• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Chia Sẻ Cách tiếp cận nhân vật trong tác phẩm tự sự

Ngọc Suka

Cộng tác viên
sach.jpg


Cách tiếp cận nhân vật trong tác phẩm tự sự
Phan Huệ Chi - THPT Chuyên

1. Một số vấn đề lý thuyết
1.1. Vài nét về tác phẩm tự sự

Trong một số công trình Tự sự học (Narratology), thuật ngữ “tự sự” (Narration) được dịch là “trần thuật”. Theo đó nhiều người đã gọi “tác phẩm tự sự” là “tác phẩm trần thuật”. Cả hai thuật ngữ này đều chỉ cùng một nội dung: tác phẩm có cốt truyện, có người kể chuyện. Chúng ta cần xác định rõ hơn về vấn đề này. Cụ thể, “tự sự” là phương thức tái hiện đời sống bên cạnh hai phương thức khác là trữ tình và kịch, được dùng làm cơ sở để phân loại tác phẩm văn học; còn “trần thuật” là hành động diễn ngôn tự sự được thực hiện bởi một (hoặc nhiều) người kể chuyện giữ vai trò trung gian giữa người sáng tác với những chuyện được kể trong tác phẩm.


Nếu tác phẩm trữ tình phản ánh hiện thực trong sự cảm nhận chủ quan về nó thì tác phẩm tự sự lại tái hiện đời sống trong toàn bộ tính khách quan của nó. Tác phẩm tự sự phản ánh hiện thực qua bức tranh mở rộng của đời sống trong không gian và thời gian, qua các sự kiện, biến cố xẩy ra trong cuộc đời con người. Phương thức phản ánh hiện thực qua các sự kiện, biến cố và hành vi con người làm cho tác phẩm tự sự trở thành một câu chuyện về ai đó hay về một sự kiện nào đó. Cho nên, tác phẩm tự sự thường có cốt truyện. Gắn liền với cốt truyện là hệ thống nhân vật được khắc họa đầy đặn hơn hẳn nhân vật trong tác phẩm trữ tình và kịch.
Những đặc điểm nói trên làm cho tác phẩm tự sự trở thành loại văn học có khả năng quan trọng trong đời sống tinh thần của con người hiện đại.

1.2. Nhân vật trong tác phẩm tự sự
1.2.1. Nhân vật trong tác phẩm văn học

Nhân vật văn học là con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học. Nhân vật văn học có thể có tên riêng cũng có thể không có tên riêng. Khái niệm nhân vật văn học có khi được sử dụng như một ẩn dụ không chỉ một con người cụ thể mà chỉ một hiện tượng nổi bật nào đó trong tác phẩm. Bên cạnh con người, nhân vật văn học có khi còn là các con vật, các loài cây, các sinh thể hoang đường được gán cho những đặc điểm giống con người.

Nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật, nó mang tính ước lệ không thể bị đồng nhất với con người có thật, ngay cả khi tác giả xây dựng nhân vật với những nét rất gần với nguyên mẫu.

Từ những góc độ khác nhau, có thể chia nhân vật văn học thành nhiều kiểu, loại khác nhau:
- Dựa vào vai trò, vị trí khác nhau trong tác phẩm, nhân vật văn học được chia thành nhân vật chính, nhân vật phụ.

- Dựa vào đặc điểm tính cách và việc truyền đạt sự đánh giá và thể hiện lý tưởng xã hội của nhà văn, nhân vật văn học được chia thành nhân vật chính diện (tích cực), nhân vật phản diện (tiêu cực).

- Dựa vào thể loại văn học, người ta phân biệt nhân vật tự sự, nhân vật trữ tình, nhân vật kịch.

- Dựa vào cấu trúc hình tượng, nhân vật được chia thành nhân vật chức năng (mặt nạ), nhân vật loại hình, nhân vật tính cách, nhân vật tư tưởng.

- Tuy nhiên, mọi sự phân chia đều mang tính chất tương đối, nhân vật trong thực tế văn học hết sức đa dạng, sự phân chia chỉ nhằm nhấn mạnh đặc điểm cơ bản, xuất phát từ một trong những góc độ tiếp cận các nhân vật văn học. Trong văn học cổ điển, thông thường nhân vật chính đồng thời là nhân vật tích cực, chính diện và ngược lại. Tuy nhiên, đối với văn học hiện đại, sự phân chia nhân vật trong tác phẩm không rõ ràng, rạch ròi như văn học cổ điển, có nhân vật vừa ác vừa thiện, vừa hiền vừa dữ…

1.2.2. Nhân vật trong tác phẩm tự sự
Nhân vật trong tác phẩm tự sự bao gồm:

- Con người là đối tượng phổ biến và bao trùm nhất.

- Vật: Loài vật, đồ vật, tạo vật thường được mô tả theo hai kiểu: Kiểu ngụ ngôn (phổ biến trong văn học dân gian, được nhân cách hóa hoặc người đội lốt vật); kiểu hiện thực (vẫn được miêu tả là đồ vật, loài vật nhưng có vai trò quan trọng trong tác phẩm như con chó vàng (Lão Hạc - Nam Cao), con chó becgie (Đôi mắt - Nam Cao), Khoang đen (Phiên chợ Giát - Nguyễn Minh Châu)…

Nhưng dù nhà văn viết về loài vật, đồ vật nhưng đều miêu tả theo qui luật của con người. Miêu tả đồ vật, loài vật không phải vì bản thân đối tượng mà là vì con người. Nói cách khác, con người được miêu tả gián tiếp qua đó.

Tầm quan trọng của việc tìm hiểu nhân vật trong tác phẩm tự sự được xác định dựa vào vai trò của nhân vật trong tác phẩm:

- Nhân vật khái quát tính cách của con người, khái quát hóa cuộc sống, hiện thực được cô đặc lại, thu nhỏ lại trong cuộc sống của một nhân vật giống như qua một giọt nước thấy cả đại dương, qua số phận của một nhân vật có thể thấy được cả một lớp người, một thời đại, một xã hội. Đó chính là vai trò phản ánh.
- Nhân vật là yếu tố hết sức quan trọng truyền tải tư tưởng của tác giả. Qua nhân vật, tác giả gửi gắm những tư tưởng, những thông điệp thẩm mỹ tới người đọc. Đó chính là vai trò tư tưởng.

- Nhân vật tạo nên tính thuyết phục cho tác phẩm, khiến người đọc có cảm giác tin cậy vào những điều nhà văn viết. Vấn đề này hết sức cần thiết trong hoạt động tiếp nhân văn học. Điều quan trọng của tính thuyết phục là tính chân thực của tác phẩm, tức là sự phù hợp giữa tác phẩm với những qui luật của đời sống, mà xét đến cùng, tính chân thực của tác phẩm lại phụ thuộc vào tính chân thực của nhân vật. Vì vậy, có thể nói, nhân vật tạo nên tính thuyết phục cho tác phẩm.

Như vậy, trong tác phẩm tự sự, nhà văn “nói” qua nhân vật. Nhân vật chính là nơi tập trung mang chở nội dung phản ánh, chủ đề, tư tưởng của tác phẩm, là nơi ký thác quan niệm về con người, về cuộc sống, về nghệ thuật của nhà văn. Một nhân vật văn học lớn bao giờ cũng thể hiện một số phận, một quan niệm nhân sinh độc đáo và thường điển hình cho một tầng lớp xã hội, một giai cấp, thậm chí một thời đại nào đó. Bởi thế, phân tích nhân vật trở thành con đường quan trọng nhất để xác định giá trị của tác phẩm, để nhận ra lí tưởng thẩm mĩ cùng tài năng, phong cách nghệ thuật của nhà văn.

Trong chương trình THPT, tác phẩm tự sự chiếm số lượng lớn bên cạnh tác phẩm trữ tình, từ trung đại đến hiện đại. Ở đây, chúng tôi giới hạn việc tìm hiểu nhân vật trong tác phẩm tự sự hiện đại.
 

Ngọc Suka

Cộng tác viên
2. Phân tích nhân vật trong tác phẩm tự sự

2.1. Xác định đúng mục đích của việc phân tích nhân vật

Điều cốt lõi khi phân tích nhân vật trong tác phẩm tự sự là phải xác định đúng mục đích của việc phân tích. Thông thường, khi phân tích, giáo viên giúp học sinh chỉ ra được các đặc điểm của nhân vật như: hình dáng bên ngoài, lời nói, cách nói, cử chỉ, thế giới nội tâm, quan hệ với nhân vật khác... Nếu vậy, chưa thể xem là đã phân tích một nhân vật tự sự. Đây mới chỉ là những phương tiện, những dấu hiệu của đặc điểm tâm lý, tính cách nhân vật. Mục đích của việc phân tích nhân vật là chỉ ra được tâm lý, tính cách, bản chất xã hội của nhân vật từ đó làm rõ ý nghĩa phản ánh, ý nghĩa tư tưởng, thông điệp thẩm mĩ và những điểm sáng tạo được nhà văn thể hiện qua nhân vật. Người phân tích cần tránh nhầm lẫn giữa mục đích và phương tiện, không được lấy phương tiện thay cho mục đích.

2.2. Xác định đúng loại nhân vật để định hướng cho qui trình phân tích
Thực tiễn giảng dạy cho thấy, có sự khác nhau trong việc phân tích các loại nhân vật. Phân tích các nhân vật như Chí Phèo (Chí Phèo), Mị (Vợ chồng A Phủ) khác với tiến trình phân tích nhân vật Huấn Cao (Chữ người tử tù), Tnú (Rừng xà nu); cũng không giống với tiến trình phân tích nhân vật Hộ (Đời thừa)… Sự khác nhau trong phân tích các nhân vật nói trên xuất phát từ sự khác nhau về đối tượng phân tích. Nói cách khác, đó là các kiểu loại nhân vật được xây dựng theo những mô hình khác nhau. Ở mỗi loại nhân vật cần có cách tiếp cận khác nhau.

Tác phẩm tự sự hiện đại trong chương trình có một số kiểu cấu trúc nhân vật chủ yếu:
Nhân vật loại hình: Nhân vật thể hiện tập trung một loại phẩm chất, tính cách nào đó của con người hoặc các phẩm chất, tính cách, đặc điểm của một loại người nhất định của thời đại. Nhân vật loại hình không phải là khái niệm trừu tượng. Giống như các loại nhân vật khác, các nhân vật được thể hiện trong tác phẩm qua những chi tiết chân thực, sinh động của đời sống. Điển hình loại này có cá tính nhất định nhưng khái niệm loại vẫn là cốt lõi của nó. Chương trình THPT có loại nhân vật này như Huấn Cao (Chữ người tử tù), Tnú (Rừng xà nu), A Châu (Vợ chồng A Phủ)…

Nhân vật tư tưởng: Loại nhân vật tập trung thể hiện một tư tưởng, một ý thức tồn tại trong đời sống tinh thần của xã hội. Nhân vật tư tưởng cũng thể hiện một cá tính, một nhân cách nhưng hạt nhân của nó là một tư tưởng, một ý thức. Trong chương trình THPT có những nhân vật tư tưởng như: Hộ (Đời thừa), Phùng (Chiếc thuyền ngoài xa)...

Nhân vật tính cách: Là một kiểu nhân vật phức tạp được miêu tả trong tác phẩm như một nhân cách, một cá nhân có cá tính nổi bật. Nhân vật tính cách thường có những mâu thuẫn nội tại, những nghịch lý, những chuyển hóa. Do đó, tính cách của loại nhân vật này thường có một quá trình tự phát triển trong sự tác động, chi phối của hoàn cảnh sống.

Như vậy, nhân vật tính cách khác với nhân vật loại hình. Nếu như khái niệm loại là hạt nhân của nhân vật loại hình thì ở nhân vật tính cách, hạt nhân lại là cá tính. Chương trình PTTH có những nhân vật tính cách như Chí Phèo (Chí Phèo), Mị (Vợ chồng A Phủ)… Tính cách, bản chất xã hội của nhân vật được thể hiện bằng cá tính, thông qua cá tính.

Chỉ khi định vị được kiểu loại nhân vật, chúng ta mới có thể xác định đúng các kiến thức cơ bản, trọng tâm cần truyền đạt:

- Với những nhân vật loại hình, nhân vật tư tưởng, kiến thức cơ bản, trọng tâm phân tích là làm sáng tỏ đặc điểm phần loại. Với kiểu nhân vật này, đặc điểm tính cách ít hoặc không thay đổi. Các sự kiện trong cốt truyện có đổi thay, vận động theo chiều không gian, thời gian cũng chỉ để khắc họa, tô đậm càng lúc càng rõ nét đặc điểm tính cách của nhân vật.

- Với những nhân vật được xác định là nhân vật tính cách, trọng tâm cần phân tích không phải ở chỗ chỉ ra được những đặc điểm tính cách bất biến mà chính ở sự thay đổi, chuyển biến của tính cách dưới sự thay đổi của môi trường sống, hoàn cảnh sống cùng những mâu thuẫn, xung đột trong nội tâm, tâm lý, tính cách của nhân vật.

Thực tiễn sáng tác cho thấy, có thể căn cứ vào chủng loại nhân vật - tập hợp nhân vật thể hiện tư tưởng và phong cách tác giả để hỗ trợ cho quá trình phân tích:

- Nguyễn Tuân: Tập hợp các nhân vật bao gồm: Huấn Cao (Chữ người tử tù) cụ Hồ Viễn và cậu Chiêu (Ngôi mả cũ), ông Cử Hai (Thả thơ)... là những nghệ sĩ hoặc tuy không hành nghề nghệ thuật nhưng rất tài hoa trong nghề nghiệp của mình. Đây là loại nhân vật kết tinh tâm huyết và phong cách Nguyễn Tuân.

- Nam Cao: Xuất hiện hệ thống các nhân vật xấu xí, dị dạng như Chí Phèo, Thị Nở (Chí Phèo), Mụ Lợi (Lang Rận), Trương Rự, Đức (Nửa đêm), Trạch Văn Đoành (Đôi móng giò)…là dụng ý của tác giả. Với loại nhân vật này, Nam Cao muốn nhấn mạnh tính chất khốc liệt và tàn bạo của xã hội Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám (làm méo mó, dị dạng cả tâm hồn lẫn thể xác của người lao động lương thiện) đồng thời bộc lộ quan điểm rất hiện đại về con người: không có con người hoàn toàn thánh thiện, không có con người hoàn toàn xấu xa, con người hiện diện với tất cả sự phức tạp của các mặt đối lập.

Thạch Lam: Tập hợp những nhân vật như: Liên, An (Hai đứa trẻ), Thanh (Dưới bóng hoàng lan), Tâm (Cô hàng xén)…là kiểu con người nội tâm, với những trạng thái cảm giác, cảm xúc mơ hồ, mong manh, tinh tế, những rung động khẽ khàng như cánh bướm non…

Tuy nhiên, các nhân vật dẫu có cùng một loại, chủng loại nhưng rất đa dạng, không nhân vật nào giống nhân vật nào. Bởi vì, bản chất lao động nghệ thuật là sáng tạo để mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung. Vì vậy, để chiếm lĩnh các giá trị của hình tượng nghệ thuật còn phải phân tích hình tượng với tư cách là sản phẩm tinh thần của một cá tính sáng tạo độc đáo. Phân tích nhân vật tự sự là tìm hiểu các phương diện mô tả nhân vật, gắn với sự tìm tòi, sáng tạo của người nghệ sĩ, để làm nổi bật tính cách, số phận, bản chất xã hội của nhân vật.

2.3. Tìm hiểu các phương diện mô tả nhân vật
Một nhân vật thành công cũng như một con người sinh động ngoài đời. Đó là con người này trong sự phân biệt với con người khác. Nó có tính cách riêng, số phận riêng không thể lẫn. Vấn đề là nhà văn không trực tiếp nói lên điều ấy. Tính cách, số phận nhân vật hiện lên sinh động trong tác phẩm qua nhiều phương diện cụ thể. Đó là những phương diện người đọc, người phân tích cần chú ý như: lai lịch, ngoại hình, nội tâm, ngôn ngữ, cử chỉ- hành động, mối quan hệ với các nhân vật khác…

Tuy nhiên, không phải bất cứ nhân vật nào cũng được nhà văn thể hiện đầy đủ các phương diện nêu trên, người phân tích cần biết tập trung, xoáy sâu vào các phương diện thành công nhất của tác phẩm.

Có thể xem những phương diện đã nêu đồng đẳng và đều là sự cụ thể hóa, hiện thực hóa của tính cách, số phận nhân vật, không xem tính cách như một phương diện ngang bằng các phương diện ấy.

2.3.1. Lai lịch
Lai lịch là phương diện đầu tiên góp phần hình thành đặc điểm tính cách, chi phối số phận của nhân vật. Tính cách nhân vật được lý giải một phần bởi thành phần xuất thân, hoàn cảnh gia đình và bước đường đời đã trải qua.

Chí Phèo (Chí Phèo) là đứa con hoang bị bỏ rơi trong lò gạch cũ, không hơi ấm tình mẫu tử, không bà con thân thích, không thước đất cắm dùi, đi ở từ nhà này sang nhà khác. Hoàn cảnh xuất thân ấy là một trong những nguyên nhân tạo nên số phận cô độc thê thảm của nhân vật. Tuy nhiên, Chí Phèo sinh ra và lớn lên vốn mang bản chất lương thiện. Chính vì vậy, sau này, xã hội tàn ác (đại diện là Bá Kiến và nhà tù thực dân) dẫu ra sức hủy diệt bản tính tốt đẹp ấy nhưng nó vẫn âm thầm sống trong đáy sâu tâm hồn Chí, ngay cả khi con người này tưởng chừng đã bị biến thành qủy dữ.

Xuân Tóc Đỏ (Số đỏ) vốn mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lại có hành vi vô giáo dục khi ở với bác họ, rồi bị đuổi ra khỏi nhà, sống lang thang đầu đường xó chợ, phải kiếm sống bằng đủ thứ nghề như trèo me, trèo sấu, quảng cáo thuốc lậu, nhặt ban quần, gắn với những thành tích bất hảo… Hoàn cảnh xuất thân ấy đã góp phần tạo nên tính cách lưu manh, liều lĩnh của nhân vật sau này.

Tính cách của Mị và A Phủ (Vợ chồng A Phủ) đều có thể lý giải một phần bởi lai lịch. Mị tuy sinh ra trong đói nghèo nhưng ở tuổi thiếu nữ, cô đã từng được sống những tháng năm hạnh phúc. Mị xinh đẹp nhất vùng, hát hay, lại có tài thổi sáo nên từng được bao trai làng mê, con trai đến thổi sáo đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị. Mị từng có người yêu, từng hò hẹn…Điều này lí giải cho sự trỗi dậy của sức sống tiềm tàng và khát vọng tự do của nhân vật Mị ở phần sau. Còn A Phủ, cha mẹ, anh em đều chết trong một trận dịch đậu mùa, từng bị người làng đói bụng bắt đem xuống bán đổi lấy thóc của người Thái, suốt đời đi làm thuê, làm mướn, không có cả chiếc vòng bạc đeo cổ để đi chơi tết. Chính hoàn cảnh sống cùng cực ấy đã hun đúc cho A Phủ sức sống mạnh mẽ, tính cách gan góc cùng lòng ham chuộng tự do…

2.3.2. Ngoại hình
- Ngoại hình là dáng vẻ bên ngoài của nhân vật, bao gồm y phục, cử chỉ, tác phong, diện mạo...Trong văn học, nhà văn miêu tả ngoại hình nhân vật thường nhằm hai mục đích.

Thứ nhất, nhằm cá thể hóa nhân vật, nghĩa là để tạo ấn tượng riêng về nhân vật ấy, không thể lẫn vào nhân vật khác. Qua đó, người đọc có thể nắm bắt được những đặc điểm chung của những người cùng nghề nghiệp, tầng lớp, thời đại. Những nhân vật thành công trong văn học từ xưa đến nay bao giờ cũng được nhà văn chọn lựa công phu những nét tiêu biểu nhất để khắc họa ngoại hình nhân vật.

Thứ hai, qua vẻ bề ngoài mà phần nào hé mở tính cách, bản chất của nhân vật ấy. Miêu tả ngoại hình nhân vật không chỉ vì mục đích dựng ra trước mắt người đọc một nhân vật mà quan trọng hơn đó là một cách gián tiếp miêu tả tính cách vì ngoại hình là dấu hiệu của tính cách.

- Khi cảm nhận, phân tích ngoại hình nhân vật, cần thấy rằng, phần lớn trường hợp, đặc điểm tính cách, chiều sâu nội tâm được thống nhất với vẻ bề ngoài. Song cũng có trường hợp bên trong và bên ngoài trái ngược (Lão Hạc -Lão Hạc- thân hình nhỏ thó, bộ mặt nhăn nheo như quả trám nhưng có lòng tự trọng, tình thương yêu lớn lao, cao cả ít ai bằng. Thị Nở - Chí Phèo- xấu xí nhưng có tình người nồng hậu…). Phân tích nhân vật cần qua các chi tiết ngoại hình mà “đọc” đúng nội tâm, bản chất của đối tượng.

Không phải ngẫu nhiên nhà văn Nam Cao đặc tả ngoại hình của nhân vật Chí Phèo sau bảy tám năm ở tù: Hắn ai biết về lớp này trông khác hẳn, mới đầu chẳng ai biết hắn là ai. Trông đặc như thằng săng đá! Cái đầu thì trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc quần nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế, trông gớm chết! Đó là ngoại hình của một tên lưu manh, hay nói cách khác, tính cách lưu manh biểu hiện qua ngoại hình. Đó là hình hài của một kẻ côn đồ, chỉ biết gây gổ và đâm chém. Miêu tả hình thù quái gở của Chí Phèo cũng là cách Nam Cao nhấn mạnh tính chất khốc liệt của nhà tù thực dân cùng mối quan hệ biện chứng giữa tính cách và hoàn cảnh sống.

Sau khi ra tù, sống ở làng Vũ Đại, làm tay sai đắc lực cho Bá Kiến, hung hãn, ngang ngược và triền miên trong cơn say, Chí Phèo được nhà văn Nam Cao miêu tả ngoại hình qua cái bóng đen, tả tơi, xệch xạc, méo mó, bị xé rách vài chỗ như chính sự phản chiếu thế giới tinh thần của Chí. Vẻ ngoài của nhân vật còn thể hiện qua khuôn mặt không trẻ cũng không già, nó không còn là mặt người, nó là mặt của một con vật lạ. Cái mặt của hắn vàng vàng lại muốn xạm màu gio, nó vằn dọc vằn ngang, không thứ tự, biết bao nhiêu là vết sẹo… Đây là dụng ý của nhà văn Nam Cao nhằm thể hiện quá trình tha hóa khủng khiếp của nhân vật. Nếu tha hóa được hiểu là tình trạng con người ngày càng trở nên xa lạ với bản chất người của mình, không được sống như mình mong muốn thì sự tha hóa ở Chí Phèo diễn ra qua hai cấp độ: từ một người lương thiện trở thành một tên lưu manh và từ một tên lưu manh trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Từ ngoại hình của tên lưu manh (gớm ghiếc nhưng ít ra vẫn còn là con người) đến ngoại hình của một con vật lạ góp phần thể hiện quá trình tha hóa khủng khiếp ấy của Chí Phèo. Nghĩa là, Chí Phèo ngày càng xa lạ với bản chất người của mình, bị vật hóa. Sức mạnh tố cáo là ở chỗ: nỗi đau lớn nhất của Chí Phèo là nỗi đau của một con người bị tàn phá về thể xác, bị hủy diệt về tâm hồn chứ không chỉ là nỗi đau vì đói cơm rách áo, không nhà cửa, không nơi nương tựa… như nhân vật trong các tác phẩm văn học hiện thực đương thời.

Khi miêu tả nhân vật Mị (Vợ chồng A Phủ), nhà văn đặc tả một hình dáng ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa, khi nào cũng cúi mặt nhìn xuống đất, mặt buồn rười rượi. Đó là hình ảnh một cô gái lẻ loi, âm thầm như lẫn vào các vật vô tri (cái quay, tảng đá, tàu ngựa) đối lập với khung cảnh đông đúc, tấp nập của nhà thống lý Pá Tra. Mị là con dâu của một gia đình nhiều nương, nhiều bạc, nhiều thuốc phiện nhất làng mà sao lúc nào cũng cúi mặt nhẫn nhục và mang nỗi u sầu thăm thẳm? Dáng vẻ bề ngoài ấy của nhân vật góp phần biểu hiện thân phận tủi nhục của người con dâu gạt nợ trong nhà chúa đất.

Người đàn bà trong Chiếc thuyền ngoài xa được Nguyễn Minh Châu miêu tả: thân hình cao lớn, thô kệch, mặt đầy những nốt rỗ chằng chịt, với khuôn mặt mệt mỏi, tái ngắt, tấm lưng áo bạc phếch, nửa thân dưới ướt sũng. Đó là ký họa chân dung của một người đàn bà xấu xí, chịu nhiều thiệt thòi về nhan sắc, là hiện hữu của nghèo khổ, lam lũ, nhọc nhằn. Khi sắp bị chồng đánh, người đàn bà đưa cặp mắt nhìn xuống chân biểu hiện sự cam chịu, nhẫn nhục. Còn người chồng thì được miêu tả với mái tóc tổ quạ, chân chữ bát, hàng lông mày cháy nắng rủ xuống hai con mắt đầy vẻ độc dữ, hai hàm răng nghiến ken két. Đó là những dấu hiệu của tính cách vũ phu, hung bạo, độc ác, phần người, phần thiện đang dần mất.

2.3.3. Nội tâm
Khái niệm nội tâm nhằm chỉ toàn bộ những biểu hiện thuộc đời sống bên trong của nhân vật. Đó là những tâm trạng, những suy nghĩ, những phản ứng tâm lý…trước những cảnh ngộ, những tình huống mà nhân vật gặp phải trong cuộc đời.

Trong quá trình phát triển của lịch sử văn học, việc thể hiện nội tâm nhân vật ngày càng có vai trò quan trọng. Sự phát triển hợp lý và sâu sắc nội tâm góp phần rất lớn tạo nên sức sống của nhân vật. Để làm được điều đó, nhà văn phải hiểu sâu sắc cuộc sống và con người, nắm bắt được những biểu hiện và diễn biến dù nhỏ nhất của đời sống bên trong nhân vật. Miêu tả chân thực, tinh tế đời sống nội tâm nhân vật là chỗ thử thách tài nghệ của nhà văn.

Thế giới bên trong với những cảm giác, cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ… thường tương tác với thế giới bên ngoài (môi trường thiên nhiên, sự biến chuyển của đời sống xã hội, quan hệ và hành vi của các nhân vật khác xung quanh…) đồng thời cũng có qui luật riêng của nó.

Các nhân vật của Thạch Lam thường được miêu tả thiên về thế giới tình cảm. Phân tích nhân vật Liên trong truyện ngắn Hai đứa trẻ cần khai thác sự vận động theo dòng cảm giác bâng khâng, tâm trạng buồn man mác trong không gian phố huyện nhỏ trước giờ khắc của ngày tàn, tâm trạng buồn thấm thía khi chứng kiến cảnh phố huyện lúc về đêm, tâm trạng buồn vui chen lấn khi chứng kiến đoàn tàu đi qua ... Tính trữ tình và sự tinh tế của ngòi bút Thạch Lam thể hiện qua việc diễn tả bao biến thái nhẹ nhàng của cảnh vật cùng sự hòa điệu của lòng người. Từ đó, nhà văn thể hiện một cách nhẹ nhàng và thấm thía niềm xót thương đối với những kiếp người sống cơ cực, quẩn quanh ở phố huyện, rộng hơn là ở đất nước còn đắm chìm trong đói nghèo, nô lệ đương thời. Thông điệp mà nhà văn muốn gửi tới là hãy cứu lấy những đứa trẻ, hãy cứu lấy tương lai!

Sự thức tỉnh của nhân vật Chí Phèo được Nam Cao mô tả qua diễn biến tâm trạng nhân vật buổi sáng sau khi gặp Thị Nở. Ở đây có sự đồng điệu trong miêu tả lý trí và tình cảm: lần đầu tiên từ khi mãn hạn tù, Chí Phèo hoàn toàn tỉnh táo, nhận thức về không gian (căn lều), lắng nghe âm thanh của cuộc sống hàng ngày (tiếng chim hót, tiếng cười nói…), cảm nhận, hình dung, phán đoán (…vui vẻ quá, tiếng người đàn bà hỏi người đàn bà khác đi bán vải ở Nam Định về…). Đặc biệt, Chí Phèo nhận thức được cuộc đời mình cả trong quá khứ (từng mơ ước có một gia đình nho nhỏ…), hiện tại (già mà vẫn cô độc, tới dốc bên kia của cuộc đời…) và tương lai (tuổi già, đói rét và ốm đau…). Nghĩa là, Chí Phèo đã hồi sinh với sự trở lại của khả năng nhận thức ngoại giới, nhận thức chính mình cùng những tình cảm, cảm xúc rất con người. Như vậy, khi viết về người nông dân bị lưu manh hóa, Nam Cao đã thể hiện một cái nhìn nhân đạo sâu sắc, mới mẻ bằng cách đi sâu vào nội tâm nhân vật để phát hiện để phát hiện và khẳng định bản chất lương thiện của người lao động ngay cả khi tưởng như họ đã bị xã hội tàn ác cướp mất cả nhân hình lẫn nhân tính.

Kim Lân đã miêu tả tinh tế diễn biến tâm trạng của các nhân vật trong Vợ nhặt, đặc biệt là nhân vật Tràng, để làm nổi bật niềm khát khao hạnh phúc và tình thương giữa những con người nghèo khổ, vượt lên cảnh sống ê chề, tăm tối hàng ngày: Khi người đàn bà theo về, ban đầu Tràng thấy chợn, rồi chặc lưỡi. Trên đường dẫn vợ về nhà, Tràng trở thành một con người khác hẳn, gương mặt có một vẻ gì phởn phơ khác thường, tủm tỉm cười nụ một mình, hai mắt thì sáng lên lấp lánh, cái mặt cứ vênh vênh tự đắc với chính mình ...và một cái gì mới mẻ, lạ lắm chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy, nó ôm ấp, mơn man khắp da thịt Tràng, tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ sống lưng…Buổi sáng đầu tiên khi có vợ, Tràng cảm thấy êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra….Niềm hạnh phúc ấy của nhân vật gắn với ý thức về bổn phận, trách nhiệm bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này… Diễn biến tâm trạng nhân vật Tràng đã cụ thể hóa ý đồ của nhà văn Kim Lân khi viết Vợ nhặt: Con người dù trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết vẫn khao khát hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống, vẫn hi vọng vào tương lai, vẫn muốn sống, sống cho ra người.

2.3.4. Cử chỉ, hành động
Khi điển hình hóa nhân vật, nhà văn có tài thường lựa chọn cho nhân vật những hành động độc đáo, gây ấn tượng sâu đậm với người đọc. Hành động là phương diện quan trọng để thể hiện tính cách nhân vật vì việc làm của mỗi người là căn cứ quan trọng, có ý nghĩa quyết định nói lên tư cách, phẩm chất cũng như những đặc điểm thuộc về thế giới tinh thần của người đó. Bản chất con người bộc lộ chân xác, đầy đủ nhất qua cử chỉ, điệu bộ, hành vi, hệ thống hành động.

Trong tác phẩm tự sự, đặc biệt là những tác phẩm thuộc chủ nghĩa hiện thực, tính cách nhân vật không phải ngay từ đầu đã được hình thành trọn vẹn. Chính hành động có tác dụng bộc lộ quá trình phát triển của tính cách và thúc đẩy diễn biến của hệ thống cốt truyện. Vì thế, ta cần khai thác kĩ phương diện này.

Phân tích nhân vật cần chú ý cử chỉ, hành động đầu tiên khi nhân vật xuất hiện trong tác phẩm vì hành động ấy đã mách bảo cho chúng ta về tính cách của nhân vật.

Phân tích nhân vật Huấn Cao (Chữ người tử tù) phải chú ý đến hành động dỗ gông, không chỉ vì hành động rất khó (sáu phạm nhân mang chung một chiếc gông dài tám thước, nặng đến bảy, tám tạ) mà vì hành động không được phép (gông biểu tượng cho sự trói buộc, quyền uy, pháp luật phong kiến). Chính vì vậy, hành động dỗ gông của Huấn Cao cho thấy khí phách hiên ngang, tinh thần tự do của một con người - việc gì muốn sẽ làm cho kỳ được, bất chấp hoàn cảnh, bất chấp việc đó khó khăn như thế nào và có được phép hay không.

Nếu như hành động dỗ gông làm nổi bật khí phách của Huấn Cao thì hành động cho chữ làm nổi bật cái tâm cao cả của nhân vật. Việc Huấn Cao quyết định cho chữ Quản ngục vào đêm cuối tại nhà ngục tỉnh Sơn không phải để thanh toán nợ nần, cũng không phải hành động của người sắp đi vào cõi chết giao lại tài sản cho người ở lại, cũng không phải cơ hội cuối cùng để phô diễn tài năng. Đây là việc làm của một tấm lòng đền đáp một tấm lòng trong thiên hạ.

Nhân vật Mị (Vợ chồng A Phủ) được Tô Hoài mô tả bằng rất ít hành động, chủ yếu qua dòng ý nghĩ, tâm tư, tiềm thức chập chờn. Tuy nhiên, trong ít hành động đó, không thể không chú ý đến những hành động trong đêm tình mùa xuân: Mị lén lấy hũ rượu uống ừng ực từng bát như uống hận, như đang uống đắng cay của phần đời đã qua, như đang uống cái khao khát của phần đời chưa tới, uống để quên nhưng cũng là để nhớ về ngày trước, để thấy mình còn trẻ. Tiếp đó là hành động thắp sáng thêm đĩa đèn của cô: Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Bấy lâu nay, cuộc đời đối với người con dâu gạt nợ chỉ như một đêm dài thăm thẳm. Đến lúc này, Mị không còn chịu nổi bóng tối đang vây bọc quanh mình. Thắp sáng thêm đĩa đèn hay người phụ nữ này đang muốn thắp sáng lại chính cuộc đời mình. Những hành động này chứng tỏ phản kháng âm thầm mà quyết liệt, chứng tỏ sóng cuộn trong chiều sâu tâm trạng từ khi nghe tiếng sáo gọi bạn yêu lấp ló ngoài đầu núi, lửng lơ bay ngoài đường… Và đỉnh điểm là hành động Mị cắt dây trói cho A Phủ và cùng A Phủ chạy trốn khỏi Hồng Ngài sau này - tự giải thoát khỏi gông xiềng của cường quyền lẫn thần quyền. Đây là hành động bất ngờ, táo bạo mà tự nhiên, hợp lý trong hoàn cảnh ấy, tính cách ấy. Như vậy, Tô Hoài đã đi sâu vào những bí mật của đời sống nội tâm để phát hiện những nét đẹp và nét riêng trong tính cách nhân vật.

Đáng chú ý, bản chất nhân vật không chỉ bộc lộ ở việc nhân vật ấy làm mà còn qua cách làm việc ấy của nhân vật. Đây cũng là một phương diện vô cùng quan trọng để nhà văn cá tính hóa nhân vật.

Nam Cao dựng lên một Chí Phèo bằng xương bằng thịt với tính cách độc đáo, với số phận tuyệt đối cô độc và bi thảm không thể lẫn với ai khác. Chí Phèo là con người này từ bộ mặt đầy sẹo, những cơn say triền miên đến cách chửi nhau, cách mặt ăn vạ, từ kiểu uống rượu đến lối tỏ tình với Thị Nở, từ hành động xách dao đi trả thù đến cách đâm chết Bá Kiến rồi tự sát.

Cũng hành động trừng trị người nô lệ song cái cách thống lí Pá Tra (Vợ chồng A Phủ) hành hạ A Phủ chỉ vì anh để hổ bắt mất một con bò nhà nó thật độc ác, chứng tỏ quyền lực ghê gớm và bộ mặt tàn bạo của giai cấp phong kiến miền núi.


2.3.5. Ngôn ngữ
Khái niệm ngôn ngữ nhân vật nhằm chỉ lời nói của nhân vật trong tác phẩm thuộc loại hình tự sự và kịch. Qua lời ăn tiếng nói, qua cách dùng từ, giọng điệu của một người, chúng ta có thể nhận ra nghề nghiệp, trình độ văn hóa, nhận ra tính cách của con người ấy, thậm chí là của một tầng lớp người nhất định. Ngôn ngữ nhân vật là một phương tiện hết sức đắc dụng để nhà văn khắc họa nhân vật. Ngôn ngữ nhân vật chính là bức chân dung tự họa sắc nét của tính cách hay khái quát hơn, chính là bức chân dung tự họa của nhân vật.

Ngôn ngữ nhân vật thành công thường được cá thể hoá cao độ, nghĩa là mang đậm dấu ấn của một cá nhân. Nhà văn có tài là người biết sống với nhiều nhân vật, nắm bắt được nhiều kiểu ngôn ngữ.

Câu nói của Huấn Cao (Chữ người tử tù): Suýt nữa ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ…giúp ta nhận thấy chút ân hận kiêu sa của một bậc đại trượng phu, khác với sự ân hận của người thường.

Khi trở thành nhà cải cách xã hội, đốc tờ Xuân, giáo sư quần vợt, cố vấn báo Gõ mõ, được cả xã hội trọng vọng, Xuân Tóc Đỏ (Số đỏ) vẫn sử dụng câu của miệng mẹ kiếp, nước mẹ gì. Điều này chứng tỏ bản chất lưu manh, vô học của nhân vật không thể nào gột rửa.

Khi xây dựng nhân vật Bá Kiến (Chí Phèo), Nam Cao không tả diện mạo, chỉ nhấn mạnh đến giọng nói ngọt nhạt, tiếng quát rất sang và cái cười Tào Tháo. Bá Kiến xuất hiện lần đầu đúng lúc Chí Phèo say rượu, đến cổng nhà hắn rạch mặt ăn vạ. Ngôn ngữ nhân vật đã khắc họa sinh động bản chất xảo quyệt, gian hùng của hắn: từ việc quát các bà vợ, giải tán đám đông để đỡ mất mặt, để Chí không còn hậu thuẫn kích thích sự hung hăng, để dễ bề mua chuộc, dụ dỗ Chí (Cả các ông, các bà nữa, về đi thôi chứ! Có gì mà xúm lại như thế này?) đến việc giở giọng đường mật, gọi đầy tớ cũ bằng “anh”, vồn vã mời vào nhà uống nước (Ai làm gì anh mà anh phải chết…cứ vào nhà uống nước đã ...người ngoài biết mang tiếng cả…) và thậm chí còn nhận họ hàng với Chí (Ai chứ anh với nó còn có họ kia đấy ). Nhờ đó, Bá Kiến đạt được hai mục đích, vừa tạm dập tắt ngọn lửa căm hờn trong Chí Phèo, vừa chuẩn bị biến Chí Phèo thành tay sai. Ngôn ngữ nhân vật là yếu tố hết sức quan trọng khiến cho nhân vật Bá Kiến vừa mang bản chất chung của giai cấp địa chủ cường hào vừa có những nét riêng biệt không giống bất cứ nhân vật địa chủ nào trong văn học đương thời.

Ngôn ngữ của các nhân vật trong Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu) phù hợp với đặc điểm tính cách từng nhân vật: Tính cách hung bạo, tàn nhẫn của người chồng được phản ánh qua ngôn ngữ thô bỉ, tàn nhẫn với những từ ngữ đầy vẻ tục tằn, hung bạo còn sự cam chịu, vị tha, đức hi sinh ở người đàn bà được thể hiện qua những lời dịu dàng, xót xa khi nói về con, những lời đau đớn và thấu trải lẽ đời khi nói về thân phận mình. Ngôn ngữ của nhân vật Đẩu ở tòa án huyện chứng tỏ tính cách tốt bụng, nhiệt thành…

2.3.6. Mối quan hệ của nhân vật với nhân vật khác
Mối quan hệ của nhân vật với nhân vật khác cũng là một phương diện quan trọng giúp nhân vật bộc lộ tính cách bởi con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Đặt nhân vật trong hệ thống để phân tích, ta vừa có thể hiểu sâu sắc nhân vật, vừa hiểu thế giới nhân vật trong tác phẩm một cách toàn diện lại có thể nắm được xác thực bức thông điệp tư tưởng và thẩm mĩ của tác giả.

Khi tìm hiểu nhân vật, cần đặt nhân vật trong mối quan hệ với các nhân vật cùng tuyến có mối quan hệ tương đồng, bổ sung cho nhau đồng thời đặt nhân vật trong mối quan hệ với những nhân vật trái tuyến, tương phản, đối chọi nhau để làm nổi bật tính cách, số phận của nhân vật cũng như chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.

Khi phân tích Mị trong Vợ chồng A Phủ, ta đặt nhân vật trong mối quan hệ với giai cấp thống trị là cha con thống lí Pá Tra (quan hệ tương phản) đồng thời đặt nhân vật trong mối quan hệ với giai cấp bị trị là A Phủ (quan hệ tương đồng). Đặt nhân vật trong hai mối quan hệ này để bổ sung cho nhau, làm tăng thêm sức tố cáo tạo nên ý nghĩa khái quát của tác phẩm: nạn nhân ách áp bức của chúa đất có đủ đàn ông, đàn bà, một bên là con dâu gạt nợ, một bên là đứa ở gạt nợ. Người dân miền núi Tây Bắc đã phải chịu bao nỗi cực nhục, khổ đau dưới ách thống trị của bọn chúa đất.

Các nhân vật trong tác phẩm Rừng xà nu giống như phần lớn các tác phẩm thời kì kháng chiến được xây dựng thành hai tuyến đối lập gay gắt: lực lượng cách mạng và kẻ thù. Tuy nhiên, đáng chú ý là Nguyễn Trung Thành đã xây dựng được hệ thống các nhân vật tương đồng từ cụ Mết đến Tnú, Mai rồi Dít, bé Heng để đại diện cho các thế hệ nối tiếp trong cuộc chiến đấu giải phóng của nhân dân, làm nổi bật chủ đề của tác phẩm: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo.

Phân tích nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên, người phân tích nên đặt Chí Phèo trong mối quan hệ đối chọi với Bá Kiến để làm nổi bật quá trình tha hóa: một bên là thủ phạm, một bên là nạn nhân, một bên là kẻ cường quyền bạo ngược đẩy con người vào con đường bất lương, một bên là người đã bị mất lương thiện. Đặt Chí Phèo trong hệ thống các nhân vật thống trị (Bá Kiến, Đội Tảo, Tư Đạm, Bát Tùng, Lý Cường) và bị trị (Binh Chức, Năm Thọ, Chí Phèo con), ta thấy được thông điệp lớn của Nam Cao: Hiện tượng Chí Phèo là con đẻ của hiện tượng Bá Kiến và còn Lý Cường thì còn Chí Phèo con, nếu không do Thị Nở cũng sẽ có người đàn bà khác sinh ra. Nghĩa là, còn kẻ thống trị ác độc thì còn người lương thiện bị đẩy vào con đường lưu manh hóa. Sức mạnh phê phán, ý nghĩa điển hình của hình tượng Chí Phèo trước hết là ở chỗ vạch ra thật hùng hồn qui luật tàn bạo, bi thảm đó trong xã hội đương thời.

Đồng thời, người phân tích có thể đặt Chí Phèo trong mối quan hệ với nhân vật trái tuyến là bà Ba và nhân vât cùng tuyến là Thị Nở để làm nổi bật tính cách, bản chất của nhân vật. Nếu bà Ba thuộc tầng lớp trên, xinh đẹp và chủ động trong mối quan hệ với Chí Phèo thì Thị Nở thuộc tầng lớp dân cùng, xấu xí và bị động trong mối quan hệ với Chí. Bà Ba bắt Chí làm việc yêu mà không hề yêu Chí, chỉ coi Chí như nô lệ. Với người đàn bà này, Chí Phèo cảm thấy nhục chứ yêu đương gì. Đây là biểu hiện của một Chí Phèo hiền lành, trong trắng, giàu lòng tự trọng. Trong mối quan hệ với bà Ba, Chí Phèo bộc lộ tất cả sự lương thiện của mình. Ngược lại, với Thị Nở, Chí Phèo thèm lương thiện, muốn làm hòa với mọi người biết bao. Trong mối quan hệ với Thị Nở, Chí Phèo có được tình người, tình yêu và Thị Nở đã mở đầu cho sự thức tỉnh của Chí từ con quỷ dữ trở thành người. Như vậy, trong mối quan hệ với Thị Nở thì Chí là người mất nhân tính được hồi sinh còn Thị Nở là hiện thân của tình người, từ đó làm nổi bật thông điệp lớn của Nam Cao: chỉ có tình người mới cứu được tính người.

Nếu đặt Chí Phèo trong mối quan hệ với bà cô Thị Nở thì Chí Phèo cũng là nạn nhân mà bà cô là hiện thân của định kiến, vô tình trở thành thủ phạm chặn đứng con đường hoàn lương của Chí.

Đặt mối quan hệ của Chí Phèo - bà cô Thị Nở và Chí Phèo - Thị Nở trong mối quan hệ với nhau, ta thấy: Thị Nở từ một vị cứu tinh nhưng chịu sự tác động của bà cô thì Thị Nở trở thành một cú hích dẫn đến cái chết của Chí Phèo (Thị Nở nói lời tuyệt tình khiến Chí Phèo hoàn toàn tuyệt vọng dẫn tới cái chết). Như vậy, tình người bị định kiến làm cho tiêu tan.
 

Ngọc Suka

Cộng tác viên
3. Một số điểm cần lưu ý khi phân tích nhân vật trong tác phẩm tự sự

- Phân tích nhân vật không chỉ dừng ở cấp độ cụ thể mà cần nâng lên tầm khái quát để chỉ ra tư tưởng, quan niệm của tác giả.

- Quá trình phân tích một nhân vật văn học cần gắn với sự cảm thụ, đánh giá bút pháp nghệ thuật miêu tả của nhà văn.

- Phân tích nhân vật nên theo kết cấu tổng - phân - hợp (khái quát chung về nhân vật - phân tích các phương diện cụ thể để làm nổi bật tính cách, số phận nhân vật - đánh giá chung tư tưởng, tình cảm, lý tưởng thẩm mĩ, nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn…)
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top