• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Áo Dài

Cộng tác viên
Thành viên BQT
Một số nhà nghiên cứu cho rằng vào thế kỷ XIX xuất hiện ba tên tuổi lớn, thực hiện cải tổ trong triết học và khoa học sự sống, đó là A. Comte (1798 - 1857), K. Marx (1818 - 1883), Ch. Darwin (1809 - 1882). A. Comte là người sáng lập chủ nghĩa thực chứng. Chủ nghĩa thực chứng đặt ra hai nhiệm vụ là nêu và chứng minh tri thức đích thực; phê phán, tiến tới thủ tiêu tri thức tầm thường, với sự hỗ trợ của lôgíc học.

Để tìm hiểu sâu hơn về chủ nghĩa thực chứng, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.
(Sưu tầm)


received_911953343074229.jpeg
Auguste Comte (1798 – 1857) là một nhà tư tưởng Pháp, người tạo ra ngành xã hội học, nhà thực chứng luận

Trong các trường phái triết học theo chủ nghĩa duy khoa học, trường phái có ảnh hưởng lớn và lâu nhất là chủ nghĩa thực chứng (Positivism).

Các nhà triết học thực chứng cho rằng, chỉ có các hiện tượng hoặc sự kiện, mới là “cái thực chứng”, do đó họ không thừa nhận bất cứ cái gì ngoài hiện tượng, không thừa nhận bản chất của sự vật, họ muốn lẩn tránh vấn đề cơ bản của triết học, muốn loại trừ vấn đề thế giới quan ra khỏi triết học truyền thống. Auguste Comte cho rằng, triết học phải lấy các sự vật “thực chứng”, “xác thực” làm căn cứ.

Chủ nghĩa thực chứng ra đời từ thế kỷ XIX. Cùng với sự phát triển của khoa học tự nhiên ở thế kỷ XX, nhất là sự ra đời hình học phi Euclite, thuyết tương đối, cơ học lượng tử, phương thức tư duy truyền thống đã bị tác động rất mạnh. Các phương pháp toán học, phương pháp logic toán trở thành phương pháp đặc biệt quan trọng trong khoa học tự nhiên. Tuyệt đối hóa điều đó, một số nhà triết học đã cho rằng, chính việc nghiên cứu các phương pháp đó mới là nhiệm vụ, nội dung chủ yếu của triết học. Thậm chí có nhà triết học còn cho rằng, việc toán học hóa, logic học hóa triết học mới là lối thoát của triết học hiện đại.

Trong các nhà triết học chủ trương logic học hóa triết học có một số người nhấn mạnh việc phân tích ngôn ngữ. Trường phái coi việc phân tích logic ngôn ngữ là nội dung trung tâm của triết học được gọi là chủ nghĩa thực chứng mới, hoặc triết học phân tích.

Triết học phân tích được hình thành vào đầu thế kỷ XX. Trong số các nhà sáng lập thì Bertrand Russell và Ludwig Wittgenstein là hai người có ảnh hưởng lớn. Rớtxơn coi nhiệm vụ phân tích hình thức và phân tích logic là nội dung chủ yếu của triết học. Ông chủ trương lấy logic toán – lý hiện đại làm cơ sở sáng tạo ra ngôn ngữ nhân tạo để đảm bảo sự nhất trí giữa cấu trúc cú pháp của mệnh đề và hình thức logic của nó.

Đến những năm 20 của thế kỷ XX, trong triết học phân tích đã xuất hiện một chi phái lớn: Chủ nghĩa kinh nghiệm logic, hoặc còn gọi là chủ nghĩa thực chứng logic.

Chủ nghĩa thực chứng logic sử dụng những thành quả của toán học, đặc biệt là của logic toán lý từ đầu thế kỷ XX đến nay, đem tất cả các tri thức quy thành các mệnh đề có thể dùng logic toán để biểu thị. Trên cơ sở đó, triết học chỉ còn nhiệm vụ tiến hành sự phân tích kết cấu logic đối với tất cả mọi mệnh đề khoa học dựa trên các tài liệu thực chứng (kinh nghiệm).

Trước và sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trong triết học phân tích đã xuất hiện phái ngôn ngữ học thường ngày. Các đại biểu của phái này đều là các giáo sư trường Đại học Oxford cho nên trường phái đó cũng được gọi là trường phái Oxford. Những người theo chủ nghĩa thực chứng logic thường phê phán các khái niệm của ngôn ngữ tự nhiên là mơ hồ, không rõ ràng, nên không phù hợp với tư duy chính xác. Trái lại, trường phái ngôn ngữ lại nhấn mạnh tính phong phú của khái niệm và sự phân biệt tỉ mỉ giữa các khái niệm trong ngôn ngữ tự nhiên. Nếu chủ nghĩa thực chứng logic quy nhiệm vụ triết học thành sự phân tích logic, thì trường phái ngôn ngữ luôn luôn quy triết học thành sự phân tích ngôn ngữ tự nhiên, cả hai đều phủ định ý nghĩa thế giới quan của triết học.

Các trường phái triết học khoa học có ảnh hưởng lớn đến triết học phương Tây, bao gồm các đại biểu như Karl Popper, Thomas Kuhn và Imre Lacatos, v.v.. Học thuyết, quan điểm của họ không giống hệt nhau, nhưng cái giống nhau ở họ là đều phản đối chủ nghĩa thực chứng logic, vì chủ nghĩa thực chứng logic chỉ tiến hành phân tích logic ở trạng thái tĩnh đối với lý luận khoa học, không quan tâm nghiên cứu sự phát triển của tri thức khoa học, cho rằng các tri thức khoa học chỉ tích luỹ về lượng. Họ cho rằng khoa học tiến bộ thông qua con đường cách mạng trong tri thức, do đó phải tiến hành sự phân tích lịch sử khoa học theo trạng thái động, thông qua giải quyết mâu thuẫn.

Chúng ta đều biết, trong xã hội tư sản hiện đại, một mặt đang tồn tại cuộc khủng hoảng xã hội trầm trọng, nhưng mặt khác, khoa học tự nhiên lại có sự tiến bộ to lớn. Đứng trước mâu thuẫn đó, một số nhà triết học cảm thấy bó tay không có cách gì giải quyết. Về mặt lý luận, họ chán ghét loại triết học thuần túy tư biện, cho rằng loại triết học này căn bản không thể góp phần giải quyết những vấn đề xã hội đặt ra. Trong khi đó, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học tự nhiên lại đưa đến cho họ niềm hy vọng và chỗ dựa tinh thần mới. Vì vậy, họ chuyển hướng nghiên cứu triết học từ phương diện thế giới quan sang phương diện phương pháp luận của khoa học. Một loạt trường phái và phong trào được gọi là chủ nghĩa duy khoa học đã ra đời trong hoàn cảnh đó.

Ngoài bối cảnh xã hội, còn một nguyên nhân nữa xuất phát từ đặc điểm của khoa học tự nhiên hiện đại. Sự phát triển nhanh chóng của nhiều môn khoa học mới, sự phân công trong nội bộ khoa học ngày càng tỷ mỷ hơn, sự ứng dụng rộng rãi toán học và logic toán, việc khoa học ngày càng đi sâu hơn vào kết cấu vật chất, vai trò của mô hình và kết cấu lý luận tăng lên, v.v.. Tất cả những điều đó đòi hỏi các môn khoa học thực chứng không những phải nghiên cứu những nội dung cụ thể mà còn phải nghiên cứu những vấn đề chung của khoa học, đặc biệt là vấn đề phương pháp luận nhận thức của khoa học. Chủ nghĩa duy khoa học dựa vào yêu cầu mới đó trong khoa học tự nhiên hiện đại để đưa ra các quan điểm triết học thực chứng của mình.

Chủ nghĩa duy khoa học đã có công đi sâu nghiên cứu và tiếp thu nhiều thành quả trong toán học và trong các khoa học tự nhiên hiện đại, nêu ra nhiều vấn đề mới cho triết học, mở ra nhiều hướng mới cho sự phát triển triết học duy vật và phép biện chứng. Trong đó, có thể nói những nhân tố tích cực, triết học Mác có thể tiếp thu và sử dụng. Tất nhiên, trào lưu triết học này có một mâu thuẫn, do đó cũng là sai lầm không thể khắc phục được: do muốn phá vỡ một số công thức của triết học truyền thống, nên đã cực đoan phủ nhận ý nghĩa thế giới quan của triết học, tức là phủ nhận bản thân triết học. Mặc dù những nhà triết học sau Popper và Kuhn đã chú ý đến ý nghĩa thế giới quan của triết học đối với khoa học, nhưng do thiếu quan điểm duy vật lịch sử nên họ không có cách nào thoát khỏi tính hạn chế đó. Vì vậy chủ nghĩa duy khoa học không thể mở ra một con đường mới thực sự đúng đắn cho sự phát triển của triết học.

Bài viết trên cung cấp cho bạn thêm hiểu biết về chủ nghĩa thực chứng. Tìm hiểu hơn về chủ nghĩa này đã giúp bạn có kiến thức về triết học phương Tây nói riêng và triết học nói chung. Chúc bạn học tập thật tốt !
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top