• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Cảm nghĩ của em về nhân vật Hoạn Thư trong đoạn trích Thuý Kiều báo ân báo oán

Thandieu2

Thần Điêu
Xu
36
Cảm nghĩ của em về nhân vật Hoạn Thư trong đoạn trích "Thuý Kiều báo ân báo oán"


BÀI LÀM

Thuý Kiều báo ân báo oán là một trong những đoạn trích đặc sắc của Truyện Kiều. Ở đây, Nguyễn Du không chỉ dựng lên một cách sinh động, sắc nét cuộc trả ơn báo oán của Thuý Kiều mà thêm một lần nữa, tài năng khắc hoạ nhân vật, nghệ thuật miêu tả tâm lí bậc thầy của Đại thi hào dân tộc lại làm người đọc ngưỡng mộ. Trong đoạn trích, bên cạnh một nàng Kiều thông minh, nhân hậu, một Thúc Sinh nhu nhược và nhiều nhân vật khác, ta thấy nổi bật lên một Hoạn Thư sắc sảo, khôn ngoan, giảo hoạt.

Sau khi trả ơn, hậu tạ những người đã cứu giúp mình, Thuý Kiều thực hiện việc báo oán, trừng trị những kẻ xấu, kẻ ác đã gây bao sóng gió, đớn đau cho đời nàng. Thanh gươm vô tư vừa nhẹ nhàng cho mời đến Thúc Lang nay đã ở trong tư thế quyết liệt, sẵn sàng trị tội tiểu thư con gái quan Lại Bộ thượng thư. Không phải ngẫu nhiên, Hoạn Thư là người đầu tiên bị Thuý Kiều lôi ra xét xử. Trong truyện, những kẻ lừa dối, đoạ đày Thuý Kiều rất nhiều nhưng có lẽ lúc này, Hoạn Thư là kẻ gây ra vết thương mới nhất trong lòng Kiều. Hoạn Thư không chỉ đánh đập, hành hạ thể xác Kiều mà thâm hiểm hơn, Hoạn Thư còn đoạ đày Kiều cơ cực về tinh thần, nên Kiều mới đau đớn cay đắng như vậy. Cái cảnh : Cùng trong một tiếng tơ đồng - Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm Kiều không bao giờ quên.

Thế là Hoạn Thư bị điệu ra với tư cách tội nhân trong tình cảnh trớ trêu. Thuý Kiều - con ở, vợ lẽ của chồng, người từng bị "làm cho đau đớn ê chề" nay đã trở thành phu nhân, một vị quan toà. Còn Hoạn Thư từ địa vị vợ cả, chúa nhà trở thành bị cáo, kẻ bị xét xử, phải khấu đầu dưới trướng. Cùng với tình thế bất lợi đó là những lời mỉa mai, đay nghiến của Thuý Kiều báo trước tính chất quyết liệt của cuộc báo oán đầu tiên này.

Trong tình thế "Dưới cờ gươm tuốt nắp ra" đầy tính đe doạ, Hoạn Thư là "chính danh thủ phạm" không khỏi "hồn siêu phách lạc". Tuy nhiên, vốn khôn ngoan, giảo hoạt, sau phút sợ hãi, Hoạn Thư đã nhanh trí suy tính, "liệu điều kêu ca" thoát tội. Khi Hoạn Thư bắt đầu cất tiếng, người đọc có cảm tưởng mụ không phải là một bị cáo mà là một luật sư tài giỏi đang tự bào chữa cho mình :

Rằng : "Tôi chút phận đàn bà
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình

Hoạn Thư đã khéo léo biện dẫn nét tâm lí có tính phổ biến ở nữ giới để gỡ tội. Ghen tuông là thói thường tình của đàn bà. Điều này thật dễ thừa nhận. Một người thông minh, lại từng phải chịu cảnh chồng chung như Thuý Kiều càng không thể không thừa nhận. Dân gian đã đúc kết: “Ớt nào là ớt chẳng cay / Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng". Thói ghen tuông của Hoạn Thư, bởi vậy đâu có gì ghê gớm mà chỉ là thói thường của phụ nữ, kể cả Thuý Kiều. Với lí lẽ này, Hoạn Thư đã phần nào xoá bỏ được sự đối nghịch giữa Kiều và Hoạn Thư, đưa Kiều từ một vị quan toà trở thành một người cùng cảnh "phận đàn bà" với bị cáo. Nếu trước khi Hoạn Thư nói, thế mạnh đang nghiêng hẳn về phía Kiều thì chỉ với lí lẽ này, Hoạn Thư tạo được một thế trận mới. Sự khôn ngoan, tỉnh táo của Hoạn Thư là ở chỗ đưa "ghen tuông đàn bà" lên thành nguyên nhân chính, có tính tính chính đáng trong mối quan hệ tay ba giữa Thuý Kiều - Thúc Sinh - Hoạn Thư.

Sau khi đã kéo Thuý Kiều cùng chịu trận, Hoạn Thư tiếp tục gỡ tội bằng cách kể công:

Nghĩ cho khi gác viết kinh

Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.

Quả thật, tuy mục đích là để giữ cho gia đình êm ấm, gìn giữ tiếng thơm cho cá nhân mình, nhưng dù sao, Hoạn Thư cũng đã mở đường thoát cho Kiều. Mụ ta đã cho Kiều ra viết kinh ở gác Quan Âm, không chạy theo bắt giữ khi nàng bỏ trốn. Điều đó chứng tỏ Hoạn Thư cũng biết người biết của và chưa đến nỗi táng tận lương tâm. Điều này Kiều cũng không thể không thừa nhận, không thể không biết.

Vừa kể công, Hoạn Thư vừa tranh thủ tình cảm của Thuý Kiều :

Lòng riêng, riêng những kính yêu ,
Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai!



Lại một lí lẽ sắc bén. Lần này, Hoạn Thư một lần nữa vừa biện hộ bằng quy luật tâm lí phổ biến (chồng chung không dễ ai chiều cho ai, kể cả Thuý Kiều) vừa tranh thủ thổ lộ tình cảm đối với Kiều. Quả thật, trong những kẻ hành hạ Thuý Kiều, hình như Hoạn Thư là người duy nhất mến phục tài, tình của nàng:

Tiểu thư xem cũng thương tài
Khuôn uy dường cũng bớt vài bốn phân



Chí ít, Hoạn Thư đã có 3 lần thừa nhận tài năng Thuý Kiều. Thâm tâmthì kính yêu, nhưng chồng chung thì khó nhường. Với kinh nghiệm của Kiều, điều này lại cũng rất dễ thừa nhận.

Sau khi viện dẫn tất cả những lí lẽ sắc bén, vừa kể công, vừa nhận tội nhưng là tội theo lẽ thường, ai ai cũng có thể mắc phải kể cả Thuý Kiều, cuối cùng, Hoạn Thư nhận lỗi về mình, chỉ còn biết trông chờ vào tấm lòng khoan dung, độ lượng của Kiều:

Trót lòng gây việc chông gai
Còn nhờ lượng kể thương bài nào chăng!"

Như vậy, trong lập luận của Hoạn Thư có tiến có thoái, có tình có lý đủ cả. Cái lí cuối cùng nằm ở chỗ : Dù việc làm "của tôi" có chính đáng đi chăng nữa thì cũng đã "trót" gây ra bao đau đớn cho phu nhân. Bởi vậy, nhận lỗi xong, Hoạn Thư khơi gợi lòng từ bi, đại lượng rộng lớn như biển cả của Thuý Kiều : "Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng". Đến đây, Hoạn thư đã đánh vào cả tình cảm và sĩ diện của Thuý Kiều : Dù nói gì đi chăng nữa, con đường thoát duy nhất "của tôi" cũng là tấm lòng trung hậu của phu nhân.

Như vậy, từ một bị cáo hồn siêu phách lạc, Hoạn Thư đã dần lấy được bình tĩnh, tự biện hộ cho mình bằng một loạt những lĩ lẽ sắc bén, những dẫn chứng sinh động, dần dần làm chủ hoàn cảnh, thay đổi thế trận. Chỉ trong tám câu thơ, Hoạn Thư đã rào trước đón sau, tình riêng lí chung, tội mình lượng người ... đầy đủ, hợp lí, đến nỗi Kiều cũng phải tấm tắc khen ngợi :

Khen cho thật đã nên rằng

Khôn ngoan rất mực nói năng phải lời.
Đúng như ngay từ đầu, Nguyễn Du đã giới thiệu Hoạn Thư:
Ở ăn thì nết cũng hay
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già.



Con người ấy trong tình thế căng thẳng, hiểm nguy đã bình tĩnh, khôn khéo dùng lời lẽ để tự cứu mình khỏi sự trừng trị của lưỡi gươm công lí. Bằng chứng là, lúc đầu, Kiều tỏ vẻ cương quyết trừng trị Hoạn Thư, rằng "mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa". Nhưng cuối cùng, Kiều đã đi đến quyết định "Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay''. Tất nhiên, Hoạn Thư thoát tội là nhờ tấm lòng nhân hậu, cách cư xử cao thượng của Thuý Kiều. Tuy nhiên, kết quả đó một phần còn nhờ ở sự tự cứu mình của một con người sắc sảo, khôn ngoan, chủ động trong mọi tình thế.

Không cần miêu tả dài dòng, chỉ thông qua 8 câu thơ, thông qua ngôn ngữ đối thoại, Nguyễn Du đã khắc hoạ nổi bật tính cách, cá tính của nhân vật. Đọc đoạn thơ, người đọc nhớ mãi một Hoạn Thư khôn ngoan mà sâu sắc, cứng cỏi mà giảo hoạt ; đáng ghét mà cũng thật đáng phục. Đúng như nhận xét của GS.Đặng Thanh Lê, "với màn trả ơn báo oán, Hoạn Thư đã xuất hiện lần cuối cùng trong truyện và tính cách được hoàn chỉnh một cách tuyệt diệu dưới ngòi bút tài tình của thi hào họ Nguyễn".


Sưu tầm
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top