giới Kinh Bắc đã tỏa sáng trong thơ Hoàng Cầm. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây thì dường như bức tranh Kinh Bắc đã chưa thật hoàn chỉnh. Phải có những con người.

Những nàng môi cắn chỉ quết trầu
Những cụ già phơ phơ tóc trắng
Những em sột soạt quần nâu.


Sự xuất hiện của con người quê hương đã làm bức tranh Kinh Bắc thêm phần sống động và đậm chất dân dã, dung dị. Từ những nét đẹp của cô gái “ môi cắn chỉ quết trầu”, của em “ sột soạt quần nâu” người ta mới cảm nhận được hết vẻ đẹp cổ kính bình dị và sâu sắc màu cái no ấm, thanh bình của những góc đời Kinh Bắc muôn năm cũ.

Có thể nói nét đẹp truyền thống của Kinh Bắc không chỉ thể hiện ở cảnh vật, ở tranh…mà nó còn bộc lộ từng nét mặt, đặc biệt là vẻ đẹp trên gương mặt cô gái vùng quê quan họ.

Ai về bên kia sông Đuống.
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
…Cười như mùa thu tỏa nắng.


Phải chăng những nét đẹp toát ra từ cô gái Bắc Ninh trong thơ Hoàng Cầm cũng là quệt màu tươi sáng để tô đậm thêm nét truyền thống của Kinh Bắc? Quả thực, hình ảnh cô gái Kinh Bắc hiện lên thật đẹp dưới nét khắc họa của nhà thơ qua dáng mặt và nụ cười. Có lẽ, nét đẹp của trời đất Kinh Bắc yên ả, cùng với nét đẹp của truyền thống, của con người Kinh Bắc đã toát ra từ khuôn mặt cô gái. Nét tươi torng hiện trên “ khuôn mặt búp sen” thanh nhã, hiền hòa. Và sức sống hơi thở mùa thu quê hương đã toát lên từ nụ cười của cô gái Bắc Ninh.

Con người Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm thật bình dị, hiền hòa. Nhưng những chính con người ấy mà bức tranh thế giới Kinh Bắc đã ôm trọn những nét đẹp truyền thống văn hóa nghệ thuật lâu đời với vẻ đẹp cổ kính ẩn chứa trong từng dòng thơ.

Bất cứ ai khi nghĩ về Kinh Bắc là nghĩ đến mảnh đất quyện trong dòng chảy ngọt ngào của khúc dân ca quan họ truyền thống. Trong toàn cảnh Kinh Bắc, trong suốt bài thơ Bên kia sông Đuống, Hoàng Cầm đã không trực tiếp nhắc đến điệu dân ca ấy. Phải chăng chính âm hưởng ngọt ngào của dân ca quan họ đã góp phần làm nên chất hồn Kinh Bắc? Và như thế tạo sao nó không có trên bề mặt ngữ nghĩa thi phẩm Bên kia sông Đuống? Nên nhớ rằng, Hoàng Cầm từng nói: Chất dân ca, ca dao đã thấm đẫm trong tâm hồn tôi từ những ngày nhỏ dại: thì chúng ta phải chăng nên cảm nhận về dòng dân ca quan họ Bắc Ninh dưới một góc độ khác. Bằng nhịp điệu hay bằng âm thanh? Qua hình ảnh hay trong âm hưởng thơ? Có lẽ, chất dân ca ấy đã quyện hòa và chảy trong chiều sâu toàn bài thơ với những câu dài ngắn khác nhau theo nhịp độ cảm xúc khi trào dâng khi trầm lặng của Hoàng Cầm.

Cảm nhận về bức tranh Kinh Bắc dưới nhiều góc độ, khi tâm hồn ta đã hòa cùng tâm hồn thi sĩ, để cảm thông, để đồng điệu, thì phải chăng trong tâm tưởng mỗi chúng ta đã xuất hiện một vùng quê Kinh Bắc. Như thế Kinh Bắc đã thực sự sống torng lòng người đọc với nét đẹp truyền thống, cổ kính vốn có.

Từ dòng chảy của sông Đuống, quê hương Kinh Bắc bước vào thơ Hoàng Cầm với những độ cảm nhận rất riêng, rất đặc trưng. Bức tranh thế giới Kinh Bắc lung linh nét đẹp văn hóa truyền thống cổ kính đã làm bừng sáng thi phẩm Bên kia sông Đuống. Từ tình yêu và nỗi nhớ, Hoàng Cầm đã thực sự đưa độc giả đến với thế giới Kinh Bắc bằng một điệu hồn đồng điệu. Nhà thơ đã tạo một bức tranh quê hương Kinh Bắc bằng xúc cảm mãnh liệt, chân thành. Bức tranh ấy mãi tỏa sáng torng lòng người yêu quê hương đất nước, yêu truyền thống văn hóa nghệ thuật và yêu thơ.


Nguồn: Trần Thị Thư ( Trường chuyên Lê Hồng Phong – TP Hồ Chí Minh.)*
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top