• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Ánh sáng ngày thường

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
93
Từ trụ sở Công an phường trở về, vừa thay quần áo xong, Hòa đã thấy chuông điện thoại kêu gắt. Anh vội quay vào nhấc máy. "Đúng rồi, Hòa đây. A, Tùng đấy à! Khỏe không cháu? Làm ăn thế nào? Vợ chồng bác Ất vẫn khỏe cả chứ? Anh hỏi dồn, như lâu lắm mới gặp, dù chỉ trên điện thoại.

"Hả, có việc gì mà hôm nay gọi vào cho cô chú mấy lần cơ à. Không, nhà không có chuyện gì. Nhưng cô dẫn học sinh đi Hạ Long, cho cả em đi nữa. Còn chú đi làm dưới khu vực, giờ mới về. Cháu gọi vào không có ai nghe máy là đúng rồi. Hả, việc cần à. Đã bàn với vợ chồng bác ất chưa?”. Thế à. Nhất thiết phải có chú. Ừ được! Vì cháu, chú không ngại việc gì đâu. Yên tâm. Tối cô về, chú sẽ nói cả cô cùng ra. Việc lễ lạt, cưới xin chắc cô rành hơn chú. Thế nhé!".

Điện thoại dừng. Ống nghe gác lên máy tự lúc nào. Hòa vẫn ngồi thừ bên bàn như không tin sự thực lại đến nhanh thế.

Mới hôm nào...

Hòa trực, nửa đêm mới về. Nhà nằm sâu trong ngõ phố, trời lại tối. Chiếc xe máy đang rì rì lăn, bất thần từ trên cành cây cao um tùm ven đường, một vật nửa trắng nửa đen, nhảy phốc xuống trước mũi xe. May còn kịp phanh. Chống xe, ngẩng lên, Hòa định trút lên đầu cái đứa giời đánh thánh vật kia một trận lôi đình, thì đã thấy thằng lỏi con ôm chặt lấy chân mình, nói mà như khóc: "Chú ơi! Chú thương cháu, cho cháu theo...".

Hòa cúi xuống cầm tay kéo nó đứng lên. Một thằng con trai khoảng mười sáu, mười bảy tuổi, cao, trắng trẻo, trông không có vẻ gì là ngổ ngáo ngang tàng. Anh nhẹ tay kéo nó lại gần, như một động tác nghiệp vụ, xem người nó có phảng phất men bia, hay thứ mùi gì khác. Nhưng không, ngoài mùi hăng hắc nồng nồng như mùi xà phòng, nước hoa con gái. Sao lại thế? Hòa định hỏi, nhưng nghĩ thế nào lại buột ra câu hỏi khác: "Nhà ở đâu? Sao lại ra đây? Mà trèo lên cây cao thế làm gì giữa đêm hôm khuya khoắt này?".

14_mh112-400.jpg

Minh họa của Phạm Minh Hải.

Nó không trả lời vào câu hỏi, ôm chặt chân anh nói như van: "Chú thương cháu. Chú cho cháu về nhà, cháu xin bát cơm ăn đã, chú ơi!". Một thằng con trai trông có vẻ thông minh, lại trắng trẻo đẹp trai là đằng khác, mà nói những lời như thế, hẳn có uẩn khúc gì đây. Hòa bảo nó: "Thôi, cháu ngồi lên xe, về tạm nhà chú đêm nay".

Nhưng không chỉ tạm đêm nay, mà còn ở lại nhà vợ chồng anh hàng tháng trời. Cũng không chỉ ở lại theo cái nghĩa thông thường là hàng ngày ra vào cơm nước, dọn dẹp, mà thực sự vợ chồng anh gần như phải giấu biệt nó trong nhà, không để lai vãng ra ngoài, dù chỉ là xách thùng rác ra xe đổ theo hiệu kẻng.

Chỉ vì nó không muốn trở lại ngôi nhà xây kiểu biệt thự nằm ở giữa phố ấy nữa. Nó cũng không muốn để người quen nào nhìn thấy. Bởi rất có thể, hễ nhìn thấy, họ lập tức báo cho bố mẹ nó để được nhận khoản tiền thưởng hai mươi triệu đồng, bố mẹ nó đặt cho người "tìm ra tung tích con trai vợ chồng ông Trần Đức Tung là Trần Đức Tùng "bị bệnh tâm thần" bỏ nhà đi".

Ừ, hôm trước xem truyền hình thành phố cũng nghe có tin tìm người nhà như thế, nhưng sự thể là thế nào mới được chứ? Cũng không mất nhiều thì giờ, chỉ bằng thời gian nấu xong gói mì ăn liền cho thằng bé ăn cho đỡ đói, như ước mơ của nó khi xin Hòa cho theo về, là nó đã kể cho vợ chồng anh nghe hết nguyên cớ cái tin tìm người nhà "bị bệnh tâm thần", mà vợ chồng anh nghe trên truyền hình thành phố hôm trước.

Đúng, Trần Đức Tùng là con trai ông Trần Đức Tung, Giám đốc Nhà máy đóng tàu Biển Đông và bà Vũ Thị Kim Thanh, Kế toán trưởng Công ty liên doanh giày Ánh Vàng, như tin tìm người nhà phát trên truyền hình thành phố hôm trước. Ông bà hiếm hoi, chỉ đẻ mỗi bận được thằng Tùng thì bà phải cắt dạ con.

Thế nên mọi tình cảm ông bà dồn hết vào cậu con trai. Mà cách yêu quý con của ông bà cũng lạ lắm. Ông bà không nhọc lòng, mệt sức mỗi tuần một hai lần ngó ngàng đống sách vở của con, mà cứ để Tùng "phát huy năng lực"- như ông bà vẫn khoe với chúng bạn về cách dạy con rất khoa học của mình. Thoảng vài tháng một lần, ông bà lại đèo nhau đi thăm thầy, cô giáo dạy những môn chính.

Dĩ nhiên, những cuộc thăm hỏi ấy đâu chỉ có vác cái thân xác đến là xong. Cái đó chỉ có những người như vợ chồng ông Tung mới tỏ ngọn ngành. Nhưng cái ông bà không tỏ là cậu con yêu quý của mình vẫn được thầy, cô giáo khen hết lời trước mặt ông bà, lại là đứa lực học yếu và hay bỏ lớp.

Cho đến bây giờ Tùng vẫn còn nhớ, buổi đầu tiên nó bỏ lớp là một ngày cuối tuần. Hôm ấy cũng như bao buổi sáng khác, Tùng đến lớp sớm, để cặp vào ngăn bàn, rồi ra quán cà phê ngoài cổng trường, gọi tách cà phê lặng lẽ ngồi như đợi ai. Đến khi tiếng trống vào lớp, mới uể oải đứng lên. Nhưng khác với các buổi sáng khi vào ngồi trong lớp thì hầu như Tùng không còn đầu óc nào nghe giảng nữa.

Trước mắt là ông bố với chiếc xe Novo màu rêu thẫm, sau đèo một cô gái. Hai người từ một khách sạn mini trong ngõ lăn bánh ra đường nhựa. Thoạt tiên, Tùng không tin vào mắt mình, rằng người đàn ông mặc áo sơmi xanh màu da trời, đầu đội mũ bảo hiểm trắng, mang kính đen gọng sừng rất "thời đại", đang đèo sau xe một người con gái nhác trông khá xinh, mặc quần bò đen bó sát người, áo ngắn tay màu tím rộng cổ, lại là bố đẻ ra mình.

Mà sao bố nói đi công tác ngoài Quảng Ninh mấy hôm cơ mà. Chẳng có lẽ. Tùng vội gọi xe ôm, dúi vào tay ông lái mười nghìn, bảo đuổi kịp người đi chiếc xe Novo kia thì quay lại. Khi chiếc xe ôm đưa Tùng quay lại con đường dẫn tới trường thì bao nhiêu lời Tùng vẫn nghe bố khuyên bảo, bao nhiêu bài Tùng đã học ở lớp về sự tôn kính mẹ cha, noi gương người đi trước, bắt đầu lã chã rơi.

Ngay chiều ấy, đi làm về, ông bố gọi con vào phòng mình trên gác hai, không nói không rằng, đưa ngay cho con một triệu đồng, bảo "cho tiêu vặt". Thằng con ngần ngừ nửa giây, rồi cầm tiền đút vào túi quần, đầu lóe lên ý nghĩ không lấy cũng thiệt, thà lấy còn có tiền thoải mái chi tiêu.

Nhưng của đáng tội, nó chưa kịp "thoải mái", thì "hội vỉa hè" đã có đứa phát hiện ra "thằng Tùng nhiều tiền lắm", khao một chầu cho "nhớ nhau suốt đời đi", như chúng tán nịnh Tùng. Bữa chiêu đãi "hội vỉa hè" thật túy lúy, có bia hộp, lại rượu ngoại, được chiến hữu tung hô hết cỡ, Tùng say ngất ngây, mấy ngày không định thần lại được.

Tùng bỗng nhiên thành đứa có máu mặt trong lớp. Chẳng mấy buổi không có đứa chèo kéo đi chơi. Bạn cùng lớp có đứa biết Tùng bỏ học, nhưng chúng đã được nó "mua" bằng mấy giờ chơi điện tử hoặc uống cà phê không mất tiền. Còn các thầy cô giáo thì ô-kê, trò càng bỏ giờ học thầy cô càng có cớ nhắn cha mẹ đến nhà thầy cô "gặp".

Cho đến một hôm...

Bấy giờ, nhà máy đóng tàu do ông Tung làm giám đốc đang được xét đề nghị công nhận "doanh nghiệp văn hóa". Đúng hôm đoàn kiểm tra văn hóa tỉnh về làm việc ở nhà máy thì cậu con ông giám đốc lại nằng nặc đòi bảo vệ cho vào gặp bố có việc cần. Hỏi việc gì cần, nhất định không nói.

Nhưng nhìn nét mặt ngây ngây của con trai ông giám đốc đang tím lại như miếng thịt trâu tái, còn đôi mắt lại long sòng sọc như mắt cá rói, thì những người bảo vệ vội đưa mắt nháy nhau, như thầm ra hiệu chớ khinh suất ông lỏi con này. Giữa lúc hai người bảo vệ cố sức giữ Tùng lại, thì một anh cảnh sát bất ngờ đỗ xe máy trước cửa nhà bảo vệ.

Thấy cảnh sát đến, một người bảo vệ vội quay ra mở cổng. Chỉ còn một người không giữ nổi sức trai mười bảy, Tùng vùng chạy vào khu nhà hai tầng nằm phía trái nhà bảo vệ. Anh cảnh sát vội bỏ xe, cùng người bảo vệ cắm đầu đuổi theo. Giữa lúc ấy, trời hành ông giám đốc hay sao, trong phòng đang có đoàn kiểm tra văn hóa làm việc với lãnh đạo nhà máy.

Khi cậu con giật cửa đánh xình một tiếng chạy vào, cũng vừa lúc anh cảnh sát khu vực và người bảo vệ đuổi đến nơi. Như để mọi người khỏi bất ngờ, anh cảnh sát nói vắn tắt, trong khi theo dõi điểm bán ma túy ở con hẻm gần bến tàu thủy, thấy hai thanh niên đèo nhau đến mua thuốc.

Anh này - người cảnh sát chỉ vào Tùng - giữ xe đạp đứng ngoài, nên vội đạp xe chạy vào đây, còn anh kia chúng tôi đã bắt đưa về công an quận. Mấy người trong đoàn kiểm tra ngơ ngác nhìn nhau, không hiểu cái "con nghiện" này sao dại dột quá chừng, chạy đâu không chạy, lại chạy đúng vào phòng giám đốc giữa lúc có cuộc họp về văn hóa; thì bất thần nghe tiếng xoảng một cái, chiếc tách pha trà từ tay ông Tung bay vút về phía "con nghiện". Thằng lỏi con hẳn từ khi bước vào không rời mắt khỏi ông bố, kịp né tránh, chứ không, chiếc tách ấy mà trúng, không chảy máu cũng thâm tím mặt mày.

Nhưng chỉ có thế, cũng không còn gì để kể với vợ chồng Hòa nghe đêm nay.

Ngay chiều ấy, ông Tung đi làm về, vất cái ca táp xuống xa-lông phòng khách, lập tức thể hiện uy quyền của ông bố bằng một tiếng gọi to và nặng hơn cả ngọn tầm sét Thiên Lôi: "Tùng! Tùng đâu?". Thằng con vội lao từ tầng ba xuống, mới tới đầu cầu thang, đụng ngay ông bố ở đó. Lập tức, ông bố giơ thẳng tay tát một nhát trời giáng vào mặt nó, làm nó mất đà, ngã đập đầu vào cầu thang, máu chảy lênh láng.

Trong khi chị giúp việc hoảng hốt băng cầm máu, thì ông bố chẳng những không gọi xe tắcxi đưa con vào bệnh viện, còn lồng lộn như hổ bị tuột mồi, luôn mồn mắng nhiếc: "Cứ để nó chết đi cho khỏi nợ. Con với cái! Giữa lúc đoàn kiểm tra đang làm việc thì xộc mẹ mày vào, có khác gì bôi gio trát trấu vào mặt tao không, hả... hả...!".

Tùng vào bệnh viện chưa đến hai tiếng đồng hồ, khâu mấy mũi ở chỗ đầu vỡ xong là đòi chị giúp việc gọi tắcxi đưa về. Trên đường về nhà, lúc qua ngã tư, xe dừng lại, Tùng bỗng nhìn thấy chiếc Novo màu rêu thẫm lướt qua mũi xe tắcxi, người đàn ông đi chiếc xe Novo không ai khác, chính là bố Tùng, còn người đàn bà ngồi sau vẫn là cái người nhìn thấy hôm nào ở khách sạn Sao Mai đi ra.

Tùng thấy đầu ong ong, phảng phất mùi xăng nôn nao. Tùng định bụng lần này không thể giấu biến chuyện ấy với mẹ được nữa, dù bà mẹ yêu quý con không bằng ông bố, hay chính xác hơn, bà không còn mấy thời gian dành cho việc yêu quý con. Bởi ngoài công việc kế toán bù đầu ở công ty liên doanh, bà còn bận tới siêu thị ngắm giày, thử váy áo, tìm các kiểu phấn son mới đang quảng cáo, vào hiệu thẩm mỹ chỉnh lại mái tóc, kẻ lại hàng mi, tẩy cái nốt tàn nhang mới hiện ra trên trán.

Rồi những cuộc hẹn ở nhà hàng, quán vườn đâu đó, mà chỉ có chiếc di động nằm gọn trong túi xách tay màu ghi sẫm của bà mới hiểu được. Thế nên, cuộc đụng độ giữa ông bố và cậu con trai xảy ra hồi chiều, cả việc Tùng phải đến bệnh viện khâu mấy mũi ở đầu, bà cũng hoàn toàn không biết. Nhưng thà như thế, Tùng khỏi phải hứng chịu cuộc xỉ vả lăng mạ, dù không tóe máu đầu, nhưng lại đau gấp mấy lần cú tát của ông bố.

Đêm ấy, mãi gần mười hai giờ mẹ mới về. Ấy là Tùng đoán vậy, vì nằm trên tầng ba, sau tiếng con chó lai sủa váng nhà, Tùng nghe rất rõ bước chân bậm bịch của chị giúp việc ra mở cổng. Chỉ có mẹ mới về muộn thế. Vì bà có chân trong ban chủ nhiệm câu lạc bộ khiêu vũ, không đến thì thôi, đã đến vũ trường là không thể tự ý bỏ về được - Mẹ có lần biện minh như vậy khi bố gằn hắt mẹ về khuya.

Nhưng dẫu khuya, mẹ vẫn hỏi chị giúp việc như mọi lần: "Cậu Tùng tối nay có đi đâu không?". Chị giúp việc ngập ngừng giây lát, rồi ấp úng: "Dạ, cậu...". Nghe chị giúp việc ấp a ấp úng, bà Thanh dồn: "Cậu làm sao, nói ngay!". Mới nghe chị ta kể cậu nhà theo đứa bạn ra bến tàu thủy mua cái thuốc gì ấy, con không rõ lắm, bị công an đuổi, bà lập tức nổi cơm tam bành xộc thẳng lên phòng con đang nằm trên tầng ba.

Không cần hỏi con lấy nửa lời duyên cớ sao lại ra thế, bà ba máu sáu cơn xổ ra một tràng những lời mắng nhiếc: “Thà mày đâm đầu vào xe mà chết như thằng Hà nhà Sếnh đấy, tao có đau cũng chỉ đau một lần thôi, còn mày nghiện vào thì tao đau không biết đến bao giờ, lại còn mang tai tiếng với bàn dân thiên hạ nữa. Cơ quan người ta biết tao có thằng con nghiện ngập thế này, thì tao còn mặt mũi nào mà làm việc được nữa.

Thôi thì có bao nhiêu lời hay ho, đặc sắc nhất của hạng đàn bà chua ngoa đanh đá, bà ta tung ra bằng hết. Như vẫn chưa hả cơn giận, bà lại xồng xộc xuống tầng hai rỉa rói ông chồng nào là chiều con quá mức, đã bảo cứ để nó "phát huy năng lực" thì không nghe, nay bắt thăm thầy này, mai lại thăm cô kia, rồi tiền đi píc-ních, tiền mua giầy A-di-đát, thích cái gì cũng chiều.

Giờ thì đẹp mặt con với cái chưa, hả ông ơi, là ông ơi! Nó bôi gio trát trấu vào mặt tôi rồi! Tùng nằm trên gác nghe hết những âm thanh chao chác của mẹ, rồi của bố, người nọ đổ cho người kia, không người nào chịu nhận phần thua lẽ thiệt nào về mình. Tùng nằm úp tai xuống gối, không muốn nghe, không muốn hiểu gì nữa. Nhưng kỳ thực trong đầu lại đang nghĩ lung lắm...

Sáng hôm sau, khi ông Giám đốc Nhà máy đóng tàu Trần Đức Tung và bà Kế toán trưởng Công ty liên doanh Vũ Thị Kim Thanh đi làm đã lâu, còn chị giúp việc vào giờ ấy cũng đang ở ngoài chợ, thì ở nhà Tùng lịch kịch mở khóa tủ, lôi trong chiếc cặp khóa số của mẹ ra một chiếc vòng mặt ngọc nặng tới mấy chỉ vàng và một bọc tiền mới cứng.

Tùng lấy thêm bộ quần áo và mấy cuốn vở nhét vào cặp sách cho có vẻ đi học lớp, hoặc nhóm gì đấy, nhỡ có gặp chị giúp việc hay người quen ngoài đường. Trong thâm tâm, Tùng không muốn ai nhìn thấy mình ra khỏi nhà. Lại thêm bấy giờ đang thèm thuốc. Ra đến ngoài đường, Tùng gọi xe ôm, bảo người lái xe đưa thẳng ra bến tàu thủy, vào đúng cái ngõ hôm trước bị công an đuổi.

Đang đảo mắt trông chừng có người bám theo, Tùng chợt thấy một đứa con gái hơn Tùng dễ đến mấy tuổi, như từ khe tường chui ra, cầm tay xềnh xệch kéo vào nhà, một lời anh, hai lời em ngọt xớt. Lúc lấy tiền ra trả, đáng lẽ chỉ đưa một tay vào cặp rút một, hai tờ giấy bạc ra, thì Tùng lại thật thà, hay sĩ diện, cầm cả sấp tiền chậm rãi đếm từng tờ theo kiểu dứ kẹo trước mặt trẻ con.

Thế là chị chủ nhà nháy mấy em, ra ý mời cậu Tùng vào nhà trong. ở đấy gần ba tiếng đồng hồ, Tùng được chính cô gái hơn Tùng mấy tuổi gặp ở ngõ lúc mới vào, tiếp nhiệt tình hết cỡ. Thật không còn từ nào diễn tả hết cơn cuồng hoan giữa một cô gái trải tình trường và một chàng trai lần đầu biết thế nào là thân xác đàn bà. Từ lâng lâng, Tùng chuyển sang hoảng hốt khi vừa tỉnh lại sau cơn mê mệt, chợt nhìn thấy cái cặp nằm chỏng chơ trên đất và cạnh đó mấy cái quần áo, sách vở tung toé.

Tùng bỗng tỉnh hẳn, vơ vội cái cặp, thì ôi thôi, có bao nhiêu tiền vàng lấy trong cặp số của mẹ đã không cánh mà bay. Tùng vội nhặt các thứ rơi dưới đất nhét quáng quàng vào cặp, rồi tất tưởi bước ra nhà ngoài. Chị chủ quán vừa nhìn thấy đã mắng té tát: "Xong không mau xéo đi, còn ở đây ám người ta à!". Tùng vội giơ chiếc cặp lên: "Đứa nào lấy hết các thứ trong này của tao?".

Mới nghe đến đấy, chị chủ quán đã sừng sộ: "A, thằng này ở đâu đến định ăn vạ à? Chúng bay đâu, cho nó biết thế nào là lễ độ!". Tức thì, Tùng bị ba bốn đứa cả nam lẫn nữ xông vào đấm đá không biết đường nào mà tránh. Mãi mới lao được ra ngoài, thấy đường phố đã sáng trưng ánh đèn. Cũng nhờ có thứ ánh sáng thường nhật ấy của đường phố, mà Tùng còn nhận ra con đường vào khu chung cư có con ngõ dẫn đến nhà vợ chồng Hòa đây.

Hôm sau, rồi hôm sau nữa, Hòa cũng chưa muốn để Tùng đi, dù là về nhà nó hay lẩn đi đâu đó. Đơn giản chỉ là cái chỗ đầu vỡ khâu mấy mũi của nó vẫn còn đau. Còn Tùng cũng dần hiểu ra tấm lòng vợ chồng Hòa đối với mình, lại thêm chỗ đau trên đầu cứ cách ngày lại được một bác sĩ, nghe chú Hòa giới thiệu là bạn thân làm ở bệnh viện tỉnh, đến thuốc thang, bông băng nên cũng chóng lành.

Khi vết thương lành, Tùng một hai xin cô chú thương cháu thì lặng ngắt, đừng hé ra với ai, để tự cháu trốn đi thật xa khỏi nơi này, chứ cháu không muốn nhìn thấy "ông bà" ấy một tý nào nữa. Thôi thì cháu đã định thế, cô chú cũng không gàn, nhưng cháu không phải trốn đi đâu, cứ ở với cô chú ít lâu nữa, rồi ra cô chú tính. Hòa nói với nó thế, rồi lựa ngày chủ nhật, hai vợ chồng đèo nhau về Điền Mặc, cách tỉnh lỵ ba chục cây số.

Đấy là quê Ất, ông anh họ về đằng vợ Hòa, nhưng lại coi Hòa chẳng khác anh em ruột. Ất trước làm xí nghiệp gỗ trên thị xã, khi chuyển đổi cơ chế thì về quê mở cơ sở làm đồ gỗ, thuê mướn hàng chục nhân công, cũng khá phát đạt. Hai vợ chồng Hòa đèo nhau về nhà Ất, chỗ anh em không cần giữ kẽ, kể hết đầu đuôi về thằng Tùng cho vợ chồng Ất nghe.

Thủng chuyện, bác Ất trai hỏi ngay: "Cháu giờ ở đâu?". "Từ hôm ấy cháu nó vẫn ở nhà em" - Vợ Hòa tiếp lời. Hai vợ chồng Ất cùng bảo: "Cứ cho nó ra đây, lao động tối ngày tự khắc quen hết". Hòa bộc bạch suy nghĩ của mình: "Cho thằng Tùng ra ngoài này với vợ chồng bác, trước là vì em tin hai bác có thể kèm cặp, bảo ban cháu nên người, sau nữa ngoài này xa thị thành cũng đỡ phức tạp. Còn công việc, bác trai cứ cho cháu theo như một người học nghề, tiền nong hàng tháng hết bao nhiêu, người ta thế nào chúng em gửi lại hai bác thế ấy".

Sau lời bộc bạch của Hòa, cả hai vợ chồng Ất vừa cười vừa mắng: "Tôi là hạng người gì mà cầm tiền của cô chú. Cháu nó đến vừa làm vừa học nghề là tôi như mượn người không mất công rồi". Hai ngày sau, Hòa đèo thằng Tùng xuống Điền Mặc theo học nghề mộc. Trước khi ra về, Hòa không quên dặn vợ chồng Ất có ai hỏi cứ bảo cháu một ông bạn ở mãi bên Thái Bình, trước làm cùng xí nghiệp cho sang nhờ kèm nghề.

Mới đấy, mà đã hai năm.

Hòa không thể ủ mãi niềm vui trong lòng, vội gọi vào máy di động cho vợ.

Truyện ngắn của Cao Năm - CAO
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top